Thứ Bảy 27/4/2024 -- 19/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Lời Phật Chỉ Một – Cao Thấp Trong Cái Nhìn

Thầy Thích Tâm Hạnh

 1.  LỜI PHẬT DẠY.

Xưa kia đức Phật dạy thật đơn giản, chỉ vài lời mà nhiều người tu hành được đắc đạo. Hiện nay pháp có nhiều là do cái nhìn của người tu học Phật. Một trong những bài Kinh được nhiều người quan tâm đó là Tứ Niệm Xứ.

 Đây có thể nói là bài Kinh đức Phật nói về phương pháp tu hành căn bản của Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam truyền nói riêng. Nếu đọc kỹ và tóm tắt lại một cách thật ngắn gọn, chúng ta sẽ thấy tựu trung bài kinh này đức Phật chỉ nhấn mạnh các ý sau: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ (Thân, thọ, tâm, pháp). ...Quán thân, thọ, tâm, pháp, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời”.

Cũng là những người đang tu học Phật, chúng ta có cách nhìn như thế nào về những lời đức Phật đã chỉ dạy để ứng dụng vào công phu tu tập, đạt đến rốt ráo viên mãn yếu diệu Ngài muốn chỉ bày cho chúng ta.

 

2. Ý CHỈ ĐỨC PHẬT MUỐN CHỈ DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ?

2.1. Quả Chứng: Kết quả khi đã đạt đến đích (yếu diệu) mà đức Phật muốn chỉ dạy:Đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn.

2.2.  Phương pháp dụng công (hành trì): Đó là Bốn Niệm xứ (Thân, thọ, tâm, pháp). ...Quán thân, thọ, tâm, pháp, vị ấy an trú chánh niệm như vậy.

2.3.  Nhằm hướng đến, đạt đến: Với hy vọng hướng đến.

2.4.  Đích (cái ngưỡng) cần đạt đến trước tiên (NHÂN TU): Chánh trí, chánh niệm.

2.5.  Tác dụng khi đã đạt đến đích (cái ngưỡng đầu tiên) mà đức Phật đã dạy: Vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.

 

3.TỐI THIỂU CÓ BAO NHIÊU CÁCH NHÌN VÀ THỰC HÀNH QUA LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT?

3.1. Vừa nghe, liền nhắm ngay đến phương pháp dụng công để thực hiện, quên quan tâm đến vế “Với hy vọng đạt đến” là gì.

Cụ thể, chỉ để tâm chăm chú vào một phần lời dạy của đức Phật để triển khai và thực hành công phu: “Quán thân, thọ, tâm, pháp, vị ấy an trú chánh niệm như vậy”; mà quên để ý đến vế sau Phật muốn chỉ là gì.

3.2. Vừa nghe, liền nhắm ngay phương pháp dụng công để thực hiện, nhưng có quan tâm đến vế “Với hy vọng đạt đến” để hướng tiến tu tập. Như đi mà biết nhắm đến hướng để đi, nhưng ở đây vẫn chưa tỏ rõ (chưa tỏ sáng) đích đến.

Cụ thể là vị này cũng chăm chú vào để triển khai và thực hành công phu: “Quán thân, thọ, tâm, pháp, vị ấy an trú chánh niệm như vậy”. Đồng thời có để ý đến phần: “Với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm”. Nhưng vẫn chưa tỏ rõ, nhận ra: “Chánh trí, chánh niệm” một cách rốt ráo ngay chính mình hiện nay đây là gì. Bởi nếu đã tỏ rõ, hay ra và xác quyết rõ ràng rồi thì sống ngay đó là đã đúng yếu chỉ đức Phật muốn chỉ bày, là đang tu hành. Không còn phải quán thân, thọ, tâm, pháp như người sơ cơ nữa.

3.3. Nghe lời Phật dạy, liền thấu suốt đến chỗ rốt ráo tột cùng mà đức Phật muốn chỉ bày là gì. Chính là phần “Cái đích cần đạt đến là gì?” trong lời dạy của đức Phật.

