Thứ Bảy 7/12/2024 -- 7/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Xuân trong cửa thiền - Sáng việc lớn

 

SÁNG VIỆC LỚN
Tất niên Bính Dần - 1987
Hôm nay là ngày Tất niên năm Bính Dần, bắt đầu sang năm Đinh Mão, tất cả chúng ta phải ôn lại việc cũ để chừa bỏ những điều dở và chuẩn bị cho năm tới được tốt đẹp sáng sủa hơn. Đó là bổn phận của tất cả Tăng Ni và Phật tử chúng ta.
Đề tài chúng tôi nói hôm nay nghiêng về người xuất gia, nếu là cư sĩ quí vị cũng lấy đây làm kinh nghiệm, còn Tăng Ni thì phải cố gắng thực hiện cho kỳ được những gì tôi nhắc nhở.
Ngài Trần Tôn Túc, đệ tử lớn của Tổ Hoàng Bá, Sư huynh của Tổ Lâm Tế có nói:
Đại sự vị minh như táng khảo tỷ,
Đại sự dĩ minh như táng khảo tỷ.
Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ,
Việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ.
Đây là câu mà tất cả Tăng Ni và Phật tử phải nghiền ngẫm để ứng dụng cho xứng đáng với tinh thần người tu. Tất cả chúng ta tu đều mong rằng một ngày nào sẽ sáng được việc lớn. Nếu việc lớn đã sáng, việc tu của chúng ta đã đủ, đã xong rồi hay chưa? Qua câu nói của ngài Trần Tôn Túc, chúng ta thấy rất rõ: Việc lớn chưa sáng, chúng ta phải cố gắng nỗ lực tiến tu để sáng. Nếu việc lớn đã sáng rồi không phải ngang đó chúng ta dừng lại mà còn phải tiếp tục nữa.
Cổ đức có nói:
Vị đáo vô tâm tu yếu đáo,
Ký đáo vô tâm vô dã hưu.
Chưa đến vô tâm cần phải đến,
Đã đến vô tâm, vô cũng thôi.
Khi chưa được vô tâm, chưa sáng được việc lớn, chúng ta cần phải tiến tu để được sáng, được vô tâm. Nhưng khi đã được vô tâm rồi, chữ “Vô” cũng thôi, chớ không phải vô tâm rồi ngay đó là đủ. Muốn khai triển đầy đủ ý nghĩa này, chúng tôi xin tuần tự nêu ra những điều dở những điều hay để tất cả Tăng Ni và Phật tử ứng dụng tu hành cho khỏi sai lầm.
Trước tiên chúng tôi nói các bệnh của người tu Phật hiện nay. Bệnh thứ nhất là khinh lờn. Người tu chúng ta khi mới bước chân vào đạo, cư sĩ cũng như xuất gia, lúc đầu phấn khởi hăng hái, coi như việc đạt đạo ở trước mắt, không xa. Nhưng qua năm thứ hai, năm thứ ba, những phấn khởi, những hăng hái buổi ban đầu giảm dần, rồi khinh lờn, rồi coi thường. Vì vậy người xưa thường nhắc: “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên.” Nói theo Sư ông chúng tôi, Sư cụ Khánh Anh: “Tam niên Phật xa lơ xa lắc.” Năm đầu mới vào đạo, chúng ta thấy việc đạt đạo không khó, nhưng qua năm thứ hai năm thứ ba hay nhiều năm nữa, tinh thần phấn khởi hăng hái buổi ban đầu giảm xuống lần lần, rồi đạo càng ngày càng xa, nhất là trong giới tu sĩ. Người tu sĩ khi mới xuất gia có ý nguyện nhất định phải giải thoát ngay trong hiện đời. Nhưng khi xuất gia được vài ba năm hơi quen rồi, thỉnh thoảng cũng có chuyện hơn thua, chuyện phải quấy, tâm ban đầu yếu đi từ từ, có khi quá yếu đến nỗi bị rầy chê. Đó là vì chúng ta không giữ được tâm ban đầu. Phật Tổ thường dạy chúng ta phải nhớ tâm ban đầu. Nếu chúng ta giữ được nó thì đạo không xa, việc giải thoát không khó, còn quên thì đạo càng ngày càng xa, việc giải thoát càng ngày càng khó.
Trong kinh A-hàm, Phật có nói: Người mới xuất gia giống như cô dâu mới về nhà chồng, đối với cha mẹ chồng, chị em chồng, thảy đều quí nể, khép nép cung kính. Nhưng ở đôi ba năm có con cái rồi, đối với cha mẹ chồng coi không ra gì, ăn hiếp luôn chị em chồng, cả đến người chồng cũng không vị nể. Người tu cũng vậy. Khi mới vào đạo cạo tóc xuất gia, đối với Hòa thượng, Thượng tọa thì khép nép cung kính, đối với các Sư huynh thì nể nang dễ dạy. Nhưng ở đến một năm hai năm ba năm sau thấy các Hòa thượng, Thượng tọa có khi quên cúi đầu, cho đến khi sai bảo không vâng làm nữa. Vì bệnh khinh lờn này nên việc tu không tiến được. Vì vậy Phật bảo chúng ta phải nhớ tâm ban đầu.
Các kinh thường dạy: Các thầy Tỳ-kheo, mỗi sáng phải nhớ rờ đầu một lần. Rờ đầu để nhớ mình đã cạo tóc xuất gia, không còn nghĩ đến chuyện gì ở đời nữa, nếu không, lâu ngày rồi quên mình là người xuất gia. Phật dạy chúng ta phải nhớ trên đường tu đừng có niệm khinh lờn. Nếu có niệm khinh lờn thì ban đầu tu thấy tiến, nhưng sau rồi lùi, lùi cho tới không biết bao giờ tiến được nữa. Đó là bệnh thứ nhất của người tu.
Bệnh thứ hai là bệnh tự mãn. Tự mãn là được ít mà cho là đủ. Có những người tu học được ít bộ kinh, tụng được hai thời công phu, bái sám rành rẽ, coi như bao nhiêu đó là đủ cho mình làm Phật sự, rồi hài lòng tự mãn với cái mình đã được, lấy đó làm sở trường mà không cố gắng nỗ lực tiến tu. Như vậy tự khép mình trong phạm vi hẹp hòi để rồi chịu cả một đời tu không tiến nổi.
Thiền sư Thanh ở Dũng Tuyền dạy chúng rằng:
“Tôi ở trong đây bốn mươi chín năm còn có khi tẩu tác, các ông chớ nói to, người kiến giải thì nhiều, người hành giải thì ít, muôn người không có một. Kiến giải ngôn ngữ cần biết suốt, nếu thức tình chưa hết sẽ bảo đi trong luân hồi vậy.”
