Thứ Tư 9/10/2024 -- 7/9/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Chiêm bái di tích tổ sư thiền Trung Hoa - Phần 11

Phần 11 - LONG MÔN THẠCH QUẬT 龍門石窟

Ngày 16/10/2012, đoàn tham quan Long Môn Thạch Quật, cách thành phố Lạc Dương 13 km về phía nam, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Nơi đây, Hương Sơn và Long Môn Sơn đối nhau qua dòng sông Y, nhìn từ xa như một cánh cửa thiên nhiên, nên gọi là Y Khuyết 伊闕. (Cổng cửa sông Y).

Vào đời nhà Tuỳ, khi Tuỳ Dạng Đế lên núi Mang Sơn 邙山 ở phía Bắc nhìn về Y Khuyết phía nam Lạc Dương, bảo tùy tùng rằng, nhìn như cánh cửa của Chơn Long Thiên tử, người xưa sao chẳng kiến lập đô nơi đó. Có vị đại thần thưa: Cổ nhân đâu không biết như vậy, chỉ vì chờ bệ hạ. Tuỳ Dạng Đế nghe xong rất vui, liền kiến đô ở phía đông Lạc Dương, để cửa chánh môn của hoàng cung đối với Y Khuyết. Từ đó Y Khuyết được mọi người quen gọi là LONG MÔN.

Long Môn Thạch Quật là một quần thể khám tượng được chạm khắc vào vách núi đá rất công phu. Từ thời Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế 孝文帝, khi dời đô từ Bành Thành (Đại Đồng, Sơn Tây) về Lạc Dương năm 493, Thác-bạc Hoành 拓跋宏 (467-499) bắt đầu cho kiến lập Long Môn Thạch Quật.

Công trình trải qua các triều đại Bắc Ngụy, Tây Nguỵ, Đông Nguỵ, Bắc Tề, Bắc Chu, Tuỳ, Đường, Ngũ Đại… trải qua hơn 500 năm kiến tạo. Thời Bắc Nguỵ và thịnh Đường là hai giai đoạn mạnh nhất.

Theo Viện nghiên cứu hang động Long Môn, tại đây có 2.345 hang động và hốc, 2.800 câu khắc, 43 chùa và hơn 100.000 tượng Phật. Trong đó, 30% hang có niên đại từ thời Bắc Ngụy, 60% từ thời nhà Đường, và số hang thuộc các triều đại khác ít hơn 10%. Các động đời Bắc Ngụy như Cổ Dương Động, Tân Dương Động, Liên Hoa Động, và Dược Phương Động. Các kiến trúc đời Đường như Tiềm Khê Tự, Vạn Phật Động, Phụng Tiên Tự, Khán Kinh Tự, cùng với nhiều quật khám, tôn tượng, các đề ký và bia, tòa tháp...

1. CỔ DƯƠNG ĐỘNG ở phía nam Tây sơn, được khởi tạo vào đời Bắc Ngụy Hiếu Văn đế (494) là động đầu tiên được điêu khắc ở Long môn. Hai bên vách tạc ba khám Phật.

2. TÂN DƯƠNG TRUNG ĐỘNG 賓陽中洞: “Tân Dương 賓陽”là nghênh tiếp ánh sáng thái dương. Ở đây có ba động. Tân Dương trung động, Nam động và Bắc động. Tân Dương Trung Động khai tạc vào thời bắc Nguỵ, Tuyên Vũ Đế kiến lập để tạo công đức cho phụ thân Hiếu Văn Đế. Niên hiệu Càn Minh năm đầu (500) khởi công khai tạc. Đến niên hiệu Chính Quang thứ 4 (523) hoàn thành. Ban đầu dự định hoàn thành ba hang động. Sau vì triều đình có chính biến, nên không kịp. Chỉ có Tân Dương Trung động gần xong. Còn hai động kia phải đến đầu nhà Đường mới xong, chủ yếu là tạo tượng. Động này tạc Phật Thích Ca cùng đệ tử và hai vị Bồ tát với dáng gầy thanh, thể hiện nghệ thuật thạch khắc của Bắc Ngụy. Hai bờ tường là một vị Phật và hai Bồ tát. Trên nóc động khắc Liên hoa bảo cái và 10 thứ kỹ nhạc cúng dường của chư Thiên bay trong gió. Hai bên vách trong động khắc ‘Duy Ma biến’, ‘Phật bổn sinh cố sự’ và ‘Thập Thần vương tượng’, còn ‘Hoàng đế lễ Phật đồ’ và ‘Hoàng hậu lễ Phật đồ’ đáng tiếc bị ngoại quốc đánh cắp.

