Thứ Ba 16/4/2024 -- 8/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Xuân trong cửa thiền - 5. Hạt chuỗi mộng ngày qua mất, nghiệp thiện ác còn (Tất niên Ất Mão - 1976)

 
HẠT CHUỖI MỘNG NGÀY QUA MẤT
NGHIỆP THIỆN ÁC CÒN
Tất niên Ất Mão - 1975
Chúng tôi thường nói với quí vị mỗi một ngày qua là lần đi một hạt chuỗi, rồi ngày khác tới là lần đi một hạt chuỗi. Như vậy hôm nay là cuối năm Ất Mão, chúng ta đã lần được bao nhiêu hạt chuỗi rồi? Đã lần hết ba trăm năm mươi mấy hạt. Vì có tháng thiếu nên không đủ ba trăm sáu mươi mà chỉ có ba trăm năm mươi mấy hạt chuỗi. Quí vị thấy mấy hạt chuỗi lần qua rồi, nó còn hay không? Tất cả quí vị nhớ ôn lại xem, từ đầu năm chúng ta đón giao thừa, lễ Phật ngày mồng một Tết. Giờ đây đón giao thừa nữa, như ba trăm năm mươi mấy ngày qua kiểm điểm lại đối với chúng ta nó còn hay không? Tất cả những ai muốn ôn lại thì chỉ còn nhớ mang máng ở trong ký ức của mình, chớ thực tế thì không còn, chỉ thấy hiện giờ. Mà bao nhiêu ngày qua rồi mất như vậy, tất cả qua rồi mất hay còn cái gì?
Tuy nhiên ngày qua chúng ta tìm lại không được, chẳng khác những hạt chuỗi mộng chúng ta lần qua rồi mất không còn tìm lại được hạt nào, nhưng mà trong ba trăm năm mươi mấy ngày qua chúng ta đã gây những hận thù, đã vay nợ tiền bạc của những kẻ khác. Đến ngày chót của một năm và ngày mai sang năm mới, những oán thù đó, tiền bạc của cải ta vay mượn đó có phải trả hay không? Tuy mấy trăm ngày qua chúng ta tìm lại không được, nhưng những cái gì chúng ta đã tạo, hoặc là vay mượn tiền bạc của cải hoặc là gây oán thù với kẻ này người nọ, sang năm những cái đó có mất chưa? Hay là người ta sẽ đem hận khác trả lại cho mình? Như vậy chúng ta thấy nếu một năm qua, ngày tháng trôi qua nó không dừng lại, nhưng những cái vay mượn, cái hận thù, chúng ta đã gây thì năm mới khó mà mất. Hoặc ngược lại, nếu một năm qua chúng ta đã cho người vay mượn hoặc chúng ta gieo công đức với những người chung quanh, sang năm tới, những người đó có trả hay là quên ân đức chúng ta đã gieo? Chắc chắn không quên. Như vậy quí vị thấy mỗi ngày qua rồi mất, nhưng nghiệp chúng ta đã tạo hoặc thiện hoặc ác chưa mất hẳn. Đó là nhìn ngay hiện tại thực tế cuộc sống sanh diệt của chúng ta. Thời gian trôi qua không dừng, nhưng việc thiện ác gây ra rồi cũng khó mà mất.
Người Phật tử sơ cơ tu hành, phải nghĩ đến ngày qua không tìm lại được, nhưng những việc lành việc dữ ngày đó không mất. Dù có trải qua mười năm, hai ba mươi năm rồi năm bảy mươi năm đến ngày chúng ta ra đi, tức là cái phút chót bỏ thân tiền ấm sang thân trung ấm tới thân hậu ấm, nghiệp thiện ác vẫn còn. Nếu kiểm điểm lại năm bảy mươi năm đã sống, thời gian trôi qua không tìm lại được. Khi chúng ta sắp hấp hối bỏ thân này để sang thân khác, giờ phút ấy cũng như đêm giao thừa này, tất cả những việc thiện ác đã tạo trong một đời không phải là tiêu hẳn. Nếu là việc dữ sẽ hướng dẫn chúng ta sang đời khác chịu đau khổ.
Vì chúng sanh đang gây nghiệp nên Phật luôn nhắc nhở và khuyên chúng ta thức tỉnh làm những việc lành. Dù đời này có khổ mà biết tạo nghiệp lành thì đời sau được an vui. Đó là phương hướng của người còn đi trong luân hồi.
Chúng ta còn đi trong luân hồi thì nên chọn con đường luân hồi thiện tức là đi lên chớ đừng chọn luân hồi ác để rồi phải đi xuống. Cũng như hiện tại chúng ta phải dời chỗ ở, nên dời chỗ có tiện nghi, có đầy đủ phương tiện sanh sống dễ dàng, chớ không nên tìm chỗ khổ đau đói rét v.v... đó là chúng ta khôn ngoan biết lựa chọn, sắp đặt cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Bằng không, chúng ta cứ mù mù mịt mịt không biết thiện không biết ác. Rồi cứ như vậy qua ngày, tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, đến ngày cuối cùng phải mang nghiệp đen tối, chịu đọa trong cõi hắc ám. Đó là những người thật đáng thương, chịu đau khổ không biết đến đời nào ra khỏi.
Chúng tôi đã nói theo chiều sanh diệt cho quí vị thấy. Chúng ta còn ở trong luân hồi thì chúng ta nên chọn con đường đi sáng sủa an lành hơn, thời gian qua là không trở lại, tuy vậy nghiệp đã tạo thì không bao giờ mất. Cho nên trong kinh Nhân Quả, Phật nói:
Giả sử bá thiên kiếp
Sở tác nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ.
Nghĩa là giả sử mình tạo nghiệp trải qua trăm ngàn kiếp đi nữa, nghiệp báo cũng không mất. Nghiệp đó tức là nghiệp lành, nghiệp dữ đã gây. Khi duyên hội ngộ tức là gặp nhân duyên đến rồi thì phải gánh chịu quả báo chớ không chạy trốn đâu được. Nếu chúng ta biết rõ nghiệp báo, hễ tạo nghiệp dữ, là gốc đau khổ, thì bị lôi cuốn trong vòng khổ đau mãi mãi; còn tạo nghiệp lành thì được an vui, tự tại. Đó là giai đoạn đầu của việc tu hành.
