Thứ Hai 11/11/2024 -- 11/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Thưa Hỏi Thiền - Chương I

 

CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT.

 

1.THIỀN LÀ GÌ?

 

Là người tu thiền, trước tiên cần phải biết thiền một cách căn bản, sau đó ứng dụng công phu mới không bị sai lệch.

 

Hôm nào đó khí trời oi bức căng thẳng, người không được khỏe, trong nhà có việc xích mích không vui, ra đường gặp toàn những việc vớ vẩn không đâu, lên công sở, ra chợ bị đồng nghiệp bạn bè hiểu nhầm hoặc quấy phá... Khi ấy, nếu phải duyệt một tập tài liệu gì đó, hoặc đọc một cuốn sách hay phải xem một tờ báo, chúng ta sẽ bị lủng củng, không trôi chảy thông suốt tí nào. Đọc thì đọc chữ vậy thôi, chứ ý này cứ đá ý kia, rất khó tiếp thu một cách đầy đủ trọn vẹn. Cho thấy, nếu để những thứ lăng xăng lộn xộn của cuộc đời chi phối trong đầu thì sẽ làm cho trí tuệ bị mờ tối, con người không được ổn định.

 

Một hôm khác thức dậy với một sức sống tràn trề, mọi chuyện trong nhà ổn định, vui vẻ, khí trời mát mẻ dễ chịu, ra đường yên ả, mọi việc tại công sở đều được trôi tròn, đồng nghiệp thân thiện đáng quý. Nhân khi rảnh rỗi, cầm một tờ báo hay một quyển sách thích ý lên đọc sẽ thấy phấn khởi, suốt thông. Không những dễ hiểu mà còn hiểu sâu, phát minh ra những điều mới lạ, thâu gọn hết ý bài văn mà tác giả muốn chuyển tải trong đó. Mới thấy, khi tâm ổn định, lóng lặng, chính là lúc trí tuệ được phát huy đúng mức của nó. Và ngay khi tâm lóng lặng, tinh thần tươi sáng, an định, trí tuệ phát huy đến mức cao tột; ngay đó, quý Thầy tạm đặt tên là Thiền.

 

Một khảo sát khác, trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, nhiều lúc chúng ta bỏ quên một thứ gì đó, cố nghĩ xem để ở đâu. Nhưng những công việc trong ngày bao nhiêu thứ lại ập đến tới tấp buộc phải giải quyết. Lúc ấy, càng cố nghĩ để tìm thì đầu óc lại càng căng thẳng, rối bời, càng mệt. Cho đến cuối ngày, lúc xong xuôi hết mọi việc, thảnh thơi thì tự nhiên lại nhớ ra. Qua đó cho thấy, nếu không khéo tu, những công việc hằng ngày sẽ làm cho tâm trí bị xáo trộn, khuấy động nên không sáng. Khi lắng lại tất cả những tư tưởng lăng xăng trong đầu, tâm sẽ an định, sáng suốt; ngay đó là Thiền.

 

Ví như có một lu nước đang bị cợn đục, chúng ta có đổ thêm nước trong vào thì nó vẫn đục. Muốn nước trong, không có cách gì hơn là để yên cái lu đó cho những cặn đục lắng xuống thì nước sẽ tự trong. Như vậy, trong cái đục vốn đã sẵn cái trong. Nhưng vì bị lắc động cho nên tạm thời vẩn đục vậy thôi. Tâm của chúng ta cũng vậy. Tự tâm của mỗi người vốn sáng, nhưng vì theo trần cảnh, không biết cách lắng lại cho nên bị đục đi. Từ đó khiến cho con người dễ bực bội, mệt mỏi, tối tăm, rối ren, lăng xăng, lộn xộn, gặp việc gì cũng khổ đau. Như thế là đang sống với tâm phàm phu tầm thường của chúng sanh. Nếu khéo lắng lại tất cả thì tâm thể LẶNG MÀ SÁNG hiện tiền, ngay đó là THIỀN.

 

Nói thẳng đến Thiền tông, Thiền sư Tông Mật nói: “Thiền là không định, không loạn”. Hằng ngày do loạn động quá cho nên tu tập, muốn dừng cái loạn động để trở về sự an định. Vậy thì Thiền không phải loạn động là đúng rồi. Nhưng tại sao ngài Tông Mật lại nói không phải là định nữa? Bởi nếu nói thiền là định thì tâm hành giả sẽ tự nó lập nên một cái gọi là định để gìn giữ. Nhưng nếu còn có chỗ để gìn giữ là có chỗ bám cho nên tình thức sanh khởi, là đã lầm qua, không phải thiền định; là đã đánh mất thiền định rồi. Bản tâm chân thật nơi mỗi người vốn tự không loạn, muốn động cũng không xong thì cần gì nói định? Nếu còn thấy có một tâm an định để gìn giữ là có ngăn trước ngừa sau, thì đó chỉ là sự an định do chú tâm mà được, là sự an định có giới hạn, không phải là tính chất định rốt ráo sẵn đủ nơi tự tánh chúng ta. Khi nghe nói: Thiền là không phải định cũng không phải loạn, vậy có chỗ nào cho chúng ta bám vào làm cơ sở để hiểu được không? Khi rời cả hai bên định và loạn, không có chỗ cho tình thức bám hiểu, ngay khi không hiểu thì cái gì đang sáng biết không động đang hiện bày sờ sờ ra đó? Ngay đó nhận thẳng, mới hay ra, THIỀN đang bàng bạc khắp cả mọi lúc mọi nơi chưa từng thiếu vắng bao giờ! Sẽ hay ra, Thiền là Thiền, không là gì cả.

 

2. VÌ SAO CHÚNG TA PHẢI TỌA THIỀN?

 

2.1.    Thiền là cốt tủy của đạo Phật.

 

Đức Phật tu thiền, do tọa thiền mà thành đạo. Chư vị Tổ sư cũng do tu thiền mà chứng đạo; nhiều đời thay nhau trao truyền tâm thiền này. Thời cận đại, Hòa thượng Tôn sư cũng từ thao thức tu thiền và sáng đạo. Con cháu ngài đang tiếp nối tâm tông (Thiền tông) làm tỏ rạng, lan tỏa khắp muôn nơi.

 

Khi đã thành Phật, đức Phật vẫn tiếp tục tọa Thiền. Lý do để điều hòa sức khỏe, đồng thời làm gương cho đời sau; hơn hết là để khẳng định thiền là cốt tủy. Đạo Phật tuy có nhiều pháp môn hành trì, nhưng đều phải đạt đến thiền định mới có kết quả. Cụ thể trong Tam Vô Lậu Học, ba môn học rốt ráo, không còn rơi rớt của người tu chính là Giới, Định và Trí Tuệ. Cho thấy thiền định là nền tảng và trọng tâm. Vì thế chúng ta tu hành muốn thành Phật thì phải tu tập Thiền định.

 

2.2.    Tọa Thiền là phương pháp tối ưu để công phu đắc lực.

 

Trong 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi đều có thể thực hành thiền. Nhưng ngồi là một phương pháp tối ưu giúp công phu tiến bộ mạnh nhất. Ngồi thiền giúp chúng ta chiến thắng được bản thân và tâm yếu đuối, hèn nhát, lười mỏi; là công phu chính để được suốt thông, thân tâm an lạc, đạt đến định tuệ viên mãn. Đây là nền tảng căn bản để tiến sâu vào các công phu đặc biệt tiếp theo không bị trở ngại.

 

3.XEM NHẸ, ĐỪNG QUAN TRỌNG MỌI THỨ  BÊN NGOÀI

 

Muốn giúp cho đời sống tu tập được nhẹ nhàng, sức tỉnh giác cao, khế hợp với thiền thì trước tiên cần phải phần nào làm chủ ngoại duyên. Muốn làm chủ ngoại duyên thì đừng thèm dính mắc mà nên xem nhẹ mọi thứ bên ngoài. Quý Thầy vẫn thường nói: “Cái gì thiếu mà không chết thì không cần”.

 

Chúng ta cần thân này để sống, để thực hiện lý tưởng, chứ không phải lệ thuộc nó để thụ hưởng rồi bị vật chất sai khiến, trói buộc mình.

 

Có những người ngày xưa làm ruộng, làm rẫy vất vả, cơm không có ăn, chỉ ăn toàn khoai sắn độn lẫn vào rất ít gạo, bữa nào cũng giống bữa ấy, ăn không đủ no, bụng luôn cồn cào, thế mà con người vẫn sống vui và khỏe. Bất thần mọi chuyện thuận lợi, cơ may chợt đến, bỗng chốc trở thành một doanh nhân nổi tiếng, đi xe hơi, ở nhà lầu, có người hầu kẻ hạ, hét ra lửa… Được một thời gian khá dài rồi do làm ăn thua lỗ, mất hết tài sản, chỉ còn khoảng vài tỷ đồng và nhà cửa, xe cộ… Lúc này tự nhiên thấy bị thiếu thốn, bó buộc, mặc cảm… không sống được, buồn chán, túng quẫn… Ngày xưa cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà vẫn sống được bình thường. Ngày nay còn chừng đó là quá nhiều so với trước kia, nhưng tại sao lại không sống nổi? Đó là do quá quan trọng về vật chất nên đã bị dính mắc. Nếu khéo lìa được sự dính mắc bên ngoài thì sẽ trả lại sự tỉnh táo nơi mình. Khi đã tỉnh táo rồi thì có thiếu cơm rách áo cũng vậy, khi danh vọng tràn trề cũng vậy. Nếu đã được “cũng vậy” rồi, thì mọi thứ chỉ là tùy duyên; có và không cũng chỉ có vậy. Vậy là chúng ta đã đủ sức chủ động để dùng mọi thứ, chứ không bị bất kỳ thứ gì sai khiến và dùng được mình. Năng lực đó sẽ giúp con người làm chủ ngoại cảnh.

 

4.LÀM CHỦ THÌ KHÔNG BỊ NGOẠI DUYÊN DÙNG MÌNH, MÀ MÌNH HAY DÙNG ĐƯỢC MỌI THỨ.

 

Ngày xưa không có gì trong tay vẫn sống được. Hiện nay văn minh, hiện đại tối tân thì chúng ta sử dụng mọi thứ tiện nghi vào việc có ý nghĩa, nhưng không để bị lệ thuộc. Và mai sau nếu không còn nữa, chúng ta vẫn sống như ban đầu thế thôi. Nó đến thì tôn trọng, nhưng không có nghĩa là quan trọng và lệ thuộc, cũng không phải bất cần; chỉ là trân trọng mà không dính mắc, không cần thiết. Điểm chính yếu là “mình dùng nó hay nó dùng mình”. Cho nên có câu: “Lòng mình đủ rộng, thì hay dung hết cổ kim”. Khi thấy có một cái khiến cho mình bực bội, đó là lòng đã bị thu hẹp, không đủ rộng, không dùng được nó mà đã bị nó làm cho ngăn ngại, mất tự chủ và không được tự do tự tại rồi.

 

Khi bàn tay bận nắm một vật gì đó, có nghĩa là đã bị trói buộc, ngăn ngại bởi vật trên tay cho nên không thể nắm những gì còn lại. Khi không nắm tất cả thì sẽ được tự do, muốn nắm cái gì cũng được. Tùy thời, tùy nghi buông nắm tự do tự tại. Tương tự, khi lòng dính mắc một cái gì đó, liền bị khu biệt giới hạn trong việc đó, vật đó; bị cái đó che khuất, làm cho ngăn ngại, lòng người không còn đủ rộng. Nếu không dính mắc hay dừng trụ trên bất cứ gì cả, thấu suốt qua tất cả thì tâm thể vốn tự rỗng lặng, sáng ngời, thênh thang. Tâm này có đủ năng lực tự chủ, các pháp không còn đủ sức chi phối cho nên chúng ta được tự tại, tùy duyên trên các hoàn cảnh, không bị các pháp sai khiến mà hay chuyển được các cảnh; đây gọi là hay dùng được tất cả. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu hay chuyển vật, tức đồng Như Lại”.

 

5.CÒN CÓ SỞ ĐẮC, CÒN CÓ CHỖ TRỤ LÀ ĐÃ  NHỐT MÌNH TRONG HẠN HẸP,  KHÔNG ĐẠT ĐẾN ĐƯỢC BIỂN LỚN ĐẠI GIÁC.

