Thứ Bảy 7/12/2024 -- 7/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 2.Thiện hiện khải thỉnh

 

 

CHÁNH VĂN:

2. THIỆN HIỆN KHẢI THỈNH

Lúc đó, Trưởng lão Tu Bồ Đề ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, quỳ gối phải, chấp tay cung kính bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, thật ít có! Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo phó chúc các vị Bồ Tát. Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, kẻ thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nên làm sao trụ? Làm sao hàng phục tâm mình?

Phật bảo:

- Lành thay! Lành thay! Này Tu Bồ Đề! Đúng như lời ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo phó chúc các vị Bồ Tát. Nay ông hãy lắng nghe, tôi sẽ vì ông mà nói.

- Kẻ thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nên như vầy mà trụ, như vầy mà hàng phục tâm mình.

- Vâng, bạch Thế Tôn, con nguyện ưa muốn nghe.

GIẢNG:

Tới phần này gọi là chánh tông, phần trước mình học qua gọi là phần tựa. Vào chánh tông, trước tiên Ngài Thiện Hiện khải thỉnh, khải thỉnh là thỉnh pháp, Thiện Hiện là ngài Tu Bồ Đề. Đây là bản dịch của ngài Cưu- ma- la- thập, trong bản dịch đời Đường thay vì lúc đó Trưởng lão Tu Bồ Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy thì có thêm: “- Bấy giờ chư tỳ kheo đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh bên phải ba vòng, rồi lui về một bên, ngài Huệ mạng Tu Bồ Đề bèn từ chỗ ngồi đứng dậy ..v.v..” Ở đây gọi là Trưởng lão Tu Bồ Đề, còn bản đời Đường gọi là Huệ Mạng Tu Bồ Đề; và câu hỏi: “nên làm sao trụ? làm sao hàng phục tâm mình?” thì bản kia có thêm một câu nữa: “- làm sao trụ? làm sao tu hành? làm sao hàng phục tâm mình?” có ý nghĩa rõ ràng thêm. Đoạn này có mấy điểm để cho mình cần phải rõ.

Thứ nhất, nêu lên người khải thỉnh kinh, tức người thỉnh pháp là Trưởng lão Tu Bồ Đề. Trưởng lão là để chỉ cho bậc tuổi cao, đức lớn, nhưng tuổi tác cao ở đây, không giống tuổi tác cao ở thế gian, mà chỉ cho tuổi đạo, tức tuổi hạ. Bởi vì các vị tu hành lấy tuổi đạo làm tuổi của mình, nên khi bắt đầu thọ giới tỳ kheo rồi thì mỗi mùa an cư, chư tăng phải tụ lại một nơi để kiết hạ an cư, thúc liễm thân tâm tu hành. Qua mùa an cư rồi, được thêm một tuổi đạo. Nên sau mùa an cư nhằm ngày Tự tứ cũng gọi là ngày Phật hoan hỉ, vì ngày đó là ngày mừng chư tăng đã thêm được một tuổi đạo. Do xưa kia, các vị tỳ kheo đi khất thực, du hoá nơi này, nơi kia tới mùa an cư mới tụ về một chỗ, nhắc nhở cho nhau tiến tu, cũng như trau đổi những kinh nghiệm. Như vậy được thêm một tuổi đạo ở đây, đúng theo ý nghĩa là thêm công phu tu hành chứ không phải an cư ba tháng rồi, chỉ tính thêm một tuổi suông, nếu tính suông như thế thì chưa đầy đủ ý nghĩa lắm. Cho nên ở đây nói trưởng lão tuổi cao, là ngài tuổi đạo nhiều, đạo đức cũng lớn, có bản khác dịch là Huệ mạng – Cụ Thọ. Huệ mạng là lấy trí tuệ làm mạng sống chứ không lấy cái thân này làm mạng sống nữa, nên quý vị thấy trong chùa hay đề “Duy tuệ thị nghiệp”, tức lấy trí tuệ làm sự nghiệp của mình. Cụ Thọ, là tuổi tác cao, đây cũng gần ý nghĩa như trên. Vậy Tu Bồ Đề được gọi là bậc trưởng lão, tức là người có tuổi đạo cao. Tu Bồ Đề là âm tiếng Phạn, Trung hoa dịch là Không Sanh – Thiện Cát hoặc Thiện Hiện, ở đây gọi là Thiện Hiện khải thỉnh là chỉ cho ngài, một vài chỗ còn gọi là Thiện Nghiệp hoặc Thiện Kiến – Thiện Thật, nhưng ba nghĩa chính là Không sanh – Thiện Cát hoặc Thiện Hiện. Do duyên ngài sanh ra trong một gia đình Bà la môn giàu có ở nước Xá vệ, người giữ kho tàng trong gia đình mới báo là hôm nay bỗng dưng trong kho tàng trống trơn, không có gì hết, nên gọi là Không Sanh. Kế trong nhà mời thầy tướng số đến bốc xem coi đứa trẻ này sinh ra là tốt hay xấu, thầy tướng cho biết là đứa bé này sinh ra rất tốt lành, do đó gọi là Thiện Cát, tức tốt lành. Qua bảy ngày sau thì, kho báu hiện lại như cũ, nên gọi là Thiện Hiện. Tính tình ngài rất là nóng dữ, thường bị bạn bè chán ghét nên bỏ đi vào trong núi rừng, được sơn thần hướng dẫn đi đến gặp Phật, Phật dạy cho ngài rõ cái lỗi của nóng giận rất là nguy hại, nên tự ngài ăn năn sám hối, rồi tiến tu đắc qủa A- la- hán, là một trong mười vị đại A- la- hán đệ tử của Phật, gọi là Giải không bậc nhất, tức là  rõ lý không bậc nhất. Mười vị đại đệ tử của Phật tức là vị nào?

