Thứ Năm 28/3/2024 -- 19/2/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Chiêm bái di tích tổ sư thiền Trung Hoa - Phần 13

Phần 13 - HOA SƠN

Ngày 17/10/2012, đoàn đi tham quan Hoa Sơn, một ngọn núi thuộc đoạn đông dãy Tần Lĩnh 秦嶺, phía nam tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An khoảng 100 km về phía đông. Phía đông gần huyện Đồng Quan, phía Tây nhìn về Trường An, phía nam dựa vào Tần Lĩnh, phía Bắc sát gần Hoàng Vị黃渭. Ngọn núi bao bọc bởi toàn đá hoa cương, từ xa nhìn về, hình núi dựng đứng như một bông hoa, vì vậy gọi là Hoa Sơn.

Song song với Tứ đại danh sơn, Trung Quốc còn có năm rặng núi thiêng khác được gọi là Ngũ Nhạc. Dáng vẻ của năm ngọn núi nổi tiếng này cũng thật phong phú, mỗi ngọn một vẻ, không giống nhau hay trùng lặp chút nào.

- Thái sơn như tọa (ngồi), ở phía đông thuộc tỉnh Sơn Đông,
- Hoa sơn như lập (đứng), ở phía tây thuộc tỉnh Sơn Tây,
- Hành sơn như phi (bay), ở phía nam thuộc tỉnh Hồ Nam,
- Hằng sơn như hành ( đi), ở phía bắc thuộc tỉnh Sơn Tây
- Tung sơn như ngọa (nằm), ở trung tâm thuộc tỉnh Hà Nam.

Hoa Sơn có năm đỉnh núi chính, giữa (Ngọc Nữ), đông (triều dương), tây (liên hoa), nam (lạc nhạn), bắc (ngũ vân). Đứng xa nhìn tợ như hoa sen. Trong đó, đỉnh cao nhất Nam Phong (ở phía nam) có tên Lạc Nhạn ("落雁") cao 2.154,9 m. Đỉnh này còn có tên gọi là Thái Hoa Sơn hoặc Tây Nhạc.

Hoa Sơn không những hùng vĩ hiểm yếu mà thế núi cao chót vót, vách đứng ngàn nhẫn. Từ xưa đến nay nổi danh là Hoa Sơn đệ nhất hiểm nguy. Đây là rặng núi được nhắc nhiều trong các bộ kiếm hiệp của Kim Dung bởi ba lần luận kiếm. Nhắc đến Hoa Sơn, người ta còn biết đến như là nơi các vị Tiên nhơn ngày xưa đã từng một thời tu luyện tại đây.

Sau hơn một giờ đồng hồ xếp hàng luầng guầng loanh quanh chóng mặt, cáp treo đã đưa đoàn lên đến tận miền Tiên cảnh bồng lai. Quá cao so với trần gian nên dù trời nắng, nhưng thời tiết có gió lạnh hơn nhiều. Một vùng trời mênh mông giữa núi núi chập chùng toàn bằng những tảng đá khổng lồ dựng đứng. Không thấy có đất, chỉ hớp lấy không khí mà sống, nhưng những khóm cây đủ các sắc màu cũng tốt tươi mơn mởn, vừa đủ để điểm tô, làm nổi bậc giữa các tảng đá hoa cương màu vàng nhạt trông thật sống động. Tản mác đi bộ quanh các đỉnh núi một hồi thì trời đã ngã bóng về chiều, cả đoàn phải hạ sơn để nhường lại chỗ cho các Tiên nhơn còn quét dọn và lo tu luyện. Những toa cáp treo đưa đoàn trở về hạ giới. Ngồi trên toa cáp đang chạy, nhìn ra xa xa thì thấy cả một vùng trời núi đá điểm hoa trông rất thích mắt. Đẹp thì có đẹp thật, nhưng nhìn xuống dưới thì những vách toàn là đá với đá cheo leo quá cao, trông về hạ giới thật quá ghê rợn. Qua được một tầng, đoàn la lên "xuống được một hạ giới rồi". Nhưng cứ mỗi lần như thế, toa cáp treo như nhún nhún mấy nhịp để lấy thăng bằng tưởng như quai cáp sắp gãy. Lỡ có điều gì đó, không biết có vị Tiên nhơn nào phát tâm bay ra nâng đỡ hay không. Ghê rợn quá! Cô Đoan Trang trưởng đoàn thông báo: "Nếu có rớt thì mình đi thẳng xuống địa phủ luôn, khỏi ghé qua hạ giới nghe." Ai nấy đều cười mà miệng thì hơi méo lại, không cười được hết ga như bình thường, mồ hôi thì rươm rướm mà người thì nghe lạnh cả lên không ấm được chút nào. Có người thì la lớn lên, có người ráng gồng mình chịu đựng, cứ nói chuyện bâng quơ cho qua cơn khủng khiếp. Chiếc toa xe cáp dừng hẳn lại tại hạ giới, mọi người mới thở phào nhẹ nhỏm khi thấy mình còn nguyên vẹn hình hài của thân xác cũ ngày xưa, chưa vội vàng đi thăm địa phủ.