 

Ví dụ khi nghe tiếng ve kêu mà để ý theo nó là tâm mình đã bị cột vào nó, tự thu hẹp lại, không nghe được những tiếng khác. Nếu cố ý nghe tất cả các tiếng khác thì tâm cũng bị thu hẹp tương tự, sẽ căng thẳng hơn, không hợp đạo. Hoặc khi cố tình không nghe những tiếng chung quanh để tập trung lắng nghe những lời giảng giải này, tâm ta gom về một mối, ngỡ là an tịnh. Nhưng đó chỉ là tướng tịnh nhất thời. Bởi khi rời đây để đi ra ngoài kia thì tướng tịnh ấy không còn nữa. Hơn nữa, khi chú ý nghe theo những lời giảng giải là đã bỏ quên chính mình mà đi ra theo lời này rồi, tức là đã bỏ quên cái tâm chân thật chính mình đang lặng sáng biết nghe một cách lưu thông, không hề ngăn ngại. Mới biết, quên mất chính mình là tâm đã đi ra theo vật; chứ không phải đợi đến khi lao ra phan duyên dính nhiễm có tướng động rồi mới phát hiện thì đã quá muộn màn, tồi tệ. Đây chính là chỗ tâm chúng ta bị nhốt lại, bị khu biệt, giới hạn bởi những lời giảng này. Cứ ngỡ chú tâm là thanh tịnh, nào ngờ là đang bị nhốt; tâm đã rơi vào hạn lượng sanh diệt của hai tướng động và tịnh.

 

Thử buông xuống mọi thứ, an trở lại ngay tánh sáng biết chính mình, không lo ra và cũng đừng thèm để ý. Không chú tâm, không phải phớt lờ qua, cũng không khởi tâm để mặc kệ; lúc này, tánh sáng biết chính mình sẽ tự nghe biết suốt tất cả một cách tự nhiên như nhiên, không động. Cái ấy mới chân thật, luôn hiện hữu; không mất trên mọi cảnh duyên.

 

Nếu chấp cho rằng, mình đang có một cái đang nghe cả tiếng ve, cả tiếng quý Thầy nói và nhiều tiếng khác nữa thì cũng là nghe theo tiếng mà quên mất mình thôi. Cái ấy vẫn còn có sự chú tâm mới được, cho nên còn hạn lượng, còn ngăn ngại, chưa phải. Bất thần lâm vào tình cảnh súng đạn chiến tranh, thử hỏi lúc này dụng công tu tập như thế nào? Có thể chú tâm như trên để đối diện với trận mạc một cách an nhiên bình thường như không có gì xảy ra được chăng? Trận chiến có tướng hình mà không công phu được, với trận chiến tử sanh trong tâm mỗi người làm sao giải quyết xong! Mới biết, công phu theo cách chú tâm trên chưa khế với đại đạo. Nó sẽ mất khi chúng ta chú tâm mỏi quá, căng thẳng; hay khi rời khỏi chỗ ngồi này để làm một công việc khác. Ngược lại, chỉ cần an trở lại, tĩnh lặng sáng ngời, không rời cũng không trụ trên tất cả thì nghe biết suốt tất cả, không động, không ngăn ngại. Cái này mới là chân thật, không bao giờ mất. Do đó, Ngũ Tổ nói với Lục Tổ: “Nếu người thực sự thấy tánh thì dù múa đao giữa trận cũng thấy tánh”, là vậy.

 

Nếu nói chú tâm, làm việc gì biết việc đó. Điều này thích hợp cho người mới vào đạo. Nhưng nếu muốn tiến đến công phu rốt ráo hơn thì phải nhận rõ, khi tâm chăm chú vào công việc là đã đánh mất chính mình mà theo vật bên ngoài. Dù được sự an định cũng chỉ là con đường đưa đến định tánh Thanh Văn, không đạt được đại định tự tại như chư Tổ Thiền tông chỉ dạy.

 

Và nếu nói sống trở lại với hiện tại, với thực tại, vô tình tâm đã tự lập nên một cái thực tại, thấy có một cái thực tại để chú tâm. Dù cái đó có lớn lao đến dường nào đi nữa thì cũng là cái đối tượng bị biết bên ngoài mình, không thật. Chính cái thực tại này đã che khuất bản tâm chân thật rốt ráo nơi chính mình. Cụ thể là hiện nay quý vị đang chú tâm nghe quý Thầy nói chuyện, tức là không tán tâm, đang được thanh tịnh, đang trở về với thực tại. Nhưng khi chú tâm nghĩa là quý vị đã bỏ quên ngôi vị chánh định chính mình mà trụ tâm theo lời pháp này, hoặc là an trú theo cái được gọi là thực tại; thì lúc này đây, cái chân thật chính mình đã bị bỏ quên, che khuất. Đây chính là chỗ Thiền tông chưa chấp nhận là rốt ráo. Bởi chưa giúp cho chúng ta đạt đến đại định đúng nghĩa. Mà điều dễ nhận ra là đạt đến ngang đây vẫn chưa phát huy được trí huệ chiếu phá sanh tử, chưa linh hoạt, chưa tự tại đúng mức như các Thiền sư đã khai thị.

 

6. NƯỚC CHẾT KHÔNG CHỨA ĐƯỢC RỒNG

 

Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy, các bậc Bồ-tát cần giữ lại trí xảo trì mới tiến lên hành Bồ-tát đạo, viên mãn Phật đạo. Nếu triệt luôn trí đó thì chỉ dừng lại chỗ một vị A-la-hán không phát tâm thêm mà từ chuyên môn gọi là Bất hồi tâm độn A-la-hán. Chỗ này trong nhà Thiền gọi là đầu sào trăm trượng, là nước chết không chứa được rồng, bởi cái trí dụng chiếu phá sanh tử chưa phát khởi. Thiền sư Pháp Thành ở Hương Sơn nói: “Dù cho thuần thanh tuyệt điểm, vẫn còn là chơn thường lưu chú”. Dù đạt được thanh tịnh tuyệt đối, nhưng nếu chưa phát được trí chiếu phá sanh tử thì vẫn còn là một sự trôi chảy nhỏ nhiệm trong chỗ chơn thường kia, chưa được đại tự tại. Chỗ ấy vì quá nhỏ nhiệm vi tế nên chúng ta không thấy và dễ lầm tưởng cho là đã đạt đến chỗ rốt ráo rồi. Nhưng người đạt đến đây còn thấy có sanh tử đáng lìa, thấy có niết bàn cần thể nhập; sợ sanh tử, chán ngán sanh tử, ưa thích niết bàn vắng lặng. Cái thấy còn lấy bỏ, còn lấy cái này và rời bỏ cái kia, còn kẹt hai bên; đó là những dấu hiệu cho thấy trí chiếu phá sanh tử chưa được phát huy. Trí xảo trì là trí sáng biết sinh động, sống động trong tự tánh chánh định chính mình, chứ không phải là cái tinh xảo còn động trong đời thường. Cái biết này không có chỗ để biết mà hay biết suốt tất cả; không động, không mê mờ, không có gì là không biết. Vô cùng bình dị, gần gũi, bình thường. Ai chưa đến thì chưa nhận ra hết giá trị của nó cho nên hơi khó tin. Nhưng một khi đã sống được rồi thì mới thấy ngập tràn lạc an, nhưng sâu lắng khó tả, các thứ nhiệm mầu đều từ trong ấy; mới có phần tự tại và linh hoạt trong sanh tử. Do đó, Thiền sư Tử Thuần dẫn lời cổ đức bảo Thiền sư Hoằng Trí: “Tạm thời chẳng còn thì như đồng với người chết.”. Các Thiền sư đã sống trong ấy cho nên thấy rõ, tạm rời trong ấy thì đồng với người đã chết không khác. Mới thấy, trong ấy sống động như thế nào.

 

7.TÓM LẠI

 

Nếu thấy nghe mà có trụ trước là còn phan duyên, có dính mắc, chưa thoát khỏi sanh tử. Theo âm thanh sắc tướng là theo tướng bên ngoài. Thấy có sở đắc, có chỗ tu chứng, có chỗ thanh tịnh để bám giữ là theo tướng bên trong. Như thế là đã bỏ mất đại định chánh trí mà theo sở chứng, là còn có chỗ xen hở cho thức thần tồn tại. Khi hội đủ duyên, thức này sẽ phát khởi vọng niệm trở lại và vào luân hồi sinh tử. Chỗ này mới nghe qua thì thấy như là thường, nhưng có sống đến rồi mới cảm nhận được giá trị siêu việt của nó.

 

8. CHỈ CẦN GIÁC TRỞ LẠI, LIỀN XONG

 

Khi thấy cảnh, nghe tiếng, nghe những lời này, quý vị không cần trụ trên một gì cả, chỉ cần giác trở lại một cách bình thường thì tánh thấy nghe này tự lưu thông một cách phi thường, tự nghe thấy sáng biết suốt thông không động. Không cần suy nghĩ mà vẫn thấy nghe rõ biết không ngằn mé, thênh thang mà không phải có tướng của thênh thang; vượt trên những suy nghĩ phân biệt tầm thường của trí sanh diệt thế gian. Khi công phu, không khéo thường bị lầm chữ giác này. Nghĩ rằng, phải có trụ, có chú tâm để tỉnh giác. Nhưng trụ đó chỉ được tỉnh giác trong cái an định tạm thời thôi. Còn thể tánh toàn giác này thì bản chất nó vốn không động, vốn tự tịnh, tự định mà biết khắp, không một vết mê mờ, đây mới đủ lớn.

 

9. ỨNG DỤNG VÀO CÔNG PHU TU TẬP

 

Tương tự, khi áp dụng công phu biết vọng để tu tập cũng vậy. Thông thường do chưa nắm rõ yếu chỉ Hòa thượng Ân sư chỉ dạy cho nên áp dụng chưa đúng mức. Hành giả thường bị rơi vào tình trạng đợi cho đến khi vọng khởi rồi mới biết, và biết đó là “biết về vọng tưởng”, “biết theo vọng tưởng”; gần như là ngồi đếm vọng tưởng hơn là dụng công tu tập. Vọng vừa khởi lên liền lao theo nó để đếm mà không sống được với thể tánh chơn tâm vốn tự sáng biết. Như vậy là đã có chỗ cho thức sinh khởi. Có làm gì đi nữa cũng là có chỗ cho thức sinh, mà thức sinh thì không làm chủ được vọng niệm, vì thế vọng niệm cứ còn hoài. Khi vọng niệm chưa nhiều thì còn có thể “biết về vọng, biết theo vọng” được, chưa thấy trở ngại gì, chưa phát hiện ra mức hạn chế của nó. Nhưng nếu vào thất hạ thủ công phu miên mật, buổi đầu chưa có kinh nghiệm nhiều, sẽ có lúc vọng niệm khởi lên thành đàn thành đống như nước lũ cuộn trào; lúc đó sẽ bị choáng ngợp, bất lực, không còn biết vọng nổi nữa và tự dưng cảm thấy hoảng loạn và sợ hãi với chính vọng tưởng của mình. Đến lúc này mới phát hiện ra, do trước kia công phu theo kiểu “biết theo đuôi vọng, biết về vọng” cho nên bây giờ không thể chiến thắng, không thể làm chủ được vọng tưởng. Cho hay, đợi vọng khởi mới có biết, biết đó là biết về vọng, biết theo đuôi của vọng, là áp dụng công phu chưa đúng pháp cho nên định lực không đủ lớn, không thể điều phục và làm chủ được vọng tưởng.

 

Thiền sư Tông Mật nói: “Vọng niệm vốn không, nhưng theo nó thì thành sự”. Trên thực tế, nói vọng niệm là giả, nhưng nếu không khéo tu thì nó sẽ quấy rầy con người mãi. Phải làm sao mới hết vọng niệm?

 

Thực ra, vọng niệm không có chỗ sinh cho nên nó là huyễn hóa, không thật. Vì nếu có chỗ sinh thì sẽ sinh ra mãi không bao giờ hết và không ai tu hành thành Phật, không ai có thể giác ngộ thành Tổ được. Nhưng thực tế vẫn có người tu hành làm chủ vọng niệm và đạt đạo thì vọng niệm không thể có chỗ sanh ra nó được. Rõ ràng đang ngồi tỉnh giác mạnh đây thì không có vọng niệm nào cả. Nhưng vừa thoạt quên thì vọng niệm liền có ra. Và nếu tiếp tục duyên theo thì nó sẽ thêu dệt thành hàng, thành đống. Mới thấy, “vừa quên”, tức là bất giác thì vọng niệm liền tạm có ra chứ không có một chỗ cố định sản sanh ra nó. Và vừa giác trở lại thì không còn nữa, mà cũng chẳng thấy dấu vết của nó đi về đâu. Đó là những dấu hiệu cho thấy, vọng niệm là giả, không thật có.

 

Khi thoạt quên liền mê, ngay đó căn thức có ra, bắt đầu có suy nghĩ, vọng niệm. Căn thức có thì vọng niệm sinh; và vọng tiếp tục khởi sanh là do anh căn thức này tiếp sức. Căn thức không phải sanh ra vọng tưởng mà nó là kẻ nuôi dưỡng, duy trì để vọng niệm tồn tại, sanh khởi. Căn thức lúc này không phải là cái thức phân biệt đúng sai... thô phù cho chúng ta nhận biết, mà nó là một sự âm thầm, trôi chảy nhỏ nhiệm, chỉ người đại ngộ, vượt qua rồi mới phát hiện ra. Ví như từ xa trông thấy dòng thác trắng xóa như một dải lụa bất động, nhưng đến gần mới thấy nó đang phun bọt tung tóe, chảy đều và dệt thêu liên tục. Căn thức này các Thiền sư gọi là thức thần. Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm nói:

 

Học đạo chi nhân bất thức chân,

 

Chỉ vị tùng tiền nhận thức thần.