Đến đây tiến lên một bước nữa. Chúng ta đã tự biết mỗi ngày qua là một hạt chuỗi mộng lần qua kẽ tay rồi không còn nữa. Cứ mỗi ngày qua rồi, thì mất. Như vậy kết thúc của cuộc đời chẳng qua là một giấc mộng dài, không có gì hết. Nếu tính một ngày là mộng ngắn, nhiều ngày mộng ngắn kết lại thành một mộng dài, gọi là tháng. Rồi mười hai tháng, thành mộng dài hơn là một năm. Ba mươi hoặc năm bảy mươi năm kết thúc lại thành một trường đại mộng, tức là mộng dài của cuộc đời. Trong một kiếp mộng như vậy, nếu chúng ta không thức tỉnh biết nó là mộng, cứ tưởng là thật, chạy theo nghiệp tạo khổ đời đời không hết. Đó là cái mê lầm của chúng ta.
Vì vậy đức Phật lúc nào cũng nhắc bảo chúng ta phải biết rõ cuộc sống không thật, thời gian không thật. Mỗi một ngày qua rồi mất, không ai kéo lại được, giữ lại được. Nói một cách gần hơn hết là một tích tắc đồng hồ đi qua rồi không trở lại. Thời gian trôi vùn vụt không dừng. Cuộc sống của chúng ta thì cứ tiến tới, tiến thẳng tới chỗ cuối cùng là chết. Không ai dừng được, không người nào có thể duy trì kiếp sống khi duyên đã mãn. Mỗi một ngày sống là thôi thúc mình đến gần cái chết. Quí vị mỗi sáng thức dậy, thử tìm lại ngày hôm qua xem nó ở đâu? Rõ ràng thời gian qua không tìm lại được nữa. Chúng ta còn mắc kẹt trong thời gian thì phải quí tiếc thời gian. Cần nỗ lực làm lợi ích cho mình, cho chúng sanh để khỏi mất thì giờ vô ích.
Nếu chúng ta có cái nhìn thấu đáo rõ ràng biết thời gian huyễn hóa, như tôi nói là những hạt chuỗi mộng hay những hạt chuỗi nước, thì chúng ta cũng ngay nơi thời gian huyễn hóa đó tìm cho được cái lẽ chân thật, cái không còn sanh diệt, không còn mắc kẹt, không còn bị lôi cuốn trong dòng sanh diệt của thời gian... như vậy chúng ta mới là người thoát ra khỏi dòng sanh tử. Bằng không như vậy thì chúng ta bị cuốn trôi mãi trong dòng thời gian. Vì vậy nên trong nhà Phật, có khi đức Phật chú trọng thời gian vô cùng, Ngài nhắc chúng ta lúc nào cũng phải quí tiếc thời gian, có khi Ngài nói thời gian là cái vô nghĩa, thời gian không có thật, tùy chỗ mà Ngài đánh giá thời gian. Nếu tính theo chiều sanh diệt thì thời gian rất là quí báu, lợi dụng thời gian để chúng ta tạo tất cả phước lành. Còn đứng về chiều vô sanh, thì thời gian vô nghĩa, không có giá trị gì. Vì chính thời gian là những hạt chuỗi mộng, như tôi thường kể cho quí vị nghe về cô Công chúa đòi xâu chuỗi nước. Chúng ta đừng dại khờ như cô Công chúa đó cứ đòi cho được xâu chuỗi nước để đeo vô cổ vì tới bao giờ mới xâu được xâu chuỗi nước. Những hạt nước kia, lóng lánh đẹp thật, nhưng ở xa nhìn thì nó đẹp, bằng khi nắm trong tay rồi, thì nó lọt qua kẽ tay và biến mất. Càng nắm bắt, càng mỏi mệt, chỉ nhọc nhằn thôi chớ không nắm được cái gì.
Nếu chúng ta cứ dại khờ chạy theo thời gian mong mỏi nắm bắt những gì mà ta cho là hạnh phúc, thì hạnh phúc đó cũng lọt qua kẽ tay như là những hạt sương, những cái bóng hay là giấc mộng vậy thôi, không có gì thật.
Công chúa sau khi nắm bắt những hạt nước lóng lánh đó mà không được hạt nào hết, mới chán nản rồi xin vua cha một xâu chuỗi thật và được vua cha cho một xâu chuỗi kim cương. Từ đó Công chúa không còn mơ xâu chuỗi nước nữa.
Chúng ta cũng như vậy. Trước kia không biết hạnh phúc của nhân gian là sanh diệt là ảo ảnh, chúng ta cố nắm bắt nó thì nó luồn qua kẽ tay, biến mất. Khi biết rồi, chúng ta mới trở lại tìm cái chân thật mà đức Phật đã chỉ dạy. Tìm được cái chân thật đó, tức là chúng ta được xâu chuỗi kim cương, không bao giờ tan hoại. Từ cái giả chúng ta chuyển sang cái thật, từ cái sanh diệt bước vào cõi vô sanh. Như vậy mới là người tỉnh giác. Tỉnh giác được cái giả không còn mê lầm nữa. Người biết được cái thật sống trở về với nó, đó là người tu theo đạo giác ngộ.
Chúng ta giác ngộ cái gì?
Giác ngộ cái giả lâu nay tưởng là thật, nhận ra cái thật mà lâu nay bị bỏ quên. Khi bỏ quên cái thật, chấp cái giả cho nó là thật đó là mê, biết được cái giả gọi đó là giác. Người hiểu đạo Phật rồi rất là đơn giản, không có gì cầu kỳ huyền bí xa lạ hết, mà chỉ thấy rõ ngay nơi mình cái nào giả cái nào thật. Cái giả mà lâu nay mình lầm, chấp nhận nó là ta, giờ đây thấy nó là hư giả, đó là chúng ta đã giác ngộ được phần thứ nhất. Qua cái giả đó, chúng ta tìm được cái thật, đang ẩn náu trong cái giả, đó là chúng ta đã giác ngộ qua giai đoạn thứ hai. Chúng ta tiến thẳng vào con đường giác ngộ viên mãn không có sai lạc.
Người thế gian thường lầm, cho cái giả là thật. Chính chúng ta cũng thế, tại sao thấy cái giả là thật? Như thân tứ đại chúng ta đây là thật hay giả? Ai động tới nó mình có ưng hay không? Bình thường lúc tỉnh táo nghe Phật dạy thì tứ đại này là giả hợp, không thật, biết nay còn mai mất, trong phút giây là tan nát, cũng như bọt nước, nhưng có ai thoi một thoi thì thấy giả hay thật? Lúc đó lại thấy thật.
