Thứ Sáu 19/4/2024 -- 11/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Đều từ cái nhìn - KIẾN THỨC, NHẬN THỨC VÀ TRÍ TUỆ THỰC TIỄN

 

 

KIẾN THỨC, NHẬN THỨC  

VÀ TRÍ TUỆ THỰC TIỄN

 

  

Hiện nay, ở đời có nhiều người không đủ điều kiện để học Đại học, nhưng vẫn làm được nhiều việc thành công. Có không ít người có học vị cao, nhưng lại không làm nên câu chuyện gì trong đời. Trên thực tế đó, nhiều người đã tự đặt ra cho mình suy nghĩ: “Có nhất thiết phải học Đại học hay không?”. Đây là mệnh đề chưa có kết luận cuối cùng, nhưng lại là một thực tế mà mọi người đang phải đối diện.

 “Nếu là một giáo sư có điều kiện, quý vị có cho con mình học Đại học hay không?”. Rất nhiều người đồng chung một quan điểm: “Cứ cho học rồi hãy tính sau.”. “Đi rồi mới tính sau” là người chưa biết rành lối đi, đi trong khủng hoảng. “Học rồi mới tính sau” là học mà không có định hướng, chuỗi hệ thống ISO Lo-gic ở đâu, rồi sẽ thành gì?

 Giả sử việc nên học Đại học là đúng thì trong xã hội vẫn tồn tại một số người không học Đại học mà vẫn thành đạt. Có nhiều bác nông dân có những phát kiến đặc biệt, nhân loại đang tin dùng và được hưởng lợi từ những phát minh không bằng cấp ấy. Vì thế, mệnh đề phải học Đại học là chưa thỏa mãn, chưa đủ thuyết phục để trở thành một vấn đề chung cho tất cả mọi người. Có học là chưa thuyết phục, chưa thỏa mãn. Vậy không học thì sao?

 Ông Thần Đèn không học, nhưng có khả năng di dời nhà cửa một cách phi thường. Mọi người không cấm, nhưng khuyến khích ông nên học thêm ngành kiến trúc để bổ túc cho việc làm của mình được tốt hơn. Khi học hiểu rồi, ông ta nhận ra việc làm của mình trước kia là quá mạo hiểm, cần được cải tiến, không dám tiếp tục làm theo phương pháp cũ nữa.

 “Có học” chưa chắc đã làm nên việc lớn; “không học” thì hành động trong sự thiếu hiểu biết, nguy hiểm vô cùng. Học cũng không được, không học cũng không xong. Vậy phải làm sao? Nếu chúng ta không có được trí tuệ đặc biệt hơn, cứ ở trong việc học cùng chẳng học để tìm kiếm lối đi thì không tài nào tìm ra được phương hướng thích đáng.

 Học là ghi nhớ và hiểu được những vấn đề bên ngoài, đó mới chỉ là kiến thức. Kế đến tư duy, tiêu hóa những kiến thức đã được học hiểu để nhận ra nhiều điều từ nơi mình, đó chỉ mới là nhận thức hay tri thức. Kiến thứcnhận thức nó vẫn còn nằm trên con chữ, trong đầu, chưa làm nên đồng tiền bát gạo là đúng. Người không được học nhiều mà có năng khiếu làm được một số việc đặc biệt, đó là nhờ vào trí tuệ vận dụng thực tiễn. Nếu có trí này mà thiếu kiến thứcnhận thức thì việc làm sẽ bị khiếm khuyết, chưa thấu đáo và đầy đủ trọn vẹn. Nếu có kiến thứcnhận thức mà thiếu đi trí tuệ vận dụng thực tiễn và khả năng thích nghi thì chỉ là con chữ mà không có khả năng và bản lĩnh để làm nên điều gì đáng kể. Vậy thì tại sao chúng ta không biết vận dụng ba phạm trù này để làm thành một hướng đi? Nếu chỉ nghe qua như thế và học theo thì cũng chỉ là học trò đang học tập, chứ chưa thể là bậc thầy hướng dẫn được. Muốn có biện pháp thực hiện được điều này một cách đúng mức thì cần phải nhận ra nguồn trí tuệ tổng, siêu vượt trên ba phạm trù vừa nêu trên, mới biết cách vận dụng và triển khai được. Đó là trí tuệ vô sư, trí tuệ gốc nơi chính mỗi người.

 Ghi nhớ, tích lũy là kiến thức. Tư duy để nhận ra là nhận thức, tri thức. Trí tuệ không phải như thế. Học một hằng đẳng thức, một phép toán là để có kiến thức giải toán. Hiểu một bài toán thì mới chỉ có được sự nhận biết để giải bài toán ấy. Khéo vận dụng những điều đã được học hiểu để giải một bài toán, từ bài toán đó giúp cho trí mình phát triển thêm; đó chỉ mới là ngang tầm của học trò rèn luyện được trí tuệ của thế gian chứ chưa có trí tuệ của một giáo sư ra toán. Muốn làm tốt điều này thì bắt buộc chúng ta phải có nguồn trí tổng vượt trên những tri thức của một học trò và giáo sư.