  1. Ngài  Xá lợi phất là trí tuệ bậc nhất
  2. Ngài Mục Kiền liên là thần thông bậc nhất
  3. Ngài Đại ca diếp là đầu  đà bậc nhất, tức là ngài chuyên về hạnh đầu đà – khổ hạnh
  4. Ngài Tu Bồ Đề giải lý không bậc  nhất
  5. Ngài Phú lâu na thuyết pháp bậc nhất
  6. Ngài Đại Ca chiên diên luận nghị bậc nhất – luận nghị đối đáp bậc nhất
  7. Ngài A na luật thiên nhãn bậc nhất.
  8. Ngài Ưu ba ly trì luật bậc nhất
  9. Ngài La hầu la mật hạnh bậc nhất

10. Ngài A nan đa văn bậc nhất .

Như vậy ngài Tu Bồ Đề rõ được lý Không bậc nhất, cho nên ở đây ngài là  người đứng ra để thỉnh pháp bộ kinh Kim Cang Bát nhã này rất khế hợp, rất tương ưng. Bởi vì Bát nhã nhấn mạnh tánh không. Đó là nói qua về ngài Tu Bồ Đề, người khải thỉnh pháp.

Thứ hai là phép thưa hỏi: “- Ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, quỳ gối phải, chấp tay cung kính bạch Phật”. Trịch áo bày vai phải là, ở Ấn độ các vị tăng đắp y khất sĩ, khi ngồi nghe pháp, y quấn trùm cả hai vai luôn, bởi nghe pháp sợ gió nhập vào, nhưng khi ra thưa hỏi phải trịch vai phải, để lộ vai phải ra, rồi quỳ gối phải xuống, theo phép cung kính của Ấn độ là như vậy. Đó là phép thưa hỏi.

Thứ ba là lời tán thán của ngài Tu Bồ Đề: - Bạch Thế Tôn, thật là ít có! Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ tát khéo phó chúc các vị Bồ tát. Trong đây có các danh từ “Thế tôn”, “Như Lai”  là thuộc một trong mười hiệu của Phật. Như lai là từ chân như tự tánh mà đến, nên gọi là Như Lai, Theo trong Trường A hàm – kinh Thanh Tịnh thì nói về Như Lai như sau: “- Như Lai từ đêm đầu chứng đạo Vô thượng cho đến đêm rốt sau nhập niết bàn, ở trong khoảng thời gian đó, Như Lai có nói ra điều gì, trình bày nghĩa lý gì thảy đều hoàn toàn như thật  không dối nên gọi là Như Lai.” Thứ hai “Lại nữa, Như Lai nói ra điều gì, là làm những điều ấy, cho nên gọi là Như Lai”. Ngài nói ra điều gì, là làm điều ấy chớ không nói suông. Bởi vậy những chân lý mà Phật nói ra để chúng học ngày nay, lúc nào cũng đúng như thật, còn những chân lý ở thế gian mình thường đọc về những lý thuyết này, lý thuyết kia, cũng gọi là chân lý nhưng chỉ là những suy đoán của người do suy luận đặt ra cho nên nó chỉ đúng trong một thời gian nào đó thôi. Những thuyết của thế gian, có khi ở trong giai đoạn này nó đúng, nhưng thời gian sau có người đặt lại thuyết khác đả phá thì nó thành lỗi thời, như vậy là chỉ đúng trong giới hạn. Còn ở đây, Phật chứng nghiệm nói ra, nên nói điều gì là làm được điều đó, có chứng nghiệm thực sự. Như bốn chân lý căn bản, là bài pháp đầu tiên mà ngài nói ở vườn Lộc uyển: - Khổ đế - Tập đế - Diệt đế - Đạo đế. Đây gọi là chuyển pháp luân lần đầu tiên, trong lần chuyển pháp luân này, có ba lần chuyển là: - Thị chuyển – khuyến chuyển - chứng chuyển.

- Thứ nhất là Thị chuyển, chỉ bày, nói rõ cho thấy đây là khổ, đây là tập, đây là diệt, đây là đạo. Tức là chỉ rõ cái khổ –chỉ rõ nguyên nhân đưa đến đau khổ của thế gian. Xác định rõ ràng cho người thấy – rồi chỉ rõ Niết bàn là chỗ dứt hết đau khổ – và chỉ rõ con đường đưa đến chấm dứt đau khổ.

- Thứ hai Khuyến chuyển, là khuyên, ngài nói rằng đây là khổ các ông cần phải biết, vì đó là đế, tức là chân lý chắc thật không sai, cho nên các ông cần biết rõ để không lầm lẫn. Đây là tập, các ông cần phải đoạn, vì là nguyên nhân đưa đến các khổ, nên các ông cần phải đoạn nguyên nhân đó. Đây là diệt, các ông cần phải chứng, vì là chỗ dứt bặt các khổ. Đây là đạo, các ông cần phải tu, vì đó là con đường dứt khổ. Đây gọi là khuyến chuyển.

- Thứ ba chứng chuyển, là ngài nói rõ khổ đó ta đã biết, ngài nói khổ là ngài đã biết rõ mà nói ra; tập ta đã đoạn, ngài nói ra là ngài đã đoạn rồi mới nói chứ không phải nói suông; diệt ta đã chứng và đạo ta đã tu. Đây là tam chuyển pháp luân, Phật đã chỉ bày, khuyên mọi người biết ứng dụng tu và chính ngài cũng đã chứng nghiệm rõ ràng ngài nói ra, những điều ngài nói đó là những điều ngài đã làm xong không phải nói suông. Nghĩa Như Lai rõ ràng là như vậy. Còn mười hiệu của Phật:

1. Như Lai

2. Ứng cúng: Đáng được thọ nhận sự cúng dường của trời, người.

3. Chánh biến tri: Là hiểu biết khắp hết, đúng đắn không có thiên lệch.

4. Minh hạnh túc: Là đầy đủ cả tam minh và hạnh nghiệp được viên mãn, tam minh là thiên nhãn minh, túc mạng minh, lậu tận minh.