Là người có căn cơ lanh lợi, vừa nghe lời Phật dạy, liền tỏ ngộ ngay đích mà Phật muốn chỉ bày, đó là: “Chánh trí, chánh niệm”. Là đã đạt đến yếu chỉ, nhận ra chỗ rốt ráo đức Phật muốn chỉ bày cho chúng ta hướng đến. Ngay đó là nhân tu. Sống ngay đó là chân chánh tu hành, không rơi vào tạo tác sanh diệt gì khác.

Như vậy, điều then chốt là chúng ta chỉ cần xác định để nhận ra đích đến ở đây là “Chánh trí, chánh niệm”, thì sẽ nhận ra được ý chỉ cốt lõi mà đức Phật muốn chỉ bày và hướng tiến cho mỗi người. Nhận ra như vậy là người khéo biết cách học Phật.

a)    Chánh trí.

Đây là phần thuộc về kết quả khi hành giả đã đạt đến. Đã là kết quả thì nghĩa của nó phải rốt ráo chứ không thể là những định nghĩa còn trên đường quán chiếu, dụng công. Do đó, chánh trí ở đây là trí tuệ không còn khuyết, lệch hoặc sai, mà là chỉ cho trí tuệ rốt ráo chân thật.

Cụ thể, thử tạm quên thân này, tạm buông tất cả hoàn cảnh chung quanh, cho đến thử buông mọi suy nghĩ trong chốc lát. Khi tất cả đã buông sạch, lắng xuống, sạch trọi không còn gì, có gió thoảng qua, chúng ta liền biết mát, nghe gọi liền dạ... Tất cả đều lặng trong và thấy nghe như nhiên, không cần có tác ý động niệm. Cái bản thể sạch trong sáng biết vô ngại này chính là trí tuệ chân thật chính mình. Bởi không phải từ ngoài mang vào và cũng không thể bỏ đi đâu được, nó luôn sẵn đó nơi mỗi chúng ta. Khi bị áp lực trong cuộc sống, căng thẳng đến nỗi không thể tiếp tục công việc. Nhưng phút chốc ngồi lại, tạm buông xuống hết tất cả, tâm liền được hồi phục, buông thư, bắt đầu lại việc làm của mình sẽ rất hiệu quả. Chỉ mới thử trong chốc lát cũng đã cảm nhận được điều đặc biệt này. Với người tu hành đạt ngộ, sẽ cảm nhận nhiều lực dụng bất tư nghì không thể tả xiết.

Những gì buông xuống được thì đều là tạm bợ, huyễn hóa. Cái không thể nào buông, cái đó mới chính thực là mình. Khi buông xuống hết tất cả sạch sành sanh rồi, nhưng vẫn còn đây một cái sáng biết rạng ngời. Cái ấy vô tướng, không động, nhưng hằng thấy biết rành rẽ, rõ ràng, buông không được, bỏ không xong. Đó mới là cái chân thật, là thể tánh hay còn gọi là trí tuệ vô sư chính mình. Trí tuệ vô tướng sẵn tự sáng biết linh thông đến chủ động mà bất động này mới là trí tuệ rốt ráo chân thật, là Chánh trí.

b)    Chánh niệm.

Nguyên văn lời đức Phật dạy: “Quán thân, thọ, tâm, pháp, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm”. Chúng ta thấy hai vế đức Phật nhắc đến chánh niệm: “Vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến ..., chánh niệm”. Thử thay đổi chữ “Chánh niệm” trên bằng vị trí hiện tại mình đang ngồi nghỉ, ví dụ như cái thất chẳng hạn, sẽ thấy: “Tôi đang an trú ở trong cái thất của tôi với hy vọng mong rằng sẽ đi đến cái thất của tôi”. Không ai nói như vậy cả. Và đối với “chánh niệm” ở đây cũng vậy. Chắc chắn không phải đức Phật nói ra với nghĩa trùng lặp vô lý như thế. Cho nên chánh niệm tuy là một từ, nhưng theo dụng ý trong ngữ cảnh đức Phật dạy, cho chúng ta nhận ra được, nó có hai phần, mang hai ý nghĩa khác nhau.

