Thứ Tư 9/10/2024 -- 7/9/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Hình mẫu cuộc đời trợ giúp xã hội của bậc tu hành đắc đạo Phật giáo

Bài viết tham dự Tọa đàm khoa học:“Hoạt động trợ giúp xã hội của Phật giáo đương đại”.

Viết theo chủ đề do Viện Trần Nhân Tông (ĐHQGHN) đề nghị .

TT. Thích Tâm Hạnh, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Huế 28/12/2019.

 

1. DẪN NHẬP

Đức Phật vốn ở bản thể niết-bàn không sanh không diệt, quán xét thấy chúng sanh lặn hụp khổ đau trong sanh tử, ngài đã từ bi thị hiện nơi đời để cứu giúp, chỉ đường vượt ra khỏi biển khổ trầm luân. Cho thấy, đức Phật ra đời là vì con người. Đạo Phật có ra là vì muốn làm tốt hơn cho xã hội loài người. Vì vậy, việc trợ giúp xã hội của Phật giáo vốn là hạnh nguyện của người tu Phật.

  2. BẬC TU HÀNH ĐẮC ĐẠO PHẬT GIÁO: Giới hạn vấn đề.

Bậc tu hành đắc đạo Phật giáo là con người tu hành được giác ngộ, đạt được đạo quả. Quả vị rốt ráo cuối cùng là thành Phật. Từ khi bắt đầu phát tâm tu hành cho đến khi thành Phật, hành giả tu Phật trải qua nhiều quá trình tu chứng, đạt được các quả vị cao thấp khác nhau. Quý ngài có trí tuệ và năng lực phi thường. Phật giáo có ra từ sự phi thường mà bình thường, gần gũi và thực tế ấy. Nhà Bác Học Einstein đã phần nào thấy ra và nhận định: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên (trong) cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật Giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”. Vì sự cao cả và phi thường như thế, cho nên người chưa đắc đạo chỉ có thể học được phần nào qua đời sống và việc làm của quý ngài, chứ không thể nào suốt thông tất cả, nói gì sánh kịp.

Nhưng đặc biệt, ngàn xưa chư Phật, Bồ tát, Thánh Tăng; hiện tại chư vị Tôn đức tu tập Phật đạo, ngộ đạo, sống bằng Phật đạo chân thật nơi chính mình; cho mãi đến ngàn sau những bậc tu hành đắc đạo, đều đồng một tâm chứng giác ngộ như nhau không khác. Có khác chăng chỉ là ở mức độ sâu hay cạn mà thôi. Theo thời gian, con người và hoàn cảnh sẽ đổi thay, rất khác. Nhưng tất cả sẽ không khác mà còn suốt thông và nhất quán đến diệu kỳ bởi tâm chứng giác ngộ đắc đạo ấy. Trong cái suốt thông đồng nhất, nhưng quý ngài lại hay tùy vào từng thời điểm, hoàn cảnh, tình huống để tùy duyên uyển chuyển biến hiện vô vàn diệu dụng phù hợp trợ giúp xã hội không thể nghĩ bàn. Tuy biến hiện vô vàn, nhưng không rời ngoài tâm thể giác ngộ đang sống cho nên lại rất nhất quán và suốt thông, không trái ngược, không khác. Đây là điểm đặc biệt của bậc tu hành đắc đạo Phật giáo trợ giúp xã hội.

Do vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu bậc tu hành đắc đạo Phật giáo ở tính chất chung nhất, đó là tỏ ngộ bản tâm, có tuệ lực, định lực, an lạc và từ bi. Từ sự giác ngộ đó, quý ngài sẽ có đạo lực để làm chủ tự thân, đầy đủ năng lực làm lợi ích cho mọi người, xã hội. Ai cũng có bản tâm chân thật, nếu khéo nỗ lực tu hành, đều có khả năng đạt đến giác ngộ như nhau. Với tính chất giác ngộ bình đẳng và chung nhất như thế, sẽ gần gũi hơn với nhiều người. Ai cũng có thể phấn đấu theo kịp và vận dụng được cho cuộc sống hiện tại.

 

3.   GIÁ TRỊ CỐT LÕI.

Đức Phật dạy: “Các pháp từ tâm sinh”. “Cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa” mà Einstein đã nhận định, theo nhà Phật chính là bản tâm chân thật nơi mỗi chúng ta. Từ tâm đó sẽ phát ra vô vàn diệu dụng bất khả tư nghì, trong đó có diệu dụng thuộc về thời trí, là cội nguồn sản sinh ra “Kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực” mà Einstein đã nói.

Lấy cốt tủy Phật giáo làm trọng tâm, chúng tôi mượn cách lập luận của nhận định trên để triển khai đề tài, hy vọng sẽ gần gũi hơn với cách tư duy của những nhà làm công tác nghiên cứu. “Phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên (trong) cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa”, nhà Bác Học Einstein đang nói theo chiều hướng “Từ tất cả quy về một”. Và chúng tôi sẽ triển khai “Từ một để biến hóa ra tất cả”. Khi đã ngộ tâm, sẽ thấy rõ: “Một là tất cả, tất cả về một. Lúc này cái một cũng không còn; vốn suốt thông nhau, không một không khác, không ngăn ngại”. Cụ thể chúng tôi sẽ đi từ “Cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa” đến “Kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực”.

“Cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa” trong bài này chúng tôi sẽ triển khai qua hai nghĩa: Căn bản và rốt ráo. Nghĩa căn bản là cái cốt lõi, nguyên nhân để có ra mọi thứ. Nghĩa sâu xa rốt ráo hơn là căn nguyên (nguồn cội). Và “Cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa” trong trường hợp này chính là bản tâm giác ngộ nơi mỗi chúng ta. Trên cơ sở lập trường đó, xác định xã hội con người đang cần gì, bậc tu hành giác ngộ sẽ trợ giúp đúng với lòng mong mỏi chính đáng đó.

 

3.1. XÃ HỘI CON NGƯỜI CẦN GÌ?

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, có nhiều thứ đến độ dư thừa. Nhưng vẫn chưa đủ cho con người sống đời hoàn hảo, tốt đẹp; vẫn còn đó nhiều vấn nạn và bất cập. Vậy, thực chất con người cần gì nữa mới có được một cuộc sống mỹ mãn?

Nhìn chung, mỗi người đều có rất nhiều thứ cần thiết khác nhau. Nhưng tựu trung không ra ngoài hai điều cơ bản, đó là: Nhu cầu cuộc sống và cân bằng cuộc sống ấy để được ổn định và phát triển.

3.1.1. Nhu cầu cuộc sống.

Trong cuộc sống, con người có khá nhiều nhu cầu cần thiết. Nhưng chung quy lại không ra ngoài ba phần chính, đó là đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đạo đức.

3.1.2. Điều chỉnh, cân bằng cuộc sống và phát triển.

Con thuyền đời trôi về muôn lối. Dòng đời nhiều cạm bẫy khó lường. Con người ta đã sanh ra và lớn lên trong khoảng mênh mông vô tận ấy. Không ai tài nào lường trước được ngày mai cuộc đời mình sẽ thế nào. Do đó, vừa mịt mùng, vừa rối rắm, loạn động.

Trải qua mấy dặm thương trường,

Cuộc vui tao ngộ cuộc vương đọa đầy.

Trước những thăng trầm, buồn vui, thành bại…, con người rất cần phương cách tiên liệu để cân bằng, điều chỉnh cuộc sống và phát triển. Theo đó, hôm nay cứ sống tốt hết lòng, đúng nguyên lý thì ngày mai có ra sao đi nữa, mình cũng chẳng sao.

 

3.2. BẬC TU HÀNH ĐẮC ĐẠO PHẬT GIÁO SẼ TRỢ GIÚP NHƯ THẾ NÀO?

v Về nhu cầu cuộc sống, chúng tôi chỉ ra theo hai phương thức: “Duyên sinh và tâm sinh”. Đây chính là “Kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên (trong) cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa”.

3.2.1. Chỉ ra nguyên lý “Duyên sinh” trong phạm trù “Nhu cầu cuộc sống”.

3.2.1.1. Đời sống vật chất.