 

Vô thủy kiếp lai sanh tử bản,

 

Si nhân hoán tác bản lai nhân.

 

Nghĩa là:

 

Học đạo mà không tỏ lẽ chân,

 

Bởi tại lâu rồi nhận thức thần.

 

Vô số kiếp rồi, gốc sanh tử,

 

Người ngu lại gọi chủ nhân ông.

 

Ví như khi bật hộp quẹt châm vào tim cây đuốc dầu thì ngọn lửa cháy bùng lên. Ngọn lửa không phải do dầu sanh ra, nhưng chính dầu là kẻ nuôi dưỡng, duy trì ngọn lửa tồn tại. Nếu dùng miệng để thổi trực tiếp vào ngọn lửa thì chỉ làm cho nó bùng cháy mạnh hơn. Muốn cho lửa tắt, chỉ cần rút hết dầu ra thì lửa tự tắt chứ không làm gì trên nó cả. Lửa tạm ví dụ cho vọng niệm. Dầu dụ cho căn thức, thức thần. Ngay thể tánh ban đầu của mỗi chúng ta vốn tự không vọng. Do thoáng bất giác, thoạt quên cho nên vọng niệm chợt có ra. Thức không sanh ra vọng, nhưng căn thức lại hay nuôi dưỡng, duy trì vọng niệm. Can thiệp vào vọng niệm chỉ là vô ích. Bởi vì thức còn thì niệm còn. Càng can thiệp vào vọng niệm thì căn thức càng được mạnh thêm; giống như càng thổi thẳng vào lửa của ngọn đuốc lớn thì đuốc càng phừng phừng cháy mạnh. Khi công phu, chỉ cần không theo vọng niệm là tốt, chứ không cần can thiệp như là dẹp trừ, biết về, biết theo hay mong muốn mau hết vọng. Muốn hết vọng cần có phương pháp. Phương pháp hữu hiệu là phải ngay thức thần này mà trị là xong. Khi thức bặt thì niệm dứt, chân trời giác ngộ sẽ mở toang, cũng như dầu hết thì lửa tự tắt. Điểm lưu ý ở đây là đừng đụng đến ngọn lửa mà phải rút dầu ra thì ngọn đuốc sẽ tự tắt.

 

Nhưng làm thế nào để diệt được thức thần? Vừa khởi làm gì, làm thế nào thì ngay đó chính là bản thân của thức thần rồi. Mà để không, không làm gì thì gần với vô minh, thức thần được ủ trong vô minh và thêm lớn mạnh. Nó giống như khối u ác tính, vừa đụng dao kéo là di căn; mà không làm gì thì cũng bị bệnh hoạn hoành hành. Có làm cũng không được, không làm cũng không xong. Vậy làm sao để diệt được thức thần kia?

 

Có làm gì và không làm gì đều là đang nhắm thẳng trực diện vào thức thần để giải quyết cho nên không thành công. Không nên can thiệp trực tiếp lên nó; chúng ta phải tìm một cái gì đó mà căn thức không ưa. Khi nâng cao cái đó lên thì tự căn thức bị hạ thấp xuống. Cái đó là GIÁC. Hễ anh giác xuất hiện thì anh thức này yếu đi. Thử ngay đây quý vị trấn tĩnh, giác sáng mạnh lên thì không bị mê mờ. Cho thấy, khi sức giác có mặt càng cao thì căn thức này càng bị suy yếu. Đến khi sức công phu đủ lớn, không trước không sau, bất chợt sức GIÁC vụt tăng thì bỗng dưng CĂN THỨC dứt bặt, vắng lặng, sáng trong; vọng niệm tự nó tan biến hồi nào không rõ, ngay đó CHÂN TRỜI GIÁC NGỘ liền mở ra, mới thấy Phật pháp rất diệu kỳ. Lâu nay tu hành, ăn nói, làm lụng, công phu đủ điều chỉ giống như một người ở trong mộng tạo tác. Lúc này, trong mọi sinh hoạt hằng ngày, chỉ cần sống ngay đó thì vốn tự tịnh, tự định, sáng biết thênh thang trùm khắp; mọi thứ không còn là vọng mà là DIỆU DỤNG CỦA TRÍ.

 

Trong Kinh nói, đức Phật là bậc nhất thiết chủng trí, tức là bậc có trí tuệ thấy biết tất cả, nhưng không phải là vọng tưởng. Vì đức Phật biết là thấy biết bằng bản thể sẵn sáng trùm khắp không động, cho nên cái biết tất cả này trở thành diệu dụng của trí, chứ không phải vọng động sanh diệt như chúng ta. Chúng sanh biết đủ thứ, nhưng do chưa thoát khỏi thức thần nên biết theo tình thức phân biệt vọng động; vì vậy nó chỉ là trần lao phiền não, là vọng động sanh diệt của chúng sanh. Diệu dụng thì an lạc, giải thoát, tự tại trong sanh tử. Vọng động thì trôi lăn trong sanh tử, luống chịu mọi thứ khổ đau.

 

10. ỨNG DỤNG VÀO SINH HOẠT HẰNG NGÀY

 

Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói với Ngài A-nan: “Ta ấn ngón chân, đại địa phát quang. Ông vừa khởi tâm, trần lao dấy trước” (Như Lai án túc, hải ấn phát quang. Nhữ tiện khởi tâm, trần lao tiên khởi). Đức Phật là bậc đã giác ngộ cho nên làm gì cũng không ra ngoài một tánh tròn đầy giác sáng bất động, nhất cử nhất động đều là diệu dụng của trí. Ngài A-nan là đại diện cho tất cả chúng ta. Còn là phàm phu, còn thức thần, còn vọng động sanh diệt thì làm gì cũng đều nằm trong trần lao phiền não. Giống như con rùa khi ở dưới nước thì còn ướt, nhưng lên bờ rồi thì nó có làm gì cũng ráo khô; muốn xuống nước hay lên bờ gì cũng được, tự do tự tại. Nếu là cá thì ở trong nước và buộc phải ở trong ấy, có vẫy vùng cách nào cũng không khỏi ướt. Hễ giác thì làm gì cũng là diệu dụng của trí. Mà mê mờ thì làm gì cũng không thoát khỏi vọng động, phiền não, trần lao.

 

Cho nên, bằng tâm giác sáng, không động mà làm mọi việc thì việc nào cũng đang phát quang. Còn nếu quên tâm này, vọng động mà làm thì liền đó phiền não trần lao dấy khởi. Nói đến chứng đắc có lẽ quá lớn lao, có người chưa sẵn sàng nghĩ đến. Nhưng nếu thử thể nghiệm ngay tâm mình thì sẽ cảm nhận được rất rõ ràng.

 

Cụ thể hằng ngày, trên mọi sinh hoạt, giác lại rồi làm, tỉnh lại rồi làm. Lên xe, tỉnh rồi đi. Lên lớp, tỉnh rồi nói. Ra chợ, tỉnh rồi mua đồ. Gặp việc, tỉnh giác rồi xử lý... Chỉ tốn khoảng nửa giây thôi, nhưng công việc có hiệu quả hơn nhiều và lại được tất cả.

 

Tu là sống ngay cái nhân giác ngộ vô sanh để trở thành quả vị vô sanh (quả vị Phật). Cho nên đang giác là đang ở trong đạo tràng, là đang tu, không đi tìm gì khác. Trong tâm mỗi chúng ta thường có thói quen ngấm ngầm luôn âm thầm đi tìm một cái gì đó. Hơi trống một chút là tìm cái gì đó để lấp vào. Khi tu hành thì lại đi tìm cái giác ở đâu đó. Đó là thói quen, cũng là bản chất của thức muốn phan duyên, xúi con người tìm kiếm duyên trần để bám víu. Nghe nói vô sanh thì tâm tưởng lại lập nên một cái tâm vô sanh để nhận, để ôm giữ chứ không biết khéo thể nhận lại. Nói nhận thẳng đến chỗ vô sanh, không một chỗ cho tâm y cứ vào để có thể sanh hiểu được thì liền nghi ngờ; bởi chỉ muốn bám víu, nương tựa theo kiểu của thức tình. Mà có cái để bám đeo thì đó là chưa thoát khỏi thức thần, là còn trong trần lao phiền não. Tu thì muốn giác ngộ đến chỗ rốt ráo chân thật, nhưng dụng tâm thì lại cứ bám đeo để nằm mãi trong phiền não trần lao. Thật không hiểu nổi! Đó là cái mê lầm của chúng sanh đã nhiều đời cho nên bị sâu dầy quá rồi. Bây giờ phải kiên trì, tỉnh giác thường xuyên thì công phu tu tập mới có công hiệu.

 

Chỉ sợ mình không chịu làm Phật thôi, chứ không có vị Phật nào ngu dốt cả. Ngay khi sống trở lại tâm thể giác sáng an tịnh thì nó sẽ tự biết nên làm gì. Không cần tính toan suy nghĩ, nhưng nó tự sáng biết và bền bỉ hơn tâm suy nghĩ rất nhiều. Sống được như thế là đang dùng TÂM KHÔNG ĐỘNG để làm nên tất cả trở thành diệu dụng. Còn dùng TÂM ĐỘNG, tâm vọng tưởng nghĩ suy để làm thì đó chỉ là VỌNG TÌNH sanh diệt mà thôi. Diệu dụng thì giải thoát, an vui. Vọng tình thì khổ đau phiền não. Cho nên, các Ngài xưa thường nói: Phút chốc tạm quên tâm giác này thì liền đồng với người chết. Nếu ai công phu mạnh mẽ, cảm nhận được như quý Ngài thì sẽ cảm nhận được sự an lạc, giải thoát ngay trong đời sống hằng ngày một cách rất rõ ràng, chân thật.

 

Như dưới kia có cả ngàn đứa bé đang đùa chơi. Nếu đứng lặng mình trên lầu nhìn xuống thì sẽ trông thấy toàn thể cả ngàn đứa trẻ, thấy hết các hành động, vẻ mặt của chúng nó không sót đứa nào mà mình vẫn an nhiên không động. Nhưng nếu xuống đùa chơi với nó thì chúng ta sẽ bị cuốn hút loạn động như thói trẻ con và chỉ thấy được chừng mười đứa quanh ta thôi. Những đứa trẻ là dụ cho trăm ngàn công việc và tình huống hằng ngày mà con người phải đối diện. Nếu bằng tâm tỉnh lại, giác sáng để làm, để hành xử thì tâm đó tự vượt trên tất cả các việc, không bị hòa tan bởi sinh hoạt. Nó rất thông minh, sẽ biết nên làm gì mà tự nó vốn không động. Làm tất cả mà đang giác, đang tu và công việc có hiệu quả hơn nhiều. Sống được như thế là được tất cả. Nếu dùng tâm suy tư nghĩ tưởng để làm thì bị loạn động. Càng loạn động thì càng mê mờ, càng căng thẳng, mệt mỏi, bỗng dưng muốn chán... Đó là nguyên nhân khiến cho con người lâm vào bệnh tật, công việc có hiệu quả thấp hơn và không giải quyết dứt hẳn được khổ đau, phiền muộn; có khi còn bị trầm trọng, tồi tệ hơn.

 

Công phu tu tập đúng pháp tất yếu sẽ được tiến bộ theo thời gian. Sức giác càng mạnh thì phiền não trần lao càng giảm. Và cuộc sống an ổn sẽ tùy thuộc vào thời gian và sức công phu mạnh hay yếu của mỗi người. Trong bất cứ công việc hay trường hợp nào, chỉ cần một việc giác sáng toàn thể để thấy biết, để làm tất cả các công việc; cứ kiên trì tu tập như thế lâu ngày chắc chắn sẽ cảm nhận được điều kỳ diệu, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng vô cùng.