5. Thiện thệ: Thiện là khéo, thệ là qua. Thiện thệ là khéo qua sanh tử đến bờ Niết bàn.

6. Thế gian giải: Là hiểu rành rẽ về thế gian, đối thế gian ngài rõ suốt và biết rõ con đường xuất thế gian.

7. Vô thượng sĩ: là bậc Vô thượng, bậc không có ai trên, nhưng có người bằng, tức là mình tu công phu viên mãn thì cũng như ngài. Nghĩa rất là hay, ngài hiệu là Vô thượng nhưng không nói độc tôn, chỉ có mình ngài được thành Phật. Cho nên các vị Bồ tát khi tu hành đầy đủ công đức viên mãn thì thành Phật, chúng ta tu công đức viên mãn cũng thành Phật đó là bình đẳng đối với tất cả mọi người.

8. Điều ngự trượng phu: Phật là người đại từ, đại trí đủ tất cả từ bi, nên dùng đủ phương tiện để điều phục người tu hành khiến cho họ được trụ Niết bàn nên gọi là điều ngự trượng phu.

9. Thiên nhân sư: - là bậc thầy dẫn đường của trời, của người.

10. Phật, Thế Tôn gọi chung là bậc Giác ngộ được tôn quý trên thế gian, đó là mười hiệu của Phật. Như vậy ở đây Như Lai –Thế tôn là hai trong mười hiệu của Phật.

Lời tán thán: “- Thật ít có! Như Lai khéo hộ niệm, khéo phó chúc các vị Bồ tát”. Khéo hộ niệm – khéo phó chúc là sao? Hộ niệm ở đây là luôn luôn nhớ đến, che chở giữ gìn; hộ là che chở giữ gìn, niệm là nhớ đến – phó chúc là gởi gắm dặn dò cho các vị Bồ tát. Bồ tát tiếng phạn gọi đủ là Bồ đề tát đoả, tức Hữu tình giác hay Giác hữu tình. Tên Bồ tát cũng là một ý nghĩa nhắc nhở mình rất nhiều. Hữu tình giác hay giác hữu tình, là chỉ cho một chúng sanh đã giác ngộ và đem ánh sáng giác ngộ đó soi sáng lại cho tất cả chúng sanh cũng giác ngộ như mình. Như vậy  trong đó đã ngầm nói cho mình thấy điều gì? Bồ tát là một chúng sanh giác ngộ, chứ không phải là một ông trời nào ở đâu xuống giác ngộ, tức ngầm chỉ chúng ta đều có khả năng giác ngộ hết. Bởi vì Bồ tát vốn là một chúng sanh mà được giác ngộ thì, mình là một chúng sanh cũng có thể giác ngộ, rồi đem ánh sáng giác ngộ đó soi sáng cho tất cả mọi chúng sanh đều giác ngộ như mình, vì ai ai cũng đều có khả năng giác ngộ hết. Cần chú ý! Ở đây, đức Phật chưa có nói gì, mà ngài Tu Bồ Đề tán thán “ít có, khéo hộ niệm các vị Bồ tát”, là ít có chỗ nào? hộ niệm chỗ nào? Nếu thấy được chỗ hộ niệm, phó chúc đó thì mới thấy chỗ “ít có” kia. Hộ niệm – phó chúc này không phải như mình hiểu theo nghĩa bình thường là phải lấy tay xoa đầu, cầm tay nhắc nhở trao cho, mới gọi là hộ niệm phó chúc, ở đây có ý nghĩa sâu xa hơn. Chính ngay trong chỗ đức Phật ôm bát đi khất thực, trở về thọ thực xong thu xếp bát, xếp y, rửa chân, trải tòa ngồi, chính chỗ đó là chỗ hộ niệm rất kỹ càng rồi! Tức là trong mọi sinh hoạt hằng ngày đó, đã thầm biểu hiện ánh sáng bát nhã rõ ràng trong đó, vẫn nói luôn không lúc nào vắng mặt, thì không hộ niệm, phó chúc là gì? Đó là đánh thức cho các vị Bồ tát để các ngài phải luôn luôn sống miên mật ở trong đó, chớ có để một phút giây nào gián đoạn, trong mọi hành động, trong mọi việc làm của mình luôn luôn có ánh sáng giác ngộ không thiếu vắng. Hộ niệm, là nhớ không quên, miên mật không xen hở, luôn nhớ như vậy, nhận rõ như vậy, đó là Như Lai phó chúc cho mình rồi! Ngài dặn dò, gởi gắm ở chỗ đó chớ không phải cầm tay trao cho viên ngọc gì. Quý vị thấy ngài phó chúc và hộ niệm tuyệt khéo không? Chính đó là chỗ “ít có”, không dễ gì mắt phàm này mà thấy được, lấy hai mắt này mà nhìn, làm sao thấy được chỗ phó chúc đó! Phải thấy bằng con mắt trí tuệ, mà mắt trí tuệ thì không dễ gì thấy một cách hời hợt. Ngài Tu Bồ Đề nhìn thấy được chỗ đó, nên ngài khen ngợi “ít có”, chỗ đó khéo léo, nhưng người bình thường ít ai thấy được! Trong đây nếu quý vị mà thấy được như vậy cũng phải tán thán thôi. Cho nên các vị thiền sư nhìn thấy chỗ đó rồi, các ngài có người tán thán hết lời, hoặc có người khóc ròng luôn, cảm xúc quá, khóc vì vui sướng một việc sát bên mình mà lâu nay tưởng ở đâu, lâu nay sống trong đó mà bỏ bê đi tìm chỗ nào khác, lang thang vô số kiếp! Thấy rõ ý nghĩa rất sâu xa đó nên ngài Tu Bồ Đề mới tán thán, nếu bình thường thì đâu tán thán. Nếu hiểu chỗ này rồi quý vị mới hiểu qua kinh Pháp Hoa, trước khi Phật nói kinh Pháp Hoa, ngài nói kinh Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Kinh Vô Lượng Nghĩa là, nghĩa vô lượng không thể nghĩ bàn, không nghĩ lường, Giáo Bồ tát pháp là pháp chỉ dạy hàng Bồ tát, là chỗ Phật thường hộ niệm, Phật sở hộ niệm. Vậy trước khi nói kinh Pháp Hoa, Phật nói kinh này, rồi ngài nhập vào chánh định vô lượng nghĩa xứ, là chỗ vô lượng nghĩa không nghĩ lường được, nhưng kinh Pháp Hoa cũng không nói kinh vô lượng nghĩa này là kinh gì, chỉ nói Phật nói kinh đó thôi. Vậy bộ kinh Vô Lượng Nghĩa đó là bộ kinh ở đâu? Thường chúng ta bị mắc kẹt trên ngôn từ chữ nghĩa, nên cứ nghĩ Vô Lượng Nghĩa là nhiều nghĩa, nghĩa này nọ kể không hết, nhưng dưới con mắt của nhà thiền thì, nghĩa vô lượng chính là nghĩa sống động nơi mình đầy đủ không thiếu gì hết, chính chỗ không nói mà nó hiện bày khắp nơi, khắp chốn, đâu đâu cũng đã hiển bày tri kiến Phật trong đó hết rồi. Nghĩa đó làm sao lường hết, nghĩ cho hết? Mình nói ra thì có khi nói, khi nín, dù cho có người giảng pháp thao thao bất tuyệt đi nữa, cao lắm thì cũng một ngày, ban đêm cũng ngủ chứ không thể nói hoài, còn cái nghĩa này nó nói hoài, đâu đâu cũng có. Nếu tâm mình thanh tịnh sáng suốt rồi thì đâu đâu cũng có nghĩa đó hết, nghe tiếng gió, tiếng mưa, thấy người đi qua, kẻ đi lại, nếu tâm mình sáng suốt, thì cái gì cũng ở trong thanh tịnh sáng suốt hết, nói hoài không hết, đó không phải là vô lượng sao? Cho nên hộ niệm là hộ niệm ngay chỗ đó!