Ngài là một Thiền sư đã ngộ đạo, Ngài nói Ngài đã ở bốn mươi chín năm trên núi Dũng Tuyền còn có khi tẩu tác tức là tâm chạy bậy như trâu hoang, huống nữa là những người mới vào đạo một năm hai năm ba năm, coi như mình xong việc, ăn to nói lớn tưởng mình như là Thánh, đó là điều không nên. Ngài dạy: “Người kiến giải thì nhiều, người hành giải thì ít”, tức là người thấy hiểu thì nhiều mà hành được thì ít. Trong muôn người hiểu, chưa có được một người hành. Ngài nói như vậy, không phải cấm không cho chúng ta có kiến giải. Ngài dạy kiến giải ngôn ngữ cần phải biết suốt, phải thông nhưng nếu thức tình chưa hết sẽ đi trong luân hồi.
Người xưa biết được bệnh này nên nhắc nhở khiến chúng ta biết rõ trên đường tu không phải đơn giản, không phải một sớm một chiều là xong việc, không phải thấy biết là rồi, mà còn phải hành, phải sống được với nó nữa, đó là điều thật thiết yếu. Hiện nay cũng có một ít Tăng Ni nghe hiểu, hiểu rồi cứ ăn to nói lớn tưởng đó là hay, không ngờ vẫn còn thức tình, đến khi chết vẫn đi trong luân hồi. Cho nên chúng ta phải khéo cố gắng vượt qua các lỗi đó mới được.
Bệnh thứ ba là bệnh thụ hưởng. Có một số người tu được một thời gian năm năm, mười năm, thọ giới làm Trụ trì, coi như mình xứng đáng là người lãnh đạo tín đồ, rồi tự hài lòng. Từ sự tự hài lòng đó sanh ra thụ hưởng tức là nghĩ tới ăn chơi vui đùa, chạy theo dục lạc, mà không nghĩ tới việc tiến tu. Đó là điều rất nguy hiểm cho đạo. Chúng ta tu cốt làm sao dứt sạch các phiền não, mà phiền não phát xuất từ dục lạc. Nếu chúng ta còn thụ hưởng dục lạc thì phiền não làm sao sạch được. Vì vậy nên người nào tu hành mà nặng về hưởng thụ, người đó thế nào rồi cũng bị dục lạc làm chủ. Bị dục lạc làm chủ thì đời này không thể tiến được, mai kia cũng khó mà trả được nợ áo cơm. Cho nên có bài kệ:
Học đạo bất thông lý,
Phục thân hoàn tín thí.
Trưởng giả bát thập nhất,
Kỳ thọ bất sanh nhĩ.
Dịch:
Học đạo chẳng thông lý,
Đem thân đền tín thí.
Trưởng giả tuổi tám mốt,
Cây kia chẳng sanh nhĩ (nấm).
Bài kệ này thuật lại việc một Tỳ-kheo tu hành tương đối tốt. Có một trưởng giả thấy vậy quí kính, mỗi ngày dâng cúng tứ sự rất đầy đủ. Nhưng vị Tăng không thông được lý đạo, chưa sáng được việc lớn, nên khi chết thân trở lại đền nợ bằng cách thành cây mỗi ngày mọc nấm cho trưởng giả ăn. Tới khi trưởng giả tám mươi mốt tuổi cây mới thôi mọc nấm. Như vậy để thấy rằng nếu tu mà không sáng được đạo, không dứt được thức tình, dù chúng ta có cố gắng cũng chưa giải thoát được. Nếu chúng ta thụ hưởng càng nhiều thì họa càng lắm. Vị Tăng này tuy tu tốt, mà vẫn phải trả nợ hoa báo. Đó là trả nợ nhẹ làm cây sanh nấm cho người ăn, hết nợ mới thôi. Nếu nặng nợ hơn, chúng ta phải mang thân xấu xí hơn nhiều, đi trong lục đạo để đền nợ của đàn-na thí chủ. Vì vậy chúng ta phải nhớ rằng trên đường tu không phải chỉ có một hai thời khóa tụng, không phải chỉ thành Trụ trì là xong việc mà tu cốt làm sao thấy được đạo, sống với đạo, mới mong thoát ly sanh tử chớ không phải là việc đơn giản. Đó là điều thiết yếu mà chúng tôi mong tất cả Tăng Ni và Phật tử nhớ để nỗ lực tiến tu, đừng hài lòng, đừng tự mãn, rồi phải chiêu họa đời sau.
Phần thứ hai nói đến: “Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ.” Tại sao ngài Trần Tôn Túc lại nói như thế? Những người con khi đưa đám cha mẹ mình, lúc đó gương mặt thật âu sầu ảo não, tâm hồn buồn bã khắc khoải vô cùng. Cũng như vậy, đối với người tu chúng ta chưa sáng được việc lớn, ngày nào tháng nào năm nào, chúng ta cũng phải ôm ấp trong lòng băn khoăn khắc khoải, niệm niệm quyết chí tiến tu. Cái gì mình chưa hiểu phải tìm cho hiểu, cái gì mình chưa thông phải ráng học hỏi cho thông. Nếu việc lớn chưa sáng mà cứ vui chơi hết ngày hết tháng, thì không mong gì đạt được sở nguyện của mình. Việc lớn chưa sáng, chúng ta lúc nào cũng phải ôm ấp, lo âu, trăn trở trong lòng, phải nỗ lực cố gắng tu hành để đạt cho kỳ được mới thôi. Như vậy mới khả dĩ tiến được, mới xứng đáng một người xuất gia theo Phật. Nếu chúng ta không làm đúng lời Phật Tổ dạy thì rất uổng một đời tu, lại còn làm cho thiên hạ chê cười khinh bỉ, đạo lý cao siêu của Phật trở thành vô giá trị. Thế nên việc lớn chưa sáng chúng ta phải luôn luôn nỗ lực tiến tu, chúng ta không có quyền nghĩ rằng mình tu cho có chừng để rồi đời sau tu nữa. Chúng ta phải quyết chí sáng được việc lớn ngay trong đời này, nếu chưa xong ít ra cái mê cũng mòn cũng mỏng để sau này tiếp tục một cách dễ dàng.