Rõ ràng khi chúng ta bình tĩnh thì trí tuệ sáng suốt. Khi bị xúc phạm thì lúc đó mất bình tĩnh, trí tuệ bị che mờ, bản ngã si mê hiện ra, mình thấy nó là thật. Bởi thấy thật nên mới ăn thua tranh giành với nhau rồi tạo nghiệp. Cho nên ta theo đạo Phật là phải giữ bình tĩnh, có bình tĩnh mới sáng suốt, có sáng suốt mới khỏi lầm cái giả làm thật. Đó là điều căn bản. Khi nghe Phật dạy, nghe quí thầy giảng thì coi như tỉnh hết rồi, coi như mình là Thánh nhân rồi, nhưng đụng việc với thế gian thì mình là phàm phu hẳn. Đó là chúng ta chỉ bình tĩnh được khi vô sự, khi có sự là mê. Đó là điểm tôi nhấn mạnh nhất.
Chúng ta phải làm sao khi hữu sự coi như vô sự. Đó là điều thiết yếu, là sức mạnh của người tu hành. Ngài Vĩnh Gia nói: “Giả sử vòng lửa quay trên đỉnh, định tuệ vẫn tròn sáng không mất.” Như vậy mới thật là tỉnh ngộ. Còn tỉnh khi lặng lẽ vắng vẻ, khi ồn náo thì mê, cái đó chưa phải là thật tỉnh.
Người thiếu sự hướng dẫn của thầy, bạn, thiếu ý chí cương quyết mãnh liệt để nỗ lực tu hành nên ở mãi trong mê không giác nổi. Có nhiều người cả đời chưa bao giờ biết được thân này là hư giả, chỉ biết nó là thật, nên khi nói nó là giả họ không tin. Đó là vì thiếu sự hướng dẫn của thầy bạn, cho nên họ mê. Có người được thầy bạn hướng dẫn, nhưng thiếu ý chí mãnh liệt nên khi nghe thì tỉnh, khi hết nghe thì mê. Vậy chúng ta phải quả quyết và can đảm ngay khi biết cái nào là giả, cái nào là thật. Đừng mê cái giả và đừng bỏ cái thật để hằng sống và cố gắng mỗi ngày mỗi huân tu. Lâu ngày thuần thục, tự nhiên chúng ta được như lời ngài Vĩnh Gia nói: Dù có vòng lửa xoay trên đầu, định tuệ vẫn tròn sáng không mất. Cho nên chỗ quan trọng mà chúng ta phải thấy là tâm chúng ta dễ xao xuyến lúc ồn náo. Bây giờ mình phải nỗ lực thêm, làm sao khi ồn náo mà không xao xuyến.
Ví dụ cụ thể là khi xưa mới tập ngồi thiền nhất là khoảng tám chín giờ tối, có những cái loa ở dưới núi vọng lên các bài hát, lảnh lót, lúc đó tâm bị phân tán. Chúng ta nỗ lực hướng dẫn nó, kềm hãm nó, lần lần sẽ làm chủ nó. Đến lúc nào đó, tiếng ca hát không còn đủ hấp dẫn như xưa nữa. Đừng tưởng rằng ngồi thiền trong chỗ yên thì được yên, khi có động chạy theo tiếng động, khi có động, tiếng động sẽ lôi mình đi, không bao giờ thắng nó. Đừng tưởng như vậy. Phải tin tưởng quả quyết rằng khi động chúng ta vẫn làm chủ được. Ngày nay làm chủ một phần, ngày mai làm chủ một phần, nhiều ngày như vậy, rồi ngày nào đó tất cả tiếng động đều vô nghĩa đối với chúng ta. Đó là lẽ chân thật chớ không phải tôi bịa đặt.
Giả sử chúng ta ở trong cảnh ngộ khắt khe hay ồn náo mấy đi nữa, miễn chúng ta làm chủ được, tôi tin rằng ai cũng tu được hết. Lúc rảnh rang thì chúng ta ngồi thiền, khi bận rộn hoặc cuốc cỏ trồng rau, chúng ta cũng tu được. Như vậy lúc nào mình cũng tu được, lúc nào mình cũng vui vẻ. Nếu cho rằng ngồi thiền mới tu được, cuốc rẫy không tu được thì sẽ thấy thiệt thòi, bởi vì có ngày không ngồi thiền được giờ nào, như vậy ngày đó không tu sao? Cuốc rẫy mà tu được thì không thiệt thòi tí nào hết. Thay vì ngày xưa ngồi một ngày ba tiếng đồng hồ, bây giờ cuốc rẫy sáu tiếng tu luôn, thì mình lời được thêm ba tiếng nữa. Đây chính là cái mà chúng ta hiện nay phải tập nỗ lực như vậy, sao cho sự tu của chúng ta không bị hoàn cảnh làm chướng ngại. Đó là điều thiết yếu.
Tuy nhiên lúc đầu phải chấp nhận, mình đang ngồi yên mà có tiếng động thì thế nào cũng bị xao xuyến. Khi đó chúng ta nỗ lực tu, càng ngày càng lâu, chúng ta sẽ tự tại trước tất cả tiếng động, như vậy đừng thối chuyển. Ai trong chúng ta cũng sẽ được thử thách. Đó là điều cần phải nỗ lực. Được vậy, mình sẽ cười, hồi xưa tiếng động là cái chướng, bây giờ có tiếng động mình ngồi cũng hay.
Chúng ta thường mê lầm nhận cái giả làm thật, là chạy theo cái giả mà quên cái thật. Chúng ta cứ chấp vọng tưởng làm tâm mình, chấp tứ đại làm thân mình rồi suốt đời cứ chạy theo vọng tưởng, theo thân tứ đại, lo bảo bọc bồi dưỡng cho nó đủ thứ hết để rồi nó hoại.
Giả sử chúng ta trồng, khi nó trổ bông có trái, cho kết quả như ý thì mới săn sóc. Nếu nó èo uột hư gãy, biết rằng không thể cứu được, thì bỏ luôn. Không thể giữ được thì phải bỏ liều. Nhưng cái thân mình có bỏ được không? Ai cũng biết không giữ được mà không dám buông nó. Biết cái không bao giờ giữ được mà cứ cũng cố giữ. Thoi thóp sắp tắt thở mà cũng nói còn nước còn tát. Như vậy để thấy rõ rằng chúng ta bám vào nó cho đến phút cuối cùng, dù không có tí nào bảo đảm, không phải bảo chúng ta cố tình bỏ nó, nhưng hãy nhớ ta mang nó như mang bè qua sông, giữa sông nó có hư thì chúng ta sửa lại, khi tới bờ thì bỏ nó đi. Thân này là giả nhưng cần đến chỗ giác ngộ viên mãn nên chúng ta phải nương nó. Phải biết rõ nó là cái không giữ được, đừng bao giờ quên. Kiểm điểm lại lớp người trước đã tan hoại, mình cũng đang tan hoại. Tại sao cứ cho thân này là thật, rồi cố bảo vệ gìn giữ, tạo bao nhiêu nghiệp cũng vì nó. Đó là cái lầm lớn lao của chúng ta.