Có một vị tăng đối với Thiền sư Duy Chánh ở Viện Hàn Châu, là thiền sư mà rất ít nói pháp nên ông thắc mắc, một hôm đến thưa:

- Bạch thầy, thầy là thiền sư mà sao không thấy nói thiền?

Ngài Duy Chánh nói:

- Ngày đêm nhờ vạn tượng nó diễn bày mà thôi. Ngôn ngữ có gián đoạn mà pháp này là vô tận, nên gọi là tạo hoá vô tận tạng.

Ngài nói rõ, ngày đêm nhờ muôn tượng muôn vật nói hết rồi, nếu người sáng mắt thì thấy đâu đâu cũng thiền, đâu cần phải nói ra, đó mới là nghĩa vô lượng, mới là chỗ Phật hộ niệm. Quý vị thấy nghĩa vô lượng đó chưa? Chắc hiểu thì hiểu chớ thấy cũng khó, nên mới là hy hữu - ít có. Bởi vậy tâm mình thanh tịnh rồi thì, thấy ra đâu đâu cũng thanh tịnh, cũng là pháp, cũng là bát nhã. Ngài Xuyên Công có nói: “- Xét về đạo chỉ là việc đi, đứng, nằm, ngồi trong hằng ngày mà thôi, cốt yếu là dứt được cái bệnh ngủ mê.” Đơn giản, chỉ ngay trong đi đứng nằm ngồi hằng ngày của mình đó, cốt dứt ngủ mê, ngủ mê là sao? Chúng ta cứ nghĩ là ban đêm vô mùng nằm ngủ, rồi ngủ mê, mà có khi đang ngồi trao tráo đó vẫn ngủ mê. Cái ngủ mê đó mà tỉnh dậy được thì hay biết mấy! Ngồi ở đây mà không thấy được cái nghĩa vô lượng này thì không ngủ mê sao? Ngay nơi mình, ánh sáng giác ngộ đầy đủ, ánh sáng bát nhã cũng đầy đủ đó không thiếu vắng lúc nào, giờ nào mà cũng không nhớ không thấy thì không ngủ mê sao? Tỉnh được cái ngủ mê đó thì nơi nơi đầy đủ chưa từng thiếu. Vì vậy các thiền sư khi các ngài chứng ngộ, đều tán thán chỗ này. Như có thiền sư nói: “- Lúc chứng ngộ là lúc thấy ra một lâu đài tráng lệ xây bằng pha lê trên một mảy tơ”. Cả một lâu đài tráng lệ xây bằng pha lê mà chỉ ở trên một mảy lông, “nhưng khi không chứng ngộ thì cái lâu đài ấy cũng khuất lấp sau một mảy tơ mà thôi”. Rất là thấm thía mà cũng thâm trầm sâu xa! Lâu đài đó là lâu  đài gì? Là chỉ cho cái chân thật mà mình bỏ quên đó! Khi chứng ngộ thì thấy nó ngay một bên mình thôi, trên một mảy tơ hay một sợi lông của niệm hiện tiền, còn khi không chứng ngộ thì nó cũng khuất lấp sau một mảy tơ đó chứ không có gì khác. Mình tưởng nó khuất lấp ở đâu, phải chạy lên Cực lạc mới có, không ngờ nó chỉ khuất lấp sau một mảy tơ là mê – tỉnh thôi, đâu có xa! Nhắm mắt, mở mắt là thấy rõ. Vì đó là cái mình sống hằng ngày, bởi mê nên không thấy, tạm gọi là khuất lấp, nhớ lại thì đầy đủ không ở đâu xa hết. Một thiền sư khác nói có vẻ văn hoa hơn: “- Này các thầy! Hãy xem kìa, ánh sáng rực rỡ đang tỏa khắp đại thiên thế giới, cùng lúc nó hiện ra mọi chỗ nơi, hiện tất cả những núi Tu di, những mặt trời, những mặt trăng, những bầu trời và cõi đất, nhiều đến hằng trăm nghìn ức số! Này các thầy, các thầy có thấy ánh sáng ấy chăng?” Các ngài cũng con người như mình, mình cũng như các ngài mà tại sao mình không thấy? Tại vì những cái lăng xăng trong đầu này nhiều quá, nếu những cái lăng xăng trong đầu này nó chịu yên xuống thì thiệt là sung sướng biết mấy! Chứng minh rõ ràng là khi các ngài nhận ra, thấy rõ ra, cảm xúc mạnh như vậy, nó hiện tiền sáng rỡ đầy đủ khắp nơi không có thiếu gì hết, nhưng mình mê nên không thấy. Chính chỗ đó là chỗ Phật hộ niệm, Phật phó chúc! Nhìn thấy được chỗ đó, nên ngài Tu Bồ Đề tán thán “ít có”, khéo léo hộ niệm là như vậy, mắt thường này đâu thể thấy, phải mở mắt trí tuệ mới thấy rõ, quý vị hiểu được nghĩa ít có chưa? Hiểu khéo léo hộ niệm phó chúc chưa?