 

11.KHÔNG ĐÒI HỎI CẢNH DUYÊN THUẬN THEO MÌNH

 

Thường ngày chúng ta hay phán đoán mọi việc qua bản ngã của mình. Trời nắng thấy khó chịu quá, nhưng không biết rằng nắng đang cần cho người phơi lúa. Trời mưa ướt át không dễ chịu chút nào, nhưng không biết mưa đang cần cho người làm ruộng. Sao ngủ chung phòng mà cứ đóng cửa hoài ngột ngạt bực bội quá, mà không hề quan tâm người bên cạnh mình đang bị trúng gió nên cần sự kín gió hơn… Sống bằng bản ngã, quen phán đoán qua bản ngã, muốn mọi thứ phải theo mình, bị cái ngã làm chướng ngăn cho nên không quen thích nghi với nghịch cảnh. Khi nghịch cảnh đến thì khổ sở và mong đợi nó qua đi theo ý mình, từ đó khổ đau. Muốn thắng nghịch cảnh, phải khéo dụng tâm. Ngay khi đang gặp việc bất như ý, đừng vội trách cứ tại sao như vậy, cũng không thèm mong muốn nó qua mau, đừng nghĩ phải chi nó không đến mà nên tỉnh táo, tìm sự trong lặng trên nó để xem coi, ngay đây Phật pháp là gì? Phật tánh đang ở đâu lúc này, để sách tấn buộc mình phải tiến tới. Làm như thế như là mình bị ép, nhưng phải ép mình thì tự ngã mới tiêu, mới không bị cản trở và dễ tiến đạo. Tự mình khắc tâm làm đúng, sẽ tích cực hơn đòi hỏi người khác hay hoàn cảnh đúng như ý muốn của mình. Đòi hỏi như thế chỉ là tô bồi, nuôi dưỡng cho tự ngã chướng đạo của mình lớn thêm. Nhưng làm đúng mà cố chấp thấy tôi làm hay cũng là nuôi lớn tự ngã này. Điểm chính yếu ở đây là chặn hết các đường, không có chỗ cho tâm sanh khởi. Như là: Đừng nghĩ lui, phải chi đừng làm như thế, phải chi biết trước thì nên làm thế kia... Đừng thèm mong nghịch cảnh qua mau, đừng thèm quan trọng nó, không có một niệm bào chữa dung dưỡng dù đó là niệm thiện, niệm đúng... Tất cả không có đường cho niệm phát sinh và chỉ tìm lấy sự lặng trong sáng ngời trên nó, ngay đó đạo lý chân thật sẽ sáng ngời. Đó cũng là cách thực tập giác ngộ ngay tại các hoàn cảnh thế gian. Cứ mạnh dạn thử thực tập đi, rồi sẽ thấy nhiều thú vị!

 

12.KIỂM TRA CHỖ THƯỜNG HAY QUÊN, BẤT GIÁC

 

Thông thường khi ngồi ở trạng thái cố định thì dễ làm chủ và đang rất tỉnh sáng. Nhưng vừa bắt đầu chuyển sang động thái khác, vừa đứng dậy để đi thì hành giả lại khinh suất (xem thường) và bất giác (quên) ngay khi ấy. Các bậc cổ đức nói: “Họa hoạn nằm ở nơi không nơi chốn, nhưng sẽ phát ra ngay chỗ khinh suất” (xem thường). Tức là hiện nay đang ngồi đây thì không thấy họa hoạn ở đâu cả. Nhưng khi bước ra, trong thoáng vừa xem thường sơ suất chút xíu là sẩy chân liền... Vậy thì không cần quan tâm họa hoạn có hay không mà phải ngay chỗ khinh suất, xem thường của mình để chế ngự. Cái họa hoạn của khinh suất, bất giác không chỉ ở nơi sự thể một đời, mà điều quan trọng lớn lao hơn nữa là nó còn nhấn chìm chúng ta đi trong sanh tử chịu khổ triền miên hết kiếp này sang kiếp khác. Biết vậy thì phải để tâm, khắc tâm ngay chỗ khinh suất, đừng để bất giác lặp lại nhiều lần, lâu ngày thành thói quen, sẽ khiến chúng ta luống phải chịu khổ vô ích.

 

Trường hợp ngược lại, khi tự mình sắp xếp để làm một việc gì đó cố định hoài một chỗ thì coi như là ổn định, dễ tu. Nhưng dễ khiến cho chúng ta chủ quan, cứ êm đềm thả mình theo công việc mà quên giác; có khi công việc cứ đều đều trôi thuận theo quán tính tự nhiên, và hành giả thì ngủ yên trong trạng thái vô ký, không sáng biết. Ví dụ: Đang ngồi xem tivi hay làm máy tính say sưa, đang chú tâm vào công việc, không nghĩ đến việc khác và ngỡ đang an tịnh, thế là được rồi. Bất ngờ bị cúp điện, máy tắt phụp, chúng ta giựt mình. Ngay khi giựt mình, mới biết trước đó chúng ta đã quên chính mình mà theo việc bên ngoài. Dù có chú tâm đến đâu mà bỏ quên chính mình theo việc bên ngoài thì cũng là bất giác, không giác sáng. Nếu luôn ở bản vị giác sáng để làm, không theo công việc bên ngoài thì khi bất chợt cúp điện, máy tắt phụp, chúng ta vẫn bình thường, không một chút gợn giựt mình hay thất vọng như vậy.

 

Như con rắn khi thả tự do thì sẽ bò ngoằn ngoèo. Nếu cho vào ống tre thì nó sẽ tự bò thẳng. Tâm ta cũng vậy. Nếu cứ buông thả không chăn dắt, sẽ thành thói quen ngông cuồng khiến chúng ta không làm chủ được. Nếu khéo thực tập giác sáng thường xuyên như thế lâu ngày, công phu sẽ thuần thục, định lực, tuệ lực tăng trưởng, sẽ giúp cho hành giả tự chủ.

 

13.SỐNG NGAY TÂM GIÁC SÁNG LÀ SỰ GIÁC NGỘ. AN LẠC, GIẢI THOÁT VÀ TỪ BI TỰ SẴN ĐỦ, TỪ TÂM GIÁC NGỘ MÀ CÓ RA.

 

Ví dụ khi phải đi qua một sa mạc nắng nóng và khát nước đến lã người, nếu gặp ai cho một cốc nước lã hiếm hoi thì chúng ta uống vào đâu thấm đến đó, rất ngon. Nhưng khi về thành phố lớn, được bạn bè đãi đằng uống ăn những món ngon vật lạ no nê rồi, tình cờ gặp ai mời một cốc nước lã, chúng ta vẫn uống được, nhưng bình thường, không dở, không ngon. Khi đang ở giữa sa mạc đói khát thì rất quý cốc nước lã. Có ai đó bảo nó là huyễn hóa, bỏ đi, có thể vì nể phục hay bị ép thì cố bỏ, nhưng trong lòng thì thèm lạt, khát khao, cam tâm mà bỏ chứ không đành. Lúc về thành phố đã no nê những món ngon thượng vị rồi thì đối với cốc nước lã, uống và không uống giống nhau, không có gì phải bàn bạc là bỏ hay không bỏ cả.

 

Cũng vậy, những thứ hơn thua, được mất, phải quấy, buồn vui, thành bại, yêu ghét trong đời chỉ là những cốc nước lã. Nhưng vì con người ta đang còn quá đói khát với thượng vị chánh pháp, chưa một lần được nếm thượng vị chánh định, giác ngộ. Họ không nhìn thấy gì khác hơn ngoài những thứ nhan nhản trong trần đời mà họ đang trông thấy, cho nên chỉ biết chộp lấy và ngấu nghiến ăn rồi cho là ngon, là dở, là khổ, là vui, rồi quan trọng mọi thứ mà chưa dễ chấp nhận tất cả chỉ là đồ bỏ như cốc nước lã với người no. Kết quả sau đó là phải chịu mê mờ, trầm luân đau khổ triền miên, không có ngày ngoi đầu lên nổi. Nếu chỉ một lần nếm được thượng vị thiền định, giác ngộ, an lạc thì mới thấy những thứ kia không còn đủ giá trị tác dụng chi phối. Lúc này, có và không giống nhau, không hề có dấu vết tâm trên đó. Thấy biết vượt cả căn cảnh, năng sở, có không. Mọi thứ chỉ như thị, không giả, không chơn; không lấy, không bỏ, tự tại tùy duyên. Như người đã tràn đầy món ngon thượng vị rồi thì thảnh thơi nhàn hạ trước cốc nước lã; phải vứt bỏ đi hay để đó là câu nói thừa.

 

Sống ngay tánh giác tròn đủ đó, hành giả đang giác sáng, thênh thang trùm khắp mà không động. Đó là tính chất GIÁC NGỘ.

 

Ngay tánh giác sáng đó, tự hành giả cảm nhận rõ ngập tràn lạc an; sâu lắng, nhẹ nhàng; nhưng thênh thang, thanh thoát. Đó là tính chất AN LẠC.

 

Khi ấy, những thứ trong đời tự mất giá trị, chỉ là bình thường, không còn đủ tác dụng để chi phối nữa thì còn có gì trói buộc? Ngay đó tự là giải thoát mà không hề có tâm xua đuổi hay lấy vào. Đó là tính chất GIẢI THOÁT.

 

Trước đây, những hành động thiếu văn minh ngoài đường thường khiến chúng ta bực bội, nguyền rủa… Nhưng bây giờ cảm thấy thương tâm. Vì sao cũng là con người mà lại không được sáng suốt, an nhàn, sung sướng, trầm lắng, thanh thoát? Ngược lại còn mê mờ, ngông cuồng, có những hành vi làm trò cười cho người khác mà cứ ngỡ là oai hùng cái thế? Thương và muốn tìm cách để giúp cho họ được giác ngộ, an lạc, giải thoát như những hành giả đang công phu tốt. Bằng vào sự giác ngộ để thương về sự mê lầm của chúng sanh, muốn cứu giúp cho mọi người đạt được giác ngộ, an lạc, giải thoát; đó là đúng nghĩa TỪ BI.

 

Mới thấy, chỉ cần sống trở về bản tâm giác sáng trùm khắp không động thì chính đó là GIÁC NGỘ. Từ đó, các đức tính AN LẠC, GIẢI THOÁT, TỪ BI tự có ra một cách tròn đủ trong ấy. Mới hay ra, tâm thiền thật nhiệm mầu! Đây cũng là chỗ Thiền sư Huyền Giác đã nói: “Lục độ vạn hạnh thể trung viên” (sáu độ muôn hạnh đều sẵn đủ trong ấy) là vậy. Chỉ sống trở về “trong ấy” thì muôn hạnh tự tròn đủ, tất cả đều trở nên cao thượng.

 

14.HAI LỐI CĂN BẢN THỂ NHẬN TỰ TÁNH

 

Lối vào đạo thì nhiều, nhưng đường vào thiền thì không cửa, miễn sao nhận ra và sống về bằng tự tánh vốn tự sáng tịnh nơi chính mình, liền khế hợp thiền. Bởi nhắm thẳng tự tánh mà không câu nệ kẹt trên phương tiện, cho nên thiền tuy có phương pháp mà không lập thành phương một phương pháp cố định. Do đó, không pháp cũng là một pháp. Có pháp vẫn là không phương pháp. Bởi chỉ một bề nhắm thẳng, chỉ thẳng tự tánh để trực ngộ, hoặc hướng tiến. Trên cơ sở đó, theo kinh nghiệm, quý Thầy sẽ nói hai phương pháp tạm dùng để có thể đưa hành giả thể nhận bản tánh.

 

v Một là dẹp sạch mọi thứ, buông xuống, khi phiền não tập khí tiêu trừ thì thể tánh tự hiển hiện. Kế đến sống thẳng bằng thể tánh, tùy duyên để tiêu dung các lậu hoặc vi tế. Cách này như người đứng từ xa, chưa thấy nhà mình; phải đợi dọn dẹp hết lùm bụi gai góc mới đến nhà và vào được. Sau đó tiếp tục dọn dẹp đồ đạc trong nhà.

 

v Hai là ngay trên mọi hoàn cảnh mà khéo léo thể nhận lại tự tánh vốn sáng không động. Đồng thời tùy duyên tiêu dung tập khí mà không thấy có tập khí có thể tiêu trừ. Vì không thấy có tập khí thật, cũng chẳng phải chấp nhận sống theo tập khí. Chỉ là sống thẳng bằng tự tánh, thấy biết vượt cả năng và sở, có và không. Vẫn thấy rất rõ tập khí gì đang tồn tại cần phải tiêu dung mà cái thấy biết này không nằm trong có và không ấy. Cách này giống như đi máy bay. Một bay thẳng tiến vào nhà, sau đó từ nhà phát dọn sau. Chỗ này, Hòa thượng Tôn sư đã viết trong bài sám Tam Nghiệp:

 

Đơn đao đột nhập Vô thượng giác,

 

Tam độc bát phong không chướng ngăn.

 

Chỉ một chơn như tam muội ấn,

 

Tiến thẳng vào trong nhà pháp thân.

 

Giống như chúng ta đang đứng trước một ngôi nhà đồ đạc ngổn ngang. Cách thứ nhất là khuân vác dọn dẹp đồ đạc theo thứ tự từ bên ngoài trước rồi tiến dần vào trong. Sau đó dần dần mới vào ở trong nhà mình. Cách thứ hai là không cần đứng bên ngoài mưa nắng gió bụi, cứ khéo nhận ra một chỗ trống nào trong nhà là đặt chân vào đó và tiến thẳng vào ngay trong nhà, ở trong ấy rồi dọn ra.

 

Tương tự như trên, Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên và ngài Mã Tổ Đạo Nhất, hai ngài cũng có hai cách dẫn dắt người học rất đặc biệt.

 

Cách dạy người của ngài Thạch Đầu là dẹp sạch tất cả, một vật cũng không. Dù đó là bồ đề, niết bàn, giải thoát cũng không dựng lập, không còn chỗ nương, đưa học nhân đến chỗ bặt hết tình thức thì trí giác tự khắc sống dậy, hiện bày.

 

Nhưng ngài Mã Tổ thì chủ trương thu vào. Khéo nhận và sống thẳng bằng tự tánh sáng biết mà bất động thì tất cả đều là Phật pháp.

