Thứ Sáu 29/3/2024 -- 20/2/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sức mạnh nào cho chúng ta

 Thầy Tâm Hạnh.

Bước ra bất cứ cuộc thi nào, mọi người thường nhắn nhủ, chúc tụng, khích lệ nhau bằng khẩu hiệu: “Hãy bản lĩnh, tự tin và chiến thắng!” Đời người là một trường thi dài đăng đẳng, lắm phức tạp, nhiều khó khăn, dẫy đầy những thử thách gian nan và cạm bẫy khó lường, chưa có hồi kết. Vì thế mỗi người chúng ta rất cần những yếu tố khích lệ trên. Nhưng chất liệu gì, sức mạnh nào cho chúng ta có đầy đủ bản lĩnh, tự tin và chiến thắng? Con người chúng ta đang có sức mạnh gì, đang lấy gì làm sức mạnh, sức mạnh nào giúp cho chúng ta có đủ bản lĩnh, nghị lực, để sống một cách tự tin?

I.    SỨC MẠNH THẾ GIAN:

1.    PHƯỚC LỰC:

Ví như trong xóm, trong khu phố, hoặc trong một công ty… có người khá giả, có đời sống tốt, đạo đức, chan hòa, khiêm nhường, lịch thiệp, thường hay quan tâm và giúp đỡ mọi người chung quanh… Lâu ngày như thế, không biết tự bao giờ, mọi người ai nấy đều cảm thấy nễ phục, cảm mến. Người sống tốt được như vậy là có phước. Và lý do mà mọi người đều cảm mến vị này là do phước lực, là sức mạnh của phước đức nó chi phối, cuốn hút mình.

Tương tự, tất cả sức mạnh mà con người đang có như là sức lực, tiền bạc của cải, chức quyền, tri thức… đều do phước đức tạo nên. Nếu không có phước đức, chúng ta sẽ không có được những thứ đang làm nên sức mạnh đó.

Cho thấy, hầu hết con người chúng ta đang sống trong phước lực, đang lấy phước lực làm sức mạnh và đang bị phước lực chi phối lẫn nhau.

2.    NGHIỆP LỰC:

Xét thêm khía cạnh nữa, trong lòng mỗi chúng ta luôn có những điều thích thú và không hài lòng. Tôi có thói quen thích đọc sách, có người thích đi phố, du lịch… Gặp anh A thì tôi cảm thấy mến, và không hiểu vì sao tôi không thích làm việc chung với anh B. Tôi thích người này, tôi cảm thấy không hợp với người kia… Thích, có nghĩa là thích điều na ná, tương tự, hơi giống với ý mình, hợp với thói quen của mình. Không thích là vì điều đó không hợp với thói quen của mình, vì người đó làm điều trái với ý của mình, nghịch với thói quen của bản thân mình. Thích hay không thích một vấn đề, một con người nào đó là do nó có hợp hay không hợp với thói quen của mỗi người đã được huân tập quen từ trước đó. Sống, huân tập, tiếp xúc, tập quen lâu ngày thành thói quen, trong nhà Phật gọi đó là nghiệp. Thói quen ấy có sức mạnh sai sử khiến mình hành động theo nó, gọi là nghiệp lực.

Như vậy, chúng ta thích hay không thích là do thói quen, do nghiệp lực chi phối mình. Cho thấy, còn một mãnh lực, một sức mạnh không nhỏ thứ hai nó đang chi phối đến đời sống tất cả chúng ta, đó là nghiệp lực.

3.    TÓM KẾT:

Hằng ngày, con người chúng ta đang sống trong sự chọn lựa thích người này, không hợp với điều kia… Đó là chúng ta đang sống quay quần trong sức mạnh của nghiệp. Tôi nễ phục người này, tôi hâm mộ người kia, bởi những người ấy có đức tính tốt, có phước, đó là do phước lực nó chi phối. Như vậy cũng có nghĩa là, tất cả chúng ta đang sống trong hai thế lực, lấy nó làm sức mạnh đó là nghiệp lực và phước lực. Chúng ta đang say sưa ngụp lặn, cuống cuồng và bị cuốn hút bởi hấp lực của hai loại sức mạnh trên.

4.    SỨC MẠNH THẾ GIAN LÀ HUYỄN HÓA:

a.    KHÔNG BỀN CHẮC:

Khi một người nào đó có đủ cơ may đang nổi tiếng, hoặc có của cải tài sản tiền bạc không ai bằng, hay đang ở vào địa vị cao trong xã hội, người này sẽ có một sức mạnh vô song. Đó là do phước đức nó tạo nên sức mạnh lớn lao ấy. Bất ngờ gặp vận không may, tài sản ngày càng bị thất thoát, cuộc sống ngày càng rắc rối, bế tắc, lụn bại. Một hôm vô tình phạm trọng tội, bị bắt và nhốt tù thì lúc này, vị ấy có còn an ổn được không? Hay là hằng ngày mạnh mẽ bao nhiêu thì bây giờ rối rắm, hoang mang, bủn rủn bấy nhiêu? Trong hoàn cảnh bất ngờ như vậy, con người chúng ta thường là mất hết khí lực, không còn tinh thần để sống. Sức mạnh trước kia, bây giờ không biết nó tan biến đi đâu mất.

Bởi vì hằng ngày chúng ta lấy tiền tài của cải, sức lực quyền uy, lấy những điều kiện đó làm sức mạnh, là sức mạnh có điều kiện. Khi cái này có thì cái kia có. Khi cái này không thì sức mạnh kia cũng không. Mà mọi thứ trên đời thì nào có gì bền chắc! Của cải, danh lợi thế gian không đảm bảo chắc chắn lâu dài. Ngay cả khi đang có mọi thứ mình thích một cách dồi dào nhất, nhưng bản thân nó vẫn đang bị dao động, chao đảo, chông chênh, không có tính ổn định. Biểu hiện dễ thấy nhất là ngày đêm đau đáu, lo lắng không yên; phải nhờ cậy vào nhiều phía liên quan để mong được tồn tại; hoặc có không ít người phải đi cầu cúng xin khắp mọi nơi… Đó là biểu hiện của việc thiếu niềm tin nơi chính mình, là hiện tướng không bền chắc của mọi thứ mà họ đang có, cho nên buộc phải lo ra. Phước đức nếu còn ở trong vọng động thì còn nằm trong vòng sanh diệt, cũng không được bền chắc mãi mãi. Vậy thì sức mạnh mà con người chúng ta đang sống là loại sức mạnh có điều kiện, nó đặt nền tảng trên những thứ khá chông chênh thì thử hỏi lấy gì làm bền chắc để tồn tại vĩnh cữu được!

b.    NGHIỆP LỰC VÀ PHƯỚC LỰC CÓ TÍNH CHẤT CÔNG PHÁ LẪN NHAU:

Như một người cả đời tạo dựng được cơ nghiệp, được xã hội vinh danh, ai cũng tôn trọng, nổi tiếng. Lúc này là đang có phước, bạn bè thân gần, nói gì, làm gì mọi người đều hưởng ứng. Là đang sống bằng sức mạnh của phước đức. Khi mọi thứ đầy đủ, thuận lợi quá thì con người ta thường dễ bị chủ quan, ăn chơi sa đà, phạm vào điều xấu bị xã hội phát hiện. Sự nghiệp gầy dựng cả đời, thoáng chốc biến thành mây khói. Đó là do một thoáng mê mờ, không tự chủ nên đã bị nghiệp lực, sức mạnh của nghiệp nó chi phối, sai sử khiến chúng ta bị sai lầm và mất hết.

