Thứ Hai 11/11/2024 -- 11/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Chia bánh mứt

 

Thầy Thích Tâm Hạnh

1. SỰ KIỆN, TÌNH HUỐNG.
Ngày Tết, Phật tử cúng dường Thiền viện một gói mứt. Chư Tăng chia ra làm hai phần. Phần thứ nhất là để cúng Phật. Phần thứ hai còn lại để dọn đãi khách. Chưa cúng Phật mà mang phần một ấy ra đãi cho khách dùng là có tội.

2. SỰ THẬT MÂU THUẪN NÀY LUÔN ĐỐI DIỆN VỚI MỌI NGƯỜI TRONG ĐỜI THƯỜNG.
Thằng bé được mẹ bảo cầm hai đồng xu đi mua ớt và tiêu. Dặn rõ đồng một mua ớt, đồng hai mua tiêu. Cậu bé ngoan ngoãn vâng lời, hai tay cầm hai đồng tiền riêng biệt, vừa chạy vừa đọc lẩm nhẩm trong miệng: "Đồng này mua ớt, đồng này mua tiêu". Bất ngờ vấp cục đá, quên mất. Về nhà hỏi lại mẹ, đồng nào mua ớt, đồng nào mua tiêu? Nghe qua như câu chuyện cười, nhưng để giải đáp vấn đề: "Có nên rõ ràng như cậu bé kia hay không?" lại là một vấn đề không phải dễ dàng. Bởi đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện của chú bé mua ớt mua tiêu, mà là ví dụ cho các tình huống có thật trong cuộc sống. Hằng ngày mỗi người luôn phải đối diện, nhưng đôi khi chưa có câu trả lời thấu suốt, do đó lòng mình chưa thông. Nếu thực sự đã suốt thông rồi thì sẽ suốt thông tất cả. Và sự kiểm chứng rõ nhất là chắc chắn đời mình không còn khổ đau. Tại sao vậy? Câu giải đáp sẽ rõ ràng khi theo dõi đến cuối bài.
Trở lại câu chuyện chia mứt. Từ một gói mứt ban đầu, bình thường, chẳng đáng gì và cũng chưa có gì rắc rối. Nhưng khi chia ra làm hai, có phân biệt là phần để cúng, phần để dùng, liền rơi vào tạo tác sanh diệt thì bắt đầu phức tạp. Nếu cúng và ăn lẫn lộn thì không biết trên dưới, là rơi vào vô minh, thì xã hội loài người không có trật tự, sẽ hỗn tạp, rắc rối. Hơn nữa, như thế sẽ có lỗi và có đọa lạc, phải nhận chịu khổ đau thật. Một gói mứt của cuộc đời không có giá trị gì nhiều nếu không muốn nói chỉ là đồ giả tạm, nhưng lại có thể gây nên cho chúng ta lắm điều rắc rối, phiền phức; nếu không khéo còn bị đọa lạc, khổ đau. Đây là một mâu thuẫn, mà cũng là những gì đang ngày ngày diễn ra quanh ta rất thực tế. Giải quyết thế nào cho ổn để chúng ta không bị rơi vào vô minh, cũng không kẹt vào sanh diệt, để hợp trung đạo, để đời mình hết khổ?
Gói mứt này là ví dụ cho muôn hình vạn trạng trong cuộc sống mà mỗi chúng ta ai ai cũng đang đối diện. Có trí tuệ giải quyết được tình huống điển hình này, sẽ giải quyết được cuộc sống của mình ổn định.