Phần câu hỏi chính:

- Bạch Thế Tôn! Người thiện nam kẻ thiện nữ phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nên làm sao trụ? Làm sao hàng phục tâm mình?

Phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là phát làm sao? Tâm gì? Nói cho gọn là tâm Phật chứ không gì hết, tức tâm giác ngộ viên mãn luôn luôn không gián đoạn - chánh đẳng chánh giác là đúng đắn, không gián đoạn, không phút giây nào thiếu sót, đó là tâm Phật Vô thượng, không có gì trên nữa, phát là phát cái tâm đó. Như vậy nó ở đâu? phát làm sao? Nếu nghe nói phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, rồi cho là phát tâm của Phật và các vị Bồ tát, nhưng Phật thì ngài đã giác ngộ rồi đâu cần mình phát nữa, Bồ tát thì đã phát tâm đó rồi  mình cũng đâu cần phát tâm đó cho ngài chi nữa, vậy phát tâm đó là phát tâm nào? Cũng chỉ là “cái tâm giác ngộ ngay nơi mình”. Phát là hiển bày ra, tỏa sáng, nếu không có sẵn thì phát ở đâu? Nếu hướng về một cái khác bên ngoài thì lầm mất rồi! Hơn nữa cái tâm bồ đề này có hình tướng ra sao mà mình phát? Cho nên chính cái tâm giác ngộ ngay nơi mình đó mà mình quên, bây giờ tỏa sáng ra, hiện bày ra; khi hiển bày tỏa sáng như vậy thì một chúng sanh giác ngộ, là thành Bồ tát rồi. Chúng ta tưởng Bồ tát là cái gì xa xôi ngoài mình, hiểu rõ thì mình cũng có phần chứ không đến nỗi. Vậy phát là thầm nhận thôi chớ không phải hướng đến cái gì khác để cho mình phát, hướng ra ngoài một cái gì là vọng tưởng rồi. Cho nên ngài Như Như nói: “- Mỗi người đều có Phật, chỉ vì chẳng biết tu; đức Di Đà kề tai chỉ dạy ông, phải soi lại nơi thân mà cầu”. Ngài nói rằng, Phật chính mình đầy đủ không ở đâu xa, chỉ  mình không biết tu thôi. Đức Di Đà ngài kề sát bên tai mình mà nói “chính ngay nơi thân mà cầu chứ dừng chạy ra bên ngoài”. Ngài nói thêm: “- Đức Di Đà hiện nay nói pháp khiến ông ngộ chân tâm chớ không gì khác, một phen ngộ chân tâm rồi thì đồng hiệu  đồng danh, đồng tên với Phật”. Đó là phát tâm, chớ không phải phát tâm bồ đề nơi Phật và Bồ tát, xa xôi quá, có thấy đâu mà phát? Phật Niết bàn lâu rồi, Bồ tát cũng không thấy đâu là Bồ tát, vậy hướng vào đâu mà phát đây? Hiểu được chỗ đó, thì từng chữ từng câu trong kinh đều rất có ý nghĩa sâu xa! Nếu đọc kinh mà đếm câu, đếm chữ hoặc đọc mà tính bộ thì uổng quá, đọc chỉ lo đọc cho nhanh cho mau, để đếm cho nhiều bộ thôi!  Còn ở đây đọc từng chữ, thấm sâu được ý Phật trong đó thì ý rất là hay! Vậy quý vị thấy được nghĩa phát tâm chưa?

Đến câu hỏi: “nên làm sao trụ? làm sao hàng phục tâm mình”.

Đây là một ý nghĩa sâu xa nữa. Phát tâm rồi là xong chưa? Phát tâm rồi là thành Phật liền chưa? Phát tâm bồ đề đó rồi, tức đã hiển bày được tâm Phật, song tỏ sáng được cái tâm đó rồi đâu phải vậy là xong. Kinh Hoa Nghiêm đồng tử Thiện Tài khi đến tham học một vị thiện tri thức nào trong năm mươi ba vị thiện tri thức thì ngài cũng đều nói là, “tôi trước đã phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi nhưng còn chưa biết làm sao học Bồ tát hạnh, tu Bồ tát đạo”, ngài trước đã phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi, mà còn chưa biết làm sao học Bồ tát hạnh, tu Bồ tát đạo là ý nghĩa thế nào? Đã phát tâm rồi, đã tỏ sáng, nhưng còn phải sống, tu để thể nhập, làm sao cho cái tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác luôn luôn không vắng mặt nơi mình; phát tâm rồi, an trụ mãi không gián đoạn, không thiếu sót, không xen hở, mới thực trọn vẹn. Đâu phải phát là xong! Còn những tâm đi lang thang đầu này, đầu nọ thì sao? Mới phát, đâu phải là nó hết liền, mà nó vẫn còn lén lút đi đầu này đầu nọ thì làm sao? Cho nên ngài hỏi làm sao an trụ tâm, làm sao hàng phục tâm là như vậy. Chỗ này rất khế hợp trong nhà thiền. Nhà thiền cũng thường nói, ngộ rồi phải bảo nhậm và giữ gìn chứ không phải ỷ mình ngộ rồi mặc tình sống buông lung không khéo sẽ tạo nghiệp nữa! Vì vậy ngài Sùng Tín khai ngộ rồi, hỏi thiền sư Đạo Ngộ:

- Làm sao bảo nhậm?