Lúc này tiếng thơm tiêu tán, uy tín không còn, nếu tệ hại hơn có thể bị vướng vào vòng lao lý. Mọi thứ gầy dựng cả đời coi như mất sạch. Từ xưa đến nay, trên thế giới có biết bao nhiêu điều đáng tiếc xảy ra, đánh đổ hết những nổ lực lớn lao chỉ vì một thoáng sai lầm. Đây là do nghiệp lực của mình nó phá hoại phước đức của chính mỗi người chúng ta. Hai loại sức mạnh này là do mình làm, nó ở nơi bản thân mỗi người, nhưng bản chất của nó lại công phá lẫn nhau, cho nên không thể tồn tại lâu dài, không có gì bền chắc được.

Do bản chất không bền chắc, mê lầm và công phá lẫn nhau cho nên sức mạnh thế gian, sức mạnh mà con người ta đang có, đang sống bằng nó không thể là loại sức mạnh đủ lớn mạnh để tồn tại mãi mãi.

Những nỗi khổ do nghiệp lực và phước lực công phá lẫn nhau vừa được nêu ra chỉ là ví dụ điển hình để chúng ta dễ hình dung về hoàn cảnh của cuộc đời. Trên thực tế, mọi chuyện trong đời không đơn thuần xảy ra theo một chiều đơn giản như vậy, mà bất kỳ sự việc gì rắc rối nó đều xảy ra đa chiều phức tạp, diễn tiến trong một quãng đời dài đăng đẳng với những tình huống rắc rối, sự cố nguy hiểm khôn lường mà mỗi người chúng ta không thể đoán trước, không tiên lượng được ngày mai sẽ ra sao. Vì vậy, cuộc sống của con người ta càng trở nên chông chênh, nỗi khổ càng phức tạp, tâm trí càng căng thẳng và đưa đến khổ não vô bờ. Cho đến khi nhận ra thì mọi thứ từ tình cảm, con người, vật chất và nhiều thứ liên hệ chung quanh đều đã tan tành, không thể cứu vãn, không còn nguyên vẹn như ban đầu nữa. Tức tưởi, oán hận, tiếc nuối, buồn than, ân hận, tự trách, khóc thầm… tất cả đều trở nên vô nghĩa. Nếu ngay từ đầu, chúng ta chỉ cần bình tâm tỉnh trí, làm chủ được tư tưởng, làm chủ bản thân, lời nói và hành động của mình để sống, để xử lý mọi chuyện thì mọi thứ sẽ không bị đi quá xa để trở nên tồi tệ, sẽ không có những đau thương oan uổng như bây giờ. Mới thấy sức mạnh của sự định tỉnh nó quan trọng đối với con người ta là như thế nào!

Muốn đẹp thì trước tiên phải sạch, muốn thiện thì trước tiên phải là không ác. Một cành hoa dù đẹp đến đâu mà để lẫn trong một đống rác bẩn thối thì không ai can đảm đứng ngắm nổi. Chúng ta sống tốt, làm việc tốt cả đời mà tâm không dứt trừ được những điều xấu ác. Chỉ cần một lúc mê lầm, phạm phải điều tồi tệ thì bao nhiêu điều tốt trước đó xem như bị thiêu rụi, tiêu tan. Muốn làm được điều này thì chúng ta cần phải có tỉnh lực, trí sáng; chúng ta phải có một loại sức mạnh đặc biệt làm chủ được các sức mạnh ở thế gian thì mọi thứ sẽ trở nên thanh cao, hoàn hảo.

II.    SỨC MẠNH XUẤT THẾ GIAN: Định lực và trí lực.

Sở dĩ mọi người bị khổ đau là do còn bị cuộc đời chi phối. Mà cụ thể là bị sức mạnh của nghiệp lực nó chi phối mình. Muốn thoát khỏi mọi đau khổ trong đời thì chúng ta phải biết cách chiến thắng được sức mạnh của thế gian, tức là phải biết cách chuyển hóa được nghiệp báo, biết cách thoát ra khỏi sự chi phối của phước lực thế gian thì mới vượt qua khỏi mọi khổ não trong đời, không còn bị nó chi phối, mới được hạnh phúc an vui.

Ví như hằng ngày mình thường nhận được nhiều người mời đi dự tiệc sinh nhật hay dự lễ gì đó. Trong tất cả các lời mời, chúng ta đều cảm thấy rất thoải mái, không có gì bị ràng buộc nặng nề. Rảnh rỗi, sắp xếp được công việc thì đi tham dự, mà không thì thôi. Nhưng đặc biệt có một người ăn ở phải điều với hàng xóm, biết chăm lo quan tâm mọi người hơn cả bản thân mình, không bao giờ làm phiền lòng ai và cũng không có ai phiền lòng vị này, họ lại là người khá giả nữa. Một hôm mời mình đi dự tiệc sinh nhật. Gặp lúc có việc đột xuất, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy thích đi dự tiệc nhiều hơn là làm việc khác. Nếu không sắp xếp được lịch để đi, tự dưng lòng mình cảm thấy khó chịu. Không biết lý do vì sao! Nếu người tỉnh lại để xem xét hết mọi vấn đề thì sẽ dễ dàng nhận ra, đây là do phước lực của vị kia quá lớn nên chiêu cảm khiến tâm trạng mình như vậy. Biết được vậy thì không bị mê lầm. Vẫn là một tâm thái an tỉnh, biết rõ, nếu lòng mình bị cuốn theo như vậy là tự đánh mất đi khí lực, sức mạnh nơi chính mình; là nguyên nhân, là cơ hội cho bao điều khổ đau khác trong đời ập đến. Nếu vậy thì chính người tốt bụng kia biết được, họ cũng không muốn để mình phải bị khổ và cũng sẽ không buộc mình nhất thiết phải bằng mọi giá để đi. Nhờ đó, tâm mình không còn xao xuyến để bị cuốn theo. Làm chủ được mình. Đến lúc đó, cảm thấy sắp xếp được ổn thì đi dự tiệc để tôn trọng mọi người. Nếu chưa sẵn sàng thì thôi. Đó là do chúng ta nhận biết được sức mạnh của phước lực nên mình dừng được, bình tâm được, có được phần nào sức mạnh của định lực và trí lực. Nhờ vào đó mà chiến thắng được sức mạnh của nghiệp, của phước; chiến thắng được mọi sức mạnh tầm thường trong đời, làm chủ cuộc sống.