 

Đây là hai lối cơ bản vào đạo. Hành giả cảm thấy lối nào hợp với căn cơ của mình thì ứng dụng theo lối ấy. Miễn khế hợp với tự tánh giác sáng là được, không bị sai lầm.

 

Cũng có thể khéo léo vận dụng đồng thời cả hai. Một mặt chúng ta biết rõ tất cả các pháp đều là huyễn hóa, không thật; buông xuống tất cả để ngăn ngừa bên ngoài. Mặt khác, ngay trên các pháp, đừng khởi thêm gì trên đó cả; chỉ là giác sáng trở lại. Cụ thể, xem lại coi, khi biết vọng, biết mọi thứ là huyễn hóa, không thật, là mình đang biết theo vọng, biết về những thứ đó, hay là đang tự sáng biết? Trên tất cả các cảnh duyên cũng tương tự. Nếu biết theo vọng, biết theo cảnh; đó là quên tánh giác sáng, là đã bị vọng động, không thắng được vọng. Ngược lại, không thèm biết theo nó, mà chỉ rõ suốt là mình đang tự sáng biết toàn thể. Khi có vọng tưởng hay không thì bản tánh tự sáng biết này vẫn giác sáng biết khắp như thế, không thay đổi. Đó là chúng ta đang tranh thủ ăn món ngon thượng vị. Theo thời gian công phu thuần thục, giống như món thượng vị được no đủ rồi thì vọng tình ngoại cảnh chỉ như một cốc nước lã, tự nó mất giá trị với người đã no đủ đồ thượng vị ngọt ngon. Không cần loại bỏ, nhưng nó lại không còn đủ sức chi phối mình. Không còn nói đến vọng hay chơn, lấy hay bỏ, có hay không, mà vọng tình đã tự vắng bặt. Bảo là lìa cảnh hoặc ngay trên cảnh để giác ngộ đều nhằm trên cảnh mà bàn nói, chưa thể lìa được cảnh, chưa tỏ sáng bản tâm. Toàn biết là giác, toàn giác là sáng, tâm ấy luôn sẵn sáng biết không động linh thông như thế. Không phải ngay cảnh, cũng không phải lìa cảnh để tìm giác ngộ, mà sự giác ngộ đang hiển hiện trùm khắp mọi lúc, mọi nơi. Như cốc nước lã trước người đã no món thượng vị, tự cốc nước lã không còn giá trị, người này không còn có tâm ngon hay dở trên đó, mà nó được trả lại nguyên bản vị của nó, nước lã là nước lã, không ngon cũng không dở, không lấy cũng không bỏ. Đây chính là chỗ bất tức, bất ly. Ngay đó đạt được như như bất động, tự tại trên mọi hoàn cảnh. Khéo léo vận dụng một chút thì công phu sẽ đắc lực.

 

15. NÓI THÊM VỀ GIÁC SÁNG TRỞ LẠI, TỈNH LẠI.

 

Bản tâm giác sáng nơi mỗi chúng ta xưa nay vẫn vậy. Thế rồi bất thần một thoáng thoạt mê, vô minh liền có, vọng niệm theo đó chợt sanh. Mịt mùng trong vô minh, cộng thêm vọng niệm trùng trùng dấy khởi, theo đó tạo nghiệp, thọ sanh, duyên theo trần cảnh, đẹp xấu, phải trái, được mất, hơn thua cứ thế chất chồng; không còn nhận biết đâu là lối về nữa. Đây là từ một niệm bất giác mà đi ra, càng đi càng xa dần với giác tánh vốn sẵn. Bây giờ biết tu là biết quay trở về lại với tự tánh giác sáng ấy, gọi là giác sáng trở lại. Tự tánh ấy ở đâu, bao xa mà quay về? Sẵn đó nơi mỗi người. Đi muôn ngàn dặm để tìm một thứ mà nó đang nằm dưới gót chân của mình. Đó là sự lý thú, mà cũng là sự đau đớn cho những người lỡ mê, lỡ khổ như mình.

 

Thế nào là “Giác sáng trở lại”? Đối trước mọi cảnh duyên, chúng ta buông thư, rủ xuống, buông xuống... Kế đến để tâm bình thường, an nhiên nhưng giác sáng, tự tánh giác sáng tự hiện bày, thấy nghe hiểu biết tự nhiên như nhiên, bủa khắp mà không cần khởi tâm phân biệt, không ngăn ngại. Đó là “Giác sáng trở lại”.

 

16.BUÔNG XUỐNG – AN NHIÊN – GIÁC SÁNG.

 

Để giúp cho công phu được cân bằng, khế hợp trung đạo, không rơi vào các cực đoan, mang lại kết quả tốt, khi công phu tu tập, chúng ta có thể kiểm tra qua ba điểm.

 

1/ BUÔNG XUỐNG: Buông bỏ là nói bao quát chung cho tất cả. Buông xuống, rũ xuống là quý Thầy muốn nhấn mạnh đến chỗ dụng công tu tập. Buông mà vẫn không động. Không phải có động tác hay khởi tâm buông xuống, không rơi vào tạo tác sanh diệt. Buông làm sao giống như là một sự rũ thả xuống một cách tự nhiên, tất cả tự rơi rụng mà không có tác ý hoặc tâm khởi thấy có buông. Buông cảnh duyên, tình huống, sự kiện... buông tất cả mọi thứ đang đối diện. Kế đến buông cả thân, tâm; buông hết mọi sự cảm nhận của thân tâm... Buông rũ xuống tất cả để mất hút, không còn gì cả.

 

2/ AN NHIÊN: Khi tất cả đều được buông rũ xuống, chúng ta đang thực sự được buông thư, an nhiên, thấy biết rất bình thường.

 

3/ GIÁC SÁNG: Buông thư, an nhiên, nhưng giác sáng; chứ không phải điềm nhiên tỉnh bơ, cứng đờ, không sáng, không linh hoạt, hoặc lơ mơ như đang ngủ.

 

Buông xuống là bước đệm để hỗ trợ công phu. Kế đến, an nhiên – giác sáng là đang sống trong công phu tu tập. Buống xuống để rơi rụng, vỡ vụn, hoát toang và an nhiên. An nhiên thì không động mà không lập thành tướng của định. Giác sáng thì không có tướng sáng mà không một vết mê mờ. An nhiên luôn đi đôi với giác sáng, cả hai phải đồng thời. Thực chất giác sáng và an nhiên chỉ là một thể sáng biết không động. Nếu an nhiên mà thiếu giác sáng sẽ khiến hành giả dễ rơi vào hôn trầm (ngủ trong mê mờ) hoặc vô ký. Nếu giác sáng mà thiếu sự an nhiên thì trong đầu cảm thấy hơi căng, nếu nặng hơn sẽ bị mất ngủ. Nhận biết triệu chứng để khéo léo kịp thời điều chỉnh cân bằng trong công phu. Khi tất cả đã hiện tiền đúng rồi thì liền đó sống thẳng, đừng sanh tâm gì nữa.

 

Ví dụ khi tọa thiền, trước tiên chúng ta chỉnh thân cho thật ngay ngắn, đúng pháp. Kiểm tra lại xem thân tâm mình chỗ nào chưa ổn thì chỉnh lại cho thật ổn định, dứt khoát, tự tin. Kế đến bắt đầu buông thân, tâm, hơi thở, các cảm giác... Gân, cơ... đều buông thư cho thật nhẹ nhàng, không bị gượng hoặc gồng. Ngứa, đau hoặc những nghĩ ngợi đến thân này đều buông nhẹ, không thèm để ý. Khi nhận thấy tất cả đã được thông suốt hết rồi thì không cần để ý đến hơi thở nữa, để nó tự lưu thông; không nín, không cố làm gì đó. Những tư tưởng còn lảng vảng thì phải dứt khoát buông hẳn xuống. Kiểm tra tất cả đã được buông thư, rũ xuống, được ổn định rồi thì khéo không luôn tất cả những gợn tý, những khái niệm buông trong tâm... Sau cùng khéo léo buông thư nhẹ xuống mà không có tí nào máy động trong tâm, thân tâm sẽ nhẹ nhàng, thông suốt, sáng biết một cách tự nhiên, bình thường, không khởi tâm tác ý phân biệt. Sống ngay thể tự an như thế sẽ được an nhiên, nhưng sáng rỡ rõ ràng. Khéo dụng công như thế quý vị sẽ tự mình nhận ra những tín hiệu tốt sau đó.

 

17.VÔ SỞ ĐẮC

 

Đây là cách ứng dụng công phu tu tập nhẹ nhàng và hay, nhưng có người vẫn cho là khó nhận. Bởi con người ta thường thích có một chỗ để bám đuổi, nhận lấy và nương tựa. Nhưng còn có một chỗ để nhận, tức là còn có sở đắc thì rõ ràng là còn có đối tượng bị nhận và mình là người hay nhận; là đã rơi vào hai bên, còn trong sanh diệt, chưa phải là đạo lý rốt ráo chân thật. Chỗ nhận được ấy dù có siêu tột đến đâu thì cũng còn là đối tượng bên ngoài được mình nhận biết. Kinh Pháp Hoa nói đây là mới đến Hóa thành giữa đường, chưa đến Bảo sở rốt ráo. Cho nên, nếu thích có chỗ để tâm nương về dụng công cho dễ, muốn có một sự chứng đắc gì đó để khuyến khích mình tu..., thì đó là muốn ăn mì gói dở tệ (mì ăn liền) mà không biết thưởng thức món thượng vị tuyệt hảo. Thật đáng tiếc!

 

Khéo buông xuống sạch, mất hút các tướng là cảnh, là tâm. Không có sở đắc, mất hút, không còn một chỗ cho tình thức bám víu, tựa nương thì cái chân thật sẵn đủ tự hiển hiện, mới đạt đến rốt ráo. Bởi nếu còn có một chỗ để nhận là nhận cái gì đó bên ngoài rồi, không phải là chính mình. Nhưng cái thể tánh chân thật ấy là nơi mình, là chính mình thì chỉ khéo thầm thể hội thôi chứ không thể có một cái, một chỗ để nhận lấy được.

 

Thiền sư Nam Tuyền nói: “Ba đời chư Phật không tri hữu. Trâu trắng mèo hoang có tri hữu”. Tri hữu là biết có Phật tánh. Chư Phật ba đời không tri hữu, bởi vì toàn “tri” là “hữu”, không còn có “hữu” nào để “tri” nữa. Tức là toàn biết là Phật biết; còn có tánh Phật nào bên ngoài nữa để hướng về, biết theo? Trâu trắng mèo hoang cũng có Phật tánh, nhưng tạm thời bị che khuất cho nên cần tri hữu để hướng về, mới có ngày nhận lại.

 

Nếu bảo tu là có chứng đắc thì đắc cái gì? Nếu thấy có chỗ để chứng đắc thì có người đang đắc, tức là đã có sở có năng, rơi vào hai bên sanh diệt. Cho nên, còn thấy có chỗ chứng đắc là còn rơi vào sanh diệt, vẫn còn chỗ xen hở cho thức thần phát sinh. Dù sở chứng kia là không động, nhưng nếu thức thần chưa dứt hẳn thì vẫn còn cơ hội để vọng động trở lại và rơi vào sanh diệt, đưa đến sanh tử, phiền não, khổ đau.

 

Khi thái tử Sĩ-đạt-ta học đạo với tiên nhơn cuối cùng là Uất-đầu-lam-phất, ngài chứng được tầng định cuối cùng mà vị tiên nhơn này đã đạt được, cũng là tầng định cao nhất ở Ấn Độ lúc bấy giờ, đó là phi tưởng, phi phi tưởng xứ. Thái tử hỏi: “Định này là có ngã hay không ngã? Nếu nói là không ngã thì không thể nói phi tưởng, phi phi tưởng xứ. (Nghĩa là không phải có tưởng mà cũng không phải là không có tưởng, tức là vẫn còn ngã tưởng vi tế. Nếu không phải là vô ngã thì có ngã). Nếu bảo có ngã thì ngã này là hữu tri hay vô tri?, (tức là có biết hay không có biết)? Nếu ngã là không biết thì đồng với cây đá. (Nhưng thực tế con người thì đụng đến liền biết, không thể là cây đá được). Mà nếu ngã là có biết là có phan duyên. (Vì có biết, tức là biết về một cái gì đó, là còn phan duyên). Mà còn phan duyên là còn sanh tử, (Chưa thoát khỏi sanh tử). Vị tiên nhơn này không đáp được, Thái tử từ giã ra đi.

 

Đợi có cảnh, có đối tượng mới biết đó là biết theo cảnh. Biết một cái gì đó mà biết về nó, biết theo cảnh là đã quên mất chính mình, là phan duyên, là vin theo cảnh bên ngoài, còn có chỗ cho tình thức sanh khởi lại, chưa thoát khỏi sanh tử.

