Thứ Sáu 6/12/2024 -- 6/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 28.Chẳng thọ chẳng tham

 

 

CHÁNH VĂN:

28. CHẲNG THỌ CHẲNG THAM

Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát đem bảy báu đầy các thế giới bằng với số cát sông Hằng dùng để bố thí; nếu  lại có người biết  tất cả pháp vô ngã, được thành tựu nơi nhẫn, Bồ tát này hơn phước đức của Bồ Tát bố thí ở trước có được. Tại sao? Này Tu Bồ Đề! Do các Bồ Tát chẳng thọ phước đức.

Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, làm  thế nào Bồ tát chẳng thọ  phước đức?

- Này Tu Bồ Đề! Bồ tát có làm phước đức gì chẳng nên tham trước, vì vậy nói chẳng thọ phước đức.

GIẢNG:

Đây là những phần chứng nhập, nên khiến Bồ tát bố thí, làm phước đức mà quên công, không thọ không tham, để thể nhập vào thật tướng Bát nhã; còn thọ, còn tham là chưa. Hãy xem sự so sánh có gì đặc biệt? Bồ Tát đem bảy báu đầy các thế giới bằng số cát sông Hằng để bố thí, và có người biết được các pháp vô ngã, được thành tựu nơi nhẫn, thì bồ tát này hơn phước đức của bồ tát thí ở trước. Từ trước nhiều lần Phật đem so sánh về phước bố thí bảy báu, cả bố thí thân mạng cũng không bằng phước của người trì kinh; còn ở đây Phật nói bố thí bảy báu như vậy, so với người “biết các pháp vô ngã, được thành tựu nơi nhẫn” chứ không so sánh trì kinh, đó là điểm cần chú ý. Thứ hai là, ở trước nói có người nào đó bố thí vậy thôi, còn ở đây nói là Bồ tát rõ ràng, và hai vị trước sau đều là bồ tát hết. Bởi Bồ tát trước đã nghe Phật dạy, đã hiểu được pháp vô ngã, nhưng chưa sống được khế hợp với chỗ thấy đó, nên chưa thành được sức nhẫn; còn Bồ tát sau biết pháp vô ngã và thành tựu được sức nhẫn, tức hạnh và giải đã khế hợp nhau, đó là đi vào chứng nhập rồi, nên Bồ tát sau hơn Bồ tát trước. Nhẫn ở đây là vô sanh nhẫn, tức nhận biết các pháp vô ngã mà không sanh những tâm phân biệt, lấy bỏ, hơn thua, phải quấy. Đối với các pháp không có tâm phân biệt, thì ngay nơi các pháp mà vô sanh, thành tựu được sức vô sanh nhẫn. Do thành tựu sức nhẫn đó mà làm tất cả pháp lành mới không thọ, không tham trước. Thọ tức là thu nhận, nạp vào, tức làm mà còn nghĩ đến hưởng, ví như tu hành thì nghĩ là phải được cái gì chứ không chỗ được là không chịu; làm phước thì cũng đòi đời sau được hưởng thân tướng tốt đẹp, hoặc sanh cõi trời được vui vẻ, vậy còn nghĩ đến hưởng là còn ngã, mà còn ngã là còn sanh, còn sanh là chưa thể nhập được Bát nhã. Cho nên vừa có chỗ thọtâm bị chuyển, vậy là không khế hợp vô sanh, là chưa vô ngã được, chỗ đó là chỗ rõ ràng. Trong thiền sử có câu chuyện: thiền sư Thanh Khoát sau khi được ngài Thùy Long ấn khả, lúc Sư ra trụ trì, có vị tăng đến hỏi:

- Khi nhà nghèo mà gặp giặc cướp thì sao?

Sư đáp:

- Không thể lấy hết.

Nghĩa là có của thì mới lấy hết còn nghèo thì lấy gì? Vị tăng hỏi lại:

- Vì sao không thể lấy hết?

Sư đáp:

- Vì giặc là kẻ thân trong nhà.