Xưa có những Thiền sư mỗi khi chiều xuống, xét lại mình chưa tiến được bao nhiêu, các ngài rơi lệ, còn chúng ta mỗi khi chiều xuống thì vui cười hỉ hạ. Chúng ta có tiến không mà vui cười? Tại sao các ngài không tiến thì khóc còn chúng ta không tiến lại cười? Tâm niệm người xưa và tâm niệm chúng ta ngày nay khác nhau ở chỗ nào? Nếu thật tình quyết chí cầu giải thoát, mà mình không đạt được điều mong mỏi, làm sao vui, làm sao thảnh thơi cười đùa! Vì vậy người xưa đã nhiệt tình khi nhớ tới việc tu hành của mình, một ngày mất đi mà không tiến là các ngài đau khổ xót xa đến độ phải rơi nước mắt. Chúng ta ngày nay dù không bằng được người xưa, ít ra mỗi ngày qua chúng ta phải nao nao tự hỏi rằng tại sao mình hèn nhát, mình tu không tiến. Một ngày tu không tiến còn rơi nước mắt, một tháng tu không tiến chắc phải khóc òa lên! Còn một năm tu không tiến quí vị nghĩ nên làm sao? Nếu một năm qua kiểm lại mình tu không tiến được một bước nào, thật là đau lòng hổ thẹn, không thể nào an ổn được. Tu cốt phải tiến, không phải đứng một chỗ, đứng một chỗ có nghĩa là lùi, huống nữa có nhiều người còn bước lùi nữa, việc đó thật là quá tệ. Do đó hôm nay là ngày cuối năm, chúng ta tự kiểm lại thấy qua một năm, tu không tiến được bước nào, chúng ta phải lập nguyện cho mạnh, lập chí cho vững để vươn lên, không để yếu hèn như năm cũ nữa. Như vậy chúng ta mới xứng đáng là người tu có trọng trách làm lợi mình, lợi người, tự giác, giác tha. Đó là điều mà chúng tôi mong mỏi nhất.
Phần thứ ba là “việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ”. Tại sao? Vì chúng ta tưởng rằng một khi ngộ được lý đạo, ngang đó là thành Phật, thành Tổ. Thật sự chưa phải. Sau đây là bài kệ chúng tôi thường nhắc:
Đốn ngộ tuy đồng Phật,
Đa sanh tập khí thâm,
Phong đình ba thượng dũng,
Lý hiện niệm du xâm.
“Đốn ngộ tuy đồng Phật” tức là thấy được đạo, Phật với mình không khác. “Đa sanh tập khí thâm” tức là nhiều đời tập khí sâu dày, nóng giận phiền não hồi xưa còn ghi đậm nét trong thói quen của mình. Bây giờ tuy ngộ được lý đạo nhưng khi chạm việc cũng còn giận cũng còn nóng. “Phong đình ba thượng dũng”, như ngoài biển gió dừng rồi mà sóng vẫn còn vỗ ầm ầm. “Lý hiện niệm du xâm”, đối với đạo lý thì thấy được lẽ thật rồi, nhưng niệm vẫn còn dấy lên hoài, làm mờ tối Tánh giác của mình. Khi ngồi lại nó cứ tràn vào, lấn mãi, nó quấy động cả giờ ngồi thiền. Như vậy đừng tưởng rằng ngộ được lý đạo là xong việc, mà còn phải nỗ lực tiến tu, làm sao trong tất cả giờ những niệm đó không quấy nhiễu, không làm mờ Tánh giác của mình, chừng đó mới khả dĩ hợp với đạo. Nếu ngang đây mà hài lòng tự mãn là bệnh lớn.
Kinh Trung A-hàm ghi: Một hôm có ngoại đạo tới hỏi Phật: - Thưa Cù-đàm, những đệ tử của Ngài đã ngộ đạo có đến Niết-bàn hết hay chăng? Phật trả lời: - Có người đến Niết-bàn, có người không đến. Ngoại đạo lấy làm lạ hỏi: - Tại sao đã ngộ đạo rồi, có người được đến Niết-bàn lại có người không đến? Phật ví dụ: Như có người bị mũi tên độc bắn vào tay, thầy thuốc được mời tới mổ lấy tên ra, khử độc băng bó kỹ càng và bảo ráng giữ gìn đừng cho nhiễm trùng. Nhưng người đó nghĩ rằng tên độc đã nhổ ra, dùng thuốc khử độc rồi, còn lo sợ gì nữa. Ngang đó tha hồ xông pha, vết thương bị nhiễm trùng, bệnh trở nặng rồi chết. Người thứ hai cũng bị tên độc và cũng được nhổ tên ra, khử trùng xong băng bó cẩn thận và cũng được dặn dò như trước. Người này biết giữ gìn không dám để nhiễm trùng, vết thương lành lần lần rồi khỏi hẳn. Như vậy hai người cùng bị tên độc, cùng được mổ lấy tên ra, khử độc như nhau, tại sao một người chết, một người lành?
Phật nói: “Cũng như vậy, những người tu ngộ đạo rồi mà ngang đó biết nghe lời Phật tiến tu, gìn giữ đạo hạnh càng ngày càng trong sáng thì sẽ đến Niết-bàn. Những người ngộ đạo rồi, tự mãn làm những việc xông pha trái với đạo lý lần lần bị nhiễm rồi thối đọa.” Như vậy chúng ta đừng tưởng ngộ rồi là xong. Vì đa sanh tập khí thâm, tuy ngộ đạo rồi mà tập khí vẫn còn, nếu lân la với thói quen cũ thì bị nhiễm. Nên nói “việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ”, chúng ta phải luôn luôn nỗ lực tu, không phải ngang đó mà dừng.
Có vị Tăng hỏi Thiền sư Truyền Sở ở núi Thanh Phong:
- Việc lớn đã sáng, vì sao như đưa ma mẹ?
Ngài đáp:
Chẳng gặp gió xuân hoa chẳng nở,
Đến khi hoa nở lại thổi rơi.
Hai câu này cũng giống hai câu:
Chưa đến vô tâm cần phải đến,
Đã đến vô tâm, vô cũng thôi.
Đợi có gió xuân hoa mới nở. Đừng tưởng hoa nở là xong, mà còn phải nhờ gió thổi cho hoa rụng luôn mới là xong việc. Người xưa rất cẩn thận dè dặt khi chỉ dạy chúng ta cách tu hành.
Thiền Sư Tử Thuần ở Đơn Hà có làm bài tụng:
Gia sơn qui đáo mạc nhân tuần,
Kiệt lực dần thân phụng nhị thân.
Cơ tận công vong ân nghĩa đoạn,
Tiện thành bất hiếu xiển-đề nhân.
Dịch:
Gia sơn về đến chớ dần dà,
Gắng sức sớm hôm dưỡng mẹ cha.
Cơ hết công quên ân nghĩa dứt,
Bỗng thành bất hiếu người xiển-đề.
Gia sơn về đến chớ dần dà nghĩa là người tu như kẻ trở về quê hương, hi vọng thiết tha nhất là về tới nhà. Về tới nhà còn phải: Gắng sức sớm hôm dưỡng mẹ cha, chẳng phải về đến nhà để chơi suông. Nuôi dưỡng mẹ cha rồi còn nghĩ mình là con có hiếu, là kẻ có công, cũng chưa được, nên nói: Cơ hết công quên ân nghĩa dứt, tới đó điều kiện công ơn nuôi dưỡng cha mẹ không còn thấy nữa. Bỗng thành bất hiếu người xiển-đề. Tại sao câu kết lại lạ lùng như vậy? Xiển-đề là âm tiếng Phạn dịch nghĩa là bất tín, tức là không đủ lòng tin. Ở đây xiển-đề chia ra ba loại:
1. Người phạm tội ngũ nghịch.
2. Người đối với Tam Bảo không có lòng tin.
3. Người như ngu như ngây không còn thấy có Phật để kính, không còn thấy có chúng sanh để xem thường. Người này thấy Phật với chúng sanh bình đẳng cũng gọi là xiển-đề.