Ngài Đạo Ngộ đáp:

- Mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết tâm phàm mà không có thánh giải khác.

Phải thuận theo tánh đó sống tuỳ duyên để cho nghiệp cũ tan hết, sống cho được liên tục ở trong đó; khi tâm phàm hết thì sống trọn vẹn trong đó thôi chứ không có thánh giải nào khác, không có được một cái gì nữa. Nếu muốn tìm một cái gì đó để được, đắc cái gì đó, chứng một cái gì đó, tức còn cái khác nữa thì rơi vào đường tà. Bảo nhậm là vậy đó! Quý vị mới thấy, ở đây hỏi làm sao an trụ và hàng phục tâm mình, đó là đúng theo nghĩa của đại thừa, các vị Bồ tát khai sáng rồi, ứng dụng tu thì mới gọi là chân tu; còn như mình hiểu mà ứng dụng tu thì gọi là tương tợ tu, vì sao? vì mình tin, mình hiểu qua trí tuệ của Phật, của Bồ tát mà tu, chứ chưa phải thật sự khai sáng trí tuệ của chính mình, cho nên đó là tương tợ thôi, chưa phải thật. Nếu khai sáng trí tuệ của chính mình rồi, y theo đó sống, tu thì mới thật là chân tu. Như kinh Lăng Nghiêm Phật dạy tu về pháp phản văn văn tự tánh, là do ngài A- nan ngộ được tánh nghe rồi, mới dạy phản văn đó; trái lại chúng ta chưa có nghiên cứu cho kỹ và sâu, chỉ nghe thấy hay, cũng bắt chước tu mà tu đó không thấu đáo thì thành bịnh. Có những vị nghe nói phản văn, văn tự tánh, là xoay cái nghe nghe trở ngược lại tự tánh, rồi ngày này qua ngày kia cứ xoay lại trong lỗ tai, trong đầu này mà nghe, một thời gian hư lổ tai luôn. Có những vị nghe mãi thành ra máu lỗ tai. Đó là lầm trên chữ nghĩa. Phản văn, văn tự tánh đây, là khi mình ngộ được tánh nghe rồi thì, đối với mọi thanh trần bên ngoài, mọi tiếng bên ngoài đều biết rõ là sanh diệt nên mình nghe tất cả mà không duyên theo những thanh trần đó, cứ luôn luôn nhớ lại tánh nghe mình sẵn có, chứ không phải là xoay nghe lại ở lỗ tai này, đó là lầm lẫn dễ bịnh. Kinh Pháp Hoa cũng dạy, trước đó khai thị tri kiến Phật, mới ngộ nhập. Ở đây tu, sống bát nhã này, thì mở sáng trí tuệ, thấy được “nghĩa Không”, nhưng thường người ta nói, học bát nhã không rồi bác cái gì cũng không hết, không cần tu luôn, đó là lầm! Cái không của Bát nhã, là cái  không của chính trí tuệ bát nhã, cái không trực tiếp ngay đối với bát nhã chớ không phải cái không của con mắt này. Cái không của con mắt này là thấy “Không” đối với cái “”,  thành ra cái không đó là cái không có “tướng” cho mình thấy, mình so sánh phân biệt được; còn cái không này, là “không trực tiếp” của trí tuệ bát nhã, từ trí tuệ bát nhã mình thấy không, đó là “cái không trong cái sáng suốt”, chớ không phải là cái không bác cái này, bác cái kia. Không hiểu kỹ nguy hiểm là như vậy! Chúng ta mới thấy ngài Tu Bồ Đề đã hiểu được ý của Phật, nên đặt câu hỏi rất chính xác: Phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi, làm sao an trụ, sống được với tâm đó? Làm sao hàng phục những tâm đi lang thang kia? Sống an trụ trong tâm này thì những tâm lang thang đó không còn lang thang nữa. Đoạn kế Phật mới khen  ngợi:

CHÁNH VĂN:

- Lành thay! Này Tu Bồ Đề! Đúng như lời ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ tát, khéo phó chúc các Bồ tát!

GIẢNG:

Ngài xác nhận, cũng giống như nói ấn chứng, là hỏi khế hợp với ý Phật. Như vậy Phật chưa thốt ra lời nào mà ngài Tu Bồ Đề đã dòm thấy hết rồi, nên ngài và Phật thầm hợp với nhau. Trong nhà thiền gọi là truyền tâm ấn. Nghĩa là tâm thầy trò thầm hợp với nhau mà không qua ngôn ngữ, vượt ngoài ngôn ngữ, đó là ấn tâm, truyền tâm. Nếu nghe nói truyền tâm ấn, rồi lầm trên nghĩa truyền, tưởng đâu có cái gì truyền, dễ bị lợi dụng. Như bảo quý vị tu theo pháp của tôi rất hay, tu chừng năm ba tháng sẽ được truyền tâm ấn thì nghe mê là bị gạt liền. Ở đây, thấy rõ ấn tâm là thầy trò khế hợp nhau, thầm cảm với nhau khít khao. Như Phật với ngài Tu Bồ Đề thầm hợp nhau nên Phật khen, ấn chứng:

CHÁNH VĂN:

- Nay ông hãy lắng nghe tôi sẽ vì ông mà nói!