Người tỉnh giác biết rõ thân này là hư giả, nhân duyên hòa hợp không thật, kể cả vọng tưởng điên cuồng của mình. Khi suy nghĩ điều này, việc nọ, cái suy nghĩ đó là ai? Thí dụ chúng ta đang suy nghĩ điều thiện, nghĩ giúp người này người kia rồi, cho rằng cái suy nghĩ thiện là mình. Một lát có ai chọc tức, mình nghĩ hại người đó, thì cái suy nghĩ ác là ai? Thấy người kia dễ ghét, người nọ dễ thương, thấy dễ thương dễ ghét là ai thấy? Nếu nghĩ thương là mình, thì nghĩ ghét là ai? Vậy có bốn năm thứ mình sao? Cái nào là mình thật?
Rõ ràng mỗi niệm sanh diệt, sanh diệt vô thường, từng đợt từng đợt như dòng nước chảy, nó không có thật. Mới niệm thương đây rồi đến niệm ghét, niệm buồn niệm giận xen lẫn nhau. Chúng ta cứ chấp cái tâm sanh diệt từng đợt, từng đợt là thật thì sẽ đi trong con đường nào? Bám vào sanh diệt thì phải đi trong sanh diệt, phải đi trong luân hồi không chối cãi gì được hết. Nếu chúng ta cứ lầm chấp vọng tưởng cho đó là mình, chấp thân tứ đại này là mình thì không biết bao nhiêu a-tăng-kỳ kiếp mới thoát khỏi luân hồi. Chỉ bao giờ mình biết quả quyết rằng vọng tưởng là hư giả không thật thì chừng đó mới tìm cái chân thật. Như cô Công chúa nắm bắt những hạt nước không được, chừng đó không còn ham mê nữa, mới đòi nhà vua cho xâu chuỗi kim cương. Đó là xâu chuỗi thật, còn bao nhiêu hạt nước lấp lánh kia đều là hư giả.
Qua giai đoạn thứ hai là tìm cái chân thật trong cái hư giả. Được cái thật trong cái giả đó rồi chúng ta mới thấy mình từ trước đến giờ là kẻ ngu si. Mình lầm cái giả là cái thật, rồi bỏ quên cái thật. Cho nên trong kinh Phật nói: “Chúng ta có viên ngọc báu cột trong chéo áo mà quên.” Quên viên ngọc trong chéo áo rồi đi ăn xin đầu làng xó chợ, sống vất vưởng qua ngày lấy đó làm đủ. Kẻ có của báu bỏ quên chịu nghèo khổ là tỉnh hay mê? Đó là kẻ mê. Biết được cái thân hư giả này rồi, chúng ta tìm được cái chân thật của mình. Đó là tỉnh, đó mới thật là con người cầu đạo giải thoát.
Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói:
Cùng Thích tử, khẩu xưng bần,
Thật thị thân bần đạo bất bần.
Bần tắc thân thường phi lũ hạt,
Đạo tắc tâm tàng vô giá trân.
Người dòng họ Thích là kẻ bần cùng luôn luôn tự nhận mình là bần đạo. Nhưng có thật là bần hay không? Thân bần mà đạo không bần. Tại sao? Là vì tuy mặc áo vá mà có hạt châu vô giá. Hạt châu vô giá dùng hoài không hết. Biết rõ mình có hạt châu vô giá cho nên không chạy theo hư giả. Tìm được của báu chân thật, mới là người giác ngộ, người cầu đạo chân chánh. Chúng ta cứ chạy theo cái bên ngoài hoài thì không bao giờ thấy được kho báu nơi mình. Đó là chỗ thiết yếu của người tu hành.
Phật là giác. Tu theo Phật là đi trên con đường giác ngộ. Tu theo đạo Phật mà không giác thì không phải tu theo đạo Phật. Cũng như người đi về Sài Gòn, tức nhiên phải đi trên con đường về Sài Gòn. Nếu không tức là ngồi, hoặc là ở một chỗ, hoặc là đi con đường khác. Chớ thật tình mình đi trên con đường về Sài Gòn thì mỗi một giờ, mỗi một ngày đã tiến rồi. Cũng vậy, chúng ta theo đạo giác ngộ thì ngày nào năm nào chúng ta cũng phải có giác mới được. Nếu chúng ta không giác thì không phải tu theo đạo Phật. Như vậy chúng ta có giác hay không? Thật sự có chớ sao không? Tại vì chúng ta quen tưởng giác ngộ là như đức Phật, phải có Tam minh Lục thông. Tưởng mình không có Tam minh Lục thông thì không gọi là giác, thật sự không phải vậy. Ngày xưa lúc chưa tu, có bao giờ chúng ta nghĩ thân này là giả đâu! Hiện giờ được nghe lời Phật dạy, nghe giảng kinh, nhận thân này là giả, tức là có giác ngộ rồi, tuy nhiên lúc mê thì quên. Trong nhà Phật gọi giác ngộ như thế là bệnh rét cách ngày. Cái giác đó chưa là thuần giác, nhưng dù sao cũng là giác.
Đức Phật dạy: Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là cái giác của đức Phật thường hằng chân chánh viên mãn không ai hơn. Đạt được như thế gọi là thành Phật. Còn chúng ta giác ngộ cách ngày cách giờ, cái giác ngộ đó chưa được gọi là Phật nhưng cũng có giác một chút chớ chẳng phải vô phần. Như vậy chúng ta không có mặc cảm rằng mình chưa từng giác. Chúng ta biết được hoàn cảnh xã hội, sự việc chung quanh là duyên hợp nên cũng hư giả. Biết như vậy tuy chưa thường xuyên, nhưng có biết chút nào là có giác chút ấy. Lại nữa, lâu nay chúng ta chấp nhận những vọng tưởng điên cuồng là tâm mình, giờ đây biết nó là vọng tưởng thì chúng ta có giác rồi. Giờ phút nào có biết như vậy là giờ phút đó chúng ta có giác. Kiểm điểm lại so với năm rồi, năm nay chúng ta tiến nhiều chưa? Tu lâu mà thấy không tiến là tại mình chưa nhận ra, thấy nó thường quá, chưa có hào quang, chưa biết bay nên mình cho là không giác. Khi xưa cả năm chưa từng giác lần nào, bây giờ cái giác đó cách khoảng thưa thì một giờ, nhặt thì nửa giờ, hoặc là mười phút chẳng hạn. Như vậy là mình đã tiến bộ khá nhiều, đừng bi quan. Nếu là kẻ tu hành cầu đạo giác ngộ thì chúng ta phải thấy rõ rằng mỗi ngày, là mỗi ngày giác, không thể mê được. Nếu giác nhặt là chúng ta tiến, giác thưa là chúng ta lùi. Có người than thở với tôi, biết vọng mà vọng cứ sanh hoài làm sao. Vọng sanh thì mặc nó, đừng chạy theo, biết vọng đừng theo là giác. Trăm lần vọng thì có trăm lần giác, không buồn không sợ. Đó là tôi nói về tâm.
