Thứ Sáu 6/12/2024 -- 6/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Lăng Nghiêm Trực chỉ - Lời duyên khởi khắc bản Kinh Thủ Lăng Nghiêm trực chỉ

 

LỜI DUYÊN KHỞI KHẮC BẢN

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TRỰC CHỈ

 

 

Thầy tôi sớ giải kinh Lăng Nghiêm này ba tháng mới xong. Nội dung phần nhiều nhấn mạnh về chỗ nhập lý và đề xướng việc hướng thượng, để mở bày cửa ngộ, thật là trợ giúp cho bậc thượng căn, kẻ Tăng người tục xa gần khát ngưỡng đều được no đủ pháp vị.

Thái Trung Thừa Phó Công hiệu là Trúc Quân, bèn hiến tiền của ra khắc lại toàn bản để phổ biến.

Đâu ngờ việc ấy được thực hiện dễ dàng như vậy. Xưa kia ngài Trí Giả Đại Sư ở Thiên Thai được nghe Kinh này là một vật bí truyền rất quí trọng ở Thiên Trúc (Ấn Độ), nên sớm chiều Ngài xoay mặt về hướng Tây thành khẩn lễ bái, nguyện sớm truyền bá đến xứ này (Trung Hoa). Trải qua hơn một trăm năm, thì có Sa-môn Bát Thích Mật Đế mang Kinh đến. Do lệnh Vua nghiêm cấm không được mang ra khỏi nước Ấn Độ nên Ngài bèn chép Kinh vào lụa mỏng, cuốn nhỏ lại rồi xẻ thịt bắp vế nhét cuốn lụa mỏng ấy vào và băng bó lại, vượt đường biển mà đến đất Huệ Thành.

Khi ấy, Ngài gặp Thừa Tướng Phòng Dung làm quan ở đất Nam Thiên, Thừa Tướng bèn mời Ngài ở nơi nhà Phong Phan đất Ha Lâm dịch Kinh này ra chữ Tàu, và cũng chính ông nhuận bút. Do đó văn cú trong Kinh này đều rõ ràng thông suốt và gãy gọn. Phó Công chưa biết Thầy tôi (ngài Hàm Thị) và chưa đọc lời sớ giải trong Kinh, mà rất muốn được lưu thông, khiến cho mưa pháp thấm nhuần khắp mọi nơi và lấy đó làm vui thích. Há không phải là người rất có duyên đời trước khế hợp với nghĩa thù thắng tuyên bày trong kinh Lăng Nghiêm ư?

Xét về Bồ-tát vốn lấy việc lợi ích cho chúng sinh làm hoài bão của mình. Căn cứ trên những việc thuộc về sự, thuộc về lý tuy có cạn sâu, nhưng xét kỹ chỉ đến chỗ trở về nguồn thì không hai đường.

Phó Công xưa làm quan Thái thú ở đất Khánh Dương, nay làm quan Phủ ở đất Việt Tây, học thức và trí tuệ rất siêu việt, căn tính lanh lẹ, trong mọi cử chỉ đều không rơi vào lối nhỏ hẹp tầm thường, Phó Công đồng với ngài Văn-thù Sư-lợi trong hội Lăng Nghiêm tồi tà phụ chính (dẹp tà kiến, phát huy chính kiến) lựa căn viên thông, rốt cuộc chỉ ra nơi nghĩa không “thị và phi thị” (phải và chẳng phải) cơ cảm giống nhau, tức ngay nơi sự mà hiển bày lý. Nguyện Phó Công cùng với đại địa hàm linh đồng vào cửa viên thông không ngăn ngại, thân chứng Vô kiến đảnh tướng của Như Lai, tức ngay nơi lý đã hiển sự.

Mong cho các người xem cùng với Phó Công đồng phát tâm Bồ-đề hiện 32 ứng thân của đức Quán Thế Âm, hầu đưa nhân dân và thế giới này sống trở lại đời thạnh trị của thời Phục Hi, Hiên Viên (tên 2 vị vua trong Ngũ Đế) thì mới không cô phụ công đức Pháp thí của Thầy tôi và sự truyền bá lưu thông của ngài Phó Công.

Kim Biện, ở chùa Đơn Hà kính cẩn thuật lại.

