Thứ Tư 9/10/2024 -- 7/9/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Nhân quả thiện ác



LỜI GIỚI THIỆU


Mỗi tôn giáo đều có một giáo lý riêng, để giải thích sự sống. Giáo lý ấy có khi hoàn toàn dựa trên đức tin thuần tuý, có khi dựa trên sự tưởng tượng hoang đường, có khi dựa trên lòng ước mơ tha thiết của loài người.
Riêng về đạo Phật, giáo lý về sự sống đặt căn bản trên lý trí và thực nghiệm. Giáo lý ấy mệnh danh là Nhân-quả Luân- hồi.
Luật Nhân-quả không xa lạ gì đối với những ai có một chút nhận xét và suy luận; Luật Nhân-quả lại càng rất gần gũi với giới khoa- học. Nhờ tin chắc ở luật Nhân-quả mà nhà khoa học khám phá ra biết bao nhiêu điều huyền bí của vũ trụ và phát minh được những cái kỳ lạ cho cõi đời. Nhưng nhà khoa học chỉ áp dụng luật Nhân-quả trong phạm vi vật chất. Đức Phật đi xa hơn, chứng minh luật Nhân-quả cả trong phạm vi tinh thần.
Nhà khoa học chỉ áp dụng luật Nhân-quả trong một khoảng thời gian nhất định. Đức Phật đi xa hơn; chứng minh luật Nhân-quả trong suốt thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Luật Nhân-quả chứng minh qua thời gian vô hạn định và trong phạm vi tinh thần ấy, đức Phật gọi bằng một cái tên chung là “Luân-hồi”. Nói một cách khác, Luân-hồi là Nhân-quả liên tục trong phạm vi tinh thần.
Đã tin Nhân-quả tất nhiên không thể phủ nhận Luân -hồi.Vì thế, ngày nay trên thế giới, không phải chỉ có tín đồ Phật giáo mới tin lý Nhân-quả Luân-hồi, mà các nhà thông thái Âu-mỹ cũng đã lãnh nạp giáo lý ấy.Trong các báo chí và sách vở ở các năm châu, vấn đề Nhân-quả Luân-hồi đã được đem ra nghiên cứu một cách đứng đắn và chân thành.
Ở Việt Nam, vấn đề này không xa lạ gì với độc giả, nhất là đối với độc giả Phật tử, thì lại càng quen thuộc. Tuy thế vấn đề Nhân-quả Luân-hồi, một vấn đề căn bản trong giáo lý nhà Phật, nói bao nhiêu vẫn thấy còn bổ ích.
Vì nhận thấy sự quan trọng của vấn đề này, nên Thượng tọa  THIỆN HOA đã soạn lại những bài giảng của Thượng tọa, sắp đặt lại thành hệ thống trong tập sách này và lấy nhan đề chung là : “ Nhân-quả Luân-hồi”
Đặc điểm của tập sách này là sự trình bày rất sáng sủa, phổ thông và khoa học.
Với đặc điểm trên, chúng tôi tin chắc rằng tập sách nhỏ này sẽ ổn định được tinh thần những ai đang băn khoăn, thắc mắc về vấn đề sống chết, về ý nghĩa của cuộc đời, và sẽ gây thêm lòng tin tưởng vững chắc cho hàng Phật tử và giúp thêm hăng hái trong việc tu hành để chóng thoát khỏi cảnh sanh tử Luân-hồi.
Với lòng tin tưởng ấy, chúng tôi hân hạnh xin giới thiệu tập sách nhỏ này với toàn thể quý vị độc giả thân mến.
KÍNH
NHÀ XUẤT BẢN HƯƠNG ĐẠO
Sài gòn, ngày 21-8-60

 




ĐẶT VẤN ĐỀ




Trong  cõi mông lung, vô cùng vô tận của trời đất, con người thật bé nhỏ, như một hòn sỏi, như một hột cát; trong cái vĩnh viễn không đầu không cuối của thời gian, con người xuất hiện và mất đi nhanh như ánh sáng chợt đỏ, chợt tắt của con đom đóm, như ánh sáng của một làn chớp. Nhưng khổ thay, con người bé nhỏ và chóng tan biến ấy lại mang trong đầu óc những câu hỏi quá to lớn: “Ta từ đâu đến đây ? Ta đến đây để làm gì? Đến đây rồi ta sẽ chấm dứt cuộc hành trình sau hơi thở cuối cùng ở đây, hay còn tiếp tục đi nữa? Đi dâu? Đi hay về? Đi theo một con đường thẳng hay đường cong? Đi xuống hay đi lên?” Quá khứ đã không hay; tương lai cũng sẽ không biết; còn hiện tại thì quá ngắn ngủi phù du!
Và than ôi! Ngay trong cái hiện tại ngắn ngủi ấy, cũng đã chứa đựng không biết bao nhiêu sự bất công, vô lý:
"Tại sao người ấy đẹp mà ta xấu? Người kia giàu mà ta nghèo? người ấy sướng mà ta khổ? Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu? Có người thông minh, có người ngu muội? có người hiền lương, có kẻ ác độc?”
“Tại sao và tại sao!”. Bao nhiêu câu hỏi xoay tít trong đầu, như những cái chong chóng, gầm thét kêu gào, đòi hỏi, làm cho người ta điên đầu, lộn não. Để chấm đứt sự hoành hành của những câu hỏi ấy, có người đã tìm cách chấm dứt đời mình với thuốc độc; có người lẩn tránh trong thuốc phiện, trong rượu nồng dê béo, trong sóng mắt làn môi…
Để cho khoẻ não, có người tự bảo mọi sự vật đều do ý Trời sắp đặt; có người bảo là do một mãnh lực tiền định, có người bảo là do sự may rủi trớ trêu, không có nguyên do,luật lệ gì cả.
Nhưng những câu giải đáp gượng gạo trên, không làm thoả mãn  được những tâm hồn thiết tha muốn tìm hiểu sự thật:
Bảo rằng do ý một vị Thần sắp đặt thì ý vị Thần ấy thật mâu thuẫn, phi lý, độc tài. Xưa, đức Phật đã nói như sau đây, khi đề cặp đến thần Brahma:
-"Người đã chứng kiến bao sự đau khổ ở trước mắt, tại sao không làm cho chúng sanh được an vui? Nếu người ấy có nhiều thần lực, tại sao không dùng thần lực để cứu độ chúng sanh? Tại sao những con của người ấy lại phải chịu lắm điều khổ sở? Tại sao người ấy không ban phước lành đến cho con họ? Tại sao những xảo quyệt, giả dối mê lầm vẫn tồn tại mãi mãi? Tại sao gian xảo càng ngày càng tăng tiến, còn chân lý và công bằng lại phải lu mờ? Ta xem thần Brahma như một người vô cùng bất công đối với kẻ bị sanh ra trong thế giới đầy dẫy nhơ bẩn, xấu xa này”.(kinh Bhũcidatta Jataka)
Nếu bảo rằng mọi sự vật ở đời đều do một sức mạnh tiền định, chi phối tất cả, thì thử hỏi sức mạnh ấy là sức mạnh gì? Của ai? Có sáng suốt hay mù quáng? Nếu không giải đáp được những câu hỏi phụ thuộc ấy, mà cứ quyết đoán như thế, thì thật là quá nông nổi.
Còn nếu bảo rằng sự hiện hữu của cõi đời này, không do một nguyên nhân gì cả, thì thật là vô cùng phi lý! Vì chúng ta hãy nhìn chung quanh ta, có một cái gì sinh ra mà không có nguyên nhân không?
Riêng nói về sanh mạng con người, có hai quan niệm thông thường trái ngược nhau:
Quan niệm chấp đoạn, cho rằng con người chỉ có một đời trong hiện tại, trong khoảng một trăm năm; đến khi nhắm mắt xuôi tay, thân thể tan ra tro bụi và kiến văn, tri giác cũng không còn gì hết. Chết là hết, là hoàn toàn mất hẳn.
Quan niệm chấp thường, cho rằng linh hồn bất tử; sau khi chết, thân thể tan rã, nhưng linh hồn thường còn mãi mãi, sẽ lên cõi Thiên đường để thọ hưởng vĩnh viễn những sự an vui khoái lạc (nếu trong đời hiện tại ăn ở hiền lương) hay sẽ bị đọa xuống địa ngục chịu khổ mãi mãi(nếu trong đời hiện tại làm nhiều điều tội lỗi).
Hai quan niệm trên này đều không đúng!
Chết là mất hẳn! Sao lại mất hẳn được? Hãy nhìn chung quanh chúng ta có cái gì mất hẳn đâu? Một hột cát, một mảy lông còn không thể mất hẳn được, huống chi con người là một sinh vật có khả năng tri giác nhất trong chúng sanh?
Nhưng bảo rằng linh hồn là thường còn, ở mãi trên thiên đường hay dưới địa ngục cũng không đúng. Sự nhận xét thông thường cho chúng ta thấy rằng, trong vũ trụ, không có một cái gì có thể vĩnh viễn và ở yên một chổ, mọi sự vật đều biến đổi xê dịch. Vả lại có gì bất công hơn là chỉ vì những cái nhân đã gieo trong một đời hiện tại ngắn ngủi, mà phải chịu cái quả vĩnh viễn tốt hay xấu trong tương lai.
Cho nên những loại giải đáp nói trên, đều không thể đứng vững được trước ánh sáng lý luận.
Những vấn đề trên này, giáo lý nhà Phật đã giải đáp một cách rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc. Những lời giải đáp này không dựa vào oai lực của thần quyền, không dựa vào những tín điều độc đoán, cũng không dựa vào trí tưởng tượng mơ hồ, mà bằng cứ vào những nhận xét xác đáng trong hiện cảnh những cái tai nghe mắt thấy, những điều có thể chứng nghiệm được. Đức Phật bao giờ cũng dựa trên thực tế để lập luận, vì thế, mặc dù những lời dạy của Ngài đã nói ra trên hai ngàn năm trăm năm  rồi, mà bây giờ vẫn còn đúng đắn và vô cùng giá trị; có đủ năng lực làm thỏa mãn sự khát khao hiểu biết của những ai boăn khoăn đi tìm chân lý và ý nghĩa của cuộc đời.
Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi không có tham vọng giải đáp tất cả những vấn đề trọng đại, hàm chứa trong những chữ “siêu hình”, “vũ trụ quan”, “nhân sinh quan”v..v…chúng tôi chỉ xin trình bày cái kiếp sống của con người, qua thời gian và không gian, những nguyên nhân và kết quả đã tạo cho mỗi người một hoàn cảnh giống nhau hay khác nhau; đồng thời chúng tôi sẽ giải đáp một số những thắc mắc có liên quan mật thiết đến kiếp người.
Trong khi trình bày, chúng tôi sẽ giữ một thái độ hoàn toàn khách quan và nêu lên những bằng chứng cụ thể, có thể nhận xét được rõ ràng, chứ không dựa vào những tín điều độc đoán hay mượn uy lực của thần quyền để bắt  độc giả phải cúi đầu tin theo.



 


CHƯƠNG MỘT
LUẬT NHÂN-QUẢ

I.- ĐỊNH NGHĨA
1/ Luật.- Có người cho rằng đã gọi là luật thì tất phải có một đấng Thiêng-liêng nào, người nào, hay xã hội đặt ra. Quan niệm này có nghĩa hẹp hòi và nông cạn. Luật ở đây là luật thiên nhiên, luật tự nhiên, nó bao trùm cả vũ trụ, vạn vật, chứ không nằm trong phạm vi của loài người, hay trong một xã hội nào. Người ta có thể khám phá ra luật ấy, chứ không thể đặt ra luật ấy được. Đức Phật, mặc dù là một Đấng Giác-Ngộ, cũng không đặt ra luật ấy, Ngài chỉ là người đã dùng trí huệ sáng suốt của mình, để vạch cho mọi người thấy rõ ràng cái luật Nhân-quả đang điều hành trong vũ trụ mà thôi.
2/. Nhân-quả – Nhân là nguyên nhân. Quả  là kết quả. Nhân là cái hạt, Quả là cái trái do hạt ấy phát sinh. Nhân là năng lực phát động,Quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân-quả là một định luật tất nhiên, có tương quan mật thiết với nhau và chi phối  tất cả mọi sự mọi vật.

II.-NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA LUẬT NHÂN-QUẢ

1.- Nhân-quả là một định luật nằm trong lý nhân duyên.

- Nhân-quả là một định luật, mới ngó thì rất giản dị, nhưng nếu đi sâu vào sự vật để nghiên cứu thì lại càng thấy phức tạp, khó khăn. Trong vũ trụ mọi sự vật không phải đơn thuần tách rời từng món, mà có liên quan mật thiết với nhau, xoắn lấy nhau, đan lấy nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, tương phản nhau, thừa tiếp nhau. Để nói đúng trạng thái chằng chịt giữa sự vật, đạo Phật thường dùng danh từ "Nhân Duyên", nghĩa là mọi sự, mọi vật có ra là nhờ duyên với nhau, nương vào nhau, hay tương phản nhau mà thành, chứ không có một cái nào đứng biệt lập được. Trong sự phức tạp của sự vật ấy, tìm ra được cái nhân chánh của quả, hay cái  quả chính của nhân, không phải là việc dễ. Do đó mà nhiều người không quen suy nghĩ tìm tòi sâu xa, sanh ra nghi ngờ thuyết “Nhân-quả”. Thí dụ : hạt lúa có thể làm nhân cho những chẹn lúa vàng là quả  trong mùa gặt sau, nếu người ta đem gieo nó xuống đất; nhưng nó cũng có thể làm cho người ta no bụng, biến thành máu thành thịt trong cơ thể và thành phân bón cho cây cỏ, nếu chúng ta đem nấu nó để mà ăn. Như thế một nhân chính có thể thành ra quả này hay quả khác, nếu những nhân phụ khác nhau: muốn hạt lúa ở mùa này thành chẹn lúa ở mùa sau, thì phải có đất, có nước có ánh sáng, có không khí, có thời gian, có nhân công; muốn nó thành máu huyết thì phải nấu, phải ăn, phải có bộ máy tiêu hóa. Cho nên, khi nói Nhân-quả là tách riêng sự vật ra khỏi cái chung cùng toàn thể của vũ trụ, lấy một khía cạnh nào đó, để dễ quan sát, nghiên cứu, chứ muốn nói cho đúng thì phải dùng hai chữ “Nhân-Duyên”. Cũng như một nhà khoa học, khi muốn nghiên cứu một bộ phận nào trong cơ thể, khu biệt, cắt xén bộ phận ấy ra khỏi cơ thể, để nghiên cứu cho dễ, chứ thật ra bộ phận ấy không phải biệt lập, mà trái lại có liên quan mật thiết đến toàn cả cơ thể.

2.- Một nhân không thể sinh ra quả
Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên, sự vật trong vũ trụ này đều là sự tổ hợp của nhiều Nhân duyên. Cho nên không có một nhân nào có thể tự tát thành kết quả được, nếu không có sự giúp đỡ  của nhiều nhân khác. Nói rằng hạt lúa sanh ra cây lúa, là nói một cách giản dị cho dễ hiểu, chứ thật ra hạt lúa không thể sinh ra gì được cả; nếu để nó một mình giữa khoảng trống không, thiếu không khí, ánh sáng, đất, nước, nhân công.
Cho nên, khi nghe ai tuyên bố rằng mọi vật đều do một nhân sinh ra, hay một nhân có thể sinh ra vạn vật; ta có thể chắc chắn rằng người ấy nói sai.

3.- Nhân thế nào thì quả thế ấy.

- Nếu ta muốn có quả cam thì ta phải ương hạt giống cam; nếu ta muốn có hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Không bao giờ ta trồng cam mà lại thấy đậu, hay trồng đậu mà lại được cam. Người học đàn thì biết đàn, người học chữ thì biết chữ. Nói một cách khác, nhân với quả  bao giờ cũng đồng một loại với nhau. Hể nhân đổi thì  quả cũng đổi. Nếu nhân đổi ít thì  quả cũng đổi ít, nếu nhân đổi nhiều thì quả cũng đổi nhiều.
Quả còn tùy thuộc ở những duyên phụ, mà trong đạo Phật gọi là tăng-thượng-duyên hay trợ-duyên. Thí dụ : Hạt lúa là nhân; đất, nước, không khí, ánh sáng, nhân công là trợ duyên. Nếu trồng lúa mà thiếu nước thì hạt lúa bị xếp. Khi chúng ta muốn có những trái cam thật to, chúng ta hãy ghép các mụt cây cam vào gốc cây bưởi. Vậy cái kết quả tốt đẹp là những trái cam to lớn, mà còn do gốc bưởi nữa. Cho nên khi chúng ta muốn có cái kết quả như thế nào đó, thì phải hội cho đủ điều kiện, nghĩa là cho đủ nhân duyên, thì kết quả mới được như ý ta mong muốn. Có nhiều người muốn được kết quả như thế nầy, nhưng lại không hội đủ nhân duyên như thế ấy, nên kết quả đã sai khác với ý mong muốn của mình, và do đó, họ đâm ra nghi ngờ sự đúng đắn của luật "Nhân-quả".


4- Trong nhân có quả, trong quả có nhân

Chính trong nhân hiện tại đã có hàm chứa cái quả vị lai; cũng chính trong quả hiện tại đã có hình bóng của nhân quá khứ. Một sự vật mà ta gọi là nhân, là khi nó chưa biến chuyển, hình thành ra cái quả mà ta quan niệm; một sự vật mà ta gọi là  quả là khi nó biến chuyển hình thành ra trạng thái mà ta đã quan niệm. Một vật đều có nhân và có quả: đối với quá khứ thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và quả đấp đổi nhau, tiếp nối nhau không bao giờ dứt. Nhờ sự liên tục ấy, mà trong một hoàn cảnh nào, người ta cũng có thể đoán biết quá khứ và tương lai của một sự vật hay một người. Trong kinh thường nói: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị; yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” ( muốn biết cái nhân đời trước , thì cứ xem quả đời nay đương thọ. Muốn biết cái quả về sau thế nào, thì cứ xét cái nhân đang tác động trong hiện tại). Cũng như thấy trong kho lẫm, năm nay có chứa lúa (quả) thì biết năm vừa qua có làm ruộng (nhân). Còn muốn biết sang năm trong lẫm có lúa không (quả) thì cứ xem năm nay có làm ruộng hay không (nhân) (trừ trường hợp bỏ tiền ra mua lúa non, thì không kể).
5.- Sự phát triển mau và chậm từ nhân đến quả .- Sự biến chuyển từ nhân đến quả có khi mau khi chậm, chứ không phải bao giờ cũng diễn tiến trong một thời gian đồng đều.
Có những nhân và quả xảy ra kế tiếp nhau , theo liền nhau, nhân vừa phát khởi thì quả đã xuất hiện. Như khi ta vừa đánh xuống mặt trống (nhân) thì tiếng trống liền phát ra (quả), hay khi hai luồng điện âm và dương vừa gặp nhau, thì ánh sáng liền bừng lên.
Có khi đã gây rồi, nhưng phải đợi một thời gian, quả mới hình thành, như từ khi gieo hạt giống cho đến lúc gặt lúa, cần phải có một thời gian ít nhất là bốn tháng.
Có khi từ nhân đến quả cách nhau từng chục năm, như đứa bé mới cắp sách đi học cho đến ngày thành tài, phải qua một thời gian ít nhứt là mười năm.
Có khi cần đến một vài trăm năm, hay nhiều hơn nữa, quả mới xuất hiện, chẳng hạn như từ ý niệm giành độc lập của một quốc gia đến khi thực hiện được nền độc lập ấy, cần phải trải qua bao thế kỷ.
Vì lý do mau chậm trong sự phát hiện của các quả, chúng ta không nên nóng nảy hấp tấp mà cho rằng cái luật Nhân-quả không hoàn toàn đúng, khi thấy có những cái nhân chưa phát sinh ra quả .

III- PHÂN TÍCH HÀNH TƯỚNG CỦA NHÂN-QUẢ TRONG THỰC TẾ
Như các đoạn trên đã nói, nhân-quả chi phối tất cả vũ trụ vạn hữu, không có một vật gì, sự gì, động vật hay thực vật, vật chất hay tinh thần, thoát ra ngoài luật nhân-quả được.
Đến đây, để có một quan niệm rõ ràng về luật nhân-quả, chúng ta hãy tuần tự phân tách hành tướng của nhân-quả trong các chủng loại nằm trong vũ trụ:
1.- Nhân–quả  trong những vật vô tri vô giác.

– Nước bị lửa đốt thì nóng , bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông lại. Nắng lâu ngày thì đại hạn, mưa nhiều thì lụt, gió nhiều thì sanh bão.
2.- Nhân–quả trong các loài thực vật.

- Hạt cam thì sanh cây cam, cây cam thì sanh trái cam. Hạt ớt thì sanh cây ớt, cây ớt thì sanh trái ớt. Nói một cách tổng quát : giống ngọt thì sanh quả ngọt , giống chua thì sanh quả chua, giống đắng thì sanh quả đắng, giống nào thì sanh quả ấy.
3.- Nhân-quả trong các loài động vật.

Loài chim sanh trứng ; nếu ta gọi trứng là nhân, khi ấp nở thành con là quả ; con chim ấy trở lại làm Nhân, sanh ra trứng là quả.
Loài thú sanh con, con ấy là quả. Con thú lớn lên trở lại làm nhân, sanh ra con là quả .
4.- Nhân-quả nơi con người:
a) Về phương diện vật chất.- Thân tứ đại là do bẩm thụ khí huyết của cha mẹ, và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người con trưởng thành là quả, và cứ tiếp nối vậy mãi, nhân sanh quả, quả sanh nhân không bao giờ dứt.
b) Về phương diện tinh thần.- Những tư  tưởng và hành vi trong quá khứ tạo cho ta những tánh tình tốt hay xấu, một nếp sống tinh thần trong hiện tại; tư tưởng và hành động quá khứ là nhân, tánh tình, nếp sống tinh thần trong hiện tại là quả. Tánh tình và nếp sống này làm nhân để tạo ra  những tư tưởng và hành động trong tương lai là quả.
Phương diện tinh thần này, hay nói theo danh từ nhà Phật, phương diện nội tâm, là phần quan trọng. Vậy chúng ta phải đặc biệt chú ý đến hành tướng của nó.
1- Nhân-quả của tư tưởng và hành vi không tốt.
a) Tham: Thấy tiền của người nổi lòng tham lam, sanh ra trộm cắp, hoặc giết hại người là nhân; bị chủ đánh đập hoặc chém giết, phải mang tàn tật, hay bị nhà chức trách bắt giam trong khám đường, chịu những điều tra tấn đau khổ là quả .
b) Sân: Người quá nóng giận đánh đập vợ con, phá hại nhà cửa, chém giết người không gớm tay là nhân; khi hết giận, đau đớn nhìn thấy vợ con bịnh hoạn, nhà cửa tiêu tan, luật pháp trừng trị, phải chịu nhiều điều khổ cực, là quả .
c) Si- mê: Người say mê sắc dục, liễu ngõ hoa tường không còn biết sự hay dở, phải trái, đó là nhân. Làm cho gia đình lủng-củng, thân thể suy nhược, trí tuệ u-ám, là quả.
d) Nghi-ngờ: Suốt đời cứ nghi ngờ việc này đến việc khác, ai nói gì cũng không tin, ai làm gì cũng không theo, đó là nhân. Kết cuộc không làm nên được việc gì cả, đến khi lâm chung, buông xuôi hai bàn tay trắng, đó là quả.
e) Kiêu mạn: Tự cho mình là hơn cả, khinh bỉ mọi người, chà đạp nhân phẩm người chung quanh, là nhân; bị người ghét bỏ, xa lánh, sống một đời lẻ loi, cô độc là quả.
f) Nghiện rượu trà: Chung nhau tiền bạc ăn nhậu cho ngỏa nguê là nhân, đến lúc say sưa, chén bát ngổn ngang , ghế bàn nghiêng ngả, nhiều khi rầy rà chém giết nhau, làm nhiều điều tội lỗi, phải bị phạt vạ và tù tội, là quả.
g) Say mê cờ bạc: Thấy tiền bạc của người  muốn hốt về mình, đắm đuối quanh năm suốt tháng theo con bài lá bạc, là nhân; đến lúc của hết, nhà tan, nợ nần vây kéo, thiếu trước hụt sau, là quả.
2.- Nhân-quả của tư tưởng và hành vi tốt.- Như trên chúng ta đã thấy, những tư tưởng hành vi xấu xa, tạo cho con người những hậu quả  đen tối, nhục nhã, khổ đau như thế nào, thì những tư tưởng và hành vi đẹp đẽ tạo cho con người những hậu quả xán lạn, vinh quang và an vui cũng như thế ấy .
Người không có tánh tham lam, bỏn xẻn thì tất không bị của tiền trói buộc, tất được thảnh thơi. Người không nóng giận, tất được sống trong cảnh hiền hòa, gia đình êm ấm; người không si mê theo sắc dục, tất được gia đình kính nể, vợ con quí chuộng, trí tuệ sáng suốt, thân thể tráng kiện; người không hay ngờ vực, có đức tin, thì hăng hái trong công việc, được người chung quanh tin cậy, và dễ thành tựu trong đường đời; người không ngạo mạn thì được bạn bè quí chuộng, niềm nở tiếp đón, tận tâm giúp đỡ khi mình gặp tai biến. Người không rượu chè, cờ bạc thì không đến nỗi túng thiếu, bà con quen biết kính nể, yêu vì…Những điều trên này, tưởng không cần phải nói nhiều, quí độc giả cũng thừa biết. Hằng ngày, quanh chúng ta, những cảnh tượng nhân và quả ấy diễn ra không ngớt. Mở một tờ báo hằng ngày ra, chúng ta thấy ngay những bài học nhân-quả: trước vành móng ngựa kẻ này bị hai năm tù vì tội ăn trộm; kẻ kia giết ngừơi cướp của bị lên máy chém; kẻ nọ say mê cờ bạc thụt kết bị tịch biên gia sản; cô kia ngoại tình bị chồng chém v.v…
Nói một cách tổng quát, về phương diện vật chất cũng như tinh thần, người ta gieo thứ gì thì gặt thứ ấy. Người Pháp có câu: Mỗi người là con đẻ của công nghiệp mình” (chacun est le fils de son oeuvre)


IV -LỢI ÍCH DO SỰ HIỂU BIẾT NHÂN-QUẢ ĐEM LẠI CHO CHÚNG TA
Khi chúng ta đã biết rõ luật Nhân-quả, nhưng nếu chúng ta không đem nó ra ứng dụng  trong đời sống của chúng ta, thì sự hiểu biết ấy trở thành vô ích. Cho nên chúng ta đã hiểu luật nhân-quả, thì phải cố gắng thực hành cho được bài học ấy trong mọi trường hợp. Nếu chúng ta biết đem luật nhân-quả làm một phương châm hành động và suy luận, thì chúng ta sẽ thu lượm được rất nhiều lợi ích :
1. Luật Nhân-quả tránh cho ta những mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền. –Luật Nhân-quả cho chúng ta thấy được thực trạng của sự vật, không có gì là mơ hồ, bí hiểm. Nó vén lên tất cả những cái màn đen tối, phỉnh phờ của mê tín, dị đoan đang bao trùm sự vật. Nó cũng phủ nhận luôn cái thuyết chủ trương vạn vật do một vị Thần sinh ra và có uy quyền thưởng phạt muôn loài. Do đó, người hiểu rõ luật nhân-quả sẽ không đặt sai lòng tin tưởng của mình, không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại thần quyền, không lo sợ hoang mang.
2. Luật Nhân-quả đem lại lòng tin tưởng vào chính con người -.Khi đã biết cuộc đời mình là do nghiệp nhân của chính mình tạo ra, mình là người thợ tự xây dựng đời mình, mình là kẻ sáng tạo, mà không tin tưởng ở mình thì còn tin tưởng ở ai nữa ? Lòng tự tin ấy là một sức mạnh vô cùng quí báu, làm cho con người dám hoạt động, dám hy sinh , hăng hái làm điều tốt, vì những hành động tốt đẹp ấy , họ biết sẽ là những cái nhân quí báu đem lại những kết quả đẹp đẽ.
3. Luật Nhân–quả làm cho chúng ta không chán nản, không trách móc- Người hay chán nản, hay trách móc là vì đã đặt sai lòng tin của mình, là vì đã có thói quen ỷ lại ở kẻ khác, là vì đã hướng ngoại. Nhưng khi đã biết mình là động lực chính, là nguyên nhân chính của mọi thất bại hay thành công, thì còn chán nản trách móc ai nữa? Đã biết mình là quan trọng như thế chỉ còn lo tự sữa mình, lo thôi gieo nhân xấu để khỏi phải gặt quả xấu, thôi tạo giống ác để khỏi mang quả ác .

V-    MỘT THÁI ĐỘ CẦN THIẾT TRONG KHI ÁP DỤNG LUẬT NHÂN-QUẢ : NGHĨ ĐẾN QUẢ TRƯỚC KHI GÂY NHÂN

Chúng ta đã thấy rõ những lợi ích do sự hiểu biết luật nhân-quả đem lại cho mỗi chúng ta, đến đây chúng tôi muốn dành riêng một đoạn, để nhấn mạnh vào một điểm vô cùng quan trọng, mà nếu chúng ta biết triệt để khai thác trong khi áp dụng luật nhân-quả, thì lợi ích sẽ vô cùng rộng lớn . Đó là:  trong mọi hành động của chúng ta, bao giờ cũng nên nghĩ đến quả, mà không trồng nhân. Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày. Chứ những người sáng suốt làm việc có kế hoạch khôn ngoan, thì bao giờ cũng nhằm cái đích , rồi mới đi tới, hình dung rõ ràng cái quả rồi mới trồng nhân.
Câu chuyện trên đây có thể chứng minh một cách hùng hồn ý nghĩa nói trên:
Xưa có một vị Hiền giả nêu ở giữa chợ một tấm bảng như sau :
“Ai chịu trả một ngàn lượng vàng ,
Tôi sẽ bán cho một bài học”.
Tấm bảng treo đã nhiều ngày mà không ai thèm hỏi đến. Một hôm, một vị vua, nhân đi dạo chơi ngang qua chợ, trông thấy, động tánh hiếu kỳ, mới đến chỗ Hiền giả, lấy một ngàn lượng vàng, hỏi mua bài học ấy.
Sau khi nhận đủ số vàng, nhà Hiền triết đưa bài học ra. Bài học vỏn vẹn chỉ có một câu giản dị như sau:
“ Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ kết quả của nó về sau “.
Các quan tùy tùng thấy vậy xầm xì với nhau:  “Nhà vua bị gạt! Một câu nói như thế, có hay ho gì đâu mà phải mua đến một ngàn lượng vàng?”.
Trong lúc đó, nhà vua cũng phân vân, không hiểu bài học giản dị ấy, tại sao lại đắt giá đến thế?
Khi về cung, nhà vua cứ suy nghĩ mãi về câu nói ấy. Trong lúc ấy như mọi đêm khác, trong cung đều có mở yến tiệc linh đình, cung phi mỹ nữ ca hát suốt đêm, để nhà vua mặc tình vui chơi với tửu sắc. Nhưng hôm nay, vì bị bài học của nhà Hiền triết ám ảnh, bắt vua suy nghĩ :
“ Nếu ta say mê tửu sắc như thế này, thì kết quả sẽ ra sao? Thân thể sẽ suy nhược, tinh thần tiều tụy và mau chết, việc triều đình phế bỏ, rồi sẽ đi đến chỗ mất nước, dân chúng trở thành nô lệ cho ngoại bang, đời đời nhục nhã và khổ đau!…”
Nhận thấy rõ cái kết quả xấu xa nguy hiểm của tửu sắc như thế, vua liền truyền lịnh dẹp ngay yến tiệc, ca hát, và bắt đầu từ đó vua lo chỉnh đốn lại nước nhà, sữa sang binh bị…
Hai năm sau, một nước láng giềng đem binh đến cướp nước, nhà vua nhờ sớm giác ngộ, lo xây dựng cho nước được hùng cường, nên đã đuổi lui được quân giặc. Bấy giờ nhà Vua mới tự bảo:
“Bài học của nhà Hiền triết quý giá lắm!
Một ngàn lượng vàng còn rẻ”.
Nhà vua bèn ra lệnh chép bài học ấy, dán khắp tất cả mọi nơi, cho đến mâm cơm, chén nước cũng truyền khắc vào.
Một hôm có người trong hoàng thân muốn chiếm đoạt ngôi vua, nên thuê quan Ngự-y một số tiền lớn để thừa lúc vua đau, tráo dâng thuốc độc. Lãnh tiền xong, quan Ngự-y sau khi chế thuốc độc xong, lén rót vào chén, định dâng lên vua uống. Nhưng khi nhìn thấy mấy chữ khắc trong chén:
“Phàm làm việc gì trước phải xét kỹ kết quả của nó về sau”.
Quan Ngự-y sực tỉnh và suy nghĩ: Tội thí vua này, nếu bị phát giác ra, sẽ bị tru di tam tộc, chứ không phải tầm thường”. Quan Ngự-y sau khi xét kết quả việc làm của mình gớm ghê như thế, nên đã đổ chén thuốc và thú tội với nhà vua. Nhà vua đã thấy quan Ngự-y đã biết ăn năn hối cải như thế, nên rộng lòng ân xá và còn ban cho một số tiền bạc to tát nữa.
Nhờ bài học này, nước nhà khỏi mất, dân tộc khỏi làm nô lệ cho ngoại bang, nhà vua khỏi chết, nên vua cho bài học này là vật báu vô giá.
Vậy chúng ta cũng nên đem bài học này áp dụng vào mọi công việc hằng ngày của chúng ta.
Khi chúng ta ham mê cờ bạc, nên nhớ cái kết quả của nó sẽ vong gia bại sản, thiếu trước hụt sau, nợ nần đòi hỏi. Khi lăm le muốn gần tửu sắc, hãy xét đến kết quả của nó sẽ làm thân thể hao mòn, đa mang tật bệnh, danh giá chôn vùi. Khi nóng giận muốn làm hại người, nên xét cái kết quả của nó về sau là “oan oan tương báo”, hại người tất sẽ bị người hại lại, khi móng niệm tham lam tiền bạc của cải của người, nên xét kết quả về sau là tù tội gông xiềng v…v…
Tóm lại, nếu chúng ta biết đem bài học nhân-quả này mà áp dụng trong tất cả mọi công việc hằng ngày của đời mình, thì chúng ta sẽ thấy tánh tình và hành vi của chúng ta mỗi ngày cải tiến, các việc sái quấy sẽ giảm bớt, các việc lành càng thêm tăng trưởng; và từ địa vị người vượt lên địa vị thánh, hiền, không phải là điều không làm được.