3. LIÊN HOA ĐỘNG 蓮花洞: ở phía Tây nam Tây sơn. Khai tạc vào cuối thời kỳ Bắc Nguỵ. Vào đời Minh, có khắc hai chữ ‘Y khuyết’ (Cổng của sông Y) bên ngoài động, nên động này còn gọi là Y KHUYẾT ĐỘNG, Vì trên đỉnh động có phù điêu hoa sen lớn nên gọi là Liên Hoa Động. Chung quanh có các vị tiên nhơn. Bên trong có tượng Phật Thích Ca đứng cao 5,1m, mặt và hai tay đều bị hư hoại. Bên phải là tượng Tôn giả Ca diếp tay cầm tích trượng. Trong động có khá nhiều Phật khám.

4. DƯỢC PHƯƠNG ĐỘNG: ở Bắc bộ Tây sơn, khai sáng vào cuối đời Bắc Ngụy, hoàn thành vào đời Võ Tắc Thiên, trải hơn 200 năm. Trong động có tượng Phật, Bồ tát và đệ tử, bên ngoài có lực sĩ và liên trụ hình bát giác, đều là tác phẩm của thời Bắc Tề, hai bên cửa động khắc hơn 140 dược phương (toa thuốc) trị các bệnh ung tật, bao tử, đau tim, ôn dịch....tác phẩm của đời Ðường. Đây là tư liệu quan trọng nghiên cứu về bệnh lý.

5. TIỀM KHÊ TỰ 潜溪寺: ở phía bắc Tây sơn, động này rất lớn, có độ sâu 7m, khai sáng vào đầu đời nhà Ðường, cách đây 1300 năm trước. Do dưới chùa có suối chảy nên gọi là TIỀM THỦY TỰ. Trong động khắc Phật A Di Ðà đoan tọa trên tòa Tu di, nghi dung Ngài từ bi, hai đệ tử là hai vị Bồ tát với đôi mắt nhìn xuống như đang sẵn sàng cứu độ mọi loài, hai Thiên vương mặc giáp, trụ dẫm lên loài quỷ.

6. VẠN PHẬT ĐỘNG 萬佛洞: ở phía Nam Tây sơn, hoàn thành vào đời Ðường, năm đầu niên hiệu Vĩnh Long (680). Trong động khắc đến 15 ngàn tôn tượng, nên gọi là động Vạn Phật. Vách chính khắc Phật A Di Ðà đoan tọa trên tòa sen, phía sau khắc 52 đóa sen, mỗi đóa có một vị Bồ tát hoặc người cúng dường, hai bên nam bắc dưới Phật tượng khắc các người kỹ nhạc tư thế đang múa, y phục phất phơ, những người tấu nhạc tay cầm nhạc khí thần thái rất sinh động. Trên tường cửa động là tượng Quan Âm, tay phải cầm phất trần tựa nhẹ trên vai, tay trái cầm tịnh bình thể thái phiêu diêu, đáng tiếc diện Ngài không còn nguyên vẹn.

7. PHỤNG TIÊN TỰ 奉先寺: nằm ở góc Nam Tây sơn, là Ðộng lộ thiên có quy mô lớn nhất ở Long môn, nghệ thuật rất tinh xảo. Do phụ thuộc vào Phụng Tiên Tự, đương thời là tự viện của hoàng gia, nên mọi người gọi là Phụng Tiên Tự. Động này được khai sáng vào năm đầu đời Ðường Cao tông, hoàn thành năm Thượng nguyên thứ hai (675). Phật khám rộng đến 36m, dài 41m, gồm 9 pho tượng lớn được điêu khắc độc đáo, có thể nói thanh thoát và đẹp nhất tại đây. Tác phẩm chính ở đây là tượng Đại Phật Lô-xá-na (báo thân của Phật Thích Ca Mâu Ni), cao 17m14, hai bên là Ca Diếp và A Nan cùng các tượng Bồ tát, Thiên vương và Lực sĩ.

