Thứ Sáu 6/12/2024 -- 6/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Gia Bảo Vô Giá cho Phật Giáo Việt Nam và Thiền Phái Trúc Lâm

Bài viết tham dự Hội Thảo : "Tổ Sư Thiện Hoa và Sự Cải Cách Phật Giáo Việt Nam" do Học Viện PGVN tại TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam và Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam tổ chức 

Tác giả: TT.Thích Tâm Hạnh

 

Tóm tắt:

Một đời của Hòa thượng Tổ sư Thiện Hoa là một đời vì đạo, sống đạo, lo cho đạo pháp. Ngài là một trong những vị tiên phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam. Từ đạo phong và trí tuệ của bậc Tông tượng, Hòa thượng đã thực hiện tâm nguyện mình bằng những việc làm đầy trí tuệ, có phương châm, cho đến những tiêu chí cụ thể, có khoa học.

Ngài còn để lại gia bảo vô giá cho Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền phái Trúc Lâm nói riêng. Một trong những ân đức vô vàn ấy là nhiều bậc Tôn đức đã và đang đảm trách các Phật sự. Trong đó, có vị đệ tử là một Thiền sư tiếp nối phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Bên cạnh đó, những trước tác, dịch thuật của Tổ sư là pháp bảo cho kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng như Thiền phái Trúc Lâm. Những tác phẩm này góp phần tôn vinh đặc điểm Thiền giáo song hành của dòng Thiền nước Việt.

 

1. DẪN NHẬP

Hòa thượng Tổ sư thượng Thiện hạ Hoa là một trong những bậc Tôn đức có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời kỳ cận đại. Ngài tiên phong trong việc cải cách hoằng pháp, hành chánh, giáo dục Phật giáo. Hiện tại, chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử xem ngài như là vị Tổ trong ngành hoằng pháp. Một đời tu tập và tận tâm phụng sự đạo pháp, ngài đã để lại cho hậu thế nhiều di sản vô giá không thể kể hết. Một trong những ân đức cao quý ấy là gia tài pháp bảo, nhiều vị cao Tăng đã và đang gánh vác trọng trách Phật sự. Trong đó, có một vị trưởng tử của ngài là Hòa thượng thượng Thanh hạ Từ (Hòa thượng Trúc Lâm, Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam), là vị Thiền sư tiếp nối phục hưng thành công Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời đương đại. Một đời tu hành, hoằng hóa và phụng sự đạo pháp của Tổ sư là bài học vô cùng sống động và thực tiễn cho hậu thế. Tất cả đã trở thành gia bảo cho Phật giáo nói chung và Thiền phái Trúc Lâm nói riêng. Những công hạnh này được phát tiết từ đạo phong và trí tuệ của một bậc Long tượng, có cương lĩnh, phương châm sống và làm việc khoa học, rõ ràng, dứt khoát, đưa đến thành tựu như nguyện.

 

2.   ĐẠO PHONG CỦA BẬC TÔNG TƯỢNG

Viết về ngài, hàng hậu học chỉ biết được Hòa thượng Tổ sư qua sách sử. Cội nguồn phát xuất ra các dấu vết ấy chính là sức sống đạo, phong vị, khí chất của bậc thạch trụ tùng lâm. Đạo vị bình dị, gần gũi mà thẳm sâu này, duy chỉ những bậc tiền bối đã từng thân cận ngài mới cảm nên. Tuy không được sống vào thời Hòa thượng Tổ sư, nhưng qua lời chư Tôn đức kể lại, bao giờ Tổ sư cũng điềm tĩnh, mỉm cười. Nghi dung này vẫn còn hiện rõ trên chân dung lưu lại. Phong tư đĩnh đạc, khoan thai mà khẳng khái, thong dong nhưng vững chãi, nét mặt nghiêm nghị mà cười nhẹ, còn đọng lại trong các thước phim đã cũ. Khí chất và đạo phong riêng có của ngài đã định vững môn phong, chống đỡ ngôi nhà Phật pháp đang lúc nghiêng ngửa, chông chênh.

Hòa thượng Tổ sư từng dạy: “Bao giờ giận thì đừng nói, bao giờ khởi lên ham muốn thì đừng làm”[1]. Một cách dứt khoát: “Khi giận thì đừng nói, khi tham thì đừng làm”. Từ chất thật bên trong, phát ra lời nói, hành động. Đây là khí chất, đạo phong và bản lĩnh của bậc Tông sư. Lời dạy ngắn gọn, nhưng là nền tảng của chuẩn mực đạo đức, trí tuệ và lòng từ bi.

Muốn thiện, trước tiên không ác. Đã sống hiền lành tu tập thì lỡ giận, đừng thốt ra lời. Giận mà nói thì việc hư, nhưng nghiệp lại kết thành. Nhất thời dấy khởi phiền lòng thì nên giữ im lặng, hổ thẹn, hóa giải, tiêu dung; chứ không phải nuôi dưỡng sự giận dữ làm sức mạnh thị uy.

Muốn tốt, trước tiên đừng xấu. Muốn làm thiện nguyện hay Phật sự thì trước hết phải đảm bảo không tham dưới mọi hình thức. Làm việc bằng lòng tham thì có hại cho mình, cho người, lại phá hỏng công việc chung. Thoáng khởi tham tâm thì dừng lại, khoan làm. Chờ tâm đại lượng từ bi phát khởi, quên lợi cá nhân, vì người, vì đại chúng, vì đạo pháp rồi thực thi, nhất định sẽ đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho đại thể.

Trừ được tham sân mới tỉnh táo, có trí tuệ, tâm rộng lớn thênh thang, có lòng từ bi bao dung, làm việc mới thuận đạo, hiệu quả. Sáng tỏ lời dạy của Tổ sư thì nhân phẩm đạo đức được chuẩn mực, những tệ nạn hữu lậu mới không phát sinh. Ứng dụng được lời dạy vàng ngọc này vào cuộc sống, sẽ giúp chúng ta vô nhiễm khi vào đời làm việc công ích, thực hiện Phật sự lợi lạc quần sanh. Được vậy, việc tốt sẽ càng thêm tốt, được quần chúng hưởng ứng, đón nhận.

Gặp bất kỳ hoàn cảnh nào, tâm cũng không biến đổi, đó là bậc đại trí, là bậc tu hành đã đạt ngộ. Lỡ có phiền lòng mà dừng lại được thì nghiệp dừng, là hành giả khéo giữ gìn công phu. Biết được như vậy, nhưng để làm được như vậy phải có đại lực lượng, phải gia tâm tu hành. Chúng ta có thể học được nội lực này qua phong thái điềm tĩnh và mỉm cười trong các tình huống, trên mọi cảnh duyên của Hòa thượng Tổ sư.

Rõ ràng, có được khí chất này, phải từ đời sống tu hành thường nhật. Một khuya đứng ngoài lan can, trời còn tối, không có ai, thầy thị giả đi lại, Hòa thượng Tổ sư nói: “Người tu hành phải biết hạnh phúc với đời sống cô độc”[2]. Đảm nhận nhiều trọng trách lãnh đạo Giáo Hội, làm nhiều Phật sự lớn lao, được nhiều người trông chờ, đón nhận, nhưng ngài khinh an, có niềm vui sâu kín nhẹ nhàng trong đời sống cô độc. Không nhờ bất cứ điều kiện nào bên ngoài mới cho chúng ta vui, mà nơi mình đã sẵn nguồn an lạc vô bờ, thoát tục ấy. Chẳng phải quay lưng ngoảnh mặt, chỉ là không có chỗ cho những dính nhiễm chen vào. Biết sống cô độc giữa vô vàn duyên sự; sáng lại tánh mình, không nương tựa các duyên, sẽ ngập tràn lạc an. Trong ấy, tự có diệu lực giúp hành giả tự tại vô ngại.