Tạo các phước lành mà còn ở trong vọng động thì vẫn nằm trong phước lực của trời người, vẫn còn là nghiệp thiện. Cho nên nghiệp lực hay phước lực vẫn chưa thoát ra được sự chi phối của nghiệp. Muốn chiến thắng được sức mạnh của nghiệp thì chúng ta cần phải biết tu tập để có được định lực và trí lực. Có được định lực và trí lực thì mới chuyển hóa được sức mạnh của nghiệp, chúng ta mới thực sự mạnh để vượt qua mọi sự chi phối của cuộc đời, không còn bị buộc ràng, đau khổ.

Thiền sư Thông Tuệ, hồi nhỏ lúc còn là Sa di, sư phụ sai đi lấy nước. Khi ấy có một người bán cá đi qua, bỗng có một con cá thình lình nhảy rơi vào chậu nước, Sư tiện tay đánh chết con cá.
Sau ra làm trụ trì, một hôm Sư nói với chúng đệ tử:

-    Một công án cách đây ba mươi năm về trước, chính hôm nay khế hợp rõ ràng!

Chúng đệ tử thưa hỏi sự việc, Sư nói:

-    Đến giữa trưa nay các ông sẽ hiểu rõ lời ta nói.

Nói xong, Sư ở ngay tòa ngồi kiết già nhắm mắt lại.

Bấy giờ, Thống binh Trương Lăng là một cư sĩ niệm Phật rất kính thành thuộc tông Tịnh độ. Lúc ấy, ông dẫn binh đến Quang Trung, đi ngang qua trước chùa của Thiền sư Thông Tuệ, bỗng dưng trong lòng sôi động lên, nổi giận lạ thường. Cuối cùng, ông cầm cung tên, một mình đi thẳng vào Pháp đường, đến trước mặt Thiền sư Thông Tuệ trừng mắt nhìn thẳng.

Thiền sư Thông Tuệ mỉm cười nói:

- Ta đợi ông đã lâu rồi.

Trương Lăng chẳng hiểu duyên do, bèn nói:

- Tôi cùng Thiền sư vốn chưa từng biết nhau, hôm nay vừa mới gặp, không biết vì sao trong lòng tôi đầy sân hận, đến nỗi tưởng chừng như muốn giết chết Ngài ngay lập tức mà chính tôi hoàn toàn không biết lý do tại sao!

Trương Lăng nói rồi mà lòng sân hận vẫn không dứt. Thiền sư Thông Tuệ bèn đem sự việc xưa cách ba mươi năm về trước, lúc mình còn là một Sa Di đã vô tình đánh chết một con cá, thuật lại đầy đủ. Trương Lăng nghe xong vô cùng cảm động, liền nói:

Oán thù vay trả bao giờ dứt?
Kiếp kiếp trói nhau há ngẫu nhiên?
Chi bằng được Thầy giải thích rõ,
Hôm nay thẳng đó về Tây phương.

Nói xong, bèn đứng thẳng tại chỗ vãng sanh Cực Lạc.

Thiền sư Thông Tuệ vừa thấy Trương Lăng đã vãng sanh, liền lấy một tờ giấy viết kệ:

Ba ba năm trôi dạt,     
Bao phen đổi tướng hình.
Ai ngờ hôm nay gặp,     
Liền đó giải oán xưa.

Viết xong, Sư ngồi thản nhiên trên tòa thị tịch luôn.

Mới gặp, Thiền sư Thông Tuệ và Trương coi như chưa hề quen biết nhau, nhưng do chủng tử nghiệp thức từ quá khứ, cụ thể là do con cá ôm hận mà chết nên khi sinh ra, gặp nhau là nó khơi dậy, muốn giết chết nhau. Đó là do nghiệp lực, là do sức mạnh của nghiệp nó chi phối. Nếu lúc ấy Thiền sư Thông Tuệ lo lăng xăng rộn ràng bởi một công việc nào đó mà không tọa Thiền thì có lẽ uy đức không đủ để nhiếp phục được lòng giận sôi sục của ông Trương Lăng, dẫn đến cuộc sát trả lại, là bị nghiệp lực chi phối rõ ràng. Nhưng nhờ vào Thiền định, khí giận Trương Lăng hạ xuống để có đủ bình tâm tỉnh trí nghe Thiền sư Thông Tuệ giải thích, hai người đã cởi trói cho nhau, không còn bị nghiệp lực trói buộc nữa. Đó là nhờ sức mạnh của định lực và trí lực hóa giải được sức mạnh của nghiệp lực, ân oán nhiều đời.

Trong đời, chúng ta có biết bao sai lầm dẫn đến đổ vỡ, không còn cơ hội làm lại do sự chi phối của nghiệp lực như thế này. Một thoáng mê lầm, một lúc sơ suất hay một cơn giận bất ngờ mà mình không làm chủ được, đã quyết định nhiều vấn đề để rồi cả đời phải ôm hận, tiếc nuối, sầu khổ, tan thương. Ước gì ngày ấy mình được bình tâm, tỉnh trí thì mọi việc đã khác, sẽ tốt hơn nhiều. Địa ngục mang đầy những tâm niệm lành bởi lẽ nhiều người thường ôm những điều hối hận tiếc nuối lành ấy vào trong địa ngục, trong khổ não của trần gian. “Quá hậu nãi tri tiền sự thố. Lão lai phương giác thiếu thời phi.” (Sau khi phạm lầm lỗi rồi mới biết sự việc trước đó là mê lầm, sai quấy. Già rồi mới biết những nông nổi của thời non trẻ là sai). Khi mọi chuyện đã lỡ ra rồi, con người ta mới nhận ra một điều, sở dĩ sai lầm là do trước đó thiếu bình tâm, tỉnh trí. Chúng ta cần nhận ra và khắc phục để có cách tu rèn sức định tỉnh cho mình trước khi quá muộn.