Như trên đã nói:
Chẳng gặp gió xuân hoa chẳng nở
Đến khi hoa nở lại thổi rơi.
Nếu còn thấy mình là người đắc đạo, là người ngộ đạo là chưa xong. Nếu ngộ đạo thật sự mà còn thấy mình đắc đạo, ngộ đạo là chưa rồi, huống nữa chưa ngộ đạo mà còn tự xưng ta là người thấy đạo, ngộ đạo, thì nên nghĩ người ấy như thế nào? Vì vậy trong kinh Kim Cang có đoạn: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.” Tới chỗ rốt ráo pháp chân chánh còn phải buông xả, huống là phi pháp. Lời Phật dạy giống như cái bè đưa mình qua sông, tới bờ rồi bè cũng bỏ, như vậy mới rồi việc. Nếu mình tu tới đó rồi hài lòng tự mãn thì không thể nào tránh khỏi việc ôm chặt chiếc bè không lên bờ được. Đó là ý nghĩa bài tụng của ngài Đơn Hà Tử Thuần.
Thiền sư Thanh Long, nhân ý này nói một bài tụng:
Bần tử dụ trung tằng chỉ chú
Linh bình tân khổ uổng ta đà
Khúc thùy phương tiện thân phân phó
Triếp mạc nhân tuần xử tả khoa.
Dịch:
Trong dụ kẻ nghèo từng chỉ rõ
Lang thang cay đắng luống trôi qua
Được bày phương tiện vì giao phó
Thôi chớ lơ là khiến mất xa.
Ngài Thanh Long nhắc chúng ta, người tu chẳng khác nào kẻ cùng tử trong kinh Pháp Hoa. Trong thời gian lang thang nơi xứ lạ quê người, cùng tử chịu muôn ngàn cay đắng. Khi tìm được lối trở về đến nhà, qua được những cay đắng rồi vẫn chưa xong việc. Còn phải: Được bày phương tiện vì giao phó. Trưởng giả dùng phương tiện dẫn cùng tử về nhà trao  kho tàng sự nghiệp. Khi được trao sự nghiệp rồi, thôi chớ lơ là khiến mất xa, còn phải giữ gìn bảo quản cho sự nghiệp được lâu dài bền vững. Ví dụ chàng cùng tử trong kinh Pháp Hoa chỉ cho chúng ta khi sáng được việc lớn, mà không chịu nỗ lực cố gắng nữa thì một ngày nào đó, chúng ta cũng bị rơi trở vào chỗ chưa sáng. Vì vậy khi sáng được việc lớn rồi, cần phải nỗ lực cố gắng cho đến bao giờ viên mãn công hạnh mới là xong việc.
Tất cả người tu Phật chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng thấy được đạo là xong việc mà phải hành đạo và hằng sống được với đạo. Mình và đạo không hai mới là thật sự giải thoát, giải thoát ngay trong đời này, chớ không phải đợi tới khi chết mới giải thoát, thì quá mơ hồ xa xôi.
Để kết luận, chúng tôi xin lặp lại hai câu:
Chưa đến vô tâm cần phải đến
Đã đến vô tâm vô cũng thôi.
Nếu chúng ta còn mờ tối chưa thấy được đạo, cần phải nỗ lực cố gắng học hành tham vấn. Khi đến chỗ vô tâm rồi, chính cái vô chúng ta cũng phải buông, mới đến chỗ mình và muôn vật không hai. Nếu còn đeo cái vô, thì vô tình chúng ta lại rơi vào nước chết.
Nếu đã qua một năm mà tu không tiến, chúng ta hối hận muốn kéo năm cũ lại để tu hành thì không thể được. Vì vậy chúng ta đành phải để nó trôi qua. Nhưng năm tới chúng ta phải làm sao cho xứng đáng không phụ tinh thần xuất gia cầu giải thoát của chính mình. Năm cũ qua rồi, chúng ta đã hỉ hạ vui chơi, năm mới sắp đến, chúng ta cũng hỉ hạ vui chơi không lo tu hành, e rằng một đời tu của chúng ta trở thành số không.
Hôm nay chúng tôi nhắc lại lời dạy của ngài Trần Tôn Túc để cho tất cả quí vị người tại gia cũng như xuất gia tự xét lại mình có tu tiến hay không? Nếu đã tiến tu thì năm tới cũng phải cố gắng để khá hơn. Còn nếu người nào cảm thấy qua một năm mà không tiến chút nào thì ngang đây chuẩn bị cho năm tới phải nỗ lực phát nguyện mạnh mẽ để đền bù lại những thiếu sót của một năm qua và xứng công trong năm tới. Như vậy mới không uổng một đời tu của mình. Đó là điều mong mỏi của chúng tôi trong tháng cùng năm hết này.
 
MÙA XUÂN MIÊN VIỄN
Bài nói chuyện với Tăng Ni - Xuân Đinh Mão 1987
Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán, quí Tăng Ni Phật tử câu hội về đây để chúc mừng năm mới, tôi rất hoan hỉ. Vậy quí vị lễ Tổ chứng minh cho rồi tôi sẽ nói chuyện.
Trước hết tôi chúc tất cả Tăng Ni và Phật tử năm nay được hưởng một mùa Xuân Miên Viễn. Muốn hưởng một mùa xuân miên viễn, chúng ta phải làm gì? Cần những yếu tố nào?
Tất cả người trên thế gian đều thừa nhận một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân khí hậu ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, mọi người đều vui mừng, nên nói mừng xuân, vui xuân hay chơi xuân. Nói tới mùa xuân là nói tới sự vui tươi, hạnh phúc, coi như nó có sẵn trong mùa xuân. Nhưng mùa xuân theo thời gian dài lắm chỉ tròn ba tháng rồi cũng hết xuân, tới hạ, thu, đông. Cho nên cái vui con người chỉ hưởng một lúc nào rồi mất, nhường chỗ cho mùa hạ nóng bức, mùa thu buồn tẻ, mùa đông ảm đạm thê lương.
Người tu chúng ta không thể chấp nhận vui xuân giới hạn theo thời tiết, cần phải có cái vui mãi mãi không mất, mãi mãi còn nơi chúng ta. Chúng ta phải tu như thế nào để hưởng được một mùa xuân miên viễn?