 



CHƯƠNG HAI
NGHIỆP

Ngày xưa có một gã thanh niên, uất ức trước trạng huống bất công giữa loài người, muốn tìm cho ra chân lý, nên đã đến hỏi Phật:
- Bạch đức Thế-Tôn, đâu là nguyên nhân, là nguồn gốc của sự bất công giữa chúng sinh? Tại sao có kẻ chết yểu, có người sống lâu, có kẻ khỏe mạnh, có người tàn tật, có kẻ xấu xa, có người đẹp đẽ, có kẻ cô độc, có người đông con, có kẻ nghèo khó, có người giàu sang, có kẻ sanh trong gia đình đê tiện, có người sanh trong dòng dõi quí phái, có kẻ ngu muội, có người khôn ngoan?
Đức Phật đã trả lời vắn tắt, nhưng đầy ý nghĩa như sau:
- Mỗi chúng sanh đều có những hành vi riêng ; những hành vi ấy làm món quà gia bảo, làm vật di truyền, làm người bạn chí thân, làm chỗ nương tựa của họ. Chính những hành vi ấy là cái nghiệp đã làm cho chúng sanh khác nhau trong cảnh trạng dị đồng ấy.
Kinh Atthasâlissi  lại dạy rõ hơn:
“Do nơi sự khác nhau trong nghiệp mà có những sự khác nhau trong chúng sanh, kẻ sanh ra trong gia đình quyền quí, người sanh ra trong gia đình đê tiện; kẻ sanh ra trong sự nguyền rủa, người sanh ra trong sự tôn trọng; kẻ sanh ra được hưởng hạnh phúc, người sanh ra phải chịu khổ sở”.
Như vậy thì mọi sự việc xảy ra cho mọi người là do nghiệp cả. Nhưng nghiệp là cái gì mà quan trọng đến thế?

I.-ĐỊNH NGHĨA
Chữ nghiệp là do dịch từ nghĩa chữ Karma trong tiếng Phạn hay chữ Kamma trong tiếng Pa-li ra. Dịch âm là Kiết-ma. Nghiệp nghĩa là hành động, việc làm của thân, khẩu, ý. Khi chúng ta nghĩ một điều gì, nói một câu gì, làm một việc gì, lành hay dữ, xấu hay tốt, nhỏ nhặt hay to lớn, mà có ý thức, đều gọi là nghiệp. Những việc làm vô ý thức không phải là nghiệp. Đức Phật dạy : “Này các thầy Tỳ-kheo, Như Lai nói rằng tác ý là nghiệp”. Tác ý bắt nguồn sâu xa trong vô minh và ái dục. Còn vô minh, còn ái dục, còn ham muốn, thì mọi hành động, lời nói, tư tưởng đều là nghiệp.
Những hành động lời nói, tư tưởng của chư Phật, chư Bồ Tát không gọi là nghiệp, vì các Ngài đã giác ngộ, không còn bị vướng mắc trong màn vô minh và lưới ái dục.

II- SỰ HÌNH THÀNH CỦA NGHIỆP
Trong giai đoạn nói về luật Nhân-quả, chúng ta thấy về phương diện vật chất cũng như tinh thần, hễ có nhân thì thế nào cũng có quả, và quả lại làm nhân để tạo thành quả khác. Nhân-quả đấp đổi cho nhau và tiếp nối mãi không dứt. Trong phạm vi con người  khi mới tạo ra hành động nào bất luận bằng thân, khẩu hay ý thì hành động ấy gọi là nghiệp nhân. Vang bóng ảnh hưởng của nghiệp nhân ấy, được gieo vào trong ruộng tiềm thức, và trưởng thành dần. Khi nó đủ cơ duyên, vang bóng,  ảnh hưởng ấy kết thành quả (nghĩa là phát lộ ra bằng hành động thân, khẩu, ý khác), thì gọi là nghiệp quả. Vang bóng ảnh hưởng của nghiệp quả này, được gieo vào tiềm thức để làm nghiệp nhân cho nghiệp quả về sau. Ruộng tiềm thức chất chứa, nuôi dưỡng tất cả những hạt Nhân và quả ấy, và trở thành ruộng thiện, nếu những nghiệp nhân và quả của người hành động đều thiện; trở thành ruộng ác; nếu nghiệp nhân và quả của người ấy đều ác; hay trở thành ruộng nửa thiện nửa ác, nếu những nghiệp nhân và quả của người ấy có thiện có ác. Cũng như khi chúng ta dùng một thửa ruộng để trồng đậu thì chúng ta có một đám ruộng toàn đậu; khi ta trồng bắp thì ta có một thửa ruộng bắp; còn nếu  khi chúng ta vừa trồng cả đậu lẫn bắp, thì ta có một đám ruộng bắp đậu lẫn lộn
- Một thí dụ khác : Mỗi nhà hoạ sĩ đều có một tấm gỗ để thử màu, trộn màu. Mỗi khi tô màu gì lên bức tranh, thì hoạ sĩ lấy màu để trộn hay thử trước trên tấm gỗ ấy. Nếu hoạ sĩ có một tánh tình nồng nhiệt thích màu đỏ nhiều hơn các màu khác, thì tấm gỗ ấy lâu ngày trở thành màu đỏ; nếu hoạ sĩ có tánh tình  hiền dịu, thích màu xanh hơn các màu khác, thì tấm gỗ ấy nổi bật lên màu xanh. Những bức tranh thì hoạ sĩ đã bán cho người khác, nhưng tấm gỗ thì luôn luôn còn lại bên mình hoạ sĩ và khi chỉ nhìn vào tấm gỗ ấy, người ta có thể đoán biết hoạ sĩ đã vẽ trong những bức tranh màu gì. Cũng như hành động, lời nói, tư tưởng của ta tuy đã tản mát trong không gian tan biến trong thời gian,  mà ảnh hưởng, vang  bóng của chúng còn lại trong tiềm thức, tạo cho ta một cá tính riêng biệt hoặc hiền hoặc dữ, hoặc siêng hoặc nhác … Và khi nhận thấy cá tính của ta, người tinh ý có thể đoán biết được đại khái tánh cách những hành động của ta trong quá khứ, cũng như trong tương lai.
Ông Lương Khải Siêu một học giả Trung Hoa, khi bàn về cái nghiệp, có làm một thí dụ rất có ý nghĩa như sau:
- “Hình tướng cứu cánh của nghiệp lực là thế nào ? Quý vị không nghe câu chuyện những nhà uống trà chuyên môn sao ? Cái bình trà càng cũ càng ngon, nếu cái bình trà ấy xưa nay vẫn chế trà ngon. Vì sao vậy ? Là vì mỗi khi pha trà thì trong bình trà có một sự thay đổi tuy mỗi khi uống xong, bình xúc sạch sẽ chẳng còn thấy gì, nhưng thật ra có một phần chất trà thấm vào bình, lần thứ hai bỏ trà mới vào, chất trà lần trước đã thấm vào bình lại tác dụng ra làm cho trà mới ngon hơn. Cứ thế lần thứ ba, thứ tư cho đến trăm ngàn lần, lần nào chất trà cũ cũng tác dụng ra, chất trà mới thấm thêm vào càng lâu càng nhiều. Lúc bấy giờ, không cần bỏ trà, chỉ chế nước sôi (chẳng qua được 1 lần) cũng vẫn có mùi vị uống được. Dùng nha-phiến cũng thế, người nghiện thích dùng dọc tẩu cũ là vì đã thấm thuốc nhiều. Chất trà thấm vào bình, chất thuốc thấm trong dọc tẩu, theo danh từ Phật giáo có thể gọi nó là trà-nghiệp, yên-nghiệp. Tuy nhiên đem thí dụ như thế không hoàn toàn đúng là vì một đàng thuốc  phiện,  trà là vô sanh mạng, một đàn người có sanh mạng; dù sao đứng về phương diện hành tướng của nghiệp, cũng tương tợ được vài phần (lược khảo Phật giáo An Độ, bản dịch của Thích Nguyên Hồng).

III- SỨC MẠNH VÀ SỰ TỒN TẠI CỦA NGHIỆP
Nghiệp lực không có hình tướng, không ai có thể trông thấy được, nhưng nó có một tác dụng vô cùng mãnh liệt.
Như điện lực, tuy không trông thấy được hình dáng ở đâu và như thế nào, nhưng khi đã đủ điều kiện thì nó phát sinh ra nào ánh sáng, nào sức nóng, nào hơi lạnh, nào sức mạnh v.v..nghiệp lực thúc đẩy người này thích hoàn cảnh này, người kia thích nghi hoàn cảnh khác. Nó là nòng cốt của mọi tư tưởng mọi lời nói, mọi việc làm. Chúng ta thường thấy có nhiều người quen thói đánh bạc, nhiều lần thua lỗ, vợ con khóc lóc, bạn bè khuyên bảo, đã quyết tâm xa con bài lá bạc nhiều lần, thế mà mỗi khi làm gì, cũng không quên được sòng bạc , đi đâu rồi cũng nhắm hướng như Kim–chung, Đại–thế–giới mà đến! Người ta bảo rằng người ấy có nghiệp đánh bạc. Những người nghiện thuốc phiện, rượu, gái cũng có cái nghiệp riêng của họ cả. Càng đi sâu vào một con đường nào, thì cái nghiệp do con đường ấy huân tập càng nặng nề, mãnh liệt chừng nấy.
Nghiệp không phải chỉ có sức mạnh mà còn tồn tại dai dẳng, không bao giờ chấm dứt, nếu chưa giác ngộ. Điều này cũng rất dễ hiểu: có nghiệp nhân thì tất có nghiệp quả,  nghiệp quả  khi đã phát hiện thì lại làm nhân cho nghiệp quả sau, cứ xoay vần như thế mãi, như một bánh xe lăn xuống dốc, sức đẩy của vòng thứ nhất làm nhân cho vòng thứ hai, sức đẩy của vòng lăn thứ hai làm nhân cho vòng lăn thứ ba, và cứ tiếp tục như thế mãi cho đến bao giờ hết dốc mới dừng nghĩ.
Nghiệp cũng nằm trong luật Nhân-quả và bị chi phối của luật Nhân-quả. Trong chương một, chúng ta đã biết thời gian từ khi nhân phát sinh đến khi quả  hình thành, có khi nhanh, khi chậm, thì thời gian từ nghịệp nhân đến nghiệp quả cũng có khi mau khi chậm, có khi chỉ trong một đời, có khi hai đời, có khi nhiều đời. Nhưng dù chậm hay mau, đã gây nghiệp thì thế nào cũng chịu quả báo. Khế kinh có dạy : “Giả sử trăm nghìn kiếp, nghiệp nhân đã làm cũng không mất, khi nhân duyên hội ngộ, thì quả báo đến “.

IV- CÁC LOẠI NGHIỆP
Đứng về phương tiện thời gian, kinh “ Nhân-quả  “ có chia các nghiệp như sau :
1.- Thuận hiện nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, đời này  thọ quả .
2.- Thuận sinh nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, đời sau chịu quả.
3.-Thuận hậu nghiệp :  Đời nay tạo nghiệp, cách mấy đời sau mới chịu quả .
4.- Thuận bất định nghiệp : Nghiệp quả  xảy đến không nhất định thời nào, có khi trong đời này, có khi đời sau, có khi nhiều đời sau.
Đứng về phương diện tánh chất, trong các kinh thường  phân loại các nghiệp như sau :
1.-Tích  lũy nghiệp : là những nghiệp tạo tác trong nhiều đời trước chất chứa lại.
2.- Tập quán nghiệp: Là những nghiệp tạo trong đời hiện tại, luôn luôn tiếp diễn, nên thành thói quen, thành tập quán, thành nếp sống riêng biệt.
3.- Cực trọng nghiệp :Là những nghiệp quan trọng có năng lực tác đọng mãnh liệt hơn cả các nghiệp khác và chi phối tất cả. Nó phát hiện nghiệp quả ngay trong đời hiện tại, hay trong đời kế tiếp. Nó có thể là kết quả của những hành vi tốt đẹp nhất như hành vi của kẻ tu hành chân chính , nó cũng có thể là kết quả của những hành vi xấu xa, vô đạo nhất như tội ngũ nghịch : giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm hại Phật và chia rẽ Tăng chúng.
4.- Cận Tử Nghiệp : Là những nghiệp  lực gần lâm chung, cũng rất mãnh liệt và chi phối rất nhiều trong sự đi đầu thai .
Đứng về phương diện nặng nhẹ, lớn nhỏ của các nghiệp, thì trong các kinh cũng chia chẻ một cách rất khoa học và hợp lý. Không phải rằng hành động nào có hình thức  giống nhau thì nghiệp nhân và nghiệp quả đều giống  nhau. Sự khinh trọng, lớn nhỏ của quả báo đều có căn cứ nơi ý để thành lập. Kinh Ưu-Bà-Tắc, trong khi nói về sự nặng nhẹ, lớn nhỏ của nghiệp nhân và nghiẹp quả, có phân chia làm bốn trường hợp:
1.- Việc nặng mà ý nhẹ : như khi quăng đá để doạ người, mà lỡ tay giết phải người.
2.- Việc nhẹ mà ý nặng : như khi thấy một tượng đá, tưởng là kẻ thù của mình, nắm dao đến đâm, kết quả của việc làm vì tượng đá bị sứt mẻ, nhưng ý thì nặng là muốn giết người.
3.- Vịêc và ý đều nhẹ: như vì không thích một người nào,  nên dùng lời để châm biếm người ấy.
4.- Việc và ý đều nặng : như vì thù, cố ý giết người và giết thật.
Cũng trong kinh Ưu–bà–tắc, có sự phân chia tội báo nặng nhẹ thành tám loại như sau:
1.-Phương tiện nặng  nhưng căn bản và thành dĩ nhẹ: như lấy dao doạ người, chẵng may động đến họ, họ bị thương. Phương tiện ( cầm dao) thì nặng, nhưng căn bản( doạ người chứ không phải ác ý) thì nhẹ và thành dĩ ( bị thương) cũng nhẹ.
2.-Căn bản nặng nhưng phương tiện và thành dĩ nhẹ: như muốn giết người, nhưng chỉ lấy đá ném và vì thế, họ chỉ bị thương thôi. Căn bản( muốn giết) thì nặng, nhưng phương tiện (lấy đá ném) và thành dĩ (vết thương) đều nhẹ.
3.-Thành dĩ nặng, nhưng căn bản và phương tiện nhẹ: như ném đá chơi, chẳng may vỡ sọ người  ta. Thành dĩ (vỡ sọ) nặng mà căn bản (chơi) và phương tiện (ném đá) đều nhẹ .
4.-Phương tiện và căn bản nặng, thành dĩ nhẹ: như muốn giết  người, chém một nhát mạnh vào yết hầu, nhưng người ấy chỉ bị thương xoàng thôi. Phương tiện (cầm dao chém) và căn bản (muốn giết người) đều nặng, nhưng thành dĩ (vết thương xoàng)  nhẹ.
5.-Phương tiện và thành dĩ nặng, căn bản nhẹ: như vô ý để xe cán người chết. Phương tiện (xe cán) và thành dĩ (người chết) đều nặng, nhưng căn bản (vô ý) thì nhẹ.
6.- Căn bản thành dĩ nặng nhưng phương tiện nhẹ: Như ác ý nói láo, đến nỗi kẻ kia phải bị tù tội, căn bản (ác ý) và thành dĩ (tù tội) đều nặng, nhưng phương tiện (nói láo) thì nhẹ.
7- Căn bản, thành dĩ và phương tiện đều nặng: muốn giết người và đã dùng dao chém người đến chết. Căn bản (muốn giết người) thành dĩ (người chết) và phương tiện (chém) đều nặng.
8- Căn bản, thành dĩ và phương tiện đều nhẹ: như giả giết bằng cách quơ dao làm người kia sợ trong chốc lát. Căn bản (giả giết) thành dĩ (làm sợ hãi) và phương tiện( quơ dao) đều nhẹ.
Sự phân chia rõ ràng trên này đủ cho chúng ta thấy sự sai khác nặng nhẹ của nghiệp nhân và quả. Theo đó, chúng ta có thể kết luận rằng sự khinh trọng của nghiệp báo đều dựa căn bản ở ý. Và như thế, chúng ta đừng lấy làm lạ tự hỏi tại sao hai người cùng làm một việc giống nhau; hành động giống nhau là bên ngoài, chứ tác ý ở bên trong làm sao chúng ta biết được? Vì thế chúng ta không nên nhìn bên ngoài,  mà phê phán được.

V- KHÔNG NÊN LẦM TƯỞNG NGHIỆP LÀ HỒN
Có người nghĩ rằng nghiệp chi phối tất cả đời sống con người, nghiệp là chủ động, nghiệp tồn tại mãi mãi, thì nghiệp chẳng khác gì linh hồn bất tử. Đó là một quan niệm sai lầm. Đạo Phật không bao giờ công nhận có linh hồn bất tử. Đạo Phật đã chủ trương mọi sự mọi vật, đều vô thường, thì không lý nào lại công nhận có một linh hồn vĩnh viễn trường tồn, bất biến.
Theo đạo Phật, con người là một sự tổ hợp của năm nhóm (ngũ uẩn) vật chất và tinh thần: sắc (xác thân) và thọ tưởng, hành, thức (tinh thần). Năm nhóm này biến đổi từng phút từng giây như một dòng nước. Khi mệnh chung, những nhóm ấy tan rã, nhưng kết quả của những hành động về thân, khẩu ý của người ấy vẫn còn tác động. Cái còn lại đó gọi là nghiệp. Cái nghiệp này chất chứa những ước vọng thầm kín, nhưng mãnh liệt nhất  con người, là sự tham sống và sự luyến ái. Nên biết một kẻ tự tử, cũng không phải là đã hết muốn sống. Họ không muốn sống cái đời họ đang sống nên họ muốn chấm dứt nó để sống một đời sống khác tốt đẹp hơn. Và như thế, động lực của sự tự- tử  vẫn là do lòng tham sống mãnh liệt hơn. Lòng tham sống và ái dục là những nguyên nhân chính của những hành động của con người lúc sống, thì khi chết, cái kết quả của những hành động ấy vẫn là lòng tham sống và ái dục. Do lòng tham sống và ái dục ấy, nên khi mệnh chung nghiệp lực rời bỏ thân xác này và đi tìm một thân khác gá vào để thoả mãn những ước vọng tham dục của mình. Đó là nguyên nhân của kiếp sau. Như thế, không cần có một linh hồn bất biến mới có đời sau. Sự nối tiếp từ đời này sang đời khác là do ở nghiệp cả. Nghiệp là đông lực chính của dòng sinh mạng nối tiếp từ kiếp này sang kiếp khác, cũng như gió là nguyên nhân làm cho sóng dậy, và tiếp nối từ làn này sang làn khác. Bao giờ còn gió nghiệp thì còn sóng đời. Gió nghiệp dừng nghỉ thì biển đời sẽ thành tịnh. Và khi ấy sẽ không còn sống chết, đầy vơi gì cả.

VI.- HÀNH TƯỚNG CỦA NGHIỆP LỰC TRONG KHI ĐI ĐẦU THAI
Sau khi một thân mạng đã trút hơi thở cuối cùng, nghiệp lực rời bỏ thân mạng ấy để đi tìm một thân mạng khác gá vào. Dắt dẫn bởi ái dục, nó đi tìm những cuộc giao phối giữa nam nữ. Nghiệp nhân quá khứ như thế nào thì nó đi tìm hoàn cảnh thích hợp với nghiệp nhân như thế ấy. Hoàn cảnh ấy đạo Phật gọi là y-báo. Y-báo có thể sáng sủa hay tối tăm, an vui hay buồn thảm, thanh tịnh hay ô uế… tuỳ sự lựa chọn thích hợp của nghiệp quá khứ. Như luồng điện phát ra ở đài phát thanh ngắn hay dài, bao nhiêu thước tấc thì nó sẽ tìm máy thu thanh vặn đúng thước tấc ấy để vào. Chỉ có khác là luồng điện có thể vào một lúc nhiều máy thu thanh, còn nghiệp lực thì chỉ đi đầu thai ở một nơi mà thôi. Một cái thai đậu được phải đủ ba yếu tố: tinh trùng của cha, trứng của mẹ, thần thức và nghiệp lực.
Thiếu một trong ba yếu tố ấy, thai không thành. Khi thai đã thành là một đời mới bắt đầu. Nói là mới, nhưng thực ra cái đời sau này vẫn còn mang những mầm giống của nghiệp nhân quá khứ. Những nghiệp nhân này cứ tuần tự theo với thời gian và tuỳ hoàn cảnh mà phát triển dần. Những nghiệp nhân nào vì chưa đủ trợ duyên để phát hiện ra nghiệp quả trong đời này, thì có thể phát sinh trong một đời sau, nếu hội đủ nhân duyên.
Trên đây, chúng tôi chỉ nói riêng về những hành tướng của nghiệp lực trong khi đi đầu thai ở cảnh giới người.
Nhưng một nghiệp lực không phải chỉ quanh quẩn trong cảnh giới người, mà có thể đi tìm một cảnh giới khác trong sáu cảnh giới mà đạo Phật thường nói đến, là: Thiên, Nhân, A-tu-la, Ngạ quỷ, Súc sinh và Địa ngục.
Đến đây, chúng ta thấy mở ra trước mắt chúng ta một vấn đề rộng rãi bao quát hơn. Đó là vấn đề Luân-hồi, mà chúng tôi xin trình bày ở chương sau.




 





CHƯƠNG BA
LUÂN HỒI


I.- ĐỊNH NGHĨA

Luân-hồi dịch ở tiếng Phạn là Samsara (lưu chuyển). Theo chữ Hán thì Luân là bánh xe, hồi là xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một hình ảnh rất rõ ràng mà Phật dùng để hình dung sự xoay chuyển lên xuống của chúng sanh trong sáu cõi (lục đạo) và sự tiếp nối sanh tử, tử sinh không cùng tận trong sáu cõi ấy. Luân-hồi hay Samsara là một danh từ, một hình ảnh do Phật đặt ra, nhưng cái nội dung của nó là một sự thật, một trạng thái có thật trong cõi đời, có thể chứng nghiệm được, chứ không phải là một lý thuyết xây dựng trong không tưởng. Khi chúng ta đã chứng nghiệm thấy được luật nhân quả trong vũ trụ, thì chúng ta cũng phải công nhận sự luân-hồi, luân-hồi chẳng qua là nhân- quả liên tục, nhưng vì khi nó biến, khi hiện, khi lên, khi xuống, khi mất, khi còn, khi thay đổi hình dạng, nên chúng ta tưởng như gián đoạn và không ảnh hưởng chi phối lẫn nhau.

II.- DẪN CHỨNG SỰ LUÂN-HỒI TRONG MỌI SỰ VẬT
Trong vũ trụ, tất cả sự vật, từ vật nhỏ như hạt bụi, đến vật lớn như quả  địa cầu, không vật nào chẳng luân-hồi.
1.- Đất luân-hồi: Như cái bình bông đang ở trước mặt chúng ta đây, trước kia nó là đất, người thợ gốm đem nó nhồi nặn làm thành cái bình. Trải qua một thời gian, cái bình sẽ bể nát, tan thành cát bụi, và trở về lại trạng thái đất cát. Đất cát này làm thức ăn cho cây cỏ, cây cỏ hoặc tàn rụi sau một thời gian trở thành phân bón hay đất cát, hoặc làm thực phẩm cho động vật. Động vật ăn cây cỏ này vào hoặc bài tiết ngay ra ngoài để thành phân, thành đất hoặc biến thành máu huyết da thịt, để một ngày kia thân thể động vật già yếu, sẽ tan rã thành đất cát lại. Bao nhiêu lần thay đổi hình dạng vì nhân duyên này hoặc nhân duyên khác, nhưng đất cát nó cũng trở lại thành đất cát sau một thời gian, sau một vòng luân chuyển dài hay ngắn.
2.- Nước luân-hồi: Nước ở biển bị sức nóng mặt trời bốc thành hơi, hơi bay lên không, gặp hơi lạnh biến thành mây, mây nhiều tụ lại rơi xuống thành mưa, mưa chảy xuống ao hồ, hoặc gặp hơi lạnh quá, đọng lại thành băng thành giá. Băng giá gặp hơi nóng mặt trời tan ra nước lại. Từ vô thỉ đến nay, nước thay đổi trạng thái biết bao nhiêu lần, xoay vần mãi mãi như vậy, nhưng nước vẫn là nước. Hiẹn tượng của nước thì biến đổi vô cùng, nhưng bản thể của nước thì không bao giờ mất. Nó chỉ luân-hồi mà thôi.
3.- Gió luân-hồi: Gió là sự luân chuyển của không khí. Không khí bị sức nóng mặt trời bốc cháy, dãn ra, bốc lên cao làm thành những khoảng trống, để bù vào khoảng trống ấy, không khí ở các nơi khác chạy tới điền vào, gây thành luồng gió. Không khí xê dịch chậm thì gió nhỏ, không khí xê dịch nhanh thì gió lớn, xê dịch nhanh nữa thì thành bão. Gió có khi hiu hiu, khi thoang thoảng, khi hây hẩy, khi ào ào, khi cuồn cuộn, nhưng bản chất của nó cũng là sự rung động của không khí.
4.- Lửa luân-hồi: Lửa là một sức nóng làm cháy được vật. Khi đủ nhân duyên thì sức nóng phát ra lửa. Chẳng hạn hai thanh củi trong trạng thái bình thường thì chúng ta chẳng  thấy sức nóng  ở đâu cả, nhưng khi chà xát vào nhau một hồi thì lửa liền bật lên. Ngọn lửa này có thể đốt cháy hai thanh củi này một phần hóa thành tro than, một phần biến thành thán khí . Những cây khác dùng rễ mình để thu hút tro than, và dùng lá để thu hút thán khí, chất chứa lại sức nóng để một ngày kia, gặp đủ nhân duyên lại bừng cháy lên. Như thế sức nóng bao giờ cũng có sẵn, nhưng khi thì nó ở trạng thài tiềm phục, khi thì ở trạng thái phát hiện thành lửa. Mắt chúng ta chỉ thấy khi nó phát hiện và chỉ khi ấy mới cho là nó có , còn khi nó ở trạng thái tiềm phục thì ta bảo là nó không có. Thật ra thì nó chỉ luân - hồi những trạng thái khác nhau, chứ không phải dứt  đoạn hay mất hẳn.
5.- Cảnh giới luân-hồi: Trong kinh Phật thường chép: "thế giới nhiều như cát sông Hằng". Thật thế, ban đêm chúng ta nhìn lên trời, thấy hằng hà sa số tinh tú. Mỗi tinh tú là một thế giới . Và mỗi thế giới ấy điều không thoát ra ngoài định luật chung là thành, trụ, hoại, không. Mỗi giây phút nào cũng có những sự sanh diệt của thế giới.Thế giới này tan đi, thì một thế giới khác nhóm lên, như một làn sóng mất đi thì một làn sóng khác nổi lên, làm nhân làm, nối tiếp nhau, luân-hồi không bao giờ  dứt.
6.- Thân người luân-hồi: Thân người hay thú vật cũng thế, xét cho cùng thì cũng do tứ đại mà có, là: đất, nước, gió, lửa. Những chất cứng dẻo như: da, thịt, gân, xương là thuộc về đất; những chất đượm ướt như máu , mỡ, mồ hôi, nước mắt là thuộc về nước; hơi thở ra vào, trái tim nhảy, phổi hô hấp, tay chân cử động là thuộc về gió; hơi nóng trong người là thuộc về lửa. Như trên chúng ta đã thấy, tứ đại đều luân-hồi thì thân người do tứ đại mà có, cũng phải luân-hồi theo. Khi thân này chết và đến lúc tan rã, thì chất cứng dẻo trả về cho đất, chất đượm ướt trả về cho nước, hơi nóng trả về cho lửa, hơi thở và sự cử động trả về cho gió.  Rồi bốn chất này tuỳ theo nhân duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác. Người đến khi chết rồi, bốn chất đó cũng trở về bản thể cũ của chúng. Khi thành thân người, lúc làm thân súc, năm nay tụ hợp ở đây, sang năm đã dời đi nơi khác, không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn mà là luân-hồi.
Nhà học giả có tiếng tăm của Trung Hoa là ông Lương Khải Siêu trong khi nghiên cứu về Phật giáo Ấn Độ ông có nói: …"Con người luôn luôn trong từng phút từng giây, đều ở trong luân-hồi bất quá hoặc mau hoặc chậm. Chậm thì gọi là sanh diệt, hoặc biến dị, còn mau thì gọi là luân-hồi (luân-hồi chẳng qua cũng là một hình thức trong các lọai biến dị). Xem như xác thân chúng ta, biến hoá không ngừng, xương thịt máu huyết chúng ta chẳng qua không đầy một tuần cũng có thể hoá ra đất đai, bụi bặm bên đường”.
7- Tinh thần luân-hồi: Con người không phải chỉ gồm có tứ đại. Ngoài tứ đại còn có phần tâm lý nữa, hay nói một cách tổng quát hơn, còn có tinh thần. Đó là gồm tất cả những thứ mà đạo Phật gọi là: thọ, tưởng, hành, thức.
Phần thể xác gồm tứ đại chỉ là phần mà đạo Phật gọi là sắc. Sắc đã không tiêu diệt mà chỉ biến hóa luân-hồi, thì tâm hay tinh thần cũng không tiêu diệt mà chỉ biến chuyển, xoay vần mà thôi.
Như trong chương II đã nói, tất cả những hành động của thân tâm tạo thành cho mổi chúng ta một cái nghiệp. Cái nghiệp ấy biến dịch, xoay vần mãi, khi đội lốt này, khi mang hình dáng khác, khi rời cảnh giới này, khi vào cảnh giới khác, quay lộn, trôi lăn trong lục đạo (sáu đường) mãi mãi cho đến ngày nào được giác ngộ mới thôi.
Những sự lên xuống trôi lăn, xoay vần của nghiệp trong ba cõi, sáu đường ấy không phải tình cờ, ngẫu nhiên, may rủi, vô lí, mà trái lại, nó chiều theo, khuôn theo một cái luật chung, đó là luật nhân-quả.
Đến đây, chúng ta thấy được sự tương quan mật thiết giữa Nhân-quả và luân hồi: Đã có nhân-quả tức phải có luân-hồi (trừ trương hợp tu Nhân thành Phật) đả có Luân-hồi tất cả theo luật nhân-quả.