b1) “Chánh niệm” ở phần đầu là đức Phật dạy cách tu. “Vị ấy an trú chánh niệm như vậy” là nói đến phương pháp dụng công, còn trong quá trình hạ thủ công phu tu tập. Do đó, chữ chánh niệm ở đây có nghĩa là tỉnh giác, không thất niệm, không bất giác.

b2)Chánh niệm” ở phần sau (vế sau) là đức Phật nói đến kết quả sau khi thực hành công phu và đạt đến đích. Cụ thể Phật nói: “Với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm”. Do vậy, nghĩa của từ “Chánh niệm” ở đây sẽ là kết quả của việc dụng công từ “Chánh niệm” ở trên là tỉnh giác, không thất niệm, bất giác. Mà đạt đến rốt ráo của không thất niệm, hoàn toàn không còn bất giác, luôn luôn hằng tỉnh giác khi và chỉ khi hành giả đã đạt đến tâm thể vốn vô niệm, nhưng sáng biết rõ ràng, không rơi vào cơ lặng yên của không tịch. Cho nên, nghĩa của Chánh niệm rốt ráo ở đây là Vô niệm. Chánh niệm là vô niệm.

3.4.  Tóm lại.

Ba phần cao và thấp như trên là do căn cơ của từng người học mà có ra, chứ không phải từ pháp của đức Phật. Và vì là do căn cơ của con người, có ra từ con người cho nên nó là một sự thật hiển nhiên đang hiện hữu giữa cuộc sống tu tập của nhiều người mà ai cũng có thể nhận thấy. Đồng thời căn cơ chúng sanh có vô vàn sai biệt cho nên cách nhìn và nhận hiểu về lời Phật dạy cũng còn vô vàn khác nhau, tùy theo cái thấy sâu cạn của mỗi người. Ba cách nhìn trên chỉ là tóm tắt một cách cô đọng và ngắn gọn nhất có thể mà thôi.

 

4.  CAO THẤP TRONG MỘT CÁCH NHÌN.

Trong Ngữ Lục Vấn Đáp Môn Hạ, vua Trần Thái Tông nói:

Mưa xuân không cao thấp,

Cành hoa có ngắn dài.

Mưa rơi, chỉ một mực rơi xuống đất. Nhưng cành hoa dài thì hứng được mưa ở độ cao, nhanh hơn; còn với cành hoa ngắn thì sẽ chạm được mưa ở chỗ thấp, cấp độ sẽ thấp và chậm hơn. Mưa chỉ có vậy, thấp hay cao là bởi cành hoa có ngắn và dài không đồng đều.

Cũng vậy, lời dạy đức Phật chỉ có một, nhưng do căn cơ chúng sanh có cao thấp, công phu của mỗi hành giả có sâu cạn khác nhau, cho nên cách nhìn cũng theo đó mà có cao và thấp không đồng. Ví như quán sổ tức (đếm hơi thở) là pháp căn bản cho người sơ cơ mới thực hành Thiền. Cũng với hành giả mới vào Thiền, do căn cơ lanh lợi nhận ra chân tâm cho nên vị này cũng đếm và biết rõ hơi thở, nhưng không phải biết theo, biết về hơi thở như những vị khác, mà tâm tự hiện tiền. Hơi thở, thân này, các cảnh chung quanh đều trở nên trong lặng, rõ ràng, không can hệ đến nhau. Cho thấy, cùng trong một pháp quán sổ tức, nhưng cao thấp là do căn cơ mỗi người, còn pháp Phật thì vẫn vậy, vượt ngoài phân biệt phàm tình cao thấp.