Khi tâm ta an tĩnh, trí sáng, thần thái sẽ trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng, khiến cho mọi người dù có thế mạnh đến đâu cũng cảm thấy bị chinh phục, cảm thấy dễ mến. Khi gần cảm thấy an ổn và tin tưởng, muốn tìm đến chia sẻ mỗi khi có chuyện buồn. Một tia nhỏ thôi của định lực và trí lực đã khiến cho sức mạnh của thế gian phải yếu đi, bị cuốn hút; đã có tác dụng chinh phục được sức mạnh của phước lực và nghiệp lực của con người ta rồi. Huống nữa người biết tu tập thiền định, có định lực, sống được với trí tánh thanh tịnh nơi chính mình thì tác dụng của nó vô ngần. Sống bằng tâm thái và trí tuệ này, mọi thứ vui buồn, thành bại của thế gian không còn chi phối, tức là chúng ta đã chuyển hóa được thế gian; sức mạnh thế gian không còn có tác dụng, chúng ta đã vượt lên trên sự chi phối của cuộc đời, là được an vui mãi mãi. Đây là sức mạnh lớn nhất, là cội nguồn của mọi sức mạnh.

Ví như muốn có phước lực lớn và vững bền thì trước tiên phải có định lực và trí lực. Nếu làm phước, làm lợi ích cho đời mà không có trí thì việc làm sẽ dễ bị nhiều nhầm lẫn. Như là làm cho bản ngã của mình chứ không phải vì giúp đỡ người khác thực sự; như là làm sai phương pháp, sai mục đích để phải bị các hiệu ứng không tốt, bị phản tác dụng… Nếu không có định lực để vượt lên trên sự chi phối của thuận nghịch buồn vui, còn trong sự chi phối của vui buồn thế gian; thì khi vui chúng ta làm phước, lúc người khác làm cho mình bực bội thì không thèm làm, có khi còn nghĩ đến việc làm hại ngược lại khiến cho các công đức lành trước đó bị tiêu tan.

Hoặc như muốn chiến thắng, chinh phục, vô hiệu hóa sức mạnh của nghiệp thì không thể thiếu định lực và trí lực. Nếu những nghiệp không cố định, nghiệp nhẹ thì nhờ vào định lực, trí lực và phước lực mà hóa giải, biến nó thành không. Đối với định nghiệp, nghiệp nặng thì không thể chuyển hóa thành không trên hiện tướng. Nhưng nếu người có định lực, trí lực đúng mức thì tuy hiện tượng có xảy ra, nhưng với người này thì có mà như là không có. Cho nên nhìn trên hiện tượng thì như là có trả quả báo, nhưng với người này thì họ không bị hiện tượng chi phối, không đau khổ, cho nên không hề trả quả báo gì cả. Trả mà không trả. Đó là nhờ vào sức mạnh của định lực và trí lực thanh tịnh mà chuyển hóa được các nghiệp nặng.

Đến như sức mạnh của từ bi cũng phải nhờ vào định lực và trí lực. Bởi từ bi chỉ đúng nghĩa khi chúng ta có trí giác thanh tịnh mà thương về cho sự mê muội của chúng sanh. Trên căn bản trí giác bất động, sống trong đó rất an lạc, giải thoát; nhìn thấy mọi người, mọi loài do mê mờ không nhận ra trí giác này cho nên phải chịu những khổ đau không đáng có; dùng mọi phương cách để giúp họ nhận ra trí tánh thanh tịnh, chấm dứt mê mờ, không còn khổ não, được an lạc như mình; đó mới đúng nghĩa là từ bi. Ngoài ra, tất cả chỉ là bác ái. Cho thấy, sức mạnh của lòng từ bi cũng phải xuất phát từ định lực và trí lực, lấy định lực và trí lực làm gốc.

Hoặc là sức mạnh hòa hợp của một tập thể cũng cần phát xuất từ định lực và trí lực. Bởi lẽ cái phá tan đi sức mạnh hòa hợp của tập thể là bản ngã cá nhân. Phá tan được bản ngã cá nhân thì con người ta tự đoàn kết, hòa hợp và biến thành sức mạnh. Nhưng chất liệu để phá tan bản ngã riêng tư cũng chính là định lực và trí lực. Bởi người có định lực và trí lực thật sự thì họ sẽ có định tỉnh, bản lĩnh, trí sáng bất động, niềm vui thanh thoát ngập tràn. Sống bằng năng lực này, con người ta cảm thấy ngập tràn niềm vui, không còn cảm thấy cần gì về mình, chỉ muốn ban ra cho tất cả mọi người chứ không còn tư tưởng nhỏ hẹp cá nhân. Không còn quá quan trọng về cá nhân. Nhiều người được như vậy thì tự nhiên có được một tập thể đoàn kết, hòa hợp lớn mạnh. Rõ ràng, muốn có sức mạnh thực sự của tập thể cũng phải cần đến định tỉnh và trí sáng, tức là định lực và trí lực.

Mới thấy, định lực và trí lực là nguồn sức mạnh chủ đạo để làm nên mọi sức mạnh mà chúng ta cần. Người đạt được định lực và trí lực đúng mức là người có sức mạnh vĩ đại, vô song.

Như có một người lực sĩ có sức mạnh không ai bằng, lại có cả tiền tài của cải giàu sang, quyền uy nhất hô vạn ứng. Nhưng không may bị kẻ xấu gây thương tích phải nằm viện. Trong hoàn cảnh éo le đó, lại còn nghe người thân mình bị những người tầm thường dưới cơ mình hãm hại, thì người này sẽ tức tối vô cùng. Hằng ngày mình anh hùng cái thế, muốn làm là được. Tại sao người thân lại lâm nạn vào tình cảnh mình đang ở trên giường bệnh như thế này! Dũng khí càng lớn, sức mạnh càng nhiều mà bị vết thương trói lại trên giường bệnh thì sự tức giận càng gia tăng cực mạnh, khó chịu vô cùng. Càng tức tối bực bội, càng sôi sục trong một hoàn cảnh bị thương nặng nằm trên giường bệnh, con người ta càng thêm rối ren, khổ sở chứ không giải quyết được gì. Đó là người thiếu định tỉnh, dùng sức lực và thế mạnh trong vọng động của thế thường, không có hiệu quả. Ngược lại, nếu hằng ngày đối trước bất kỳ hoàn cảnh vui buồn thuận nghịch nào, dù có chuyện gì xảy ra lớn lao bao nhiêu, người này luôn giữ tâm bình, khí hòa, nhân đạo để xử lý mọi việc thì chính thói quen này nó sẽ cho chúng ta một sức mạnh ngầm của sự định tỉnh và trí sáng. Lúc nằm trên giường bệnh, nhờ vào nội lực này cho nên họ không bị đau đớn khổ sở như bao nhiêu người bình thường khác. Có gặp hoàn cảnh gia đình bị kẻ khác hành hung, họ cũng bình tỉnh, đầy đủ trí tuệ để xử trí thì mọi việc sẽ có hiệu quả và hoàn hảo hơn nhiều. Cho hay, người có định lực và trí lực thì cách xử trí có khác.