III-  LUÂN-HỒI THEO NHÂN-QUẢ
Có thể nói một cách chắc chắn rằng, chúng ta lúc sinh tiền tạo nhân gì, thì khi chết rồi, nghiệp lực dắt dẫn tinh thần đến chổ đó thọ quả báo không sai. Nếu tạo nhân tốt, thì luân-hồi đến cảnh giới giàu sang, thân người tốt đẹp. Còn tạo nhân tội ác thì Luân-hồi đến cảnh giới nghèo hèn, thân hình xấu xa, đen đúa, hoặc tàn tật, khi thăng khi giáng, lúc bỗng lúc trầm…
Sanh ở một cảnh nào, không phải sẽ ở luôn cảnh giới ấy. Nhân có hạn thì quả cũng có chừng. Như người nắm trái banh liệng lên hư không, khi trái banh đi hết sức của nó, tất sẽ rơi xuống đất lại. Chúng sanh ở cõi trời hay cõi súc sanh, địa ngục cũng thế, hễ nghiệp quả hết thì nghiệp nhân bắt đầu trở lại. Trong khi hưởng quả tốt, nếu không gấp rút tiếp tục gây nhân lành thì đời sau chắc sẽ  không còn ở trong cảnh giới tốt đẹp nữa. Cho nên vấn đề chính là phải luôn luôn cố gắng vượt lên  mình, nếu muốn mình được vượt lên cao hơn cảnh giới hiện tại. Một điều mà chúng ta không bao giờ nên quên là: mỗi chúng sanh là một tay thợ tự xây dựng đời mình trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Dưới đây là những cảnh giới mà một chúng sanh có thể bị hay được nhập vào, tùy theo nghiệp nhân mà mình đã tạo.
IV- NHÂN- LUÂN-HỒI TRONG SÁU CÕI PHÀM
1.- Địa ngục : Tạo nhân sân hận, độc ác làm nhiều điều tội lỗi vừa hại mình vừa hại người, phải luân-hồi vào địa ngục, chịu đủ điều khổ sở.
2.- Ngạ quỉ: Tạo nhơn tham lam, bỏn xẻn, không biết bố thí giúp đỡ người, từ tiền của đến giáo pháp. Trái lại, còn mưu sâu, kế độc, để cướp đoạt của người, sau khi chết luân-hồi làm ngạ quỉ.
3.- Súc sinh: Tạo nhân si mê, sa đoạ theo thất tình lục dục, tửu, tài, sắc, khí  không xét hay dở, tốt xấu, chết rồi luân-hồi làm súc sinh.
4.- A-tu-la: Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sái quấy cũng không tránh, vừa cang trực , mà cũng vừa độc ác. Mặc dù có làm những điều phước thiện, nhưng tánh tình hung hăng nóng nảy vẫn còn, lại thêm tà kiến, si mê, tin theo tà giáo. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ luân-hồi làm A-tu-la, gặp vui sướng  cũng có mà buồn khổ cũng nhiều.
5.- Loài người:
a/  Biết giữ gìn lòng nhân từ, không sát nhân hại vật, làm những điều đau khổ cho người.
b/ Không tham lam trộm cướp tiền của, từ vật lớn như  ngọc, ngà, châu, báu, đến vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ.
c/ Không treo hoa ghẹo nguyệt, dâm loạn vợ con, phá hại gia can của người.
d/ Không nói lời dối trá, xảo quyệt, thêm bớt, đâm thọc, không nói lời cộc cằn, thô tục.
đ/ Không rượu trà say sưa, làm những điều lầm lỗi. Tu nhân ngũ giới như vậy, đời sau sẽ luân- hồi trở lại làm người, cao quí hơn muôn vật.
6.- Cõi trời: Bỏ 10 điều ác: không sát sinh, hại vật, không trộm cướp, tà dâm, không nói lời đâm thọc, hung ác, dối trá, thêu dệt, không tham dục, giận hờn và si mê. Trái lại, còn làm 10 điều lành là: phóng sanh, bố thí, giữ hạnh trinh tiết, nói lời chắc chắn, đúng lý và nhu hoà, trau dồi đức hỷ xả, từ bi và trí tuệ. Tu nhơn thập thiện như  vậy,  thì sau khi chết được sanh lên cõi trời. Nhưng nên nhớ cõi trời này cũng còn ở trong vòng phàm tục, chịu cảnh sanh tử luân-hồi .
Muốn thoát ra ngoài cảnh sanh tử Luân-hồi và đến bốn cõi thánh thì phải tu nhân giải thoát.





 



CHƯƠNG BỐN

NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ LUÂN-HỒI

I - MỘT CHUYỆN LUÂN-HỒI Ở ẤN ĐỘ.
Cách đây vài chục năm, tờ báo Mai có chụp hình và đăng một câu chuyện như sau:
Tại Ấn Độ, ở thành Delhi (Đen- ly) có một cô gái 8 tuổi tên Phanti Devi (Phăn-ti Đờ-vi). Cô nhiều lần khóc lóc với cha mẹ đòi về thành Mita thăm chồng là một giáo viên. Thành Delhi cách thành Mita trên 200km. Cha mẹ cô gái lấy làm lạ, mời một phóng viên nhà báo đến để nhờ anh điều tra giùm.
Phóng viên nhà báo đến hỏi, thì được cô trả lời rằng: Cô là vợ một giáo viên, ăn ở với nhau sanh được một đứa con. Khi dứa con lên 11 tuổi thì cô lâm bệnh từ trần. Người phóng viên hỏi xem cô ta có gì làm bằng chứng không? Cô trả lời là cô có để lại vàng bạc  và đồ đạc chôn ở chỗ nọ, chỗ kia…và cô còn nhớ rõ có một cái quạt do người chị em bạn tặng, trên quạt có ghi lại mấy dòng chữ, rồi cô độc mấy dòng chữ ấy cho phóng viên chép vào sổ tay.
Phóng viên đến thành Mita, tìm hỏi tên họ ông giáo viên, thì thật quả không sai. Phóng viên hỏi ông giáo:
- Ông có người vợ đã chết độˆ8,9 năm nay phải không?
- Ông giáo trả lời:
_ Vâng, có! Vợ tôi chết nay đã chín năm. Chẳng biết ông hỏi có việc chi?
Phóng viên trình bày những lời cô bé đã nói.
Ông giáo nghe đều cho là đúng cả.
Phóng viên lại lấy quyển sổ tay đưa mấy dòng chữ cho ông giáo đọc và hỏi:
_ Khi vợ ông mất, có để lại một cây quạt, trên ấy có ghi mấy dòng chữ như thế này có phải không?
Ông giáo trả lời:
_ Trúng y như vậy cả.
Qua ngày sau, phóng viên lại mời cha mẹ và cô Phanti Devi cùng đi xe tới thành Mita. Từ khi sanh ra đến tám tuổi, cô chưa từng đi xa, thế mà đường đi trong thành Mita cô đều thuộc cả, cô chỉ đường này là đường gì, đi về đâu, đường kia tên gì, đi về đâu, và còn nói trúng cả tên những nhà quen ở hai bên đường nữa. Gần đến nhà ông Giáo, cô bảo xe đi chậm lại và dừng ngay trước nhà ông Giáo.
Vào đến nhà, gặp một ông già độ 80 tuổi, đầu tóc bạc phơ, cô vừa mừng vừa khóc oà mà nói rằng:
_  Đây là cha chồng của tôi.
Cô chỉ ông Giáo mà nói:
_  Kia là chồng tôi.
Rồi cô chạy lại ôm đứa con 11 tuổi khóc và nói:
_ Đây là con tôi!
Mọi người trong thấy, ai cũng điều cảm động.
Việc này làm sôi nổi cả dư luận Ấn độ và các nhà báo trên thế giới, điều bàn tán xôn xao...Các nhà bác học ra sức tìm tòi , nghiên cứu, nhưng không một ai giải thích được. Chúng ta đã rõ biết lý luân-hồi, thì việc này cũng chẳng lấy làm lạ.

II- MỘT CHUYỆN LUÂN-HỒI TẠI MỸ
Vào khoảng năm 1956, ở Mỹ có một thiếu phụ 33 tuổi, tên “Xi-mông” (Ruth Simmons) vì quá tin tưởng vào kiếp Luân-hồi, nên đã nhờ nhà thôi miên “Mo-rây Bét-tanh” (Morey Bernstein) giúp cô được thấy lại kiếp trước của cô. Nhà thôi miên kia, sau khi đưa cô vào giấc ngủ, liền bảo:
- Thử nhớ lại hồi 10 tuổi cô đã làm gì!
Cô Xi-mông, trong cơn mê nói lại thuở thiếu niên của cô, những lúc cô đi học và tả tỉ mỉ những lúc cô nô đùa với bạn. Nhà thôi miên lại bảo:
- Bây giờ thử nhớ lại lúc cô mới 1 tuổi, cô thấy gì!
Cô trả lời bằng những tiếng bập bẹ, y như đứa trẻ chưa biết nói. Nhà thôi miên lại dồn hết tinh thần vào cặp mắt, nhìn thẳng vào cô Xi-mông và nói:
- Thử nhớ lại tiền kiếp của cô!
Sau một lúc im lặng, cô Xi-mông mới nói,  nhưng giọng nói của cô đã đổi khác, giọng Ái-nhỉ-lan (ở Anh quốc), chứ không phải giọng người Mỹ.
Cô kể rằng: "kiếp trước cô đầu thai vào gia đình họ Mướt-phi" (murphy) ở làng “Cót” (cork) bên Ái-nhỉ-lan vào năm 1789. cô tả nơi chôn nhau cắt rốn của cô và cho biết nhiều chi tiết khác về làng này. Cô nói thêm rằng chồng cô tên “Mắc-các-ty” (Brian Mac Carthy), giáo sư trường luật đã từng cộng sự với tờ báo"Ben-Phát-Niu" (Belfast New). Rồi sau cùng cô nói đến ngày cô chết, mả cô hiện ở đâu và cô phải làm ma hơn một thế kỷ. Sau đó, cô đầu thai vào gia đình họ “Xi-mông” (Simmons) ở Mỹ, hồi năm 1923.
Nhà thôi miên đã thâu lại tất cả lời nói của cô Xi-mông về tiền kiếp của cô và sau đó viết một quyển sách nhan đề là: "Đi tìm gốc tích cô Mướt- phi (Murphy)". Sách này in ra 170 ngàn cuốn và chỉ trong 3 tháng đã bán sạch. Sau đó nhà thôi miên lại lấy lời thuật chuyện của cô “Xi-mông” thâu vào 30 ngàn (30.000) dĩa nhựa và chỉ trong hai ngày đã bán sạch.
Chuyện này báo chí quốc tế đều có đăng tin, riêng ở Pháp có tờ: “Ba-Lê-Mách” (Paris Math) thuật lại rất rõ, ở Việt Nam cũng có nhiều tờ nói đến như tờ Tin Điển, tờ Liên-Hoa v…v…


III-  MỘT CHUYỆN LUÂN-HỒI Ở PHÁP
Một bác sĩ pháp, ông "Mô-rít Đờ-la-ri" (Maurice Dalarry) vốn là người hoài nghi về thuyết Luân-hồi, nhưng sau một thời gian khảo cứu rất công phu, đã viết trong tạp chí “Thần Linh Học” xuất bản hồi năm 1948 về sự Luân-hồi như sau:
Ban đầu ông không tin có kiếp Luân-hồi, nhưng sau một thời gian thí nghiệm bằng cầu cơ, ông phải công nhận kiếp Luân hồi có thật. Đây ông Mô-rít Đơ-la-ri kể:
- Một hôm tôi và vợ tôi đang cầu cơ thì bỗng chiếc xe lay động lần lượt chỉ vào 5 chữ F.E.L.I.X rồi ngừng lại, tức là kẻ khuất mặt tên Phê-lít (Félix) đã nhập vào cơ. Chúng tôi liền hỏi:
- Ông Phê-Lít muốn gì?
Trả lời:
- Tôi cho ông bà hay tôi sẽ trở lại trong họ hàng ông bà trong một ngày gần đây.
Hỏi:
- Tại sao vậy? Tại sao trở lại trong họ hàng chúng tôi ?
Trả lời:
- Phải! Trong gia đình ông bà.
Hỏi:
- Họ hàng chúng tôi đông đảo qúa đi ở rải rác mỗi người một nơi. Vậy ông có thể cho biết chắc chắn ông sẽ xuất hiện ở xứ nào không?
Trả lời:
- Tại xứ P. (Bác sĩ Mô-rít vì một lẽ riêng, không muốn nói rõ xứ này ), và trong gia đình ông Y. ( ông Y đây là bà con với bà vợ Bác sỹ Mô-rít, nhưng Bác sĩ cũng giấu tên, vì sợ động chạm đến đời tư không hay của gia đình khác).
Hỏi:
- Chắc chắn ông sẽ vào gia đình ông Y…. bà con chúng tôi?
Trả lời:
- Phải! Hiện gia đình ông Y có hai đứa con gái.
Hỏi:
- Ông có biết tên chúng không?
Trả lời:
- Có ! (rồi kẻ vô hình nói đúng tên hai đứa con gái của người bà con bà “Mô-rít”, nói đúng cả ngày sinh tháng đẻ của chúng nữa).
Hỏi:
- Ông có thể cho biết chắc chắn ngày nào ông sẽ ra chào đời trong gia đình ông Y không?
Trả lời:
- Ngày 24 tháng 9 năm 1924 vào buổi mai.
Hỏi:
- Nhưng làm thế nào để biết chính ông đã đầu thai làm con trong gia đình ông Y?
Trả lời:
- Cô J. (tức tên vợ của Bác sĩ “Mô-rit” mà ông cũng giấu tên luôn) sẽ được biết khi nhìn thấy tai bên mặt của tôi, vì chính tôi là “Phê-lit” (Félix), đứa tớ trung thành của ông bà thân sinh của cô J đây.
Cuộc đối thoại giữa Bác sĩ Mô-rit và kẻ khuất mặt tên Félix được Bác sĩ biên chép kỹ càng từng câu một để sau này xem có đúng không.
Bấy giờ vào khoảng tháng 5 d.l vợ chồng Bác sĩ “Mô-rit” không mảy may hay biết người chị họ (của bà Bác sĩ) có thai.
Cho dến ngày 24 tháng 9 năm 1947 nghĩa là cách đó bốn tháng, vợ chồng Bác sĩ tiếp được điện tín từ xứ P. đánh về cho hay người chị họ vừa hạ sanh một trai hồi 8 giờ sáng ngày nói trên.
Thế là rất đúng với lời của kẻ khuất mặt “Phê-lít”. Nhưng Bác sĩ không muốn cho vợ chồng người chị họ biết rằng chính ông bà đã biết trước việc này.
Ba tháng sau, vợ chồng Bác sĩ “Mô-rít” được chị họ mời qua xứ P, dự một buổi lễ trong gia đình, luôn dịp để vợ chồng người chị họ đem đứa con trai mới sinh ba tháng ra giới thiệu với họ hàng.
Vợ chồng Bác sĩ Mô-rit vừa đến nơi thì vợ chồng người chị họ liền đưa ông bà vào phòng để xem mặt đứa bé. Khi bà Bác sĩ đến gần chiếc nôi thì thằng bé nhìn bà mỉm cười, mà nước mắt cứ tuôn ra, rồi nó đưa tay về phía bà Bác sĩ đòi ẵm. Vợ chồng người chị họ rất đỗi ngạc nhiên, vì thường khi không bao giờ con mình chịu người lạ, thế mà lần này, mới gặp bà Bác sĩ nó lại đòi ẵm
Vợ chồng Bác sĩ Mô-rít thì không lạ gì với thằng bé, nhưng không dám nói sự thật ra cho vợ chồng người chị họ biết về kiếp Luân-hồi của tên lão bộc Phê-lit, sợ rằng gia đình người chị họ cho mình quá tin dị đoan chăng.
Khi nhìn thấy miếng vải băng ngang đầu đứa bé, vợ chồng Bác sĩ đã đoán biết một phần nào đúng như lời lão bộc Phê-lít đã nói trong lúc cầu cơ, nên bác sĩ  giả vờ hỏi:
-  Tại sao lại băng đầu nó? Chắc lại sanh ghẻ chứ gì ?
Người chị họ trả lời:
-  Không vì lúc sinh nó ra, nó có tật nơi tai, vành tai chỉ dính vào da đầu có chút xíu, nên tôi có nhờ Bác sĩ chữa. Bác sĩ bảo sức thuốc băng lại trong một thời gian thì liền lại.

IV- MỘT CHUYỆN LUÂN-HỒI THỨ HAI Ở PHÁP
Một đứa bé gái mới ba tháng tên “Tê-re” (Thérèse) bỗng nhiên một hôm thốt lên tiếng “A-ru-pa” (Aroupa) cha mẹ đứa bé không để ý, tưởng rằng con mình bập bẹ bậy bạ vậy thôi , nhưng về sau có người cho biết "A-ru-pa" (Aroupa) có nghĩa là “trời” theo tiếng ẤN-ĐỘ.
Đến lúc lên hai, em bé Tê-re trong lúc chơi mua bán, có thốt ra tiếng “rupi” (Roupie). Tiếng này trong gia đình không hề nghe ai nói tới. Thế mà Tê-re biết được, mới lạ.
Mười tháng sau nữa, trong khi mẹ Tê-re nói chuyện với một chị em bạn, cô Tê-re thường xen vào câu chuyện với những tiếng “Bapou” . Bà bạn vốn là tín đồ đạo Phật , rất lấy làm lạ, hỏi mẹ Tê-re tại sao nó biết tên riêng của ông “Căm- địa” (Gandhi) ; vì tên “Bapou” chỉ có gia quyến  thánh Căm –địa cùng tín đồ ông gọi ông mà thôi, người ngoài ít ai biết được .
Mẹ cô gái Tê-re nghe nói càng thêm kinh ngạc. Bà bắt đầu tin có Luân-hồi và từ đó, bà mua sách về thần học khảo cứu, và bà có mua một bức hình của ông thánh “Dô-ga-măng-đa” (Yogàmanda).
Khi nhìn thấy bức ảnh cô bé la lớn:
- Con biết ông này ! Lúc thánh Căm-địa còn sống ông thường đến nói chuyện với thánh Căm-địa, có mặt con trong những lúc ấy.
Sau khi dò hỏi những tín đồ của thánh Căm-địa, mẹ cô bé Tê-re thấy lời nói của con mình là đúng sự thực. Lên năm tuổi cô bé bắt đầu ăn chay và không thích ăn bánh mì mà chỉ ăn cơm.Thỉnh thoảng cô lại kể một vài đoạn đời của thánh Căm-địa.

V-  MỘT  CHUYỆN LUÂN-HỒI Ở ĐẢO “MÔ –RÍT”(MAURICE)
Chuyện sau đây do giáo sư “Bít–xao-đoa-da” (Bissoundya) ở hải cảng “Lu-I” (Port-Louis) tại đảo Mô-rít kể lại trong "tạp chí đầu thai Luân-hồi".
Tại làng “Cát-ten” (Castel) có một gia đình nọ sinh một đứa bé trai lên ba tuổi, đặt tên là “Sa-ta-na-đờ -va” (Chatanadèva). Bỗng một hôm nó bảo nó không phải ở làng ấy . Cha mẹ và người lối xóm đều cười , vì cho nó nói bậy. Nó lại nhất định nói nó không phải tên “Sa-ta-na-đờ-va”(Chatanadèva) mà là tên “Ri-ram dăng-cô” (Sreeram-Jankoo). Lúc đó, người ta lấy làm kinh ngạc vì tên Ri-ram dăng-cô không phải lạ. Anh này bị chết đuối cách đây ba năm, trong lúc đi thuyền đến cù lao "Pờ-la-tờ" (Plate).
Người ta hỏi nó tại sao nó biết nó tên Ri-răm  dăng cô thì nó thuật lại rằng:
- Tôi đang chèo thuyền đi ra cù lao “Pờ-la-tờ” thì bị sóng đánh chìm và chết đuối giữa biển.
Lời thuật chuyện của thằng bé làm mọi người kinh dị, vì thật đúng như thế. Rồi nó lại kể thêm những chi tiết về cảnh sống của Dăng-cô, nhất nhất đều đúng sự thật cả.
Câu chuyện này được đồn đãi ra. Mẹ của anh chài lưới Dăng-cô ở  làng bên nghe được, liền tìm tới nhà thằng bé. Thằng bé đang chơi, thấy bà lão bước vào, nó mừng rỡ reo lên và nhảy xổ đến ôm bà, la lớn:
-  Mẹ ! Mẹ !

VI- MỘT CÂU CHUYỆN THAY ĐỔI HỒN XÁC Ở VIỆT NAM
Ở Cà Mau , cách đây vào khoảng 30 năm, có một câu chuyện lạ lùng đã làm dư luận bàn tán xôn xao.
Ông Cả Hiêu, ở làng Tân Việt, xứ Đầm Dơi (Cà mau) có một cô con gái mới 19 tuổi , lâm bệnh rồi chết. Cách đó độ 100 km, ông Hương Thừa ở làng Vĩnh Mĩ (Bạc liêu) cũng có cô con gái đau rồi chết, nhưng lại sống lại. Khi sống lại , cô này nhìn  không biết cha mẹ và nói những gì đâu đâu không ai hiểu gì cả, cha mẹ cô tưởng rằng cô đau nên lãng trí nói bậy. Nhưng khi cô  lành mạnh hẳn, cô lại khóc lóc, một hai đòi về nhà ông Cả Hiêu và chỉ luôn nơi ở, làng, tổng rỏ ràng nữa.
Cha mẹ cô cho người đến tìm ông Cả Hiêu và thuật câu chuyện cho vợ chồng ông này nghe.Vợ chồng ông Cả và con cái trong nhà, nghe xong đều đi đến xem thật hư như thế nào.
Khi mọi người đến nơi, cô gái chạy ngay đến ôm ông Cả, bà Cả khóc kể…. Rồi cô thuật những việc đã xảy ra trong nhà ông Cả không sai một mảy. Vợ chồng ông Cả, tuy thấy xác cô này không phải con mình, nhưng về tinh thần lại chính là con mình, nên đều thương yêu và công nhận là con. Về sau, cô hưởng được hai phần gia tài của cả hai bên cha mẹ.
Những câu chuyện tương tợ như những bằng chứng đã  kể ở đoạn trước nhiều không kể xiết.
Ngoài ra còn bao nhiêu vị thần đồng, những cậu bé có thiên tài xuất chúng ở rải rác trong thế giới và trong lịch sử mà chúng ta thường nghe nói đến như: Ông Pascal, một Triết gia và một nhà Toán-học Pháp, mới 7 tuổi mà đã thông phương pháp kỷ-hà-học, ông Mạc Đỉnh Chi 12 tuổi dậu Trạng nguyên, nhạc sĩ Mozart mới 7 tuổi đã biết đặt những bản nhạc hoà âm, ông "Kít–chang–Hen-nét–kan" (Christ Heinecken) vài giờ sau khi ra đời đã nói chuyện được, khi lên 1 tuổi đả học thuộc lòng vài đoạn kinh Thánh-giáo trong cuốn thánh kinh, lên hai tuổi đã trả lời tất cả những câu hỏi về địa dư, lên ba tuổi đã nói được tiếng Pháp, tiếng La-tin; lên bốn tuổi đã có thể theo học các lớp triết học. Ông "Xi-tuy-a Minh" (Stuart Mill) lên ba đã học chữ Hy-lạp; Ông "Vinh-lamram-xi-đi" (William James Sidis) lên hai đã học và viết tiếng mẹ đẻ (Hoa-Kỳ), lên tám đã nói được tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Đức và một ít tiếng La-Tin, Hy-Lạp. Cậu bé "Xin-va-nô-ri-gôn" (Silvanorigoll) ở Ý, mới ba tuổi đã làm Nhạc sư và điều khiển một giàn nhạc, chưa biết đọc và viết, nhưng lại chép bản nhạc rất tài tình, đánh dương cầm và phong cầm không thua gì những Nhạc sĩ hữu danh.
Những bằng chứng rỏ ràng trên không ai có thể chối cãi được. Nhưng cũng không ai có thể giải đáp được lý do vì đâu có hiện tượng lạ lùng như thế, nếu không tin có nhân-quả  luân-hồi. Các nhà khoa học cố gắng giải thích là tại những hạch tuyến trong người các thiên tài ấy phát triển một cách nhanh chóng khác thường. Nhưng tại sao hạch tuyến chỉ phát triển trong một số người ấy mà thôi? Có người giải thích là do di truyền. Nhưng lời giải thích nào cũng không làm cho người ta thoả mãn, vì ông cha những thần đồng ấy cũng không có gì xuất sắc hơn những người khác. Vã lại, con cháu các vị thần đồng ấy về sau cũng không thừa hưởng  được gì của ông cha cả.
Chỉ còn một lối giải thích duy nhất có thể đứng vững được là: nghiệp nhân của nhiều đời kiếp trước đã phát triển  thành quả trong đời hiện tại.