Kinh Tạp A-hàm, đức Phật dạy: “Các Thầy nên tự làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa, không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác”[3]. Ngài dạy, mỗi vị hãy trở lại chính mình làm hòn đảo. Trên cơ sở đó, nương vào chánh pháp bên ngoài để soi sáng lại, nhận ra hải đảo tự thân. Nơi ấy không còn sanh diệt, không bị bất cứ gì chi phối, lay động. Đó là nơi nương tựa vững chắc nhất, không gì hơn. Người khéo học Phật là nương tựa Tam bảo bên ngoài, nương lời Phật Tổ chỉ dạy để trở về nhận lại “đạo nhân vô y” chính mình. Chính đạo nhân này mới đủ diệu lực cho hành giả tự tại giải thoát.

Hòa thượng Trúc Lâm từng thuật lại đạo hạnh Thầy mình: “Bản tánh Hòa thượng tuy nhu hòa nhưng lại rất cương nghị. Dù gặp khó khăn đến mấy, ngài vẫn tiến tới. Khiêm tốn mà bất khuất, nhu hòa mà vững vàng. Đó là lập trường cố hữu của Hòa thượng”[4].

Trên các Phật sự đa đoan, Hòa thượng luôn thuần hòa, vững chãi, mỉm cười. Dù gặp khó khăn đến đâu, Tổ sư cũng nhu hòa mà cương nghị tiến tới. Đây không chỉ là một lập trường bình thường, mà là khí chất vốn có từ trước, không bị bất cứ gì làm lay động. Đạo phong, khí phách của bậc Tông tượng từng làm nên đại pháp đến nay vẫn rạng ngời như minh kính trên đài, soi rọi cho hàng hậu tấn mãi đến vị lai.

 

3.   SỐNG VÀ LÀM VIỆC BẰNG TRÍ TUỆ, XÁC ĐỊNH PHƯƠNG THỨC

3.1.Xác Định Các Yếu Tố Để Đưa Đến Thành Công Trong Công Việc

Hòa thượng Tổ sư là gương sáng của trí tuệ, khoa học và bản lĩnh trong cách sống và làm việc của ngài. Đời sống, việc làm, ngài luôn có phương châm rõ ràng. Ngài xác định rõ các yếu tố chính yếu để làm nên đại sự. Cụ thể, để làm tốt trong công việc sáng tác và phiên dịch, Hòa thượng nêu rõ, cần phải hội đủ một số yếu tố nhất định để đưa đến thành công.

a)  Khả năng

Ngài nói: “Muốn làm công việc gì, trước tiên cần phải có đủ ‘khả năng’ về công việc ấy”[5]. Tức là muốn khởi duyên làm một việc gì, phải tự lượng khả năng và nhân duyên của mình. Ví như muốn sáng tác hoặc phiên dịch giáo lý, phải có đủ khả năng về phương diện ấy. Từ lời dạy này, chúng ta có thể nhận hiểu và áp dụng vào các công việc khác trong đời sống tu học. Khả năng không phải tự có, mà phần nhiều phải do sự nỗ lực của tự thân; hoặc là hiện đời, hoặc đã từ nhiều đời về trước. Nếu đối với duyên nào chưa đủ, chúng ta nỗ lực tài bồi. Nếu đã đủ, phải tinh tấn để đạt đến các mức tiến bộ cao hơn. Ví như phiên dịch Kinh Luận, không chỉ biết chữ rành nghĩa là dịch được, mà phải từ công phu, nhận ra diệu chỉ Phật Tổ thì lời văn mới thoát, nghĩa mới sáng và không sai lệch. Muốn thế, song song với việc đọc học, hành giả phải nỗ lực nhiều để miên mật trong việc dụng công tu tập.

b) Bền chí

Hòa thượng nói: “Bền chí là một yếu tố cần thiết trong mọi công việc, nhất là việc sáng tác và phiên dịch”[6]. Kiên trì, bền chí là điều kiện cần phải có nơi một con người muốn thành đạt. Thích thì làm, không ưa thì bỏ; đây là người không có ý chí. Hứng thú thì làm ào ào, cảm thấy chán nản thì buông; người này không giữ được giềng mối Tổ tông. Vừa lòng thì thực hiện, khó quá thì thôi; căn cơ này không tu hành và làm nên đại nghiệp được. Các bậc Tiên giác từng dạy, đại đạo dù ở ngay trước mắt, nhưng nếu tu hành một ngày nóng mà mười ngày lạnh thì cũng khó nhận ra. Hòa thượng Trúc Lâm hiện nay dạy, để tu hành thành tựu, thiền sinh phải đủ ba đức tính: Tha thiết, quả cảm và trường viễn. Muốn trường viễn, phải bền chí. Có bền chí, mới trường viễn. Tiêu chí Hòa thượng Tổ sư nêu lên, phát xuất từ đời sống thực chính ngài; nhưng cũng chính là chân lý, lẽ thật cho những ai muốn thành tựu trên nhiều lãnh vực trong cuộc sống.

c) Thích thú

Hòa thượng Tổ sư dạy: “Làm công việc gì, mặc dù có khả năng, sức khỏe và bền chí, nhưng nếu không thấy thích thú thì cũng khó mà thành tựu”[7]. Ít nhất phải thích thú, có niềm vui trong công việc và cảm thấy vui khi đạt được một thành quả thì mới có động lực để vượt khó và tiếp tục thực hiện được. Muốn vậy, phải biết tạo không gian, lập ý hướng, nhận chân ý nghĩa của việc mình đang làm. Tiến sâu hơn của thích thú an vui là một sự lặng trong, thanh thoát và an lạc diệu thường. Muốn thế, hành giả phải có chí hướng lớn, đặt mục tiêu đạt đến giác ngộ giải thoát. Từ đó nỗ lực tu học, miên mật dụng tâm. Công phu đắc lực, thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm mình bừng sáng, sẽ hay ra, tất cả việc đều không phải là việc gì khác ngoài tự tâm đang sáng biết. Làm tất cả trong tâm tánh ngập tràn lạc an, chắc chắn sẽ đưa đến thành tựu mỹ mãn. Cụ thể ở đây, đối với việc sáng tác và dịch thuật, trong ấy sẽ là một chân trời sáng tạo vô tận.

Ngoài ra, Hòa thượng Tổ sư còn nêu nhiều tiêu chí khác. Ngài nêu lên tất cả 13 yếu tố để thành công trong việc sáng tác, dịch thuật và nhiều phương diện trong đời sống tu học, làm Phật sự.