Giờ đây đến thân cũng vậy. Nếu có bệnh hoặc chướng ngại gì đi nữa, mình biết thân này là hư giả, thì ngay nơi thân này tỉnh giác.
Giác thân giác tâm là cái giác căn bản. Mình biết rõ ràng thân tâm không lầm rồi, tìm ra cái thật nữa thì quí báu vô cùng. Đó là chúng ta đã nắm được viên ngọc vô giá trong tay. Nếu chưa tìm được viên ngọc đó mà biết thân hư giả, là chúng ta đã từ bỏ con đường giả để trở về con đường thật, tức đã tiến một bước rồi. Đó là một sự thật. Hiểu đạo rồi thì tự nhiên chúng ta tu hăng hái chín chắn chớ không thối chuyển. Mình biết là có giác, mà có giác tức là đánh với giặc phiền não, còn có đánh tức là chưa thua. Thua là xếp giáp chạy dài, còn đánh dù chưa thắng hoàn toàn nhưng chưa phải là kẻ thua trận. Vừa dấy vọng, biết vọng là vọng lặng, đó là thắng được giặc rồi. Có thứ giặc mình giết nó, nó mất; có thứ giặc nó kéo mình đi xa một chút mới mất. Kiểm lại chúng ta toàn là thắng chớ không phải thua. Tại vì giặc nhiều quá, có triệu triệu chú thành ra mình cứ đánh hoài mà chưa hết, nên thắng lâu. Nếu thắng nhanh thì đã thành Phật rồi. Tất cả những chú giặc của mình là những đứa giả, Ông chủ mới là thật. Người thật đánh với kẻ giả lo gì không thắng. Tin quả quyết như vậy thì việc tu tiến của mình sẽ thành công, chắc chắn thành công một trăm phần trăm. Tôi nói thế để chúng ta thấy rõ việc tiến tu của mình.
Khi nhớ việc tiến tu của mình, chúng ta không nên quên hiện giờ là ngày ba mươi Tết. Qua một năm, tất nhiên chúng ta thấy mình cũng có già nhiều rồi. Nếu nhận xét tinh vi thì mình già đi từng giây từng phút huống là một năm. Chúng ta cũng thấy năm nay yếu đi một chút, năm tới yếu đi một chút mà mình không nỗ lực thì khó thành công. Nên nhớ qua một năm mình suy yếu đi, trí tuệ cũng yếu, tinh thần cũng yếu, vậy chúng ta phải nỗ lực, nhất là những vị sáu mươi tuổi trở lên. Con đường của mình sắp tới giai đoạn chót rồi, phải chạy nước rút, không thể chần chờ được. Chúng ta phải nỗ lực bằng mấy lần năm trước. Năm rồi ít nỗ lực thì dự bị cho năm tới phải nỗ lực bằng hai bằng ba. Bọn ma quân còn đông quá, nếu mình chần chờ thì nó thắng chớ mình không thể thắng được nó. Chẳng những sáu mươi tuổi trở lên phải nỗ lực, mà trẻ hơn cũng phải như vậy thế. Biết mình có sống tới sáu mươi tuổi hay không? Cần phải nhớ là mạng sống trong hơi thở, phải nỗ lực như những người đã lớn tuổi. Đừng ỷ lại đời còn dài đi từ từ cũng được, cần nỗ lực chớ không thể lôi thôi.
Nỗ lực thì mới có tiến và bảo đảm một ngày nào chiếc bè này rã, chúng ta bước lên bờ, bằng không thì không bảo đảm. Ai dám tin rằng ngày mai cũng còn an ổn khỏe mạnh như ngày nay. Khi thở ra mà không hít vào thì đã hết cuộc đời. Cho nên tất cả chúng ta phải nỗ lực, rất là nỗ lực mới được, chớ không phải nỗ lực tầm thường. Do đó tôi nghĩ rằng, nhớ đến ngày ba mươi đêm giao thừa thì chúng ta nên nhớ đến giây phút thở hấp hối, bà con chung quanh kẻ chấp tay niệm Phật, người thì lau nước mắt chờ đưa chúng ta qua thế giới khác. Nhớ như vậy thì đêm giao thừa sẽ là đêm thôi thúc mạnh mẽ trong lòng chúng ta, còn không nhớ như vậy thì ý nghĩa đêm giao thừa sẽ yếu ớt đi. Một năm qua là chúng ta đã già đi, phải nỗ lực tiến tới, tiến mãi không lùi. Đừng chần chờ nữa!
Ở trên tôi đã nói sự thật tôi thấy để nhắc nhở quí vị cố gắng trong sự tiến tu. Giờ đây tôi nói qua các vị Thiền sư. Cái thấy của các Thiền sư lúc nào cũng tương tự chớ không khác nhau mấy. Một hôm đến ngày Xuân, có người hỏi Thiền sư Quang Giác đời Tống có cảm tưởng gì về con người, Ngài làm một bài thơ như sau:
Khứ niên phùng thanh xuân
Châu nhan ánh đào lý
Kim niên phùng thanh xuân
Bạch phát yểm song nhỉ
Nhân sanh thất thập niên
Tật nhược đông lưu thủy
Bất liễu bản lai tâm
Sanh tử hà do ly.
Dịch:
Năm trước gặp thanh xuân
Má hồng khoe đào lý
Năm nay gặp thanh xuân
Tóc bạc đầy cả mái
Người đời tuổi bảy mươi
Nhanh như dòng nước chảy
Chẳng ngộ tâm xưa nay
Sanh tử làm sao khỏi.
Thiền sư mỗi năm qua thấy thân trẻ biến thành già, kể cả bảy mươi năm trôi nhanh như dòng nước chảy. Nếu không ngộ được Bản tâm xưa nay, làm sao thoát khỏi dòng luân hồi sanh tử. Chúng ta là con cháu trong nhà Thiền cần phải thấy như thế. Có được cái thấy này, chúng ta mới thức tỉnh tiến tu chóng thoát ly sanh tử.
Vậy mong tất cả quí vị cùng chúng tôi, chúng ta dự buổi tiệc trà đạm bạc đêm giao thừa này, là một ấn tượng đánh thức chúng ta tỉnh giác cuộc đời là vô thường, phải nỗ lực tiến tu đừng để trôi qua vô nghĩa.