CHƯƠNG NĂM

GIẢI ĐÁP NHỮNG THẮC MẮC  NGHI VẤN TRONG VẤN ĐỀ NHÂN-QUẢ LUÂN-HỒI

Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ trình bày những điểm chính của giáo lý nhân-quả luân-hồi, mà không đi sâu vào chi tiết, và để sự trình bày được rõ ràng, có mạch lạc, chúng tôi đã gát lại tất cả những thắc mắc, nghi vấn có thể hiện ra nhiều lần trong đầu óc quý vị, khi đọc các đoạn trước. Đến đây, sau khi trình bày xong xuôi những nét chính của giáo lý Nhân-quả Luân-hồi, chúng tôi xin lần lượt giải đáp những thắc mắc; hay nghi vấn trong vấn đề này:
I._ Có người nghĩ rằng : Nhân-quả là một luật tự nhiên rất công bằng đứng đắn, sao có người cả đời hiền từ, mà lại gặp lắm tai nạn, khổ sở, trái lại những người hung ác sao lại vẫn an lành?
Đáp:- Chắc quý vị chưa quên trong chương nói về nghiệp, chúng tôi đã trình bày rằng xét về thời gian, nghiệp có chia ra làm ba thứ:
a) Hiện báo:  Quả báo hiện tiền, như mình đánh người, bị người đánh ngay; hay ăn cơm thì no, uống nước liền đỡ khát.
b) Sanh báo: Đời nay tạo nhân, qua đời sau mới thọ quả báo, như làm một tội ác gì, ngay khi ấy không ai biết mà bắt, đến lâu sau việc ấy mới tiết lộ và người làm ác mới đền tội.
c) Hậu báo: Đời nay tạo nhân, mà cách mấy đời sau mới chịu quả báo, Như ngài Ngộ-Đạt quốc sư, đời trước làm quan tên là Viên-Án, vì giết Triệu-Thố, mà đến 10 đời sau mới chịu quả báo.
Vậy nếu có người trong đời hiện tại làm việc hung ác, mà được an lành là do kiếp trước họ tạo nhân hiền từ. Còn cái nhân hung ác mới tạo trong đời hiện tại, thì trong tương lai hay qua đời sau, họ sẽ chịu quả  báo. Cũng như người năm nay ăn chơi, không làm gì hết mà vẫn no đủ là nhờ năm rồi họ có làm, có tiền của để dành vậy. Cái nhân ăn chơi, không làm năm nay, thì sang năm họ sẽ chịu quả đói rách.
Còn người đời nay hiền từ, làm các điều phước thiện mà vẫn gặp tai nạn, khổ sở là do đời trước, họ tạo những nhân không tốt. Cái nhân hiền từ đời nay, qua đời sau họ sẽ hưỡng quả  vui. Cũng như có người tuy năm nay siêng năng làm ruộng, mà vẫn thiếu hụt là vì nhân ăn chơi năm vừa rồi. Cái nhân siêng năng năm nay sang năm họ sẽ hưỡng quả  sung túc. Do đó, cổ nhân có nói:
“ Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì”.
(nghĩa là: Việc lành hay việc dữ đều có quả  báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi).
II.- Có người hỏi: Người đã có phước mới được giàu sang, vậy tại sao trong số người giàu sang ấy vẫn có người ngu si, chết yểu, hoặc đui, điếc, ngọng, lịu v.v… (ngu, si, ám, á, gia hà phú). Trái lại, người vô phước mới nghèo nàn, vậy sao trong số những người này, vẫn có người thông minh, đẹp đẽ, trường thọ, v.v… (trí huệ, thông minh khước thọ bần).
Đáp:
- Người đời nay giàu có là trứơc tạo nhân giàu có, nhưng họ chỉ tạo nhân giàu có mà không tạo những nhân khác như trường thọ, trí tuệ v.v… nên đời nay họ chỉ giàu mà thôi, chứ không sống lâu không thông minh v.v… Trái lại, có người kiếp trước chỉ tạo nhơn trường  thọ và trí tuệ mà không tạo nhơn giàu có, nên kiếp này được hưởng quả trường thọ và trí tuệ mà không hưởng được quả giàu có. Nhân nào mình có tạo mới có quả  ấy, còn nhân nào mình không tạo thì làm sao có quả được? Nên trong kinh nhân-quả có nói:"Nhân-quả báo ứng như ảnh tùy hình" (nhân-quả trả nhau, như bóng theo hình. Hình ngay thì bóng thẳng, hình vạy thì bóng cong ).
III.- Có người hỏi: Theo luật nhân-quả thì ai làm nấy chịu, cha làm tội con không thể thay thế được; con làm tội, cha không thể thay thế được. Sao thấy có những việc: cha làm con phải chịu liên can, con làm cha phải chịu ảnh hưởng ?
Trả lời:
- Trong kinh Phật dạy nhân-quả  nghiệp báo có hai thứ: biệt nghiệp và cộng nghiệp.
a) Biệt nghiệp: Là nghiệp báo riêng của mỗi chúng sinh, như mình có học nhiều thì mình  biết nhiều, mình ăn thì mình no, mình siêng năng thì mình dễ thành công, mình nhác lười thì mình thất bại.
b) Cộng nghiệp: Là nghiệp báo chung cho nhiều chúng sinh cùng sống trong một hoàn cảnh. Như người Việt Nam sống trên mảnh đất chữ S này, trong giai đoạn chiến tranh Việt- Pháp vừa qua, thì dù giàu, dù nghèo, dù trí thức, dù bình dân  đều chịu ảnh hưởng  chung của chiến tranh; như sanh có một nước tiên tiến  thì mọi người điều được hưởng  một đời sống vật chất đầy đủ hơn ở một xứ bán khai. Đã chung sanh trong một gia đình, một xứ sở hay một dân tộc,  cố nhiên cái nghiệp  phải có liên quan với nhau. Sách có nói:"Nhứt nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng; độc thọ khai hoa, vạn thọ hương" (một người làm phước, ngàn người đều được ảnh hưởng; một cây trổ hoa, muôn cây chung quanh đều được thơm lây).
IV.- Có người hỏi: Đã gọi là cộng nghiệp thì tất nhiên phải chịu những nghiệp quả giống nhau, đã sinh trong một hoàn cảnh thì tất chịu chung một ảnh hưởng, mặc dù có biệt nghiệp, nhưng những biệt nghiệp ấy dù sao cũng chỉ có tánh cách sai biệt tiểu tiết mà thôi (đại đồng, tiểu dị). Vậy tại sao trong đời, thấy có những người sống chung trong một hoàn cảnh  mà lại trái hẳn nhau. Thí dụ như: có người hiền lành  lại sanh trong một gia đình hung ác, có người hung ác lại sanh trong gia đình hiền lương ?
Trả lời:
- Trong đoạn phân loại về các thứ nghiệp, đã nói rằng  có bốn loại nghiệp là:
-    Tích lũy nghiệp,
-    Tập quán nghiệp,
-    Cực trọng nghiệp,
-    Và cận tử nghiệp.
Trong các loại nghiệp ấy, cực-trọng nghiệp có tác động mạnh mẽ nhất sau khi chết. Nếu khi sống, cá nhân nào đó tạo nhân cực- trọng  nghiệp về loại thiện, như triệt để áp dụng những phương pháp  tu hành có hiệu quả  như tứ-đế,  thập nhị nhân duyên… thì sau khi chết được hưởng kết quả tốt đẹp vô cùng. Trái lại, nếu tạo nhân cực-trọng nghiệp về loại ác, như giết cha mẹ, sát hại người tu hành v.v… thì khi chết phải đọa vào ngục vô-gián. Nhưng cực-trọng  nghiệp không phải người nào cũng có: nếu không tạo nhân cực trọng, như không tu hành hay không phạm tội ngũ- nghịch thì tất nhiên không có nghiệp cực-trọng .
Trong trường hợp không có cực-trọng nghiệp, thì cận-tử nghiệp (nghiệp lực khi lâm chung) là cái nghiệp có một tác động mạnh mẽ trong vấn đề dắt dẫn đi đầu thai. Trong nhiều trường hợp thì cận- tử nghiệp và tích-lũy nghiệp, tập-quán nghiệp cùng đóng một tánh chất giống nhau, nghĩa là trong những đời trước và đời hiện tại có gây những việc thiện và khi lâm chung, cũng có những hành động hay ý nghĩ việc thiện, hay trái lại, trong nhiều đời trước và hiện tại có tạo những nhân ác và khi lâm chung cũng làm hay nghĩ đến những việc ác. Trong trường hợp này thì cận-tử nghiệp sẽ dắt dẫn đi đầu thai một cách tự nhiên, đến một hoàn cảnh thích hợp với cả ba thứ nghiệp là tích-lũy nghiệp, tập-quán và cận-tử nghiệp. Chẳng hạn như một người, trong đời quá khứ đã tạo những nhân hiền lành thì sau khi chết, đầu thai vào một gia đình cũng hiền lành và những người ở trong gia đình ấy cũng không có trái ngược nhau.
Nhưng có một vài trường hợp mà cận-tử nghiệp không đồng một tánh chất với tích-luỹ và tập quán nghiệp, chẳng hạn như một người trong đời quá khứ và hiện tại phần nhiều đều gieo nhân lành, đều có nhiều hành động thiện, nhưng khi lâm chung, vì một lý do nào đó, có những ý nghĩ, hành động bất thiện, nghĩa là tạo một cận-tử nghiệp bất thiện, như tham đắm, giận dữ v…v… thì cận tử nghiệp này sẽ dắt dẫn đi đến một hòan cảnh bất thiện, như sanh vào một gia đình tham đắm, hay giận dữ v…v…
Nhưng nghiệp chính của người này là thiện thì trong đời sau này, người ấy sẽ hưởng quả thiện, mặc dù sống trong gia đình ác.
Hay trái lại, tích-lũy và tập-quán nghiệp của người ấy là ác, nhưng khi lâm chung người ấy biết ăn năn hối cãi, tha thiết nghĩ đến điều thiện và nhờ những người chung quanh hộ niệm chú nguyện cho, nên tạo ra một cận-tử nghiệp thiện. Nghiệp này sẽ dắt dẫn đầu thai vào một gia đình thiện. Nhưng nghiệp chính của người này trong quá khứ là ác, cho nên sau ít  lâu sống trong gia đình ấy, các nghiệp  ác xuất lại hiện. Do đó mới có những trường hợp cha mẹ ác có con thiện, hay cha mẹ thiện có con ác.
V.- Có người hỏi: Nếu có Luân-hồi thì khi chết rồi, một người chỉ sanh ra một người thôi; tại sao trên thế giới này, khi mới khai thiên lập địa chưa có người, mà cứ một ngày nhân loại mỗi thêm đông? Vậy do đâu mà nhiều người thế?
Trả lời : Trong đoạn Luân-hồi chúng tôi đã nói: chúng sinh luân-hồi trong sáu cảnh giới là: thiên, nhân, A-tu-la, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục. Chúng sanh ở cảnh giới này có thể đầu thai qua cảnh giới khác, đắp đổi cho nhau, khi lên khi xuống,  chứ không phải chỉ có người mới đầu thai làm người mà thôi. Nhiều loài thú có những tâm trạng gần giống người có thể đầu thai làm người được, cũng như những người có tâm trạng lang sói sẽ trở thành lang sói.
Hơn nữa, trong đoạn trước, chúng tôi cũng có nói rằng trong các Kinh Phật dạy : Thế giới trong vũ trụ này nhiều như cát sông Hằng, chứ đâu phải chỉ một quả đất này là trung tâm điểm của vũ trụ và có người? Các nhà bác học cũng công nhận một ngôi sao là một thế giới . Trong Hằng hà sa số thế giới ấy, có biết bao nhiêu là thế giới có hoàn cảnh giống như quả đất nhỏ bé chúng ta đang ở đây! Thế giới đã nhiều như thế thì nhân loại đâu phải ít? Tại sao chúng ta không thể tin được rằng  thế nào cũng có sự luân chuyển, sự lưu thông, sự trao đổi về phương diện tinh thần, về cái nghiệp giữa thế giới này với thế giới khác? Mỗi một thế giới sắp hoại thì chúng sanh ở thế giới ấy tản cư, mỗi thế giới đã thành, thì chúng sanh ở các thế giới đồng cảnh chung quanh tựu đến. Trong kinh Địa Tạng có nói:
“Thử giới hoại thời, hoàn ký tha phương …”(thế giới này hoại, thì gởi qua thế giới khác, thế giới khác hoại lại gởi đến thế giới khác nữa…) Như đô thành Sài Gòn hiện giờ đây dân số rất đông, là do người ở các tỉnh  đến. Khi giặc yên , dân chúng trở về các tỉnh thì dân số Sài Gòn tự nhiên bớt. Dân chúng ở đô  thành nhiều hay ít là do người ở các nơi tụ đến hay tản đi. Trong thế giới hiện nay nhân loại nhiều hay ít cũng như vậy .
Đứng về phương diện tổng thể mà nói, thì không có mất còn, sạch, nhớp, thêm, bớt, đầy, vơi (bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm). Chỉ vì chúng ta có quan niệm hẹp hòi, chia cắt, khu biệt, đóng khung trong một cảnh giới nên mới thấy loài này, loài khác, thế giới này, thế giới khác hoàn toàn cách biệt nhau.
VI- Có người hỏi: Người và thú vật hoàn toàn khác nhau, làm sao người có thể tái sanh thành thú vật và thú vật thành người được ?
Trả lời: Người ta thường có quan niệm sai lầm rằng, người có linh hồn người, thú vật có hồn thú vật. Linh hồn người hay hồn thú, tuy người ta chưa hề thấy bao giờ, nhưng người ta tưởng tượng hễ linh hồn người thì có bóng dáng  như người, hễ hồn chó mèo thì có bóng dáng như chó mèo, và bất biến, dù chết hay sống. Vì tưởng tượng như thế nên người ta không thể công nhận rằng: chết rồi linh hồn người lại chui vào thân hình chó mèo, chẳng hạn, và hồn chó mèo lại nằm lốt thân hình người .
Thật ra, nghiệp không phải là linh hồn( như đã nói ở đoạn trước) mà là một năng lực có nhuốm tính chất những hành động của mỗi chúng sanh. Vì tính chất riêng biệt ấy mà nghiệp lực nhập vào một hình thức này hay một hình thức khác do cái luật hấp dẫn” đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
“ Thay vì nói người kia trở thành thú hay trái lại, thú kia trở thành người, đúng hơn nên nói rằng: nghiệp lực phát hiện dưới hình thể người  hay dưới hình thể thú” (1)
Một hôm có hai người  đạo-sĩ: một  người tên “Bun-Na” (Punna) tu khổ hạnh theo lối sống của loài bò, một người tên “Xơ- ni- da” (Seniya) tu khổ hạnh theo lối sống của loài chó, hai người này đến  hỏi Đức Phật về kiếp vị lai của họ. Đức Phật trả lời :
“Trong đời  này, một gã kia thực hành trọn vẹn không thối chuyển những thói quen, những tâm trạng, những tánh cách của chó, gã ấy sống theo thói thường của chó, sau khi chết sẽ tái sanh trong loài chó”.
Đức Phật cũng giải thích như trên rằng : kẻ nào tu khổ hạnh theo bò, cũng sẽ tái sanh trong loài bò.
Thí dụ trên chứng minh một cách hùng hồn : nghiệp lực có thể dẫn dắt đi đầu thai bất  luận trong loại nào, cảnh giới nào.
Không cần phải đợi đến đời vị  lai, phải trải qua kiếp này đến kiếp khác, ngay chính trong tâm niệm, trong từng hoàn cảnh của cuộc đời hiện tại, con người có thể trải qua trạng thái  của sáu loài : khi con người sanh lòng giận giữ chém giết, thì cảnh A-tu-la hiện khởi; khi con người ung dung tự tại sống trong nhung lụa huy hoàng thì cảnh giới thiên đàng hiện khởi; khi con người  sống trong cảnh chiến tranh bom đạn, trong cảnh kềm  kẹp giam cầm, tra khảo dã man, nào bị treo ngược, nào bị đổ nước sôi v.v… thì đó là cảnh giới địa ngục.
Ngay trong loài người, nếu xét về phần vật chất thì có nhiều người sống một cuộc đời đế vương xán lạn như ở cỏi thiên-đàng ; có người lại sống chui rúc trong hang trong hố, ăn lông ở lổ như thú vật. Xét về phần tinh thần, thì có người thông minh tài trí, đức hạnh như thánh nhân; có kẻ tâm địa lại tối tăm, độc ác, xấu xa như lang sói. Nếu đã tin có nghiệp lực thì hạng người nói trên tất sẽ dẫn dắt đến cỏi thiên, và nghiệp lực của hạng dưới tất phải đầu thai trong loài thú vật.
Chúng tôi đã giải đáp một số ghi vấn, thắc mắc thông thường trong khi đề cập đến vấn đề Nhân-quả Luân-hồi. Chúng tôi biết còn nhiều thắc mắc, nghi vấn khác, nhưng chúng tôi xin gát lại, vì chúng không được phổ thông và có tánh cách bác học, chuyên môn như vấn đề nguyên nhân đầu tiên của nghiệp, vấn đề trách nhiệm về phương diện đạo đức, vấn đề so sánh giữa thuyết tiền định, mệnh và nghiệp báo khác như nhau như thế nào v.v…
Chúng tôi không muốn kéo dài thêm nữa, phạm vi có chừng hạn của sách loại phổ thông này. Và đến đây, chúng tôi tưởng đã đến lúc nói vài lời tạm biệt cùng quí vị độc giả thân mến.









VÀI LỜI TẠM BIỆT
Thưa qúi độc giả!
Vấn đề Nhân-quả Luân-hồi là một vấn đề vô cùng quan trọng, không những đối với người Phật tử, mà cả đến những ai đang băn khoăn thắc mắc trước bao vấn đề  mà cuộc sống đặt ra, như: chúng ta từ đâu lại và sẽ đi về đâu? Động lực của sự sống là gì? Ai là chủ nhân ông cũa đời mình? Tại sao có những hoàn cảnh trái ngược nhau trong xã hội? Ta có thể giải thoát khỏi cảnh giới tối tăm này để đến một cảnh giới đẹp đẽ khác không? Và nếu được, thì bằng phương tiện gì?
Những vấn đề trên, mọi người điều nên biết. Nhưng một khi đã biết  rồi, chúng ta không nên tự  cho là đã thỏa  mãn trí tò mò mà yên lòng xếp sách lại. Cái biết suông ấy không có lợi ích thiết thực gì cho ta cả. Không biết thì phải tìm mà biết, khi đã biết rồi thì phải hành động theo sự hiểu biết ấy.
Giáo lý Nhân-quả Luân-hồi đem lại cho chúng ta một niềm phấn khởi mạnh mẽ vô cùng, đó là tự kiến tạo lấy đời mình. Trong bao nhiêu kiếp Luân-hồi, mỗi chúng ta là tay thợ tự xây dựng lấy địa vị của mình mà không hay. Do sự mê mờ ấy, chúng ta đã làm hại đời của chúng ta bằng cách buông xuôi tay, trao gởi niềm tin vào những  đấng thiêng liêng tưởng tượng, hay rên xiết, khóc than trách móc định mệnh khắc nghiệt đã trói buộc đời mình.
Giờ đây, chúng ta đã biết chính mỗi chúng ta đã tự tay trói buộc chúng ta trong cảnh sanh tử luân-hồi.
Chúng ta đã tự trói buộc chúng ta, thì cũng chỉ có chúng ta là có thể cởi mở cho chúng ta mà thôi. Đức Phật là đấng sáng suốt đã chỉ dạy cho chúng ta những phương pháp tự cở trói. Vậy chúng ta còn chờ đợi gì, còn luyến tiếc gì mà không chịu bắt tay làm ngay cái cử chỉ mỡ trói ấy? Chung quanh chúng ta đã có nhiều vị thầy hướng dẫn bước đầu của chúng ta, đã có những người đồng hành đang tinh tấn, hăng hái ngày đêm làm cái công việc tự cởi mở ấy, hay nói theo danh từ nhà Phật, làm công việc giải thoát ấy.
Bạn còn chờ đợi gì?
Nếu bạn đã làm Phật tử, bạn hãy tinh tấn nữa lên! Nếu bạn chưa là Phật tử, bạn hãy gấp rút gia nhập vào đạo quân giải phóng hiện đang có mặt khắp năm châu, đạo quân giải phóng đang theo dấu chân Phật để diệt trừ vô-minh đem lại hạnh phúc chân thật cho mình và cho người.
Xin kính chào bạn

HẾT






















 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LÔØI GIÔÙI THIEÄU

Moãi toân giaùo ñeàu coù moät giaùo lyù rieâng, ñeå giaûi thích söï soáng. Giaùo lyù aáy coù khi hoaøn toaøn döïa treân ñöùc tin thuaàn tuyù, coù khi döïa treân söï töôûng töôïng hoang ñöôøng, coù khi döïa treân loøng öôùc mô tha thieát cuûa loaøi ngöôøi.

Rieâng veà ñaïo Phaät, giaùo lyù veà söï soáng ñaët caên baûn treân lyù trí vaø thöïc nghieäm. Giaùo lyù aáy meänh danh laø Nhaân-quaû Luaân- hoài.

Luaät Nhaân-quaû khoâng xa laï gì ñoái vôùi nhöõng ai coù moät chuùt nhaän xeùt vaø suy luaän; Luaät Nhaân-quaû laïi caøng raát gaàn guõi vôùi giôùi khoa- hoïc. Nhôø tin chaéc ôû luaät Nhaân-quaû maø nhaø khoa hoïc khaùm phaù ra bieát bao nhieâu ñieàu huyeàn bí cuûa vuõ truï vaø phaùt minh ñöôïc nhöõng caùi kyø laï cho coõi ñôøi. Nhöng nhaø khoa hoïc chæ aùp duïng luaät Nhaân-quaû trong phaïm vi vaät chaát. Ñöùc Phaät ñi xa hôn, chöùng minh luaät Nhaân-quaû caû trong phaïm vi tinh thaàn.

Nhaø khoa hoïc chæ aùp duïng luaät Nhaân-quaû trong moät khoaûng thôøi gian nhaát ñònh. Ñöùc Phaät ñi xa hôn; chöùng minh luaät Nhaân-quaû trong suoát thôøi gian: quaù khöù, hieän taïi vaø töông lai. Luaät Nhaân-quaû chöùng minh qua thôøi gian voâ haïn ñònh vaø trong phaïm vi tinh thaàn aáy, ñöùc Phaät goïi baèng moät caùi teân chung laø “Luaân-hoài”. Noùi moät caùch khaùc, Luaân-hoài laø Nhaân-quaû lieân tuïc trong phaïm vi tinh thaàn.

Ñaõ tin Nhaân-quaû taát nhieân khoâng theå phuû nhaän Luaân -hoài.Vì theá, ngaøy nay treân theá giôùi, khoâng phaûi chæ coù tín ñoà Phaät giaùo môùi tin lyù Nhaân-quaû Luaân-hoài, maø caùc nhaø thoâng thaùi AÂu-myõ cuõng ñaõ laõnh naïp giaùo lyù aáy.Trong caùc baùo chí vaø saùch vôû ôû caùc naêm chaâu, vaán ñeà Nhaân-quaû Luaân-hoài ñaõ ñöôïc ñem ra nghieân cöùu moät caùch ñöùng ñaén vaø chaân thaønh.

ÔÛ Vieät Nam, vaán ñeà naøy khoâng xa laï gì vôùi ñoäc giaû, nhaát laø ñoái vôùi ñoäc giaû Phaät töû, thì laïi caøng quen thuoäc. Tuy theá vaán ñeà Nhaân-quaû Luaân-hoài, moät vaán ñeà caên baûn trong giaùo lyù nhaø Phaät, noùi bao nhieâu vaãn thaáy coøn boå ích.

Vì nhaän thaáy söï quan troïng cuûa vaán ñeà naøy, neân Thöôïng toïa THIEÄN HOA ñaõ soaïn laïi nhöõng baøi giaûng cuûa Thöôïng toïa, saép ñaët laïi thaønh heä thoáng trong taäp saùch naøy vaø laáy nhan ñeà chung laø : “ Nhaân-quaû Luaân-hoài

Ñaëc ñieåm cuûa taäp saùch naøy laø söï trình baøy raát saùng suûa, phoå thoâng vaø khoa hoïc.

Vôùi ñaëc ñieåm treân, chuùng toâi tin chaéc raèng taäp saùch nhoû naøy seõ oån ñònh ñöôïc tinh thaàn nhöõng ai ñang baên khoaên, thaéc maéc veà vaán ñeà soáng cheát, veà yù nghóa cuûa cuoäc ñôøi, vaø seõ gaây theâm loøng tin töôûng vöõng chaéc cho haøng Phaät töû vaø giuùp theâm haêng haùi trong vieäc tu haønh ñeå choùng thoaùt khoûi caûnh sanh töû Luaân-hoài.

Vôùi loøng tin töôûng aáy, chuùng toâi haân haïnh xin giôùi thieäu taäp saùch nhoû naøy vôùi toaøn theå quyù vò ñoäc giaû thaân meán.

KÍNH

NHAØ XUAÁT BAÛN HÖÔNG ÑAÏO

Saøi goøn, ngaøy 21-8-60



ÑAËT VAÁN ÑEÀ

ø ø ø

T

rong coõi moâng lung, voâ cuøng voâ taän cuûa trôøi ñaát, con ngöôøi thaät beù nhoû, nhö moät hoøn soûi, nhö moät hoät caùt; trong caùi vónh vieãn khoâng ñaàu khoâng cuoái cuûa thôøi gian, con ngöôøi xuaát hieän vaø maát ñi nhanh nhö aùnh saùng chôït ñoû, chôït taét cuûa con ñom ñoùm, nhö aùnh saùng cuûa moät laøn chôùp. Nhöng khoå thay, con ngöôøi beù nhoû vaø choùng tan bieán aáy laïi mang trong ñaàu oùc nhöõng caâu hoûi quaù to lôùn: “Ta töø ñaâu ñeán ñaây ? Ta ñeán ñaây ñeå laøm gì? Ñeán ñaây roài ta seõ chaám döùt cuoäc haønh trình sau hôi thôû cuoái cuøng ôû ñaây, hay coøn tieáp tuïc ñi nöõa? Ñi daâu? Ñi hay veà? Ñi theo moät con ñöôøng thaúng hay ñöôøng cong? Ñi xuoáng hay ñi leân?” Quaù khöù ñaõ khoâng hay; töông lai cuõng seõ khoâng bieát; coøn hieän taïi thì quaù ngaén nguûi phuø du!

Vaø than oâi! Ngay trong caùi hieän taïi ngaén nguûi aáy, cuõng ñaõ chöùa ñöïng khoâng bieát bao nhieâu söï baát coâng, voâ lyù:

"Taïi sao ngöôøi aáy ñeïp maø ta xaáu? Ngöôøi kia giaøu maø ta ngheøo? ngöôøi aáy söôùng maø ta khoå? Taïi sao coù ngöôøi cheát yeåu, coù ngöôøi soáng laâu? Coù ngöôøi thoâng minh, coù ngöôøi ngu muoäi? coù ngöôøi hieàn löông, coù keû aùc ñoäc?”

“Taïi sao vaø taïi sao!”. Bao nhieâu caâu hoûi xoay tít trong ñaàu, nhö nhöõng caùi chong choùng, gaàm theùt keâu gaøo, ñoøi hoûi, laøm cho ngöôøi ta ñieân ñaàu, loän naõo. Ñeå chaám ñöùt söï hoaønh haønh cuûa nhöõng caâu hoûi aáy, coù ngöôøi ñaõ tìm caùch chaám döùt ñôøi mình vôùi thuoác ñoäc; coù ngöôøi laån traùnh trong thuoác phieän, trong röôïu noàng deâ beùo, trong soùng maét laøn moâi…

Ñeå cho khoeû naõo, coù ngöôøi töï baûo moïi söï vaät ñeàu do yù Trôøi saép ñaët; coù ngöôøi baûo laø do moät maõnh löïc tieàn ñònh, coù ngöôøi baûo laø do söï may ruûi trôù treâu, khoâng coù nguyeân do,luaät leä gì caû.

Nhöng nhöõng caâu giaûi ñaùp göôïng gaïo treân, khoâng laøm thoaû maõn ñöôïc nhöõng taâm hoàn thieát tha muoán tìm hieåu söï thaät:

Baûo raèng do yù moät vò Thaàn saép ñaët thì yù vò Thaàn aáy thaät maâu thuaãn, phi lyù, ñoäc taøi. Xöa, ñöùc Phaät ñaõ noùi nhö sau ñaây, khi ñeàø caëp ñeán thaàn Brahma:

-"Ngöôøi ñaõ chöùng kieán bao söï ñau khoå ôû tröôùc maét, taïi sao khoâng laøm cho chuùng sanh ñöôïc an vui? Neáu ngöôøi aáy coù nhieàu thaàn löïc, taïi sao khoâng duøng thaàn löïc ñeå cöùu ñoä chuùng sanh? Taïi sao nhöõng con cuûa ngöôøi aáy laïi phaûi chòu laém ñieàu khoå sôû? Taïi sao ngöôøi aáy khoâng ban phöôùc laønh ñeán cho con hoï? Taïi sao nhöõng xaûo quyeät, giaû doái meâ laàm vaãn toàn taïi maõi maõi? Taïi sao gian xaûo caøng ngaøy caøng taêng tieán, coøn chaân lyù vaø coâng baèng laïi phaûi lu môø? Ta xem thaàn Brahma nhö moät ngöôøi voâ cuøng baát coâng ñoái vôùi keû bò sanh ra trong theá giôùi ñaày daãy nhô baån, xaáu xa naøy”.(kinh Bhuõcidatta Jataka)

Neáu baûo raèng moïi söï vaät ôû ñôøi ñeàu do moät söùc maïnh tieàn ñònh, chi phoái taát caû, thì thöû hoûi söùc maïnh aáy laø söùc maïnh gì? Cuûa ai? Coù saùng suoát hay muø quaùng? Neáu khoâng giaûi ñaùp ñöôïc nhöõng caâu hoûi phuï thuoäc aáy, maø cöù quyeát ñoaùn nhö theá, thì thaät laø quaù noâng noåi.

Coøn neáu baûo raèng söï hieän höõu cuûa coõi ñôøi naøy, khoâng do moät nguyeân nhaân gì caû, thì thaät laø voâ cuøng phi lyù! Vì chuùng ta haõy nhìn chung quanh ta, coù moät caùi gì sinh ra maø khoâng coù nguyeân nhaân khoâng?

Rieâng noùi veà sanh maïng con ngöôøi, coù hai quan nieäm thoâng thöôøng traùi ngöôïc nhau:

Quan nieäm chaáp ñoaïn, cho raèng con ngöôøi chæ coù moät ñôøi trong hieän taïi, trong khoaûng moät traêm naêm; ñeán khi nhaém maét xuoâi tay, thaân theå tan ra tro buïi vaø kieán vaên, tri giaùc cuõng khoâng coøn gì heát. Cheát laø heát, laø hoaøn toaøn maát haún.

Quan nieäm chaáp thöôøng, cho raèng linh hoàn baát töû; sau khi cheát, thaân theå tan raõ, nhöng linh hoàn thöôøng coøn maõi maõi, seõ leân coõi Thieân ñöôøng ñeå thoï höôûng vónh vieãn nhöõng söï an vui khoaùi laïc (neáu trong ñôøi hieän taïi aên ôû hieàn löông) hay seõ bò ñoïa xuoáng ñòa nguïc chòu khoå maõi maõi(neáu trong ñôøi hieän taïi laøm nhieàu ñieàu toäi loãi).

Hai quan nieäm treân naøy ñeàu khoâng ñuùng!

Cheát laø maát haún! Sao laïi maát haún ñöôïc? Haõy nhìn chung quanh chuùng ta coù caùi gì maát haún ñaâu? Moät hoät caùt, moät maûy loâng coøn khoâng theå maát haún ñöôïc, huoáng chi con ngöôøi laø moät sinh vaät coù khaû naêng tri giaùc nhaát trong chuùng sanh?

Nhöng baûo raèng linh hoàn laø thöôøng coøn, ôû maõi treân thieân ñöôøng hay döôùi ñòa nguïc cuõng khoâng ñuùng. Söï nhaän xeùt thoâng thöôøng cho chuùng ta thaáy raèng, trong vuõ truï, khoâng coù moät caùi gì coù theå vónh vieãn vaø ôû yeân moät choå, moïi söï vaät ñeàu bieán ñoåi xeâ dòch. Vaû laïi coù gì baát coâng hôn laø chæ vì nhöõng caùi nhaân ñaõ gieo trong moät ñôøi hieän taïi ngaén nguûi, maø phaûi chòu caùi quaû vónh vieãn toát hay xaáu trong töông lai.

Cho neân nhöõng loaïi giaûi ñaùp noùi treân, ñeàu khoâng theå ñöùng vöõng ñöôïc tröôùc aùnh saùng lyù luaän.

Nhöõng vaán ñeà treân naøy, giaùo lyù nhaø Phaät ñaõ giaûi ñaùp moät caùch roõ raøng, khuùc chieát, maïch laïc. Nhöõng lôøi giaûi ñaùp naøy khoâng döïa vaøo oai löïc cuûa thaàn quyeàn, khoâng döïa vaøo nhöõng tín ñieàu ñoäc ñoaùn, cuõng khoâng döïa vaøo trí töôûng töôïng mô hoà, maø baèng cöù vaøo nhöõng nhaän xeùt xaùc ñaùng trong hieän caûnh nhöõng caùi tai nghe maét thaáy, nhöõng ñieàu coù theå chöùng nghieäm ñöôïc. Ñöùc Phaät bao giôø cuõng döïa treân thöïc teá ñeå laäp luaän, vì theá, maëc duø nhöõng lôøi daïy cuûa Ngaøi ñaõ noùi ra treân hai ngaøn naêm traêm naêm roài, maø baây giôø vaãn coøn ñuùng ñaén vaø voâ cuøng giaù trò; coù ñuû naêng löïc laøm thoûa maõn söï khaùt khao hieåu bieát cuûa nhöõng ai boaên khoaên ñi tìm chaân lyù vaø yù nghóa cuûa cuoäc ñôøi.

Trong taäp saùch nhoû naøy, chuùng toâi khoâng coù tham voïng giaûi ñaùp taát caû nhöõng vaán ñeà troïng ñaïi, haøm chöùa trong nhöõng chöõ “sieâu hình”, “vuõ truï quan”, “nhaân sinh quan”v..v…chuùng toâi chæ xin trình baøy caùi kieáp soáng cuûa con ngöôøi, qua thôøi gian vaø khoâng gian, nhöõng nguyeân nhaân vaø keát quaû ñaõ taïo cho moãi ngöôøi moät hoaøn caûnh gioáng nhau hay khaùc nhau; ñoàng thôøi chuùng toâi seõ giaûi ñaùp moät soá nhöõng thaéc maéc coù lieân quan maät thieát ñeán kieáp ngöôøi.

Trong khi trình baøy, chuùng toâi seõ giöõ moät thaùi ñoä hoaøn toaøn khaùch quan vaø neâu leân nhöõng baèng chöùng cuï theå, coù theå nhaän xeùt ñöôïc roõ raøng, chöù khoâng döïa vaøo nhöõng tín ñieàu ñoäc ñoaùn hay möôïn uy löïc cuûa thaàn quyeàn ñeå baét ñoäc giaû phaûi cuùi ñaàu tin theo.

 

 

 

 

 

 

 

CHÖÔNG MOÄT

LUAÄT NHAÂN-QUAÛ

I.- ÑÒNH NGHÓA

1/ Luaät.- Coù ngöôøi cho raèng ñaõ goïi laø luaät thì taát phaûi coù moät ñaáùng Thieâng-lieâng naøo, ngöôøi naøo, hay xaõ hoäi ñaët ra. Quan nieäm naøy coù nghóa heïp hoøi vaø noâng caïn. Luaät ôû ñaây laø luaät thieân nhieân, luaät töï nhieân, noù bao truøm caû vuõ truï, vaïn vaät, chöù khoâng naèm trong phaïm vi cuûa loaøi ngöôøi, hay trong moät xaõ hoäi naøo. Ngöôøi ta coù theå khaùm phaù ra luaät aáy, chöù khoâng theå ñaët ra luaät aáy ñöôïc. Ñöùc Phaät, maëc duø laø moät Ñaáng Giaùc-Ngoä, cuõng khoâng ñaët ra luaät aáy, Ngaøi chæ laø ngöôøi ñaõ duøng trí hueä saùng suoát cuûa mình, ñeå vaïch cho moïi ngöôøi thaáy roõ raøng caùi luaät Nhaân-quaû ñang ñieàu haønh trong vuõ truï maø thoâi.

2/. Nhaân-quaû – Nhaân laø nguyeân nhaân. Quaû laø keát quaû. Nhaân laø caùi haït, Quaû laø caùi traùi do haït aáy phaùt sinh. Nhaân laø naêng löïc phaùt ñoäng,Quaû laø söï hình thaønh cuûa naêng löïc phaùt ñoäng aáy. Nhaân-quaû laø moät ñònh luaät taát nhieân, coù töông quan maät thieát vôùi nhau vaø chi phoái taát caû moïi söï moïi vaät.

II.-NHÖÕNG ÑAËC TÍNH CUÛA LUAÄT NHAÂN-QUAÛ

1.- Nhaân-quaû laø moät ñònh luaät naèm trong lyù nhaân duyeân.- Nhaân-quaû laø moät ñònh luaät, môùi ngoù thì raát giaûn dò, nhöng neáu ñi saâu vaøo söï vaät ñeå nghieân cöùu thì laïi caøng thaáy phöùc taïp, khoù khaên. Trong vuõ truï moïi söï vaät khoâng phaûi ñôn thuaàn taùch rôøi töøng moùn, maø coù lieân quan maät thieát vôùi nhau, xoaén laáy nhau, ñan laáy nhau, aûnh höôûng laãn nhau, töông phaûn nhau, thöøa tieáp nhau. Ñeå noùi ñuùng traïng thaùi chaèng chòt giöõa söï vaät, ñaïo Phaät thöôøng duøng danh töø "Nhaân Duyeân", nghóa laø moïi söï, moïi vaät coù ra laø nhôø duyeân vôùi nhau, nöông vaøo nhau, hay töông phaûn nhau maø thaønh, chöù khoâng coù moät caùi naøo ñöùng bieät laäp ñöôïc. Trong söï phöùc taïp cuûa söï vaät aáy, tìm ra ñöôïc caùi nhaân chaùnh cuûa quaû, hay caùi quaû chính cuûa nhaân, khoâng phaûi laø vieäc deã. Do ñoù maø nhieàu ngöôøi khoâng quen suy nghó tìm toøi saâu xa, sanh ra nghi ngôø thuyeát “Nhaân-quaû”. Thí duï : haït luùa coù theå laøm nhaân cho nhöõng cheïn luùa vaøng laø quaû trong muøa gaët sau, neáu ngöôøi ta ñem gieo noù xuoáng ñaát; nhöng noù cuõng coù theå laøm cho ngöôøi ta no buïng, bieán thaønh maùu thaønh thòt trong cô theå vaø thaønh phaân boùn cho caây coû, neáu chuùng ta ñem naáu noù ñeå maø aên. Nhö theá moät nhaân chính coù theå thaønh ra quaû naøy hay quaû khaùc, neáu nhöõng nhaân phuï khaùc nhau: muoán haït luùa ôû muøa naøy thaønh cheïn luùa ôû muøa sau, thì phaûi coù ñaát, coù nöôùc coù aùnh saùng, coù khoâng khí, coù thôøi gian, coù nhaân coâng; muoán noù thaønh maùu huyeát thì phaûi naáu, phaûi aên, phaûi coù boä maùy tieâu hoùa. Cho neân, khi noùi Nhaân-quaû laø taùch rieâng söï vaät ra khoûi caùi chung cuøng toaøn theå cuûa vuõ truï, laáy moät khía caïnh naøo ñoù, ñeå deã quan saùt, nghieân cöùu, chöù muoán noùi cho ñuùng thì phaûi duøng hai chöõ “Nhaân-Duyeân”. Cuõng nhö moät nhaø khoa hoïc, khi muoán nghieân cöùu moät boä phaän naøo trong cô theå, khu bieät, caét xeùn boä phaän aáy ra khoûi cô theå, ñeå nghieân cöùu cho deã, chöù thaät ra boä phaän aáy khoâng phaûi bieät laäp, maø traùi laïi coù lieân quan maät thieát ñeán toaøn caû cô theå.