GIẢNG:

Phật bảo lắng nghe cho kỹ, là một ý nghĩa sâu nữa; bởi vì chỗ này quý vị nghĩ, có phải là chỗ cho mình lý luận không? Nghe mà nghe khơi khơi cho vui thì nghe tới nỗi không? Cho nên ngài nhấn mạnh “lắng nghe cho kỹ”, không phải chỉ nghe một cách hời hợt, nghe lơ là, nghe suông bằng lỗ tai này mà phải nghe lắng sâu, lắng thần nghe sâu tận bên trong, mới thấy được chỗ này. Trước khi nói, Phật nhấn mạnh như vậy để cho mình chú ý cho kỹ, phải toàn tâm mà nghe. Thường chúng ta nghe với cái tâm từng mảng vì suy nghĩ, hoặc cái tâm lang thang, cho nên nghe nó từng mảng từng mảng không chú tâm trở lại, thành nghe rời rạc. Ở đây, ngài nhấn mạnh, nghe phải toàn tâm, nghe cho kỹ, như vậy mới thấu được chỗ kia. Do đó trước khi ngài nói, Phật ngồi thiền nhập định mà nói ra, từ trong định mà nói cũng như đi đứng nằm ngồi đều ở trong định, đang sống ở trong định, rồi trong đó ngài nói ra. Vậy đã từ trong định mà nói ra thì mình nghe, phải nghe thế nào? Cũng phải định tâm mà nghe mới thầm hợp, mới cảm ứng. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “- Các ông còn đem tâm phan duyên mà nghe pháp thì pháp này cũng thuộc về cái duyên chứ chưa phải pháp chân thật”. Bởi vậy nghe phải lắng sâu, chú tâm kỹ mới thấm được chỗ sâu xa vi diệu đó! Nên trước Phật bảo “lắng nghe”.

Kế Phật răn kỹ: - Đúng như lời ông nói, kẻ thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nên như vầy mà trụ, như vầy mà hàng phục tâm mình”.

Răn kỹ “như vầy” là sao? Như vầy, là như thật đúng như vầy mà an trụ, như vầy mà hàng phục, chứ nếu dấy thêm cái gì khác nữa thì xa. Lại, “như vầy”, là như chỗ ngài hiện bày nảy giờ mà chưa nói đó! Nếu thấy thấu như vậy, an trụ đúng như vậy, hàng phục đúng ý nghĩa đó là sống luôn luôn hằng hữu; y theo đó mà sống là khéo an trụ, khéo hàng phục. Nếu hướng ra bên ngoài mà khởi tâm cầu thêm một cái gì đó để an trụ, để hàng phục thì đi xa rồi. Cầu thêm cái gì đó để an trụ, tức nó dời đổi, đâu còn trụ nữa! Bỏ mình đi cầu cái khác thì mất nghĩa an trụ. Cầu  cái khác là có sở đắc, là quên mình hướng ra bên ngoài, trái với nghĩa Kim Cang bát nhã. Đó là ngài nhấn mạnh ngay trong mọi sinh hoạt hằng ngày đó, chính là chỗ mình hạ thủ công phu chứ không gì khác. An trụ và hàng phục, là chính ngay trong sinh hoạt hằng ngày đó  mà an trụ. Quả thực hai chữ “như vầy” rất đơn giản mà tế nhị.

CHÁNH VĂN:

Ngài Tu Bồ Đề thưa:- Vâng bạch Thế tôn, con nguyện ưa muốn nghe.

GIẢNG:

Đây cũng là điểm trọng yếu nữa. Một của quý, pháp cao siêu mà đem cho người họ không cần thiết, họ không thiết tha thì sao? Uổng, quá uổng! Nghĩa là, hòn ngọc quý đem cho một đứa con nít thì nó làm gì? Nó đem bắn cu ly chơi thôi. Cũng vậy, pháp cao siêu, cao quý thì phải người thiết tha, khao khát thì đưa ra họ mới sẵn sàng nhận; chứ đâu phải là đồ quảng cáo. Quý vị có đọc kinh Pháp Hoa thì thấy thông với nhau. Kinh Pháp Hoa, trước khi Phật nói, ngài Xá- lợi- phất thỉnh Phật hai, ba phen mà Phật vẫn từ chối, bảo: “- Thôi hãy đừng nói nữa! Việc đó nói ra thì tất cả trời, người đều kinh sợ, nghi ngờ”. Ngài còn nói thêm bài kệ:

- Thôi thôi chẳng nên nói, Pháp ta diệu khó nghĩ,

Những kẻ tăng thượng mạn, Nghe ắt không kính tin.

Ngài ba lần ngăn lại để làm gì? Ngài nói pháp mà phải ngăn lại giống như làm trò đùa hay sao? Đây là đợi cho lòng thiết tha mong cầu mạnh mẽ, khao khát như vậy đó, đúng lúc đưa ra thì họ mới cảm nhận, mới tin, mới quý. Vì vậy trong nhà thiền có những trường hợp khi thiền sinh đến tham học thì các Thiền sư cũng thử thách đủ cách, cho họ khao khát tột mức, rồi mới khơi nhẹ cho họ một cái, họ ngộ liền. Bây giờ nói dễ dàng quá thành chưa ngộ, chưa đủ lòng khao khát, có khi nghe chơi coi thử ông thầy đó nói hay không, nói có lưu loát không, như vậy thì làm sao mà thấm được! Như trường hợp ngài Dương Kỳ Phương Hội, ban đầu ngài theo hầu Thiền sư Từ Minh ở Nam Nguyên; một lúc sau thì ngài Từ Minh dời sang Thạch Sương Đạo Ngô, Sư cũng đi theo và làm giám tự cho ngài Từ Minh. Nhưng mà lâu ngày Sư vẫn chưa tỏ ngộ, mỗi khi đến hỏi, ngài Từ Minh chỉ bảo:

- Việc ở trong khố ty quá nhiều hãy đi!