Không có một thứ gì ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống, tất cả đều từ trí tuệ và năng lực con người làm nên. Bất kỳ một sự thể gì muốn thành tựu đều nhờ vào nhiều yếu tố, nhưng chung quy lại không ra ngoài hai nhóm chính, đó là chủ quan và khách quan. Vật chất cần thiết cho con người cũng tương tự.

a)   Yếu tố chủ quan.

Muốn làm nên mọi thứ trong đời, đều bắt đầu bằng trí tuệ, kỹ năng và sự nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, có khi đã cố gắng hết sức, mọi chuyện tưởng chừng trong tầm tay, nhưng rồi bị vuột đi bởi một lý do mà nhiều người vẫn thường nhắc đến, đó là thiếu may mắn.

b)   Yếu tố khách quan (May mắn).

May mắn là cách nói chung chung thông thường của thế gian. Với người thấy rõ hơn, đặc biệt là trong nhà Phật thì may mắn chính là do phước đức mà có.

Song song với trí tuệ, kỹ năng và sự nỗ lực của bản thân, muốn thành tựu mọi điều trong cuộc sống, chúng ta còn cần đến yếu tố may mắn (phước đức) và không bị tai họa. Muốn có may mắn (phước đức) thì cần sống tốt và làm những điều tốt đẹp, có ích. Muốn không bị xui rủi, tai họa thì không làm những điều xấu ác. Nhưng để làm được nhiều điều tốt đẹp có ích cho cuộc sống xã hội, không làm những điều xấu ác thì tâm mình phải rộng lớn (quảng đại), tha thứ và bao dung. Một khi lòng mình đạt được như thế thì tự nhiên muốn làm những điều hiền thiện, không thể nghĩ ác cho người khác. Phước đức từ đây mà được lớn rộng, may mắn theo đó được nhiều hơn; những điều xấu ác tự dứt trừ, là giảm thiểu hoặc không bị xui rủi. Mọi sự may mắn, phước đức đều bắt nguồn từ một tâm thái rộng lớn thênh thang này.

c)    Tóm lại.

Trí tuệ, kỹ năng, sự nỗ lực như là điều kiện cần, mà phước đức (may mắn) là điều kiện đủ. Hai điều kiện này có tính chất quyết định đến đời sống vật chất con người cao hay thấp. Biết vậy rồi, khi nhìn lên thấy người khác có đời sống khá giả hơn mình, chúng ta không tự ty, chán nản. Nếu nhìn xuống thấy mình hơn người khác, cũng không lấy làm hãnh diện, tự cao. Biết rằng, muốn cuộc sống mình tốt hơn, cần phải sống và làm việc đúng nguyên lý: trau dồi trí tuệ, kỹ năng, cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa; để tâm rộng lớn và làm những điều tốt trong thanh tịnh, hoan hỷ.

3.2.1.2. Đời sống tinh thần.

Song song với vật chất, con người còn có đời sống tinh thần. Hai điều này có tác động tương quan mật thiết lẫn nhau.

a)   Đời sống tinh thần: Nhớ vui.

Trong cuộc sống, chúng ta thường hay bị căng thẳng là do quên vui. Gặp một việc trái ý, liền bực mình; có những điều chưa cần nói, nhưng vẫn ào ào dành nói để phải đưa đến xung đột; có những việc chưa sai, nhưng chỉ chưa hợp với ý mình cũng nổi nóng, sân si... Tất cả những đối diện trong cuộc sống, chúng ta luôn cài đặt mặc định cho mình một lập trình là căng thẳng, quên vui. Từ đó, khi nào cũng cảm thấy đang căng trong đầu, không có được một đời sống tinh thần tốt. Muốn tốt, chúng ta cần cài đặt lại ít nhất một phầm mềm là “Nhớ vui”.

b)   Nặng vật chất mà ít quan tâm đến đời sống tinh thần.

Nếu đời sống nặng về vật chất, chỉ biết lo tiền tài, danh vọng, ăn ngủ, thụ hưởng cho bản thân mà ít quan tâm đến đời sống tinh thần thì mọi người thường cho đây chỉ là cục thịt sống. Một khi đã quan niệm và sống như thế thì sẽ dễ quên nhân phẩm đạo đức. Từ đó sống và làm việc dễ dẫn đến sai lầm, tạo các điều không tốt cho bản thân và người khác.

Khi vật chất phát triển mà đạo đức và đời sống tinh thần không theo kịp thì dễ bị tai họa, để lại nhiều vấn nạn xã hội. Hiện nay, đời sống được nhiều tiện ích hỗ trợ thì lẽ ra con người sẽ được thảnh thơi, thoải mái. Nhưng ngược lại, khi xã hội càng phát triển, đời sống càng được công nghệ hỗ trợ nhiều tiện ích thì con người lại càng bận rộn, căng thẳng, có khi còn bị nhiều căn bệnh của thời đại. Chúng ta có cần xem lại đời sống của mình để không bị rơi vào nghịch lý này hay không?

c)    Cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần.

Nếu một đời sống nặng về vật chất, không có lý tưởng thì sẽ vô cảm, không khác nào cục thịt biết sống. Ngược lại, nếu chỉ một bề thiên hướng về tinh thần thì dễ rơi vào ảo tưởng, thiếu thực tiễn, viễn vông. Khéo cân bằng giữa đời sống tinh thần và vật chất, con người sẽ có sự thấy biết đúng đắn, có một cuộc sống hoàn hảo, trọn vẹn.

d)   Vật chất có giá trị tác động đến đời sống tinh thần.

Khi nghe tin bão lũ sắp đến, nếu có ngôi nhà kiên cố sẽ giúp con người tự tin hơn. Khi nghe tin tiền điện, tiền gas... chuẩn bị tăng, với người có tài sản tiền bạc dồi dào sẽ bớt lo lắng. Nghèo thiếu thường khiến cho mọi người cảm thấy đau khổ. Khi gặp nghịch cảnh, con người thường quen thấy khổ đau mà quên nhìn theo mặt tích cực.

- Giá trị vật chất tác động đến tinh thần theo chiều hướng tiêu cực.

Khi gặp thuận cảnh, may mắn thì cảm thấy thích thú, có khi tự cao. Đến khi gặp nghịch cảnh thì cảm thấy ê chề, chán nản, đôi khi không còn muốn sống.

- Giá trị vật chất tác động đến tinh thần theo chiều hướng tích cực.

Khi gặp thuận cảnh, may mắn thì cẩn thận, không để rơi vào con đường hư đốn, sa đọa, mất đạo đức. Nếu phải đối diện với nghịch cảnh thì thấy đây là cơ hội tốt để cố gắng rèn luyện, vươn lên. Có nhiều giá trị chỉ có khi trải qua thử thách của nghịch cảnh chứ không có trong những thành công, êm ái. Nghịch cảnh chính là yếu tố làm nên công hạnh thù thắng của bậc Đại Bồ Tát thành tựu Phật Đạo. Đây quả là một điều rất thú vị.

e)    Vật chất không có giá trị tác động đến đời sống tinh thần.

- Không để vật chất tác động đến đời sống tinh thần.

Vật chất sẽ là đích đến của những đứa trẻ thiếu thông minh, và nó chỉ là phương tiện của những ai có trí tuệ. Ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Vật chất chỉ có giá trị duy trì sự sống, và sống như thế nào mới là điều cần thiết chứ không chỉ sống vì vật chất, bị vật chất chi phối. Để cuộc sống có ý nghĩa, có giá trị, con người cần sống hướng thượng, có lý tưởng. Muốn vậy, không nên để vật chất tác động đến đời sống tinh thần.

-Vật chất không còn đủ giá trị để chi phối tinh thần.

Một khi đã ăn no món ngon, sẽ không còn thèm đến những thứ tầm thường khác. Một khi có lý tưởng sống đủ cao, có đời sống tinh thần viên mãn, con người không còn bị vật chất chi phối. Thực tế là khi ở vào trạng thái an lặng tuyệt đối thì không còn có gì đủ giá trị để chi phối nữa, kể cả vật chất. Đổi lại, con người sẽ sống và làm việc rất tích cực, với một tinh thần hy sinh, cho ra, vì người, vì cuộc đời thực sự. Chúng ta có được một cuộc sống viên mãn.