 



 

LỜI TỰA

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TRỰC CHỈ

 

 

Đấng Đại Giác Năng Nhân, sau khi thành đạo mười ngày, liền nói kinh Hoa Nghiêm, cho trụ địa phiền não (chỗ ở và chỗ phát sinh phiền não) của chúng sinh là trí bất động như như của chư Phật, ví như đem ngôi báu mà trao cho kẻ thường dân, nên chẳng phải hàng Tam thừa có thể tin chắc được. Khi ấy hàng Thanh văn nơi tòa như mù như điếc. Song rốt sau khi Phật đưa cành hoa, thì ngài Kim-sắc-đầu-đà (ngài Đại Ca-diếp) riêng được phó chúc truyền y, ngài Khánh Hỷ (A-nan) tiếp nối làm Tổ thứ hai tại Tây Thiên. Tuy Ngài (A-nan) được lên quả vị khi “cây phướn trước chùa ngã” nhưng vì phát ngộ chính lúc đánh chuông để nghiệm biết tính nghe thường còn, nên một quyển kinh Lăng Nghiêm lại là Pháp ấn trong Tông môn.

Kinh này từ xưa đến nay, các nhà sớ giải đều thực hiện theo sở trường. Thầy tôi Hòa thượng Thiên Nhiên Thị, ngồi yên nơi chùa Đơn Hà sớ giải ba tháng mới xong lời trực chỉ, vừa đúng ngày sinh của Thầy, (tôi rất vui mừng) ví như nước cam lồ rưới trên rừng trúc. Kim Thích tôi (sư huynh của Kim Biện) kính nhận mà đọc qua lời sớ thấy như điềm tốt hoa sen xanh phát ra nơi đầu ngòi bút, lời trau chuốt như ánh sáng của xích châu ánh ra nơi đất ý, không còn lưu lại dấu vết. Dấu vết ấy đều trừ hết nhưng bản sắc của từng lời nói vẫn giữ được dù không mượn lời văn vẻ bay bướm. Cái khéo không thể nghĩ bàn ấy, thật có chỗ cách biệt với các nhà sớ giải rất xa. Các nhà sớ giải đều lấy cửa ngộ làm sở đắc, xong phần kiến chấp (phân biệt) vẫn chưa quên, thường thường dùng lời làm hại ý, chấp thuốc thành bệnh. Lý do là chẳng qua chấp cái hay suy nghĩ chẳng phải tâm rời trần có tự tính mà thôi. Xét về cái hay suy nghĩ là vọng, rời trần không có tự thể đây là lời đức Như Lai. Đức Như Lai đâu chẳng nói: “Trong tính chân thường cầu cái khứ lai, mê ngộ, sinh tử, trọn không thể được” ư? Chân giác vốn không công (thanh tịnh), căn trần đâu có lỗi, đến tột cùng chỉ chuyển danh mà không chuyển thể. Chưa có thể mê ngộ đều tiêu, mà mê ngộ đã không tiêu, thì tính thường quang bị ngăn cách. Vọng nếu không còn, thì chân từ đâu mà có? Ngay đó biết rõ đã là rơi vào lối quanh co. Nên vì đó mà chỉ thẳng ra rằng, chẳng phải riêng có cái nhất chân ở ngoài cái bóng dáng duyên lự ở trước. Nếu cho rằng tâm phân biệt cùng với trần đều diệt thì trí sáng suốt mà không phân biệt sẽ chẳng cùng với trần sinh khởi. Mỗi cái đều thành một vật thì làm sao lập giới hạn? Nên vì đó chỉ thẳng rằng, chỉ căn cứ chỗ nói là toàn tính kia, thì xả cái phân biệt mà lại có, chẳng biết rằng cái nói là phân biệt kia, xả toàn tính thì hẳn là không. Nơi đây không sáng tỏ đâu gọi là giác ngộ viên mãn! Do đó phá tâm, phá mắt, không có tội mà thêm trừ dẹp. Có thuận có nghịch đem danh làm thật, thể dụng trên dưới, phân chia năng kiến sở kiến hiện tiền; nhân và pháp sau trước mất cái lý không, cái không nơi đốn giác do đoạn mà được hiển bày thì nghĩa hý luận về nhân duyên và tự nhiên càng sâu. Nếu do tu mới được thành thì ranh giới chư Phật và chúng sinh phân chia càng xa. Giả sử có thể dựng, phá đồng thời, thì mới tin nhân quả đều là huyễn hóa. Thế nên, trong biển pháp tính vốn dứt bặt nghĩ nghị, bốn mươi chín năm không nói một chữ. Nếu nói: Đây là quyền, đây là thật, đây là kiến, đây là tu, đây là viên dung, đây là hành bố, vừa thành một pháp thật, liền không phải là liễu nghĩa, cho đến tính giác ắt là sáng (minh) do vọng mà thành chiếu soi lại tính giác (minh giác), y nơi Kinh mà lập ra cái hiểu biết thì đâu chẳng phải là so sánh. Song đối với tính giác sinh tâm chấp thủ, thì minh hay sinh sở, in tuồng đối với vọng kia đều lấy. Nếu nơi minh giác sinh tâm buông bỏ, thì ắt làm chướng ngại tính minh, in tuồng gồm cả cái chân kia đều bỏ, bèn khiến cho tính giác cùng với sở minh, cả hai đều có lỗi như Như Lai nói ở sau. Đâu biết rằng minh và vô minh trong Như lai tạng cái một cũng không còn. Nên lại vì đó mà chỉ thẳng rằng giác minh không làm ngại tính giác mà tính giác vẫn thường nhiên. Tính giác đâu có làm thương tổn giác minh, mà giác minh tự có khác. Kẻ ngộ lý có thể do đây liền đó dứt hết; mà mỗi khi đến bờ hiểm nguy liền sinh lui bước. Bởi Thánh cảnh không quên, nên phàm tình đua nhau sinh khởi. Biết những cảnh kia chỉ là một càn tuệ thì lưu chuyển trong tứ sinh gọi là loạn tưởng. Lại tiến lên Diệu Giác gọi là Cực quả, đều là phần ngoài không khế hợp với tính bản nhiên. Nên lại vì đó mà chỉ thẳng rằng “nếu xả loạn tưởng, ắt không có càn tuệ, cũng như xả càn tuệ, ắt không có Cực quả”. Nếu lấy loạn tưởng làm càn tuệ in tuồng như có ngộ mê. Đến nơi càn tuệ mà xoay lại xem xét loạn tưởng thì ăn năn không an trụ. Còn nếu lánh nó đi cũng không được, nhiên hậu mới biết mê nó không thể được; nếu không có mê thì dùng ngộ để làm gì?