III.    CẦN XÁC ĐỊNH SỨC MẠNH CHÂN THẬT, VỮNG BỀN:

Như đang đêm tối có một ánh đèn pin, nếu là những con thiêu thân thì nó sẽ lao theo ánh đèn và bị chết. Đây là hạng chỉ biết theo ánh sáng bên ngoài, theo phần ngọn và hưởng được một chút sáng để rồi chính ánh sáng ấy làm cho mình chói lòa và phải bị họa, bị chết. Người có trí tuệ thì không quan trọng ánh sáng mà chỉ lo chỉnh đèn pin cho tốt, sạc pin cho đầy thì ánh sáng là điều tất yếu phải có ra. Đây là chúng ta biết trở về nguồn gốc sanh ra mọi thứ mình cần chứ không phải lao theo, cầu may.

Ánh sáng đèn pin là chỉ cho mọi thứ chúng ta đang sống hằng ngày; tiền tài, của cải, tri thức, sức mạnh, niềm vui… Nếu là người trôi theo quy luật tự nhiên, ai sao mình vậy thì sẽ thiếu đi sự suy xét, cho nên chỉ sống theo ngọn ngành bên ngoài, trôi nổi vô bờ, không có định hướng. Chỉ biết lao ra, cuống cuồng theo những thứ lợi danh đang có chứ không hề tỉnh lại để chiêm nghiệm xem những thứ đó từ đâu ra, có bao nhiêu điều kiện cần và đủ để đạt được nó một cách trong sáng và bền chắc. Gặp lúc thuận buồm xuôi gió thì có chút sức sống vui vui. Đến lúc gặp nghịch cảnh quá sức mình thì eo xèo mất hết khí lực, không sống nổi.

Người có trí thì không như thế. Họ không theo ánh sáng hào nhoáng bên ngoài, không chạy theo mọi thứ đang có để thỏa mãn cho lòng tham lam ích kỷ cá nhân. Người này sẽ định tỉnh tìm lại nguồn cội do đâu, từ đâu có ra mọi thứ. Sẽ nhận ra, cội nguồn sinh ra mọi thứ, chung quy lại không ra ngoài ba nhóm yếu tố chính, đó là trí tuệ, may mắn (tức là phước đức) và năng lực, kỹ năng của mỗi người. Nếu tính toán giỏi mà không có may mắn thì bất thành. Nếu dựa vào sự may mắn của phước đức mà không có trí tuệ thì chỉ là cầu may, không chắc chắn, tỷ lệ rủi ro cao. Có vĩ đại đến đâu thì chúng ta vẫn còn tồn tại trong một con người. Phước đức và trí tuệ của mỗi một con người thì luôn có giới hạn nhất định của nó. Vì thế cuộc đời chúng ta luôn gặp những thăng trầm bất ngờ. Nếu có trí, có cả phước đức may mắn, nhưng thiếu sự rèn luyện để nâng cao năng lực, không có kỹ năng đủ mạnh để vượt khó thì sự thành công khó lâu bền. Chúng ta muốn có niềm tin và lập trường vững chắc về sự sống thì phải có cơ sở để vững tin. Đầy đủ ba điều kiện tối thiểu này thì đó chính là nền tảng, là cội nguồn, là cơ sở của sự thành công trong cuộc sống.

IV.    CẦN BIẾT CÁCH RÈN LUYỆN, TẠO NÊN SỨC MẠNH THÀNH CÔNG:

1.    MỘT SỐ KỸ NĂNG:

Muốn có phước đức lớn, tâm phải an định, trong sáng, biết mở lòng mình thoáng rộng ra. Không câu chấp những việc vụn vặt, không có những tâm niệm hẹp hòi nhỏ nhoi để gây rắc rối, thu hẹp tâm mình. Tâm đã thoáng rộng thì không còn quan trọng mình mà luôn nghĩ đến sự lợi ích cho mọi người. Được vậy thì bất cứ nơi đâu, ở vào bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng làm được việc tốt. Việc ấy được định hình trên tâm thái an định nên lòng đầy chan hòa, không thối chuyển, khiến cho phước đức của mình đã lớn lại càng lớn hơn.

Muốn có trí tuệ đầy đủ thì chúng ta phải luôn biết cách giữ cho tâm mình an tĩnh. Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng luôn giữ tâm bình, khí hòa, giác sáng, có niềm hoan hỷ nhè nhẹ từ nội tâm. Sống lâu ngày như thế, tự thân chúng ta sẽ có năng lực đặc biệt. Trí tuệ sáng hẳn. Thân tâm bình thản, an lạc nhẹ nhàng, tự có bản lĩnh để quyết định mọi việc một cách dứt khoát trong mọi tình huống và đưa đến hiệu quả bất ngờ.

Muốn có năng lực, kỹ năng và sức mạnh của tâm thì phải biết rèn luyện ngay chỗ tâm mình còn yếu. Chúng ta cảm thấy ngại ở đâu thì ngay đó là chỗ yếu của tâm mình. Cần phải tự rèn luyện. Nếu ngại quét nhà thì hãy cứ cầm chổi quét cho đến khi cảm thấy bình thường thì thôi. Nếu cảm thấy ngại khi vào bếp thì nên đi chợ mua đồ về nấu bữa cơm gia đình cho đến khi cảm thấy vào bếp là bình thường. Nếu ghét ai đó thì nên đối diện cho đến khi thấy thương họ thì thôi. Nếu cảm thấy khó chịu không thể gặp mặt người kia thì nên mang quà đến tặng họ để trị cái tâm yếu đuối của mình… Không phải để làm những việc nhỏ nhặt, mà chính là cần điều trị chỗ bệnh hoạn còn yếu từ nội tâm. Nếu thật thà tự mình kiểm lại và dám mạnh mẽ rèn luyện, chúng ta sẽ cảm nhận được sự lớn mạnh của tự thân, mới cảm nhận được sức mạnh vô biên tiềm ẩn nơi mỗi người.

Năng lực để tạo ra, để bảo toàn ba yếu tố này chính là sức mạnh của định lực và trí lực. Nếu người có đủ định lực và trí lực đúng mức thì ba yếu tố này tự thành tựu.

