Thứ Năm 28/3/2024 -- 19/2/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Ký sự Nhật Bản P10: Chùa Thiên Long

CHÙA THIÊN LONG - Tenryuji

Sáng ngày 01/4/2014 đoàn khởi hành đi Chùa Thiên Long và ăn trưa tại đây.

Chùa Thiên Long nói đủ là Linh Qui Sơn, Thiên Long Tư Thánh Thiền Tự, do Thiền sư Mộng Song Sơ Thạch, còn gọi là Mộng Sâm Chánh Giác Quốc Sư khai sơn Trụ trì.

Sư sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc tại Y Thế, mất mẹ năm bốn tuổi. Vừa lên tám, Sư đã xuất gia và chuyên tu tập theo Mật giáo. Trong khoảng thời gian 10 năm, Sư thu thập tất cả những ấn tượng huyền bí của Mật giáo. Thọ đại giới được một năm (1292), sau sự qua đời bi thảm của một vị thầy, Sư tự thấy rằng vấn đề chính của cuộc sống là sinh tử luân hồi không thể giải quyết được bằng tri thức uyên bác, kiến thức của một học giả. Từ đó Sư chuyển sang tu tập theo phương pháp Thiền tông.

Trong thời gian 100 ngày sau khi thầy mình lâm chung, Sư tụng kinh cầu nguyện cho thầy. Nhân đây, Sư có một giấc mộng rất quan trọng. Trong mộng, Sư gặp hai vị đại Thiền sư Đời Đường ở Trung Hoa. Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên và Sơ Sơn Quang Nhân (một môn đệ của Động Sơn Lương Giới). Thạch Đầu xuất hiện dưới dạng một vị tăng của Chân Ngôn Tông. Sơ Sơn dưới dạng Bồ-đề-đạt-ma. Sau giấc mộng này, Sư ghép từ hai chữ đầu của Sơ Sơn và Thạch Đầu rồi tự đặt tên cho mình là Sơ Thạch (so-seki). Còn tên Mộng Song có nghĩa là 'Cửa sổ của giấc mộng' đã được mở rộng, hướng dẫn Sư trên con đường Thiền.

Sau đó, Sư yết kiến nhiều vị Thiền sư danh tiếng đương thời. Một trong những vị này là Thiền sư Nhất Sơn Nhất Ninh (issan ichinei), một vị Thiền sư Trung Hoa danh tiếng. Nhưng Sư không có duyên với những phương pháp tu tập của những vị này. Nghe danh của Thiền sư Cao Phong Hiển Nhật (kōhō kennichi), Sư liền đến tham học.

Vào tuổi ba mươi mốt, mặc dù Mộng Song đã tu tập chính thức trong các thiền viện lớn, nhưng Sư sống độc cư trong thất ở thành phố Usuba, tỉnh Hitachi (bây giờ là hạt Ibaraki). Một buổi chiều vào cuối tháng 5, Sư tọa thiền ngoài cửa cho đến nửa đêm mới vào nhà nghỉ. Trong bóng tối, Sư vói tới để dựa vào bức tường, nhưng không trúng chỗ nên vấp ngã trên sàn nhà. Ngay lúc chợt té, Sư liền chứng ngộ và được Thiền sư Cao Phong ấn khả. Tuy học nơi Cao Phong không lâu, nhưng Sư vẫn được xem là môn đệ vì sau này Cao Phong chính là người ấn khả cho Sư.

Sau đó, Sư vẫn chu du khắp nơi và chú tâm đến việc toạ thiền. Sau khi Thiên Hoàng băng hà, ông Túc Lợi Tôn Thị thỉnh sư về Kyoto khai sơn trụ trì chùa Thiên Long. Một ngôi chùa được xây trên điện Qui Sơn để cầu phước cho Thiên Hoàng Thể Hồ.

Sư cũng là một trong những tác giả đứng hàng đầu của phong trào Ngũ sơn văn học. Một phong trào rất quan trọng trong việc truyền bá văn hoá, khoa học và nghệ thuật của Trung Hoa sang Nhật. Tên của Sư gắn liền với nhiều việc khai sơn, sáng lập thiền viện và đích thân Sư cũng trụ trì nhiều thiền viện danh tiếng. Trong đó có Nam Thiền tự, một ngôi chùa với những kiến trúc, vườn cảnh nổi danh trên thế giới. Dưới sự chỉ đạo của Sư, một vị Tướng quân tên Túc Lợi Tôn Thị (ashikaga takauji) truyền lệnh lập 66 ngôi chùa ở 66 nơi khác nhau và cùng lấy tên An Quốc tự (ankoku-ji). Từ đây, Thiền tông được truyền bá khắp nước Nhật.