 

Vẫn biết, nhưng không biết theo, không biết về một cái gì đó bên ngoài mà đang tự mình là sáng biết, không động. Tâm lặng mà sáng biết này, khi có vật cũng đang rõ ràng sáng biết mà không phải biết về sự vật. Khi không vật cũng vẫn là một tánh sáng biết trùm khắp đó, không đổi, không động. Mới hay ra, không nhất thiết phải phan duyên phân biệt mới thấy biết; và không phải ai thấy biết cũng phan duyên phân biệt. Lúc này, không phân biệt thấy có người biết và cảnh bị biết, mà chỉ là một thể tự sáng biết, mỗi mỗi rõ ràng mà không cần phân biệt, không động. Hai bên đã không lập thì nào có cái gì để phan duyên cái gì? Vì vậy, đây cũng là biết, vẫn thấy biết rành rẽ rõ ràng nhưng không động, không phan duyên. Khi sống bằng tánh thấy biết vượt cả căn cảnh, có không hai bên; không có chỗ phan duyên, không còn chỗ cho thức sanh thì bản tánh chân thật hiện tiền, sanh tử từ đâu mà có? Vì thế, đây là cái biết của giác tánh vô sanh, là cái thấy biết vượt trên sinh tử.

 

Ví như khi nhìn thấy cái ly thì cái ly này không phải là con mắt. Con mắt là cái hay thấy, còn cái ly là vật bên ngoài, bị thấy. Cái ly không phải là con mắt của mình. Cũng vậy, khi dụng công tu tập mà thấy ánh sáng, thấy có sở đắc gì đó, thì những thứ đó là cái bị tâm mình thấy, nó đã biến thành cái bị thấy ở ngoài tâm, nó không phải là TÂM CHÂN THẬT nơi chính mỗi người.

 

Kế nữa, vật được mọi người quý nhất trên đời là vàng, ngọc, kim, cương... Nhưng thử xay nhuyễn những thứ quý báu ấy cho mịn rồi đem bỏ vào trong con mắt thì sẽ bị xốn, bị đau, không chịu được. Con mắt không phải là quý hay tiện, nhưng nó phải là một sự thanh khiết trong ngần của chính nó. Nó không chấp nhận bất kỳ một vật gì bên ngoài dù đó là quý báu hay tầm thường. Tâm thể nơi mỗi chúng ta cũng vậy. Vốn nó xưa nay không một vật, là một tự thể sẵn tịnh sáng biết trùm khắp thênh thang không giới hạn. Nó phải là chính nó. Nếu có một thứ gì đó cho chúng ta thấy được dù đó là hào quang hay là một sự chứng đắc thì cũng chỉ là những thứ tạm bợ bên ngoài, không phải bản tâm.

 

Dù cho là có chỗ thanh tịnh, nhưng còn niệm thầm thầm thấy có một chỗ thanh tịnh để gìn giữ thì vẫn chưa khỏi phan duyên. Dù không động, nhưng chưa rời niệm thầm giữ đó, trong nhà thiền gọi là trong hông ngực vẫn còn một vật ngại, chưa thực sự suốt thông. Nếu công phu đến đây rồi thì hành giả phải phấn phát tinh thần, tiếp tục dụng công mạnh mẽ thì mới tiến lên, không bệnh. Nếu chấp vào đó cho là cứu cánh thì dễ sanh bệnh, rơi vào tà kiến. Khi dụng công, nếu khéo nhận thẳng tự tánh toàn thể sáng biết thì sẽ tiến thẳng tắt đến chỗ rốt ráo, không đi ngang qua chỗ thanh tịnh tạm thời vi tế đó, vì vậy không rơi vào các ma chướng trong công phu. Rất linh hoạt.

 

Nếu chấp vào sở chứng thì có tâm sinh, đó là có chỗ cho nội ma tự sanh khởi và ngoại ma thấy tâm nên hành giả dễ đi vào đường ma, nguy hiểm. Ngược lại, nếu sống thẳng bằng giác tâm thì không sanh khởi, chỉ sống thẳng bản tánh toàn thể sáng biết ngay đây thì tánh thể hiện tiền. Chính mình hiện tiền, không phải cái gì bên ngoài vào cho nên được đó là không chỗ được, không có sở đắc, do đó không có chỗ cho ma chướng thấy tâm, ngoại ma nhằm vào dấu vết nào để phát khởi? Công phu như thế rất nhẹ nhàng, thảnh thơi, tu mà như là không tu gì cả.

 

Nếu chưa sáng tâm mà tu luyện mong cầu có thần thông huyền bí thì chư vị Tổ sư nói, đó cũng chỉ là yêu thuật của tà ma ngoại đạo. Rõ ràng, tâm thể kim cang chưa đạt được là còn động, còn phiền não, còn sanh tử mà đi lo những thứ bên ngoài thì đâu có giải quyết được gì cho việc lớn sanh tử? Ngược lại còn bị nó mê hoặc khiến bị lầm đường lạc lối. Nhưng nếu đã sáng tột bản tâm và sống miên mật thì những thứ đó không phải là việc cần phải nghĩ đến của người này mà nó vẫn tự sẵn đủ và siêu xuất hơn những người tu luyện bình thường. Cụ thể là thần lực, thần thông của Phật và các Thánh đệ tử của Ngài vượt hơn những ngoại đạo tu luyện thần thông rất nhiều.

 

18.CÓ DẤU VẾT CỦA TÂM, CÓ CHỖ ĐƯỢC THÌ MA CHƯỚNG CÓ CƠ SỞ PHÁT KHỞI.

 

Ví dụ nhiều năm khổ cực, luôn vay nợ hàng xóm nhiều quá không nhớ nổi. Một hôm tình cờ trúng số được 500 triệu, mừng quá và tuyên bố với tất cả mọi người đến nhà để trả nợ. Nợ mắc thì cả mười tỷ, mới trúng có 500 triệu mà tuyên bố trả hết. Mọi người đến đòi mà không có đủ để trả cho họ, người được người không thì chắc chắn sẽ có chuyện không tốt. Đó là bị khảo.

 

Một cách khác là không cần tuyên bố. Khi trúng số, không trốn nợ cũng không tuyên bố trả nợ; cứ bình thường và đầu tư kinh doanh cho có tiền nhiều thêm. Thỉnh thoảng có người đến đòi vài trăm, số tiền quá nhỏ so với tiền mình đang có, do đó tự động trả một cách dễ dàng, bình thường mà không hề thấy nặng nề là đang trả nợ gì cả. Đó là trả mà không trả.

 

Nợ nần nghiệp chướng chồng chất nhiều đời của mỗi người cũng vậy. Khi tuyên bố hay phát nguyện cho tôi trả hết nghiệp rồi tu là có tâm sanh, có dấu vết, có chỗ cho chướng nghiệp thấy và đến đòi tới tấp. Ân oán giang hồ tạo nên nghiệp chướng vay mượn nhiều đời lớp lớp chất chồng làm sao biết hết. Trong khi đó mới tu chút chút, đạo lực chưa có bao nhiêu, như tiền còn quá ít mà đòi trả nợ thì bị khảo, bị chướng duyên ngập tràn, không thể tiếp tục công phu được nữa. Điều này đã có nhiều người từng mắc phải. Đang khỏe mạnh bỗng dưng ham tu cho mau liền tuyên bố, phát nguyện tu quyết liệt cho mau có kết quả. Liền sau đó bị bệnh nằm liệt giường, bác sĩ không thể trị lành được. Nhưng khi được Sư phụ khuyên lên Tam Bảo xin rút lại lời phát nguyện thì hết bệnh ngay, không cần uống thuốc. Mới biết bệnh do nghiệp khảo. Có vị khỏe mạnh nhiều năm. Một hôm bất giác buộc miệng tuyên bố mình có phước nhiều, sợ gì thì liền bị bệnh nặng, nhiều phen phải vào bệnh viện. Có vị đang khỏe mạnh, vào thất ham tu, phát nguyện cho trả hết nghiệp để mau chứng đạo thì liền bị ma chướng, bể thất, không dụng công được. Vị khác cũng đang khỏe mạnh, vào thất phát nguyện tương tự thì tự dưng bị bệnh không tọa thiền được. Đó là những câu chuyện điển hình có thật của hiện nay. Bởi tâm vừa sanh thì liền hiện thành tướng trong tâm, là có chỗ cho ma chướng đòi nợ. Nếu khéo léo chín chắn dụng tâm, dè dặt, đừng sanh tâm thì sẽ tốt. Cứ bình thường. Nghiệp có đến chúng ta cũng đừng thèm khởi nghĩ có một loại nghiệp thật đến để mình phải tiêu trừ. Cứ bình thản, vô tâm như thử phớt lờ thì nghiệp kia tự không dính dáng. Được thế, công phu tu tập sẽ rất nhẹ nhàng, nhưng miên mật. Cho nên, tu hành không phải để trả nghiệp, mà là để giác sáng, sống về bằng bản tâm chân thật chính mình. Vì thế, không nên khởi bất cứ một tâm gì với nghiệp chướng cả. Đạt, chỉ là tự mình khéo thầm nhận lại cái sẵn có nơi chính mình thôi, có phải ai cho cái gì bên ngoài đâu mà phải sanh tâm động niệm. Ở đây quý Thầy không hề có ý gì với tâm phát nguyện đáng quý và cao thượng của quý Phật tử cả. Chỉ là kể lại những câu chuyện thật để cùng nhau tư duy, học lấy kinh nghiệm. Hoặc là học được những điều từ sự vô tình vấp ngã của người khác. Hoặc là tự mình vấp ngã rồi đứng dậy. Theo kinh nghiệm cá nhân trong công phu, không sanh tâm động niệm mà vẫn công phu mãnh liệt thì đạt được kết quả dễ dàng mà không bị các chướng duyên quấy nhiễu, mất thời gian. Cần nhớ rằng, sống thẳng bằng thể tánh vô sanh là đang tu. Chỉ có thế thôi. Còn các tâm khởi khác dù thấy đó là có chứng đắc hay gì đi nữa, cũng đều rơi vào sanh diệt, có chỗ để ma thấy, sẽ bị chướng ngại. Nếu không khéo léo, không đủ phước, không đủ lực sẽ rất dễ bị thua trận, không thể tiếp tục công phu tu tập được nữa.

 

Ngài Trần Thái Tông nói: “Cơ liễu ngộ quỷ thần tìm không thấy”. Người đã được liễu ngộ thì không cần bàn tới, vì chính vị ấy đã biết dụng tâm thế nào. Còn lại là những người còn đang trên đường dụng công tu tập, phải biết dụng thẳng đến “cơ liễu ngộ quỷ thần không thể tìm thấy tâm”. Vừa sanh khởi thấy có nghiệp chướng thật để tiêu trừ và mong sớm tiêu trừ được nghiệp chướng, vậy là đã vụng về, quỷ thần nhìn thấy tâm rồi. Dừng lại! Đừng sanh tâm nữa! Vừa sanh khởi tu cho có kết quả thì quỷ thần sẽ nhìn thấy tâm liền, không phải là cơ để liễu ngộ, sẽ bị chướng ngại và không thể có kết quả tốt. Kể cả thấy mình có chứng đắc cũng vậy. Nghĩa là, đừng sanh tâm có dấu vết cho người khác nhìn thấy là mình đang công phu tu tập thì mọi thứ tự tiêu dung, chứ không phải lập ra một thứ nghiệp báo gì đó cho là thật rồi phải đi tiêu trừ nó. Cứ như thế! Và thi thoảng có chút thử thách đến, chúng ta cứ bình thường, coi như không, không sanh tâm thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng. Giống như trúng số mà không cần tuyên bố, cứ bình thường, âm thầm làm thêm ra cho nhiều tiền, có ai đòi thì trả từ từ, rất nhẹ. Tương tự, chỉ cứ âm thầm nỗ lực công phu miên mật cho định lực, tuệ lực mạnh lên. Thỉnh thoảng có ai đến đòi nợ, chúng ta sẵn sàng tùy duyên trao cho họ những đồng lẻ, rất nhẹ, không có gì đáng phải sanh tâm, là trả mà không trả gì cả.

 

Vi tế hơn chút nữa. Ví dụ khi vừa nhìn thấy cái ly này, nhỡ lao theo phân biệt đẹp xấu, liền sực tỉnh tự nhắc mình, phải quay lại. Có tâm “phải quay lại” là đã thừa ra một pháp “phải quay lại” đó rồi; tức là đã sanh tướng khác. Giống như con rùa dùng cái đuôi để xóa dấu vết trên bùn lầy, càng xóa càng thêm nhiều dấu hơn nữa. Ngay đó, không cần làm gì hết. Vừa sanh khởi, liền dừng, không sanh. Hết sanh. Thế là vô sanh; là đúng pháp. Thế thôi. Tất cả mọi thứ nhỡ quên, chỉ cần tỉnh, liền xong. Đơn giản! Khi công phu, khéo léo lưu ý ba điều căn bản:

 

1.   KHÔNG THÊM: Ví dụ đang nhìn trời mưa – Vừa quên mất mình – Liền đó không thêm. Ví dụ bất chợt lỡ quên – Không thêm – Ngay đó liền trả lại tánh thể toàn thể sáng biết trùm khắp, không động.