3.2. Khéo Vận Dụng Trí Tuệ Để Có Phương Thức Thực Hiện Các Phật Sự

Chưa phải là thánh nhân thì không thể sanh ra liền tự biết. Không học thì không thể hiểu biết một cách căn bản và đầy đủ. Có học mà không biết tiêu hóa thành sản phẩm trí tuệ chính mình thì chỉ là con chữ, không vận dụng được. Hòa thượng Tổ sư đã khéo học cho nên không dừng nơi sở học mà ở trên nền tảng trí tuệ để tiêu dung thành trí dụng chính mình. Từ đó, ngài đã vận dụng vào trong các Phật sự, cải cách hành chánh, hoằng pháp và giáo dục Phật giáo.

Từ nhỏ vào chùa, ngài chuyên học giáo lý đạo Phật, hấp thụ tư tưởng Phật giáo Đông phương. Cho đến năm 1941, ra học tại Huế, Hòa thượng có duyên dự thính lớp Thanh niên Đức Dục. Nhờ đó, ngài mới biết đến phương pháp giảng giải, cách thức trình bày của Tây phương. Tiếp thu được tinh thần này, ngài đã ứng dụng vào trong công việc trước tác dịch thuật, mang lại kết quả tốt hơn. Ngài nói: “Về sự giảng dạy cũng như sự trước tác phiên dịch của chúng tôi, người nghe và người đọc được dễ hiểu, rõ ràng và rành mạch là nhờ chúng tôi áp dụng được đôi phần phương pháp Tây phương”[8].

Như vậy, ngài lấy yếu diệu Phật pháp đã được hấp thu làm cốt lõi, lấy triết lý cao sâu của Đông phương làm trọng tâm và vận dụng phương pháp trình bày của Tây phương để thực hiện các Phật sự. Vì thế, những tác phẩm biên dịch, trước tác hoặc cách giảng dạy của ngài khiến người học dễ dàng tiếp thu. Cũng từ trí tuệ được thừa tư và khéo léo vận dụng tài tình, ngài đã cải cách hoằng pháp, giáo dục và hành chánh Giáo Hội một cách khoa học, hiệu quả.

 

4. TRONG VIỆC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI CẬN ĐẠI

Phật giáo Việt Nam tại miền Nam lúc này như con thuyền đứng trước sóng to gió lớn, không vững, bấp bênh. Hòa thượng Tổ sư đã hiệp cùng chư Tôn đức ra sức chấn hưng Phật Giáo bằng tất cả trí tuệ, khả năng và tâm huyết của mình. Việc làm này được ngài thể hiện qua các đặc điểm nổi bật sau:

4.1. Tôn Chỉ

Tôn chỉ và mục đích của đạo Phật là giác ngộ, giải thoát. Tâm nguyện và hoài bão của người tu Phật cũng không ra ngoài tôn chỉ ấy.

Hòa thượng Tổ sư nói: “Hành giả muốn rõ chơn lý của vũ trụ, muốn được minh tâm kiến tánh thành Phật, thì phải phá trừ mây vô minh hắc ám. Muốn phá trừ vô minh hắc ám, hành giả phải làm sao cho đèn trí huệ của mình được sáng tỏ. Muốn thế hành giả phải tu thiền định. Tâm có định, mới phát sinh trí huệ. Trí huệ có phát sinh mới phá trừ được vô minh hắc ám, và mới minh tâm kiến tánh thành Phật”[9].

Diệu chỉ “Minh tâm kiến tánh thành Phật” mà Hòa thượng Tổ sư chỉ dạy, đã nêu rõ tôn chỉ của đạo Phật và mục đích của người tu Phật. Hòa thượng Tổ sư khẳng định, trì giới phải đạt đến kiến tánh, không phải chỉ dừng trên tướng: “Nhờ giữ ‘giới luật’ không làm các việc tội lỗi, nên tâm được ‘định’; do tâm định nên phát ra ‘trí huệ sáng suốt’. Nhờ có trí huệ sáng suốt nên phá trừ được vô minh si ám, và được minh tâm kiến tánh thành Phật”[10]. Nhờ giữ giới mà tâm an định, trí tuệ sáng suốt. Như vậy, Tổ sư Thiện Hoa đã đặt tam vô lậu học trên một tâm. Đây lại là tinh thần phản quan, xoay lại tâm tánh chính mình. Và giữ giới tu hành, phải đạt đến “minh tâm kiến tánh thành Phật”; tức là khẳng định đích đến của phản quan là phải tỏ ngộ tâm mình, là giác ngộ. Ngài đã khẳng định bằng tất cả niềm vui của hành giả đang trở về nguồn tâm ấy: “Chúng ta sung sướng là một khi đã nhận hiểu mình có Phật tánh, phát Bồ đề tâm tu tiến lên, quyết chắc sẽ thành Phật”[11]. Tin mình có Phật tánh. Hoặc ngay đây nhận thẳng; hoặc hướng thẳng tự tánh để tu tập, rồi sẽ đạt ngộ. Sống thẳng Phật tánh là tu hành, công viên quả mãn sẽ thành tựu Phật đạo. Đây là tôn chỉ của đạo Phật, cũng chính là tâm nguyện và mục đích tối hậu của người tu Phật.

4.2.Tinh Thần Nhập Thế, Hòa Quang Đồng Trần

Tinh thần nhập thế hòa quang đồng trần của đạo Phật được nhận diện qua hai yếu tố: Một là vào đời làm lợi ích chúng sanh nhưng vô nhiễm (hòa mà không tan); hai là được quần chúng nhân dân đón nhận. Việc làm này được thể hiện qua hai phương diện: Giáo hóa và từ thiện xã hội.

 Tổ sư Thiện Hoa một đời dốc lòng vì đạo, không ngại gian khó. Tổ đã tích cực mở các lớp đào tạo giảng sư để đi giáo hóa khắp nơi. Đồng thời, hết lòng trong các việc thiện nguyện khác.

- Hòa thượng Tổ sư giáo hóa

Về hoằng pháp, Tổ sư Thiện Hoa đã soạn một đề án có kế hoạch tổ chức rất cụ thể, rõ ràng. Đồng thời hoạch định “Sinh hoạt của Giảng sư đoàn” đi đến khắp nơi để hoằng pháp. Việc này còn được ghi chép đầy đủ trong sách sử[12]. Hành trạng ghi lại: “Trên lãnh vực hoằng pháp, Hòa thượng đã tạo sinh khí và phát triển phong trào học Phật khắp nơi ở miền Nam. Từ những khóa giảng hằng tuần tại các tự viện lớn trong thủ đô, đến những khóa giảng mười ngày tại các chùa Tỉnh hội Phật học”[13].

Có thể thấy, Hòa thượng Tổ sư đã rất tích cực trong việc hoằng hóa, giúp những người hữu duyên có cơ hội học hiểu, phát tâm tu hành, mới mong hết khổ, an vui. Đây mới thực sự vì nhau. Hòa thượng Trúc Lâm đã thừa hưởng tinh thần và tâm lượng bao la của Thầy mình, nên ngài đã ứng dụng vào trong đời sống cũng như mọi Phật sự.

- Hòa thượng Tổ sư với việc từ thiện xã hội

Song song với việc giáo hóa, hoằng pháp, Tổ sư còn quan tâm đến đời sống nhân dân bà con. Hòa thượng Trúc Lâm kể lại: “Thầy tôi có mở một phòng thuốc, Phật tử hay dân chúng bị bệnh tới đây, cần hốt thuốc thang, thuốc bắc Hòa thượng chẩn mạch cho thuốc bắc. Ai cần chích thuốc tây, Hòa thượng theo toa chích thuốc tây giùm. Buổi tối Thầy mở lớp xóa nạn mù chữ cho dân quê. Ngài dạy bằng phương pháp vần chữ ‘o’…”[14].