Tức là những vọng tưởng, chúng ta tưởng đâu ở ngoài vào, nhưng là bà con mình thôi, ông tăng lại hỏi:

- Đã là người thân trong nhà tại sao lại trở thành giặc?

Sư bảo:

- Trong đã không ứng thì ngoài không làm gì được.

Trong không khởi niệm thì bên ngoài trần cảnh có đến cũng chẳng làm gì được, đó là không phải ở ngoài vào mà ở trong có nội ứng, nên ngoài mới quấy rối. Vị tăng hỏi:

- Khi chợt bắt được thì sao?

Sư bảo:

- Trong ngoài đều bặt tin tức.

Không còn thấy có trong có ngoài. Tăng hỏi:

- Khi bắt được công về đâu?

Ngài đáp:

- Thưởng cũng chưa từng nhận.

Còn thấy có công bắt được là cũng còn lớp mê nữa rồi, giặc là kẻ thân trong nhà chứ không ai khác, vậy bắt được là công ai bắt? Nên nói thưởng cũng chưa từng nhận. Ông tăng mới hỏi:

- Thế ấy thì nhọc mà không công?

Vậy nhọc nhằn cho uổng công, bắt chi cho mệt! Sư đáp:

- Công tức chẳng không, nhưng thành mà không ở.

Chuyện đó không phải là chuyện suông, nhưng thành tựu mà không ở, không có trụ, không bám, không chấp vào đó. Tăng lại hỏi:

- Đã thành công tại sao không ở?

- Sư đáp:

- Chẳng thấy nói: Thái bình vốn do tướng quân đem đến, mà chẳng cho tướng quân thấy thái bình.

Đó là tinh thần làm mà không thọ, không tham trước, mọi việc đều biết rõ tự tánh mình ứng ra làm vậy thôi, chứ không thấy theo bên ngoài; còn tham trước tức là còn thấy cái bên ngoài thì mới có cái để nhận được, có cái để thu vào, đó là ngoài tâm còn thấy có pháp, vậy là còn lầm. Bởi còn có tham trước thì làm đâu là dính đó, ở đây không cho. Trước kia thiền sư Đạo Ưng lúc ở chỗ Động Sơn cả tuần không đến trai đường, ngài Động Sơn gặp mới hỏi:

- Sao cả tuần không thấy ông đến thọ trai?

Đạo Ưng thưa:

- Do có thiên thần dâng cơm cúng dường.

Ngài Động Sơn quở:

- Ta bảo ông vẫn còn kiến giải, thôi chiều ông hãy đến đây!

Chiều Đạo Ưng đến, ngài Động Sơn gọi:

- Am Chủ Ưng!

Sư : - Dạ!

Động Sơn bảo:

- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?

Sư nhận lấy về am ngồi yên, ba ngày thiên thần không còn tìm thấy nữa. Như vậy khi thiên thần đến dâng cơm, là còn thấy có tâm, tâm còn bị thấy, tức là còn những kiến giải, những tâm thiện chưa quên, nên thiên thần mới thấy được mà đến cúng dường. Khi bảo chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, thì còn động niệm đâu mà thấy nữa. Đến chỗ đó các thiền sư mới chịu, còn có chỗ dâng cơmcòn chưa nhận. Nếu là phàm phu như mình thì thấy các ngài tu hết linh rồi, nên thiên thần hết dâng cơm; nhưng không ngờ đến chỗ tột cùng đó mới là sâu xa, mới thật sự thể nhập với đạo được. Còn có tâm cho thiên thần thấy, thì cái kiến giải chưa sạch hết, chưa thể nhập trọn vẹn. Đây là đoạn để cảnh tỉnh, làm tất cả nhưng không cho mình tham trước, vì tham trước là dính liền, không tham trước mà làm tất cả thì mới tự tại. Ngài Thuý Vi Vô Học có lần nhân làm cơm cúng dường La Hán có vị tăng hỏi:

- Trước kia ngài Đơn Hà thiêu tượng Phật gỗ, còn Hòa Thượng vì sao lại cúng dường La Hán?