Lên Tiên cảnh về, chúng tôi kể lại vài mẫu chuyện Tiên giới đang phát tâm tu thiền để quý pháp hữu cùng tham khảo.

LỮ ĐỘNG TÂN học đạo nơi Thiền sư HOÀNG LONG HỐI CƠ

Chân nhân Lữ Động Tân người quê ở Mãn Cố, Hà Dương. Khoảng đời Đường, niên hiệu Thiên Bảo, nhiều phen đi thi Tiến sĩ mà không đậu, vì thế đi dạo chơi núi HOA SƠN gặp Chung Ly Quyền (Hớn Chung Ly), là một vị lang tướng thời Tấn lánh loạn vào núi để học pháp dưỡng mạng và đem độ Lữ Động Tân, trao cho thuật luyện kim đan và kiếm phép Thiên Tiên và được dạo chơi tự tại.

Ông đến gặp Hòa Thượng Long Nha hỏi về đại ý Phật pháp. Ngài Long Nha nói kệ: (Thiền sư Cư Đôn, ở núi Long Nha, Hồ Nam. Ban đầu đi tham học với ngài Thúy Vi, Lâm Tế. Sau nối pháp ngài Lương Giới Động Sơn).

Cớ chi sớm tối mãi lo sầu,              
Chẳng học lúc thơ thẹn bạc đầu.    
Ly Long nào tiếc minh châu ấy,       
Chỉ tại trời người chẳng biết cầu.  

Nhơn đi qua núi Hoàng Long ở Ngạc Châu thấy có khí tía vờn quanh nên nghi có dị nhơn ở, liền đi vào thì gặp Thiền sư Cơ đang thượng đường. (Thiền sư Hối Cơ ở núi Hoàng Long, Ngạc Châu. Sư họ Trương, quê ở Thanh Hà). Sư biết có người lạ ẩn núp dưới tòa nên lớn tiếng bảo:

- Trong chúng có kẻ trộm pháp.

Động Tân bước ra hiên ngang hỏi:

- Trong một hạt lúa chứa thế giới, trong nồi nửa thăng nấu núi sông, hãy nói ý chỉ này thế nào?

Sư nói:

- Quỷ giữ thây chết.

Động Tân thưa:

- Thế sao trong túi có thuốc trường sanh bất tử thì sao?

Sư bảo:

- Dù cho trải qua tám muôn kiếp cuối cùng cũng rơi vào không vong.

Động Tân bất bình nổi giận bỏ đi. Đến tối ông phóng kiếm đến hại Sư. Sư đã biết trước nên lấy Pháp y trùm đầu và ngồi trong Phương trượng. Kiếm đến xoay quanh mấy vòng. Sư lấy tay chỉ thì kiếm liền rơi xuống đất. Động Tân tạ tội. Sư nhơn đó gạn hỏi:

- Trong nồi nửa thăng thì chẳng hỏi, thế nào là trong một hạt lúa chứa thế giới?

Động Tân ngay lời đó liền có tỉnh, bèn thuật kệ:

Bẻ nát bầu tiên đập quách đàn,      
Giờ đây bỏ mặt thuốc kim đan.       
Từ khi chợt gặp Hoàng Long ấy,    
Mới rõ bấy lâu dụng tâm lầm.         

THIỀN SƯ TÔNG BỔN VÀ LỮ ĐỘNG TÂN

Phật Tổ Thống Ký 45, 416, Thượng, có chép, Thiền sư Tông Bổn ở chùa Tịnh Từ, Hàng Châu. Trong mùa Hạ, Sư nhập định xong vừa khởi dậy, có vị Đạo nhơn áo cỏ đến trên Thiền đường. Sư nhìn vị đó, nói:

- Lời Hoàng Long trước kia sao không thuật lại?

Đạo nhân kia cười, nói:

- Tiền Đại đâu cần nhiều lời!

Bèn cỡi gió đi nhanh. Đạo nhân áo cỏ là Lữ Động Tân. Tiền Đại là tiền thân của Thiền sư Tông Bổn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

363981
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
472
3888
15350
335955
62989
88584
363981