Mùa xuân miên viễn phát nguồn từ đâu? Chính đức Phật Thích-ca là vị Giáo chủ đã chỉ cho chúng ta một mùa xuân miên viễn. Gần đây hơn, chính Tổ Bồ-đề-đạt-ma là người đem lại mùa xuân miên viễn trong đạo cho tất cả chúng ta. Tổ đã gieo rắc mùa xuân ấy vào tâm hồn người tu thiền chúng ta như thế nào? Sau đây tôi dẫn một số câu chuyện của các Thiền sư, quí vị sẽ nhận thấy mùa xuân miên viễn thể hiện trong tâm hồn những người đã sáng được lẽ đạo và sống với đạo như thế nào.
Trước tiên tôi dẫn câu chuyện: Một vị Tăng hỏi ngài Động Sơn Lương Giới:
- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?
Ngài Động Sơn đáp:
- Đợi dòng nước Động Sơn chảy ngược, ta sẽ vì ông nói.
Nước ở Động Sơn là nước trong khe động trên núi chảy xuống, có lúc nào chảy ngược trở lên đâu? Nếu nước ở sông ở biển khả dĩ còn có chảy lên chảy xuống, còn nước suối trên động núi không bao giờ chảy ngược. Tại sao ngài Động Sơn bảo đợi dòng nước Động Sơn chảy ngược sẽ vì ông nói? Câu đó đã nói gì về ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? Tổ sư đây là Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Những vị học và tu thiền thường thắc mắc không biết Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa có ý gì đem truyền dạy cho chúng ta? Ý đó như thế nào? Ngài Động Sơn trả lời như vậy có dễ hiểu không? Biết ý Tổ sư từ Ấn Độ sang chưa?
Sau này Thiền sư Nghĩa Thanh ở Đầu Tử có làm bài kệ tụng về điều đó:
Cổ nguyên vô thủy nguyệt hà sanh,
Mãn ngạn Tây lưu nhất phái phân.
Thông Lãnh bãi tuần Hùng Nhĩ mộng,
Tuyết đình hưu thoại Thiếu Lâm xuân.
Dịch:
Nguồn xưa không nước nguyệt đâu sanh,
Một mạch dòng Tây chảy ngập tràn.
Thông Lãnh hỏi rồi Hùng Nhĩ mộng,
Tuyết sân thôi nói Thiếu Lâm xuân.
Qua bài kệ này ngài Nghĩa Thanh đã nói gì về câu đáp của ngài Động Sơn?
Cổ nguyên vô thủy nguyệt hà sanh.
Dòng suối xưa nếu khô cạn thì làm sao bóng mặt trăng rọi ở dưới. Dòng suối có nước trong, chúng ta mới thấy được bóng mặt trăng ở dưới đáy suối, nếu dòng suối đã khô thì không thấy bóng mặt trăng.
Mãn ngạn Tây lưu nhất phái phân.
Mãn là đầy, ngạn là bờ. Dòng suối xưa kia vẫn tràn cả bờ từ phương Tây trôi mãi chia ra một mạch (phái: mạch). Ở đây dường như có sự mâu thuẫn. Câu trên nói dòng suối khô cạn không có bóng mặt trăng. Câu dưới lại nói dòng suối từ phương Tây chảy lại tràn đầy cả bờ rồi chia ra chảy mãi. Như vậy ý nói gì? Câu đầu nói dòng suối không nước tức là không bóng trăng để chỉ câu đáp của ngài Động Sơn. Đợi dòng suối chảy ngược tôi sẽ vì ông nói.
Câu hai: Dòng suối đó không có bóng mặt trăng tức là khô cạn. Tuy nói cạn mà không cạn vì nó vẫn chảy tràn cả bờ và trôi mãi cho tới ngày nay.
Đến hai câu sau rất là đẹp:
Thông Lãnh bãi tuần Hùng Nhĩ mộng,
Tuyết đình hưu thoại Thiếu Lâm xuân.
Ở núi Thông Lãnh không còn thưa hỏi nữa, trên núi Hùng Nhĩ chỉ là giấc mộng thôi. Là ý nghĩa gì? Tổ Bồ-đề-đạt-ma khi tịch tại Thiếu Lâm, nhục thân Ngài được nhập tháp trên núi Hùng Nhĩ. “Thông Lãnh bãi tuần” tức là ở Thông Lãnh không còn thưa hỏi nữa, Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã hết duyên giáo hóa ở Trung Hoa. Nhục thân Ngài nhập tháp trên núi Hùng Nhĩ chẳng qua là một giấc mộng.
Tuyết đình hưu thoại Thiếu Lâm xuân.
Tuyết đình là nơi sân tuyết, khi Tổ Huệ Khả đến hỏi đạo với Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Đạt-ma ngồi xoay mặt vào vách lặng yên, Tổ Huệ Khả đứng ngoài sân, mùa đông tháng chạp ở miền Bắc Trung Hoa tuyết xuống ngập đầu gối mà ngài Huệ Khả vẫn đứng trơ nhìn thẳng vào Tổ, mặt không đổi sắc. Tổ thương tình xoay lại hỏi:
- Cầu việc gì mà chịu khổ hạnh vậy?
- Con xin Ngài dạy cho pháp môn cam lồ.
Từ đó về sau Tổ mới nhận Ngài là đồ đệ. Khi thầy trò còn thưa hỏi qua lại là lúc Tổ còn duyên giáo hóa. Khi Tổ Huệ Khả không còn thưa hỏi nữa tức là Ngài đã đạt đạo, thấy được chân tướng mà Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền dạy, lúc ấy ở Thiếu Lâm hoàn toàn là một mùa xuân. Nên nói: trước sân đầy tuyết không còn thưa hỏi nữa, núi Thiếu Lâm hoàn toàn là một mùa xuân: mùa xuân miên viễn, mùa xuân không còn bị thời gian chi phối, xuân mãi mãi, không bao giờ có vẻ ảm đạm của thu, lạnh lẽo của đông nữa. Muốn được mùa xuân miên viễn phát xuất từ Thiếu Lâm, phải qua một cơn tuyết ngập tới gối, chớ không giản dị như những vị hiện giờ mong ước. Vừa được ấm no sung túc vui cười, vừa mong ước được mùa xuân Thiếu Lâm, chắc chắn là không được.
Trên đường đạo, chúng ta phải chịu đựng những gian nan khổ sở mới hưởng được một nguồn vui không bao giờ cùng tận. Người tu phải đối diện với sự lạnh lẽo cô đơn, từ bỏ mọi sự ấm áp của thế tình, lúc đó chỉ có nguồn chánh pháp sưởi ấm lòng chúng ta thôi. Nếu chúng ta tu mà muốn được tình đời sưởi ấm mãi, chắc rằng chúng ta phải chịu lạnh muôn kiếp. Chúng ta phải cam lạnh với tình đời, phải buông xả, chỉ còn trơ trọi một con người, khi ấy chúng ta mới được sưởi ấm bằng một nguồn vui miên viễn của mùa xuân Thiếu Lâm.