2.- Moät nhaân khoâng theå sinh ra quaû

Nhö chuùng ta ñaõ thaáy ôû ñoaïn treân, söï vaät trong vuõ truï naøy ñeàu laø söï toå hôïp cuûa nhieàu Nhaân duyeân. Cho neân khoâng coù moät nhaân naøo coù theå töï taùt thaønh keát quaû ñöôïc, neáu khoâng coù söï giuùp ñôõ cuûa nhieàu nhaân khaùc. Noùi raèng haït luùa sanh ra caây luùa, laø noùi moät caùch giaûn dò cho deã hieåu, chöù thaät ra haït luùa khoâng theå sinh ra gì ñöôïc caû; neáu ñeå noù moät mình giöõa khoaûng troáng khoâng, thieáu khoâng khí, aùnh saùng, ñaát, nöôùc, nhaân coâng.

Cho neân, khi nghe ai tuyeân boá raèng moïi vaät ñeàu do moät nhaân sinh ra, hay moät nhaân coù theå sinh ra vaïn vaät; ta coù theå chaéc chaén raèng ngöôøi aáy noùi sai.

3.- Nhaân theá naøo thì quaû theá aáy.- Neáu ta muoán coù quaû cam thì ta phaûi öông haït gioáng cam; neáu ta muoán coù haït ñaäu thì ta phaûi gieo gioáng ñaäu. Khoâng bao giôø ta troàng cam maø laïi thaáy ñaäu, hay troàng ñaäu maø laïi ñöôïc cam. Ngöôøi hoïc ñaøn thì bieát ñaøn, ngöôøi hoïc chöõ thì bieát chöõ. Noùi moät caùch khaùc, nhaân vôùi quaû bao giôø cuõng ñoàng moät loaïi vôùi nhau. Heå nhaân ñoåi thì quaû cuõng ñoåi. Neáu nhaân ñoåi ít thì quaû cuõng ñoåi ít, neáu nhaân ñoåi nhieàu thì quaû cuõng ñoåi nhieàu.

Quaû coøn tuøy thuoäc ôû nhöõng duyeân phuï, maø trong ñaïo Phaät goïi laø taêng-thöôïng-duyeân hay trôï-duyeân. Thí duï : Haït luùa laø nhaân; ñaát, nöôùc, khoâng khí, aùnh saùng, nhaân coâng laø trôï duyeân. Neáu troàng luùa maø thieáu nöôùc thì haït luùa bò xeáp. Khi chuùng ta muoán coù nhöõng traùi cam thaät to, chuùng ta haõy gheùp caùc muït caây cam vaøo goác caây böôûi. Vaäy caùi keát quaû toát ñeïp laø nhöõng traùi cam to lôùn, maø coøn do goác böôûi nöõa. Cho neân khi chuùng ta muoán coù caùi keát quaû nhö theá naøo ñoù, thì phaûi hoäi cho ñuû ñieàu kieän, nghóa laø cho ñuû nhaân duyeân, thì keát quaû môùi ñöôïc nhö yù ta mong muoán. Coù nhieàu ngöôøi muoán ñöôïc keát quaû nhö theá naày, nhöng laïi khoâng hoäi ñuû nhaân duyeân nhö theá aáy, neân keát quaû ñaõ sai khaùc vôùi yù mong muoán cuûa mình, vaø do ñoù, hoï ñaâm ra nghi ngôø söï ñuùng ñaén cuûa luaät "Nhaân-quaû".

4- Trong nhaân coù quaû, trong quaû coù nhaân- Chính trong nhaân hieän taïi ñaõ coù haøm chöùa caùi quaû vò lai; cuõng chính trong quaû hieän taïi ñaõ coù hình boùng cuûa nhaân quaù khöù. Moät söï vaät maø ta goïi laø nhaân, laø khi noù chöa bieán chuyeån, hình thaønh ra caùi quaû maø ta quan nieäm; moät söï vaät maø ta goïi laø quaû laø khi noù bieán chuyeån hình thaønh ra traïng thaùi maø ta ñaõ quan nieäm. Moät vaät ñeàu coù nhaân vaø coù quaû: ñoái vôùi quaù khöù thì noù laø quaû, nhöng ñoái vôùi töông lai thì noù laø nhaân. Nhaân vaø quaû ñaáp ñoåi nhau, tieáp noái nhau khoâng bao giôø döùt. Nhôø söï lieân tuïc aáy, maø trong moät hoaøn caûnh naøo, ngöôøi ta cuõng coù theå ñoaùn bieát quaù khöù vaø töông lai cuûa moät söï vaät hay moät ngöôøi. Trong kinh thöôøng noùi: “Duïc tri tieàn theá nhaân, kim sanh thoï giaû thò; yeáu tri lai theá quaû, kim sanh taùc giaû thò” ( muoán bieát caùi nhaân ñôøi tröôùc , thì cöù xem quaû ñôøi nay ñöông thoï. Muoán bieát caùi quaû veà sau theá naøo, thì cöù xeùt caùi nhaân ñang taùc ñoäng trong hieän taïi). Cuõng nhö thaáy trong kho laãm, naêm nay coù chöùa luùa (quaû) thì bieát naêm vöøa qua coù laøm ruoäng (nhaân). Coøn muoán bieát sang naêm trong laãm coù luùa khoâng (quaû) thì cöù xem naêm nay coù laøm ruoäng hay khoâng (nhaân) (tröø tröôøng hôïp boû tieàn ra mua luùa non, thì khoâng keå).

5.- Söï phaùt trieån mau vaø chaäm töø nhaân ñeán quaû .- Söï bieán chuyeån töø nhaân ñeán quaû coù khi mau khi chaäm, chöù khoâng phaûi bao giôø cuõng dieãn tieán trong moät thôøi gian ñoàng ñeàu.

Coù nhöõng nhaân vaø quaû xaûy ra keá tieáp nhau , theo lieàn nhau, nhaân vöøa phaùt khôûi thì quaû ñaõ xuaát hieän. Nhö khi ta vöøa ñaùnh xuoáng maët troáng (nhaân) thì tieáng troáng lieàn phaùt ra (quaû), hay khi hai luoàng ñieän aâm vaø döông vöøa gaëp nhau, thì aùnh saùng lieàn böøng leân.

Coù khi ñaõ gaây roài, nhöng phaûi ñôïi moät thôøi gian, quaû môùi hình thaønh, nhö töø khi gieo haït gioáng cho ñeán luùc gaët luùa, caàn phaûi coù moät thôøi gian ít nhaát laø boán thaùng.

Coù khi töø nhaân ñeán quaû caùch nhau töøng chuïc naêm, nhö ñöùa beù môùi caép saùch ñi hoïc cho ñeán ngaøy thaønh taøi, phaûi qua moät thôøi gian ít nhöùt laø möôøi naêm.

Coù khi caàn ñeán moät vaøi traêm naêm, hay nhieàu hôn nöõa, quaû môùi xuaát hieän, chaúng haïn nhö töø yù nieäm giaønh ñoäc laäp cuûa moät quoác gia ñeán khi thöïc hieän ñöôïc neàn ñoäc laäp aáy, caàn phaûi traûi qua bao theá kyû.

Vì lyù do mau chaäm trong söï phaùt hieän cuûa caùc quaû, chuùng ta khoâng neân noùng naûy haáp taáp maø cho raèng caùi luaät Nhaân-quaû khoâng hoaøn toaøn ñuùng, khi thaáy coù nhöõng caùi nhaân chöa phaùt sinh ra quaû .

III- PHAÂN TÍCH HAØNH TÖÔÙNG CUÛA
NHAÂN-QUAÛ TRONG THÖÏC TEÁ

Nhö caùc ñoaïn treân ñaõ noùi, nhaân-quaû chi phoái taát caû vuõ truï vaïn höõu, khoâng coù moät vaät gì, söï gì, ñoäng vaät hay thöïc vaät, vaät chaát hay tinh thaàn, thoaùt ra ngoaøi luaät nhaân-quaû ñöôïc.

Ñeán ñaây, ñeå coù moät quan nieäm roõ raøng veà luaät nhaân-quaû, chuùng ta haõy tuaàn töï phaân taùch haønh töôùng cuûa nhaân-quaû trong caùc chuûng loaïi naèm trong vuõ truï:

1.- Nhaân–quaû trong nhöõng vaät voâ tri voâ giaùc. – Nöôùc bò löûa ñoát thì noùng , bò gioù thoåi thì thaønh soùng, bò laïnh thì ñoâng laïi. Naéng laâu ngaøy thì ñaïi haïn, möa nhieàu thì luït, gioù nhieàu thì sanh baõo.

2.- Nhaân–quaû trong caùc loaøi thöïc vaät.- Haït cam thì sanh caây cam, caây cam thì sanh traùi cam. Haït ôùt thì sanh caây ôùt, caây ôùt thì sanh traùi ôùt. Noùi moät caùch toång quaùt : gioáng ngoït thì sanh quaû ngoït , gioáng chua thì sanh quaû chua, gioáng ñaéng thì sanh quaû ñaéng, gioáng naøo thì sanh quaû aáy.

3.- Nhaân-quaû trong caùc loaøi ñoäng vaät.- Loaøi chim sanh tröùng ; neáu ta goïi tröùng laø nhaân, khi aáp nôû thaønh con laø quaû ; con chim aáy trôû laïi laøm Nhaân, sanh ra tröùng laø quaû.

Loaøi thuù sanh con, con aáy laø quaû. Con thuù lôùn leân trôû laïi laøm nhaân, sanh ra con laø quaû .

4.- Nhaân-quaû nôi con ngöôøi:

a) Veà phöông dieän vaät chaát.- Thaân töù ñaïi laø do baåm thuï khí huyeát cuûa cha meï, vaø do hoaøn caûnh nuoâi döôõøng. Vaäy cha meï vaø hoaøn caûnh laø nhaân, ngöôøi con tröôûng thaønh laø quaû, vaø cöù tieáp noái vaäy maõi, nhaân sanh quaû, quaû sanh nhaân khoâng bao giôø döùt.

b) Veà phöông dieän tinh thaàn.- Nhöõng tö töôûng vaø haønh vi trong quaù khöù taïo cho ta nhöõng taùnh tình toát hay xaáu, moät neáp soáng tinh thaàn trong hieän taïi; tö töôûng vaø haønh ñoäng quaù khöù laø nhaân, taùnh tình, neáp soáng tinh thaàn trong hieän taïi laø quaû. Taùnh tình vaø neáp soáng naøy laøm nhaân ñeå taïo ra nhöõng tö töôûng vaø haønh ñoäng trong töông lai laø quaû.

Phöông dieän tinh thaàn naøy, hay noùi theo danh töø nhaø Phaät, phöông dieän noäi taâm, laø phaàn quan troïng. Vaäy chuùng ta phaûi ñaëc bieät chuù yù ñeán haønh töôùng cuûa noù.

1- Nhaân-quaû cuûa tö töôûng vaø haønh vi khoâng toát.

a) Tham: Thaáy tieàn cuûa ngöôøi noåi loøng tham lam, sanh ra troäm caép, hoaëc gieát haïi ngöôøi laø nhaân; bò chuû ñaùnh ñaäp hoaëc cheùm gieát, phaûi mang taøn taät, hay bò nhaø chöùc traùch baét giam trong khaùm ñöôøng, chòu nhöõng ñieàu tra taán ñau khoå laø quaû .

b) Saân: Ngöôøi quaù noùng giaän ñaùnh ñaäp vôï con, phaù haïi nhaø cöûa, cheùm gieát ngöôøi khoâng gôùm tay laø nhaân; khi heát giaän, ñau ñôùn nhìn thaáy vôï con bònh hoaïn, nhaø cöûa tieâu tan, luaät phaùp tröøng trò, phaûi chòu nhieàu ñieàu khoå cöïc, laø quaû .

c) Si- meâ: Ngöôøi say meâ saéc duïc, lieãu ngoõ hoa töôøng khoâng coøn bieát söï hay dôû, phaûi traùi, ñoù laø nhaân. Laøm cho gia ñình luûng-cuûng, thaân theå suy nhöôïc, trí tueä u-aùm, laø quaû.

d) Nghi-ngôø: Suoát ñôøi cöù nghi ngôø vieäc naøy ñeán vieäc khaùc, ai noùi gì cuõng khoâng tin, ai laøm gì cuõng khoâng theo, ñoù laø nhaân. Keát cuoäc khoâng laøm neân ñöôïc vieäc gì caû, ñeán khi laâm chung, buoâng xuoâi hai baøn tay traéng, ñoù laø quaû.

e) Kieâu maïn: Töï cho mình laø hôn caû, khinh bæ moïi ngöôøi, chaø ñaïp nhaân phaåm ngöôøi chung quanh, laø nhaân; bò ngöôøi gheùt boû, xa laùnh, soáng moät ñôøi leû loi, coâ ñoäc laø quaû.

f) Nghieän röôïu traø: Chung nhau tieàn baïc aên nhaäu cho ngoûa ngueâ laø nhaân, ñeán luùc say söa, cheùn baùt ngoån ngang , gheá baøn nghieâng ngaû, nhieàu khi raày raø cheùm gieát nhau, laøm nhieàu ñieàu toäi loãi, phaûi bò phaït vaï vaø tuø toäi, laø quaû.

g) Say meâ côø baïc: Thaáy tieàn baïc cuûa ngöôøi muoán hoát veà mình, ñaém ñuoái quanh naêm suoát thaùng theo con baøi laù baïc, laø nhaân; ñeán luùc cuûa heát, nhaø tan, nôï naàn vaây keùo, thieáu tröôùc huït sau, laø quaû.

2.- Nhaân-quaû cuûa tö töôûng vaø haønh vi toát.- Nhö treân chuùng ta ñaõ thaáy, nhöõng tö töôûng haønh vi xaáu xa, taïo cho con ngöôøi nhöõng haäu quaû ñen toái, nhuïc nhaõ, khoå ñau nhö theá naøo, thì nhöõng tö töôûng vaø haønh vi ñeïp ñeõ taïo cho con ngöôøi nhöõng haäu quaû xaùn laïn, vinh quang vaø an vui cuõng nhö theá aáy .

Ngöôøi khoâng coù taùnh tham lam, boûn xeûn thì taát khoâng bò cuûa tieàn troùi buoäc, taát ñöôïc thaûnh thôi. Ngöôøi khoâng noùng giaän, taát ñöôïc soáng trong caûnh hieàn hoøa, gia ñình eâm aám; ngöôøi khoâng si meâ theo saéc duïc, taát ñöôïc gia ñình kính neå, vôï con quí chuoäng, trí tueä saùng suoát, thaân theå traùng kieän; ngöôøi khoâng hay ngôø vöïc, coù ñöùc tin, thì haêng haùi trong coâng vieäc, ñöôïc ngöôøi chung quanh tin caäy, vaø deã thaønh töïu trong ñöôøng ñôøi; ngöôøi khoâng ngaïo maïn thì ñöôïc baïn beø quí chuoäng, nieàm nôû tieáp ñoùn, taän taâm giuùp ñôõ khi mình gaëp tai bieán. Ngöôøi khoâng röôïu cheø, côø baïc thì khoâng ñeán noãi tuùng thieáu, baø con quen bieát kính neå, yeâu vì…Nhöõng ñieàu treân naøy, töôûng khoâng caàn phaûi noùi nhieàu, quí ñoäc giaû cuõng thöøa bieát. Haèng ngaøy, quanh chuùng ta, nhöõng caûnh töôïng nhaân vaø quaû aáy dieãn ra khoâng ngôùt. Môû moät tôø baùo haèng ngaøy ra, chuùng ta thaáy ngay nhöõng baøi hoïc nhaân-quaû: tröôùc vaønh moùng ngöïa keû naøy bò hai naêm tuø vì toäi aên troäm; keû kia gieát ngöøôi cöôùp cuûa bò leân maùy cheùm; keû noï say meâ côø baïc thuït keát bò tòch bieân gia saûn; coâ kia ngoaïi tình bò choàng cheùm v.v…

Noùi moät caùch toång quaùt, veà phöông dieän vaät chaát cuõng nhö tinh thaàn, ngöôøi ta gieo thöù gì thì gaët thöù aáy. Ngöôøi Phaùp coù caâu: Moãi ngöôøi laø con ñeû cuûa coâng nghieäp mình” (chacun est le fils de son oeuvre)

VI -LÔÏI ÍCH DO SÖÏ HIEÅU BIEÁT NHAÂN-QUAÛ ÑEM LAÏI CHO CHUÙNG TA

Khi chuùng ta ñaõ bieát roõ luaät Nhaân-quaû, nhöng neáu chuùng ta khoâng ñem noù ra öùng duïng trong ñôøi soáng cuûa chuùng ta, thì söï hieåu bieát aáy trôû thaønh voâ ích. Cho neân chuùng ta ñaõ hieåu luaät nhaân-quaû, thì phaûi coá gaéng thöïc haønh cho ñöôïc baøi hoïc aáy trong moïi tröôøng hôïp. Neáu chuùng ta bieát ñem luaät nhaân-quaû laøm moät phöông chaâm haønh ñoäng vaø suy luaän, thì chuùng ta seõ thu löôïm ñöôïc raát nhieàu lôïi ích :

1. Luaät Nhaân-quaû traùnh cho ta nhöõng meâ tín dò ñoan, nhöõng tin töôûng sai laàm vaøo thaàn quyeàn. –Luaät Nhaân-quaû cho chuùng ta thaáy ñöôïc thöïc traïng cuûa söï vaät, khoâng coù gì laø mô hoà, bí hieåm. Noù veùn leân taát caû nhöõng caùi maøn ñen toái, phænh phôø cuûa meâ tín, dò ñoan ñang bao truøm söï vaät. Noù cuõng phuû nhaän luoân caùi thuyeát chuû tröông vaïn vaät do moät vò Thaàn sinh ra vaø coù uy quyeàn thöôûng phaït muoân loaøi. Do ñoù, ngöôøi hieåu roõ luaät nhaân-quaû seõ khoâng ñaët sai loøng tin töôûng cuûa mình, khoâng caàu xin moät caùch voâ ích, khoâng yû laïi thaàn quyeàn, khoâng lo sôï hoang mang.

2. Luaät Nhaân-quaû ñem laïi loøng tin töôûng vaøo chính con ngöôøi -.Khi ñaõ bieát cuoäc ñôøi mình laø do nghieäp nhaân cuûa chính mình taïo ra, mình laø ngöôøi thôï töï xaây döïng ñôøi mình, mình laø keû saùng taïo, maø khoâng tin töôûng ôû mình thì coøn tin töôûng ôû ai nöõa ? Loøng töï tin aáy laø moät söùc maïnh voâ cuøng quí baùu, laøm cho con ngöôøi daùm hoaït ñoäng, daùm hy sinh , haêng haùi laøm ñieàu toát, vì nhöõng haønh ñoäng toát ñeïp aáy , hoï bieát seõ laø nhöõng caùi nhaân quí baùu ñem laïi nhöõng keát quaû ñeïp ñeõ.

3. Luaät Nhaân–quaû laøm cho chuùng ta khoâng chaùn naûn, khoâng traùch moùc- Ngöôøi hay chaùn naûn, hay traùch moùc laø vì ñaõ ñaët sai loøng tin cuûa mình, laø vì ñaõ coù thoùi quen yû laïi ôû keû khaùc, laø vì ñaõ höôùng ngoaïi. Nhöng khi ñaõ bieát mình laø ñoäng löïc chính, laø nguyeân nhaân chính cuûa moïi thaát baïi hay thaønh coâng, thì coøn chaùn naûn traùch moùc ai nöõa? Ñaõ bieát mình laø quan troïng nhö theá chæ coøn lo töï söõa mình, lo thoâi gieo nhaân xaáu ñeå khoûi phaûi gaët quaû xaáu, thoâi taïo gioáng aùc ñeå khoûi mang quaû aùc .

V- MOÄT THAÙI ÑOÄ CAÀN THIEÁT TRONG KHI AÙP DUÏNG LUAÄT NHAÂN-QUAÛ : NGHÓ ÑEÁN QUAÛ TRÖÔÙC KHI GAÂY NHAÂN

Chuùng ta ñaõ thaáy roõ nhöõng lôïi ích do söï hieåu bieát luaät nhaân-quaû ñem laïi cho moãi chuùng ta, ñeán ñaây chuùng toâi muoán daønh rieâng moät ñoaïn, ñeå nhaán maïnh vaøo moät ñieåm voâ cuøng quan troïng, maø neáu chuùng ta bieát trieät ñeå khai thaùc trong khi aùp duïng luaät nhaân-quaû, thì lôïi ích seõ voâ cuøng roäng lôùn . Ñoù laø: trong moïi haønh ñoäng cuûa chuùng ta, bao giôø cuõng neân nghó ñeán quaû, maø khoâng troàng nhaân. Nhöõng ngöôøi khoâng nghó ñeán quaû maø cöù gieo nhaân böøa baõi, thì theá naøo cuõng gaët nhieàu tai hoïa, gaây taïo cho mình nhöõng ñieàu phieàn phöùc, coù khi laøm ung ñoäc caû cuoäc ñôøi, caû söï soáng. Chæ coù nhöõng ngöôøi noâng noãi, lieàu lónh môùi khoâng nghó ñeán ngaøy mai, môùi soáng qua ngaøy. Chöù nhöõng ngöôøi saùng suoát laøm vieäc coù keá hoaïch khoân ngoan, thì bao giôø cuõng nhaèm caùi ñích , roài môùi ñi tôùi, hình dung roõ raøng caùi quaû roài môùi troàng nhaân.

Caâu chuyeän treân ñaây coù theå chöùng minh moät caùch huøng hoàn yù nghóa noùi treân:

Xöa coù moät vò Hieàn giaû neâu ôû giöõa chôï moät taám baûng nhö sau :

Ai chòu traû moät ngaøn löôïng vaøng ,

Toâi seõ baùn cho moät baøi hoïc”.

Taám baûng treo ñaõ nhieàu ngaøy maø khoâng ai theøm hoûi ñeán. Moät hoâm, moät vò vua, nhaân ñi daïo chôi ngang qua chôï, troâng thaáy, ñoäng taùnh hieáu kyø, môùi ñeán choã Hieàn giaû, laáy moät ngaøn löôïng vaøng, hoûi mua baøi hoïc aáy.

Sau khi nhaän ñuû soá vaøng, nhaø Hieàn trieát ñöa baøi hoïc ra. Baøi hoïc voûn veïn chæ coù moät caâu giaûn dò nhö sau:

“ Phaøm laøm vieäc gì, tröôùc phaûi xeùt kyõ keát quaû cuûa noù veà sau “.

Caùc quan tuøy tuøng thaáy vaäy xaàm xì vôùi nhau: “Nhaø vua bò gaït! Moät caâu noùi nhö theá, coù hay ho gì ñaâu maø phaûi mua ñeán moät ngaøn löôïng vaøng?”.

Trong luùc ñoù, nhaø vua cuõng phaân vaân, khoâng hieåu baøi hoïc giaûn dò aáy, taïi sao laïi ñaét giaù ñeán theá?

Khi veà cung, nhaø vua cöù suy nghó maõi veà caâu noùi aáy. Trong luùc aáy nhö moïi ñeâm khaùc, trong cung ñeàu coù môû yeán tieäc linh ñình, cung phi myõ nöõ ca haùt suoát ñeâm, ñeå nhaø vua maëc tình vui chôi vôùi töûu saéc. Nhöng hoâm nay, vì bò baøi hoïc cuûa nhaø Hieàn trieát aùm aûnh, baét vua suy nghó :

“ Neáu ta say meâ töûu saéc nhö theá naøy, thì keát quaû seõ ra sao? Thaân theå seõ suy nhöôïc, tinh thaàn tieàu tuïy vaø mau cheát, vieäc trieàu ñình pheá boû, roài seõ ñi ñeán choã maát nöôùc, daân chuùng trôû thaønh noâ leä cho ngoaïi bang, ñôøi ñôøi nhuïc nhaõ vaø khoå ñau!…”

Nhaän thaáy roõ caùi keát quaû xaáu xa nguy hieåm cuûa töûu saéc nhö theá, vua lieàn truyeàn lònh deïp ngay yeán tieäc, ca haùt, vaø baét ñaàu töø ñoù vua lo chænh ñoán laïi nöôùc nhaø, söõa sang binh bò…

Hai naêm sau, moät nöôùc laùng gieàng ñem binh ñeán cöôùp nöôùc, nhaø vua nhôø sôùm giaùc ngoä, lo xaây döïng cho nöôùc ñöôïc huøng cöôøng, neân ñaõ ñuoåi lui ñöôïc quaân giaëc. Baáy giôø nhaø Vua môùi töï baûo:

“Baøi hoïc cuûa nhaø Hieàn trieát quyù giaù laém!

Moät ngaøn löôïng vaøng coøn reû”.

Nhaø vua beøn ra leänh cheùp baøi hoïc aáy, daùn khaép taát caû moïi nôi, cho ñeán maâm côm, cheùn nöôùc cuõng truyeàn khaéc vaøo.

Moät hoâm coù ngöôøi trong hoaøng thaân muoán chieám ñoaït ngoâi vua, neân thueâ quan Ngöï-y moät soá tieàn lôùn ñeå thöøa luùc vua ñau, traùo daâng thuoác ñoäc. Laõnh tieàn xong, quan Ngöï-y sau khi cheá thuoác ñoäc xong, leùn roùt vaøo cheùn, ñònh daâng leân vua uoáng. Nhöng khi nhìn thaáy maáy chöõ khaéc trong cheùn:

Phaøm laøm vieäc gì tröôùc phaûi xeùt kyõ keát quaû cuûa noù veà sau”.

Quan Ngöï-y söïc tænh vaø suy nghó: Toäi thí vua naøy, neáu bò phaùt giaùc ra, seõ bò tru di tam toäc, chöù khoâng phaûi taàm thöôøng”. Quan Ngöï-y sau khi xeùt keát quaû vieäc laøm cuûa mình gôùm gheâ nhö theá, neân ñaõ ñoå cheùn thuoác vaø thuù toäi vôùi nhaø vua. Nhaø vua ñaõ thaáy quan Ngöï-y ñaõ bieát aên naên hoái caûi nhö theá, neân roäng loøng aân xaù vaø coøn ban cho moät soá tieàn baïc to taùt nöõa.

Nhôø baøi hoïc naøy, nöôùc nhaø khoûi maát, daân toäc khoûi laøm noâ leä cho ngoaïi bang, nhaø vua khoûi cheát, neân vua cho baøi hoïc naøy laø vaät baùu voâ giaù.

Vaäy chuùng ta cuõng neân ñem baøi hoïc naøy aùp duïng vaøo moïi coâng vieäc haèng ngaøy cuûa chuùng ta.

Khi chuùng ta ham meâ côø baïc, neân nhôù caùi keát quaû cuûa noù seõ vong gia baïi saûn, thieáu tröôùc huït sau, nôï naàn ñoøi hoûi. Khi laêm le muoán gaàn töûu saéc, haõy xeùt ñeán keát quaû cuûa noù seõ laøm thaân theå hao moøn, ña mang taät beänh, danh giaù choân vuøi. Khi noùng giaän muoán laøm haïi ngöôøi, neân xeùt caùi keát quaû cuûa noù veà sau laø “oan oan töông baùo”, haïi ngöôøi taát seõ bò ngöôøi haïi laïi, khi moùng nieäm tham lam tieàn baïc cuûa caûi cuûa ngöôøi, neân xeùt keát quaû veà sau laø tuø toäi goâng xieàng v…v…

Toùm laïi, neáu chuùng ta bieát ñem baøi hoïc nhaân-quaû naøy maø aùp duïng trong taát caû moïi coâng vieäc haèng ngaøy cuûa ñôøi mình, thì chuùng ta seõ thaáy taùnh tình vaø haønh vi cuûa chuùng ta moãi ngaøy caûi tieán, caùc vieäc saùi quaáy seõ giaûm bôùt, caùc vieäc laønh caøng theâm taêng tröôûng; vaø töø ñòa vò ngöôøi vöôït leân ñòa vò thaùnh, hieàn, khoâng phaûi laø ñieàu khoâng laøm ñöôïc.

 

CHÖÔNG HAI

NGHIEÄP

Ngaøy xöa coù moät gaõ thanh nieân, uaát öùc tröôùc traïng huoáng baát coâng giöõa loaøi ngöôøi, muoán tìm cho ra chaân lyù, neân ñaõ ñeán hoûi Phaät:

- Baïch ñöùc Theá-Toân, ñaâu laø nguyeân nhaân, laø nguoàn goác cuûa söï baát coâng giöõa chuùng sinh? Taïi sao coù keû cheát yeåu, coù ngöôøi soáng laâu, coù keû khoûe maïnh, coù ngöôøi taøn taät, coù keû xaáu xa, coù ngöôøi ñeïp ñeõ, coù keû coâ ñoäc, coù ngöôøi ñoâng con, coù keû ngheøo khoù, coù ngöôøi giaøu sang, coù keû sanh trong gia ñình ñeâ tieän, coù ngöôøi sanh trong doøng doõi quí phaùi, coù keû ngu muoäi, coù ngöôøi khoân ngoan?

Ñöùc Phaät ñaõ traû lôøi vaén taét, nhöng ñaày yù nghóa nhö sau:

- Moãi chuùng sanh ñeàu coù nhöõng haønh vi rieâng ; nhöõng haønh vi aáy laøm moùn quaø gia baûo, laøm vaät di truyeàn, laøm ngöôøi baïn chí thaân, laøm choã nöông töïa cuûa hoï. Chính nhöõng haønh vi aáy laø caùi nghieäp ñaõ laøm cho chuùng sanh khaùc nhau trong caûnh traïng dò ñoàng aáy.

Kinh Atthasaâlissi laïi daïy roõ hôn:

“Do nôi söï khaùc nhau trong nghieäp maø coù nhöõng söï khaùc nhau trong chuùng sanh, keû sanh ra trong gia ñình quyeàn quí, ngöôøi sanh ra trong gia ñình ñeâ tieän; keû sanh ra trong söï nguyeàn ruûa, ngöôøi sanh ra trong söï toân troïng; keû sanh ra ñöôïc höôûng haïnh phuùc, ngöôøi sanh ra phaûi chòu khoå sôû”.

Nhö vaäy thì moïi söï vieäc xaûy ra cho moïi ngöôøi laø do nghieäp caû. Nhöng nghieäp laø caùi gì maø quan troïng ñeán theá?

I.-ÑÒNH NGHÓA

Chöõ nghieäp laø do dòch töø nghóa chöõ Karma trong tieáng Phaïn hay chöõ Kamma trong tieáng Pa-li ra. Dòch aâm laø Kieát-ma. Nghieäp nghóa laø haønh ñoäng, vieäc laøm cuûa thaân, khaåu, yù. Khi chuùng ta nghó moät ñieàu gì, noùi moät caâu gì, laøm moät vieäc gì, laønh hay döõ, xaáu hay toát, nhoû nhaët hay to lôùn, maø coù yù thöùc, ñeàu goïi laø nghieäp. Nhöõng vieäc laøm voâ yù thöùc khoâng phaûi laø nghieäp. Ñöùc Phaät daïy : “Naøy caùc thaày Tyø-kheo, Nhö Lai noùi raèng taùc yù laø nghieäp”. Taùc yù baét nguoàn saâu xa trong voâ minh vaø aùi duïc. Coøn voâ minh, coøn aùi duïc, coøn ham muoán, thì moïi haønh ñoäng, lôøi noùi, tö töôûng ñeàu laø nghieäp.

Nhöõng haønh ñoäng lôøi noùi, tö töôûng cuûa chö Phaät, chö Boà Taùt khoâng goïi laø nghieäp, vì caùc Ngaøi ñaõ giaùc ngoä, khoâng coøn bò vöôùng maéc trong maøn voâ minh vaø löôùi aùi duïc.