Thời Chiến Quốc, tướng Bạch Khởi của Tần đã từng đánh bại liên minh của Hàn và Ngụy tại đây. Khu vực này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 11/2000.

Khí trời hơi lạnh, đi bộ dọc dòng sông, có khi lên núi xuống động nên tham quan đến Phụng Tiên Tự thì ai nấy đều đã thấm mỏi. Mỗi người tìm cho mình một vị trí để ngồi rồi kiếm cà phê, trà sữa gì đó uống vào cho ấm và đỡ mệt. Tham quan vài tiếng đồng hồ chúng ta đã thấm mệt. Nhớ lại người xưa dãi nắng dầm mưa ngày này qua tháng nọ đục đá, khắc tượng, tạo khám, làm hang động trải qua nhiều thế hệ mới hoàn thành tác phẩm như ngày hôm nay, mới thấy sự kiên trì bền bĩ, chịu đựng khó nhọc của các Ngài thật khâm phục.

Ngồi bên này, nơi dãy Long Môn sơn ở phía tây nhìn sang bên kia dòng sông, xen lẫn giữa các hang động được chạm khắc rải rác dọc theo vách núi Hương Sơn 香山Xiangshan về phía đông, chúng ta còn thấy có ngôi Chùa Hương Sơn cổ kính, trầm hùng, vẫn còn đó tháng ngày lặng lẽ soi bóng bên dòng sông Y như gợi cho chúng ta nhớ về một vị Tổ đã ra đời nơi vùng đất này.

NHỊ TỔ HUỆ KHẢ với HƯƠNG SƠN

...Thuở bé, Thần Quang học hết sách đời, rất thông Lão Trang. Năm 30 tuổi, Sư tự cảm than: “Lão, Dịch là sách thế gian chẳng tột được đại lý”. Sư bắt đầu xem kinh Phật. Sư viễn du tìm thầy học đạo, đến Lạc Dương, lên núi Hương Sơn chùa Long Môn gặp thiền sư Bảo Tịnh bèn xin xuất gia. Sau đó, Sư đến chùa Vĩnh Mục thọ giới ở tại Phù Du Giảng Tứ. Sư chuyên học kinh luận, chưa bao lâu thảy được tinh thông. Năm 33 tuổi, Thần Quang trở về Hương Sơn, trọn ngày ngồi yên, trải qua 8 năm. Trong lúc tĩnh tọa, chợt thấy một vị thần nhân bảo rằng:

- Nếu muốn thành tựu đạo quả, ông nên về phương nam.
Hôm sau Sư nhức đầu như bị mũi nhọn đâm vào. Tính chữa trị, chợt nghe trên không trung có tiếng: “Đây là hoán cốt vậy.” Đến gặp Hoà thượng Bảo Tịnh thưa lại mọi chuyện, Bảo Tịnh nhìn thấy xương trên đỉnh đầu Ngài nhô lên như năm đỉnh núi.

Ban đầu Mẹ ngài nằm mộng thấy ánh sáng lạ chiếu khắp nhà, nhân đó biết mang thai.

Khi thai trưởng thành, thấy có ánh sáng lành soi khắp nhà nên đặt tên là QUANG.

Nay do có sự thần kỳ nên gọi là THẦN QUANG.

Hoà thượng Bảo Tịnh nói với Thần Quang rằng:

- Ông có tướng điềm lành, thần bảo ông về phương nam, nơi chùa Thiếu Lâm kia có đại sĩ Đạt Ma, ắt là thầy của ông.

Thần Quang bèn đến Thiếu Thất, yết kiến Tổ sư Đạt Ma và đắc pháp, kế thế Tổ vị thứ 2 Trung Hoa.

Phía sau Chùa Hương Sơn, còn có nền vườn của ông Bạch Cư Dị.

Rời Long Môn Thạch Quật, chào tạm biệt thành phố Lạc Dương, chia tay xứ sở hoa mẫu đơn giữa hai bên đường phố thênh thang thoáng mát, giả từ cố đô của 13 triều đại cổ xưa Trung Quốc, để lại điểm xuất phát phía đông của con đường tơ lụa với nhiều ấn tượng dâng trào, đoàn lên đường đi thăm Bạch Mã Tự.


Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1025081
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1126
3233
9963
992115
28179
92670
1025081