Sư sống đến 77 năm dưới thời Nam Bắc triều của Nhật Bản. Suốt thời gian đó, trang sử của Nhật Bản không có một cuộc nổi loạn lớn nào xảy ra.

Sư sinh năm 1274 và mất năm 1351. Sanh tiền, Sư được Thiên Hoàng hỏi Pháp. Cả ba vua: Hậu Thể Hồ của Nam Triều, Quang Nghiêm của Bắc Triều và Quang Minh cũng đều đến hỏi Đạo. Khi viên tịch, Sư được truy phong là Quốc Sư bảy triều của các Thiên Hoàng: Quang Nghiêm, Viên Dung, Hoa Viên, Thổ Ngự Môn và ba vị Thiên Hoàng trước cung kính theo lễ Thầy Trò.

Thiên Long Thiền tự là ngôi chùa được xếp vào hệ thống Ngũ Sơn Thập Sát (chữ “sát” là chỉ cho ngôi thiền tự). Năm 1994, khu vực Thiền tự này được xếp vào di sản văn hóa thế giới.

Toàn khu vực này như tiên cảnh tại trần gian. Quanh ngọn núi là con sông lớn uốn lượn. Bên kia sông là dãy núi lớn bao bọc, điểm xuyết những cội đại thọ anh đào nở rộ rực cả một vùng trời. Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi khá rộng. Nhà cửa, sân vườn, hồ nước, dã sơn, lối đi lại... tất cả đều được chăm chút tỉ mỉ rất nghệ thuật và đẹp lạ thường.

Đứng nơi này đang là đất bằng nhà cửa, qua ngõ kia là núi đồi hoa cỏ mượt mà. Chỗ này là điện đường hoành tráng, rẻ sang bên kia là hồ nước rợp hoa anh đào, và khuất ở ngọn đồi đằng kia là dòng suối len lỏi qua từng khe đá, hoa lá sum suê... Cứ qua một khúc quanh là một chuyển cảnh, khiến cho người đi có cảm giác trải nghiệm hết bất ngờ này sang bất ngờ khác thật phong phú, đa dạng. Ở đây có nhiều vườn cảnh, nhiều loại hoa anh đào trắng, hồng, lớn, nhỏ. Đặc biệt chùa Thiên Long có Thiền đường rất nổi tiếng. Đi ngoài ngoại viện đã đẹp, vào trong nội viện thấy càng rực rỡ hơn. Tuy giữa trưa khá nắng, nhưng ai nấy đều đi mãi, say sưa như lạc vào tiên cảnh không hề thấy mệt mỏi hay nóng bức.

Có lần Ngài Mộng Song Sơ Thạch đến thăm Chùa Diệu Tâm của Ngài Quan Sơn Huệ Huyền. Thấy ngôi chùa rất đơn giản, nghèo thiếu, nhưng tu hành nghiêm minh, Ngài Mộng Song Sơ Thạch đã nói, chính nơi này con cháu ngày sau sẽ rất thạnh, còn con cháu của ta ngày sau không còn. Đúng như lời Sư nói, hiện nay chỉ còn con cháu của Diệu Tâm Tự. Sư đã thấy trước, chùa lớn, tiện nghi, cảnh trí đẹp, được vua chúa tôn vinh... chưa hẳn là những điều kiện tốt để làm nên một con người giác ngộ, Phật pháp xương minh. Nếu không gan dạ chịu khó, quyết chí công phu, một lần nếm được thượng vị niết bàn, có lẽ không dễ có người chấp nhận xa lìa những hào nhoáng bên ngoài, những thứ êm dịu làm vừa lòng bản ngã. Như thế Phật pháp sẽ đi về đâu? Gương xưa đã rõ. Nếu người dốc tâm với đạo, cũng cần có lúc xem lại mình thôi!

 

 

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

365367
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1858
3888
16736
335955
64375
88584
365367