II- SÖÏ HÌNH THAØNH CUÛA NGHIEÄP

Trong giai ñoaïn noùi veà luaät Nhaân-quaû, chuùng ta thaáy veà phöông dieän vaät chaát cuõng nhö tinh thaàn, heã coù nhaân thì theá naøo cuõng coù quaû, vaø quaû laïi laøm nhaân ñeå taïo thaønh quaû khaùc. Nhaân-quaû ñaáp ñoåi cho nhau vaø tieáp noái maõi khoâng döùt. Trong phaïm vi con ngöôøi khi môùi taïo ra haønh ñoäng naøo baát luaän baèng thaân, khaåu hay yù thì haønh ñoäng aáy goïi laø nghieäp nhaân. Vang boùng aûnh höôûng cuûa nghieäp nhaân aáy, ñöôïc gieo vaøo trong ruoäng tieàm thöùc, vaø tröôûng thaønh daàn. Khi noù ñuû cô duyeân, vang boùng, aûnh höôûng aáy keát thaønh quaû (nghóa laø phaùt loä ra baèng haønh ñoäng thaân, khaåu, yù khaùc), thì goïi laø nghieäp quaû. Vang boùng aûnh höôûng cuûa nghieäp quaû naøy, ñöôïc gieo vaøo tieàm thöùc ñeå laøm nghieäp nhaân cho nghieäp quaû veà sau. Ruoäng tieàm thöùc chaát chöùa, nuoâi döôõng taát caû nhöõng haït Nhaân vaø quaû aáy, vaø trôû thaønh ruoäng thieän, neáu nhöõng nghieäp nhaân vaø quaû cuûa ngöôøi haønh ñoäng ñeàu thieän; trôû thaønh ruoäng aùc; neáu nghieäp nhaân vaø quaû cuûa ngöôøi aáy ñeàu aùc; hay trôû thaønh ruoäng nöûa thieän nöûa aùc, neáu nhöõng nghieäp nhaân vaø quaû cuûa ngöôøi aáy coù thieän coù aùc. Cuõng nhö khi chuùng ta duøng moät thöûa ruoäng ñeå troàng ñaäu thì chuùng ta coù moät ñaùm ruoäng toaøn ñaäu; khi ta troàng baép thì ta coù moät thöûa ruoäng baép; coøn neáu khi chuùng ta vöøa troàng caû ñaäu laãn baép, thì ta coù moät ñaùm ruoäng baép ñaäu laãn loän

- Moät thí duï khaùc : Moãi nhaø hoaï só ñeàu coù moät taám goã ñeå thöû maøu, troän maøu. Moãi khi toâ maøu gì leân böùc tranh, thì hoaï só laáy maøu ñeå troän hay thöû tröôùc treân taám goã aáy. Neáu hoaï só coù moät taùnh tình noàng nhieät thích maøu ñoû nhieàu hôn caùc maøu khaùc, thì taám goã aáy laâu ngaøy trôû thaønh maøu ñoû; neáu hoaï só coù taùnh tình hieàn dòu, thích maøu xanh hôn caùc maøu khaùc, thì taám goã aáy noåi baät leân maøu xanh. Nhöõng böùc tranh thì hoaï só ñaõ baùn cho ngöôøi khaùc, nhöng taám goã thì luoân luoân coøn laïi beân mình hoaï só vaø khi chæ nhìn vaøo taám goã aáy, ngöôøi ta coù theå ñoaùn bieát hoaï só ñaõ veõ trong nhöõng böùc tranh maøu gì. Cuõng nhö haønh ñoäng, lôøi noùi, tö töôûng cuûa ta tuy ñaõ taûn maùt trong khoâng gian tan bieán trong thôøi gian, maø aûnh höôûng, vang boùng cuûa chuùng coøn laïi trong tieàm thöùc, taïo cho ta moät caù tính rieâng bieät hoaëc hieàn hoaëc döõ, hoaëc sieâng hoaëc nhaùc … Vaø khi nhaän thaáy caù tính cuûa ta, ngöôøi tinh yù coù theå ñoaùn bieát ñöôïc ñaïi khaùi taùnh caùch nhöõng haønh ñoäng cuûa ta trong quaù khöù, cuõng nhö trong töông lai.

OÂng Löông Khaûi Sieâu moät hoïc giaû Trung Hoa, khi baøn veà caùi nghieäp, coù laøm moät thí duï raát coù yù nghóa nhö sau:

- “Hình töôùng cöùu caùnh cuûa nghieäp löïc laø theá naøo ? Quyù vò khoâng nghe caâu chuyeän nhöõng nhaø uoáng traø chuyeân moân sao ? Caùi bình traø caøng cuõ caøng ngon, neáu caùi bình traø aáy xöa nay vaãn cheá traø ngon. Vì sao vaäy ? Laø vì moãi khi pha traø thì trong bình traø coù moät söï thay ñoåi tuy moãi khi uoáng xong, bình xuùc saïch seõ chaúng coøn thaáy gì, nhöng thaät ra coù moät phaàn chaát traø thaám vaøo bình, laàn thöù hai boû traø môùi vaøo, chaát traø laàn tröôùc ñaõ thaám vaøo bình laïi taùc duïng ra laøm cho traø môùi ngon hôn. Cöù theá laàn thöù ba, thöù tö cho ñeán traêm ngaøn laàn, laàn naøo chaát traø cuõ cuõng taùc duïng ra, chaát traø môùi thaám theâm vaøo caøng laâu caøng nhieàu. Luùc baáy giôø, khoâng caàn boû traø, chæ cheá nöôùc soâi (chaúng qua ñöôïc 1 laàn) cuõng vaãn coù muøi vò uoáng ñöôïc. Duøng nha-phieán cuõng theá, ngöôøi nghieän thích duøng doïc taåu cuõ laø vì ñaõ thaám thuoác nhieàu. Chaát traø thaám vaøo bình, chaát thuoác thaám trong doïc taåu, theo danh töø Phaät giaùo coù theå goïi noù laø traø-nghieäp, yeân-nghieäp. Tuy nhieân ñem thí duï nhö theá khoâng hoaøn toaøn ñuùng laø vì moät ñaøng thuoác phieän, traø laø voâ sanh maïng, moät ñaøn ngöôøi coù sanh maïng; duø sao ñöùng veà phöông dieän haønh töôùng cuûa nghieäp, cuõng töông tôï ñöôïc vaøi phaàn (löôïc khaûo Phaät giaùo Aán Ñoä, baûn dòch cuûa Thích Nguyeân Hoàng).

III- SÖÙC MAÏNH VAØ SÖÏ TOÀN TAÏI CUÛA NGHIEÄP

Nghieäp löïc khoâng coù hình töôùng, khoâng ai coù theå troâng thaáy ñöôïc, nhöng noù coù moät taùc duïng voâ cuøng maõnh lieät.

Nhö ñieän löïc, tuy khoâng troâng thaáy ñöôïc hình daùng ôû ñaâu vaø nhö theá naøo, nhöng khi ñaõ ñuû ñieàu kieän thì noù phaùt sinh ra naøo aùnh saùng, naøo söùc noùng, naøo hôi laïnh, naøo söùc maïnh v.v..nghieäp löïc thuùc ñaåy ngöôøi naøy thích hoaøn caûnh naøy, ngöôøi kia thích nghi hoaøn caûnh khaùc. Noù laø noøng coát cuûa moïi tö töôûng moïi lôøi noùi, moïi vieäc laøm. Chuùng ta thöôøng thaáy coù nhieàu ngöôøi quen thoùi ñaùnh baïc, nhieàu laàn thua loã, vôï con khoùc loùc, baïn beø khuyeân baûo, ñaõ quyeát taâm xa con baøi laù baïc nhieàu laàn, theá maø moãi khi laøm gì, cuõng khoâng queân ñöôïc soøng baïc , ñi ñaâu roài cuõng nhaém höôùng nhö Kim–chung, Ñaïi–theá–giôùi maø ñeán! Ngöôøi ta baûo raèng ngöôøi aáy coù nghieäp ñaùnh baïc. Nhöõng ngöôøi nghieän thuoác phieän, röôïu, gaùi cuõng coù caùi nghieäp rieâng cuûa hoï caû. Caøng ñi saâu vaøo moät con ñöôøng naøo, thì caùi nghieäp do con ñöôøng aáy huaân taäp caøng naëng neà, maõnh lieät chöøng naáy.

Nghieäp khoâng phaûi chæ coù söùc maïnh maø coøn toàn taïi dai daúng, khoâng bao giôø chaám döùt, neáu chöa giaùc ngoä. Ñieàu naøy cuõng raát deã hieåu: coù nghieäp nhaân thì taát coù nghieäp quaû, nghieäp quaû khi ñaõ phaùt hieän thì laïi laøm nhaân cho nghieäp quaû sau, cöù xoay vaàn nhö theá maõi, nhö moät baùnh xe laên xuoáng doác, söùc ñaåy cuûa voøng thöù nhaát laøm nhaân cho voøng thöù hai, söùc ñaåy cuûa voøng laên thöù hai laøm nhaân cho voøng laên thöù ba, vaø cöù tieáp tuïc nhö theá maõi cho ñeán bao giôø heát doác môùi döøng nghó.

Nghieäp cuõng naèm trong luaät Nhaân-quaû vaø bò chi phoái cuûa luaät Nhaân-quaû. Trong chöông moät, chuùng ta ñaõ bieát thôøi gian töø khi nhaân phaùt sinh ñeán khi quaû hình thaønh, coù khi nhanh, khi chaäm, thì thôøi gian töø nghòeäp nhaân ñeán nghieäp quaû cuõng coù khi mau khi chaäm, coù khi chæ trong moät ñôøi, coù khi hai ñôøi, coù khi nhieàu ñôøi. Nhöng duø chaäm hay mau, ñaõ gaây nghieäp thì theá naøo cuõng chòu quaû baùo. Kheá kinh coù daïy : “Giaû söû traêm nghìn kieáp, nghieäp nhaân ñaõ laøm cuõng khoâng maát, khi nhaân duyeân hoäi ngoä, thì quaû baùo ñeán “.

IV- CAÙC LOAÏI NGHIEÄP

Ñöùng veà phöông tieän thôøi gian, kinh “ Nhaân-quaû “ coù chia caùc nghieäp nhö sau :

1.- Thuaän hieän nghieäp: Ñôøi nay taïo nghieäp, ñôøi naøy thoï quaû .

2.- Thuaän sinh nghieäp: Ñôøi nay taïo nghieäp, ñôøi sau chòu quaû.

3.-Thuaän haäu nghieäp : Ñôøi nay taïo nghieäp, caùch maáy ñôøâi sau môùi chòu quaû .

4.- Thuaän baát ñònh nghieäp : Nghieäp quaû xaûy ñeán khoâng nhaát ñònh thôøi naøo, coù khi trong ñôøi naøy, coù khi ñôøi sau, coù khi nhieàu ñôøi sau.

Ñöùng veà phöông dieän taùnh chaát, trong caùc kinh thöôøng phaân loaïi caùc nghieäp nhö sau :

1.-Tích luõy nghieäp : laø nhöõng nghieäp taïo taùc trong nhieàu ñôøi tröôùc chaát chöùa laïi.

2.- Taäp quaùn nghieäp: Laø nhöõng nghieäp taïo trong ñôøi hieän taïi, luoân luoân tieáp dieãn, neân thaønh thoùi quen, thaønh taäp quaùn, thaønh neáp soáng rieâng bieät.

3.- Cöïc troïng nghieäp :Laø nhöõng nghieäp quan troïng coù naêng löïc taùc ñoïâng maõnh lieät hôn caû caùc nghieäp khaùc vaø chi phoái taát caû. Noù phaùt hieän nghieäp quaû ngay trong ñôøi hieän taïi, hay trong ñôøi keá tieáâp. Noù coù theå laø keát quaû cuûa nhöõng haønh vi toát ñeïp nhaát nhö haønh vi cuûa keû tu haønh chaân chính , noù cuõng coù theå laø keát quaû cuûa nhöõng haønh vi xaáu xa, voâ ñaïo nhaát nhö toäi nguõ nghòch : gieát cha, gieát meï, gieát A-la-haùn, laøm haïi Phaät vaø chia reõ Taêng chuùng.

4.- Caän Töû Nghieäp : Laø nhöõng nghieäp löïc gaàn laâm chung, cuõng raát maõnh lieät vaø chi phoái raát nhieàu trong söï ñi ñaàu thai .

Ñöùng veà phöông dieän naëng nheï, lôùn nhoû cuûa caùc nghieäp, thì trong caùc kinh cuõng chia cheû moät caùch raát khoa hoïc vaø hôïp lyù. Khoâng phaûi raèng haønh ñoäng naøo coù hình thöùc gioáng nhau thì nghieäp nhaân vaø nghieäp quaû ñeàu gioáng nhau. Söï khinh troïng, lôùn nhoû cuûa quaû baùo ñeàu coù caên cöù nôi yù ñeå thaønh laäp. Kinh Öu-Baø-Taéc, trong khi noùi veà söï naëng nheï, lôùn nhoû cuûa nghieäp nhaân vaø nghieïâp quaû, coù phaân chia laøm boán tröôøng hôïp:

1.- Vieäc naëng maø yù nheï : nhö khi quaêng ñaù ñeå doaï ngöôøi, maø lôõ tay gieát phaûi ngöôøi.

2.- Vieäc nheï maø yù naëng : nhö khi thaáy moät töôïng ñaù, töôûng laø keû thuø cuûa mình, naém dao ñeán ñaâm, keát quaû cuûa vieäc laøm vì töôïng ñaù bò söùt meû, nhöng yù thì naëng laø muoán gieát ngöôøi.

3.- Vòeâc vaø yù ñeàu nheï: nhö vì khoâng thích moät ngöôøi naøo, neân duøng lôøi ñeå chaâm bieám ngöôøi aáy.

4.- Vieäc vaø yù ñeàu naëng : nhö vì thuø, coá yù gieát ngöôøi vaø gieát thaät.

Cuõng trong kinh Öu–baø–taéc, coù söï phaân chia toäi baùo naëng nheï thaønh taùm loaïi nhö sau:

1.-Phöông tieän naëng nhöng caên baûn vaø thaønh dó nheï: nhö laáy dao doaï ngöôøi, chaüng may ñoäng ñeán hoï, hoï bò thöông. Phöông tieän ( caàm dao) thì naëng, nhöng caên baûn( doaï ngöôøi chöù khoâng phaûi aùc yù) thì nheï vaø thaønh dó ( bò thöông) cuõng nheï.

2.-Caên baûn naëng nhöng phöông tieän vaø thaønh dó nheï: nhö muoán gieát ngöôøi, nhöng chæ laáy ñaù neùm vaø vì theá, hoï chæ bò thöông thoâi. Caên baûn( muoán gieát) thì naëng, nhöng phöông tieän (laáy ñaù neùm) vaø thaønh dó (veát thöông) ñeàu nheï.

3.-Thaønh dó naëng, nhöng caên baûn vaø phöông tieän nheï: nhö neùm ñaù chôi, chaúng may vôõ soï ngöôøi ta. Thaønh dó (vôõ soï) naëng maø caên baûn (chôi) vaø phöông tieän (neùm ñaù) ñeàu nheï .

4.-Phöông tieän vaø caên baûn naëng, thaønh dó nheï: nhö muoán gieát ngöôøi, cheùm moät nhaùt maïnh vaøo yeát haàu, nhöng ngöôøi aáy chæ bò thöông xoaøng thoâi. Phöông tieän (caàm dao cheùm) vaø caên baûn (muoán gieát ngöôøi) ñeàu naëng, nhöng thaønh dó (veát thöông xoaøng) nheï.

5.-Phöông tieän vaø thaønh dó naëng, caên baûn nheï: nhö voâ yù ñeå xe caùn ngöôøi cheát. Phöông tieän (xe caùn) vaø thaønh dó (ngöôøi cheát) ñeàu naëng, nhöng caên baûn (voâ yù) thì nheï.

6.- Caên baûn thaønh dó naëng nhöng phöông tieän nheï: Nhö aùc yù noùi laùo, ñeán noãi keû kia phaûi bò tuø toäi, caên baûn (aùc yù) vaø thaønh dó (tuø toäi) ñeàu naëng, nhöng phöông tieän (noùi laùo) thì nheï.

7- Caên baûn, thaønh dó vaø phöông tieän ñeàu naëng: muoán gieát ngöôøi vaø ñaõ duøng dao cheùm ngöôøi ñeán cheát. Caên baûn (muoán gieát ngöôøi) thaønh dó (ngöôøi cheát) vaø phöông tieän (cheùm) ñeàu naëng.

8- Caên baûn, thaønh dó vaø phöông tieän ñeàu nheï: nhö giaû gieát baèng caùch quô dao laøm ngöôøi kia sôï trong choác laùt. Caên baûn (giaû gieát) thaønh dó (laøm sôï haõi) vaø phöông tieän( quô dao) ñeàu nheï.

Söï phaân chia roõ raøng treân naøy ñuû cho chuùng ta thaáy söï sai khaùc naëng nheï cuûa nghieäp nhaân vaø quaû. Theo ñoù, chuùng ta coù theå keát luaän raèng söï khinh troïng cuûa nghieäp baùo ñeàu döïa caên baûn ôû yù. Vaø nhö theá, chuùng ta ñöøng laáy laøm laï töï hoûi taïi sao hai ngöôøi cuøng laøm moät vieäc gioáng nhau; haønh ñoäng gioáng nhau laø beân ngoaøi, chöù taùc yù ôû beân trong laøm sao chuùng ta bieát ñöôïc? Vì theá chuùng ta khoâng neân nhìn beân ngoaøi, maø pheâ phaùn ñöôïc.

V- KHOÂNG NEÂN LAÀM TÖÔÛNG NGHIEÄP
LAØ HOÀN

Coù ngöôøi nghó raèng nghieäp chi phoái taát caû ñôøi soáng con ngöôøi, nghieäp laø chuû ñoäng, nghieäp toàn taïi maõi maõi, thì nghieäp chaúng khaùc gì linh hoàn baát töû. Ñoù laø moät quan nieäm sai laàm. Ñaïo Phaät khoâng bao giôø coâng nhaän coù linh hoàn baát töû. Ñaïo Phaät ñaõ chuû tröông moïi söï moïi vaät, ñeàu voâ thöôøng, thì khoâng lyù naøo laïi coâng nhaän coù moät linh hoàn vónh vieãn tröôøng toàn, baát bieán.

Theo ñaïo Phaät, con ngöôøi laø moät söï toå hôïp cuûa naêm nhoùm (nguõ uaån) vaät chaát vaø tinh thaàn: saéc (xaùc thaân) vaø thoï töôûng, haønh, thöùc (tinh thaàn). Naêm nhoùm naøy bieán ñoåi töøng phuùt töøng giaây nhö moät doøng nöôùc. Khi meänh chung, nhöõng nhoùm aáy tan raõ, nhöng keát quaû cuûa nhöõng haønh ñoäng veà thaân, khaåu yù cuûa ngöôøi aáy vaãn coøn taùc ñoäng. Caùi coøn laïi ñoù goïi laø nghieäp. Caùi nghieäp naøy chaát chöùa nhöõng öôùc voïng thaàm kín, nhöng maõnh lieät nhaát con ngöôøi, laø söï tham soáng vaø söï luyeán aùi. Neân bieát moät keû töï töû, cuõng khoâng phaûi laø ñaõ heát muoán soáng. Hoï khoâng muoán soáng caùi ñôøi hoï ñang soáng neân hoï muoán chaám döùt noù ñeå soáng moät ñôøi soáng khaùc toát ñeïp hôn. Vaø nhö theá, ñoäng löïc cuûa söï töï- töû vaãn laø do loøng tham soáng maõnh lieät hôn. Loøng tham soáng vaø aùi duïc laø nhöõng nguyeân nhaân chính cuûa nhöõng haønh ñoäng cuûa con ngöôøi luùc soáng, thì khi cheát, caùi keát quaû cuûa nhöõng haønh ñoäng aáy vaãn laø loøng tham soáng vaø aùi duïc. Do loøng tham soáng vaø aùi duïc aáy, neân khi meänh chung nghieäp löïc rôøi boû thaân xaùc naøy vaø ñi tìm moät thaân khaùc gaù vaøo ñeå thoaû maõn nhöõng öôùc voïng tham duïc cuûa mình. Ñoù laø nguyeân nhaân cuûa kieáp sau. Nhö theá, khoâng caàn coù moät linh hoàn baát bieán môùi coù ñôøi sau. Söï noái tieáp töø ñôøi naøy sang ñôøi khaùc laø do ôû nghieäp caû. Nghieäp laø ñoâäng löïc chính cuûa doøng sinh maïng noái tieáp töø kieáp naøy sang kieáp khaùc, cuõng nhö gioù laø nguyeân nhaân laøm cho soùng daäy, vaø tieáp noái töø laøn naøy sang laøn khaùc. Bao giôø coøn gioù nghieäp thì coøn soùng ñôøi. Gioù nghieäp döøng nghæ thì bieån ñôøi seõ thaønh tònh. Vaø khi aáy seõ khoâng coøn soáng cheát, ñaày vôi gì caû.

VI.- HAØNH TÖÔÙNG CUÛA NGHIEÄP LÖÏC TRONG KHI ÑI ÑAÀU THAI

Sau khi moät thaân maïng ñaõ truùt hôi thôû cuoái cuøng, nghieäp löïc rôøi boû thaân maïng aáy ñeå ñi tìm moät thaân maïng khaùc gaù vaøo. Daét daãn bôûi aùi duïc, noù ñi tìm nhöõng cuoäc giao phoái giöõa nam nöõ. Nghieäp nhaân quaù khöù nhö theá naøo thì noù ñi tìm hoaøn caûnh thích hôïp vôùi nghieäp nhaân nhö theá aáy. Hoaøn caûnh aáy ñaïo Phaät goïi laø y-baùo. Y-baùo coù theå saùng suûa hay toái taêm, an vui hay buoàn thaûm, thanh tònh hay oâ ueá… tuyø söï löïa choïn thích hôïp cuûa nghieäp quaù khöù. Nhö luoàng ñieän phaùt ra ôû ñaøi phaùt thanh ngaén hay daøi, bao nhieâu thöôùc taác thì noù seõ tìm maùy thu thanh vaën ñuùng thöôùc taác aáy ñeå vaøo. Chæ coù khaùc laø luoàng ñieän coù theå vaøo moät luùc nhieàu maùy thu thanh, coøn nghieäp löïc thì chæ ñi ñaàu thai ôû moät nôi maø thoâi. Moät caùi thai ñaäu ñöôïc phaûi ñuû ba yeáu toá: tinh truøng cuûa cha, tröùng cuûa meï, thaàn thöùc vaø nghieäp löïc.

Thieáu moät trong ba yeáu toá aáy, thai khoâng thaønh. Khi thai ñaõ thaønh laø moät ñôøi môùi baét ñaàu. Noùi laø môùi, nhöng thöïc ra caùi ñôøi sau naøy vaãn coøn mang nhöõng maàm gioáng cuûa nghieäp nhaân quaù khöù. Nhöõng nghieäp nhaân naøy cöù tuaàn töï theo vôùi thôøi gian vaø tuyø hoaøn caûnh maø phaùt trieån daàn. Nhöõng nghieäp nhaân naøo vì chöa ñuû trôï duyeân ñeå phaùt hieän ra nghieäp quaû trong ñôøi naøy, thì coù theå phaùt sinh trong moät ñôøi sau, neáu hoäi ñuû nhaân duyeân.

Treân ñaây, chuùng toâi chæ noùi rieâng veà nhöõng haønh töôùng cuûa nghieäp löïc trong khi ñi ñaàu thai ôû caûnh giôùi ngöôøi.

Nhöng moät nghieäp löïc khoâng phaûi chæ quanh quaån trong caûnh giôùi ngöôøi, maø coù theå ñi tìm moät caûnh giôùi khaùc trong saùu caûnh giôùi maø ñaïo Phaät thöôøng noùi ñeán, laø: Thieân, Nhaân, A-tu-la, Ngaï quyû, Suùc sinh vaø Ñòa nguïc.

Ñeán ñaây, chuùng ta thaáy môû ra tröôùc maét chuùng ta moät vaán ñeà roäng raõi bao quaùt hôn. Ñoù laø vaán ñeà Luaân-hoài, maø chuùng toâi xin trình baøy ôû chöông sau.

CHÖÔNG BA

LUAÂN HOÀI

I.- ÑÒNH NGHÓA

Luaân-hoài dòch ôû tieáng Phaïn laø Samsara (löu chuyeån). Theo chöõ Haùn thì Luaân laø baùnh xe, hoài laø xoay troøn. Hình aûnh baùnh xe quay troøn laø moät hình aûnh raát roõ raøng maø Phaät duøng ñeå hình dung söï xoay chuyeån leân xuoáng cuûa chuùng sanh trong saùu coõi (luïc ñaïo) vaø söï tieáp noái sanh töû, töû sinh khoâng cuøng taän trong saùu coõi aáy. Luaân-hoài hay Samsara laø moät danh töø, moät hình aûnh do Phaät ñaët ra, nhöng caùi noäi dung cuûa noù laø moät söï thaät, moät traïng thaùi coù thaät trong coõi ñôøi, coù theå chöùng nghieäm ñöôïc, chöù khoâng phaûi laø moät lyù thuyeát xaây döïng trong khoâng töôûng. Khi chuùng ta ñaõ chöùng nghieäm thaáy ñöôïc luaät nhaân quaû trong vuõ truï, thì chuùng ta cuõng phaûi coâng nhaän söï luaân-hoài, luaân-hoài chaúng qua laø nhaân- quaû lieân tuïc, nhöng vì khi noù bieán, khi hieän, khi leân, khi xuoáng, khi maát, khi coøn, khi thay ñoåi hình daïng, neân chuùng ta töôûng nhö giaùn ñoaïn vaø khoâng aûnh höôûng chi phoái laãn nhau.

II.- DAÃN CHÖÙNG SÖÏ LUAÂN-HOÀI

TRONG MOÏI SÖÏ VAÄT

Trong vuõ truï, taát caû söï vaät, töø vaät nhoû nhö haït buïi, ñeán vaät lôùn nhö quaû ñòa caàu, khoâng vaät naøo chaúng luaân-hoài.

1.- Ñaát luaân-hoài: Nhö caùi bình boâng ñang ôû tröôùc maët chuùng ta ñaây, tröôùc kia noù laø ñaát, ngöôøi thôï goám ñem noù nhoài naën laøm thaønh caùi bình. Traûi qua moät thôøi gian, caùi bình seõ beå naùt, tan thaønh caùt buïi, vaø trôû veà laïi traïng thaùi ñaát caùt. Ñaát caùt naøy laøm thöùc aên cho caây coû, caây coû hoaëc taøn ruïi sau moät thôøi gian trôû thaønh phaân boùn hay ñaát caùt, hoaëc laøm thöïc phaåm cho ñoäng vaät. Ñoäng vaät aên caây coû naøy vaøo hoaëc baøi tieát ngay ra ngoaøi ñeå thaønh phaân, thaønh ñaát hoaëc bieán thaønh maùu huyeát da thòt, ñeå moät ngaøy kia thaân theå ñoäng vaät giaø yeáu, seõ tan raõ thaønh ñaát caùt laïi. Bao nhieâu laàn thay ñoåi hình daïng vì nhaân duyeân naøy hoaëc nhaân duyeân khaùc, nhöng ñaát caùt noù cuõng trôû laïi thaønh ñaát caùt sau moät thôøi gian, sau moät voøng luaân chuyeån daøi hay ngaén.

2.- Nöôùc luaân-hoài: Nöôùc ôû bieån bò söùc noùng maët trôøi boác thaønh hôi, hôi bay leân khoâng, gaëp hôi laïnh bieán thaønh maây, maây nhieàu tuï laïi rôi xuoáng thaønh möa, möa chaûy xuoáng ao hoà, hoaëc gaëp hôi laïnh quaù, ñoïng laïi thaønh baêng thaønh giaù. Baêng giaù gaëp hôi noùng maët trôøi tan ra nöôùc laïi. Töø voâ thæ ñeán nay, nöôùc thay ñoåi traïng thaùi bieát bao nhieâu laàn, xoay vaàn maõi maõi nhö vaäy, nhöng nöôùc vaãn laø nöôùc. Hieïân töôïng cuûa nöôùc thì bieán ñoåi voâ cuøng, nhöng baûn theå cuûa nöôùc thì khoâng bao giôø maát. Noù chæ luaân-hoài maø thoâi.

3.- Gioù luaân-hoài: Gioù laø söï luaân chuyeån cuûa khoâng khí. Khoâng khí bò söùc noùng maët trôøi boác chaùy, daõn ra, boác leân cao laøm thaønh nhöõng khoaûng troáng, ñeå buø vaøo khoaûng troáng aáy, khoâng khí ôû caùc nôi khaùc chaïy tôùi ñieàn vaøo, gaây thaønh luoàng gioù. Khoâng khí xeâ dòch chaäm thì gioù nhoû, khoâng khí xeâ dòch nhanh thì gioù lôùn, xeâ dòch nhanh nöõa thì thaønh baõo. Gioù coù khi hiu hiu, khi thoang thoaûng, khi haây haåy, khi aøo aøo, khi cuoàn cuoän, nhöng baûn chaát cuûa noù cuõng laø söï rung ñoäng cuûa khoâng khí.

4.- Löûa luaân-hoài: Löûa laø moät söùc noùng laøm chaùy ñöôïc vaät. Khi ñuû nhaân duyeân thì söùc noùng phaùt ra löûa. Chaúng haïn hai thanh cuûi trong traïng thaùi bình thöôøng thì chuùng ta chaúng thaáy söùc noùng ôû ñaâu caû, nhöng khi chaø xaùt vaøo nhau moät hoài thì löûa lieàn baät leân. Ngoïn löûa naøy coù theå ñoát chaùy hai thanh cuûi naøy moät phaàn hoùa thaønh tro than, moät phaàn bieán thaønh thaùn khí . Nhöõng caây khaùc duøng reã mình ñeå thu huùt tro than, vaø duøng laù ñeå thu huùt thaùn khí, chaát chöùa laïi söùc noùng ñeå moät ngaøy kia, gaëp ñuû nhaân duyeân laïi böøng chaùy leân. Nhö theá söùc noùng bao giôø cuõng coù saün, nhöng khi thì noù ôû traïng thaøi tieàm phuïc, khi thì ôû traïng thaùi phaùt hieän thaønh löûa. Maét chuùng ta chæ thaáy khi noù phaùt hieän vaø chæ khi aáy môùi cho laø noù coù , coøn khi noù ôû traïng thaùi tieàm phuïc thì ta baûo laø noù khoâng coù. Thaät ra thì noù chæ luaân - hoài nhöõng traïng thaùi khaùc nhau, chöù khoâng phaûi döùt ñoaïn hay maát haún.

5.- Caûnh giôùi luaân-hoài: Trong kinh Phaät thöôøng cheùp: "theá giôùi nhieàu nhö caùt soâng Haèng". Thaät theá, ban ñeâm chuùng ta nhìn leân trôøi, thaáy haèng haø sa soá tinh tuù. Moãi tinh tuù laø moät theá giôùi . Vaø moãi theá giôùi aáy ñieàu khoâng thoaùt ra ngoaøi ñònh luaät chung laø thaønh, truï, hoaïi, khoâng. Moãi giaây phuùt naøo cuõng coù nhöõng söï sanh dieät cuûa theá giôùi.Theá giôùi naøy tan ñi, thì moät theá giôùi khaùc nhoùm leân, nhö moät laøn soùng maát ñi thì moät laøn soùng khaùc noåi leân, laøm nhaân laøm, noái tieáp nhau, luaân-hoài khoâng bao giôø döùt.

