Thứ Năm 17/7/2025 -- 23/6/2025 (Âm lịch) -- 2569 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Khéo Dụng Tâm (Phần 01): Khéo Thực Hành Pháp Sổ Tức

TT.Thích Tâm Hạnh

THAY LỜI TỰA

Tất cả chúng sanh vốn sẵn tự tánh thanh tịnh, sáng ngời. Thế rồi một thuở thoạt quên, mê mờ tánh chân, rơi vào các vọng. Nhận thân tâm sanh diệt làm mình, chấp các pháp bên ngoài thật có, thức mê càng sâu, vọng động tạo tác, chịu các thống khổ.

  

Việc tu tập đơn giản chỉ là chuyển vọng về chân, dừng các lăng xăng, trở lại tánh thể. Hoặc ngay đây nhận thẳng; hoặc chuyển vọng hướng chân, mới có lúc tâm này bừng ngộ. Ngoài ra, những phương cách còn lại chỉ là việc thực tập cho những hành giả chưa thuần.

Thẳng tắt ngắn gọn là vậy, nhưng do tâm mê, khiến chúng ta dễ mắc sai lầm khi hạ thủ. Hoặc dụng công rơi vào tạo tác, hoặc kềm đè cực đoan, hoặc gạn đục khơi trong rơi vào chỗ thuần tịnh, có khi do chấp sở đắc khiến công phu dừng lại giữa chừng… Và còn vô vàn khó khăn khác.

Để góp phần nhỏ trong kinh nghiệm tu tập, chúng tôi đã viết nhiều tập sách. Điển hình trong việc công phu là tập Dụng công tu thiền. Tài liệu này đã trình bày cặn kẽ về việc dụng tâm tu tập.Quyển Khéo dụng tâm sẽ tiếp tục nói thêm một cách khái lược vài điểm chính yếu trong công phu, hy vọng sẽ mang lại ít nhiều lợi lạc cho những pháp hữu hữu duyên đang cùng nhau trên đường trở về cố hương muôn thuở.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

   Mùa xuân Ất Tỵ – 2025

           Kính ghi:

     Thích Tâm Hạnh

 

KHÉO THỰC HÀNH PHÁP SỔ TỨC

Tu thiền, cốt ngộ tự tánh, liền đó tự tại tiêu sái. Hành giả lanh lợi, ngay đây nhận thẳng, liền xong. Nếu chưa như thế, phải điều phục thân tâm, chín chắn dụng công, mới tiến đạo. Một trong những phương pháp căn bản cho người sơ cơ được Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm hiện nay hướng dẫn Thiền sinh là sổ tức (đếm hơi thở). Đây là cách thức để điều thân, điều tức cho hành giả mới vào thực tập thiền, để được thuần thục trước khi đi vào công phu chính “Tri vọng” hoặc “Biết có chân tâm”. Cách thực hành và tầm quan trọng của pháp này, chúng tôi đã trình bày trong sách “Dụng công tu thiền”. Ở đây, chỉ nhắc thêm kinh nghiệm khi hạ thủ.

Trước khi ngồi thiền, hành giả cần dành thời gian thư giãn, buông thư. Bước chuẩn bị này tốt thì thân tâm sẽ thơ thới, nhẹ nhàng, giúp tọa thiền dễ an định. Khi ngồi thiền, nên thực hiện đúng các bước căn bản để vào thiền, công phu sẽ tiến bộ và không bị các chướng ngại khác[1].

Tiếp theo, không sổ tức liền mà buông thư hết tất cả, trả lại cái thấy, cái nghe, cảm giác một cách tự nhiên, tâm sẽ được khinh an. Đây là nền tảng để làm chủ vọng tưởng mà không cần cố gắng thêm gì. Tâm đã nhẹ nhàng, sâu lắng, thênh thang thì vọng tưởng tự mất giá trị chi phối. Lúc này, tất cả tự trở nên trong lặng. Dụng công đúng nguyên lý như thế, sẽ đắc lực. Khi được lặng sáng, lưu thông thì tâm mình tự sáng biết. Sức giác sáng này mạnh mẽ, sáng ngời, không động. Sống thẳng như thế, công phu rất nhàn mà tiến mạnh.