Anh A chơi rất thân với anh B. Nhưng không biết vì sao trong những việc cần đến sự quan tâm lẫn nhau thì anh B lại giấu nhẹm, không cho anh A biết để có cơ hội đóng góp tấm lòng của mình. Đến như bố anh B bị bệnh nặng phải nằm viện, nhưng anh A cũng không được anh B cho biết để đến thăm Bác. Lâu ngày, nhiều chuyện tương tự như thế khiến anh A có nhiều suy nghĩ và dẫn đến tự ty. Có lẽ do mình yếu kém quá nên bạn mình xem thường và không cho mình biết!

Đúng thế. Khi anh A này quá quan trọng mọi vấn đề mà rõ ràng là anh ta băn khoăn trong những tình huống như vậy thì đã loài ra cái tâm yếu đuối, khiến cho người bạn mình không dám cho biết, ngại làm phiền đến sự lo lắng của mình. Nếu là người có sức mạnh thực sự thì chỉ cần mình có lòng với bạn bè, với mọi người là tốt rồi. Những gì mình biết ngang nào thì tùy nghi xử lý ngang đó. Việc gì ngoài tầm tay của mình thì thôi. Anh B có cho biết thì đến bệnh viện thăm. Nếu không cho biết thì cứ bình thường. Miễn tâm mình tốt là được. Không quá quan trọng mọi thứ.

Thêm nữa, không cần người khác hiểu mình mà chúng ta phải có định hướng sống. Giữa đồng nghiệp, bạn bè, xã hội…, chúng ta đang có chánh kiến, tầm nhìn, định hướng để lặng tâm lắng nghe, hay đang đánh mất chính mình để bị cuốn theo sức hút của số đông? Nếu cứ nghe người khác nói là mình nói theo, nương theo câu đó để nói; vì ý của người kia mà chúng ta phát ngôn, bào chữa, đính chính… Thoạt nhìn qua thì những việc làm, lời nói, hành động đó không lỗi, vô hại. Nhưng như vậy là mình đã đánh mất đi khí lực của chính mình. Lâu ngày như thế sẽ không còn là chính mình, không còn khí lực. Chính mình bị yếu là nguyên nhân chính khiến mình dễ bị tổn thương và đau khổ trong cuộc sống, là chính mình tự đánh bại mình. Nếu người luôn bình tâm tỉnh trí, có tầm nhìn, có chánh kiến, có lối sống rõ ràng. Giữa tất cả mọi người mình luôn lặng tâm, tỉnh sáng mà bình dị chan hòa. Nếu mọi người có nói gì thì chỉ lắng nghe xem có lấy được gì để bổ túc cho điều mình chưa được hoàn bị. Nếu phải nói cho hòa đồng thì cứ buông lời từ tâm trong sáng, vô tư, không cố chấp. Mọi người có đón nhận hay phản ứng thế nào mình cũng mỉm cười bình thường, không cố phân trần, giải thích, bào chữa. Nếu phải đóng góp một vấn đề gì đó giúp ích cho người khác thì cũng phải bình tâm tỉnh trí, bình dị hoan hỷ, đúng lúc, đúng chỗ nơi. Nói ra vì sự lợi ích cho người khác chứ không phải vì lòng sân hận buồn vui hay khoe khoang bản ngã của cá nhân mình. Khi nói ra mọi người có cảm thông đón nhận thì mình vẫn một tâm thái bình thường. Nếu mọi người chưa cảm thông và phản ứng thì tâm mình vẫn bình thường, hoan hỷ, không quan trọng vấn đề gì một cách thái quá. Được vậy thì chúng ta không đánh mất chính mình, nội lực ngày một tăng trưởng, định tuệ phát triển, chính mình an ổn, mọi người cũng hưởng được nhiều điều tốt lành từ đây.

Không phải chúng ta khép mình lại ù lì trong một cái khung gỗ bất biết mọi thứ. Như thế là bị tự kỷ, là vô minh. Cũng không phải phóng ra, lao theo mọi thứ bên ngoài. Như thế là đánh mất chính mình, bị loạn động, rối ren, đưa đến căng thẳng, u tối, mất khí lực. Chỉ là, lòng mình đã kiên định, bình tâm tỉnh trí, ở tâm thái buông thư tự nhiên mà sáng suốt mạnh mẽ thì trí chúng ta sẽ tự nhận ra mọi chuyện một cách rất trí tuệ, sâu sắc, rõ ràng, không nhầm lẫn cho nên tâm của chúng ta vô cùng vững chãi, sáng suốt.

Chúng ta đừng đắm nhìn trên tốc độ để đua vận tốc thật nhanh với mọi thứ trong đời. Như thế là nhắm trên tốc độ, chấp vào tốc độ mà quên tính hiệu quả. Bởi điều mà chúng ta cần đó là kết quả tốt nhất có thể. Cho nên việc chúng ta làm là cần phải có tầm nhìn, nhắm về tính hiệu quả thì sẽ không quan trọng tốc độ nhanh hay chậm. Chỉ là tùy lúc, tùy thời, tùy nơi để uyển chuyển nhanh chậm cho thích hợp. Như thế sẽ đưa đến kết quả tốt.

Giành sự thắng thua để thỏa mãn tự ngã, lòng ganh tỵ hay sân hận của mình. Đó chỉ là người nông nổi, thiển cận, thiếu trông xa nhìn rộng. Bậc có tầm nhìn, có kế lâu dài thì không như thế. Có thể trước mắt họ nhường cho người khác chiến thắng. Nhưng đó chỉ là những thứ nhỏ nhặt của bậc tiểu trí. Họ không cần. Theo thời gian, hoặc cũng có thể là tức thời, người này sẽ đạt được kết quả, đạt được điều lớn lao mà họ mong muốn. Nghe một lời nói trái tai, lập tức chúng ta trả đũa hơn thua ngay. Nhịn một vấn đề, sợ mọi người cho mình là hèn nhát. Nếu ai đó có ý xấu, chắc chắn chúng ta sẽ không tha cho… Tất cả quan niệm đó cho thấy chúng ta là người nhỏ nhoi, chỉ biết tranh giành những thứ hơn thua nhất thời của trẻ con, sức mạnh anh hùng của những đứa mới lớn lên còn nhiều nông cạn, bợp chợp, không có trí tuệ chín chắn của bậc có kinh nghiệm, trưởng thành. Nếu người không quá quan trọng mọi thứ, dễ dàng chấp nhận nhiều điều như là trái ngược; hoặc là như bị thua thiệt một lời nói; bỏ qua những câu chuyện thách đố, khiêu khích trong đời; nhường phần chiến thắng nhất thời cho người khác; bị cuộc đời cho là yếu hèn… Đó là do người này họ có lý tưởng sống, có tầm nhìn và chiến lược để thành công. Họ không có thời gian để tâm vào những điều vụn vặt trước mắt. Sống được như vậy bởi họ có đủ phước lực và trí lực lớn, không muốn tranh giành sự hơn thua nhỏ nhoi tạm thời trước mắt của người khác đang cần. Họ chỉ muốn lấy đó làm đức, để góp phần làm thành tựu điều cao thượng mình cần. Sống, tư duy, hành động như vậy cho nên họ tránh được các hiểm họa, có được thành tựu như mong muốn. Điều này nhất thời trước mắt có thể chưa nhận ra được sự lợi hại của nó. Nhưng theo thời gian, hai cách sống sẽ đưa đến hai kết quả: khổ đau hay làm chủ cuộc sống không bị đau khổ một cách rõ ràng.

