Thứ Bảy 7/12/2024 -- 7/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Lăng Nghiêm Trực chỉ

LỜI GIỚI THIỆU

Thủ Lăng Nghiêm nói cho đủ là Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ-tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh. Đời Đường ngài Bát Thích Mật Đế dịch kinh này từ Phạn văn sang Hán văn, gồm 10 quyển là hạt ngọc vô giá đối với các hành giả trong Tông môn, nhằm xiển minh tâm tính bản thể của mình. Vì vậy, tên Kinh này cũng là danh xưng thường gọi một thứ Chính định, đó là Chính định Thủ Lăng Nghiêm. Xưa nay trong tùng lâm lịch đại liệt Tổ đều ngưỡng mộ Kinh này và được lưu hành xuyên suốt thời không gian.

 

 

Duyên khởi đầu Kinh, Tôn giả A-nan bấy giờ là thị giả của đức Phật. Bởi chưa hoàn tất chương trình vô sinh La-hán, nên trên đường khất thực Tôn giả bị tiên thuật Ma-đăng-già nữ. Cớ sự này qua tinh thần Bồ-tát đạo là nó hoàn toàn mang tính chất “Thị hiện” hơn là một sự kiện thông thường. Từ đó, hình thành một duyên do cụ thể để đức Thế Tôn chỉ thẳng cho tất cả chúng sinh nhận rõ “Cái gì là thực thể bất sinh bất diệt – Diệu tịnh minh thể nơi mình, cái gì là sinh diệt đổi thay – Bóng dáng của tiền cảnh”. Để rồi, ngay đây nếu chúng ta không vướng mắc những hình tướng hư giả bên ngoài, hằng sống với thể tịnh minh chính mình thì Phật pháp hiện thành sờ sờ bất động. Trái lại, ta ngược xuôi theo dòng nghiệp thức, quay lưng với tính viên thường của mình thì “sóng thức mênh mang, nương đâu bến đỗ?”. Thế thì, vùng trời quê hương hay chân định thể Thủ Lăng Nghiêm này là điểm tựa, là diệu thuật có thể thắng dẹp các ma oán. Từ uy thế này, Ma-đăng-già nữ một phen trực nhận tâm địa vô nhiễm, vô y nơi mình, tức thì vòng xích luân hồi muôn kiếp tiêu tan, nhuận ái vô minh ngàn đời liền đó khô kiệt. Ô hay! “Người đứng lên ánh sáng dựng ban ngày, thế giới mười phương chung một hướng, ba đời quy lại sát-na đây”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm này lưu hành tại Trung Quốc trải các thời đại có rất nhiều nhà sớ giải:

- Lăng Nghiêm Hội Giải 20 quyển, đời Nguyên ngài Thích Duy Tắc hội giải.

- Lăng Nghiêm Chính Mạch 40 quyển, đời Minh ngài Thích Chơn Giám thuật.

- Lăng Nghiêm Trực Chỉ 10 quyển ngài Hàm Thị sớ.

Riêng hai bộ Trực Chỉ của ngài Hàm Thị và bộ Chính Mạch của ngài Chơn Giám được giới Phật tử Việt Nam ngưỡng mộ nhất. Bộ Trực Chỉ thì xưa nay chưa có nhà nào dịch sang tiếng Việt trọn vẹn, dù bộ Kinh này được xếp vào sách giáo khoa trong chương trình Giáo dục Phật giáo. Phần nhiều các nơi chỉ dịch phần chính văn và trích dẫn những chỗ cần yếu thôi. Chính đây là động cơ thôi thúc pháp huynh tôi, Thượng tọa Thích Phước Hảo, người đã nhiều năm tham khảo học hỏi bộ Lăng Nghiêm Trực Chỉ và lúc nào cũng cưu mang trong lòng hoài bão là sẽ dịch bộ này sang tiếng Việt thật đầy đủ để giới học Phật Việt Nam chưa quen với chữ Hán dễ bề tra cứu học hỏi.

Vào Hạ năm Canh Ngọ (1990), pháp huynh tôi cặm cụi dịch. Sau đó một số các huynh đệ, như thầy Thông Phương … phụ sửa bản dịch. Như vậy, với khả năng đạo hạnh của dịch giả cùng sự hỗ trợ cộng tác của chư huynh đệ, bộ kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ tiếng Việt này hoàn thành.

Chúng tôi thầm phục dịch giả, vì Người thân thể bệnh yếu luôn nhưng vẫn cùng các huynh đệ thường xuyên khuyến tiến tu học và hoàn thành pháp sự này.

Chúng tôi thành thật trình bạch mấy lời và cung kính giới thiệu cùng mười phương Pháp lữ bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ tiếng Việt này đến với liệt vị.

TM. Ban lãnh đạo Thiền viện Thường Chiếu

Trụ trì

Sa-môn THÍCH NHẬT QUANG

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1249967
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1237
3690
25660
1199158
25660
109310
1249967