Vậy thôi. Khố ty là việc trong kho, vì ông làm giám tự nên việc trong kho nhiều quá, hãy đi đi! Song việc trong kho này cũng có hai nghĩa! kho ngoài, còn kho ở trong nữa; kho trong này nó chứa nhiều quá, chưa tiếp nhận nỗi, phải không? Cho nên trong nhà thiền, quý vị nghe phải nghe hai ý chứ nghe theo kiểu tầm thường thì không có thấm nỗi đâu. Hôm khác, Dương Kỳ hỏi một lần nữa, thì ngài Từ Minh bảo:

- Giám tự ngày sau con cháu khắp nơi cần gì vội gấp!

Một hôm ngài Từ Minh vừa đi ra thì chợt mưa đến, Sư mới rình ở con đường tắt, khi Từ Minh vừa đi đến, Sư liền bước ra, nắm đứng lại, bảo:

- Ông già này, hôm nay phải vì tôi mà nói, nếu không nói tôi sẽ đánh ông!

Bởi vì sao như vậy? Vì lòng thiết tha khao khát quá, hết chịu nỗi, bị dồn ép quá! Chính vì vậy, nên ngài Từ Minh chỉ bảo:

- Giám tự biết là việc quanh co liền thôi.

Ngay đó, Sư liền đại ngộ, đảnh lễ ngay giữa bùn. Quý vị thấy, một câu nói nhẹ nhàng, mình bây giờ nghe thì sao? Biết là việc quanh co liền thôi, nói tới, nói lui, nói nhiều cũng là việc quanh co mà thôi, cũng là “chỗ này” chứ đâu có gì khác, phải không? Sáng được chỗ này thì xong thôi. Vậy chỉ một câu nói nhẹ thôi, mà ngài đại ngộ, bởi vì tâm đã chín mùi thuần thục, đóng thành khối, lòng khao khát đã mạnh, nên đưa ra đúng lúc. Hiểu vậy mới thấy cái khéo của các thiền sư. Qua đó quý vị sẽ hiểu trường hợp của Tổ Huệ Khả cũng vậy, lúc ngài còn là Thần Quang đến cầu pháp với Tổ Bồ- đề- đạt- ma, trong một đêm mùa đông tuyết lạnh mà Tổ Bồ- đề- đạt- ma cứ ngồi xoay mặt vào vách, để mặc ngài đứng ngoài hiên không ngó ngàng gì tới. Đứng tới sáng tuyết xuống, trong sách ghi là tới đầu gối mà ngài vẫn đứng như vậy. Sáng ra, Tổ mới quay lại hỏi:

- Ông đến đây cầu việc gì mà chịu khổ như vậy?

Nếu gặp mình kiểu đó chắc cho ông thầy này lơ là quá, tự ái bỏ đi cho rồi, như vậy có làm Tổ nỗi không? Ở đây đợi lòng thiết tha mạnh, mà cũng để dẹp cái bản ngã xuống, cái bản ngã thấp xuống thì mới quên mình tìm cái thật. Khi đó Tổ chỉ cần khơi một câu nhẹ là thấy được lối vào liền. Nên Thần Quang thưa:

- Con đến đây chỉ cầu pháp an tâm.

Tổ bảo:

- Ông đem tâm ra ta an cho!

Quang thưa:

- Con tìm tâm không được.

Tổ bảo:

- Ta đã an tâm cho ông rồi!

Ngay đó Sư thấy được lối vào. Thấy sao dễ dàng quá mà mình đọc hoài mấy năm trời, chưa thấy gì. Như vậy để cho thấy, Phật pháp rất là sâu xa không phải một món đồ quảng cáo, cứ quảng cáo chỗ này chỗ kia om sòm; mà đó là một chân lý sống tuyệt vời, đầy đủ năng lực đưa mình ra khỏi sanh tử, nên đâu thể đưa ra một cách hời hợt mà nhận được, nghe chơi chơi thì đâu dễ gì! Hơn nữa, lâu nay chân lý thật này, mình đã bị nhiều lớp phủ che từ trong sách vở, rồi trong giảng dạy, nó phủ lên mình những lớp màn tưởng tượng quá nhiều, tưởng tượng nó đầy hình ảnh kỳ bí lạ lùng, do đó nếu bảo “ngay đây thôi” thì dễ gì mà nhận. Bởi vậy, phải có những phương tiện đánh thức mình, để cho lòng khao khát, chú tâm thuần thục hướng về một chỗ đó, rồi đưa ra một cái nhẹ, thì mình tin nhận suốt đời. Như trường hợp Tổ Huệ Khả hoặc ngài Dương Kỳ nhận ra như vậy rồi thì suốt đời không quên, còn mình nghe đây, rồi về nhà liền quên. Tóm lại, nếu mình khéo tỏ ngộ thì ngay nơi mọi hành động của mình, trong chỗ ăn cơm, mặc áo, gánh nước, bửa củi, đi chợ, đều đầy đủ “đạo” ở trong đó, đầy đủ “ánh sáng bát nhã” ở trong đó, không thiếu gì hết; khéo nhận thì đâu cũng là chỗ tham thiền, khéo nhận thì đâu đâu cũng là chỗ mình sáng đạo hết. Như ngài Dương Kỳ ngay nơi vũng nước mà ngài cũng sáng đạo được, thì rõ ràng đâu đâu cũng là chỗ Như Lai phó chúc hộ niệm cho mình, chưa từng thiếu sót. Như vậy mới thấy Phật pháp thật là vi  diệu, ít có, đúng như ngài Tu Bồ Đề tán thán. Vậy quý vị có nguyện ưa muốn nghe chưa? Nếu nguyện ưa muốn nghe thì thôi để kỳ sau bắt đầu được nghe, nghe một cách bất ngờ!

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1250000
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1270
3690
25693
1199158
25693
109310
1250000