Thứ Năm 25/4/2024 -- 17/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Chiêm bái di tích tổ sư thiền Trung Hoa - Phần 15

Phần 15 - THÁP ĐẠI NHẠN

Rời chùa Thảo Đường, đoàn lên đường đi thăm Tháp Đại Nhạn cũng thuộc Thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây.

Nguyên trước kia ở Ấn Độ có Nhạn Tháp, còn gọi là Hằng Sa Tháp. Tháp này nằm phía trước ngôi già lam, tại ngọn núi phía Đông, gần hang núi Đế Thích thuộc nước Ma Kiệt Đà của đất nước Ấn Độ thời xưa. Tăng chúng trong ngôi Già lam này theo tinh thần Nguyên Thủy ăn tam tịnh nhục. Có một vị Bồ tát hóa thân làm vị tăng lãnh đạo Tăng chúng và cai quản ngôi Già lam này. Một hôm, vị này thình lình hóa thân thành con chim nhạn từ trên hư không rơi xuống và chết trước mặt một vị tăng. Tăng chúng ai nấy đều hoảng hốt bèn kiến lập linh tháp để an táng, nên gọi là Nhạn Tháp.

Ngoài ra, Nhạn Tháp còn có một thuyết nữa. Theo sách Thiên Trúc Ký đã viết: “Đạt Khấu thân quốc, có Già Diệp Phật Già Lan, đục núi đá dựng tháp năm tầng, tầng cuối cùng làm theo hình con chim nhạn nên gọi là Nhạn tháp.”

Năm 629, Ngài Huyền Trang rời Trung Quốc sang Ấn Độ thỉnh Kinh. Vào năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), Ngài về đến Trường An, Trung Quốc. Sư mang về nhiều tượng Phật, 150 xá lợi và 657 bộ kinh bằng tiếng Phạn. Kinh Phật, xá lợi, Phật tượng Ngài thỉnh từ Thiên Trúc về ban đầu được an trí nơi Chùa Hoằng Phúc tại Trường An (nay là Thành phố Tây An), Thiểm Tây.

Đến tháng 10 năm Trinh Quán 22 (648), ngài Huyền Trang đã lập xong một khu dịch thuật rất lớn để dịch Kinh Phật từ tiếng Phạn sang chữ Hán. Ngài đã xây dựng một ngôi tháp trong Chùa Đại Từ Ân, thuộc khu vực đền Từ Ân, ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, dùng để cất giữ Kinh Phật. Mô hình phỏng theo Nhạn Tháp ở Ấn Độ, và gọi tên là Đại Nhạn Tháp, cũng gọi là Từ Ân Tự Tháp.

Đền Từ Ân được Hoàng Thái tử Lý Trị (sau này là Đường Cao Tông) xây để tưởng niệm, báo hiếu mẫu hậu. Khuôn viên của đền rộng khoảng 30.000m2. Ở trung tâm đền có một ngôi chùa lớn tên Đại Từ Ân. Đây là một ngôi chùa Hoàng gia. Thời đó cực kỳ tráng lệ và rộng lớn, thường dân không được vào.

Ban đầu, tháp Đại Nhạn được xây dựng 5 tầng, cao 54m, mỗi tầng đều có thờ xá lợi. Tuy nhiên, tháp được xây bằng đất nhồi với bề mặt bằng đá và sau 5 thập kỷ thì bị sụp đổ.

Vào năm 704, Võ Tắc Thiên đã cho xây lại theo kiểu dáng kiến trúc Trung Quốc, và thêm 5 tầng mới. Như vậy lúc này tháp có đến 10 tầng, mỗi tầng có 4 cửa.

Năm đầu niên hiệu Thiên Hựu (904), tháp bị binh hỏa của Chu Ôn làm hủy hoại, nay chỉ còn 7 tầng.

Năm 1556, trong trận động đất ở Thiểm Tây, Tháp Đại Nhạn bị hư hại nặng nề.

Vào thời nhà Minh (1368–1644), Tháp Đại Nhạn được đại tu.

Năm 1964, Tháp được phụ chế.

Tuy trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng hình thức vẫn không thay đổi cho đến ngày hôm nay.

Hiện tại tháp bằng gạch nung lắp ghép lại, gồm 7 tầng, cao 64 mét tính từ đỉnh. Cả đoàn đã đi một mạch lên đến tầng cuối cùng. Qua khung cửa từ bốn phía, chúng ta có thể nhìn bao quát thành phố Tây An, thấy dãy CHUNG NAM SƠN uốn lượn quanh co, nơi viên lăng của hoàng tộc các đời Hán và Đường yên nghỉ. Và cả dãy Bắc sơn cũng thấp thoáng ẩn hiện từ xa.

Đây là trường dịch Kinh, nơi Ngài Huyền Trang cùng các cao tăng làm việc, và là chùa của Triều đình nên chúng ta thấy bề thế, rộng lớn. Còn nơi Ngài Huyền Trang yên nghỉ lúc mãn phần là tại Chùa Hưng Giáo cách Tháp này không xa. Bảo tháp Ngài nhỏ nhắn, khiêm tốn và đơn sơ, bình dị.

Ngoài ra, nơi Chùa Đại Tiến Phước, ngoài cửa Vĩnh Ninh ở Tây An, có xây dựng một ngôi tháp bằng  gạch nung, gọi là Tháp Tiểu Nhạn. Tháp này được xây vào thế kỷ 8. Trong trận địa chấn năm 1556 chỉ bị hư hại nhỏ, vẫn chưa được sửa chữa lại.

Đoàn đến Nhạn Tháp lúc trời se se lạnh và lất phất mưa. Tượng ngài Huyền Trang đứng trên một quảng trường tương đối rộng, dáng người hơi chồm về trước một chút như công hạnh không quản gian nguy, quên thân vì đạo, hoằng dương Chánh pháp của Ngài vẫn còn đang tiếp tục một cách mạnh mẽ chưa hề chùn bước. Ngài vẫn đứng đó giữa đất trời lồng lộng thênh thang không có gì che đậy được. Ngài vẫn đang tiến tới mạnh mẽ dù phía trước có thuận lợi hay gian nguy, nào có tâm toan tính trước. Một lòng vì đạo, vui nơi chánh pháp, công hạnh ấy vẫn còn hiện rõ trên nét mặt bình dị tươi sáng của Ngài. Đảnh lễ Ngài, đảnh lễ công hạnh một vị Tam Tạng Pháp sư vô tiền khoáng hậu vẫn còn hiện hữu quanh ta.


Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

437800
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
940
4066
10684
401307
63335
73473
437800