Dòng suối từ Tây chảy sang và chảy mãi đến Việt Nam chúng ta, dòng suối đó đến nay vẫn còn. Chúng ta có hưởng được hay không là do sức chịu đựng và sức nỗ lực của chúng ta, cũng như sau một cơn tuyết lạnh rồi chúng ta mới thấy được một mùa xuân ở Thiếu Lâm. Đó là ý nghĩa bài kệ của ngài Nghĩa Thanh.
Đến câu chuyện một vị Tăng hỏi ngài Cửu Phong (ngài Cửu Phong là vị Thị giả hỏi chết Thủ tọa ở Thạch Sương). Tăng hỏi:
- Tổ tổ truyền nhau là truyền việc gì?
Là truyền y bát chăng? Nếu truyền y bát thì khô khan làm sao! Y bát là vật vô tình, truyền vật vô tình đâu có lợi gì cho chúng ta, đâu có sưởi ấm chúng ta mãi mãi. Nếu nghĩ Tổ Tổ truyền nhau là truyền y bát, điều đó không phải là đạo lý, nên ngài Cửu Phong đáp:
- Thích-ca nghèo, Ca-diếp giàu.
(Nguyên văn chữ Hán: Thích-ca xan, Ca-diếp phú.)
Tăng hỏi:
- Thế nào là Thích-ca nghèo?
Ngài đáp:
- Không một vật cho người.
Tại sao đức Thích-ca nghèo lắm vậy? - Không một vật cho người, không nghèo là gì? Vì vậy nên sau này con cháu Ngài nghèo, mà nghèo nhất là ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn, Ngài nghèo cho tới không có đất cắm dùi, và không có dùi để cắm nữa. Ngài trình bày chỗ nghèo của mình:
Năm xưa nghèo còn có đất cắm dùi,
Năm nay nghèo không có dùi để cắm.
Như vậy Phật Tổ truyền thừa cái gì? Đức Thích-ca không có một vật cho người, có cái gì mà truyền!
Vị Tăng lại hỏi thêm:
- Thế nào là Ca-diếp giàu?
Ngài Cửu Phong đáp:
- Trong nước Mạnh Thường Quân.
Khi xưa ở Trung Hoa, Mạnh Thường Quân là người nuôi rất nhiều dũng sĩ, những dũng sĩ nào thất thời thất thế ông đều nuôi hết, nên nói Mạnh Thường Quân là người giàu. Như vậy Tổ Ca-diếp giàu là giàu cái gì? Nếu Tổ Ca-diếp nghèo thì chắc không truyền tới bây giờ. Bởi Ngài giàu cho nên Ngài truyền nối mãi cho tới ngày nay không dứt, không giàu là gì? Con cháu đông vầy, đó là cái giàu của ngài Ca-diếp.
Đức Thích-ca nghèo vì không một pháp cho người, Tổ Ca-diếp giàu vì truyền mãi không dứt. Không một pháp cho người mà truyền mãi không dứt có mâu thuẫn không? - Không. Nếu chúng ta thấy được cái không mâu thuẫn đó là chúng ta thấy được mùa xuân miên viễn, còn nếu chúng ta thấy có sự mâu thuẫn là không thấy được mùa xuân miên viễn.
Thiền sư Tử Thuần ở núi Đơn Hà có làm bài kệ nói về câu đối đáp trên:
Tịch quang ảnh lý hiện toàn thân,
Quí dị thiên nhiên quýnh xuất luân.
Gia phú nhi nô thiên đắc lực,
Dạ phân đăng hỏa chiếu tây lân.
Dịch:
Tịch quang trong bóng hiện toàn thân,
Sang khác thiên nhiên vượt hạng thường.
Con khó nhà giàu riêng đắc lực,
Đêm chia đèn lửa rọi xóm gần.
Tịch quang ảnh lý hiện toàn thân. “Tịch” là lặng, “quang” là sáng. Trong cái sáng lặng bóng nó hiện toàn thân.
Quí dị thiên nhiên quýnh xuất luân. “Quí” là sáng, “dị” là khác, “quýnh xuất luân” là vượt khỏi bình thường. Cái giàu sẵn vậy khác hơn là vượt khỏi tất cả cái giàu sang bình thường của người đời.
Gia phú nhi nô thiên đắc lực. “Gia phú” là nhà giàu, “nhi nô” là con tôi tớ. Cha giàu mà con là tôi tớ riêng được chỗ đắc lực. Cha giàu dụ cho ông Trưởng giả trong kinh Pháp Hoa, con tôi tớ dụ cho gã cùng tử chịu làm tôi tớ. Nhưng nếu người con tôi tớ hiểu được việc nhà rồi tức là đã đắc lực thì ông cha:
Dạ phân đăng hỏa chiếu tây lân. Ban đêm chia đèn lửa để chiếu rọi xóm gần. Nếu đứa con nghèo khi có sức mạnh hoặc có khả năng quản lý được gia nghiệp rồi thì người cha liền chia đèn chia lửa để soi sáng cho láng giềng chung quanh.
Trong bài kệ này, hai câu đầu nói lên ý đức Thích-ca Ngài nghèo, bởi vì trong cái sáng lặng lẽ, có cái bóng hiện ra toàn vẹn. Cái bóng đó không thật, không thật thì có gì để chia, có gì để trao! Nhưng trong đó có ngầm cái giàu, không phải cái giàu thông thường của thế nhân, mà cái giàu vượt trên tất cả những cái thường tình. Đó là cái giàu của thiên nhiên sẵn có.
Hai câu sau chỉ cái giàu của ngài Ca-diếp. Ngài Ca-diếp rất giàu. Con cháu của Ngài nghèo nàn, một khi có sức kham nhẫn chịu đựng được, có đủ khả năng gánh vác được thì Ngài trao chia cho đèn lửa để nối tiếp mãi mãi. Danh từ trong đạo thường nói người sau nối tiếp người trước là “tục diệm truyền đăng” nghĩa là nối lửa trao đèn. Tại sao không nói trao ngọc trao vàng mà nói trao lửa trao đèn? Bởi vì chủ yếu của đạo Phật là giác ngộ, mà giác ngộ là trí tuệ, trí tuệ là sáng suốt. Vì chúng sanh bị vô minh mê mờ nên phải trôi mãi trong luân hồi lục đạo. Chỉ có ngọn đèn trí tuệ mới phá được vô minh. Nếu vô minh hết thì chúng sanh ra khỏi dòng luân hồi.