3.2.1.3 . Đời sống đạo đức.

a)   Sống tốt, có đạo đức, lương tâm.

Sẽ có nhiều định nghĩa hay và đẹp về đạo đức lương tâm. Nhưng đời sống lương tâm đạo đức có khi không nằm trên những chữ nghĩa ấy. Chỉ cần đặt mình vào tâm trạng của người khác để hiểu và cảm thông, lương tâm đạo đức nơi mỗi người tự trỗi dậy. Một bác sĩ biết đặt mình vào tâm trạng của bệnh nhân, sẽ biết rằng ai bệnh cũng đau đớn, lo âu. Nếu mình bị bệnh cũng như vậy. Từ đó, ngoài công việc chuyên môn, bác sĩ này còn có tâm cảm thông, chia sẻ, an ủi bệnh nhân, tận tụy trong công việc. Nhờ vậy, người bệnh cảm thấy được an tâm, bớt đau đớn... Bác sĩ này đã có một đời sống đầy lương tâm và đạo đức, xứng với câu “lương y như từ mẫu” (Thầy thuốc như mẹ hiền).

b)   Sống tích cực, có ý nghĩa: Biến suy nghĩ tốt thành hành động.

Đây là một cuộc sống cao thượng, không còn giới hạn trong phạm trù của vật chất; mà vật chất, tinh thần và trí tuệ đều có mặt, xuất hiện đầy đủ trong cách nghĩ, hành động và việc làm. Một bác sĩ đi làm cả ngày về khá mệt mỏi, nhưng nghe người nhà bên cạnh đột nhiên bị bạo bệnh cấp cứu. Nếu chỉ sống tốt và hướng đến thành đạt thôi thì vị bác sĩ này bảo mọi người đưa đi bệnh viện là xong. Nhưng là một người sống tích cực có ý nghĩa thì sẽ nghĩ rằng, mình mệt nhưng chưa phải là sắp chết như người cạnh nhà; liền đích thân sang thăm khám, sơ cứu và sắp xếp việc đi viện một cách chu đáo; thường xuyên liên lạc hỏi thăm kết quả điều trị... Nếu có một bác sĩ giỏi và nhiệt tâm như thế, ai cũng cảm kích, mến phục. Với nhiều việc làm tích cực tương tự, khi già yếu nhớ lại, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời mình sống qua thật là ý vị. Đó là một cuộc sống tích cực, có ý nghĩa.

c)    Tóm lại.

Trong cuộc sống, không những chỉ sống thành đạt mà chúng ta phải biết sống tốt, có đạo đức, lương tâm. Không những sống tốt, có đạo đức, lương tâm mà còn phải sống tích cực, có ý nghĩa... Phấn đấu tăng dần trong nếp nghĩ và cách làm như vậy, phước đức, trí tuệ cũng theo đó được tăng trưởng thì cuộc sống của chúng ta nhất định mỗi ngày một thăng tiến.

3.2.2. Chỉ ra nguyên  lý “Các pháp từ tâm sinh”, trong phạm trù “Nhu cầu cuộc sống”:Tất cả đều từ “Một tâm thiền giác ngộ”, “Cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa”.

Trong nhà Phật thường dạy: “Các pháp từ tâm sinh”. Lục Tổ nói: “Nào ngờ tánh mình hay sinh muôn pháp!”. Kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy: “Thanh tịnh bản nhiên, hốt sanh sơn hà đại địa.”. Từ bản thể thanh tịnh vốn sẵn như vậy, (bất giác) liền sanh ra núi sông, quả đất. Nếu là bậc tu hành đắc đạo (giác ngộ) Phật giáo thì sẽ thấy rõ điều này: “Tất cả đều được có ra từ một tâm thiền giác ngộ”. Rời tâm giác ngộ trong giây lát, liền đồng với người chết. Hay ra (tỏ ngộ) và sống như thế nào, quý ngài sẽ từ nơi ấy mà hành hoạt. Một bậc tu hành đắc đạo Phật giáo, bắt đầu bằng một tâm thiền giác ngộ để trợ giúp xã hội; chỉ rõ cho con người nhận ra tất cả những điều tốt đẹp và cần thiết trong đời đều từ tính chất của một tâm thiền giác ngộ ấy (cốt lõi). Đây là từ “Cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa” để  lưu xuất ra “Kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực”, để làm nên rất nhiều thứ “Bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên” mà Bác Học Einstein đã nhận định về Phật giáo; nhưng thoát ra, vượt lên trên hai phạm trù ấy. Cụ thể, đối với vấn đề “Nhu cầu cuộc sống” của con người, nếu thực tập Thiền đúng pháp, sẽ nhận ra được cội gốc để làm nên và phát triển cuộc sống, không bị sai lệch.

Như trên đã trình bày, không có một thứ gì trên đời này ngẫu nhiên có ra, mà phải từ trí tuệ, kỹ năng, sự nỗ lực cộng với sự may mắn (phước đức) của mỗi người.

3.2.2.1. Đời sống vật chất.

a)   Phước đức, may mắn (yếu tố khách quan).

Nếu khéo thực tập thiền đúng phương pháp, thân tâm con người sẽ được chuyển hóa theo chiều hướng tích cực. Thân được khỏe và an, tâm được định, trí tuệ sáng suốt, tinh thần hoan hỷ tươi vui, tràn đầy nhựa sống. Đây là nguồn cơn của hạnh phúc, là cội gốc để khai thông cuộc sống không bị bế tắc. Cũng chính từ năng lực trên khiến cho con người trở nên cao thượng, lòng người theo đó cũng thênh thang rộng lớn, sống đời tích cực, luôn cảm thông và sẻ chia với mọi người trong xã hội. Đây là cội nguồn của phước đức, may mắn. Theo đó, cội nguồn phước đức ngày càng tăng trưởng, sẽ nhận được nhiều cơ may bất ngờ.

b)   Trí tuệ, kỹ năng và sự nỗ lực (yếu tố chủ quan).

Khi tập thiền, tâm được lặng, trí tỏ sáng, đây là cội nguồn của trí tuệ; là điều kiện tốt nhất để trí tuệ phát huy đúng mức của nó. Cũng từ đây, khi nhìn vào bất kỳ sự việc hay tình huống nào, sẽ thấy ra mọi vấn đề một cách đầy đủ. Thấy là liền biết, đây gọi là thời trí. Thời trí này giúp cho con người biết được nguyên lý để giải quyết mọi sự việc và tình huống một cách kịp thời đến mức hoàn hảo; chính là kỹ năng. Bằng cách này, con người sẽ phát huy được trí tuệ và kỹ năng đến mức trọn vẹn, kịp thời. Lúc này, năng lượng sống dồi dào cho nên có đủ năng lực để nỗ lực trên mọi phương diện đến mức cao nhất. Khi trí tuệ đã sáng suốt; kỹ năng phong phú, chuyên nghiệp, kịp thời; phước đức rộng lớn, cơ may thuận lợi; cộng với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân mà không đưa đến thành đạt, chưa thấy điều ấy bao giờ. Mới thấy, tất cả những gì cần thiết cho con người đều do thực tập thiền, đều từ một tâm thiền “nhất thể đầy đủ ý nghĩa” mà có ra.

3.2.2.2. Đời sống tinh thần và đạo đức.

a)   Bản lĩnh, tự tin, vững chãi và an vui.

Thực tập thiền đều đặn, sẽ tự cảm nhận được sức định tĩnh, trí sáng và lòng lạc an ngập tràn trông thấy qua thời gian. Hằng ngày luôn có thái độ dứt khoát trong nếp nghĩ, cách làm; luôn an nhiên, tỉnh sáng trên mọi sinh hoạt. Đó là khéo thực tập thiền trên cảnh động. Theo thời gian, định lực, tuệ lực và sự an lạc tăng trưởng, dồi dào năng lượng; sẽ giúp cho con người vững chãi, tự tin, có bản lĩnh và an vui trong cuộc sống. Tùy theo sức giác ngộ của mỗi người mà sự chi phối sẽ bớt hoặc không còn nữa. Đối trước những hoàn cảnh tình huống thuận hay nghịch, trí tuệ và năng lực này sẽ cho chúng ta cách nhìn và đón nhận theo chiều hướng tích cực.

b)   Tĩnh tâm, thư giãn, sống vui.