 

2.   KHÔNG TRỤ: Trên các cảnh và sinh hoạt, chúng ta thấy biết thấu suốt qua tất cả, không dừng trụ quan tâm trên bất kỳ cảnh sắc, tình huống hay hoàn cảnh thuận nghịch nào cả. Bên trong khéo mất hút dấu vết, không thấy có một vết sở đắc để trụ và gìn giữ.

 

3.   ĐANG GIÁC, KHÔNG QUÊN: Rõ suốt mình đang giác, không một vết mê mờ, không quên.

 

Hay khéo sạch hết tất cả mà suốt qua tất cả thì toàn thể hiện bày. Không phải như có một tiếng nói thầm thầm luôn nhắc mình trong tâm. Lúc đầu thấy hơi khó, vì không có chỗ bám. Nếu chưa phải là căn cơ lanh lợi, ban đầu nên ứng dụng công phu trong cảnh tịnh cho thật thuần thục, thấy ổn; sau đó mới ứng dụng trên cảnh động thì sẽ thấy dễ hơn.

 

Trong khi phải tiếp xúc với cảnh động thì phải quyết tâm, không nên có tâm chưa thấy giặc đã muốn đầu hàng. Bởi đối diện cuộc đời là đối diện với trận chiến thật, cho ta những kinh nghiệm công phu sống động, chứ không phải trận chiến giả tưởng tượng tự đặt ra. Đừng mong mọi thứ phải như ý mình. Phải nhìn thấy thật rõ Phật pháp chân thật ngay chỗ bất như ý mà ta đang đối diện. Khi qua rồi, chính điều đó sẽ giúp mình linh hoạt, tự tại hơn nhiều so với công phu trong cảnh tịnh, như ý. Trên cảnh yên bình, thanh tịnh để tu, sẽ cần cho chúng ta bồi dưỡng nội lực buổi đầu. Nhưng nếu cố chấp cứ phải ở trong ấy mới tu được thì sẽ không có được hoạt dụng tốt.

 

Không phải chủ động đi tìm hoặc cố tạo ra cảnh nghịch để tu. Vì như thế là đã có sanh tâm, là chiến trận giả, là sai rồi. Điểm chính yếu là chỉ bình thường sáng tịnh, cảnh nghịch hay cảnh thuận gì thình lình đến, chúng ta cứ lắng lại, sáng biết trong tâm không, ngay đó tự nó mất giá trị, không chi phối được. Cần mạnh mẽ, dõng mãnh và khéo léo, tinh tế để vận dụng công phu trên tất cả các hoàn cảnh thì mới có kinh nghiệm thật, mới đạt được diệu dụng linh thông. Chỗ này hơi chuyên nghiệp. Khó. Bởi vừa vụng về một chút là tâm nghĩ suy sanh khởi liền. Tuy nhiên, nếu thấy khó mà không ứng dụng thì sẽ không được gì. Quá lãng phí. Việc này phải chính mình đối diện, công phu rồi thể nhận. Nói không thể hiểu đến. Không ai làm thay mình được. Cứ gan dạ dám công phu thì sẽ có kinh nghiệm thôi. Người khác làm được thì mình cũng làm được.

 

19. DỤNG TÂM TRONG SINH HOẠT HẰNG NGÀY

 

HỎI:

 

Xin Thầy chỉ cho chúng con biết cụ thể hơn cách áp dụng công phu này trong sinh hoạt hằng ngày?

 

ĐÁP:

 

19.1/ Mọi việc do tâm.

 

Hôm nào đó ra chợ hoặc lên công sở làm việc, gặp nhiều chuyện vớ vẩn không đâu khiến cảm thấy bực bội. Suốt ngày làm việc trong căng thẳng tăng dần như thế. Trên đường về thì nóng bức. Đến nhà bước vào với tâm trạng đang bực bội không biết vì đâu… Con cháu đi ngang trước mặt sơ ý buông cánh cửa đóng mạnh, vang ra tiếng kêu hơi to, chúng ta liền quắc mắt, quát mắng, lớn tiếng la rầy, quở trách... Một mặt vẫn biết con cháu vô tội, chỉ là hành động sơ ý nhỏ thôi, không đáng. Mặt khác thì không biết tại sao trong lòng cứ tự sôi máu lên, không tài nào kềm xuống được. Cho thấy, khi nội tâm không an ổn thì con người không có năng lực sống, không làm chủ được mình, đã bị hành động đóng cửa kia ngự trị, chiếm lĩnh và chi phối trọn vẹn, sai sử hành động theo sự sân giận sai lầm không đáng có, khiến cho chúng ta bị thiêu đốt, khổ đau.

 

Ngược lại, hôm khác ra đường gặp nhiều chuyện vui, mọi người đều ôn hòa, thân thiện, gặp khách quý từ xa mới về thăm, tặng quà... Về nhà con cháu chào hỏi ngoan ngoãn lễ phép, đưa khăn mát lau mặt, mời nước uống vừa ý... đang thảnh thơi, yêu đời, thoải mái. Lúc ấy, con cháu có nhỡ vô ý đóng cửa mạnh tay như hôm trước, nhưng chúng ta cảm thấy bình thường, không có gì để tâm. Đây là do nội tâm ổn định, có sức sống thì không bị hành động đóng cửa kia chi phối. Có vẫn như không, đó là biểu hiện của sự an vui, thanh thoát.

 

Hành động đóng cửa là một, nhưng tùy vào tâm thái của mỗi người mà sự diễn tiến sau đó có vui và khổ khác nhau. Hành động đó là ví dụ cho tất cả hoàn cảnh, tình huống trong đời xảy đến với mỗi người hằng ngày. Nếu bằng vào một tâm thái loạn động, bất an thì thứ gì cũng có thể làm cho chúng ta khổ được hết. Ngược lại, bằng vào một tâm thể an ổn, định tĩnh, giác sáng thì mọi thứ tự mất giá trị, không đủ sức chi phối. Nhờ đó, chúng ta cảm thấy bình thường, an vui trên tất cả hoàn cảnh, tình huống dù thuận hay nghịch. Ngay tâm thể an ổn, định tĩnh, giác sáng là giác ngộ. Và các tính chất an lạc, từ bi, giải thoát từ đó có ra.

 

19.2/ Dùng tâm nào để sống

 

Khi đã biết rõ như thế rồi thì hằng ngày khi đối duyên xúc cảnh, điều đáng lưu tâm là chúng ta đang đứng ở vị trí nào để xử lý và làm các công việc, dùng tâm động hay tâm tĩnh, dùng tâm sanh diệt hay vô sanh để làm tất cả việc, để ứng xử mọi tình huống trong cuộc sống. Công việc không có lỗi, vấn đề là mình đứng trên đất bằng để ứng xử hay đứng trên sóng nước mà làm. Nếu ở chỗ vô sanh tuyệt đối mà làm thì sáng suốt, không động, tất cả mọi thứ trở thành diệu dụng. Còn dùng tâm sanh diệt để làm, để ứng xử, thì đó là rơi vào vọng động sanh diệt của chúng sanh. Nhân của vọng động sanh diệt thì đưa đến quả khổ đau của trầm luân.

 

Cụ thể trong cuộc sống, khi tâm không an ổn, rối rắm, rất dễ gặp chuyện phiền não, kể cả chuyện nhỏ nhoi cũng làm cho mình căng thẳng. Như vậy, bằng tâm loạn động mà làm thì mọi thứ sẽ chi phối mình. Đây là bị trói buộc, khổ đau. Ngược lại, cũng cùng một sự kiện đó xảy ra, nhưng chúng ta lặng lẽ, ổn định, sáng suốt, nhẹ nhàng, thanh thản thì tự nhiên nó bình thường, nó không đủ sức chi phối mình, nghĩa là chúng ta đang giải thoát. Như vậy ngay tâm ổn định thì mọi việc vốn dĩ bình thường, ổn định; và chúng ta được giải thoát, an vui.

 

Tỉnh giác, tâm an tịnh tuyệt đối, trí tuệ phát huy đúng mức sẽ trào dâng niềm an vui ngập tràn, sẽ khiến chúng ta thấy mọi thứ vui trên đời không còn sức hấp dẫn, những nghịch duyên trong cuộc sống không còn giá trị chi phối. Lúc này, ngay đây, vốn tự vượt thoát tất cả, không còn bị trói buộc.

 

Khi làm Phật sự (việc Phật), nếu dùng tâm phiền não, vọng động chúng sanh mà làm, dù có thành công 100% thì cũng không phải đúng nghĩa việc Phật. Dù có làm việc của chùa đi nữa mà dùng tâm vọng động chúng sanh để làm thì cũng là việc của chúng sanh mà thôi. Đây là nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến kết quả phiền não, khổ đau.

 

Ngược lại, nếu bằng tâm thanh tịnh, định tĩnh, an ổn, dùng tâm vô sanh mà làm, mà góp một ý kiến cho đời... thì dù việc đó là việc của thế gian, nó cũng biến thành việc Phật. Vì dùng tâm Phật để làm cho nên việc gì cũng thành việc Phật. Việc làm đó chính là diệu dụng của bản thể thanh tịnh, sẽ đưa đến thanh thoát, an vui; chứ không giống như vọng động, phiền não của chúng sanh.

 

Cụ thể trong tất cả các sinh hoạt hằng ngày như: Ăn, mặc, ngủ, nghỉ, đi, đứng, nằm, ngồi, buôn bán, lãnh đạo, giảng dạy, thể thao, lao động… Trước khi chuẩn bị, nên tỉnh, nhớ và tự hỏi lại mình rằng, đang bằng tâm nào để làm tất cả những công việc đó? Chỉ cần tâm an tịnh, giác sáng, không sanh khởi thì chuyện gì cũng là chuyện đạo, đâu đâu cũng là Phật pháp, lúc nào cũng là lúc chúng ta đang tu tập.

 

19.3/ Dùng nhân vô sanh mới đạt đến quả vị vô sanh.

 

Tu Phật để trở thành một vị Phật. Phật là quả vị vô sanh. Nhân để trở thành quả của một vị Phật phải là một ông Phật con. Cụ thể, phải sống thẳng đến chỗ vô sanh. Từ nhân vô sanh thì mới đạt thành quả vị vô sanh được. Còn nếu dùng tâm loạn động, tâm sanh diệt mà muốn trở thành quả vị Phật vô sanh là trái ngược với luật nhân quả, không thể thành. Chẳng khác nào nấu cát mà muốn thành cơm, điều đó không có bao giờ.

 

Trong Kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Thoáng qua cứ ngỡ ngay sáu căn phải làm gì đó, phải tu như thế nào đó trên sáu trần để đạt đến không chỗ trụ. Ở phương diện còn trong đối trị tạm thời thì hợp lý. Nhưng nếu dụng đến chỗ rốt ráo thì “có làm gì” tức là đã “có tạo tác”, đã rơi vào “có chỗ trụ”, trái với tôn chỉ Phật muốn khai thị rồi. Thực ra, nếu đã có công phu kha khá thì không cần phải dùng pháp đối trị mãi. Khi đối diện với các pháp (sáu trần), chúng ta không phải biết về nó, biết theo nó mà chỉ là đang tự sáng biết, luôn giác sáng thì không có niệm trên tất cả các pháp, thấy suốt qua các pháp mà không dừng trụ trên một pháp nào, ngay đó liền khế hợp “không chỗ trụ” tuyệt đối như Phật chỉ dạy. Khi sống “không chỗ trụ” như thế thì tâm không còn sanh diệt; là tâm vô sanh đang hiện tiền. Thẳng đó mà sống tức là tâm Bồ-đề đang hiện ra đó, mới đúng nghĩa phát tâm Bồ-đề, tâm giác ngộ một cách đích thực. Sống ngay đó là đang tu hành.

 

Nếu vì một điều gì đó mà tu; như là vì sắc, vì thanh, vì hương hay vì ai đó, vì sự thể gì đó mà tu; là đã đều có chỗ trụ. Tu tập như thế không thể đạt đến “vô sở trụ” như Kinh Kim Cang đã dạy. Tôi vì bực điều này nên tôi tu, vì thích điều kia nên tôi tu, vì bất mãn, vì hào hứng quá hay vì hâm mộ điều nọ nên tôi tu... Tất cả những tâm đó đều có một chỗ vì, đồng nghĩa đều có chỗ trụ mà tu hết. Mà có chỗ trụ là có chỗ sanh, và rõ ràng tâm khởi tu đó là tâm sanh diệt. Dùng tâm sanh diệt để tu hành thì làm sao đạt đến quả vị vô sanh được!

 

19.4/ Đang giác là tu

 

Hằng ngày trong công việc, sinh hoạt, trên tất cả mọi cảnh duyên, chúng ta nhớ tỉnh lặng, thấy suốt qua, không dừng trụ trên một hình tướng hay sự thể nào cả. Bên trong không thấy có một tâm chứng lặng lẽ nào cần an trụ nữa. Như thế, ý thức không còn có chỗ để sanh khởi. Ngay đó là đang GIÁC SÁNG, là đang sống thẳng bằng sức sống vô sanh nơi chính mỗi người.