Năm 1968, Hòa thượng được bỏ phiếu lưu nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo, ngài dốc hết sức mình trong các công việc, thể hiện rõ tinh thần nhập thế. Song song với Phật sự chính của Giáo hội, ngài còn lưu tâm đến nhiều việc phúc lợi khác. Điển hình như mọi công tác từ thiện của Ban Từ thiện Ấn Quang đều do Hòa thượng cố vấn. Ngài còn thúc đẩy thành lập Cô nhi viện Diệu Quang, vận động thành lập Niệm Phật đường trong khám Chí Hòa, cất chùa trong Dưỡng trí viện Biên Hòa... Trong hành trạng đã khẳng định: “Có thể nói, mọi Phật sự miền Nam đều được Hòa thượng trợ giúp, hoặc trực tiếp hay gián tiếp”[15].

Vừa giảng dạy chánh pháp, vừa quan tâm đời sống bà con nhân dân, công hạnh vô ngã, vị tha, tích cực trong mọi lĩnh vực của Hòa thượng Tổ sư đã hiện rõ tinh thần hòa quang đồng trần của đạo Phật. Vào đời làm nhiều việc lợi lạc quần sanh, nhưng vẫn vô nhiễm, đạt đến thuận đạo – hiệu quả.

4.3. Phương Pháp Hành Trì

Con đường giáo dục và đào tạo chung của đạo Phật xưa nay tựu trung nằm trong ba phạm trù căn bản: Lập thành, phá các tình chấp trên các tướng và chỉ tánh.

Một hành giả bước vào Thiền môn xuất gia học đạo, trước tiên sẽ được hướng dẫn học giới luật, oai nghi tế hạnh, các bộ Kinh căn bản và những chuẩn mực trong đời sống của một người tu hành. Thời gian sau, sẽ được học những bản Kinh như Kim Cang, Bát Nhã để phá các tình chấp. Và cuối cùng, học các bản Kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa…, khéo chỉ bày cho hành giả nhận lại bản tánh chính mình. Lực của tự tánh này khiến cho hành giả vượt thoát tất cả cảnh duyên, tự tại tiêu sái, an lạc, giải thoát. Phải từ nhân vô sanh mới đạt đến quả vị vô sanh của chư Phật. Và tự tánh mình không còn sanh diệt, là nhân vô sanh. Y đây tu hành mới đạt đến thành tựu Phật đạo.

Cách hướng dẫn tu hành qua ba phạm trù căn bản này đã được Tổ sư Thiện Hoa nói rõ trong các tác phẩm ngài còn lưu lại, điển hình như bộ Phật Học Phổ Thông. Tổ sư hướng dẫn từ những bài Kinh căn bản nhất cho người xuất gia; từ Tứ Diệu Đế... cho đến các bản Kinh phá các tình chấp dính mắc; như Kim Cang, Bát Nhã; đến cả những bản Kinh chỉ tánh như Lăng Nghiêm... Dưới sự hướng dẫn và đào luyện của ngài, đã làm thành nhiều thế hệ Tăng tài gánh vác các trọng trách Phật sự.

4.4. Văn Hóa – Giáo Dục

Trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, Hòa thượng Tổ sư đã nhấn mạnh đến công tác văn hóa giáo dục một cách căn cơ, cụ thể. Khắp các tỉnh miền Tây, ngài khuyến khích và hỗ trợ mở các trường Phật học. Chính ngài lưu giảng khắp nơi để khích lệ, động viên. Về nhân sự, ngài đích thân mở các lớp huấn luyện Tăng Ni. Đồng thời ngài sắp xếp hai lớp mùa đông và mùa hè xen kẽ để luân phiên, thay nhau đi hoằng truyền chánh pháp. Lớp mùa hè đi thuyết giảng thì lớp mùa đông ngồi lại, lo tu học và ngược lại. Ngài tổ chức các lớp đào tạo chuyên nghiệp riêng biệt, phân nhiệm đảm trách công tác rõ ràng. Sau khi giảng dạy, có chư Tôn đức chịu trách nhiệm đúc kết, nhận ra ưu khuyết điểm để biên tập lại thành sách phổ biến. Ngài nói: “Sau mỗi buổi diễn giảng, giảng sư đoàn phụ trách công tác phải tổng kết ưu, khuyết điểm gửi về cho Trưởng ban Hoằng pháp dùng làm tài liệu để phổ biến chung”[16].

Ngoài ra, Hòa thượng Tổ sư còn mở các lớp Phật học phổ thông để giảng dạy cho Phật tử. Quý vị nào có khả năng thì huấn luyện để giảng dạy lại cho các lớp sau. Ngài chủ xướng chương trình Như Lai Sứ Giả để huấn luyện chư vị trú trì. Hầu hết Tăng Ni miền Nam đương thời dù ít hay nhiều, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều thọ ân đức giáo dục của ngài.

Cho thấy, Hòa thượng Tổ sư đã đề cao lãnh vực văn hóa, giáo dục. Tổ chức đào tạo, vận hành một cách chuyên nghiệp, cặn kẽ, góp phần trong việc chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ.

4.5. Việt Hóa

Trước đây, trong đề án đào tạo, Tổ sư Thiện Hoa đã quan tâm đến chư vị nòng cốt của Phật giáo ngày mai, đó là Tăng Ni trẻ. Ngài đã soạn kỹ chương trình đào tạo qua năm chuyên mục (A, B, C, D và E). Trong đó, mục thứ hai (mục B) là “Về chuyển ngữ”, ngài chú trọng đến chữ Việt. Tổ sư nói: “Nên dùng Kinh điển hoàn toàn bằng tiếng Việt từ Tiểu học đến hết Trung học, để lợi thì giờ cho học Tăng Ni và thích hợp với hoàn cảnh chung của nước nhà. Lên Đại học cần có một cái vốn chữ Hán khá để có thể nghiên cứu được các Kinh sách”[17]. Sự thật, khi giảng giải các Kinh Luận chuyên sâu, nếu không rành Hán tự, sẽ không nhận ra các nghĩa lý uyên áo trong ấy. Do vậy, tuy đọc học, nghiên cứu hay giảng dạy bằng tiếng Việt, nhưng một vị giáo thọ cần phải giỏi chữ Hán để tra cứu, hiểu đúng nghĩa lý Kinh Luận, không tùy tiện theo sở kiến hay ức tưởng cá nhân.

4.6. Chú Trọng Đào Tạo Tăng Ni, Thế Hệ Kế Thừa

Tăng bảo là đại diện cho ba ngôi báu để truyền trì mạng mạch Phật pháp, mang chánh pháp vào nhân gian cứu độ chúng sanh. Để có đủ sức gánh vác trọng trách này, chư Tăng Ni phải ý thức được trách nhiệm của mình để ra sức tu học. Tổ sư Thiện Hoa đã có tầm nhìn và thấy rõ vai trò quan trọng này. Ngài đã hiệp cùng chư Tôn đức để kiện toàn giáo dục, đào tạo, củng cố đoàn thể Tăng già. Cụ thể, khi ở cương vị là Trưởng ban Hoằng pháp, ngài cho thành lập các lớp học thuộc nhiều hệ đào tạo tại các Phật học đường để đào tạo Tăng Ni. Ngài đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh đến việc đào tạo Tăng Ni trẻ kế thừa. Đối với “Thanh thiếu niên Tăng Ni”, ngài nói: “Hạng nầy là rường cột của Phật giáo ngày mai, cho nên chúng ta cần đặc biệt chú ý đến giáo dục của họ”[18]. Ngài đã lập nên một đề án, có kế hoạch tổ chức, vận hành chuyên nghiệp cho Tăng Ni tu học có kết quả, đủ sức gánh vác Phật sự sau này.