Thời đại càng phát triển, công việc càng thêm nhiều thì con người càng bị áp lực. Xoay lưng với cuộc đời thì bị lạc hậu, tự đào thải. Dấn thân vào trong đời thì bị cuốn vào dòng xoáy nhấn chìm. Chưa ổn định được hướng sống cho mình thì bị căng thẳng, đưa đến các căn bệnh thời đại stress, trầm cảm... Vì thế, thư giãn là nhu cầu cần yếu của mọi người. Đến với thiền, tu tập thiền, tâm mình sẽ trở nên tĩnh tại, an nhiên, sáng suốt; sẽ giúp cho con người được thư giãn tuyệt đối, sáng ra nhiều điều, an vui, bình tĩnh sống, tiếp tục sống tốt và làm tốt công việc của mỗi người.

c)    Đạo đức.

Nhìn xa ra một số nước phát triển trên thế giới, có không ít người quá giàu, thụ hưởng ăn chơi hết cách rồi thì đi tự tử, hoặc có người sống như bị thần kinh... Do vật chất phát triển mà đạo đức không theo kịp cho nên dẫn đến nhiều tình trạng như thế. Còn biết bao trường hợp đáng thương tương tự không thể kể hết. Hiện nay có nhiều vị trẻ do nghiện game nên bị stress, trầm cảm; có vị dám giết cả người thân mình chỉ vì cần một ít tiền chơi game. Nếu những đứa trẻ này ý thức được đạo đức thì sẽ không lâm vào những tình cảnh thương tâm như vậy. Cho thấy, kinh tế phát triển mà đạo đức không theo kịp thì khó tránh khỏi tai họa. Tu tập Thiền, tâm an tĩnh, trí sáng ra, giúp cho con người phát huy trí tuệ, lòng thanh thản, quảng đại khiến mình sống đời có lương tâm đạo đức; sống tốt và tích cực.

d)   Thanh kiếm vào đời.

Cuộc đời ngày càng phát triển có khi ngoài sức tưởng tượng của con người. Muốn không bị lâm vào các vấn nạn thì chúng ta chỉ cần có trí tuệ và đạo đức. Đây là hai thanh kiếm vào đời an toàn, không lo âu sợ hãi. Bởi mọi sự văn minh phát triển đều từ trí tuệ con người. Nếu người tu tập Thiền định, có trí tuệ, sẽ tự tin, tự chủ; sẽ không bị choáng ngợp, hấp dẫn, cám dỗ để phải mất mình. Tương tự, một người có lương tâm đạo đức thì những tình tệ trong đời không thể xâm nhập vào mình được. Mới thấy đạo đức và trí tuệ là liều thuốc kháng sinh tối thiểu và căn bản nhất, giúp cho con người có đủ kháng thể để đi vào đời tích cực, an toàn; chỉ có giúp đỡ cho xã hội phát triển mà không bị những sai lầm của vấn nạn, khổ đau.

Tu tập Thiền định đúng pháp, con người sẽ tỏ ngộ trí tuệ gốc chân thật nơi chính mình, sẽ có định lực, tuệ lực và năng lực sống phi thường, an vui, tự tại, tiêu sái. Bậc tu hành đắc đạo (giác ngộ) Phật giáo sẽ khéo léo uyển chuyển tùy thuận và sống tích cực trong đời mà vui với đạo, ích đời. Cuộc đời ngày mai có phát triển hay phức tạp đến đâu, người này sẽ có kế sống đặc biệt cho mình và mọi người. Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: “Mênh mông nước xiết đánh cầu tròn”. Cuộc đời luôn là một dòng thác đang chảy xiết, nếu xa lánh thì bị đào thải, vùi vào thì bị nhấn chìm, cuốn trôi. Bậc tu hành giác ngộ sẽ sống và chỉ cho mọi người phương cách “không vào, không ra”, mà biết đánh cầu trên nó một cách tiêu sái, tự tại, không ngăn ngại.

3.2.3. Chỉ ra biểu đồ cuộc sống và việc cần thiết phải làm là “Điều chỉnh, cân bằng cuộc sống và phát triển”.

v Đây chính là “Kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực”.

 

Chúng ta thử khảo sát biểu đồ đơn giản nhất về cuộc đời của mọi người. Trong cuộc sống, đôi lúc thấy yên bình; trạng thái này có thể biểu thị bằng một đường thẳng. Có khi được may mắn, vui tươi; biểu đồ lúc này như một nhánh parabol hướng lên. Và rồi cũng có đôi khi bị thất bại, buồn chán; chúng ta vẽ nên một nhánh parabol ngược lại, hướng xuống. Cuộc đời của mỗi con người luôn nổi trôi, bấp bênh với những đường vẽ như thế, đôi khi phức tạp hơn. Biết lo cho mình, con người sẽ điều chỉnh làm sao cho biểu đồ cuộc sống ấy chỉ có đường thẳng của yên bình hoặc parabol hướng lên. Đồng thời, nếu nhỡ rơi vào khúc quanh như nhánh parabol hướng xuống thì phải đối diện với nó như thế nào cho ổn. Sự cần thiết cho cuộc sống này là mỗi người phải biết cách để điều chỉnh biểu đồ cuộc sống của mình và hỗ trợ cho người khác một cách tốt nhất. Mà cụ thể là qua ba điều cần thiết của con người: Vật chất, tinh thần và đạo đức như vừa nêu trên.

3.2.4. Từ tâm thiền giác ngộ để “Điều chỉnh, cân bằng cuộc sống và phát triển”.

v Đây là từ “Cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa” để triển khai “Kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực” .

Biết thực tập thiền, khéo ứng dụng tâm thiền để sống và sinh hoạt, con người sẽ có đầy đủ những yếu tố để thành tựu (như đã nêu trên tại phần “Nhu cầu cuộc sống”). Đó là biết điều chỉnh biểu đồ cuộc sống của mình theo chiều hướng yên bình và ngày càng thăng tiến, đi lên. Nếu nhỡ có lúc gặp phải chuyện không may của biểu đồ đi xuống, nhờ vào định lực, tuệ lực, vô biên lực của tâm thiền giúp cho chúng ta cảm thấy bình thản, bình thường, không có gì chi phối được. Nhờ thực tập thiền, chúng ta điều chỉnh được biểu đồ cuộc đời cho mình và mọi người một cách hoàn hảo nhất. Không phải đợi lúc khó khăn mới nghĩ đến. Hằng ngày luôn có những khoảng lặng để xem xét lại những hành xử trong cuộc sống và kịp sửa sai; luôn trau dồi sức định tĩnh, trí tuệ và năng lực sống. Theo đó để sống hết lòng thì những lúc nhỡ gặp điều không may, tâm chúng ta sẽ tự an ổn nhờ vào cách sống hằng ngày đó.

 

 

4.   HÌNH MẪU CUỘC ĐỜI BẬC TU HÀNH ĐẮC ĐẠO PHẬT GIÁO TRỢ GIÚP XÃ HỘI.

 

4.1. NGÀN XƯA CHƯ TỔ.

 

Việc góp phần mình để trợ giúp xã hội của bậc tu hành đắc đạo Phật giáo đã trở thành truyền thống cao đẹp từ tinh thần nhập thế của chư vị Tổ sư Việt Nam chúng ta từ xưa đến nay. Tự ngàn xưa các bậc Tổ sư, Thiền sư tu hành đắc đạo đã trợ giúp xã hội rất đắc lực và hiệu quả.

 

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra công hạnh của quý ngài, như Thái sư Khuông Việt (Ngô Chân Lưu): Đinh Tiên Hoàng đã xem thiền sư là vị Thánh với nhiệm vụ “Khuông phò nước Việt”. Sau này, vua Lê Đại Hành rất kính trọng, mời bàn việc quân việc nước với vai trò là cố vấn về chính trị của triều đình. Sư đã cùng các vị cao tăng khác (như Thiền sư Đỗ Pháp Thuận...) giúp triều đình xây dựng đất nước, vỗ về nhân dân, đặc biệt là hiến kế giúp vua, góp phần đánh tan quân Tống xâm lược vào năm 981. Khuông Việt Thái sư đã cùng với thiền sư Đỗ Pháp Thuận đại diện triều đình nhà Tiền Lê, giúp vua Lê Đại Hành tiếp phái đoàn sứ thần nhà Tống do Lý Giác làm chánh sứ sang nước ta vào năm Thiên Phúc thứ 7 (987).