6.- Thaân ngöôøi luaân-hoài: Thaân ngöôøi hay thuù vaät cuõng theá, xeùt cho cuøng thì cuõng do töù ñaïi maø coù, laø: ñaát, nöôùc, gioù, löûa. Nhöõng chaát cöùng deûo nhö: da, thòt, gaân, xöông laø thuoäc veà ñaát; nhöõng chaát ñöôïm öôùt nhö maùu , môõ, moà hoâi, nöôùc maét laø thuoäc veà nöôùc; hôi thôû ra vaøo, traùi tim nhaûy, phoåi hoâ haáp, tay chaân cöû ñoäng laø thuoäc veà gioù; hôi noùng trong ngöôøi laø thuoäc veà löûa. Nhö treân chuùng ta ñaõ thaáy, töù ñaïi ñeàu luaân-hoài thì thaân ngöôøi do töù ñaïi maø coù, cuõng phaûi luaân-hoài theo. Khi thaân naøy cheát vaø ñeán luùc tan raõ, thì chaát cöùng deûo traû veà cho ñaát, chaát ñöôïm öôùt traû veà cho nöôùc, hôi noùng traû veà cho löûa, hôi thôû vaø söï cöû ñoäng traû veà cho gioù. Roài boán chaát naøy tuyø theo nhaân duyeân chung hôïp laïi, laøm thaønh caây coû hay thaân ngöôøi khaùc. Ngöôøi ñeán khi cheát roài, boán chaát ñoù cuõng trôû veà baûn theå cuõ cuûa chuùng. Khi thaønh thaân ngöôøi, luùc laøm thaân suùc, naêm nay tuï hôïp ôû ñaây, sang naêm ñaõ dôøi ñi nôi khaùc, khoâng phaûi thöôøng coøn, cuõng khoâng phaûi maát haún maø laø luaân-hoài.

Nhaø hoïc giaû coù tieáng taêm cuûa Trung Hoa laø oâng Löông Khaûi Sieâu trong khi nghieân cöùu veà Phaät giaùo AÁn Ñoä oâng coù noùi: …"Con ngöôøi luoân luoân trong töøng phuùt töøng giaây, ñeàu ôû trong luaân-hoài baát quaù hoaëc mau hoaëc chaäm. Chaäm thì goïi laø sanh dieät, hoaëc bieán dò, coøn mau thì goïi laø luaân-hoài (luaân-hoài chaúng qua cuõng laø moät hình thöùc trong caùc loïai bieán dò). Xem nhö xaùc thaân chuùng ta, bieán hoaù khoâng ngöøng, xöông thòt maùu huyeát chuùng ta chaúng qua khoâng ñaày moät tuaàn cuõng coù theå hoaù ra ñaát ñai, buïi baëm beân ñöôøng”.

7- Tinh thaàn luaân-hoài: Con ngöôøi khoâng phaûi chæ goàm coù töù ñaïi. Ngoaøi töù ñaïi coøn coù phaàn taâm lyù nöõa, hay noùi moät caùch toång quaùt hôn, coøn coù tinh thaàn. Ñoù laø goàm taát caû nhöõng thöù maø ñaïo Phaät goïi laø: thoï, töôûng, haønh, thöùc.

Phaàn theå xaùc goàm töù ñaïi chæ laø phaàn maø ñaïo Phaät goïi laø saéc. Saéc ñaõ khoâng tieâu dieät maø chæ bieán hoùa luaân-hoài, thì taâm hay tinh thaàn cuõng khoâng tieâu dieät maø chæ bieán chuyeån, xoay vaàn maø thoâi.

Nhö trong chöông II ñaõ noùi, taát caû nhöõng haønh ñoäng cuûa thaân taâm taïo thaønh cho moåi chuùng ta moät caùi nghieäp. Caùi nghieäp aáy bieán dòch, xoay vaàn maõi, khi ñoäi loát naøy, khi mang hình daùng khaùc, khi rôøi caûnh giôùi naøy, khi vaøo caûnh giôùi khaùc, quay loän, troâi laên trong luïc ñaïo (saùu ñöôøng) maõi maõi cho ñeán ngaøy naøo ñöôïc giaùc ngoä môùi thoâi.

Nhöõng söï leân xuoáng troâi laên, xoay vaàn cuûa nghieäp trong ba coõi, saùu ñöôøng aáy khoâng phaûi tình côø, ngaãu nhieân, may ruûi, voâ lí, maø traùi laïi, noù chieàu theo, khuoân theo moät caùi luaät chung, ñoù laø luaät nhaân-quaû.

Ñeán ñaây, chuùng ta thaáy ñöôïc söï töông quan maät thieát giöõa Nhaân-quaû vaø luaân hoài: Ñaõ coù nhaân-quaû töùc phaûi coù luaân-hoài (tröø tröông hôïp tu Nhaân thaønh Phaät) ñaû coù Luaân-hoài taát caû theo luaät nhaân-quaû.

III- LUAÂN-HOÀI THEO NHAÂN-QUAÛ

Coù theå noùi moät caùch chaéc chaén raèng, chuùng ta luùc sinh tieàn taïo nhaân gì, thì khi cheát roài, nghieäp löïc daét daãn tinh thaàn ñeán choå ñoù thoï quaû baùo khoâng sai. Neáu taïo nhaân toát, thì luaân-hoài ñeán caûnh giôùi giaøu sang, thaân ngöôøi toát ñeïp. Coøn taïo nhaân toäi aùc thì Luaân-hoài ñeán caûnh giôùi ngheøo heøn, thaân hình xaáu xa, ñen ñuùa, hoaëc taøn taät, khi thaêng khi giaùng, luùc boãng luùc traàm…

Sanh ôû moät caûnh naøo, khoâng phaûi seõ ôû luoân caûnh giôùi aáy. Nhaân coù haïn thì quaû cuõng coù chöøng. Nhö ngöôøi naém traùi banh lieäng leân hö khoâng, khi traùi banh ñi heát söùc cuûa noù, taát seõ rôi xuoáng ñaát laïi. Chuùng sanh ôû coõi trôøi hay coõi suùc sanh, ñòa nguïc cuõng theá, heã nghieäp quaû heát thì nghieäp nhaân baét ñaàu trôû laïi. Trong khi höôûng quaû toát, neáu khoâng gaáp ruùt tieáp tuïc gaây nhaân laønh thì ñôøi sau chaéc seõ khoâng coøn ôû trong caûnh giôùi toát ñeïp nöõa. Cho neân vaán ñeà chính laø phaûi luoân luoân coá gaéng vöôït leân mình, neáu muoán mình ñöôïc vöôït leân cao hôn caûnh giôùi hieän taïi. Moät ñieàu maø chuùng ta khoâng bao giôø neân queân laø: moãi chuùng sanh laø moät tay thôï töï xaây döïng ñôøi mình trong quaù khöù, hieän taïi vaø töông lai.

Döôùi ñaây laø nhöõng caûnh giôùi maø moät chuùng sanh coù theå bò hay ñöôïc nhaäp vaøo, tuøy theo nghieäp nhaân maø mình ñaõ taïo.

IV- NHAÂN- LUAÂN-HOÀI TRONG SAÙU COÕI PHAØM

1.- Ñòa nguïc : Taïo nhaân saân haän, ñoäc aùc laøm nhieàu ñieàu toäi loãi vöøa haïi mình vöøa haïi ngöôøi, phaûi luaân-hoài vaøo ñòa nguïc, chòu ñuû ñieàu khoå sôû.

2.- Ngaï quæ: Taïo nhôn tham lam, boûn xeûn, khoâng bieát boá thí giuùp ñôõ ngöôøi, töø tieàn cuûa ñeán giaùo phaùp. Traùi laïi, coøn möu saâu, keá ñoäc, ñeå cöôùp ñoaït cuûa ngöôøi, sau khi cheát luaân-hoài laøm ngaï quæ.

3.- Suùc sinh: Taïo nhaân si meâ, sa ñoaï theo thaát tình luïc duïc, töûu, taøi, saéc, khí khoâng xeùt hay dôû, toát xaáu, cheát roài luaân-hoài laøm suùc sinh.

4.- A-tu-la: Gaëp vieäc nhaân nghóa thì laøm, gaëp vieäc saùi quaáy cuõng khoâng traùnh, vöøa cang tröïc , maø cuõng vöøa ñoäc aùc. Maëc duø coù laøm nhöõng ñieàu phöôùc thieän, nhöng taùnh tình hung haêng noùng naûy vaãn coøn, laïi theâm taø kieán, si meâ, tin theo taø giaùo. Taïo nhaân nhö vaäy, keát quaû seõ luaân-hoài laøm A-tu-la, gaëp vui söôùng cuõng coù maø buoàn khoå cuõng nhieàu.

5.- Loaøi ngöôøi:

a/ Bieát giöõ gìn loøng nhaân töø, khoâng saùt nhaân haïi vaät, laøm nhöõng ñieàu ñau khoå cho ngöôøi.

b/ Khoâng tham lam troäm cöôùp tieàn cuûa, töø vaät lôùn nhö ngoïc, ngaø, chaâu, baùu, ñeán vaät nhoû nhö caây kim, sôïi chæ.

c/ Khoâng treo hoa gheïo nguyeät, daâm loaïn vôï con, phaù haïi gia can cuûa ngöôøi.

d/ Khoâng noùi lôøi doái traù, xaûo quyeät, theâm bôùt, ñaâm thoïc, khoâng noùi lôøi coäc caèn, thoâ tuïc.

ñ/ Khoâng röôïu traø say söa, laøm nhöõng ñieàu laàm loãi. Tu nhaân nguõ giôùi nhö vaäy, ñôøi sau seõ luaân- hoài trôû laïi laøm ngöôøi, cao quí hôn muoân vaät.

6.- Coõi trôøi: Boû 10 ñieàu aùc: khoâng saùt sinh, haïi vaät, khoâng troäm cöôùp, taø daâm, khoâng noùi lôøi ñaâm thoïc, hung aùc, doái traù, theâu deät, khoâng tham duïc, giaän hôøn vaø si meâ. Traùi laïi, coøn laøm 10 ñieàu laønh laø: phoùng sanh, boá thí, giöõ haïnh trinh tieát, noùi lôøi chaéc chaén, ñuùng lyù vaø nhu hoaø, trau doài ñöùc hyû xaû, töø bi vaø trí tueä. Tu nhôn thaäp thieän nhö vaäy, thì sau khi cheát ñöôïc sanh leân coõi trôøi. Nhöng neân nhôù coõi trôøi naøy cuõng coøn ôû trong voøng phaøm tuïc, chòu caûnh sanh töû luaân-hoài .

Muoán thoaùt ra ngoaøi caûnh sanh töû Luaân-hoài vaø ñeán boán coõi thaùnh thì phaûi tu nhaân giaûi thoaùt.

CHÖÔNG BOÁN

NHÖÕNG BAÈNG CHÖÙNG VEÀ LUAÂN-HOÀI

I - MOÄT CHUYEÄN LUAÂN-HOÀI ÔÛ AÁN ÑOÄ.

Caùch ñaây vaøi chuïc naêm, tôø baùo Mai coù chuïp hình vaø ñaêng moät caâu chuyeän nhö sau:

Taïi AÁn Ñoä, ôû thaønh Delhi (Ñen- ly) coù moät coâ gaùi 8 tuoåi teân Phanti Devi (Phaên-ti Ñôø-vi). Coâ nhieàu laàn khoùc loùc vôùi cha meï ñoøi veà thaønh Mita thaêm choàng laø moät giaùo vieân. Thaønh Delhi caùch thaønh Mita treân 200km. Cha meï coâ gaùi laáy laøm laï, môøi moät phoùng vieân nhaø baùo ñeán ñeå nhôø anh ñieàu tra giuøm.

Phoùng vieân nhaø baùo ñeán hoûi, thì ñöôïc coâ traû lôøi raèng: Coâ laø vôï moät giaùo vieân, aên ôû vôùi nhau sanh ñöôïc moät ñöùa con. Khi döùa con leân 11 tuoåi thì coâ laâm beänh töø traàn. Ngöôøi phoùng vieân hoûi xem coâ ta coù gì laøm baèng chöùng khoâng? Coâ traû lôøi laø coâ coù ñeå laïi vaøng baïc vaø ñoà ñaïc choân ôû choã noï, choã kia…vaø coâ coøn nhôù roõ coù moät caùi quaït do ngöôøi chò em baïn taëng, treân quaït coù ghi laïi maáy doøng chöõ, roài coâ ñoäc maáy doøng chöõ aáy cho phoùng vieân cheùp vaøo soå tay.

Phoùng vieân ñeán thaønh Mita, tìm hoûi teân hoï oâng giaùo vieân, thì thaät quaû khoâng sai. Phoùng vieân hoûi oâng giaùo:

- OÂng coù ngöôøi vôï ñaõ cheát ñoäˆ8,9 naêm nay phaûi khoâng?

- OÂng giaùo traû lôøi:

_ Vaâng, coù! Vôï toâi cheát nay ñaõ chín naêm. Chaúng bieát oâng hoûi coù vieäc chi?

Phoùng vieân trình baøy nhöõng lôøi coâ beù ñaõ noùi.

OÂng giaùo nghe ñeàu cho laø ñuùng caû.

Phoùng vieân laïi laáy quyeån soå tay ñöa maáy doøng chöõ cho oâng giaùo ñoïc vaø hoûi:

_ Khi vôï oâng maát, coù ñeå laïi moät caây quaït, treân aáy coù ghi maáy doøng chöõ nhö theá naøy coù phaûi khoâng?

OÂng giaùo traû lôøi:

_ Truùng y nhö vaäy caû.

Qua ngaøy sau, phoùng vieân laïi môøi cha meï vaø coâ Phanti Devi cuøng ñi xe tôùi thaønh Mita. Töø khi sanh ra ñeán taùm tuoåi, coâ chöa töøng ñi xa, theá maø ñöôøng ñi trong thaønh Mita coâ ñeàu thuoäc caû, coâ chæ ñöôøng naøy laø ñöôøng gì, ñi veà ñaâu, ñöôøng kia teân gì, ñi veà ñaâu, vaø coøn noùi truùng caû teân nhöõng nhaø quen ôû hai beân ñöôøng nöõa. Gaàn ñeán nhaø oâng Giaùo, coâ baûo xe ñi chaäm laïi vaø döøng ngay tröôùc nhaø oâng Giaùo.

Vaøo ñeán nhaø, gaëp moät oâng giaø ñoä 80 tuoåi, ñaàu toùc baïc phô, coâ vöøa möøng vöøa khoùc oaø maø noùi raèng:

_ Ñaây laø cha choàng cuûa toâi.

Coâ chæ oâng Giaùo maø noùi:

_ Kia laø choàng toâi.

Roài coâ chaïy laïi oâm ñöùa con 11 tuoåi khoùc vaø noùi:

_ Ñaây laø con toâi!

Moïi ngöôøi trong thaáy, ai cuõng ñieàu caûm ñoäng.

Vieäc naøy laøm soâi noåi caû dö luaän AÁn ñoä vaø caùc nhaø baùo treân theá giôùi, ñieàu baøn taùn xoân xao...Caùc nhaø baùc hoïc ra söùc tìm toøi , nghieân cöùu, nhöng khoâng moät ai giaûi thích ñöôïc. Chuùng ta ñaõ roõ bieát lyù luaân-hoài, thì vieäc naøy cuõng chaúng laáy laøm laï.

II- MOÄT CHUYEÄN LUAÂN-HOÀI TAÏI MYÕ

Vaøo khoaûng naêm 1956, ôû Myõ coù moät thieáu phuï 33 tuoåi, teân “Xi-moâng” (Ruth Simmons) vì quaù tin töôûng vaøo kieáp Luaân-hoài, neân ñaõ nhôø nhaø thoâi mieân “Mo-raây Beùt-tanh” (Morey Bernstein) giuùp coâ ñöôïc thaáy laïi kieáp tröôùc cuûa coâ. Nhaø thoâi mieân kia, sau khi ñöa coâ vaøo giaác nguû, lieàn baûo:

- Thöû nhôùù laïi hoài 10 tuoåi coâ ñaõ laøm gì!

Coâ Xi-moâng, trong côn meâ noùi laïi thuôû thieáu nieân cuûa coâ, nhöõng luùc coâ ñi hoïc vaø taû tæ mæ nhöõng luùc coâ noâ ñuøa vôùi baïn. Nhaø thoâi mieân laïi baûo:

- Baây giôø thöû nhôù laïi luùc coâ môùi 1 tuoåi, coâ thaáy gì!

Coâ traû lôøi baèng nhöõng tieáng baäp beï, y nhö ñöùa treû chöa bieát noùi. Nhaø thoâi mieân laïi doàn heát tinh thaàn vaøo caëp maét, nhìn thaúng vaøo coâ Xi-moâng vaø noùi:

- Thöû nhôù laïi tieàn kieáp cuûa coâ!

Sau moät luùc im laëng, coâ Xi-moâng môùi noùi, nhöng gioïng noùi cuûa coâ ñaõ ñoåi khaùc, gioïng AÙi-nhæ-lan (ôû Anh quoác), chöù khoâng phaûi gioïng ngöôøi Myõ.

Coâ keå raèng: "kieáp tröôùc coâ ñaàu thai vaøo gia ñình hoï Möôùt-phi" (murphy) ôû laøng “Coùt” (cork) beân AÙi-nhæ-lan vaøo naêm 1789. coâ taû nôi choân nhau caét roán cuûa coâ vaø cho bieát nhieàu chi tieát khaùc veà laøng naøy. Coâ noùi theâm raèng choàng coâ teân “Maéc-caùc-ty” (Brian Mac Carthy), giaùo sö tröôøng luaät ñaõ töøng coäng söï vôùi tôø baùo"Ben-Phaùt-Niu" (Belfast New). Roài sau cuøng coâ noùi ñeán ngaøy coâ cheát, maû coâ hieän ôû ñaâu vaø coâ phaûi laøm ma hôn moät theá kyû. Sau ñoù, coâ ñaàu thai vaøo gia ñình hoï “Xi-moâng” (Simmons) ôû Myõ, hoài naêm 1923.

Nhaø thoâi mieân ñaõ thaâu laïi taát caû lôøi noùi cuûa coâ Xi-moâng veà tieàn kieáp cuûa coâ vaø sau ñoù vieát moät quyeån saùch nhan ñeà laø: "Ñi tìm goác tích coâ Möôùt- phi (Murphy)". Saùch naøy in ra 170 ngaøn cuoán vaø chæ trong 3 thaùng ñaõ baùn saïch. Sau ñoù nhaø thoâi mieân laïi laáy lôøi thuaät chuyeän cuûa coâ “Xi-moâng” thaâu vaøo 30 ngaøn (30.000) dóa nhöïa vaø chæ trong hai ngaøy ñaõ baùn saïch.

Chuyeän naøy baùo chí quoác teá ñeàu coù ñaêng tin, rieâng ôû Phaùp coù tôø: “Ba-Leâ-Maùch” (Paris Math) thuaät laïi raát roõ, ôû Vieät Nam cuõng coù nhieàu tôø noùi ñeán nhö tôø Tin Ñieån, tôø Lieân-Hoa v…v…

III- MOÄT CHUYEÄN LUAÂN-HOÀI ÔÛ PHAÙP

Moät baùc só phaùp, oâng "Moâ-rít Ñôø-la-ri" (Maurice Dalarry) voán laø ngöôøi hoaøi nghi veà thuyeát Luaân-hoài, nhöng sau moät thôøi gian khaûo cöùu raát coâng phu, ñaõ vieát trong taïp chí “Thaàn Linh Hoïc” xuaát baûn hoài naêm 1948 veà söï Luaân-hoài nhö sau:

Ban ñaàu oâng khoâng tin coù kieáp Luaân-hoài, nhöng sau moät thôøi gian thí nghieäm baèng caàu cô, oâng phaûi coâng nhaän kieáp Luaân hoài coù thaät. Ñaây oâng Moâ-rít Ñô-la-ri keå:

- Moät hoâm toâi vaø vôï toâi ñang caàu cô thì boãng chieác xe lay ñoäng laàn löôït chæ vaøo 5 chöõ F.E.L.I.X roài ngöøng laïi, töùc laø keû khuaát maët teân Pheâ-lít (Feùlix) ñaõ nhaäp vaøo cô. Chuùng toâi lieàn hoûi:

- OÂng Pheâ-Lít muoán gì?

Traû lôøi:

- Toâi cho oâng baø hay toâi seõ trôû laïi trong hoï haøng oâng baø trong moät ngaøy gaàn ñaây.

Hoûi:

- Taïi sao vaäy? Taïi sao trôû laïi trong hoï haøng chuùng toâi ?

Traû lôøi:

- Phaûi! Trong gia ñình oâng baø.

Hoûi:

- Hoï haøng chuùng toâi ñoâng ñaûo quùa ñi ôû raûi raùc moãi ngöôøi moät nôi. Vaäy oâng coù theå cho bieát chaéc chaén oâng seõ xuaát hieän ôû xöù naøo khoâng?

Traû lôøi:

- Taïi xöù P. (Baùc só Moâ-rít vì moät leõ rieâng, khoâng muoán noùi roõ xöù naøy ), vaø trong gia ñình oâng Y. ( oâng Y ñaây laø baø con vôùi baø vôï Baùc syõ Moâ-rít, nhöng Baùc só cuõng giaáu teân, vì sôï ñoäng chaïm ñeán ñôøi tö khoâng hay cuûa gia ñình khaùc).

Hoûi:

- Chaéc chaén oâng seõ vaøo gia ñình oâng Y…. baø con chuùng toâi?

Traû lôøi:

- Phaûi! Hieän gia ñình oâng Y coù hai ñöùùa con gaùi.

Hoûi:

- OÂng coù bieát teân chuùng khoâng?

Traû lôøi:

- Coù ! (roài keû voâ hình noùi ñuùng teân hai ñöùa con gaùi cuûa ngöôøi baø con baø “Moâ-rít”, noùi ñuùng caû ngaøy sinh thaùng ñeû cuûa chuùng nöõa).

Hoûi:

- OÂng coù theå cho bieát chaéc chaén ngaøy naøo oâng seõ ra chaøo ñôøi trong gia ñình oâng Y khoâng?

Traû lôøi:

- Ngaøy 24 thaùng 9 naêm 1924 vaøo buoåi mai.

Hoûi:

- Nhöng laøm theá naøo ñeå bieát chính oâng ñaõ ñaàu thai laøm con trong gia ñình oâng Y?

Traû lôøi:

- Coâ J. (töùc teân vôï cuûa Baùc só “Moâ-rit” maø oâng cuõng giaáu teân luoân) seõ ñöôïc bieát khi nhìn thaáy tai beân maët cuûa toâi, vì chính toâi laø “Pheâ-lit” (Feùlix), ñöùa tôù trung thaønh cuûa oâng baø thaân sinh cuûa coâ J ñaây.

Cuoäc ñoái thoaïi giöõa Baùc só Moâ-rit vaø keû khuaát maët teân Feùlix ñöôïc Baùc só bieân cheùp kyõ caøng töøng caâu moät ñeå sau naøy xem coù ñuùng khoâng.

Baáy giôø vaøo khoaûng thaùng 5 d.l vôï choàng Baùc só “Moâ-rit” khoâng maûy may hay bieát ngöôøi chò hoï (cuûa baø Baùc só) coù thai.

Cho deán ngaøy 24 thaùng 9 naêm 1947 nghóa laø caùch ñoù boán thaùng, vôï choàng Baùc só tieáp ñöôïc ñieän tín töø xöù P. ñaùnh veà cho hay ngöôøi chò hoï vöøa haï sanh moät trai hoài 8 giôø saùng ngaøy noùi treân.

Theá laø raát ñuùng vôùi lôøi cuûa keû khuaát maët “Pheâ-lít”. Nhöng Baùc só khoâng muoán cho vôï choàng ngöôøi chò hoï bieát raèng chính oâng baø ñaõ bieát tröôùc vieäc naøy.

Ba thaùng sau, vôï choàng Baùc só “Moâ-rít” ñöôïc chò hoï môøi qua xöù P, döï moät buoåi leã trong gia ñình, luoân dòp ñeå vôï choàng ngöôøi chò hoï ñem ñöùa con trai môùi sinh ba thaùng ra giôùi thieäu vôùi hoï haøng.

Vôï choàng Baùc só Moâ-rit vöøa ñeán nôi thì vôï choàng ngöôøi chò hoï lieàn ñöa oâng baø vaøo phoøng ñeå xem maët ñöùa beù. Khi baø Baùc só ñeán gaàn chieác noâi thì thaèng beù nhìn baø mæm cöôøi, maø nöôùc maét cöù tuoân ra, roài noù ñöa tay veà phía baø Baùc só ñoøi aüm. Vôï choàng ngöôøi chò hoï raát ñoãi ngaïc nhieân, vì thöôøng khi khoâng bao giôø con mình chòu ngöôøi laï, theá maø laàn naøy, môùi gaëp baø Baùc só noù laïi ñoøi aüm

Vôï choàng Baùc só Moâ-rít thì khoâng laï gì vôùi thaèng beù, nhöng khoâng daùm noùi söï thaät ra cho vôï choàng ngöôøi chò hoï bieát veà kieáp Luaân-hoài cuûa teân laõo boäc Pheâ-lit, sôï raèng gia ñình ngöôøi chò hoï cho mình quaù tin dò ñoan chaêng.

Khi nhìn thaáy mieáng vaûi baêng ngang ñaàu ñöùa beù, vôï choàng Baùc só ñaõ ñoaùn bieát moät phaàn naøo ñuùng nhö lôøi laõo boäc Pheâ-lít ñaõ noùi trong luùc caàu cô, neân baùc só giaû vôø hoûi:

- Taïi sao laïi baêng ñaàu noù? Chaéc laïi sanh gheû chöù gì ?

Ngöôøi chò hoï traû lôøi:

- Khoâng vì luùc sinh noù ra, noù coù taät nôi tai, vaønh tai chæ dính vaøo da ñaàu coù chuùt xíu, neân toâi coù nhôø Baùc só chöõa. Baùc só baûo söùc thuoác baêng laïi trong moät thôøi gian thì lieàn laïi.

IV- MOÄT CHUYEÄN LUAÂN-HOÀI THÖÙ HAI
ÔÛ PHAÙP

Moät ñöùa beù gaùi môùi ba thaùng teân “Teâ-re” (Theùreøse) boãng nhieân moät hoâm thoát leân tieáng “A-ru-pa” (Aroupa) cha meï ñöùa beù khoâng ñeå yù, töôûng raèng con mình baäp beï baäy baï vaäy thoâi , nhöng veà sau coù ngöôøi cho bieát "A-ru-pa" (Aroupa) coù nghóa laø “trôøi” theo tieáng AÁN-ÑOÄ.

Ñeán luùc leân hai, em beù Teâ-re trong luùc chôi mua baùn, coù thoát ra tieáng “rupi” (Roupie). Tieáng naøy trong gia ñình khoâng heà nghe ai noùi tôùi. Theá maø Teâ-re bieát ñöôïc, môùi laï.

Möôøi thaùng sau nöõa, trong khi meï Teâ-re noùi chuyeän vôùi moät chò em baïn, coâ Teâ-re thöôøng xen vaøo caâu chuyeän vôùi nhöõng tieáng “Bapou” . Baø baïn voán laø tín ñoà ñaïo Phaät , raát laáy laøm laï, hoûi meï Teâ-re taïi sao noù bieát teân rieâng cuûa oâng “Caêm- ñòa” (Gandhi) ; vì teân “Bapou” chæ coù gia quyeán thaùnh Caêm –ñòa cuøng tín ñoà oâng goïi oâng maø thoâi, ngöôøi ngoaøi ít ai bieát ñöôïc .

Meï coâ gaùi Teâ-re nghe noùi caøng theâm kinh ngaïc. Baø baét ñaàu tin coù Luaân-hoài vaø töø ñoù, baø mua saùch veà thaàn hoïc khaûo cöùu, vaø baø coù mua moät böùc hình cuûa oâng thaùnh “Doâ-ga-maêng-ña” (Yogaømanda).

Khi nhìn thaáy böùc aûnh coâ beù la lôùn:

- Con bieát oâng naøy ! Luùc thaùnh Caêm-ñòa coøn soáng oâng thöôøng ñeán noùi chuyeän vôùi thaùnh Caêm-ñòa, coù maët con trong nhöõng luùc aáy.

Sau khi doø hoûi nhöõng tín ñoà cuûa thaùnh Caêm-ñòa, meï coâ beù Teâ-re thaáy lôøi noùi cuûa con mình laø ñuùng söï thöïc. Leân naêm tuoåi coâ beù baét ñaàu aên chay vaø khoâng thích aên baùnh mì maø chæ aên côm.Thænh thoaûng coâ laïi keå moät vaøi ñoaïn ñôøi cuûa thaùnh Caêm-ñòa.

V- MOÄT CHUYEÄN LUAÂN-HOÀI ÔÛ ÑAÛO
“MOÂ –RÍT”(MAURICE)

Chuyeän sau ñaây do giaùo sö “Bít–xao-ñoa-da” (Bissoundya) ôû haûi caûng “Lu-I” (Port-Louis) taïi ñaûo Moâ-rít keå laïi trong "taïp chí ñaàu thai Luaân-hoài".

Taïi laøng “Caùt-ten” (Castel) coù moät gia ñình noï sinh moät ñöùa beù trai leân ba tuoåi, ñaët teân laø “Sa-ta-na-ñôø -va” (Chatanadeøva). Boãng moät hoâm noù baûo noù khoâng phaûi ôû laøng aáy . Cha meï vaø ngöôøi loái xoùm ñeàu cöôøi , vì cho noù noùi baäy. Noù laïi nhaát ñònh noùi noù khoâng phaûi teân “Sa-ta-na-ñôø-va”(Chatanadeøva) maø laø teân “Ri-ram daêng-coâ” (Sreeram-Jankoo). Luùc ñoù, ngöôøi ta laáy laøm kinh ngaïc vì teân Ri-ram daêng-coâ khoâng phaûi laï. Anh naøy bò cheát ñuoái caùch ñaây ba naêm, trong luùc ñi thuyeàn ñeán cuø lao "Pôø-la-tôø" (Plate).

Ngöôøi ta hoûi noù taïi sao noù bieát noù teân Ri-raêm daêng coâ thì noù thuaät laïi raèng:

- Toâi ñang cheøo thuyeàn ñi ra cuø lao “Pôø-la-tôø” thì bò soùng ñaùnh chìm vaø cheát ñuoái giöõa bieån.

Lôøi thuaät chuyeän cuûa thaèng beù laøm moïi ngöôøi kinh dò, vì thaät ñuùng nhö theá. Roài noù laïi keå theâm nhöõng chi tieát veà caûnh soáng cuûa Daêng-coâ, nhaát nhaát ñeàu ñuùng söï thaät caû.

Caâu chuyeän naøy ñöôïc ñoàn ñaõi ra. Meï cuûa anh chaøi löôùi Daêng-coâ ôû laøng beân nghe ñöôïc, lieàn tìm tôùi nhaø thaèng beù. Thaèng beù ñang chôi, thaáy baø laõo böôùc vaøo, noù möøng rôõ reo leân vaø nhaûy xoå ñeán oâm baø, la lôùn:

- Meï ! Meï !

VI- MOÄT CAÂU CHUYEÄN THAY ÑOÅI HOÀN XAÙC ÔÛ VIEÄT NAM

ÔÛ Caø Mau , caùch ñaây vaøo khoaûng 30 naêm, coù moät caâu chuyeän laï luøng ñaõ laøm dö luaän baøn taùn xoân xao.

OÂng Caû Hieâu, ôû laøng Taân Vieät, xöù Ñaàm Dôi (Caø mau) coù moät coâ con gaùi môùi 19 tuoåi , laâm beänh roài cheát. Caùch ñoù ñoä 100 km, oâng Höông Thöøa ôû laøng Vónh Mó (Baïc lieâu) cuõng coù coâ con gaùi ñau roài cheát, nhöng laïi soáng laïi. Khi soáng laïi , coâ naøy nhìn khoâng bieát cha meï vaø noùi nhöõng gì ñaâu ñaâu khoâng ai hieåu gì caû, cha meï coâ töôûng raèng coâ ñau neân laõng trí noùi baäy. Nhöng khi coâ laønh maïnh haún, coâ laïi khoùc loùc, moät hai ñoøi veà nhaø oâng Caû Hieâu vaø chæ luoân nôi ôû, laøng, toång roû raøng nöõa.

Cha meï coâ cho ngöôøi ñeán tìm oâng Caû Hieâu vaø thuaät caâu chuyeän cho vôï choàng oâng naøy nghe.Vôï choàng oâng Caû vaø con caùi trong nhaø, nghe xong ñeàu ñi ñeán xem thaät hö nhö theá naøo.

Khi moïi ngöôøi ñeán nôi, coâ gaùi chaïy ngay ñeán oâm oâng Caû, baø Caû khoùc keå…. Roài coâ thuaät nhöõng vieäc ñaõ xaûy ra trong nhaø oâng Caû khoâng sai moät maûy. Vôï choàng oâng Caû, tuy thaáy xaùc coâ naøy khoâng phaûi con mình, nhöng veà tinh thaàn laïi chính laø con mình, neân ñeàu thöông yeâu vaø coâng nhaän laø con. Veà sau, coâ höôûng ñöôïc hai phaàn gia taøi cuûa caû hai beân cha meï.