4.7.Lao Động, Rèn Luyện

Tuy đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo Giáo hội, nhưng đời sống Hòa thượng Tổ sư Thiện Hoa rất bình dị, năng nổ trong các công việc chấp tác Thiền môn. Hơn bảy năm ở Chùa Phật Quang, ngài hết mình trong các hoạt động, không ngại gian khó. Hòa thượng thuật lại giai đoạn này: “Ngoài lớp giáo lý, chúng tôi còn mở các lớp học quốc ngữ mỗi buổi sáng, để dạy cho các em ở trong làng, số học sinh gần 150 em; dạy lớp Bình Dân Học vụ (vần chữ O) để giúp cho đồng bào mù chữ trong những buổi tối; và mở trạm y tế giúp cho đồng bào bệnh hoạn trong làng”[19]. Không chỉ đứng lớp giảng dạy, đến cả những việc lao động chân tay, Hòa thượng cũng phải vất vả trong nhiều công tác để chủ động, tự túc, lo cho đời sống hằng ngày của tự viện: “Chúng tôi lo tăng gia sản xuất, nào là làm đường, trồng rẫy, trồng mía, chất nấm... để tự cung tự cấp hằng ngày cho trên 40 khẩu phần”[20].

Trong thời gian này, một vị đệ tử của ngài là Hòa thượng Trúc Lâm mới được xuất gia tu học tại chùa Phật Quang. Thiếu ăn, bớt ngủ, tận tụy trong các công việc. Ban ngày vừa học, vừa làm. Ban đêm đọc học, công phu. Sau này ra lãnh trách nhiệm do Tổ giao phó, ngài cũng một mực, hết lòng, tận tụy trong mọi Phật sự. Tự thân thể nhận sâu sắc giá trị này từ Thầy truyền lại, Hòa thượng Trúc Lâm đã vận dụng tinh thần tự cung tự cấp, lao động, tôi rèn vào việc đào luyện thiền sinh.

4.8. Dung Thông – Đạt Đến Rốt Ráo Viên Mãn

a)   Khẳng định Thiền tông

Thiền tông vốn là một trong những pháp môn tu Phật. Lúc giảng dạy, biên soạn, Hòa thượng Tổ sư đã đề cập đến Thiền tông một cách khúc chiết, cặn kẽ, rõ ràng. Ngài nói rõ các pháp thiền, cách thực hành, đích đến của mỗi môn Thiền định, cho đến những điều sai lệch thiền sinh cần phải tránh trong lúc công phu. Chúng ta có thể dễ dàng thấy rõ những lời dạy này trong sách Bản Đồ Tu Phật và các tài liệu thuyết giảng của ngài. Hơn thế nữa, tuy tu theo Tịnh độ, nhưng ngài không dừng lại trong một pháp môn mà nhìn đến chân lý rốt ráo của Phật đạo là Thiền định, để đạt được giác ngộ giải thoát, mới viên mãn thành Phật.

Hòa thượng Tổ sư đã khẳng định Thiền tông do đức Phật khai sáng: Cũng như bao nhiêu tôn phái khác trong Phật Giáo, vị khai sáng đầu tiên của Thiền tôn vẫn là đức Phật… Ngài đã ngồi tham thiền nhập định cho đến khuya mồng 8 tháng chạp âm lịch, lúc sao mai vừa mọc thì ngài ‘Minh tâm kiến tánh’, chứng được đạo quả Bồ-đề. Ðó là một cuộc nhập định vô tiền khoáng hậu, mở đầu cho một pháp môn vô cùng hiệu nghiệm của đạo Bồ-đề. Và từ đấy về sau, một tôn giáo riêng đã được thành lập. Ðó là Thiền Tôn”[21]. Một lần nữa, ngài đã nói thật, khẳng định đức Phật do tọa Thiền mà thành đạo. Và tất nhiên, Thiền tông do đức Thế tôn khai sáng. Tu bất kỳ pháp môn nào mà không có định tuệ thì xem như chưa có kết quả của giác ngộ giải thoát. Bởi lẽ tâm loạn động thì còn trong sanh diệt, chưa hết vô minh, không có năng lực diệt khổ. Đạt thiền định rồi thì các vọng động dứt bặt, trí tánh vô lậu chiếu soi, bóng tối vô minh tan biến tự bao giờ như chưa từng xuất hiện, hành giả đầy đủ diệu lực làm chủ sanh tử, tự tại giải thoát. Y đây hướng tiến, Phật đạo không còn là việc xa vời. Do vậy, Tổ sư Thiện Hoa nói, đây là pháp môn rất hiệu nghiệm để thành tựu đạo quả Bồ đề.

Hòa thượng Tổ sư nêu rõ về pháp Thiền Tối thượng Thừa: “Sao gọi là Như Lai ti thượng tha thin? Ðây là phép thin cao siêu hơn tt c các phép thin màđức Như lai đãng dng”[22]. Không nói như một lý thuyết đã được lập định hay lý luận dài dòng, khúc chiết, cao siêu. Hòa thượng Tổ sư nói thẳng, nói thật đúng như bản chất vốn có của Thiền. Thiền là như vậy và đã được đức Phật ứng dụng, hành trì, đạt đến viên mãn giác ngộ giải thoát.

Tổ sư khẳng định, Thiền tông tại Việt Nam là một tông phái chính của đạo Phật, không kém các nước bạn. Ngài nói: “Nếu ở Trung Hoa Thiền Tôn được thịnh hành truyền bá, thì ở Việt Nam Thiền Tôn cũng được xem như là một phái chính của đạo Phật”[23].

Hòa thượng Tổ sư nói: “Muốn phá trừ vô minh hắc ám, hành giả phải làm sao cho đèn trí huệ của mình được sáng tỏ. Muốn thế hành giả phải tu thiền định”[24]. Ngài thẳng thắn khẳng định, muốn cho trí tuệ vô lậu phát huy, dứt sạch vô minh để được ngộ tâm, kiến tánh, tiến đến quả vị giác ngộ viên mãn thì phải tu tập Thiền định, không có cách khác. Vốn là một bậc thực học chân tu, một nhà hoằng pháp lỗi lạc, Hòa thượng Tổ sư đã có cái nhìn trí tuệ sâu sắc, viên dung, gồm đủ, đúng chân lý, sự thật; không nghiêng về một phía theo sở kiến hoặc sở trường cá nhân. Ngài đã thấy rõ mỗi pháp môn tu Phật đều cần thiết cho từng căn cơ của hành giả. Nhận thấy mình phù hợp với pháp môn nào thì hành giả chọn cho mình hướng tu tập của pháp môn ấy. Dù Hòa thượng Tổ sư tu Tịnh độ, nhưng biết đệ tử (nay là Hòa thượng Trúc Lâm) thích tu Thiền, ngài trao cho quyển Lục Diệu Pháp Môn để tự nghiên cứu, tìm đường tu tập.

b)  Tột đến rốt ráo, viên mãn

Giảng dạy cho tầng lớp là tại gia hay xuất gia, là Phật pháp căn bản của bậc sơ cơ hay cho hành giả chuyên sâu, Hòa thượng Tổ sư luôn tận tâm giảng giải một cách đầy đủ, viên dung; chỉ điểm tột đến diệu chỉ sâu mầu của Phật pháp là “Kiến tánh”; đạt đến rốt ráo viên mãn: “Thành Phật”.