 

Thiền sư Vạn Hạnh đã nuôi dạy Lý Công Uẩn, sau này lên ngôi vua là Lý Thái Tổ lập nên Triều đình nhà Lý. Vạn Hạnh Thiền sư còn là bậc Quốc sư lỗi lạc giúp vua những lúc đất nước an cũng như gặp nguy.

 

Thời Trần có rất nhiều vị đặc biệt. Như Tuệ Trung Thượng Sĩ là bậc tại gia ngộ đạo đã đích thân giúp nước. Vua Trần Nhân Tông vừa là người lãnh đạo đất nước, vừa là bậc Tổ sư tu hành đắc đạo. Và còn nhiều bậc đắc đạo Phật giáo nữa đã trợ giúp xã hội, được lịch sử ghi nhận.

 

4.2. BẢN THÂN, ĐỜI SỐNG (thân giáo) BẬC TU HÀNH ĐẮC ĐẠO PHẬT GIÁO.

 

4.2.1. Làm chủ bản thân, có đời sống bình dị, mẫu mực.

 

“Hạnh giải tương ưng, danh vi viết Tổ”. Nghĩa là chỗ nhận hiểu và đời sống phải tương ưng khế hợp với nhau thì mới gọi là Tổ. Trong nhà Phật, giáo hóa có hai, đó là thân giáo và khẩu giáo. Bậc tu hành đắc đạo Phật giáo sẽ nói và làm điều mình đang thấy, đang sống, đang thực hiện, chứ không phải nói điều mình hiểu. Chỗ thấy, lời nói và hành động không mâu thuẫn trái ngược nhau, một người tu hành giác ngộ sẽ trợ giúp xã hội tốt hơn khi đã có được khả năng ấy giúp làm chủ được bản thân mình; có đời sống khiến cho xã hội nhìn vào kính ngưỡng bởi sự bình dị mà thanh thoát trong cách đi, đứng, nói, cười...

 

“Quá hậu nãi tri tiền sự thố,

 

Lão lai phương giác thiếu thời phi”.

 

“Sau khi làm lỗi rồi mới biết việc trước đó là nhầm lẫn. Già rồi mới biết lúc trẻ có nhiều điều bị sai”. Con người thường nhận ra nhiều sự việc không kịp thời như thế, do đó không những gây hại cho bản thân mà có khi đưa đến tai hại lớn hơn khiến cho nhân loại đã phải trả giá. Những gì khiến cho con người gợi nhớ, nhắc thức, làm cho tỉnh lại, kịp nhận ra thì quả là cao quý không thể lấy gì để so sánh đến được.

 

“Sư qua phố thị hiền hòa,

 

Cây nghiên, nắng đổ, phai tà áo nâu.

 

Chừng nghe trong cuộc bể dâu,

 

Còn vang vọng tiếng ngàn câu kinh cầu”.

 

Một tiếng chuông chùa, một hình ảnh nhà sư trang nghiêm nhưng bình dị, gần gũi mà thanh thoát, có khi sẽ thức tỉnh những ai hữu duyên nghe thấy, kịp tỉnh, quay về, ngăn chặn các lỡ lầm, đóng cửa những nơi ác và khổ. Nếu đã lỡ lầm, trong cơn tuyệt vọng, trong cuộc bể dâu ấy, hình ảnh nhà sư, tiếng mõ, chuông, kinh kệ, khiến cho con người bừng dậy, sửa sai, tiếp tục sống tốt, có ý nghĩa. Và hình ảnh thanh thoát của bậc tu hành đắc đạo đã gián tiếp hoặc trực tiếp góp phần trợ giúp cuộc đời như thế.

 

4.2.2. Tâm không nhiễm, dấn thân cống hiến giúp đời.

 

Tài vật, sắc đẹp, danh vọng, ăn dùng và ngủ nghỉ là năm món ngũ dục có vị ngọt lôi cuốn con người dính nhiễm đến lạ thường. Không thể dùng sức chịu đựng hay các kỹ năng còn trong tạo tác sanh diệt mà có thể chiến thắng được đến mức tuyệt đối. Như người ăn no món ngon thì không còn thèm đồ dở. Chỉ khi đã no món thượng vị thì ngũ dục trong đời mới chịu buông tha. Và món ngon ấy chính là tâm giác ngộ của các bậc tu hành tỏ ngộ. Khi hành giả tu hành tỏ sáng tâm tánh chân thật nơi chính mình rồi thì chính năng lực này khiến cho chúng ta vốn tự vô nhiễm. Khi chiến thắng được năm món tham muốn ấy thì đời sống tự thanh thoát, cao thượng; sẽ tùy duyên để hết lòng giúp người, giúp đời không biết mệt mỏi. Đây cũng chính là tính chất vừa xuất thế mà cũng là vừa nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Được vậy mới đúng nghĩa đạo Phật trợ giúp xã hội và con người trong thế giới hiện đại mà vẫn vẹn toàn đôi bên: không mất đạo, thuận với đạo và có được hiệu quả tối ưu trong sự trợ giúp ấy.

 

4.2.3. Tu tâm, hành thiện, cứu giúp đời.

 

Không kể đến các bậc Thánh nhơn đắc đạo. Còn lại là một con người, do câu sanh vô minh cho nên ai cũng có sự dính nhiễm như nhau, có khác chăng chỉ là nặng và nhẹ. Chỉ khi đã trải qua quá trình tu tập nghiêm túc và có kết quả thì mới lìa được. Do đó, muốn có được sự trợ giúp xã hội như ý (thuận đạo, hiệu quả), con người phải đạt đến giác ngộ, làm chủ được thân và tâm. Để đạt được như thế thì phải có quá trình học hiểu chánh pháp và hành trì tu tập, hạ thủ công phu nghiêm mật. Cụ thể, người mới vào Tự viện phải được đào tạo bài bản, học thông Tam Tạng. Kế đến, phải có thời gian ở vào môi trường chuyên tu để chuyên tâm thực hành công phu tu tập, luân phiên nhập thất thì mới mong súc sạch phàm tình, dọn sạch thân tâm, mặt trời Phật nơi chính mình mới chiếu soi, giác ngộ được. Để tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học, có kiến thức cơ bản cho một con người, chúng ta cần trải qua 12 năm ngồi trên ghế nhà trường. Để đi vào chuyên ngành, cần phải có thêm mấy năm nhất định trong các trường Đại Học. Học tập để trở thành người ở thế gian mà còn như thế. Huống nữa người tu Phật hướng đến chân trời siêu việt, phải đối diện với nội tâm loạn động vô cùng phức tạp mà không trải qua thời gian thực học, khổ tu, rèn luyện cho rơi rớt phàm tình thì làm sao thành tựu giác ngộ?

 

Khi tu tâm đã đạt được giác ngộ, vị này đã tự miễn nhiễm với trần thế, đi vào đời làm lợi ích thực sự có hiệu quả, không bị các tình tệ làm trở ngại. Thấy thân tâm này không thật cho nên tích cực làm lợi ích cho đời mà không dính chấp, không biết mệt mỏi. Thấy cõi đời là huyễn mộng, vật chất tạm bợ phù du vì thế không tham đắm, chỉ biết cho đi mà không nghĩ đến sự đền đáp. Vì tâm không cho nên làm việc không toan tính thiệt hơn hoặc kể lể. Vì không chấp cho nên cảnh thuận hay nghịch cũng không làm cho mình thay đổi; người khác có cảm thông hay chưa thông cảm mà đối xử thậm tệ, chúng ta cũng tiếp tục sống tốt, giúp đời như chưa có chuyện gì xảy ra. Do không chấp thủ sở đắc cho nên ngày nào còn đủ duyên thì hết lòng vì đạo, vì đời mà không nhìn lại thấy mình đã làm được gì để thỏa mãn, thủ đắc, an phận. Một người tu hành giác ngộ, có kết quả sẽ trợ giúp được xã hội một cách tích cực, hiệu quả mà không bị trái với đạo đức hoặc trở ngại công phu tu hành.