Nghe một việc động trời gì mình cũng bình tĩnh rồi có phán quyết chính xác, hiệu quả. Từ những tâm thái, hành động trong cuộc sống như thế, người khác sẽ cảm nhận được sức mạnh của mình. Gặp gian nguy, mọi người sẽ nghĩ đến mình và nhờ giúp đỡ thì đâu có còn bị bạn thân giấu để rồi tự ty, tủi hỗ như trường hợp anh A trong câu chuyện trên!

Một ông lão bảo cháu của mình nắm chặt tay lại trong vòng mười giây rồi hỏi :

- Cháu cảm thấy thế nào ?

- Hơi mỏi tay ạ - Đứa bé trả lời.

Ông lão lại hỏi :

- Hãy cố nắm chặt thêm nữa đi!

Đứa bé làm theo lời ông, được vài giây đã kêu lên:

- Mỏi lắm ông ạ! Tay cháu còn hơi đau nữa.

- Được rồi, bây giờ cháu hãy thả lỏng tay ra. Cháu thấy thế nào?

- Dễ chịu hơn nhiều ạ!

- Cháu thấy đấy, khi con người đã quá mệt mỏi thì điều cần làm không phải là gồng mình lên gắng gượng mà là thả lỏng bản thân, cho phép mình được thư giản. Khi cảm thấy đã nghỉ ngơi đủ thì mới nên tiếp tục làm những việc còn đang dang dở, kết quả sẽ có thể tốt đến không ngờ. Ngược lại, nỗ lực một cách cố chấp thì sẽ chỉ càng làm hỏng việc thêm mà thôi.

Tương tự, trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta nên tập đừng quan trọng quá mọi vấn đề thì sẽ không bị rối rắm. Đừng quá quan trọng về mình thì tâm hồn sẽ thông thoáng hơn. Được vậy thì chúng ta đang làm mọi việc, nhưng cũng như là đang thư giản, đang thả lỏng bản thân, sẽ không bị căn thẳng. Đừng cầu mong sự an toàn như là vừa ý mình, không lo lắng thái quá, không ngại nắng mưa vất vả, không cần mong chờ mọi thứ thuận lợi… mà chỉ cứ bình thường, chúng ta sẽ vượt qua mọi lớp phủ bao bọc của sự an toàn nhỏ hẹp tầm thường, sẽ cảm nhận được sự bức phá rất bất ngờ, sẽ có được sức mạnh lạ thường mà chính mình cũng không nghĩ là mình có được. Rèn luyện được như vậy thì sẽ cảm nhận được mọi thứ tham chấp, sợ hãi tự dưng rơi rụng, định lực và trí lực của mình tự nó được lớn mạnh. Chính sức định tỉnh, trí sáng sẽ làm cho chúng ta có một sức mạnh vô hình, nhưng rất lớn khiến mình được an vui, mọi người đều tin cậy, nương về.

2.    TU TẬP THIỀN ĐỊNH:

Ngoài việc rèn luyện một số kỹ năng ra, tu tập thiền định chính là điều kiện tối ưu giúp cho chúng ta thành tựu được định lực và trí lực.

Sáng sớm nay có đạo tràng quý Phật tử về Thiền viện tọa Thiền. Mới sáng tinh sương, du khách chưa đến viếng Thiền viện, cảnh vật êm đềm. Trời mây, hồ nước cùng cảnh vật núi rừng như hòa làm một, cho không gian như thêm rộng lớn, khiến lòng người càng dâng trào, ngập tràn, mênh mông hơn. Buổi thiền tọa của đại chúng rất thanh tịnh. Thoáng chốc, khách đến và bắt đầu có tiếng nói cười. Và theo thời gian dần trôi về những phút cuối, tâm ta càng trở nên yên vắng và dòng người trở về Thiền viện càng đông, tiếng nói cười của du khách mỗi lúc một nhiều hơn.

Trong một khoảnh khắc tọa thiền thôi, chúng ta đã cảm nhận được nhiều điều. Trước một khung cảnh chuyển dần từ thanh vắng đến ồn ào, nhưng tâm ta thì chuyển hóa từ động đến tịnh, cho nên mọi tiếng ồn đều trở nên trong lặng ngay cõi lòng mình. Cảnh động của cuộc đời không làm cho lòng mình xao động được. Một điều khá lạ mà nếu ai chưa từng trải qua thì không thể nào hình dung và tin được. Chừng ấy có lẽ chưa đủ cho nhiều vị chứng nghiệm được đạo lý sâu mầu. Nhưng nếu khéo thực hành và thể nghiệm, chúng ta sẽ cảm nhận được lộ trình tu tập và giác ngộ của mình một cách thú vị.

Nghe những người ồn náo ngoài kia mới giựt mình cho chính mình. Trước kia chưa biết tọa thiền thì chúng ta cũng ồn ào rồi khổ não một cách vô lý với nhau như vậy. Bây giờ trong sự an tịnh này mới nhận ra sự sai lầm trước kia. Nếu không thoát ra để nhận lại một niềm vui, một lối sống cao thượng hơn những thứ ăn mặc ngủ nghỉ vui thú tầm thường, chúng ta sẽ không cảm thông, không nhận ra và không chấp nhận điều này. Hôm nay được nhận ra, đó mà may mắn lớn trong đời. Cho nên vừa vui mà cũng là vừa giựt mình cho sự u tối của chính mình trước đó.

Đang tọa thiền an lạc ngập tràn, mọi thứ trên đời trở nên tầm thường đến lạ. Và nghe mọi người ngoài kia đi chơi cười nói ồn ào, chúng ta sẽ cảm thấy thương cho họ. Bởi những thú vui đó mình đã có lúc trải qua, và nó không có giá trị gì so với niềm lạc an mình đang có được ngay lúc này, nếu không muốn nói chính nó là nguyên nhân đưa đến mọi sai lầm khổ não. Mình vui vì may mắn nếm trải được phần nào giá trị của tâm thiền. Và thương cho người vì mong muốn mọi người cùng được như mình để không bị khổ đau một cách đáng tiếc.