Chúc quí vị sang năm mới thường tỉnh giác.
 
MÙA XUÂN DI-LẶC
Xuân Bính Thìn - 1976
Năm nay chúng ta tìm hiểu ý nghĩa mùa Xuân Di-lặc để biết tại sao ngày mồng một Tết là ngày vía đức Di-lặc. Khi lạy Ngài chúng ta đã xướng lên câu: “Nam-mô Long Hoa giáo chủ đương lai hạ sanh Di-lặc Tôn Phật”, nghĩa là Bồ-tát Di-lặc sẽ thành Phật trong tương lai làm Giáo chủ hội Long Hoa, chớ không phải thành Phật ngay bây giờ. Đó là ý nghĩa thâm trầm nhất trong nhà đạo. Ai ai cũng xem ngày mồng một Tết là ngày mở màn năm mới. Bao nhiêu chuyện vui buồn của năm tới gần như nảy mầm từ trong ngày này, cho nên mọi người đều rất dè dặt, rất cẩn trọng. Mỗi hành động, mỗi ngôn ngữ, chúng ta đều sợ ảnh hưởng đến sự vui buồn của năm tới. Đó là quan niệm của nhân gian.
Trong nhà đạo ngày mồng một cũng là ngày mở màn cho năm tới. Năm tới đầy hứa hẹn với chúng ta là một năm giác ngộ. Đức Phật Di-lặc là một vị Phật sẽ thành Phật ở mai sau. Hôm nay lễ Ngài để nhớ rằng năm nay là một năm hứa hẹn chúng ta sẽ được giác ngộ. Nếu chưa được thì năm tới sẽ được chớ không thể tu suông. Vì vậy ngày mồng một Tết đối với nhân gian là ngày Tết Nguyên Đán, đối với nhà đạo là ngày vía đức Bồ-tát Di-lặc. Mỗi khi nhớ đến Phật sẽ thành, nhớ ngày mồng một Tết, chúng ta nghĩ mình cũng sẽ giác ngộ, chớ không thể lôi thôi. Nhưng cái giác ngộ tôi nói đây không phải hoàn toàn như bậc Chánh đẳng Chánh giác, mà là giác ngộ từng phút từng giây. Đó là tôi nói sơ thâm ý của ngày vía đức Phật Di-lặc.
Bây giờ đi thẳng vào mùa Xuân Di-lặc. Mùa Xuân là mùa ta hằng mơ ước, mùa Xuân có cái gì hòa ấm tươi vui khiến cho mọi người hăng hái trong cuộc sống, vạn vật đâm chồi nảy lộc xanh tươi. Vì vậy, khi nói tới mùa Xuân là nói cả một cái gì đầm ấm trong con người.
Trên cuộc đời này biết bao người cứ theo cái mê lầm ảo tưởng của mình, chạy theo ngoại cảnh, bám vào ngoại cảnh cho là mình, cho nên phải khổ đau theo dòng sanh diệt. Thấy cái gì cũng nói là của mình, lệ thuộc mình. Từ bản thân cho đến sự vật bên ngoài, không có cái nào mà không bám chặt. Bởi cái chấp ngã nặng nề đó cho nên phải khổ đau, khổ đau dằng dặc từ kiếp này đến kiếp khác. Như tôi thấy cái hoa này là của tôi, nó tươi tôi vui, nó héo tôi buồn. Nếu nó là của thiên nhiên thì tươi héo không dính dáng gì đến tôi. Bởi vì mình chủ quan, bắt sự vật lệ thuộc vào mình, muốn lòng người và sự vật thuộc về mình trường tồn vĩnh cửu. Cho nên khi có trạng thái biến đổi, xê dịch thì cảm thấy bất an, không vui rồi. Do đây mà người ta đau khổ vì bắt sự vật lệ thuộc vào mình. Khi chúng ta biết bản tánh sự vật là như vậy, không lệ thuộc vào ai cả, thì lúc đó chúng ta mới nhìn sự vật với tánh cách khách quan, mới an vui tự tại. Cho nên cùng một cảnh ngộ, cùng một sự việc mà có người thì cả ngày buồn lo rầu rĩ, sợ sệt, còn có người thì an ổn vui tươi. Chẳng qua đó là người biết sống, người không biết sống.
Như khi nãy tôi nói, bắt ngoại cảnh lệ thuộc mình thì tự nhiên mình là người đau khổ. Quí vị có bắt ngoại cảnh lệ thuộc mình không? Tỉ dụ bây giờ đứng trước một trăm người, chúng ta có muốn một trăm người đó đừng để ý gì đến mình không? Hay là muốn ai cũng chú tâm, nhìn vào mình để khen, để mến v.v...? Thấy cái hoa đẹp, chúng ta có muốn hái không? Hay là để nó nằm yên trên cành để giữ trọn vẹn hương sắc? Theo Tổ Bồ-đề-đạt-ma, chúng ta cắt hoa trưng cũng có tội, vì đã ăn cắp sanh mạng của nó để làm đẹp cho mình. Đó là lối nhìn độc đáo, biết rõ ràng sự vật một cách khách quan. Ngược lại chúng ta thấy cái gì đẹp là muốn đem về phòng trưng hoặc để đâu đó, bắt nó lệ thuộc về mình. Đó là cái bệnh mà tất cả chúng sanh mắc phải. Thiền sư Bổn Tịnh đã nói lên cho chúng ta thấy bệnh đó qua bốn câu kệ:
Nhất niên Xuân tận nhất niên Xuân
Dã thảo sơn hoa kỷ độ tân
Thiên hiểu bất nhân chung cổ động
Nguyệt minh phi vị dạ hành nhân.
Tạm dịch:
Một năm Xuân trọn một năm Xuân
Cỏ dại non hoa mấy độ tươi
Trời sáng chẳng do chuông trống động
Trăng trong đâu bởi khách đi đêm.