Ngài Đơn Hà có lần đến ngôi chùa vào mùa đông lạnh, ngài lấy tượng Phật gỗ đốt để hơ, ông Viện chủ thấy vậy chịu không nổi mới hỏi:

- Sao ngài đem đốt tượng Phật của tôi vậy?

Ngài nói:

- Tôi thiêu để tìm Xá lợi.

Viện chủ nói:

- Tượng Phật làm gì có xá lợi mà ngài thiêu?

Ngài bảo:

- Nếu không có xá lợi thì thỉnh thêm một vị nữa mà thiêu.

Nghe vậy ông giật mình, nhưng liền tỉnh. Nên ở đây vị tăng mới hỏi Hòa Thượng Thúy Vi như vậy. Thúy Vi bảo:

- Thiêu cũng chẳng thiêu đến, cúng dường cũng một bề cúng dường.

Có người nghe nói ngày xưa Hòa Thượng Đơn Hà thiêu Phật nên bây giờ mình cũng bắt chước, gặp Phật cho đó là hình tướng thôi, không chấp trước chi nữa nên không cần lễ Phật, không cần cúng dường, vì cho làm như vậy là chấp tướng, nhưng đó là đúng chưa? Thật chất là bắt chước chứ không hiểu được ý nghĩa thâm sâu của người xưa. Thứ nhất là ngài Đơn Hà làm như vậy là để đánh thức ông viện chủ trong một cơ duyên đặc biệt, nhưng từ đó về sau chúng ta còn thấy ai làm lần thứ hai nữa không? Nếu đã có người làm trước rồi, mà mình làm lại là bắt chước, đạp lại dấu chân, chứ không phải thật. Nếu hiểu không kỹ sẽ lầm chỗ đó! Nên ngài Thúy Vi trả lời: “thiêu cũng chẳng thiêu đến mà cúng dường cũng một bề cúng dường”. Nghĩa là không nhắm mắt mà bắt chước theo, trái lại phải học cái tinh thần không chấp đó, nếu biết được tinh thần làm mà không chấp, không kẹt vào việc làm của mình, thì làm không mê mờ, nên mọi việc làm gì cũng là đạo, cũng đều có ý nghĩa. Vậy thì, cúng dường suốt ngày mà không mắc kẹt, không chấp vào việc cúng dường đó, tức cúng dường rất có ý nghĩa, rất cao quý, đâu có lỗi gì? Có lỗi là mình chấp dính, mắc kẹt trong việc làm của mình thôi. Nên nói Bồ Tát làm tất cả những phước lành, nhưng làm không có tham trước, do đã thành tựu được sức nhẫn, thấy được các pháp vô ngã; phải nhớ phước mà có thọ thì theo đó mà sanh, mà có sanh thì có tử. Do đó, đây là câu chuyện mà người tu Bát nhã sâu xa phải nhớ kỹ! Có ngài Thích Pháp Hỷ vào đầu mùa xuân năm Trinh Quán thứ sáu, tức vào đời vua Đường, Sư hơi bệnh và biết không còn sống được bao lâu, tăng chúng ép Sư uống thuốc để trị liệu, nhưng Sư không chịu uống, vì biết mình sắp mãn số. Đến ngày 12 tháng 10 Sư bảo môn nhơn:

- Vô thường đã đến rồi, các ngươi chớ làm ồn náo, hãy im lặng ngồi thiền để giúp ta bỏ thức này, chớ cho người lạ vào phòng!

Sư thường xướng to lên:

- Ba cõi hư vọng, chỉ là một tâm.

Đại chúng chợt nghe ở khu rừng phía Bắc có tiếng âm nhạc vang dội, đệ tử đem báo lại cho Sư biết. Nếu người bình thường như mình, khi sắp chết mà nghe có tiếng nhạc đến rước thì thấy hãnh diện sẵn sàng để đi. Ở đây, khi đệ tử đến báo cho Sư thì Sư liền bảo:

- Quả báo thế gian ta đã bỏ từ lâu rồi, thế nào lại chọn sanh chỗ vui để còn bị ràng buộc.