 

4.2.4. Có trí tuệ và hạnh nguyện dấn thân.

 

Có duyên đi vào các tự viện, chúng ta sẽ thấy trong Chánh điện nhiều nơi thờ tự hình ảnh đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính giữa, hai bên là Bồ tát Đại Trí Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ và Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền tượng trưng cho hạnh nguyện dấn thân, đi vào sai biệt. Cách thờ tự này thầm chỉ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào đời giáo hóa độ sanh thì cần phải có hai điều căn bản, đó là trí tuệ giác ngộ và hạnh nguyện dấn thân (từ bi). Cũng thế, bất kỳ ai muốn cứu người, giúp đời cũng không thể thiếu một trong hai yếu tố căn bản ấy.

 

a)   Trí tuệ.

 

Khả năng của con người có giới hạn cho nên một người không thể làm được quá nhiều thứ. Khi phải đi ra làm nhiều công việc, tâm trí bị rối rắm thì con người thường sai sót. Đến khi về thư giãn, lắng lại mới nhận ra. Chính vì lý do đó cho nên trong xã hội cần có nhiều ngành nghề và phân công mỗi người chuyên một việc để phát huy tốt nhất có thể. Thiền sư Đức Hồng Giác Phạm nói: “Phàm nhơn bình cư nội chiếu tắc thường hiểu liễu. Cập thiệp thế sự trì tắc bội hỗn dung”. Nghĩa là thông thường con người hàng ngày tỉnh tâm soi lại thì thường tỏ rõ. Khi vào đời làm việc thì dễ trái với sự dung nhiếp suốt thông. Vì thế, muốn cuộc sống phát triển đến mức hoàn hảo mà không bị sai lầm đáng tiếc, chúng ta phải khéo léo sắp xếp sinh hoạt của mình và phân công công việc mỗi người cho thật phù hợp. Có khi dấn thân, nhưng có lúc cũng cần phải tĩnh tâm, ngồi lại. Có người thực hiện nhiều công việc, nhưng rất cần người ngồi lại để an định, kê cứu, phát hiện, phát minh. Bậc tu hành đắc đạo (giác ngộ) Phật giáo thực sự sẽ làm chủ được trên cảnh động và tịnh, vì thế sẽ có khả năng làm tốt cả hai lĩnh vực này.

 

b)   Lòng từ bi, hạnh nguyện dấn thân.

 

Có những điều cao quý trong đời đem cho người khác, nhưng chưa chắc đã được mọi người hiểu biết, đón nhận, biết ơn mà đôi khi bị nhiều điều ngược lại. Muốn không nản lòng, tiếp tục trợ giúp thì cần phải có lòng từ bi rộng lớn, có hạnh nguyện dấn thân.

 

Mới thấy, trí tuệ và hạnh nguyện dấn thân là điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với người vào đời giúp ích cho xã hội. Và bậc tu hành đắc đạo (giác ngộ) Phật giáo sẽ có được hai điều kiện cần và đủ ấy. Phật Hoàng Trần Nhân Tông sau khi tu hành đắc đạo, ngài đã đi vào nhân gian để khuyên người hành thập thiện, phá bỏ các dâm từ (miếu thờ mê tín), giúp cho nhân dân có chánh kiến, chánh tín.

 

Trong cuộc sống, có người trải qua một vài tai nạn khiến họ thiếu niềm tin với cuộc đời, từ đó dễ nghi ngờ mọi chuyện, lòng khép lại và sống vị kỷ, khép kín. Cho đến gần cuối đời mới nhận ra đã sống dối lòng với mọi người và bản thân. Quãng đời sống qua đã gây ra nhiều lỡ lầm tai hại cho mình và mọi người bởi cách sống vị kỷ, khép mình ấy. Một người khác thì quên mình mà sống vì mọi người, cuối cùng lại nhận ra là đã đánh mất chính mình và làm hư hỏng nhiều người khác. Sống vị kỷ cũng làm khổ cho mình và người. Sống hết mình cũng chưa khỏi mọi họa ương, có khi không làm cho ai thực sự được an vui hạnh phúc. Bậc tu hành giác ngộ Phật giáo sẽ có trí tuệ, định lực, năng lực và từ bi, sẽ có được cái nhìn trung hòa một cách hoàn hảo cho mỗi một cuộc sống, cho từng con người đang đối diện. Đây là con đường trung đạo của đạo Phật. Nhờ vào những năng lực và trí tuệ này mà cho chúng ta có tầm nhìn, sẽ có hướng sống tốt cho mình, mọi người và xã hội.

 

4.2.5. Thuyết pháp, giáo hóa, khuyến khích sống hướng thiện, hướng thượng.

 

Tư tưởng, trí tuệ sẽ làm chủ điều khiển con người, xã hội. Muốn xã hội ngày mai tươi sáng hơn, con người cần có trí tuệ, có nhìn nhận đúng đắn, có đời sống hướng thiện, hướng thượng để nỗ lực vươn lên. Bằng phương pháp giáo hóa, sách tấn, khuyến khích của đạo Phật sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp xã hội phát triển. Và hoằng pháp lợi sinh là một trong những việc chính yếu và cần thiết của hàng xuất gia tu Phật. Bậc tu hành đắc đạo Phật giáo đã trợ giúp xã hội rất tích cực và hiệu quả bởi công hạnh này. Có thể dễ nhận thấy ở Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, Việt nam. Xưa kia, Sơ Tổ Trúc Lâm sau khi tu hành đắc đạo, ngài đã giảng kinh thuyết pháp giáo hóa hàng hậu học. Cụ thể Ngài đã giảng Truyền Đăng Lục cho đại chúng trong mùa An cư tại Chùa Vĩnh Nghiêm; giảng Truyền Đăng Lục cho ngài Pháp Loa tại Am Tử Tiêu; giảng Đại Huệ Ngữ Lục cho ngài Pháp Loa tại Am Thiên Bảo Quan...  Đồng thời, ngài đã đi vào nhân gian khuyên nhân dân hành Thập thiện, phá bỏ các dâm từ (các miếu thờ thần không chính đáng). Đến nhị Tổ Pháp Loa kế thế Tổ vị cũng đã giảng Kinh, thuyết pháp, giáo hóa. Ngài đã nhiều lần giảng thuyết Kinh Hoa Nghiêm, có lần pháp hội tại chùa Báo Ân thính giả lên đến trên 1000 người. Hơn thế nữa, chính ngài đã in ấn Đại Tạng Kinh Việt Nam đầu tiên trong suốt 24 năm... Chính sự tu tập và nhiệt tâm hoằng hóa của Tổ Pháp Loa đã đưa Phật giáo Thiền tông Trúc Lâm lên một đỉnh cao mới – Quốc giáo. Hiện nay, con cháu Thiền phái Trúc Lâm Việt nam nối gót Tổ sư, thừa hưởng Tổ đức; sự tiếp nối phục hưng Thiền phái Trúc Lâm của Hòa thượng Tông chủ Thích Thanh Từ hướng dẫn, chỉ dạy, tiếp tục hoằng truyền Tông phong Thiền Việt nam khắp năm châu bốn bể, lợi lạc không cùng. Việc làm này đã gián tiếp giúp cho xã hội nâng cao nhận thức về đạo đức, văn minh...; góp phần cân bằng trong sự phát triển chung toàn cầu đạt đến tốt đẹp.

 

4.3. MÔI TRƯỜNG – TỔ CHỨC – HOẠT ĐỘNG.

 

Để thực hiện giá trị cốt lõi vừa nêu trên và thực thi, hoạt động trợ giúp cho con người, xã hội một cách cụ thể và có hiệu quả, cần phải có môi trường. Chúng ta có thể thấy mô hình này đang vận hành tại các Thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam hiện nay do Hòa thượng Tông chủ Thích Thanh Từ sáng lập và hướng dẫn tu tập.