Xưa nay ở chùa đến bốn năm giờ thức dậy công phu, đánh chuông đánh trống. Những nhà hàng xóm kêu con dậy: Ở chùa công phu đánh chuông trống, trời sáng rồi a! Dậy thả bò đi ăn. Họ quen có quan niệm chùa đánh chuông trống là trời sáng. Nhưng chùa đánh chuông trống là đánh chuông trống, còn trời sáng là trời sáng, không phải vì chùa đánh chuông trống mà trời sáng. Rồi trăng sáng có những người khách đi ban đêm. Như vậy trăng sáng cho họ đi đêm hay là khách đi đêm vì trăng sáng? Đó là chỗ mà chúng ta phải thấy rõ. Trăng sáng là trăng tự sáng, không phải vì khách đi đêm mà trăng sáng, nhưng nhờ trăng sáng người khách mới lợi dụng mà đi đêm. Như vậy rõ ràng là chúng ta nhìn sự vật bằng con mắt chủ quan, cho tất cả đều vì mình. Thí dụ khi con cái hỏi: vì sao có cá có tôm, thì cha mẹ cắt nghĩa: trời sanh ra để mình ăn đó. Rồi thấy ngoài đồng có lúa có đậu có bắp, cũng bảo trời sanh để mình ăn. Tất cả cái gì cũng để cho mình hết. Tại sao có mưa? Để mình làm ruộng. Tại sao có nắng? Để mình phơi lúa. Tất cả cái gì cũng để cho mình, mình là trung tâm vũ trụ cho nên ai không làm theo ý mình thì nổi tức lên. Như mình phơi lúa mà mưa xuống thì nổi giận, tại sao người ta đang phơi lúa mà trời lại mưa. Nuôi chó thì nghĩ để giữ nhà cho mình, khi nào có ăn trộm nó ngủ quên không sủa thì đánh đập nó. Nuôi gà, thì nghĩ để nó gáy cho mình thức đúng giờ, hoặc để mình ăn thịt. Bữa nào nó quên gáy thì mình bực bội. Như vậy là bắt mọi vật lệ thuộc về mình, mà bắt lệ thuộc một cách vô lý, nên mới khổ đau vì không được như ý. Nếu mình có cái nhìn khách quan, thì sẽ thấy ngoại cảnh là ngoại cảnh, không cái gì thuộc về mình hết, không cái gì vì mình hết. Qua bốn câu thơ đó, Thiền sư Bổn Tịnh chỉ cho chúng ta thấy phải dứt hết bệnh chủ quan là bệnh chấp ngã sở, tức bắt ngoại cảnh lệ thuộc vào mình. Trong nhà Phật dùng danh từ chuyên môn “pháp nhĩ như thị” tức là các pháp như vậy. Các pháp không thuộc vào ai hết, không bị cái gì chi phối, nó là nó, nếu bắt nó lệ thuộc là ngu si. Chúng ta biết một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bốn mùa có là do sự xoay vần của trái đất chớ không phải vì chúng ta mà có. Chúng ta lợi dụng thời tiết, mùa mưa thì ven bờ làm ruộng, mùa nắng hạn thì phơi lúa, mùa lạnh thì sắm mền, sắm áo. Mùa nào làm hợp theo mùa nấy. Nói tóm lại, bốn mùa là thiên nhiên sẵn như vậy chớ không phải vì chúng ta. Chúng ta biết làm việc sao cho phù hợp với bốn mùa, đó là chúng ta khôn ngoan biết sống. Mọi việc khác cũng thế, nếu ta nhìn nó với tánh cách khách quan thì có lúc nào buồn đâu. Thấy người có cái nhà tốt thì vui được thấy cái nhà tốt, thấy người có cái áo đẹp thì mừng được thấy cái áo đẹp. Được vậy cả ngày mình vui hoài. Người có cái này đẹp, người có cái kia tốt, rồi ngoài vũ trụ có bao nhiêu thứ tốt đẹp, mình đều vui hết, chớ không bắt nó thuộc về mình. Nếu muốn cái gì tốt đẹp cũng thuộc về mình thì cả ngày cứ buồn hoài. Đi ra thấy người có chiếc xe hơi đẹp, mình không có cũng buồn; thấy người có cái nhà đẹp, mình không có cũng buồn. Như vậy càng muốn càng khổ.
Nếu biết tất cả cái đẹp không lệ thuộc về mình thì chúng ta hết khổ, một cách an nhàn tự tại. Ai có gì đẹp thì mình tán thán tùy hỉ liền, không đố kỵ, không ganh ghét không khó khăn với ai hết. Ở thế gian, ngay cả anh em ruột mà người giàu, người nghèo cũng đố kỵ nhau rồi. Lúc nào cũng thấy mình là trung tâm vũ trụ, bắt buộc tất cả phải gồm về mình, muốn mọi người phải chú ý đến mình. Đó là chủ quan quá đáng, là chấp ngã, ngã sở nặng. Giờ đây chúng ta khách quan nhìn tất cả sự vật, thì thấy pháp nào ở bản vị pháp đó. Các pháp sanh diệt theo thời tiết nhân duyên không phải vì có ta mà nó thuộc về ta. Nhưng chúng ta có bằng lòng như thế hay không? Không ai bằng lòng hết. Chính đó là cái đau khổ muôn ngàn đời. Cho nên nói hoa nở khắp mọi vườn mà chỉ có vườn của ta thì hoa không nở, vì là của ta nên nó héo hoài. Nếu không thấy là của ta thì nó nở đầy vườn. Hiểu được như vậy, thấy được như vậy là tự chúng ta hết khổ rồi. Chúng ta sẽ cười hoài như ngài Di-lặc, sống an lành hạnh phúc như ngài Di-lặc. Kinh Pháp Hoa có câu:
Thị pháp trụ pháp vị
Thế gian tướng thường trụ.
Các pháp ở bản vị của nó, tướng thế gian thường còn mãi mãi.
Ở trên là nói về sự vật bên ngoài, đến đây nói thẳng thân tứ đại của chúng ta. Thân tứ đại này do đất nước gió lửa hòa hợp mà thành, hơi thở là không khí, chất lỏng là nước, chất cứng là đất, hơi ấm là lửa. Tại sao chúng ta chấp tứ đại là nhà của mình? Nếu tứ đại ở ngoài không phải là của mình, thì tứ đại ở trong là của mình được sao? Như không khí khi hít vô thành hơi thở của mình, khi thở ra là nó đi đâu, của ai? Như ly nước khi uống vào thành nước của mình, hai, ba tiếng đồng hồ sau, trả ra rồi là nước của ai? Đất và lửa cũng thế. Vậy cái “của” này chỉ là cái tạm. Như cái nhà, người này vô người kia ra, khi bước vô nhà người đó có thuộc về cái nhà này không? Tứ đại không phải của mình, nếu thật sự của mình thì mình hoàn toàn làm chủ. Mình muốn còn thì nó còn, muốn bỏ thì nó mất, nhưng mình muốn giữ mà giữ không được. Như vậy chứng tỏ nó không thuộc của mình, đủ duyên thì còn, thiếu duyên thì rã. Khi rã nó có thật mất hay không?