 Như vậy, nếu đưa ba phạm trù trên để áp dụng vào giáo dục cho từng cấp học, từng độ tuổi phù hợp thì chắc rằng sẽ có những hiệu quả tích cực. Phạm trù thứ nhất là giảng dạy kiến thức để học sinh nắm bắt những kiến thức căn bản cho thật chắc chắn. Phạm trù thứ hai là khéo đào tạo cho người học có khả năng tư duy, phán đoán, nhìn nhận vấn đề để có nhận thức. Phạm trù thứ ba là tiêu dung, tiêu hóa tất cả những điều đã học hiểu và tư duy, sau đó cho bước vào cọ sát với thực tế để kích hoạt trí tuệ vận dụng thực tiễn. Ví dụ như những học sinh tiểu học, trí não chưa phát triển đầy đủ do đó khả năng tư duy độc lập còn hạn chế. Vì vậy cần trang bị những kiến thức căn bản, có chân trời hướng đến cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cách truyền đạt kiến thức căn bản không phải là đưa ra một mệnh đề đã định sẵn và bắt buộc học sinh nhất nhất tuân theo như ra lệnh, mà phải khéo khơi gợi tính tò mò ở học sinh để chính người học tự nhận ra điều mà chúng ta muốn truyền đạt. Khi học sinh động não, tự mày mò tìm hiểu và nhận ra điều chúng ta muốn dạy thì cùng một lúc đạt được hai kết quả. Một là bản thân giáo viên đã dạy xong phần mình muốn truyền đạt cho học trò về kiến thức. Hai là tạo cho các cháu tự vận động bản thân để làm việc cùng giáo viên; đồng thời, các cháu có cảm giác “có cái của mình”, chính mình tự nhận ra điều đó. Từ đó, mỗi cháu sẽ được trưởng thành, mạnh mẽ, vững vàng, tự tin trên đôi chân của chính mình, phát triển khả năng tự lập. Ngược lại, nếu giáo viên cứ đưa sẵn ra mệnh đề đã mặc định và giảng dạy theo kiểu như ra mệnh lệnh, bắt buộc học trò nhất nhất phải tuân theo thì đầu óc các cháu sẽ trở nên tê liệt, thiếu khả năng tư duy và sẽ thụ động. Ở cấp học Trung Học Cơ Sở, chúng ta có thể đưa ra 70-80% kiến thức, 20-30% còn lại là cho tư duy, phán đoán và nhận định vấn đề. Lên cấp Trung Học Phổ Thông giảm bớt khối lượng kiến thức còn 50% và tăng dần khả năng nhận định lên 50%. Lên Đại Học, càng lúc càng tăng dần việc nhận định, phát triển tầm nhìn, bớt dần những kiến thức. Đến năm cuối cùng thì dừng hết tất cả các lý thuyết, tư duy và cho mỗi sinh viên tự đi đến bất kỳ đâu, tìm bất cứ việc gì để làm, để rút tỉa kinh nghiệm thực tiễn. Sau một năm quay lại nhà trường và trình bày những kinh nghiệm, những phát hiện nhận ra của mình trong mối tương quan giữa những kiến thức, tư duy trong nhà trường so với kinh nghiệm thực tế. Lúc này, trí tuệ vận dụng thực tiễn đã được kích hoạt, giáo sư là người giúp sinh viên hoàn bị những phần còn thiếu sót. Chúng ta vẫn thường thấy những thông báo tuyển nhân sự: “... có kinh nghiệm.”. Có kinh nghiệm còn kém xa người có trí tuệ vận dụng thực tiễn. Được giáo dục và đào tạo như thế, sau khi ra trường, mỗi sinh viên sẽ là nhân tố có tất cả những yếu tố căn bản và thiết yếu mà cuộc đời cần đến: Có bằng Đại Học; có kiến thức; có nhận thức, tư duy; có thời gian trải nghiệm, có kinh nghiệm trong công việc liên quan, có trí tuệ vận dụng thực tiễn. Có nhiều con người được trang bị đầy đủ những yếu tố cần thiết tối thiểu như thế sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp cho bản thân mỗi người và xã hội. Nếu nhắm thẳng vào ba phạm trù “Kiến thức, Nhận thức, Trí tuệ vận dụng thực tiễn” vừa nêu trên để đào tạo thì chất lượng sẽ được cải thiện rất nhiều. Ba phạm trù này là bước đệm để hình thành trí tuệ hữu sư.

 

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

424753
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
6023
2300
23446
387297
50288
73473
424753