Ban đầu cảnh vật êm đềm khiến chúng ta tọa thiền dễ an định hơn. Khi tâm đã được an ổn phần nào thì bắt đầu khách đến, tiếng cười nói ồn ào nhưng chưa quá lớn, đủ cho tâm ta vẫn bình an trong cảnh động. Theo thời gian, tâm chúng ta trở nên an định thì cũng đúng lúc khách đến nhiều hơn, tiếng cười nói, la ó ồn ào cũng tăng dần, nhưng tâm mình vẫn không bị ảnh hưởng. Mới hay ra, mỗi người chúng ta vốn có khả năng yên bình trong một cuộc sống với nhiều thứ hỗn độn, phức tạp, rối ren. Chỉ là con người ta bỏ quên tâm thiền đó mà bận lao theo mọi thứ rối ren bên ngoài cho nên mới chịu khổ đau.

Từ đó sẽ nhận ra công phu tu thiền cũng tương tự. Chúng ta lỡ theo mọi thứ bên ngoài để cho nó sai sử mình đã quá lâu rồi cho nên nó đã trở thành một sức mạnh, cứ thế tiếp tục điều khiển, khiến cho con người chúng ta không cưỡng lại được. Nếu bằng với thời gian đó để tập thiền, chúng ta sẽ lấy lại được nội lực, sẽ có sức mạnh của định tỉnh vô song, sẽ có trí sáng và làm chủ mình một cách thật sự, chắc chắn không còn bị sự rối ren cuộc đời này sai sử hay chi phối cho chúng ta đau khổ một cách tức tưởi đáng tiếc như xưa nữa. Có thực hành thiền định, có ở trong thiền định mới thể nghiệm được sức mạnh đặc biệt từ nguồn an lạc vô biên này.

Ở trong bận rộn, con người chúng ta bận ngược xuôi với muôn ngàn thứ, không có cơ hội nhận ra tâm thái an nhiên, sức mạnh đặc biệt này. Đến trong khung cảnh yên vắng của thiền viện, lắng lòng lại để có cơ hội cho mỗi người tự lựa ra đâu là giả đâu là thật, để có cơ hội nhận chân được giá trị quý báu này, để rồi đem giác trị này về sống trong mọi sinh hoạt. Không phải đến Thiền viện mới tu được mà Thiền viện là nơi để chúng ta có cơ hội nhận lại chân giá trị mà khi ở trong bận rộn mình ít có cơ hội nhận ra. Khi nhận diện rồi, nên bằng tâm thái đó để sống trên mọi hoàn cảnh trong đời thì mới biết được sức mạnh chân thật của tâm thiền nơi chính mỗi người chúng ta. Sống bằng tâm thiền này, bằng sức mạnh này, con người sẽ trở nên thông thoáng và vĩ đại hơn nhiều; có đủ bản lĩnh, trí tuệ và nguồn vui; sẽ làm chủ được cuộc sống một cách trọn vẹn, không còn bị các khổ trong đời chi phối. Có vậy thì việc tu hành mới có giá trị thiết thực, không phải là cái gì huyền bí cao xa như mọi người vẫn nghĩ.

V.    SỨC MẠNH TUYỆT ĐỐI:

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều hoạ sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả những bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.

Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm gức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ an nhiên đậu trên tổ của mình... Bình yên thật sự!

"Ta chấm bức tranh này!” - Nhà vua công bố.

Sự bình yên không có nghĩa là chỉ có ở một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, cực nhọc vất vả. Chúng ta chỉ bình yên thật sự khi ở trong phong ba bão táp hay giữa chốn yên bình phẳng lặng, tâm thái vẫn bình thường, an ổn như nhau. Chất liệu để có được sức mạnh khiến cho chúng ta đạt được bình yên tuyệt đối như vậy chính là sự tu tập thiền định, là định lực và sức mạnh của trí tánh thanh tịnh (trí lực). Sống được như vậy là người có được sức mạnh vĩ đại. Sức mạnh vĩ đại là một sức mạnh không có biểu hiện của tướng mạnh, nhưng tất cả các cạm bẫy cám dỗ đều bất lực, tất cả các sức mạnh trong đời đều vô hiệu hóa, đầu hàng. Đó chính là sức mạnh của sự bình yên thật sự, bình thường nhưng phi thường trong cõi lòng mỗi một con người chúng ta.

VI.    KẾT LUẬN:

Cuộc đời là đau khổ. Nhưng trong đời có những loại sức mạnh nào đã ràng buộc, sai khiến cho con người chúng ta phải khổ đau đến vậy? Xét cho tột cùng căn nguyên các loại sức mạnh đó rồi đem ra mổ xẻ, phân tích xem nó có thật sự lớn để chúng ta phải đau khổ đến như thế không? Nhìn sâu cho thấu suốt mới hay ra, tận cùng giá trị của mọi thứ trong đời chỉ là rỗng tuếch, chúng ta không còn bị chúng quấy rầy. Biết cách an tỉnh, tùy duyên giải quyết thì mọi việc sẽ ổn, chúng ta cũng được bình an.

Nếu người hay bình tâm tỉnh trí, nhận biết, nhận diện được mọi sức mạnh trong đời một cách rõ ràng thì không còn bị mê lầm, không còn bị chúng chi phối, ràng buộc. Khéo rèn luyện các kỹ năng, không quan ngại mọi thứ. Khéo tu tập thiền định trong mọi sinh hoạt. Theo thời gian, định lực, trí lực và năng lực tự phát huy mạnh mẽ nơi chính mình. Mọi thứ ở đời bị vô hiệu hóa, không còn đủ sức mạnh để chi phối sai sử chúng ta nữa. Lúc này mới hay ra, vốn dĩ ngay nơi bản thân mỗi một con người chúng ta đều sẵn đủ một tâm tịnh thênh thang rộng lớn, một sức mạnh vô biên. Chỉ là mỗi người cần khéo nhận ra và sống về, bao nhiêu tác dụng đều đã sẵn đủ. Đến đi tự tại, an lạc vô bờ. Từ đây, không còn quan trọng về mình, tùy duyên tùy thời làm việc lợi ích mọi người một cách tự nhiên, không hề thấy chút mỏi mệt. Một cuộc sống như thế, không thấy vui thích hơn sao!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

366557
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3048
3888
17926
335955
65565
88584
366557