Chúng ta mượn không khí làm hơi thở, khi hết duyên, thì trở lại bản vị của nó. Nước đến khi hết dùng trả ra lại trở thành nước. Cái thân đất này tới chừng trả ra trở lại thành đất. Đâu trả về bản vị nấy không mất tí nào, nhưng duyên hợp thì đổi hình đổi tướng vậy thôi. Cho nên nói “tướng thế gian thường trụ”. Trong khi duyên hợp chúng ta lầm mê bám vào tứ đại này cho là mình nên cả cuộc đời chúng ta đau khổ. Nhớ tới thân này, ai mà không bệnh, không tê thấp thì đau gan, không đau gan thì đau bao tử, hoặc phổi tim v.v... có đủ thứ đau nên sợ thân hoại. Vì nghĩ nó là mình, nên lo sợ nó rã nó mất. Đối với thân thì lo sợ, đối với ngoại cảnh thì bắt nó thuộc về mình, cho nên không được như ý.
Chúng ta mượn thân tứ đại giả hợp làm bè qua sông. Nó còn ngày nào thì chúng ta sử dụng, nó tan rã thì thôi. Do đó đối với thân không sợ còn mất, đối với cảnh không còn tham đắm. Người sống như vậy có an vui không, không cười còn đợi cái gì. Được như thế là ta hưởng mùa Xuân Di-lặc sơ sơ rồi. Năm nào, ngày nào, tháng nào, chúng ta cũng thấy là ngày Xuân an lành đẹp đẽ hết.
Một Thiền sư Tịnh Thử am có làm bốn câu kệ nói lên mùa Xuân:
Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý
Phiên vân qui động bản vô tâm
Nhân sanh nhược đắc như vân thủy
Thiết thọ khai hoa biến giới xuân.
Tạm dịch:
Nước tuôn xuống núi nào có ý
Mây bay về động vốn không tâm
Người đời nếu được như mây nước
Cây sắt trổ hoa khắp chốn xuân.
Sở dĩ chúng ta không được mùa Xuân vĩnh cửu là vì chúng ta chỉ thấy Xuân qua tâm niệm sanh diệt. Thấy cây cỏ tươi tốt trổ hoa đâm chồi, chúng ta vui mừng cho đó là Xuân. Như vậy chúng ta vui mừng theo cảnh, theo thời gian là cái vui mừng của tâm sanh diệt. Khi cảnh tàn, thời gian qua thì cái vui cũng hết. Xuân như thế là mùa Xuân hữu hạn. Cái Xuân của thời gian thì biến đổi, cái Xuân của ngoại cảnh thì suy vi. Nếu chúng ta hoạt động như bao nhiêu người, nhưng vô tâm như mây bay nước chảy, trong khi hoạt động ta không bị vọng tưởng làm chủ là hằng sống với tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh đó nó lặng lẽ trong trẻo chẳng khác nào như cây sắt. Nhưng trong cái lặng lẽ trong trẻo đó không phải nó không có gì. Chính trong cái lặng lẽ, trong trẻo đó nó phát ra trí tuệ sáng suốt. Đây dụ như cây sắt trổ bông. Trong cái thanh tịnh lặng lẽ đó tưởng chừng như không có gì hết, nhưng không ngờ lại có trí tuệ diệu dụng bất tư nghì. Cho nên đây ví dụ như cây sắt trổ bông là việc tưởng như không bao giờ có, cây sắt trổ bông rồi sẽ thấy khắp bầu trời đều là Xuân không cùng tận.
Thông thường khi chúng ta có dấy niệm thì nói tôi nghĩ thế này tôi nghĩ thế kia, khi không dấy niệm thì tưởng chừng như không có mình. Nhưng không ngờ sau khi dừng hết những ý niệm, chừng đó mới phát trí tuệ sáng suốt; trong kinh Bát-nhã gọi là “Thanh tịnh trí”. Nhìn sự vật, nhìn vũ trụ bằng tâm thanh tịnh, không còn tâm sanh diệt nữa, nên vũ trụ theo đó mà thanh tịnh. Tất cả đều là an lành đều là vĩnh cửu, lúc đó mới gọi là “biến giới Xuân”, Xuân khắp bầu trời. Như vậy muôn người muôn cảnh, đều là Xuân, thời gian nào cũng đều là Xuân. Được mùa Xuân như thế là sau khi tâm chúng ta giống như mây bay nước chảy. Lúc đó chúng ta hoạt động tất cả mà không có vọng tưởng, nếu còn vọng tưởng là mùa Xuân có hạn có chừng. Ai muốn hưởng mùa Xuân Di-lặc, thì đừng lệ thuộc vọng tưởng sanh diệt, đó mới là mùa Xuân chân thật.
Tôi đã đứng trên hai mặt để diễn đạt mùa Xuân Di-lặc:
1- Dứt mê lầm chấp ngã bắt ngoại cảnh và tứ đại lệ thuộc vào mình, lúc đó chúng ta hưởng được mùa Xuân an lành tự tại.
2- Bặt hết vọng tưởng điên cuồng, dùng tâm thanh tịnh sáng suốt nhìn vạn vật, chúng ta sẽ hưởng mùa Xuân vĩnh cửu bất sanh bất diệt.
Thiền sư Thiền Lão đã nói đến mùa Xuân đó dù không đề cập đến chữ Xuân. Khi vua Lý Nhân Tông hỏi Ngài ở núi được bao lâu, Ngài trả lời:
Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu.
Tạm dịch:
Chỉ biết ngày tháng này
Ai rành xuân thu trước.
Hỏi hằng ngày Hòa thượng làm gì, Ngài nói:
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.
Tạm dịch:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
Như vậy ngày nào chỗ nào chẳng phải là Xuân? Nếu tâm chúng ta không còn lệ thuộc vào thời gian quá khứ hiện tại vị lai, lúc đó chúng ta an nhiên tự tại thanh tịnh. Đó là cái tâm bất sanh bất diệt của chúng ta. Sống với cái tâm bất sanh bất diệt đó để nhìn sự vật thì cái nào chẳng đẹp, cái nào chẳng thanh tịnh, vì đâu cũng là Chân tâm biến hiện, đâu đâu cũng là cảnh đẹp của mùa Xuân. Tóm lại muốn hưởng một mùa Xuân Di-lặc thì không gì hơn: trước hết chúng ta phá cái chấp u mê bản ngã, bắt ngoại cảnh phải lệ thuộc về mình; kế đó chúng ta phải lặng hết vọng tưởng, sống với tâm thanh tịnh. Như vậy chúng ta thấy cõi đời này đều an lành tự tại, thế gian này là thế giới của chư Phật chớ không phải của phàm phu nữa. Đó là MÙA XUÂN DI-LẶC vĩnh cửu trường tồn nơi chúng ta.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

411601
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2286
5245
10294
387297
37136
73473
411601