Trong một bài dạy về việc “Thờ Phật, Lạy Phật, Cúng Phật” cho Phật tử tại gia, ban đầu Hòa thượng Tổ sư dạy những điều căn bản hết sức sơ cơ của người mới học Phật. Tiến dần đến ngài dạy tin sâu Tam bảo. Rốt sau Hòa thượng nhấn mạnh đến Phật tánh, thành Phật. Ngài nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh sáng suốt, nếu chí tâm tu tập theo Phật pháp thì chắc chắn sẽ thành Phật”[25]. Hòa thượng Tổ sư nhấn mạnh và khẳng định, ai cũng đầy đủ Phật tánh. Nếu tin chắc, quyết tâm tu tập đúng chánh pháp Phật dạy, sẽ có lúc ngộ tánh và thành Phật.

Đến như nói về việc sơ đẳng nhất của việc tu Phật là ăn chay, ngài cũng không quên đề cập đến chỗ rốt ráo. Ngài nói: “Những ai đã là Phật tử, đã nguyện theo bước chân của đức Từ Phụ thì phải thực hành phép ăn chay, để lòng từ bi được mở rộng, tinh thần bình đẳng được lan xa, trí tuệ được tỏ ngộ, đạo quả được chóng viên thành”[26].

Ngài dạy ai đã chọn đường tu Phật, nên ăn chay. Khi đã ăn chay lâu ngày, sẽ không chịu được cảnh giết hại, tức là thiện căn đã tăng trưởng. Nhờ vậy, lòng từ bi được rộng lớn thênh thang từ người cho đến các loài vật. Từ đây mới tự thân thấy rõ, tất cả chúng sanh đều bình đẳng trong nỗi khổ niềm đau, trong ưa sống sợ chết, và hơn hết là đều có Phật tánh sáng biết như nhau không khác. Được như thế, sẽ không mắc nợ mạng sống, không tạo sát nghiệp thì mới tỏ ngộ trí tuệ chân thật nơi mỗi người, mới chóng thành quả vị giác ngộ tối thượng Phật đạo.

Cho đến tiến sâu hơn là việc tu hành, giữ gìn giới luật, Hòa thượng cũng nói đến chỗ tột cùng, cứu cánh. Ngài nói: “Hãy giữ gìn giới luật thật nghiêm chỉnh thì tâm sẽ định tĩnh, thanh tịnh. Tâm đã thanh tịnh thì trí huệ sẽ sáng suốt, chân tâm sẽ hiện bày, Phật tánh sẽ phát lộ”[27]. Người tu Phật trì giới, phải biết rõ mục đích mà giới luật mang lại như ngài chỉ dạy, sẽ không bị giới luật câu thúc. Giữ giới đạt đến Phật tánh hiển bày, tánh ấy tự tịnh, tự định, tuệ vô lậu phát huy, y đây tu hành mới tiến đến thành Phật.

Ban đầu, đối với Tăng Ni sơ cơ hoặc các Phật tử mới vào đạo, việc tu tâm dưỡng tánh được Hòa thượng khuyên dạy chỉ là tu sửa tâm tánh. Nhưng khi công phu đã thuần thục, ngài nói rõ về “Tam nhân Phật tánh” để mở trí, khai tâm. Việc này được ngài biên soạn và giảng thuyết rồi ghi lại trong “Tài liệu nghiên cứu và diễn giảng”[28].  Hòa thượng nói:

- “Chánh nhân Phật tánh” là tất cả chúng ta ai cũng sẵn đủ Phật tánh.

- “Duyên nhân Phật tánh” là nhờ Thầy bạn tốt và giáo pháp liễu nghĩa của Đại Thừa khai mở.

- “Liễu nhân Phật tánh” là nhờ có chánh nhân, duyên nhân, đủ duyên, biết đường lối tu hành mà chứng ngộ đạo quả, đầy đủ các phép thần thông, diệu dụng[29].

Đến điền địa này, hành giả tu tâm tức là nhận lại bản tâm chân thật chính mình, còn gọi là “Chánh nhân Phật tánh”. Dưỡng tánh đối với hành giả đã ngộ tâm thì có nghĩa là bảo nhậm. Đúng như Hòa thượng Tổ sư Thiện Hoa đã khẳng định: “Dưỡng tánh ở đây là dưỡng tánh gì? Tất nhiên không phải là tánh tình tầm thường có tốt có xấu của chúng ta, cũng không phải tánh thiện mà thầy Mạnh Tử thường nói. Tánh đây là tánh Phật”[30].

Tu tâm dưỡng tánh đạt đến như thế, không nói là tu Thiền thì cũng đã tu Thiền. Dù Hòa thượng Tổ sư Thiện Hoa không xiển dương Thiền tông, nhưng hướng dẫn người học hướng đến chỗ tột cùng diệu lý của Phật pháp thì vô tình lại trùng hợp với chỉ thú của nhà Thiền. Không lạc vào ngã tẽ mà thẳng tiến, đi đến cuối đường thì tự gặp nhau. Đây vừa là chân lý, vừa là sự thật, mà cũng là chỗ sâu mầu và rất khách quan của Phật đạo.

5.   GIA BẢO VÔ GIÁ CHO THIỀN PHÁI TRÚC LÂM VIỆT NAM

5.1 Một Vị Đệ Tử Là Thiền Sư Khôi Phục Thiền Phái Trúc Lâm

Thực tế, dưới sự hướng dẫn tu học của bậc Thầy, vị đệ tử nào để tâm cầu học, chuyên tâm dụng công, trưởng thành từ sự giáo huấn của Tôn sư, sau này ra lãnh sứ mệnh giáo hóa một phương, thường mang hình ảnh của Thầy mình. Từ nghi dung trong cuộc sống, cách hành xử, cho đến trí đức, sức sống, phát tiết diệu dụng phương tiện độ sanh…, luôn có sự ảnh hưởng từ vị Thầy đã đào luyện.

Sâu thẳm đạo lý như Tổ Bá Trượng đưa đốm lửa, ngài Linh Hựu ngay thấy liền tỏ ngộ. Sau này ra giáo hóa, Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu thường đưa phất tử để khai thị học nhơn. Cho đến tinh thần tu học, công hạnh hoằng pháp, cách thức giáo dục, đức tính thuần hòa nhưng cương nghị, thẳng thắn, quả quyết vượt qua mọi thử thách để tiến tới… của Hòa thượng Tổ sư, đều đã thấm nhuận và ảnh hưởng sâu sắc đến đệ tử là Hòa thượng Trúc Lâm trong các Phật sự sau này của ngài. Hòa thượng Trúc Lâm từng nói: “Tôi nhớ lại Thầy tôi là hòa thượng Viện trưởng (Tổ sư Thiện Hoa), đã nói: ‘Thanh Từ thuở xưa không khác nào cục sắt, do tôi mài giũa nay được thành cây kim.’ Thật đúng vậy, nay tôi được hữu dụng cho Phật pháp cũng nhờ công thầy uốn nắn, lo lắng từ vật chất đến tinh thần”[31].