Sư nói vậy rồi nhập định, không cần để ý tới. Lát sau những tiếng đó dừng hết, rồi có mùi hương tỏa khắp, suốt đến canh năm, Sư ngồi ngay ngắn rồi tịch. Như vậy ngài Pháp Hỷ được âm nhạc đến đón rước, nhưng ngài không nhận, không đi theo, với các ngài đó cũng là những việc huyễn hóa thôi, nếu có đón mình về cõi trời thì sanh về đó mà hết phước rồi cũng xuống. Đây các ngài đã sống được trong thiền định giải thoát, đó là chỗ chân thật của các ngài. Hiểu vậy thì thấy rõ, thể nhập Bát nhã thì những cái phước cũng không tham đắm, huống gì là những việc làm tầm thường mà lại tham trước! Nhưng làm sao chẳng thọ? Nên ngài Tu Bồ Đề hỏi: “Bạch Thế tôn, làm thế nào Bồ Tát chẳng thọ phước đức?” câu này có nhiều ý nghĩa sâu xa.

Thứ nhất, nếu làm phước đức mà chẳng thọ thì làm chi cho mất công? Thứ hai là phước đức có hay không mà chẳng thọ? Đây chúng ta chú ý phần đáp của đức Phật: “Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát có làm phước đức gì chẳng nên tham trước, vì vậy nói chẳng thọ phước đức”, đây là Phật nhấn mạnh, làm mà chẳng nên tham trước, làm mà chẳng kể công, chẳng đòi hưởng, chứ không bảo mình đừng làm, cũng không phủ nhận phước đức; nếu làm không tham trước, không dính mắc, tất cả từ nơi tự tánh mình ứng khởi ra làm, ở trong ánh sáng Bát nhã mà làm, nên làm gì cũng có ánh sáng Bát nhã dẫn đường, như vậy nên không dính. Cũng như gương đối cảnh, cảnh đến thì hiện, cảnh qua rồi thôi chứ không lưu lại dấu vết vào trong gương, thì làm gì cũng tự tại. Còn mình thì không được như vậy, làm gì cũng nhớ đến, nhất là làm được việc phước to thì nhớ hoài không quên, như vậy là dính. Trong nhà thiền có một đoạn nói về ngài Dược Sơn, một hôm Sư vào trong vườn thấy ông tri viên đang trồng rau, Sư bảo:

- Trồng thì không ngăn ông trồng, nhưng chớ cho nó mọc rễ!

Tri Viên thưa:

- Bạch Hòa Thượng, nếu không cho mọc rễ thì đại chúng lấy gì ăn?

Ngài Dược Sơn bảo:

- Thế ông có miệng hay sao?