Nói đến sự truyền bá chánh pháp là nói đến sự trao đèn nối lửa để soi sáng cho chúng sanh, cho con người và cho nhân loại. Chúng ta học đạo cốt làm sao thấy được chủ yếu của đạo để trên đường tu khỏi bị lầm lẫn. Nếu học đạo mà không thấy chủ yếu đó, chúng ta cứ nghĩ những phương tiện là đạo, tỉ dụ như bố thí, nhẫn nhục là đạo, đó chưa phải là cứu kính. Mục tiêu của Phật là chúng ta phải có ánh sáng trí tuệ mới cứu khổ được chúng sanh.
Nói đến việc trao đèn, chúng tôi nhớ câu chuyện nhan đề là “Giáo Lý Tối Thượng” của một Thiền sư Nhật Bản: Ngày xưa có một chú mù đi thăm bạn. Vì là bạn cố tri nên gặp lại ngồi nói chuyện mãi quên giờ. Khi ra về trời đã khuya, ngoài trời tối đen, anh bạn thương chú quá, nói:
- Ngoài kia trời tối, để tôi đốt đèn cho anh cầm về.
Anh mù cười nói:
- Tôi thấy ngày như đêm, đêm như ngày, cần gì đèn.
Anh bạn giải thích:
- Tuy anh không cần đèn, nhưng anh nên cầm cây đèn đi, người đi đường thấy được cây đèn họ tránh khỏi đụng vào anh.
Thấy có lý, anh mù nhận cây đèn anh bạn đốt và trao cho. Trên đường về bất thần có người đụng vào anh mù. Người mù than phiền:
- Anh không thấy tôi sao?
Người kia nói:
- Dạ, tôi không thấy.
- Tôi cầm cây đèn mà anh không thấy à?
Người đi đường đáp:
- Thưa bạn cây đèn bạn tắt từ bao giờ!
Qua câu chuyện trên, “giáo lý tối thượng” ở chỗ nào? Để quí vị suy gẫm, chúng tôi sẽ giải thích sau.
Trong nhà thiền, Thiền sư được trao đèn là ngài Đức Sơn. Ngài Đức Sơn sau khi đầu phục, được ngài Long Đàm Sùng Tín nhận làm đệ tử. Một đêm, Ngài đứng hầu thầy trong thất. Mãi tới khuya, ngài Sùng Tín bảo:
- Đêm đã khuya sao ông không xuống?
Ngài Đức Sơn liền bước ra vén rèm lên, bèn trở lại thưa:
- Ngoài kia tối đen.
Nói đến tối đen tức là muốn xin đèn chớ gì? Ngài Sùng Tín liền thắp đèn cầy rồi trao. Ngài Đức Sơn vừa đưa tay cầm cây đèn thì ngài Sùng Tín thổi phụt tắt. Ngay đó ngài Đức Sơn liền ngộ, từ đó về sau không cần đèn nữa. Như vậy trao đèn đó có trao hay không? Tại sao ngài Đức Sơn cầm đèn, vừa đưa tay nhận lấy, ngài Sùng Tín lại thổi phụt tắt đi? Đó lại gọi là trao đèn tiếp lửa. Trao ở chỗ nào? Nếu hiểu câu chuyện này thì hiểu câu chuyện trên.
Trong câu chuyện trước, người bạn thương người bạn mù quá nên đốt đèn cho anh cầm tay để tránh tai nạn. Đã là mù thì dù có đèn cũng là vô ích, nó tắt hay còn cháy, có biết đâu! Bởi vậy nên đèn tắt lúc nào cũng không biết! Khi sáng mắt rồi đưa đèn mới hữu dụng.
Cũng như vậy, nếu ngài Huệ Khả không đứng lạnh ngoài tuyết trước sân Thiếu Lâm thì Tổ Đạt-ma đâu có trao đèn cho Tổ Huệ Khả. Khi đủ khả năng đủ sức nhận rồi mới trao. Nhưng trao mà không trao. Trao đèn cho người lúc họ đi đêm, nếu sáng ngày thì họ đâu có cần nữa. Vì vậy nơi chúng ta nếu không phát sáng được cái Vô sư trí thì dù thầy dù bạn có muốn cho chúng ta sáng, sáng cũng không nổi. Cái học ngôn ngữ lý thuyết nơi thầy nơi bạn không cứu được cái mê của chúng ta. Muốn cứu được cái mê của chúng ta, chính cái Vô sư trí phải phát. Khi nào phát được cái Vô sư trí, lúc đó mới được trao đèn. Trao đèn là trao như vậy, nên mới gọi là giáo lý tối thượng. Còn nếu Vô sư trí chưa phát mà trao cũng vô ích thôi. Hiểu như vậy quí vị mới hiểu nghĩa trao đèn tiếp lửa, trao mà không trao gì hết. Bởi vậy mới có câu chuyện sau này:
Có vị Tăng hỏi Thiền sư Cư Hối:
- Tổ Đạt-ma lại là Tổ chăng?
Ngài Cư Hối đáp:
- Chẳng phải Tổ. (Trả lời coi ngang ngược quá!)
- Đã chẳng phải Tổ lại đến làm gì?
- Vì ông chẳng tiến. (Vì ông chẳng tiến được, nên Ngài sang.)
Vị Tăng liền hỏi:
- Sau khi tiến thì thế nào?
Ngài Cư Hối đáp:
- Mới biết chẳng phải Tổ.
Câu này thật là hay! Sau khi tiến được mới biết chẳng phải Tổ. Ngài Đức Sơn vì tiến không được, thấy ngoài trời tối đen, nên cần đèn. Cần đèn thì thầy đốt cho. Đốt cho rồi liền thổi phụt tắt. Tắt rồi mới tiến được. Tiến được mới thấy thầy có trao đèn cho mình không? Khi chưa tiến được thì mong thầy trao cho mình một cái gì, cho nên còn thấy có Tổ. Khi tiến được rồi thì còn gì nữa mà trao? Mới biết không phải Tổ. Không phải Tổ mà là Tổ. Cái đó mới là lạ lùng.
Qua câu chuyện trên, cũng ngài Tử Thuần có làm bài kệ:
Thiếu Lâm tục diệm sự kham kỳ,
Lạp dạ phương khai tuyết hậu chi
Hoàng Bá tích niên tằng hữu ngữ,
Đại Đường quốc lý một Thiền sư.
Dịch:
Thiếu Lâm tiếp lửa việc lạ kỳ,
Tháng chạp tuyết rơi sau mới chia
Hoàng Bá năm xưa từng đã nói,
Đại Đường cả nước không Thiền sư.