Năm 1949, Hòa thượng Trúc Lâm được Tổ sư Thiện Hoa thế phát xuất gia tại chùa Phật Quang –Trà Ôn và được Tổ ban đạo hiệu Thích Thanh Từ. Dưới sự dẫn dắt của Tổ sư, ngài rất cần mẫn chuyên tâm tu học. Năm 1953, ngài theo Tổ lên Sài Gòn tu học tại Phật Học đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Vừa học vừa lưu giảng tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ theo sự phân công của Giáo hội và chư Tổ tại Ấn Quang. Còn là một vị Tăng trẻ, nhưng ngài đã có ảnh hưởng rất lớn trong chương trình hoằng pháp lúc bấy giờ, được đông đảo bà con Phật tử quý mến, Giáo hội tin tưởng. Năm 1957, Hòa thượng về chùa Phước Hòa - Trà Vinh thừa hành Phật sự…

Hòa thượng Trúc Lâm nói: “Tôi tự đặt câu hỏi, nếu Hòa thượng viện trưởng Thy ca tôi không chp nhn cho tôi xut gia tu hành theo ngài thì ngày nay không biết thân phn tôi ra sao, không biết thành cái gì, là rơm, là rác... Chính nh Thy độ tôi xuất gia, dạy đạo lý nên ngày nay tôi mới biết đường tu hành và chỉ dạy lại cho Tăng Ni, Phật tử cùng tu. Nếu Hòa thượng không nhận tôi ở chùa Phật Quang, tôi sẽ đi chùa khác, không biết bây giờ tôi có biết được Phật pháp và hiểu đường lối tu hành rõ ràng sáng tỏ như hôm nay không?”[32].

Suốt thời gian tu hành, Hòa thượng Trúc Lâm được Tổ sư trực tiếp quan tâm hướng dẫn đào tạo. Khi mãn các khóa học, Hòa thượng được Tổ sư chỉ dạy làm việc trong các Trường Phật học, cũng được Tổ sư trực tiếp lãnh đạo, hướng dẫn. Chính vì vậy, sau này Hòa thượng Trúc Lâm tuy đủ duyên khôi phục Thiền tông Việt Nam, nhưng cách thực hiện của ngài luôn có sự ảnh hưởng, thừa tiếp những gì từ vị Thầy mình là Tổ sư Thiện Hoa đã hướng dẫn, đào tạo.

Đức Pháp chủ hiện nay (Hòa thượng Thích Trí Quảng) nói: “Trong đời giáo hóa của tôi, đến nay, tôi chưa thấy có ai thâm cảm sâu sắc chất sống đạo vị Thầy trò như Hòa thượng Thanh Từ với Tổ Thiện Hoa. Hòa thượng Thanh Từ thấm nhuần sâu sắc chất sống, linh hồn, đạo vị của Tổ sư. Hòa thượng gọi Tổ sư bằng hai chữ ‘Thầy tôi’ rất mộc mạc, gần gũi nhưng đầy tôn kính và chứa đựng tất cả chất đạo đã được hấp thụ từ vị Thầy mình”[33]. Là bậc Tôn đức được sống trong thời Tổ sư, đức Pháp chủ cảm nhận rõ đời sống tu tập và hành hoạt của chư vị Tổ đức xưa bằng chất thật, sống động, chứ không phải qua sách sử lý thuyết như người sau. Mới thấy, Hòa thượng Trúc Lâm đã thấm nhuần nơi vị Thầy từ Phật pháp, đời sống cho đến rất nhiều công hạnh và đức tính khác. Tất cả đã kết tinh tạo thành chất sống có thần lực, khó có thể diễn tả thành chữ, thành lời. Cố tình nói thật nhiều cho dễ hiểu, có khi lại trở thành vụng về, thô tháo trong sức sống ấy.

Hòa thượng Tông chủ hiện nay tiếp nối phục hưng Thiền phái Trúc Lâm qua nhiều đặc điểm nổi bật: Tông chỉ, tông phong, phương pháp hành trì cùng các đặc điểm khác. Cốt lõi là Thiền phái Trúc Lâm thì mới gọi là khôi phục Thiền tông Việt Nam. Nhưng cách thức thực hiện thì ngài thừa tư những gì đã thấm nhuần từ sự giáo dưỡng, tu học nơi vị Thầy mình. Với việc phát huy tinh thần thiền giáo song hành, Hòa thượng Trúc Lâm còn thừa hưởng được gia bảo vô giá là các tác phẩm của Tổ sư Thiện Hoa lưu lại cho hậu thế.

5.2. Kho Tàng Pháp Bảo Vô Giá

Thiền giáo song hành là một trong những đặc điểm nổi bật của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Tiếp nối tinh thần này, hiện nay, song song với việc hướng dẫn tu tập thiền, Hòa thượng Tông chủ đã kết hợp giảng dạy Kinh Luận, trước tác các tác phẩm thiền để hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử tu học. Hàng môn hạ đệ tử ngài cũng đóng góp nhiều tác phẩm thiền có giá trị quan trọng.

Khi mới thành lập Chơn Không (thiền viện đầu tiên), Hòa thượng đã nêu rõ chủ trương và khẳng định “Đường lối tu của tu viện Chơn Không” là “Thiền giáo đồng hành”. Ngài nói: “Khi lập tu viện, tôi chủ trương ‘Thiền Giáo đồng hành’, hai bên phải nương nhau, nương Giáo để thông Thiền, nhờ tu thiền sáng được kinh. Cả hai hỗ tương nhau chứ không tách rời”[34].

Về giáo, thiền sinh phải học Kinh, Luật, Luận, Sử, Ngữ Lục… từ căn bản đến nâng cao, chuyên sâu. Chương trình này đã được Hòa thượng biên soạn trong Thanh quy và áp dụng vào việc hướng dẫn hành giả qua nhiều khóa đào tạo. Những bài giảng dạy, trước tác và dịch thuật của Hòa thượng Trúc Lâm đã được Ban Văn hóa Tông môn kết tập lại thành bộ toàn thư, lấy hiệu Thanh Từ Toàn Tập, gồm 49 quyển, mỗi quyển từ 800-1000 trang, giúp cho thiền sinh có tài liệu để tu học. Về Thiền, phải thực hành tọa thiền, miên mật dụng tâm thì mới tự thân thể nghiệm, cảm nhận được giá trị chân thật của Phật pháp. Trên cơ sở đó, Hòa thượng Tông chủ đã sắp xếp thời khóa có giờ học và giờ tu cân đối, phù hợp để khế bản tâm. Nhờ vậy, thiền sinh thể nghiệm được sự giác ngộ, an lạc, giải thoát ngay trong đời sống sinh hoạt, tu học mỗi ngày.

Và những tác phẩm của Tổ sư Thiện Hoa như bộ Thánh điển thu nhỏ chính là kho tàng pháp bảo vô giá, giúp các thiền sinh có thêm tư lương trong việc tu học và giáo hóa, góp phần làm nổi bật tinh thần Thiền giáo song hành nói riêng và làm sống dậy Thiền tông Việt Nam nói chung.