 

4.3.1. Môi trường đào tạo, chuyên tu:Để tạo ra nhân tố, con người tiếp tục phụng sự.

 

Trong các Thiền viện hầu hết đều có khu vực nội viện và ngoại viện riêng biệt. Ngoại viện thường có nhiều công trình hài hòa giữa cảnh quan đẹp, là nơi dành cho khách đến tham quan, lễ Phật, nghiên cứu. Nội viện là nơi chuyên tu của các Thiền sinh, ở vị trí thanh tịnh, cách biệt với thế giới bên ngoài. Thiền sinh ở Nội viện không được phép đi ra ngoài. Du khách bên ngoài cũng không được đi lại tham quan trong khu vực nội viện. Cảnh quan bình dị, gần gũi. Các công trình đơn giản, chỉ vừa đủ để phục vụ nơi ăn chốn ở cho đời sống tu hành, không phí phạm. Đặc biệt nơi này còn có Khu Thiền thất để Thiền sinh thay phiên nhau nhập thất chuyên tu miên mật.

 

Vào Nội viện là vào nơi để được tu học, là còn trong thời gian đào tạo, Thiền sinh sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để quyết tâm tu tập cao độ. Không được giữ tiền riêng, không sử dụng điện thoại, không đi đám tiệc, không tiếp khách, không báo và đài, không Ti-vi, không mạng Internet, không tiếp cận bất kỳ thông tin gì bên ngoài... Mọi việc cần thiết đã có Ban Lãnh đạo lo chu toàn. Thiền sinh vào Thiền viện sẽ được học thông nội điển và chuyên tâm hạ thủ công phu tu tập, lấy tọa thiền làm chính. Ngoài ra, trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi phải luôn luôn tỉnh giác, làm chủ, xoay lại chính mình. Cụ thể, các Thiền sinh được hướng dẫn tu tập qua ba lĩnh vực:

 

-       Một là học để nắm vững đường lối tu hành;

 

-       Hai là tu tập, tọa Thiền để củng cố nội lực, tâm dễ an định, việc tu hành đắc lực hơn;

 

-       Ba là lao động để rèn luyện bản thân vượt lên trên các cảnh nóng lạnh, thuận nghịch... Đồng thời để vận dụng công phu tu hành trong cảnh động. Trên tất cả mọi hoàn cảnh, cái gì là tâm Phật, là công phu của chính mình? Tất cả các công việc trong Thiền viện từ xây dựng cho đến trồng rau, làm vườn, may vá, nấu nướng… Thiền sinh đều phải tự làm chứ không nhờ người bên ngoài.

 

Hòa thượng Tông chủ Thích Thanh Từ dạy: “Lao động như ăn cơm; nếu người không ăn thì một thời gian rồi sẽ chết. Học như uống nước; nếu không uống nước thì sẽ chết nhanh hơn. Và thiền tọa tu hành như hít thở; nếu ngưng thở thì sẽ chết tức thì”. Một con người muốn sống phải hội đủ ba điều kiện: ăn, uống và hít thở như thế nào thì một thiền sinh tu hành trong thiền viện cũng phải có đủ ba điều kiện: Lao động, học hiểu và thực hành công phu tu tập cũng như thế ấy. Ba điều này đã trở thành kim chỉ nam cho đời sống tu hành của các thiền sinh tại các Thiền viện. Thiền sinh được vào Nội viện chuyên tâm dụng công tu hành đắc lực, tỏ sáng tự tâm, hoặc ít nhất phải vững niềm tin nơi tâm thiền, không còn thối chuyển thì mới cho đi làm Phật sự chứ không tính kể thời gian.

 

4.3.2. Các giá trị hoạt động trợ giúp khác trong xã hội hiện nay.

 

Từng có người cảm nhận từ các Thiền viện và nói vui rằng: “Nơi nào hoang vu, khô cằn sỏi đá..., nếu muốn biến thành sầm uất, xây dựng vùng kinh tế mới thì trước tiên nên thành lập Thiền viện.”. Chỉ là một câu nói cho vui, nhưng đó lại là cảm nhận từ thực tế. Thiền viện Chơn Không ban sơ chỉ là quả núi khô cằn toàn tre nứa; Thiền viện Thường Chiếu buổi đầu chỉ là những trảng cỏ tranh khô cằn thưa thớt người, hiếm côn trùng súc vật; Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt chỉ là những mỏm đồi bị xói mòn lởm chởm, gần như không có người và sinh vật sống được trên ấy; Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ban sơ vẫn là chốn núi rừng hẻo lánh, hoang vu, không bóng người lai vãng... Và còn nhiều Thiền viện khác nữa, buổi đầu mới đặt chân đến đều trong cảnh tượng chông gai, khô cằn và gian nan tương tự như thế. Nhưng một thời gian không lâu sau khi được xây dựng và đi vào nề nếp sinh hoạt tu tập, vùng dân cư địa phương xung quanh các Thiền viện đều trở thành nơi sầm uất, thay đổi diện mạo xã hội địa phương, phát huy nhiều giá trị.

 

a)   Góp phần bảo vệ môi trường.

 

Những người có trách nhiệm bảo vệ rừng quốc gia đã từng nói: “Giao rừng cho nhà chùa giữ gìn bảo vệ thì chỉ có tươi tốt và mọc thêm lên”.

 

Song song với các biện pháp bảo vệ môi trường của các tổ chức xã hội hiện nay, thiết nghĩ nên tạo cảnh quan đẹp để gợi ý cho con người nhận ra vẻ đẹp và giá trị, từ đó biết yêu quý thiên nhiên. Trong sâu thẳm đã cảm nhận vẻ đẹp và tôn quý giá trị rồi thì không những tự mình muốn bảo vệ mà còn khuyến khích người khác cùng nhau vun bồi cho môi trường ngày càng tốt đẹp hơn. Thiền viện nào được xây dựng xong cũng đều xanh, sạch, đẹp. Cách sắp xếp ngăn nắp, nề nếp, giản dị nhưng khoa học... Qua đó góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương và gợi ý cho mọi người có ý thức cùng chung tay bảo vệ ở những nơi khác.

 

b)   Góp phần nâng cao đời sống văn minh, đạo đức, thay đổi diện mạo đời sống nhân dân tại địa phương.

 

Thực tế cho thấy, những nơi có Thiền viện, Tự viện được thành lập, theo thời gian, làng xã nơi đó ngày càng trù phú; góp phần nâng cao nhận thức văn minh đạo đức trong đời sống nhân dân tại địa phương ngày một đổi thay tốt lên rõ rệt.

 

c)    Các hoạt động công ích xã hội.

 

Hưởng ứng đóng góp những chương trình từ thiện, cứu trợ của Chính quyền địa phương và Giáo Hội Phật Giáo đề ra là những việc làm thường xuyên của các Thiền viện, Tự viện. Ngoài ra, có nhiều nơi còn trực tiếp làm những công việc đặc biệt hơn, như Tuệ Tĩnh Đường chữa trị bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con, hiến máu nhân đạo, bữa cơm tình nghĩa tại các bệnh viện...

 

d)   Tham gia các tổ chức xã hội chính thống.

 

Nếu có nhân duyên, quý vị có đạo lực có thể tham gia vào các tổ chức xã hội chính thống để có cơ hội góp phần nhỏ bé của mình vào việc chung của xã hội. Xưa kia, chư vị Thiền sư là những Quốc sư giúp Vua trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay chư Tôn đức Tăng Ni cũng đang tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình như văn hóa, giáo dục... Hiện tại, nhiều vị đang tham gia nhiều công việc của Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội, như dịch thuật, hội thảo, tọa đàm, giảng dạy và đóng góp hỗ trợ nhiều phương diện khác.

 

e)    Là nơi hành hương tâm linh lý tưởng, gián tiếp góp phần phát triển kinh tế địa phương.

 

Các Thiền viện, Tự viện ra đời từ ý tưởng, tâm nguyện ban đầu chỉ là muốn có nơi chuyên tu, đồng thời cùng nhau làm cho nơi mình sống được khang trang, sạch đẹp. Chỉ là một việc làm hướng đến tốt đạo, đẹp đời. Nhưng không ngờ từ đó lại trở thành điểm hành hương tâm linh lý tưởng, gián tiếp góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

 

f)     Tạo môi trường tốt để hướng dẫn cho những ai hữu duyên đến nghiên cứu và thực tập Thiền.

