Thứ Năm 3/10/2024 -- 1/9/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Đều từ cái nhìn - PHẬT PHÁP TẠI THẾ GIAN

 

 

 

PHẬT PHÁP TẠI THẾ GIAN

Lục Tổ nói: “Phật pháp tại thế gian.”. Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”. Vậy Phật pháp, đạo chân thật mà chư Tổ nói có thực sự ở trong đời, ở thế gian hay không? Hay còn ở đâu khác?

Nếu đạo chân thật, hay Phật pháp chỉ ở trong đời, trong thế gian thì trong chùa không có hay sao? Nếu đạo lý chân thật ở ngay cả trong chùa và ngoài đời của trần gian này thì không lẽ ở cõi Phật lại không có đạo? Nếu khắp nơi đều có đạo, đều có Phật pháp thì tại sao chư Tổ lại nói trong đời, trong thế gian? Hơn nữa, nếu đạo lý chân thật chỉ ở trong thế gian thôi thì nơi khác sẽ không có ánh sáng của đạo lý ấy soi đến. Ở đây có, chỗ kia không, rõ ràng đạo lý ấy chưa đủ lớn trùm khắp, chưa phải chân thật. Lời của chư Tổ là chân lý, luôn đúng. Nhưng thấy chưa hợp lý chỉ còn là ở phàm phu như chúng ta. Vậy cuối cùng, theo lời dạy của chư Tổ, chúng ta sẽ thấy ra đạo lý chân thật, Phật pháp nằm ở đâu?

Khởi tâm tìm đạo thì đạo liền xa. Nếu nghĩ rằng, đạo lý giác ngộ ở một nơi nào đó dù chốn ấy là cõi Phật hay ở trong trần thế thì đều chưa phải, bởi đã khởi tâm phân biệt kia đây. Ngay bản chất của tâm phân biệt là sanh diệt, là không phải đạo lý chân thật rồi, còn dùng tâm ấy mà tìm cầu nữa thì làm sao thấy đạo được?

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.”

(Cư trần lạc đạo).

Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Ở đời vui đạo” là không cần tìm kiếm đạo lý giác ngộ ở đâu cho xa, nhưng cũng chưa hẳn đã ở trong đời. Lục Tổ dạy: “Phật pháp tại thế gian”cũng chưa chắc là chỉ cố định ở trong thế gian. Mà chính là ngay chỗ chúng ta đang sống. Khéo nhận, mới hay ra, đạo chân thật luôn hiển hiện trước mắt, ngay mọi thứ chúng ta đang đối diện. Và chư Tổ nói đạo ở trong đời, Phật pháp tại thế gian, chính là quý ngài muốn nhắc thức, đạo chân thật đã sẵn ngay tại vị trí mỗi người đang đối diện, đang sống; đó là trong đời, ngay tại thế gian.

Chúng sanh thường mơ tưởng tìm cầu giác ngộ ở một cõi Niết-bàn xa xôi nào đó. Đây là tâm niệm bỏ chỗ này chạy tìm chỗ khác, trong khi đó đạo lý giác ngộ ở ngay nơi chính mỗi người. Vì để dẹp trừ khái niệm mê lầm tìm kiếm bên ngoài cho nên Lục Tổ dạy “Phật pháp tại thế gian” và Sơ Tổ Trúc Lâm nói “Ở đời vui đạo”. Vì quý ngài đang nói cho chúng ta và chúng ta thì lại đang sống trong trần thế, cho nên “Phật pháp tại thế gian” hay “Ở đời vui đạo”, không có nghĩa là cố định ở trong thế gian, trong đời, hay ở một nơi nào đó, mà là ngay chỗ chúng ta đang sống, ngay tình huống mỗi người đang đối diện. Ngay đó khéo phản tỉnh soi lại, sẽ hay ra Phật pháp sẵn đó nơi chính mỗi người. Người người đang sống trên nó mà lại bỏ quên, đi tìm cầu nơi khác.

 “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.”. Ở bất cứ nơi nao, nếu chúng ta biết khéo léo tùy duyên vận dụng sống về và vui với đạo lý giác ngộ thì mới có được niềm vui thanh cao, trọn vẹn và vĩnh cửu. Mọi duyên là thuận, là nghịch, hay dù có như thế nào chăng nữa, chúng ta cũng uyển chuyển tùy duyên một cách dễ dàng và nhẹ nhàng như việc thường ngày mỗi người vẫn làm – “đói ăn mệt ngủ”; để đạt được một mục tiêu duy nhất – “vui với đạo”.

Nếu không quan trọng mọi thứ bên ngoài thì việc tùy duyên này không khó. Mà không quan trọng cũng phải, bởi có thứ gì quan trọng đâu! Tất cả chỉ là những thứ tạm bợ, không bền chắc. Hễ khéo tùy duyên, không tâm tìm cầu bên ngoài thì tâm mình rỗng lặng mà giác sáng trùm khắp. Nhìn đến đâu, đối diện bất kỳ tình huống nào, ánh sáng giác ngộ này luôn sáng rỡ, chưa từng thiếu vắng. Mới biết, bảo bối ngay trong nhà mình, nơi chính mỗi người, không thể tìm cầu ở đâu khác mà có được (Trong nhà có báu thôi tìm kiếm). Nhận và sống được bằng tâm Thiền vô giá này rồi thì sinh hoạt tới lui tự tại, không ngăn ngại. Ở ngay trong cảnh chúng ta đang sống mà vốn tự vượt thoát, không tâm mà thấy biết rành rẽ rõ ràng. Vậy thì còn tìm kiếm Thiền ở đâu nữa? (Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền). Đối cảnh, không sanh khởi tâm, liền khế hợp Thiền. Sống bằng tâm Thiền, đối cảnh, tâm ấy tự không còn sanh khởi, nhưng biết khắp.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1011180
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
619
3068
19065
965857
14278
92670
1011180