 

5.  KIỂM NGHIỆM.

5.1.  Quả chứng:Kết quả khi đã đạt đến đích (yếu diệu) mà đức Phật muốn chỉ dạy:

Kết quả, đích đến đã đạt được có tác dụng đúng như yếu chỉ Phật dạy: Khi đạt đến Chánh trí, chánh niệm” như vừa nêu trên, sẽ “Đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn”.Kiểm nghiệm cụ thể:

Đã chứng ngộ và sống bằng trí tuệ vô sư, tánh thể này vắng bặt nhưng giác sáng trùm khắp. Trong ấy vốn không một vật, trong ngần, không nhơ bợn, khiến cho hành giả tự không còn dính mắc. Tự mình thấy rõ, rất khế hợp với tính chất đức Phật đã nói: “Đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh”.

Sống bằng tâm thể này, bóng dáng sầu não không còn. Diệu lực của định tuệ trong tánh thể ấy khiến cho hành giả tự vượt thoát, tất cả không can hệ. Những gì có thể làm cho chúng sanh khổ ưu, lúc này không còn đủ giá trị chi phối. Bởi lực của tâm này đối diện với bất kỳ hoàn cảnh hay tình huống nào, cũng chỉ như như, không động mà hằng sáng biết rõ ràng, không sai lầm, xen lẫn. Như thế là đã đúng với lời Phật dạy: “Vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu”.

Sạch hết tất cả, không còn dấu vết mà hằng sáng rỡ, lặng trong. Không có tướng của tâm, không có thức phân biệt cảnh mà vẫn rõ ràng thường biết, không động. Sống trọn vẹn bằng trí tuệ rốt ráo như thế là đã đúng với lời Phật dạy: “Thành tựu chánh trí”.

Muốn thành tựu đạo quả Niết-bàn vô sanh thì phải bắt đầu từ nhân vô sanh để tu tập. Cần nhận ra và sống thẳng bằng bản thể vô sanh ấy thì mới có ngày chứng ngộ Niết-bàn mà chư Phật đã thành tựu. Và người đã thể nhận trí tuệ vô sư (Chánh trí), sống bằng tâm thể sáng trong rõ ràng thường biết kia chính là đã ngộ ra và sống được bằng nhân vô sanh. Sống ngay đó là chân thật tu hành. Và tu hành như thế mới đạt đến cứu cánh Niết-bàn mà đức Phật đã dạy: “Chứng ngộ Niết-bàn”.

5.2.  Tác dụng khi đã đạt đến đích (cái ngưỡng đầu tiên) mà đức Phật đã dạy.

Khi đạt ngộ và sống bằng trí tuệ vô sư, hành giả dễ dàng tự thấy ra rất rõ những tác dụng (diệu dụng) đúng với lời Phật đã dạy:“Vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời”.

Trí tuệ vô sư (chánh trí) hay tâm thể nơi mỗi chúng ta, trong nhà thiền còn gọi là “Đạo nhơn vô y”. Tức là hằng sống bằng vị đạo nhơn không nương tựa bất cứ gì, không làm bạn cùng muôn pháp. Không phải đợi có cảnh vật mới thấy nghe hiểu biết. Hằng ngày thấy, nghe, biết khắp mà rõ ràng là đang tự sáng biết, chứ không phải chú tâm biết về, biết theo mọi vật bên ngoài. Người sống về bằng chánh trí là hằng tự sáng biết như thế thì nào có nương tựa gì? Sống được như vậy là đã đúng với giá trị, tác dụng đức Phật đã nêu rõ: “Vị ấy sống không nương tựa”.

Bản thể ấy xưa nay vốn không một vật, nhưng hay liễu biệt rõ ràng. Không còn khởi ý phân biệt, thấy biết như thị. Thấy biết vượt cả căn và cảnh, không còn thức để bị phan duyên, dính mắc. Dính mắc đã tự không thì chấp trước làm sao có được. Hành giả đã đạt ngộ và sống như thế, sẽ tự mình thấy ra rất rõ ràng diệu dụng đức Phật đã dạy ngay sức sống chính mình: “Vị ấy sống ..., không chấp trước một vật gì trên đời”.

