Thứ Năm 3/10/2024 -- 1/9/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Ký sự Nhật Bản P7: Chùa Kiến Nhân

CHÙA KIẾN NHÂN - Kennin

Sau khi ăn trưa tại Am Bạch Vân (Vạn Phúc tự), chiều 30.3.2014, đoàn đi tham bái Chùa Kiến Nhân.

Chùa Kiến Nhân do Thiền sư Minh Am Vinh Tây (Eisai, 1141-1215) khai sơn Trụ trì.

Thiền sư Vinh Tây là vị Thiền sư người Nhật đầu tiên mang Thiền Lâm Tế sang Nhật Bản. Sư là người của huyện Okayama, cùng thời và đồng hương với Ngài Pháp Nhiên, vị thượng nhân khai sáng Tông Tịnh Độ.
Tuy thông triệt áo nghĩa của Thiên Thai và Chân Ngôn (Mật tông), nhưng Thiền sư Vinh Tây cảm mộ tinh yếu của Thiền nên thêm một lần nữa, vào năm 1187, thời nhà Tống, Sư sang Trung Hoa tham học và lãnh hội cốt tuỷ Thiền từ Thiền Sư Hư Cốc (Hư Am Hoài Sưởng) thuộc phái Hoàng Long, kế thừa Pháp mạch của Lâm Tế.
Sau bốn năm du học, v ào năm 1191, Sư về lại Nhật Bản và bắt đầu dạy Thiền tại chùa Thánh Phước ở Hakata. Lúc bấy giờ, Thiền Lâm Tế ở Trung Hoa mới được truyền sang nên mọi người xem như một “Tông Phái Mới”. Những môn đồ của Tông Thiên Thai thuộc Tỷ Duệ Sơn khó chịu và kéo đến tranh luận, đến nổi triều đình phải ra lệnh đình chỉ Thiền Tông. Rất may, lúc ấy Thiền sư Vinh Tây đã quy y cho Kamakura Bakufu (Liêm Thương Mạc Phủ) tại chùa Thọ Phước và gia đình Haratanomu (Nguyên Lại) ở Kyoto.

Sư đã khai sơn và xây dựng chùa Kiến Nhân rất lớn ở trong núi. Gồm có: Chân Ngôn Viện (Mật), Chỉ Quán Viện (Thiên Thai), để cho các tu sĩ thuộc ba tông: Thiên Thai, Chân Ngôn và Thiền cùng tu học chung với nhau trong một đạo tràng. Cũng từ đó, các tông phái của Phật Giáo ở Nhật bắt đầu kích bác nhau.

Khi Thiền sư Vinh Tây (Eisai) ở chùa Kiến Nhân tại Kyoto, có một vị thầy rách nát cực khổ tìm đến Sư nhờ giúp đỡ. Chùa nghèo chẳng có vật gì để cho cả, Sư bèn lấy tượng Dược Sư bằng đồng vừa mới đúc ra biếu. Các vị đệ tử phàn nàn, Sư khoát tay và nói: “Ngay cả ngũ thể Thầy còn bố thí được, pho tượng nầy đáng là bao. Nếu bị đoạ vào địa ngục đi nữa, Thầy cũng chẳng hối hận”. Lời nói ấy đã biểu lộ phương thức sống của Sư vô cùng cao thượng. Sư là vị thầy đầu tiên khai mở cho Thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền, vị tổ khai sáng tông Tào Động Nhật Bản sau này.

Trong những năm cuối đời, Sư hoằng hoá tại hai trung tâm Kinh Đô (kyōtō) và Liêm Thương (kamakura). Sư tịch năm 1215, thọ 75 tuổi.

Năm Kiến Trường thứ 7 (1255), đạo gia Satohara kiến lập và khai sơn chùa Đông Phước (Tonfuku) ở Kyoto thỉnh Ngài Ennin (Viên Nhĩ Biện Viên), còn gọi là Thánh Đức Quốc Sư trụ trì và kiêm luôn cả chùa Thọ Phước ở Kamakura và chùa Kiến Nhân. Lúc bấy giờ, Thiền Lâm Tế mở rộng cả Đông và Tây nước Nhật.

Khi kiêm nhiệm trụ trì chùa Kiến Nhân, nhờ ý chí hướng Thiền quyết liệt và công đức của Ngài Lang Khê Đạo Long, Ngài Viên Nhĩ Biện Viên đã chuyển ngôi chùa này thuần túy là Thiền Lâm Tế.

Đoàn chúng tôi đến Chùa Kiến Nhân vào một buổi chiều hơi lạnh. Những cây hoa anh đào ở đây sừng sửng, nở rộ, đón chào khách đến viếng chùa từ năm này qua tháng nọ một cách vui tươi, không hề biết mệt mỏi. Vào trong Thiền đường ngắm nhìn từ nhà, cách bài trí cho đến sân vườn... cái gì cũng tinh tế và đẹp. Hình Đạt Ma, tượng Hàn Sơn Thập Đắc, các pho tượng La hán trưng bày trong tủ kính... đều rất sống động.