Nhöõng caâu chuyeän töông tôï nhö nhöõng baèng chöùng ñaõ keå ôû ñoaïn tröôùc nhieàu khoâng keå xieát.

Ngoaøi ra coøn bao nhieâu vò thaàn ñoàng, nhöõng caäu beù coù thieân taøi xuaát chuùng ôû raûi raùc trong theá giôùi vaø trong lòch söû maø chuùng ta thöôøng nghe noùi ñeán nhö: OÂng Pascal, moät Trieát gia vaø moät nhaø Toaùn-hoïc Phaùp, môùi 7 tuoåi maø ñaõ thoâng phöông phaùp kyû-haø-hoïc, oâng Maïc Ñænh Chi 12 tuoåi daäu Traïng nguyeân, nhaïc só Mozart môùi 7 tuoåi ñaõ bieát ñaët nhöõng baûn nhaïc hoaø aâm, oâng "Kít–chang–Hen-neùt–kan" (Christ Heinecken) vaøi giôø sau khi ra ñôøi ñaõ noùi chuyeän ñöôïc, khi leân 1 tuoåi ñaû hoïc thuoäc loøng vaøi ñoaïn kinh Thaùnh-giaùo trong cuoán thaùnh kinh, leân hai tuoåi ñaõ traû lôøi taát caû nhöõng caâu hoûi veà ñòa dö, leân ba tuoåi ñaõ noùi ñöôïc tieáng Phaùp, tieáng La-tin; leân boán tuoåi ñaõ coù theå theo hoïc caùc lôùp trieát hoïc. OÂng "Xi-tuy-a Minh" (Stuart Mill) leân ba ñaõ hoïc chöõ Hy-laïp; OÂng "Vinh-lamram-xi-ñi" (William James Sidis) leân hai ñaõ hoïc vaø vieát tieáng meï ñeû (Hoa-Kyø), leân taùm ñaõ noùi ñöôïc tieáng Phaùp, tieáng Nga, tieáng Anh, tieáng Ñöùc vaø moät ít tieáng La-Tin, Hy-Laïp. Caäu beù "Xin-va-noâ-ri-goân" (Silvanorigoll) ôû YÙù, môùi ba tuoåi ñaõ laøm Nhaïc sö vaø ñieàu khieån moät giaøn nhaïc, chöa bieát ñoïc vaø vieát, nhöng laïi cheùp baûn nhaïc raát taøi tình, ñaùnh döông caàm vaø phong caàm khoâng thua gì nhöõng Nhaïc só höõu danh.

Nhöõng baèng chöùng roû raøng treân khoâng ai coù theå choái caõi ñöôïc. Nhöng cuõng khoâng ai coù theå giaûi ñaùp ñöôïc lyù do vì ñaâu coù hieän töôïng laï luøng nhö theá, neáu khoâng tin coù nhaân-quaû luaân-hoài. Caùc nhaø khoa hoïc coá gaéng giaûi thích laø taïi nhöõng haïch tuyeán trong ngöôøi caùc thieân taøi aáy phaùt trieån moät caùch nhanh choùng khaùc thöôøng. Nhöng taïi sao haïch tuyeán chæ phaùt trieån trong moät soá ngöôøi aáy maø thoâi? Coù ngöôøi giaûi thích laø do di truyeàn. Nhöng lôøi giaûi thích naøo cuõng khoâng laøm cho ngöôøi ta thoaû maõn, vì oâng cha nhöõng thaàn ñoàng aáy cuõng khoâng coù gì xuaát saéc hôn nhöõng ngöôøi khaùc. Vaõ laïi, con chaùu caùc vò thaàn ñoàng aáy veà sau cuõng khoâng thöøa höôûng ñöôïc gì cuûa oâng cha caû.

Chæ coøn moät loái giaûi thích duy nhaát coù theå ñöùng vöõng ñöôïc laø: nghieäp nhaân cuûa nhieàu ñôøi kieáp tröôùc ñaõ phaùt trieån thaønh quaû trong ñôøi hieän taïi.

 

CHÖÔNG NAÊM

GIAÛI ÑAÙP NHÖÕNG THAÉC MAÉC NGHI VAÁN TRONG VAÁN ÑEÀ NHAÂN-QUAÛ LUAÂN-HOÀI

Töø tröôùc ñeán nay, chuùng toâi chæ trình baøy nhöõng ñieåm chính cuûa giaùo lyù nhaân-quaû luaân-hoài, maø khoâng ñi saâu vaøo chi tieát, vaø ñeå söï trình baøy ñöôïc roõ raøng, coù maïch laïc, chuùng toâi ñaõ gaùt laïi taát caû nhöõng thaéc maéc, nghi vaán coù theå hieän ra nhieàu laàn trong ñaàu oùc quyù vò, khi ñoïc caùc ñoaïn tröôùc. Ñeán ñaây, sau khi trình baøy xong xuoâi nhöõng neùt chính cuûa giaùo lyù Nhaân-quaû Luaân-hoài, chuùng toâi xin laàn löôït giaûi ñaùp nhöõng thaéc maéc; hay nghi vaán trong vaán ñeà naøy:

I._ Coù ngöôøi nghó raèng : Nhaân-quaû laø moät luaät töï nhieân raát coâng baèng ñöùng ñaén, sao coù ngöôøi caû ñôøi hieàn töø, maø laïi gaëp laém tai naïn, khoå sôû, traùi laïi nhöõng ngöôøi hung aùc sao laïi vaãn an laønh?

Ñaùp:- Chaéc quyù vò chöa queân trong chöông noùi veà nghieäp, chuùng toâi ñaõ trình baøy raèng xeùt veà thôøi gian, nghieäp coù chia ra laøm ba thöù:

a) Hieän baùo: Quaû baùo hieän tieàn, nhö mình ñaùnh ngöôøi, bò ngöôøi ñaùnh ngay; hay aên côm thì no, uoáng nöôùc lieàn ñôõ khaùt.

b) Sanh baùo: Ñôøi nay taïo nhaân, qua ñôøi sau môùi thoï quaû baùo, nhö laøm moät toäi aùc gì, ngay khi aáy khoâng ai bieát maø baét, ñeán laâu sau vieäc aáy môùi tieát loä vaø ngöôøi laøm aùc môùi ñeàn toäi.

c) Haäu baùo: Ñôøi nay taïo nhaân, maø caùch maáy ñôøi sau môùi chòu quaû baùo, Nhö ngaøi Ngoä-Ñaït quoác sö, ñôøi tröôùc laøm quan teân laø Vieân-AÙn, vì gieát Trieäu-Thoá, maø ñeán 10 ñôøi sau môùi chòu quaû baùo.

Vaäy neáu coù ngöôøi trong ñôøi hieän taïi laøm vieäc hung aùc, maø ñöôïc an laønh laø do kieáp tröôùc hoï taïo nhaân hieàn töø. Coøn caùi nhaân hung aùc môùi taïo trong ñôøi hieän taïi, thì trong töông lai hay qua ñôøi sau, hoï seõ chòu quaû baùo. Cuõng nhö ngöôøi naêm nay aên chôi, khoâng laøm gì heát maø vaãn no ñuû laø nhôø naêm roài hoï coù laøm, coù tieàn cuûa ñeå daønh vaäy. Caùi nhaân aên chôi, khoâng laøm naêm nay, thì sang naêm hoï seõ chòu quaû ñoùi raùch.

Coøn ngöôøi ñôøi nay hieàn töø, laøm caùc ñieàu phöôùc thieän maø vaãn gaëp tai naïn, khoå sôû laø do ñôøi tröôùc, hoï taïo nhöõng nhaân khoâng toát. Caùi nhaân hieàn töø ñôøi nay, qua ñôøi sau hoï seõ höôõng quaû vui. Cuõng nhö coù ngöôøi tuy naêm nay sieâng naêng laøm ruoäng, maø vaãn thieáu huït laø vì nhaân aên chôi naêm vöøa roài. Caùi nhaân sieâng naêng naêm nay sang naêm hoï seõ höôõng quaû sung tuùc. Do ñoù, coå nhaân coù noùi:

“ Thieän aùc ñaùo ñaàu chung höõu baùo,

Chæ tranh lai taûo döõ lai trì”.

(nghóa laø: Vieäc laønh hay vieäc döõ ñeàu coù quaû baùo, chæ khaùc nhau ñeán sôùm hay muoän maø thoâi).

II.- Coù ngöôøi hoûi: Ngöôøi ñaõ coù phöôùc môùi ñöôïc giaøu sang, vaäy taïi sao trong soá ngöôøi giaøu sang aáy vaãn coù ngöôøi ngu si, cheát yeåu, hoaëc ñui, ñieác, ngoïng, lòu v.v… (ngu, si, aùm, aù, gia haø phuù). Traùi laïi, ngöôøi voâ phöôùc môùi ngheøo naøn, vaäy sao trong soá nhöõng ngöôøi naøy, vaãn coù ngöôøi thoâng minh, ñeïp ñeõ, tröôøng thoï, v.v… (trí hueä, thoâng minh khöôùc thoï baàn).

Ñaùp:

- Ngöôøi ñôøi nay giaøu coù laø tröùôc taïo nhaân giaøu coù, nhöng hoï chæ taïo nhaân giaøu coù maø khoâng taïo nhöõng nhaân khaùc nhö tröôøng thoï, trí tueä v.v… neân ñôøi nay hoï chæ giaøu maø thoâi, chöù khoâng soáng laâu khoâng thoâng minh v.v… Traùi laïi, coù ngöôøi kieáp tröôùc chæ taïo nhôn tröôøng thoï vaø trí tueä maø khoâng taïo nhôn giaøu coù, neân kieáp naøy ñöôïc höôûng quaû tröôøng thoï vaø trí tueä maø khoâng höôûng ñöôïc quaû giaøu coù. Nhaân naøo mình coù taïo môùi coù quaû aáy, coøn nhaân naøo mình khoâng taïo thì laøm sao coù quaû ñöôïc? Neân trong kinh nhaân-quaû coù noùi:"Nhaân-quaû baùo öùng nhö aûnh tuøy hình" (nhaân-quaû traû nhau, nhö boùng theo hình. Hình ngay thì boùng thaúng, hình vaïy thì boùng cong ).

III.- Coù ngöôøi hoûi: Theo luaät nhaân-quaû thì ai laøm naáy chòu, cha laøm toäi con khoâng theå thay theá ñöôïc; con laøm toäi, cha khoâng theå thay theá ñöôïc. Sao thaáy coù nhöõng vieäc: cha laøm con phaûi chòu lieân can, con laøm cha phaûi chòu aûnh höôûng ?

Traû lôøi:

- Trong kinh Phaät daïy nhaân-quaû nghieäp baùo coù hai thöù: bieät nghieäp vaø coäng nghieäp.

a) Bieät nghieäp: Laø nghieäp baùo rieâng cuûa moãi chuùng sinh, nhö mình coù hoïc nhieàu thì mình bieát nhieàu, mình aên thì mình no, mình sieâng naêng thì mình deã thaønh coâng, mình nhaùc löôøi thì mình thaát baïi.

b) Coäâng nghieäp: Laø nghieäp baùo chung cho nhieàu chuùng sinh cuøng soáng trong moät hoaøn caûnh. Nhö ngöôøi Vieät Nam soáng treân maûnh ñaát chöõ S naøy, trong giai ñoaïn chieán tranh Vieät- Phaùp vöøa qua, thì duø giaøu, duø ngheøo, duø trí thöùc, duø bình daân ñeàu chòu aûnh höôûng chung cuûa chieán tranh; nhö sanh coù moät nöôùc tieân tieán thì moïi ngöôøi ñieàu ñöôïc höôûng moät ñôøi soáng vaät chaát ñaày ñuû hôn ôû moät xöù baùn khai. Ñaõ chung sanh trong moät gia ñình, moät xöù sôû hay moät daân toäc, coá nhieân caùi nghieäp phaûi coù lieân quan vôùi nhau. Saùch coù noùi:"Nhöùt nhôn taùc phöôùc, thieân nhôn höôûng; ñoäc thoï khai hoa, vaïn thoï höông" (moät ngöôøi laøm phöôùc, ngaøn ngöôøi ñeàu ñöôïc aûnh höôûng; moät caây troå hoa, muoân caây chung quanh ñeàu ñöôïc thôm laây).

IV.- Coù ngöôøi hoûi: Ñaõ goïi laø coäng nghieäp thì taát nhieân phaûi chòu nhöõng nghieäp quaû gioáng nhau, ñaõ sinh trong moät hoaøn caûnh thì taát chòu chung moät aûnh höôûng, maëc duø coù bieät nghieäp, nhöng nhöõng bieät nghieäp aáy duø sao cuõng chæ coù taùnh caùch sai bieät tieåu tieát maø thoâi (ñaïi ñoàng, tieåu dò). Vaäy taïi sao trong ñôøi, thaáy coù nhöõng ngöôøi soáng chung trong moät hoaøn caûnh maø laïi traùi haún nhau. Thí duï nhö: coù ngöôøi hieàn laønh laïi sanh trong moät gia ñình hung aùc, coù ngöôøi hung aùc laïi sanh trong gia ñình hieàn löông ?

Traû lôøi:

- Trong ñoaïn phaân loaïi veà caùc thöù nghieäp, ñaõ noùi raèng coù boán loaïi nghieäp laø:

- Tích luõy nghieäp,

- Taäp quaùn nghieäp,

- Cöïc troïng nghieäp,

- Vaø caän töû nghieäp.

Trong caùc loaïi nghieäp aáy, cöïc-troïng nghieäp coù taùc ñoäng maïnh meõ nhaát sau khi cheát. Neáu khi soáng, caù nhaân naøo ñoù taïo nhaân cöïc- troïng nghieäp veà loaïi thieän, nhö trieät ñeå aùp duïng nhöõng phöông phaùp tu haønh coù hieäu quaû nhö töù-ñeá, thaäp nhò nhaân duyeân… thì sau khi cheát ñöôïc höôûng keát quaû toát ñeïp voâ cuøng. Traùi laïi, neáu taïo nhaân cöïc-troïng nghieäp veà loaïi aùc, nhö gieát cha meï, saùt haïi ngöôøi tu haønh v.v… thì khi cheát phaûi ñoïa vaøo nguïc voâ-giaùn. Nhöng cöïc-troïng nghieäp khoâng phaûi ngöôøi naøo cuõng coù: neáu khoâng taïo nhaân cöïc troïng, nhö khoâng tu haønh hay khoâng phaïm toäi nguõ- nghòch thì taát nhieân khoâng coù nghieäp cöïc-troïng .

Trong tröôøng hôïp khoâng coù cöïc-troïng nghieäp, thì caän-töû nghieäp (nghieäp löïc khi laâm chung) laø caùi nghieäp coù moät taùc ñoäng maïnh meõ trong vaán ñeà daét daãn ñi ñaàu thai. Trong nhieàu tröôøng hôïp thì caän- töû nghieäp vaø tích-luõy nghieäp, taäp-quaùn nghieäp cuøng ñoùng moät taùnh chaát gioáng nhau, nghóa laø trong nhöõng ñôøi tröôùc vaø ñôøi hieän taïi coù gaây nhöõng vieäc thieän vaø khi laâm chung, cuõng coù nhöõng haønh ñoäng hay yù nghó vieäc thieän, hay traùi laïi, trong nhieàu ñôøi tröôùc vaø hieän taïi coù taïo nhöõng nhaân aùc vaø khi laâm chung cuõng laøm hay nghó ñeán nhöõng vieäc aùc. Trong tröôøng hôïp naøy thì caän-töû nghieäp seõ daét daãn ñi ñaàu thai moät caùch töï nhieân, ñeán moät hoaøn caûnh thích hôïp vôùi caû ba thöù nghieäp laø tích-luõy nghieäp, taäp-quaùn vaø caän-töû nghieäp. Chaúng haïn nhö moät ngöôøi, trong ñôøi quaù khöù ñaõ taïo nhöõng nhaân hieàn laønh thì sau khi cheát, ñaàu thai vaøo moät gia ñình cuõng hieàn laønh vaø nhöõng ngöôøi ôû trong gia ñình aáy cuõng khoâng coù traùi ngöôïc nhau.

Nhöng coù moät vaøi tröôøng hôïp maø caän-töû nghieäp khoâng ñoàng moät taùnh chaát vôùi tích-luyõ vaø taäp quaùn nghieäp, chaúng haïn nhö moät ngöôøi trong ñôøi quaù khöù vaø hieän taïi phaàn nhieàu ñeàu gieo nhaân laønh, ñeàu coù nhieàu haønh ñoäng thieän, nhöng khi laâm chung, vì moät lyù do naøo ñoù, coù nhöõng yù nghó, haønh ñoäng baát thieän, nghóa laø taïo moät caän-töû nghieäp baát thieän, nhö tham ñaém, giaän döõ v…v… thì caän töû nghieäp naøy seõ daét daãn ñi ñeán moät hoøan caûnh baát thieän, nhö sanh vaøo moät gia ñình tham ñaém, hay giaän döõ v…v…

Nhöng nghieäp chính cuûa ngöôøi naøy laø thieän thì trong ñôøi sau naøy, ngöôøi aáy seõ höôûng quaû thieän, maëc duø soáng trong gia ñình aùc.

Hay traùi laïi, tích-luõy vaø taäp-quaùn nghieäp cuûa ngöôøi aáy laø aùc, nhöng khi laâm chung ngöôøi aáy bieát aên naên hoái caõi, tha thieát nghó ñeán ñieàu thieän vaø nhôø nhöõng ngöôøi chung quanh hoä nieäm chuù nguyeän cho, neân taïo ra moät caän-töû nghieäp thieän. Nghieäp naøy seõ daét daãn ñaàu thai vaøo moät gia ñình thieän. Nhöng nghieäp chính cuûa ngöôøi naøy trong quaù khöù laø aùc, cho neân sau ít laâu soáng trong gia ñình aáy, caùc nghieäp aùc xuaát laïi hieän. Do ñoù môùi coù nhöõng tröôøng hôïp cha meï aùc coù con thieän, hay cha meï thieän coù con aùc.

V.- Coù ngöôøi hoûi: Neáu coù Luaân-hoài thì khi cheát roài, moät ngöôøi chæ sanh ra moät ngöôøi thoâi; taïi sao treân theá giôùi naøy, khi môùi khai thieân laäp ñòa chöa coù ngöôøi, maø cöù moät ngaøy nhaân loaïi moãi theâm ñoâng? Vaäy do ñaâu maø nhieàu ngöôøi theá?

Traû lôøi : Trong ñoaïn Luaân-hoài chuùng toâi ñaõ noùi: chuùng sinh luaân-hoài trong saùu caûnh giôùi laø: thieân, nhaân, A-tu-la, ngaï quyû, suùc sinh, ñòa nguïc. Chuùng sanh ôû caûnh giôùi naøy coù theå ñaàu thai qua caûnh giôùi khaùc, ñaép ñoåi cho nhau, khi leân khi xuoáng, chöù khoâng phaûi chæ coù ngöôøi môùi ñaàu thai laøm ngöôøi maø thoâi. Nhieàu loaøi thuù coù nhöõng taâm traïng gaàn gioáng ngöôøi coù theå ñaàu thai laøm ngöôøi ñöôïc, cuõng nhö nhöõng ngöôøi coù taâm traïng lang soùi seõ trôû thaønh lang soùi.

Hôn nöõa, trong ñoaïn tröôùc, chuùng toâi cuõng coù noùi raèng trong caùc Kinh Phaät daïy : Theá giôùi trong vuõ truï naøy nhieàu nhö caùt soâng Haèng, chöù ñaâu phaûi chæ moät quaû ñaát naøy laø trung taâm ñieåm cuûa vuõ truï vaø coù ngöôøi? Caùc nhaø baùc hoïc cuõng coâng nhaän moät ngoâi sao laø moät theá giôùi . Trong Haèng haø sa soá theá giôùi aáy, coù bieát bao nhieâu laø theá giôùi coù hoaøn caûnh gioáng nhö quaû ñaát nhoû beù chuùng ta ñang ôû ñaây! Theá giôùi ñaõ nhieàu nhö theá thì nhaân loaïi ñaâu phaûi ít? Taïi sao chuùng ta khoâng theå tin ñöôïc raèng theá naøo cuõng coù söï luaân chuyeån, söï löu thoâng, söï trao ñoåi veà phöông dieän tinh thaàn, veà caùi nghieäp giöõa theá giôùi naøy vôùi theá giôùi khaùc? Moãi moät theá giôùi saép hoaïi thì chuùng sanh ôû theá giôùi aáy taûn cö, moãi theá giôùiù ñaõ thaønh, thì chuùng sanh ôû caùc theá giôùi ñoàng caûnh chung quanh töïu ñeán. Trong kinh Ñòa Taïng coù noùi:

“Thöû giôùi hoaïi thôøi, hoaøn kyù tha phöông …”(theá giôùi naøy hoaïi, thì gôûi qua theá giôùi khaùc, theá giôùi khaùc hoaïi laïi gôûi ñeán theá giôùi khaùc nöõa…) Nhö ñoâ thaønh Saøi Goøn hieän giôø ñaây daân soá raát ñoâng, laø do ngöôøi ôû caùc tænh ñeán. Khi giaëc yeân , daân chuùng trôû veà caùc tænh thì daân soá Saøi Goøn töï nhieân bôùt. Daân chuùng ôû ñoâ thaønh nhieàu hay ít laø do ngöôøi ôû caùc nôi tuï ñeán hay taûn ñi. Trong theá giôùi hieän nay nhaân loaïi nhieàu hay ít cuõng nhö vaäy .

Ñöùng veà phöông dieän toång theå maø noùi, thì khoâng coù maát coøn, saïch, nhôùp, theâm, bôùt, ñaày, vôi (baát sanh, baát dieät, baát caáu, baát tònh, baát taêng, baát giaûm). Chæ vì chuùng ta coù quan nieäm heïp hoøi, chia caét, khu bieät, ñoùng khung trong moät caûnh giôùi neân môùi thaáy loaøi naøy, loaøi khaùc, theá giôùi naøy, theá giôùi khaùc hoaøn toaøn caùch bieät nhau.

VI- Coù ngöôøi hoûi: Ngöôøi vaø thuù vaät hoaøn toaøn khaùc nhau, laøm sao ngöôøi coù theå taùi sanh thaønh thuù vaät vaø thuù vaät thaønh ngöôøi ñöôïc ?

Traû lôøi: Ngöôøi ta thöôøng coù quan nieäm sai laàm raèng, ngöôøi coù linh hoàn ngöôøi, thuù vaät coù hoàn thuù vaät. Linh hoàn ngöôøi hay hoàn thuù, tuy ngöôøi ta chöa heà thaáy bao giôø, nhöng ngöôøi ta töôûng töôïng heã linh hoàn ngöôøi thì coù boùng daùng nhö ngöôøi, heã hoàn choù meøo thì coù boùng daùng nhö choù meøo, vaø baát bieán, duø cheát hay soáng. Vì töôûng töôïng nhö theá neân ngöôøi ta khoâng theå coâng nhaän raèng: cheát roài linh hoàn ngöôøi laïi chui vaøo thaân hình choù meøo, chaúng haïn, vaø hoàn choù meøo laïi naèm loát thaân hình ngöôøi .

Thaät ra, nghieäp khoâng phaûi laø linh hoàn( nhö ñaõ noùi ôû ñoaïn tröôùc) maø laø moät naêng löïc coù nhuoám tính chaát nhöõng haønh ñoäng cuûa moãi chuùng sanh. Vì tính chaát rieâng bieät aáy maø nghieäp löïc nhaäp vaøo moät hình thöùc naøy hay moät hình thöùc khaùc do caùi luaät haáp daãn” ñoàng thanh töông öùng, ñoàng khí töông caàu”.

“ Thay vì noùi ngöôøi kia trôû thaønh thuù hay traùi laïi, thuù kia trôû thaønh ngöôøi, ñuùng hôn neân noùi raèng: nghieäp löïc phaùt hieän döôùi hình theå ngöôøi hay döôùi hình theå thuù” (1)

Moät hoâm coù hai ngöôøi ñaïo-só: moät ngöôøi teân “Bun-Na” (Punna) tu khoå haïnh theo loái soáng cuûa loaøi boø, moät ngöôøi teân “Xô- ni- da” (Seniya) tu khoå haïnh theo loái soáng cuûa loaøi choù, hai ngöôøi naøy ñeán hoûi Ñöùc Phaät veà kieáp vò lai cuûa hoï. Ñöùc Phaät traû lôøi :

“Trong ñôøi naøy, moät gaõ kia thöïc haønh troïn veïn khoâng thoái chuyeån nhöõng thoùi quen, nhöõng taâm traïng, nhöõng taùnh caùch cuûa choù, gaõ aáy soáng theo thoùi thöôøng cuûa choù, sau khi cheát seõ taùi sanh trong loaøi choù”.

Ñöùc Phaät cuõng giaûi thích nhö treân raèng : keû naøo tu khoå haïnh theo boø, cuõng seõ taùi sanh trong loaøi boø.

Thí duï treân chöùng minh moät caùch huøng hoàn : nghieäp löïc coù theå daãn daét ñi ñaàu thai baát luaän trong loaïi naøo, caûnh giôùi naøo.

Khoâng caàn phaûi ñôïi ñeán ñôøi vò lai, phaûi traûi qua kieáp naøy ñeán kieáp khaùc, ngay chính trong taâm nieäm, trong töøng hoaøn caûnh cuûa cuoäc ñôøi hieän taïi, con ngöôøi coù theå traûi qua traïng thaùi cuûa saùu loaøi : khi con ngöôøi sanh loøng giaän giöõ cheùm gieát, thì caûnh A-tu-la hieän khôûi; khi con ngöôøi ung dung töï taïi soáng trong nhung luïa huy hoaøng thì caûnh giôùi thieân ñaøng hieän khôûi; khi con ngöôøi soáng trong caûnh chieán tranh bom ñaïn, trong caûnh keàm keïp giam caàm, tra khaûo daõ man, naøo bò treo ngöôïc, naøo bò ñoå nöôùc soâi v.v… thì ñoù laø caûnh giôùi ñòa nguïc.

Ngay trong loaøi ngöôøi, neáu xeùt veà phaàn vaät chaát thì coù nhieàu ngöôøi soáng moät cuoäc ñôøi ñeá vöông xaùn laïn nhö ôû coûi thieân-ñaøng ; coù ngöôøi laïi soáng chui ruùc trong hang trong hoá, aên loâng ôû loå nhö thuù vaät. Xeùt veà phaàn tinh thaàn, thì coù ngöôøi thoâng minh taøi trí, ñöùc haïnh nhö thaùnh nhaân; coù keû taâm ñòa laïi toái taêm, ñoäc aùc, xaáu xa nhö lang soùi. Neáu ñaõ tin coù nghieäp löïc thì haïng ngöôøi noùi treân taát seõ daãn daét ñeán coûi thieân, vaø nghieäp löïc cuûa haïng döôùi taát phaûi ñaàu thai trong loaøi thuù vaät.

Chuùng toâi ñaõ giaûi ñaùp moät soá ghi vaán, thaéc maéc thoâng thöôøng trong khi ñeà caäp ñeán vaán ñeà Nhaân-quaû Luaân-hoài. Chuùng toâi bieát coøn nhieàu thaéc maéc, nghi vaán khaùc, nhöng chuùng toâi xin gaùt laïi, vì chuùng khoâng ñöôïc phoå thoâng vaø coù taùnh caùch baùc hoïc, chuyeân moân nhö vaán ñeà nguyeân nhaân ñaàu tieân cuûa nghieäp, vaán ñeà traùch nhieäm veà phöông dieän ñaïo ñöùc, vaán ñeà so saùnh giöõa thuyeát tieàn ñònh, meänh vaø nghieäp baùo khaùc nhö nhau nhö theá naøo v.v…

Chuùng toâi khoâng muoán keùo daøi theâm nöõa, phaïm vi coù chöøng haïn cuûa saùch loaïi phoå thoâng naøy. Vaø ñeán ñaây, chuùng toâi töôûng ñaõ ñeán luùc noùi vaøi lôøi taïm bieät cuøng quí vò ñoäc giaû thaân meán.

 

 

 

 

 

 

 

 

VAØI LÔØI TAÏM BIEÄT

Thöa quùi ñoäc giaû!

Vaán ñeà Nhaân-quaû Luaân-hoài laø moät vaán ñeà voâ cuøng quan troïng, khoâng nhöõng ñoái vôùi ngöôøi Phaät töû, maø caû ñeán nhöõng ai ñang baên khoaên thaéc maéc tröôùc bao vaán ñeà maø cuoäc soáng ñaët ra, nhö: chuùng ta töø ñaâu laïi vaø seõ ñi veà ñaâu? Ñoäng löïc cuûa söï soáng laø gì? Ai laø chuû nhaân oâng cuõa ñôøi mình? Taïi sao coù nhöõng hoaøn caûnh traùi ngöôïc nhau trong xaõ hoäi? Ta coù theå giaûi thoaùt khoûi caûnh giôùi toái taêm naøy ñeå ñeán moät caûnh giôùi ñeïp ñeõ khaùc khoâng? Vaø neáu ñöôïc, thì baèng phöông tieän gì?

Nhöõng vaán ñeà treân, moïi ngöôøi ñieàu neân bieát. Nhöng moät khi ñaõ bieát roài, chuùng ta khoâng neân töï cho laø ñaõ thoûa maõn trí toø moø maø yeân loøng xeáp saùch laïi. Caùi bieát suoâng aáy khoâng coù lôïi ích thieát thöïc gì cho ta caû. Khoâng bieát thì phaûi tìm maø bieát, khi ñaõ bieát roài thì phaûi haønh ñoäng theo söï hieåu bieát aáy.

Giaùo lyù Nhaân-quaû Luaân-hoài ñem laïi cho chuùng ta moät nieàm phaán khôûi maïnh meõ voâ cuøng, ñoù laø töï kieán taïo laáy ñôøi mình. Trong bao nhieâu kieáp Luaân-hoài, moãi chuùng ta laø tay thôï töï xaây döïng laáy ñòa vò cuûa mình maø khoâng hay. Do söï meâ môø aáy, chuùng ta ñaõ laøm haïi ñôøi cuûa chuùng ta baèng caùch buoâng xuoâi tay, trao gôûi nieàm tin vaøo nhöõng ñaáng thieâng lieâng töôûng töôïng, hay reân xieát, khoùc than traùch moùc ñònh meänh khaéc nghieät ñaõ troùi buoäc ñôøi mình.

Giôø ñaây, chuùng ta ñaõ bieát chính moãi chuùng ta ñaõ töï tay troùi buoäc chuùng ta trong caûnh sanh töû luaân-hoài.

Chuùng ta ñaõ töï troùi buoäc chuùng ta, thì cuõng chæ coù chuùng ta laø coù theå côûi môû cho chuùng ta maø thoâi. Ñöùc Phaät laø ñaáng saùng suoát ñaõ chæ daïy cho chuùng ta nhöõng phöông phaùp töï côû troùi. Vaäy chuùng ta coøn chôø ñôïi gì, coøn luyeán tieác gì maø khoâng chòu baét tay laøm ngay caùi cöû chæ môõ troùi aáy? Chung quanh chuùng ta ñaõ coù nhieàu vò thaày höôùng daãn böôùc ñaàu cuûa chuùng ta, ñaõ coù nhöõng ngöôøi ñoàng haønh ñang tinh taán, haêng haùi ngaøy ñeâm laøm caùi coâng vieäc töï côûi môû aáy, hay noùi theo danh töø nhaø Phaät, laøm coâng vieäc giaûi thoaùt aáy.

Baïn coøn chôø ñôïi gì?

Neáu baïn ñaõ laøm Phaät töû, baïn haõy tinh taán nöõa leân! Neáu baïn chöa laø Phaät töû, baïn haõy gaáp ruùt gia nhaäp vaøo ñaïo quaân giaûi phoùng hieän ñang coù maët khaép naêm chaâu, ñaïo quaân giaûi phoùng ñang theo daáu chaân Phaät ñeå dieät tröø voâ-minh ñem laïi haïnh phuùc chaân thaät cho mình vaø cho ngöôøi.

Xin kính chaøo baïn

HEÁT

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1024836
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
881
3233
9718
992115
27934
92670
1024836