Thứ Sáu 20/9/2024 -- 18/8/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Ký sự Nhật Bản P5: Chùa Tùng Âm

TÙNG ÂM TỰ - Shoinji

Chiều ngày 29.3.2014 (nhằm ngày 29.2. Giáp Ngọ, đoàn đi tham bái Chùa Tùng Âm, cách chùa Long Trạch không xa lắm.

Chùa Tùng Âm thuộc dòng thiền Lâm Tế, do người chú của Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc xây dựng và gia đình cha mẹ Ngài từng là đại thí chủ của chùa trong nhiều năm qua.

Tên chùa đầy đủ là Hạc Lâm Sơn Tùng Âm Tự (Kakurin-zan Shōin-ji). Nghĩa là chùa dưới bóng cây tùng, trên núi trong rừng Hạc Lâm. Xưa kia đức Phật nhập Niết-bàn giữa hai cây Sa-la, cánh rừng đồng thời trổ hoa một màu trắng như đàn chim hạc. Do đó, khu rừng Sa-la ở Câu-thi-na được gọi là Hạc Lâm. Trải một thời gian tham tầm, hành đạo, ở ẩn, sau đó vào đầu năm 1717, Ngài Huệ Hạc trở lại chùa Tùng Âm Trụ trì. Không lâu sau, Ngài Huệ Hạc bắt đầu dùng Pháp hiệu Bạch Ẩn (Hakuin). “Haku” là trắng, “in” là ẩn, “Hakuin” là người ẩn trong hạc trắng, tức là trong Niết-bàn. Điều này ngụ ý từ nay về sau Sư không rời xa chùa Tùng Âm trong khoảng năm 40 đến 55 tuổi.

Tùng Âm tự rất nổi tiếng không phải do cảnh trí hay Chùa to mà vì chính nơi đây Thiền Sư Bạch Ẩn Huệ Hạc đã xuất gia tu học và sau đó về làm Trụ Trì trong suốt thời gian dài. Sư là người đã phục hưng, cải cách lại thiền phái Lâm Tế Nhật Bản vốn đã bắt đầu tàn lụi từ thế kỷ 14. Vì nhận thấy nhiều người đã ham thích suy tư về công án mà quên hẳn việc tu tập thiền định nên Sư đã tổng kết lại các công án và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tọa thiền. Công án "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?" của Sư là công án nổi tiếng nhất của một Thiền sư Nhật. Cuộc đời Ngài có nhiều biểu hiện cho thấy Ngài là hậu thân của Thiền sư Nham Đầu Toàn Khoát, một vị Thiền sư rất nổi tiếng ở Trung Hoa.

Xưa kia chùa Tùng Âm có một đại lộ, các lãnh chúa thường cùng đoàn tùy tùng đi chầu tướng quân ở Edo (Tokyo). Thời đó không những lãnh chúa và quan chức mà còn có rất nhiều lái buôn, hành khất, trang chủ và tăng lữ qua lại không ngớt trước cổng chùa Tùng Âm. Khoảng năm 1750, có lần kiệu của lãnh chúa Ikeda dừng nghỉ tại nhà khách chính phủ ở Hara trên đường từ thủ đô về. Trước đó, vị phạn đầu chùa Tùng Âm làm bể một cái bình. Trước khi rời Hara, lãnh chúa hỏi Sư trong chùa có thiếu thốn gì để ông dâng cúng. Sư trả lời chùa không thiếu món gì cả, ngoài chiếc bình mới bể sáng nay. Cảm động vì một vị trụ trì mà xin ít ỏi như thế nên khi về đến Bizen, lãnh chúa đã đặt mua hàng lố bình và cho ngựa chở tốc hành đến Tùng Âm. Đồ sứ tỉnh Bizen mờ đục và nâu đậm cho đến ngày nay vẫn còn nổi danh. Để tỏ lòng hoan hỷ, Sư cho treo một chiếc bình lên cành cây tùng trong vườn gần chùa. Bảng chùa ngày xưa mờ nhạt, không tỏ lắm, nhưng khi đi ngang qua đây, thấy cái bình nằm trên đọt cây tùng thì mọi người ai cũng nhận ra đó là chùa Tùng Âm của Ngài Bạch Ẩn. Khi chúng tôi đến đây thì thấy cây tùng đã bị ngã, quý Thầy đã đưa vào nhà, đường kính thân cây gần 2m. Cái bình (hay nói đúng hơn là cái chậu) ngày xưa được quý Thầy treo trên đọt của một cây tùng khác gần Chánh điện.

Chùa Tùng Âm không nằm trên đồi núi. Các ngôi nhà ở đây đơn sơ hơn cả chùa Long Trạch rất nhiều. Đoàn được quý Thầy niềm nỡ đón tiếp rất thân mật. Mời vào thăm pho tượng rất độc đáo của Thiền sư Bạch Ẩn, ánh mắt xuất thần như hai tia sáng đang chiếu rọi. Đoàn còn được quý Thầy mời dùng trà, đi tham quan chung quanh ngôi tự viện. Phía sau Chùa có khu mộ tháp khá rộng lớn. Khu tháp Thiền sư Bạch Ẩn có ba ngôi nằm liền kề nhau. Chính giữa là tháp của một vị Hòa thượng, là cậu Ngài Bạch Ẩn. Bên phải là tháp của Thiền sư Bạch Ẩn. Bên trái là tháp của Ngài Toại Ông Nguyên Lưu, một vị đệ tử của Thiền sư Bạch Ẩn được Ngài giao phó kế thế trụ trì chùa Tùng Âm.

Nghe nói các tác phẩm hội họa của Thiền sư Bạch Ẩn đã được quý Thầy tặng biếu hết rồi. Nhưng trong chùa vẫn còn một phòng trưng bày kỷ vật có giá trị nghệ thuật rất quý của Ngài. Hàng năm, đến ngày 29 tháng 3 âm lịch mới mở cửa cho mọi người xem. Đoàn chúng tôi đến đúng vào ngày 29 tháng 3, nhưng là dương lịch. Còn ngày âm lịch chỉ mới 29 tháng 2 năm Giáp Ngọ thôi. Như vậy là phải chờ thêm một tháng nữa thì ngôi tháp báu vật này mới được mở cửa. Không đợi chờ được, đành phải ra về!

Là một đại Thiền sư có công trung hưng Thiền Lâm Tế Nhật Bản. Không những thế, Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc còn là một thiên tài hội họa rất nổi tiếng. Nhưng chúng tôi tâm đắc nhất vẫn là bài thơ Ngài thường viết vào các bức tranh của chính Ngài:

Bị ngàn Phật ghét bỏ trong cõi giới ngàn Phật,
Bị ma quỷ tẩy chay trong bọn quỷ ma.
Gã đầu trọc này, đui mù và gớm ghiếc,
Một lần nữa lại hiện lên giấy trắng.
Trời ơi là trời!

Phải vỗ vào đùi và nói thì mới thỏa thích: “Tâm đắc quá. Trời ơi là trời!”

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

960627
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3131
2683
17771
925575
56395
94336
960627