Buông thư một lúc như vậy thì hơi thở đã nhẹ và bắt đầu sổ tức (thực hành pháp đếm hơi thở). Khi đã nhẹ nhàng, khinh an, bắt đầu vào công phu, sẽ tự cảm nhận tiến bộ rõ ràng. Không phải chủ ý đếm hay điều khiển hơi thở ra vào, mà hơi thở tự động ra vào một cách tự nhiên và bắt đầu đếm.

Hơi thở tự động ra vào một cách nhẹ nhàng, thông suốt, không khiên cưỡng hay tạo tác gì là tốt. Nhưng nếu để cho tâm tự động đếm (có tướng đếm), thì đó là đã để cho thức mê có cơ hội tự vận hành, sẽ không ổn.Thời gian sau, nó tự làm cho mình loạn động, khó chỉnh sửa.

Lưu ý, khi đếm hơi thở, nếu không lặng an – giác biết, không sáng lại tâm mình (tức đã bất giác) thì tâm sẽ duyên theo hơi thở. Như thế, căn thức sẽ tự vận hành, khiến hành giả không sáng. Lúc này, hơi thở như một vọng tưởng và tâm đang vin theo vọng (hơi thở), cho nên căn thức tự phát sanh, đánh mất công phu mà không hề hay biết. Do đang bị mê, bỏ sót chân tâm cho nên toàn thể bị lẫn vào trong vọng. Khi căn thức hoạt động mạnh, nó sẽ tự đếm. Lúc này, việc đếm hơi thở đã được thức mê biến thành một sự vận hành trôi chảy tự nhiên. Hành giả vừa không giác sáng rõ ràng, vừa bị vọng tưởng vi tế cuốn vào sự trôi chảy êm đềm, liên tục và êm dịu của chúng. Nếu để lâu ngày, sẽ khó điều phục hơn lúc ban đầu mới công phu còn thô.

Kiểm nghiệm để nhận ra chỗ này là hành giả muốn ngồi thiền như thế để giết chết thời gian trôi qua cho nhanh, bớt nhọc nhằn, tê chân… và ngồi được nhiều thời gian hơn. Khi duyên theo vọng, căn thức sẽ xoa dịu các khó chịu. Nếu thế thì dù có ngồi được lâu cũng không phải là dụng công tu tập. Cần chấn chỉnh công phu cho đúng. Khéo giác sáng, ngay đó chân tâm hiện tiền. Không tương tục trôi theo căn thức mê mờ thì công phu mới đắc lực. Sống bằng tâm lặng sáng, không động, ngay đó sáng rỡ - Chân tâm hiện tiền. Lúc này hơi thở ra vào rõ ràng mồn một, nhưng không dính dáng gì bản tâm thênh thang giác sáng kia. Cứ thế, số đếm rõ ràng, nhưng không phân biệt, không động. Khéo dụng tâm như thế thì đang lúc sổ tức, cũng không khác đang sống bằng chân tâm hiển hiện rỡ ràng.

Hành giả đại ngộ, năm ấm tự thông suốt, rỗng thênh, không ngăn ngại nên không cần sổ tức. Còn lại, cần phải thực hành các pháp căn bản thì việc dụng công mới thuận duyên tu tiến. Sổ tức là một trong những phương pháp hết sức căn bản không thể bỏ qua. Có nhiều vị lanh lợi, mới vào tu tập đã khéo thầm nhận chân tâm. Dù vậy, do chưa phải đại ngộ và thời gian chưa đủ để ổn định thân này cho nên cần phải thực hành sổ tức để thuận cho việc tu tiến, về sau không bị trở ngại.



[1] Việc này đã được trình bày đầy đủ trong sách “Dụng công tu thiền”.

 

 

 

 

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

2248365
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3834
4436
19396
2205565
63080
112636
2248365