 

6.  CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT LÀ GÌ?

Văn Kinh đức Phật đã nhấn mạnh: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ (Thân, thọ, tâm, pháp). ...Quán thân, thọ, tâm, pháp, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời”. Vậy con đường độc nhất mà đức Phật muốn chỉ cho chúng ta là gì?

6.1.    Giả sử: “Đó là Bốn Niệm xứ (Thân, thọ, tâm, pháp). ...Quán thân, thọ, tâm, pháp, vị ấy an trú chánh niệm như vậy”.

Nếu pháp độc nhất là Tứ Niệm Xứ thì tại sao Phật cũng có nói về pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên...? Nếu con đường độc nhất là Tứ Niệm Xứ thì đối với Tứ Đế thế nào? Song song với pháp Tứ Niệm Xứ, đức Phật còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các pháp khác như Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên… Vậy thì pháp độc nhất đó là gì? Ở đây cần nhận ra, lời Phật nói là chân lý, đức Phật nói ra luôn chính xác, lo-gic, nhưng còn có chỗ phải suy nghĩ là do chúng ta tu chưa thông, thấy chưa tới.

6.2.     “Với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm”. Chính là đạt đến nhân tu.

Nghe Phật dạy như trên, chúng ta liền nhận thẳng đến chỗ đức Phật muốn chỉ: “Với hy vọng hướng đến” đó là: “Chánh trí, chánh niệm.”. Đạt đến Chánh trí, chánh niệm một cách rốt ráo như đã nêu ở trên là trở lại tánh thể vô sanh, tánh này bất sanh bất diệt, là nhân tu vô sanh. Bằng nhân vô sanh để sống và tu hành thì mới đạt đến quả vị vô sanh mà chư Phật đã thành đạo. Không thể từ nhân sanh diệt mà thành tựu được quả vị vô sanh. Đây là con đường duy nhất, không thể còn con đường nào khác, do đó đức Phật nói: “Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn”.Như đã phân tích ở trên, hành giả đã sống về bằng tánh thể vô sanh này thì tất cả diệu dụng đức Phật vừa nêu đều đầy đủ trong ấy.

Gọi là con đường độc nhất, bởi tất cả các pháp khác đều quy về trong con đường này. Chúng sanh có nhiều căn cơ, nhiều tâm bệnh do đó Phật nói nhiều pháp phù hợp để đối trị. Nhưng tất cả đều quy về một. Đó là dù cho hành giả tu hành pháp môn nào đi nữa thì cuối cùng cũng phải đạt đến nhân vô sanh là “Chánh trí, chánh niệm” một cách tuyệt đối, rốt ráo như đã nói rõ ở trên, đó là thấy đạo. Ngay đó mà tu hành thì mới thành tựu viên mãn Phật đạo được.

Các pháp Phật dạy đều là phương tiện, là con đường để đi đến cứu cánh Niết-bàn. Mà mốc đầu tiên hành giả tu tập các pháp sẽ đạt đến là tánh thể vô sanh (là kết quả chánh trí, chánh niệm đức Phật đã dạy). Lúc này, sống thẳng đó là chân thật tu hành, công viên quả mãn sẽ viên thành Phật đạo. Như thế mới thỏa mãn với ý nghĩa là “con đường độc nhất” đối với tất cả các pháp tu mà đức Phật đã dạy.