Đức Năng Nhân sau khi thành đạo, chính là Ngài trở lại “cái ban đầu” của chúng sinh; dứt hết lượng pháp giới, mà hiện thân pháp giới; nói sự pháp giới, mà hiển lý pháp giới. Nếu khởi tâm cho là chứng Thánh, tức liền bị sa vào các tà kiến. Dẫu muốn đem ngôi báu trao thẳng cho kẻ thường dân cũng e họ không kham nhận lãnh.

Hàng Thanh văn ngồi ngay trong đó mà vẫn không thấy, không nghe. Chính Thầy tôi cùng với ngài Đại Ca-diếp đồng một huyền chỉ. Kim Thích tôi há có thể nghĩ bàn trong chỗ không thể nghĩ bàn của Thầy tôi được sao?

Kính cẩn nhân ngoài lời sớ giải đã đọc ra, tùy chỗ thấy theo đó mà nắm lấy, như nhân mặt trăng nên có ngón tay chỉ, chẳng phải trăng là ngón tay. Nếu như nói được mục đích, ý nghĩa của toàn kinh, thì một thiên tổng luận kế đây đã nêu lên quá đầy đủ, quá khéo léo. Tất cả chúng sinh ở trong một “nguyên đề”, hoàn toàn hiện ra vô kiến đảnh tướng (Đại định Thủ Lăng Nghiêm). Khai hợp rõ ràng, không có trần nào chẳng phá. Đây tức là từ nơi ngọn mà tìm gốc. Thuận theo trên mà tìm cội nguồn thì không ngại lập bày phương tiện dẫn dắt để trợ giúp cho kẻ độn căn vậy.

 

Đệ tử nối pháp hiệu Kim Thích

Cúi đầu đảnh lễ, kính đề tựa.

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1249743
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1013
3690
25436
1199158
25436
109310
1249743