3. CÒN TRONG SANH DIỆT, MỚI TU.
Từ một gói mứt ban đầu cũng chỉ là gói mứt thôi, không có giá trị gì quá nhiều (không thật). Bởi lẽ chưa có nó mình cũng sống; qua Tết, ăn rồi cũng thành phân. Nhưng vừa mới chia ra thành hai phần, thì liền có tội và phước, dẫn đến rắc rối. Không chia ra, để phần ăn lẫn lộn với phần cúng thì vừa bị vô minh, vừa mang tội. Một khi đã mang tội thì có đọa lạc, bị đau khổ thật, chứ không phải lý thuyết. Nhưng đây lại là hai cách gần như duy nhất mà mọi người thường tình trong đời phải lựa chọn lấy một, không còn lựa chọn nào khác. Nếu phải phân chia thì rắc rối khổ sở; còn nếu bất chấp ăn càn thì phải mang tội nặng nề, đọa lạc, đớn đau. Vậy thì phải làm sao cho ổn?
Không chỉ riêng gói mứt mà tất cả mọi sự vật, sự việc, hiện tượng, hoàn cảnh, tình huống trong đời đều tại tâm. Nếu không có sự nhận biết của tâm thì gói mứt sẽ vô giá trị, không ai làm ra nó; hoặc có đó mà cũng như là không tồn tại. Và không tâm phân biệt thì chúng ta cũng không động. Từ đó, không có gì trong đời này làm cho chúng ta rắc rối, cũng không làm gì sai để phải đọa lạc. Trong phạm trù thông thường, chúng ta nên dứt khoát, rõ ràng giữa hai chọn lựa:
- Một là, nếu thấy không cần thiết thì không ăn, không sử dụng. Những gì thiếu nó mà không chết thì không cần. Cũng không thèm khởi tâm phân biệt là "Có ăn hay không sử dụng" gì cả.
- Hai là nếu có tâm phân biệt, có ăn dùng thì nên có trên và dưới, đúng và sai; có phép tắc luật nghi rõ ràng. Không được sai phạm để phải bị đọa lạc. Tức là, nếu có ăn, cần sử dụng thì phải đúng phép, như Luật.
Vì vậy, cổ đức nói: "Thà chấp có như núi Tu di, còn hơn chấp không mà rơi vào địa ngục như tên bắn". Đã chấp thì dù chấp có hay chấp không gì cũng đều chưa ổn. Người tỏ ngộ lý sắc không thì sống đúng; không chấp có, cũng chẳng phải chấp không. Bởi còn thiên chấp về một điều gì thì rõ là còn mê, chưa thể khế hợp chân lý tuyệt đối. Cho nên, nếu thấy mình còn mảy may dính mắc, chấp trước thì phải nên cẩn thận, sống và hành xử đúng với chuẩn mực, phép tắc, luật nghi. Không nên hiểu biết theo ức tưởng hay ảo tưởng, ngông cuồng, rồi chấp càng, làm bừa, để phải gánh chịu quả báo không đáng có.


4. ĐÃ CÓ CÔNG PHU, SỐNG BẰNG BÁT NHÃ.
Cuộc sống không chỉ có gói mứt mà còn nhiều thứ cần phải sử dụng, tiêu dùng. Nếu không phân biệt, không dùng thì con người không thể sống. Mặt khác, sử dụng mà không đúng thì phạm phải sai lầm, tội lỗi, đọa lạc. Nhưng chia ra cho đúng để dùng thì rơi vào phân biệt, rắc rối, phức tạp; là đã rơi vào sanh diệt, loạn động, mê muội, trôi lăn, lặn hụp trong sanh tử khổ đau. Vậy phải làm sao?
Nếu có công phu tương ưng, trí tuệ vô lậu bất động nhưng rõ biết linh thông hiện tiền, chúng ta sẽ thấy rõ sức sống "Không có bất cứ gì có thể làm khó được". Cụ thể, đâu cần động niệm mới rõ biết phải và trái, trên và dưới, đúng và sai? Đâu phải lúc nào rõ biết mọi phép tắc cũng là động niệm. Thử hỏi, khi còn là một con người thường tình, chưa học hiểu gì cả, chúng ta đã chia bánh mứt như thế nào? Thì vẫn biết phải và trái, chia phần đúng phép, đúng Luật, không có gì rắc rối. Chỉ là lòng hơi rộn rã, lăng xăng hơn tí thôi. Vậy thì giờ này đã thấm nhuần đạo lý chân thật, cũng làm mọi thứ như năm ngoái, chia mứt, chia bánh ăn Tết đúng phép, đúng Luật. Nhưng hãy dùng tâm "như huyễn tam muội", tâm này không động và "thấy biết tất cả đều như" để sinh hoạt, để làm, thế thôi. Và khi hết Tết rồi thì cũng bằng tâm này mà đi làm và sinh hoạt bình thường.

5. TÓM KẾT.
Tùy theo khả năng, năng lực của mình, chọn lựa một trong hai phương cách trên để sống và sinh hoạt thì lúc nào cũng là lúc đang công phu tu tập, không cần nhắc đến việc tu nữa. Đó là trên một gói mứt để thấy ra cách sống; để chia mứt mà cũng không khác ngồi tu. Và cách phân chia gói mứt là ví dụ cho cách xử lý tất cả các tình huống, hoàn cảnh trong cuộc sống mà mỗi một chúng ta đang đối diện hằng ngày. Tỉnh lặng, bình tĩnh, bất động, sáng rỡ, hoan hỷ để khéo léo uyển chuyển, tùy thuận tốt trên tất cả mọi cảnh duyên. Đồng thời thêm một chút chịu khó, kiên trì và nhẫn nại thì theo thời gian, cái gì chúng ta cũng có thể vượt qua được.

 

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1156700
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
887
3244
9100
1122066
41703
118095
1156700