6. KẾT LUẬN

Một đời của Hòa thượng Tổ sư là một đời vì đạo, sống đạo, lo cho đạo pháp. Đạo phong, công hạnh của ngài là gương sáng cho hàng đệ tử tu Phật, soi sáng mãi đến ngàn sau. Công đức của Tổ sư lưu lại cho hàng hậu tấn không sao xiết kể. Phật giáo cận đại được chấn hưng, nhiều vị tăng tài đã và đang gánh vác trọng trách Phật sự. Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đã đầy đủ đại nhân duyên, được thừa tư gia bảo của Tổ sư vô cùng to lớn. Ngài đã đào tạo một vị đệ tử lớn ưu tú là một vị Thiền sư khôi phục Thiền tông Việt Nam thành công như ngài mong đợi. Tổ sư Thiện Hoa nói: “Nước ta ngày xưa là một nước chịu ảnh hưởng lớn của Thiền Tôn, và Thiền Tôn là môn phái rất thịnh hành trong nước. Thế mà ngày nay, vì bao cuộc biến thiên của lịch sử, Thiền Tôn không còn được truyền thọ trong các chùa cũng như trong dân chúng một cách sung mậu như xưa nữa. Vậy chúng tôi hy vọng rằng, từ đây về sau, nhờ sự giao thông tiện lợi từ nước này sang nước khác, nhờ sự trao đổi văn hóa, và nhờ gia tâm tu học của các Phật tử Việt Nam, Thiền Tôn sẽ lấy lại sắc thái sung mậu ở Việt Nam như các thời Lý, Trần”[35]. Tâm nguyện, di nguyện này của Tổ sư đã được một vị Thiền sư là trưởng tử mình, thừa tư ân đức Tam bảo, công đức Thầy Tổ, đã thực hiện thành công, viên mãn. Nương trên phúc trí liệt vị Tiên giác, của Hòa thượng Tổ sư, nhờ vào tâm huyết quyết tâm tiếp nối phục hưng Thiền phái Trúc Lâm của Hòa thượng Tông chủ mà hôm nay hàng môn hạ mới biết đến Thiền, biết tu Thiền, thấm nhuần Thiền, có đời sống Thiền, nhận ra giá trị cao quý của cha ông ngàn xưa đã dày công tu tập, gầy dựng nên. Đồng thời, những trước tác và dịch thuật của Tổ sư là kho tàng pháp bảo vô cùng quý giá cho hậu bối, kho tàng Văn học Phật giáo Việt Nam được có thêm pho Phật điển như Tam tạng Thánh điển thu nhỏ, cho con cháu Thiền phái Trúc Lâm cũng như Tăng Ni Phật tử nói chung hiện nay học tập, tu hành. Di sản của Tổ sư để lại cho Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung là vô giá, không thể dùng bất cứ gì để so sánh, cũng không thể nào nói hết bằng lời. Công đức một đời của Tổ sư, chúng con xin hướng vọng lễ bái. Kính nguyện vâng theo lời dạy của ngài để nỗ lực tu hành, hầu mong tiếp nối, giữ vững và phát huy cho ngọn đèn Thiền tông Việt Nam sáng mãi, đúng như tâm nguyện Tổ sư đã mong đợi. Có thế, mới ngỏ hầu đáp đền phần nào thâm ơn giáo dưỡng cao dầy trên Thầy Tổ đối với hàng hậu học chúng con.



[2] Giai thoại Tổ sư Thiện Hoa, đức Pháp chủ kể tại Phương trượng, ngày 25 tháng 9 năm 2023.

[3] HT. Thích Minh Châu dịch (1994), Kinh số 639, Kinh Tạp A-hàm, tập 2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr. 602.

[4] HT. Thích Thanh Từ (2019), Gương hạnh Thầy tôi, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 78.

[5] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 3, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 655.

[6] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 3, Sđd, tr. 655.

[7] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 3, Sđd, tr. 656.

[8] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 3, Sđd, tr. 662.

[9]  HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 2, Sđd, tr. 139.

[10] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 2, Sđd, tr. 111.

[11] HT. Thích Thiện Hoa (1957), Tài liệu nghiên cứu và diễn giảng, tập 1, Phật Học Đường Nam Việt xuất bản, tr. 104.

[12] Nhiều tác giả (1960), Kỷ yếu đại hội Giáo hội Tăng Già toàn quốc Việt Nam lần thứ 2, ngày 10 và 11 tháng 9 năm 1959, tr. 15.

[13] Bát Nhã (1973), "Tiểu sử Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa đạo", Tạp chí Bát Nhã, số 07, tr. 13.

[14] HT. Thích Thanh Từ (2010), Hoa vô ưu, tập X, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 197.

[15] Nhiều tác giả (2016), Thầy tôi, Nxb. Trung Đạo, Hoa Kỳ, tr. 23.

[16] Nhiều tác giả (1960), Kỷ yếu đại hội Giáo hội Tăng Già toàn quốc Việt Nam lần thứ 2, Sđd, tr. 15.

[17] Nhiều tác giả (1960), Kỷ yếu đại hội Giáo hội Tăng Già toàn quốc Việt Nam lần thứ 2, Sđd, tr. 16.

[18] Nhiều tác giả (1960), Kỷ yếu đại hội Giáo hội Tăng Già toàn quốc Việt Nam lần thứ 2, Sđd, tr. 16.

[19] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 3, Sđd, tr. 650.

[20] Tập Kỷ Niệm Phật Học Đường Nam Việt (1958), Phật Học Đường xuất bản, Ôn lại khoản đời trên 40 năm, HT. Thích Thiện Hoa, tr. 14.

[21] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 2, Sđd, tr. 136-137.

[22] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 2, Sđd, tr. 163.

[23] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 2, Sđd, tr. 185.

[24] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 2, Sđd, tr. 139.

[25] HT. Thích Thiện Hoa (2013), Bổn Phận Người Phật Tử Tại Gia, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 129.

[26] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 1, Sđd, tr. 146.

[27] HT. Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông, quyển 2, Sđd, tr. 118.

[28] HT. Thích Thiện Hoa (1957), Tài liệu nghiên cứu và diễn giảng, Phật Học Đường Nam Việt xuất bản.

[29] HT. Thích Thiện Hoa (1957), Tài liệu nghiên cứu và diễn giảng, tập 1, Phật pháp với ý nghĩa nhơn duyên sanh, Phật Học Đường Nam Việt xuất bản, tr. 103.

[30] HT. Thích Thiện Hoa (2018), Tám quyển sách quý, quyển 2, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 69.

[31] HT. Thích Thanh Từ (2016), Thanh Từ toàn tập, tập 20, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 79-80.

[32] HT. Thích Thanh Từ (2012), Hoa vô ưu, tập V, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 182-183.

[33] Giai thoại Tổ sư Thiện Hoa, đức Pháp chủ kể tại Phương trượng, ngày 25 tháng 9 năm 2023.

[34] HT. Thích Thanh Từ (2022), Tông Môn Cảnh Huấn, tập 1, Sđd, tr. 79.

[35] HT. Thích Thiện Hoa (2010), Phật học phổ thông, quyển 2, Sđd, tr. 204.

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1249618
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
888
3690
25311
1199158
25311
109310
1249618