Ngay đó ông Tri Viên không đáp được. Ở đây trồng rau mà không cho mọc rễ thì Sư muốn nhắc điều gì? Mọc rễ tức là sanh tâm, làm tất cả việc mà không cho mình sanh tâm. Mọc rễ tức là có thọ, có tham trước, có dính mắc, không mọc rễ tức là làm tất cả mà không dính mắc. Như vậy để thấy ý nghĩa, mình làm tất cả mà không rời tự tánh của mình, là làm trong sự sáng suốt. Còn quên tự tánh thì luôn luôn vướng mắc trong việc làm, chỉ nhớ cái việc làm, rồi theo việc làm mà lưu chuyển, như vậy làm sao thể nhập được Bát nhã. Chỗ này nói dễ nhưng làm thì khó, vì đây không phải chỗ lý luận. Vì vậy phần này Phật chờ tới gần sau mới nói, chứ không nói trước. Hãy nhớ, những phần này là phần thể nhập, nên không lý luận nhiều mà phải sống bằng sức sống chân thật của chính mình. Những người nào ham tranh cãi thì tưởng hay, giỏi, nhưng biết rõ là thuộc về hạng nào? Vì cãi lý thì còn cái tâm hơn thua, sợ mình thua nên cãi cho thắng, nhìn bên ngoài tưởng hay, nhưng sự thật mình chưa sống được, đó là còn thọ, chưa thành tựu được sức nhẫn. Đó là kinh nghiệm cho những người thích cãi lý, học thiền được một chút thường hay đi nói thiền. Ta hay gọi “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, học được một chút hay phô bày còn người đầy bụng thì còn khoe làm gì nữa, mà chỉ lo sống cho được cái thật thôi. Rốt lại thì làm sao chẳng thọ? Chẳng thọ là vì không tham trước, mà không tham trước là do đã được vô ngã, thấy rõ được thiện ác đều là đối đãi, không thật, vậy thọ cái gì? Sở dĩ thọ là do thấy thiện, thấy ác, nên bỏ ác thọ thiện; còn đây rõ được tất cả pháp đều vô ngã, thiện và ác là cái đối đãi nhau chứ không có tự tánh thật, vậy thọ cái gì? Chính “ta” cũng không thật nữa thì thọ cho “ai” đây? Ở những phần trước Phật so sánh để rõ mình chẳng trụ ở phước nhiều mà soi trở về tự tánh, sống trở về với Bát nhã, tức là trì kinh, còn hơn là bố thí bảy báu, đó là phá tướng để rõ tánh. Ở đây nói lên, Bồ Tát đã thành tựu được sức nhẫn, do sống được trong sức nhẫn đó, sống được trong tự tánh đó, mà chẳng thọ phước đức. Ở trước là phá tướng để hiển tánh, còn đây là từ trong tự tánh mà sống nên không dính mắc, vậy là sự so sánh tiến lên một tầng nữa. Đây ngầm ý khiến mình quên niệm thiện ác, không còn khởi thấy niệm thiện niệm ác có thật, có đối đãi. Ngài Ngưu Đầu Pháp Dung trước khi gặp Tổ Đạo Tín (Tổ thứ tư), ngài tu trong núi rất có công phu, chim thường tha đồ đến cúng dường, nhưng sau khi gặp Tổ Đạo Tín khai thị thì chim hết tha đồ đến cúng dường. Người bình thường thấy vậy cho là ngài tu dở, nhưng thật là ngài tu bặt hết những niệm thiện, ác nên chim không thấy chỗ để cúng dường. Vậy là tiến sâu lên một bước nữa. Ngài Hoàng Bá có đoạn nhắc: “- Tạo ác, tạo thiện cũng đều là chấp tướng, chấp tướng tạo ác thì luống chịu luân hồi, chấp tướng tạo thiện thì luống chịu nhọc nhằn”, là sanh lên rồi rớt xuống, “thảy đều không bằng ngay một câu nói mà tự nhận được bổn pháp,” tức là tự nhận được tự tánh thật, đó mới là căn bản. Đây là chỗ Lục Tổ Huệ Năng khai thị cho Huệ Minh, khi ông đuổi theo giật y bát, Tổ bỏ y bát trên tảng đá rồi vào trong bụi trốn, Huệ Minh đến nhấc lên, nhưng nhấc không nổi, biết đây không phải là chuyện thường, không phải dùng sức mà được, bèn kêu:

- Nhơn giả ! Nhơn giả ! Tôi đến đây là vì pháp chứ không phải vì y.

Tổ Huệ Năng từ trong bụi đi ra và nói:

- Nếu ông vì pháp thì hãy đứng yên lặng lòng lại nghe ta nói!

Sau khi ông đứng yên thì Tổ nói:

- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, cái gì là bộ mặt thật của Huệ Minh?

Ngay đó Huệ Minh liền tỏ ngộ. Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, là bặt hết mọi niệm thiện ác thì ngay đó là cái gì? Chỗ đó mới là chỗ chân thật. Tuy nhiên khi chưa được đến chỗ đó, còn sống trong đối đãi thì bỏ ác làm thiện cũng là tốt, chứ không phải nói như vậy là không làm gì hết, nhưng đến chỗ tột cùng phải quên cả niệm thiện ác thì mới thể nhập được trong thật tướng đó.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1249843
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1113
3690
25536
1199158
25536
109310
1249843