Lối trường lan đi qua Chánh điện, trong chùa có để sẵn một thẻ gỗ láng đẹp và mấy cây bút lông. Thấy cảnh sanh tâm, chúng tôi lấy thẻ cầm bút họa thử vài câu “Bình thường tâm thị đạo”, “như thị”, “bất ly đương xứ thường trạm nhiên”... Thế là Phật tử chúng ta vây quanh xin chữ. Mọi người cứ ngỡ Vương Hy Chi, không ngờ viết rồi thấy không ra chi cả.

Đến chánh điện lễ Phật, trên trần nhà có họa hình rồng đang vờn. Đây là một bức họa nổi tiếng nhất vùng này. Chỉ dùng hai màu đen trắng, nhưng với bàn tay tài hoa, nghệ nhân đã thổi hồn vào một bức họa thật sống động, trở thành một kiệt tác.

Tranh thủ ghi hình lưu niệm, đoàn lên xe trở về Osaka trong niềm hoan hỷ, muốn ngày mai được chiêm bái thêm nhiều ngôi Thiền viện hơn hôm nay nữa.

TRÀ NHẬT BẢN

Thiền sư Vinh Tây (Eisai) cũng là người đầu tiên mang hạt giống trà từ Trung Quốc về Nhật Bản. Sư chia hạt trà cho Ngài Myonun (Minh Huệ) trồng và chăm sóc thành cây trà. Sư còn viết tác phẩm “Khiết Trà Dưỡng Sanh Ký”. Trong đó, Sư vừa giải thích sự liên quan của Trà với văn hiến “Dưỡng sanh là thuốc hay” của nước Nhật, vừa nói đến hiệu năng của Trà. Đây là lần đầu tiên người Nhật biết đến loại cây quý nầy cho nên Thiền sư Vinh Tây (Eisai) được tôn kính như vị “Tổ Trà” ở Nhật Bản. Còn vị Tổ Trà Đạo là Ngài Châu Quang, đệ tử Ngài Nhất Hưu.

TRÀ ĐẠO

Đệ tử thiền sư Nhất Hưu là Châu Quang có tật ngủ gật kinh niên. Đến nỗi ở nơi công cộng vẫn thường có tư thái không nghiêm chỉnh. Vì thế Sư rất khổ não và đi hỏi thầy thuốc, thầy thuốc khuyên Sư nên uống nhiều trà. Châu Quang nghe theo lời chỉ dẫn uống nhiều trà. Đúng vậy, sau đó không còn ngủ gật nữa. Nhân đây, Sư dần dần thích uống trà và cho rằng lúc uống trà cũng cần đầy đủ lễ tiết, thế là Sư sáng lập “trà đạo”, sau được tôn làm Trà Tổ.

Hoàn thành trà đạo rồi, thiền sư Nhất Hưu bèn hỏi Sư:

- Châu Quang! Ông dùng tâm thái nào để uống trà?

Châu Quang đáp:

- Vì khỏe mạnh mà uống trà.

Thế rồi thiền sư Nhất Hưu đưa công án “Uống trà đi!” của Triệu Châu cho Sư, bảo:

- Có học tăng xin thiền sư Triệu Châu dạy cho đại ý Phật pháp, Triệu Châu bảo “Uống trà đi!”. Ông đối với sự kiện này có cách nhìn thế nào?

Châu Quang lặng thinh. Tiếp đó thiền sư Nhất Hưu sai thị giả mang đến một chén trà trao cho Sư. Ngay khi Châu Quang đưa tay bưng lấy chén trà, thiền sư Nhất Hưu bèn hét một tiếng và đánh rơi chén trà trên tay Sư xuống đất, nhưng Châu Quang vẫn chẳng động mảy may. Qua một lúc, Châu Quang nói lời tạ từ thiền sư Nhất Hưu và đứng lên đi về phía Huyền Quan (dùng nghĩa một trong Tam Quan để đặt tên của cái cổng). Thiền sư Nhất Hưu kêu lên:

- Châu Quang!

Châu Quang quay đầu thưa:

- Đệ tử đây!

Thiền sư Nhất Hưu hỏi:

- Chén trà đã rơi xuống đất, ông lại có trà uống chăng?

Châu Quang hai tay làm như bưng chén nói:

- Đệ tử vẫn còn uống trà.

Thiền sư Nhất Hưu chẳng chịu thôi, hỏi tiếp:

- Ông đã chuẩn bị rời đây đi chỗ khác, làm sao nói vẫn đang uống trà?

Châu Quang thành khẩn nói:

- Đệ tử đến bên đó uống trà.

Thiền sư Nhất Hưu lại hỏi:

- Ta vừa hỏi ông tâm đắc của việc uống trà, ông chỉ hiểu được bên này uống, bên kia uống, nhưng toàn không tâm đắc. Các loại vô tâm uống trà này sẽ là thế nào?

Châu Quang trầm tĩnh đáp:

- Trà vô tâm, liễu xanh hoa thắm.

Thiền sư Nhất Hưu rất vui, liền ấn khả cho Sư. Sư hoàn thành xong Trà đạo mới, trở thành vị Tổ Trà Đạo.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1011161
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
600
3068
19046
965857
14259
92670
1011161