Tại sao cả nước Đại Đường mà không Thiền sư? Bởi vì nói Tổ thì người ta cứ nghĩ như ở ngoài thế gian, ông Tổ thợ mộc thì dạy cách làm mộc, phải đục đẽo như thế nào, cần những đồ nghề gì. Ông Tổ thợ rèn chỉ dạy cách làm thợ rèn. Còn ông Tổ trong nhà Thiền dạy chúng ta cái gì? Truyền cho chúng ta cái gì? Không có một pháp cho người, mà dạy cái gì, truyền cái gì? Đã không có dạy, không có truyền thì gọi là Tổ được không? Tuy không dạy, không truyền mà vẫn là Tổ. Mới nhìn qua coi như không phải Tổ, vì mỗi người chúng ta đã sẵn có cái chân thật đó rồi chớ không phải Ngài cho, nên nói không phải Tổ. Nếu không có sẵn, dù Ngài chỉ Đông, vẽ Tây, thì chắc rằng chúng ta cũng không thấy được cái chân thật đó, cho nên nói không phải Tổ mà là Tổ. Cũng như vậy, ngài Hoàng Bá nói cả nước Đại Đường không có Thiền sư, chỉ tạm gọi là Thiền sư.
Ý nghĩa của bài kệ như sau:
“Thiếu Lâm tục diệm sự kham kỳ.” Sự truyền đăng tục diệm ở Thiếu Lâm rất lạ lùng. Sự đó phát xuất từ lúc nào? “Lạp dạ phương khai tuyết hậu chi”: sau đêm tháng chạp tuyết lạnh mới nở được hoa, nên nói: Tháng chạp tuyết rơi sau mới chia tức là chia đèn tiếp lửa sau đêm tuyết ở Thiếu Lâm. Như vậy chúng ta thấy rằng việc truyền thừa của chư Tổ là mồi đèn tiếp lửa để soi sáng mãi mãi cho chúng sanh ở thế gian.
Vì lẽ vừa nêu trên, chúng tôi đặt tên Thiền viện Thường Chiếu. Nếu nói Thường Chiếu suông thì thấy nó lơ lửng quá! Vậy cái gì Thường Chiếu? - Tuệ Nhật Thường Chiếu hay Tuệ Đăng Thường Chiếu, nghĩa là truyền đèn tiếp lửa. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có câu: “tuệ nhật phá chư ám” tức là mặt trời trí tuệ phá hết mọi tối tăm, mà Thường Chiếu là phá ám chớ gì? Vì thế chúng ta phải hiểu cho tường tận chủ đích của người trước. Thường Chiếu theo tinh thần nhà thiền là ngọn đèn, ngọn đuốc hay là mặt trời trí tuệ mãi mãi soi sáng không bao giờ gián đoạn.
Chúng tôi có tham vọng muốn chia đèn tiếp lửa từ thuở Phật Tổ, nối mãi mãi đến bây giờ và về sau, để soi sáng chúng sanh không để bị gián đoạn, tắt dứt. Tuy hiện giờ có soi chút chút, nhưng nếu mai kia khi tôi mất rồi, quí vị phải tiếp tục soi sáng mãi mãi đừng để nó gián đoạn, nếu gián đoạn thì mất ý nghĩa Thường Chiếu rồi. Chủ đích của người tu Phật là dùng ánh sáng trí tuệ để soi sáng chúng sanh phá tan màn vô minh đen tối, giúp chúng sanh thoát khỏi dòng trầm luân sanh tử. Vì vậy mà tôi thích tên Chiếu. Có người cười bảo là chiếu lác chiếu rơm gì đó, vì không rõ mục tiêu tôi nhắm với tham vọng hơi nhiều. Chúng tôi mong rằng quí vị có mặt hôm nay, trong ngày đầu năm, ý thức được bổn phận và mục đích của mình. Biết được mục đích rồi lúc nào chúng ta cũng nhắm thẳng mục đích đó. Hòa thượng Viện trưởng đã dạy chúng ta: Làm việc gì một thời gian rồi, phải tự hỏi lại mình xem có đi đúng mục đích của mình hay không? Vì danh lợi hay vì cái gì? Phải luôn luôn hỏi lại mình để nhắc mình đi đúng mục tiêu mà mình đã nhắm.
Ở đây, chúng tôi nhắm mục tiêu “Phật Tổ tương truyền”. Chúng ta đã thừa hưởng ánh sáng mặt trời đó, chúng ta nên đem ánh sáng ấy soi lại cho những người chung quanh và những người sau để cùng sáng với chúng ta. Có những khi cần giảng chữ Thường Chiếu, tôi giảng có tính cách nhè nhẹ để người ta không thấy tham vọng của mình, tôi nói Thường Chiếu là tên của một Thiền sư Việt Nam. Bây giờ cần nói sâu nguyện vọng của mình, tôi nói là Tuệ Nhật Thường Chiếu hay Tuệ Đăng Thường Chiếu, chớ không phải là chuyện thường. Hôm nay tôi nêu ra cho tất cả quí vị thấy bản hoài của người tu phải đạt cho kỳ được cái gì mà Phật Tổ mong muốn nơi chúng ta.
Phần kết luận bài nói chuyện hôm nay là lời chúc xuân đầu năm của tôi với Tăng Ni và Phật tử, tôi xin nhắc lại lời của người xưa:
Bất đạp kim thời lộ,
Thường du kiếp ngoại xuân.
Tức là không giẫm trên con đường hiện thời, thường dạo một mùa xuân kiếp ngoại. Kiếp ngoại xuân là gì? Kiếp là chỉ cho thời gian, như nói một đời, một kiếp. Hoặc trong kinh nói tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp chỉ cho thời gian dài thăm thẳm. Kiếp ngoại xuân là xuân vượt ngoài thời gian, năm, tháng. Nói tới xuân là nói tới thời gian. Nhưng nếu chúng ta  không giẫm trên con đường hiện thời là chúng ta hưởng được mùa xuân ngoài thời gian, còn gọi là mùa xuân miên viễn. Vì sao không đạp trên con đường hiện thời? Con đường hiện thời chỉ cho con đường mà chúng sanh đang tranh đua chen lấn nhau đi, đó là con đường danh, lợi, tài, sắc v.v… Nếu chúng ta không đạp trên những con đường đó thì chúng ta sẽ hưởng được một mùa xuân kiếp ngoại, mùa xuân miên viễn không còn bị lệ thuộc thời gian. Hai câu này chúng tôi tạm dịch theo thể văn lục bát:
Chẳng đi theo bước đương thời,
Mùa xuân kiếp ngoại thảnh thơi dạo hoài.
Hôm nay, ngày đầu năm Đinh Mão, chúng tôi mong rằng tất cả Tăng Ni cùng Phật tử sẽ hưởng một mùa xuân miên viễn. Làm sao một đời này chúng ta luôn luôn được an vui, không còn cảm thấy khổ đau vì ngoại cảnh, vì cái đuổi xua của quỉ vô thường, mà chúng ta hằng vui trong một mùa xuân kiếp ngoại hay nói cách khác là một mùa xuân miên viễn.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1249992
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1262
3690
25685
1199158
25685
109310
1249992