Cho thấy, con đường độc nhất là nơi tất cả các con đường cùng gặp nhau, là duy nhất một thượng vị giác ngộ giải thoát, chứ không phải chỉ là một pháp nào đó. Cội nguồn giác ngộ là tâm tánh mỗi người. Khi đã nhận ra, từ đây cho hành giả thấy biết các pháp đúng như thật; là thấy biết giác ngộ. Diệu lực của tự tánh này cho hành giả vượt thoát tất cả, là giải thoát. Sống thẳng bằng tánh này là tu hành. Khi viên mãn, sẽ thành Phật. Đây đúng nghĩa là con đường độc nhất, bởi chỉ có một hướng duy nhất này đạt đến Phật đạo. Còn lại, đều là pháp phương tiện, còn trong tạo tác sanh diệt, chưa thể từ đó thẳng đến Phật đạo được. Cụ thể ở đây, con đường độc nhất đối với Tứ Niệm Xứ là chỗ “đạt đến chánh trí, chánh niệm” của kết quả, đích đến từ pháp hành này như đã nói rõ ở trên, chứ không phải ở tại con đường. Nếu dừng lại tại con đường thì con đường Tứ Niệm Xứ sẽ không đồng với Tứ Đế… Trong khi các con đường ấy đều quan trọng như nhau cho nên không thể nói một pháp nào là một con đường độc nhất được.

Không phải mơ hồ mà nó có một định hướng rạch ròi cho nên gọi là một con đường. Nhưng chỉ là đạt đến tâm thể sáng ngời (chánh trí), vốn trong ngần, vô niệm (chánh niệm), chứ không bàn nói các tướng thứ lớp có tạo tác; do đó cũng không phải có tướng của một con đường. Pháp, nhưng không phải có tướng của phương pháp. Không pháp, cũng là một pháp. Cho nên có bài Kinh đức Phật nói: “Có pháp môn nào”, chứ không nói cụ thể là một pháp môn nào cả. Bởi pháp môn ấy vô tướng, không có danh xưng, nhưng hay dung hết tất cả các pháp môn mà đức Phật đã nói ra. Và đây mới đúng nghĩa là con đường độc nhất mà đức Phật muốn chỉ bày cho tất cả chúng ta. Bởi tất cả các con đường khác cuối cùng phải quy về trong này. Muốn thành Phật phải bắt đầu từ đây. Chỉ có độc nhất một con đường vô tướng này, không còn lối rẽ khác.

 

7.  LƯU Ý.

Đây là chỉ về cách nhìn qua lời Phật dạy, chứ không phải triển khai phương pháp hành trì. Nếu ngộ thẳng yếu diệu rốt ráo mà Phật chỉ dạy, đó là đốn ngộ bản tâm của Thiền Thượng Thừa. Ngộ thẳng tánh mình, không qua phương tiện. Nếu chưa thể như thế thì hành giả dụng công tu tập đúng nguyên lý Thiền Thượng Thừa mà Tổ Pháp Loa đã dạy: “Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền thượng thừa”. Nghĩa là: Còn dụng công thì không chấp vào phương pháp hành trì (không được chấp dụng công).Đã kiến tánh thì sống ngay bản tánh là công phu (dụng mà không có chỗ dụng).Đó là tu thẳng đến chỗ vô tu, không kẹt phương tiện, tạo tác.Là tu mà không tu; không tu mà tu; mới đạt đến chân thật tu hành.Đây là con đường thẳng tắt để đạt đến đích chính mà đức Phật muốn chỉ bày cho tất cả chúng ta, là nhận ra và sống bằng tánh Phật để thành Phật.

 

8.  KẾT LUẬN.

Ngay một lời Phật dạy mà hay thông được yếu chỉ rốt ráo là đã thông suốt được cốt lõi, trọng tâm, đại ý hay mục đích mà đức Phật muốn chỉ bày, hướng tiến cho tất cả chúng sanh. Cũng thế, thông được yếu diệu này thì tự mình suốt thông hết tất cả những gì đức Phật đã giảng thuyết.

Nếu ai học thông nghĩa lý Kinh Phật, quyết chí hạ thủ công phu. Thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm này bùng vỡ, rạng ngời, sẽ thấy ra rất rõ việc học Phật và tu Phật vốn rất thực và gần nơi chính bản thân mỗi người, chứ không phải ức tưởng, lập định hay học 

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

443102
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1424
2394
15986
401307
68637
73473
443102