 

Tu tức là GIÁC. GIÁC là sống thẳng đến chỗ vô sanh. Cho nên cần phải nhớ rõ, ĐANG GIÁC TỨC LÀ TU. Đơn giản thế thôi! Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, làm bất cứ công việc gì mà đang giác sáng trở lại tức là đang tu tập. Vừa có mống niệm tìm cầu một sở đắc gì đó để dễ thấy rõ là có được thì sở đắc đó đã biến thành đối tượng bị biết, là đã phân hai; là tâm ta đã đi ra và rơi vào sanh diệt; ngay đó đã mất tu rồi. Biết rõ như vậy để mạnh mẽ, dứt khoát, dừng dứt tâm tìm cầu. Không nên tìm kiếm bất kỳ một cái gì bên ngoài hết. Vì tâm chúng sanh luôn có thói quen đi tìm, luôn muốn có được một cái gì đó bên ngoài nên dễ bị rơi vào sanh diệt, rơi vào sở đắc bên ngoài dẫn đến lầm đường lạc lối. Hướng ngoại tìm cầu, đó là tập khí ngấm ngầm lâu đời của chúng sanh. Nó quá sâu dầy cho nên cần phải tỉnh táo, giác sáng rõ ràng mới nhận ra được. Còn lơ mơ là ngựa quen đường cũ. Nó sẽ âm thầm tìm mọi lý lẽ để bào chữa cho là đúng, dẫn dắt xúi mình đi theo tiếng gọi của nó bằng được, đưa vào con đường tìm cầu, rơi vào sanh diệt dẫn đến các sai lạc khó lường.

 

19.5/ Tỉnh lại, liền là giác.

 

Vừa giác sáng trở lại, không động, chính đó là tâm vô sanh đang hiển hiện. Sống thẳng ngay đó là đang tu. Cụ thể, trên các công việc, chúng ta chỉ cần tỉnh sáng lại, lặng lại, đang là toàn thể tự sáng biết, không biết theo, không biết về duyên bên ngoài, ngay đó liền là vô sanh.

 

Như trên đã nói, trên mọi sinh hoạt hằng ngày, giác lại rồi làm, tỉnh lại rồi làm. Lên xe, tỉnh rồi đi. Lên lớp, tỉnh rồi nói. Ra chợ, tỉnh rồi mua đồ. Gặp việc, tỉnh giác rồi làm... Chỉ tốn khoảng nửa giây thôi, nhưng công việc có hiệu quả hơn nhiều và được tất cả.

 

Hoặc là khi uống nước, tỉnh sáng, không động rồi uống. Ăn cơm, tỉnh rồi ăn. Ngủ nghỉ, tỉnh rồi nghỉ. Bước xuống, cũng rõ ràng giác sáng, không động, tỉnh lại rồi đi. Nếu nhỡ quên thì ngay đó liền tỉnh nhớ lại. Tất cả mọi lúc mọi nơi, chúng ta luôn tỉnh tại, giác sáng, không trụ, rõ ràng như thế. Lâu ngày thành thói quen, công phu sẽ thuần thục, “tỉnh lại” không còn là một khởi nghĩ, việc làm, hành động hay bất kỳ một dấu vết sanh khởi gì nữa, sức giác sẽ lớn mạnh. Khi lực GIÁC càng mạnh thì CĂN THỨC càng bị yếu đi. Đến một lúc đủ lớn, không trước không sau, sức giác bất chợt vụt tăng thì thức thần bỗng dưng dứt bặt. Ngay đó chân trời TRÍ GIÁC chân thật hiển hiện trọn vẹn, rõ ràng, nói không thể đến. Tính chất TRÍ GIÁC này vốn tự không động; không giống với cái định do tạo tác, nhờ dụng công mà khiến cho được lắng đọng, làm cho an định.

 

Một giác liền xong, không có cái giác từ từ. Nhưng nếu là người chưa thể một nhảy vào thẳng biển đại giác thì không còn cách nào khác hơn là phải tạm dùng cái giác ban đầu này. Tất nhiên khi chân trời giác ngộ tuyệt đối hiển hiện trọn vẹn rồi thì cái giác trước kia không còn quan trọng nữa. Cũng chẳng phải có cái giác thứ hai nào vào đây thay chỗ. Chỉ là một sự lột xác tuyệt đối, tất cả như được sáng mạnh hơn. Những vị đã đạt đến đây rồi thì tự biết lối sống, không cần bàn nói như trên. Còn lại là những người đang còn trên đường dụng công tu tập, chưa đạt đến giác ngộ tuyệt đối như các Ngài thì phải tạm dùng sức giác tỉnh. Trong lúc này không còn thức ăn nào cao thượng hơn cái giác đó nữa. Khi sức giác đã đủ mạnh thì chính nó vỡ tung, lột xác chuyển thành cái đại giác chứ không phải bỏ cái này để đi tìm cái kia; không phải có một cái giác nào khác vào đây để thay thế. Đó là cách dụng công thẳng tắt đến giác tánh.

 

20.LẬP CHÍ BỀN BỈ, KIÊN TRÌ LÂU DÀI, KHÔNG GIÁN ĐOẠN

 

Vừa quên liền tỉnh lại, tập dần lâu ngày thành thói quen mới có lực. Phải kiên trì, không nên tham lam nôn nóng muốn một ngày một bữa làm được liền. Lúc đầu quên nhiều, sau quên ít, dần dần sẽ thuần thục và có kinh nghiệm. Đừng vội. Thông thường khi tu tập, nhiều vị mong muốn có phương pháp nào dụng công để chứng đắc cho mau, cho khỏe. Nhiều người biết được tâm lý này cho nên quảng bá, đưa ra nhiều phương pháp tu mau chứng đắc, hợp với sở thích của mình. Và kết quả là bị rơi vào con đường sai lệch. Hòa thượng Tôn sư chúng ta dạy: “Người nào tu hành mà muốn chứng đắc cho mau, vài ba tháng là phải chứng đắc liền, thì tôi biết đó là người làm biếng”. Bởi lười biếng tu cho nên muốn chứng đắc cho rồi cho khỏe. Tu hành là gột tẩy phàm tình, hàng phục vọng tâm, giác tỉnh trở lại. Khi sức giác đủ lớn, căn thức dứt bặt, bản tâm chân thật hiện tiền, là ngộ đạo. Tu hành không phải là việc làm tạo tác. Không ai tài nào có một phương pháp nào có thể lột xác cái phàm mê giúp mình cho mau được. Nếu được thì đức Phật đã làm giúp cho tất cả chúng sanh rồi, đâu cần phải tu cho nhọc?

 

Việc tu tập không phải khó, nhưng do thường mắc lỗi một nắng mười mưa, không kiên trì liên tục nên không tiến được. Khi thuận lợi thì lười biếng, nguội lạnh không chịu công phu. Đột nhiên cao hứng hay bị buồn đời gì đó thì vội vàng, nôn nóng, đòi tu chí tử và muốn phải có kết quả liền. Hai trạng thái này đều là đột biến, bất bình thường, không khéo dụng công cho nên không đưa đến kết quả tốt.

 

Khi nguội lạnh thì thiếu sự tỉnh giác, đó là rơi vào vô minh. Nhưng đến khi đùng một cái tu siết, chăm bẵm, đè nén, kềm tâm để mau có kết quả, đó là rơi vào cố chấp. Lơ đễnh thì rơi vào vô minh. Kềm kẹp thì rơi vào cố chấp. Đây là tâm đột biến, mất bình thường, là tâm động. Dùng tâm đột biến bất thường này mà tu thì làm sao đưa đến kết quả tốt được?

 

Cố chấp, gấp rút, đè nén và lơ đễnh, nguội lạnh, buông lung là hai bên, là có chỗ cho thức tình sanh khởi. Ngay đây mà dụng công thì không thể đạt đến chánh trí vô sanh được. Rời hai cực đoan này thì không có chỗ cho tình thức nương vào để sinh khởi. Sống thẳng ngay đó là GIÁC. Giác là đang tu. Mọi lúc mọi nơi, cần luôn khéo cân chỉnh cho thăng bằng hợp với trung đạo. Vừa quên thì GIÁC liền. Vừa thấy hơi nguội lạnh thì phải chấn chỉnh tinh thần, kích hoạt cho tâm phấn chấn liền. Vừa thấy nôn nóng quá thì phải lặng lẽ, lắng xuống, bình tâm lại. Phải giữ cho tâm bình thường và luôn giác sáng thì công phu tự thăng tiến chứ không cần mong cầu. Mong cầu là có tâm, sanh tâm và có cái bên ngoài để mong cầu đạt đến, là trái đạo.

 

Một số phương pháp tu khác thấy có chỗ cho tâm bám, chúng ta thấy dễ thực hành và thích, vì sẽ thấy có kết quả cho mình thấy được liền trước mắt, tất nhiên là như vậy. Nhưng với Thiền tông chánh thống, nếu còn có một vật bên ngoài để cảm nhận được thì nó đã trở thành đối tượng bị biết, bị thấy, bị cảm nhận, cho nên chưa phải là chỗ chân thật rốt ráo tánh tịnh niết bàn nơi chính mỗi người. Đức Phật nói, nếu có một pháp vượt hơn niết bàn này, Như Lai nói đó là huyễn hóa, không thật. Đến chỗ trở về với tánh tịnh bình đẳng tuyệt đối rồi mà Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ còn nói: “Trong nhà Phật pháp mời không ở, Đêm về như trước ngủ hoa lau”. Tức là không dừng trụ trong đó mà phải quên đi sở chứng, trở lại trong đời sống bình thường mà giác tánh vẫn không thiếu vắng. Đây là chỗ Tổ Bá Trượng nói, đập gương vụn đúc thành tượng rồi, nhưng tánh soi sáng luôn rạng ngời, không một vết mê mờ. Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Giác tánh quang quang, Dầu lòng dong thả”. Đạt đến đó mới có phần tự do tự tại. Nếu ai còn chấp trong chỗ chứng đắc thì vẫn còn kẹt ở đầu sào trăm trượng, vẫn kẹt trong nước chết không chứa được rồng, vẫn còn bị các Thiền sư quở. Đã thấu suốt như vậy rồi thì đối với “những tâm chứng có chỗ được” kia chỉ là những món tầm thường, có cho cũng không biết đặt vào đâu. Bởi tâm thể nơi mỗi người chưa từng thiếu vắng, mang thứ bên ngoài vào không phải là châu báu thật trong nhà. Phải dám mạnh dạn thấu suốt như vậy mới không bị người khác lừa gạt để phải lầm đường lạc lối.

 

Cách ứng dụng công phu này chỉ là nhận lại bản tâm sẵn nơi mình thôi, đâu phải đi tìm một cái gì xa xôi đâu mà khó. Cái khó là ở chỗ tập khí của chúng ta thường hay quên, hay bất giác. Nếu không nóng vội muốn được liền, mà kiên trì bền bỉ thì sẽ thực hành được, không khó. Cần biết rằng, từ xưa đến giờ, đã lâu lắm rồi, chúng ta đã bỏ ra quá nhiều thời gian cho những việc bất giác. Bây giờ muốn giác thì cũng cần phải có thời gian ít nhất là gần tương ứng như thế để nuôi lớn cái giác thì mới hợp lý. Do thường thiếu sự tĩnh lặng do đó làm gì cũng hay nôn nao, nóng vội, muốn có kết quả thật nhanh, đạt được liền. Cộng thêm vào đó cái tật lười biếng, thiếu kiên nhẫn nên dễ nản lòng và thấy tu hành gì mà khó quá. Ngược lại, nếu biết an tĩnh, không nôn nóng, đừng mong mỏi đặt ra thời gian cố định lúc nào phải chứng đắc mà nên biết rằng, phải dụng công chín chắn thẳng đến chỗ vô sanh, khế hợp tánh thể. Đã nhìn đúng hướng, chỉ còn việc đi. Có đi thì có đến, có tu chắc chắn sẽ đạt đến được. Nhìn nhận kỹ lưỡng thông suốt như thế công phu sẽ không sanh bệnh, sẽ đạt được hiệu quả tốt. Giống như leo núi, nếu nôn nóng thì rất dễ mệt mỏi rồi bỏ cuộc giữa đường. Còn bình thản, bền bỉ đều đặn, không nhanh cũng không chậm thì chắc chắn sẽ lên được đỉnh núi một cách nhẹ nhàng.

 

Hòa thượng Ân sư dạy, sự tu tập phải đủ ba đức tính:

 

1.   Thiết tha: Dụng công tu tập một cách thiết tha, như đói được ăn, khát được uống. Rất hoan hỷ, phấn chấn và thích thú trong sự tu tập.

 

2.   Quả cảm: Dám làm, người khác làm được thì mình cũng làm được. Không yếu đuối rồi làm nhẹ nhẹ cho có hoặc thối lui.

 

3.   Trường viễn: Phải lập chí bền bỉ, lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Không phải khi thì nguội lạnh giải đãi, khi thì nôn nóng muốn chứng đắc liền, như thế sẽ rơi vào bệnh trong công phu.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1156799
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
986
3244
9199
1122066
41802
118095
1156799