 

Các Thiền viện hiện tại đều là nơi tạo điều kiện cho rất nhiều cá nhân và tổ chức hữu duyên, có nhu cầu đến nghiên cứu và thực tập Thiền. Đặc biệt có nhiều Thiền viện đã đón nhận hàng nghìn các cháu trẻ được phụ huynh gửi đến để tu tâm, rèn đức mỗi khi hè về. Có khóa chỉ ba ngày, một tuần, nhưng có khóa cả tháng.

 

4.3.3. Chỉ làm tốt trong lĩnh vực và sở trường của mình.

 

Không có bất kỳ một sự thể nào do từ một thứ làm nên, mà tất cả đều nhờ vào nhiều yếu tố nhân duyên hợp lại. Không thể có một ai tài nào một mình có thể làm nên tất cả cho đời, mà mỗi người một việc cùng góp sức chung tay xây dựng nên cuộc sống. Và các bậc tu hành đắc đạo (giác ngộ) Phật giáo cũng vậy.

 

Mỗi trường Đại Học sẽ có một chuyên môn riêng. Trường này không thể có chuyên môn để làm thay mọi việc cho một trường nào khác. Mỗi Tông phái tu Phật đều có sở trường riêng, tạo nên tính đặc thù riêng có. Tông phái này không thể biết hết và làm tốt tất cả các việc của Tông phái khác. Đó là nguyên lý, là khoa học và cũng rất thực tiễn. Mỗi người tích cực làm tốt công việc sở trường của mình, đó là biết chung sức lo cho xã hội ngày càng phát triển. Cũng vậy, bậc tu hành đắc đạo Phật giáo có tài ba lỗi lạc đến đâu thì cũng chỉ phụ giúp được xã hội trong phạm vi sở trường, trong lĩnh vực cho phép của mình thì việc làm ấy mới đưa đến kết quả tốt đẹp.

 

2.   KẾT LUẬN.

 

Con người không có mặt, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa; sẽ tự sinh, tự diệt, không thể có sự phát huy. Bằng vào trí tuệ và năng lực của con người, cuộc sống xã hội đã được hình thành và phát triển tiến bộ. Các nhà Bác Học thường phát minh khi ở trạng thái buông thư tuyệt đối. Khi lòng lắng đọng, con người thường nhận ra nhiều điều. Cho thấy, khi tâm ta an tịnh thực sự, trí tuệ gốc nơi chính mỗi người sẽ chiếu soi, sẽ phát huy đúng mức. Tâm càng an định, trí càng sáng soi, chúng ta sẽ phát huy được nhiều lực dụng đặc biệt; sẽ thấy đầy đủ mọi mặt trong đời, không bị phiến diện, khiếm khuyết, sai lầm. Từ đó, cuộc đời sẽ được phát triển một cách toàn diện, an toàn, bền vững, tốt đẹp, mỹ mãn bởi nắm vững nguyên lý của nó. Đây cũng là việc chính của người tu hành Phật giáo dành trọn cả một đời, nhẫn đến nhiều đời về sau để thực hiện cho được viên mãn. Và cuộc đời của bậc tu hành đắc đạo Phật giáo đã trợ giúp xã hội bằng vào trí tuệ giác ngộ và lòng từ bi của mình như thế.


Mục Lục

 

 

 

1.     DẪN NHẬP. 

 

2.     BẬC TU HÀNH ĐẮC ĐẠO PHẬT GIÁO.. 

 

3.     GIÁ TRỊ CỐT LÕI. 

 

3.1. XÃ HỘI CON NGƯỜI CẦN GÌ?. 

 

3.1.1. Nhu cầu cuộc sống. 

 

3.1.2. Điều chỉnh, cân bằng cuộc sống và phát triển. 

 

3.2. BẬC TU HÀNH ĐẮC ĐẠO PHẬT GIÁO SẼ TRỢ GIÚP NHƯ THẾ NÀO?. 

 

3.2.1. Chỉ ra nguyên lý “Duyên sinh” trong phạm trù “Nhu cầu cuộc sống”. 

 

3.2.1.1. Đời sống vật chất. 

 

a) Yếu tố chủ quan. 

 

b) Yếu tố khách quan (May mắn). 

 

c)  Tóm lại. 

 

3.2.1.2. Đời sống tinh thần. 

 

a) Đời sống tinh thần: Nhớ vui. 

 

b) Nặng vật chất mà ít quan tâm đến đời sống tinh thần. 

 

c)  Cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần. 

 

d) Vật chất có giá trị tác động đến đời sống tinh thần. 

 

e) Vật chất không có giá trị tác động đến đời sống tinh thần. 

 

3.2.1.3 . Đời sống đạo đức. 5

 

a) Sống tốt, có đạo đức, lương tâm. 5

 

b) Sống tích cực, có ý nghĩa: Biến suy nghĩ tốt thành hành động. 

 

c)  Tóm lại. 

 

3.2.2. Chỉ ra nguyên  lý “Các pháp từ tâm sinh”, trong phạm trù “Nhu cầu cuộc sống”: 

 

3.2.2.1. Đời sống vật chất. 

 

a) Phước đức, may mắn (yếu tố khách quan). 

 

b) Trí tuệ, kỹ năng và sự nỗ lực (yếu tố chủ quan). 

 

3.2.2.2. Đời sống tinh thần và đạo đức. 

 

a) Bản lĩnh, tự tin, vững chãi và an vui. 

 

b) Tĩnh tâm, thư giãn, sống vui. 

 

c)  Đạo đức. 

 

d) Thanh kiếm vào đời. 

 

3.2.3. Chỉ ra biểu đồ cuộc sống và việc cần thiết phải làm là “Điều chỉnh, cân bằng cuộc sống và phát triển”. 

 

3.2.4.       Từ tâm thiền giác ngộ để “Điều chỉnh, cân bằng cuộc sống và phát triển”. 

 

4.     HÌNH MẪU CUỘC ĐỜI BẬC TU HÀNH ĐẮC ĐẠO PHẬT GIÁO TRỢ GIÚP XÃ HỘI. 

 

4.1. NGÀN XƯA CHƯ TỔ. 

 

4.2. BẢN THÂN, ĐỜI SỐNG (thân giáo) BẬC TU HÀNH ĐẮC ĐẠO PHẬT GIÁO. 

 

4.2.1. Làm chủ bản thân, có đời sống bình dị, mẫu mực. 

 

4.2.2. Tâm không nhiễm, dấn thân cống hiến giúp đời. 

 

4.2.3. Tu tâm, hành thiện, cứu giúp đời. 

 

4.2.4. Có trí tuệ và hạnh nguyện dấn thân. 

 

a) Trí tuệ. 

 

b) Lòng từ bi, hạnh nguyện dấn thân. 

 

4.2.5. Thuyết pháp, giáo hóa, khuyến khích sống hướng thiện, hướng thượng. 

 

4.3. MÔI TRƯỜNG – TỔ CHỨC – HOẠT ĐỘNG. 

 

4.3.1. Môi trường đào tạo, chuyên tu: 

 

4.3.2. Các giá trị hoạt động trợ giúp khác trong xã hội hiện nay. 

 

a) Góp phần bảo vệ môi trường. 

 

b) Góp phần nâng cao đời sống văn minh, đạo đức, thay đổi diện mạo đời sống nhân dân tại địa phương. 

 

c)  Các hoạt động công ích xã hội. 

 

d) Tham gia các tổ chức xã hội chính thống. 

 

e) Là nơi hành hương tâm linh lý tưởng, gián tiếp góp phần phát triển kinh tế địa phương. 

 

f)  Tạo môi trường tốt để hướng dẫn cho những ai hữu duyên đến nghiên cứu và thực tập Thiền. 

 

4.3.3. Chỉ làm tốt trong lĩnh vực và sở trường của mình. 

 

5.     KẾT LUẬN. 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1024981
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1026
3233
9863
992115
28079
92670
1024981